29/06/2012 20:18 (GMT+7)
Số lượt xem: 163430
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trước hết, tôi muốn chào mừng tất cả các bạn, những bạn hữu và học trò đã có mặt tại giảng đường ngày hôm nay. Vào thời gian này, do tham dự một sự kiện ở nước Anh, nên tôi tranh thủ thời gian đến đây để gặp gỡ và tổ chức lễ đón mừng năm mới cùng tất cả các bạn.


Thực sự thì năm mới không phải là thời điểm rất quan trọng cần kỷ niệm. Việc tổ chức lễ kỷ niệm đón chào năm mới thường không quan trọng vì thời khắc này chỉ là một phần trong cuộc đời, chỉ là một trong những đổi thay của thời gian do chúng ta tạo ra, không có gì cần phải ồn ào về nó cả. Song năm nay, mọi người đang rất tưng bừng tổ chức đón mừng năm mới vì có sự chuyển giao từ thế kỷ hai mươi sang thềm thế kỷ hai mươi mốt. Do có rất nhiều người đang bàn tán về thời khắc đặc biệt này nên tôi nghĩ có một trường năng lượng đang được tạo ra, và vì thế chúng ta sẽ phải cùng nhau hướng nguồn năng lượng vào mục đích đúng đắn.

Trên thực tế, toàn bộ thế giới hay còn gọi là cõi luân hồi này đang vận hành thông qua sự vọng tưởng. Ngoài ra, chúng ta tạo ra nhiều hoạt động từ việc vọng tưởng đó, vốn là sự khởi tạo của trạng thái tâm chúng ta. Việc mọi người đều đang bàn nghĩ rất nhiều về thiên niên kỷ tới có một số ảnh hưởng nhất định đến thế giới, không chỉ đối với toàn thể thế giới bên ngoài mà còn cả đối với thế giới của mỗi cá nhân. Do vậy, chúng ta cần tập trung nỗ lực theo cách thức và phương hướng đúng đắn để có thể đưa toàn bộ thế kỷ mới vào một con đường, một quỹ đạo tốt đẹp. Dù làm bất cứ điều gì, tất cả chúng ta đều đang sống trong một thế giới với những mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau, thế nên chúng ta phải chung tay tạo lập và phát triển thế giới này theo cách đúng đắn nhất. Vì những lý do trên mà ngày mai, ngày đầu tiên của thiên niên kỷ mới, là một ngày rất quan trọng. Nếu các bạn có thể thành công trong việc thay đổi, hay chuyển hướng nguồn năng lượng của bản thân thành một con đường tâm linh, thì toàn bộ thế kỷ tới sẽ lợi ích không chỉ cho riêng bản thân các bạn mà còn tới hết thảy chúng sinh. Động lực này, là cốt lõi tinh túy của việc tu tập thực hành theo Đạo Phật.

Như tôi vẫn thường xuyên nhấn mạnh, con đường tâm linh là giá trị đích thực duy nhất của cuộc sống, vì con đường này dẫn dắt bạn đến bến bờ hạnh phúc cho bản thân mình và cho cả người khác. Do vậy, bất cứ điều gì bạn làm đều nên theo sự dẫn dắt, mách bảo của hiểu biết về tâm linh, nếu không cuộc sống của chúng ta sẽ không còn đọng lại nhiều ý nghĩa. Đây không phải là ý kiến của riêng tôi, song tôi cho rằng mọi người đều có thể hiểu được điều này nếu họ thực sự suy ngẫm một cách phù hợp và đúng đắn. Đây cần là một trong những lý do khiến chúng ta nên chuyên cần trưởng dưỡng đạo tâm và cùng thực hành nhiều thiện hạnh để tạo ra những năng lượng từ trường tích cực cho thiên niên kỷ tới!

Nhiều người nói chuyện và có suy nghĩ rất tiêu cực về thế kỷ tới. Họ thậm chí còn nói về ngày tận thế, hay thời khắc tận thế đang đến gần. Họ kêu ầm lên rằng, chỉ trong vài tiếng đồng hồ nữa, thế giới sẽ đến lúc diệt vong. Cũng có một số người phỏng đoán thế kỷ tới sẽ là khoảng thời gian vô cùng tồi tệ và tiêu cực. Họ muốn nói gì cũng được, điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là, chúng ta cần tiên quyết bước vào con đường tu tập thực hành tâm linh, nếu chúng ta thực sự làm được điều này thì sẽ không có vấn đề, rắc rối lớn nào xảy ra cả.

Trong thực tế, các bạn có thể thấy các thảm họa đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, và trong chừng mực những ai có mặt nơi đây vẫn đang sống tốt đẹp và chưa thực sự bị những thảm họa, chiến tranh, bão táp,… đe dọa, thì bạn cần hiểu rằng đó là vì chúng ta chưa phải trả nghiệp ấy. Đứng trên phương diện cá nhân mà nói, do có duyên nghiệp tốt nên chúng ta may mắn không bị những thảm họa đó gây ảnh hưởng hay đe dọa. Song nhìn chung, thế giới này có đầy những thảm họa và vô vàn nỗi khổ đau. Khi xem tin tức thời sự hay đọc báo, điều đầu tiên bạn có thể nhận thấy là dường như các chuyện xấu đang xảy ra ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên khóc lóc hoặc phiền não về những điều này. Thay vì nghĩ tới những gì tồi tệ hơn, chúng ta nên thực sự suy nghĩ một cách lạc quan về thế giới và về triển vọng của thế giới trong thế kỷ tới.

Cá nhân tôi thành tâm mong nguyện thế giới sẽ phát triển và thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn và nhờ đó chúng ta sẽ có thể chia sẻ tình thương yêu sống hạnh phúc tương thân tương ái với nhau. Cùng với việc chia sẻ tình thương yêu và lòng bi mẫn thông qua hiểu biết về tâm linh, tôi cho rằng thế kỷ mới sẽ đem đến cho chúng ta nhiều cơ sở để lạc quan và hy vọng. Tôi đang đề cập đến tầm quan trọng của việc xây dựng con đường tâm linh, bởi con đường này giúp chuyển hóa thế giới chúng ta thành một thế giới tích cực, được soi sáng bởi ánh tuệ đăng của sự hiểu biết giác ngộ. Trong bối cảnh thế giới đang suy vi, dường như chỉ có con đường tâm linh là giải pháp duy nhất để chúng ta thực sự tồn tại và phát triển một cách tích cực. Thông qua con đường tâm linh, chúng ta có thể xây dựng tình yêu thương, lòng bi mẫn và hiểu biết cảm thông đích thực về cõi luân hồi, thế giới và những điều khác. Tuy nhiên, dường như có sự cản trở rất mạnh mẽ đang ngăn chặn chúng ta thực hành tình yêu thương và lòng bi mẫn. Dường như chúng ta chưa trưởng dưỡng hoàn hảo những phẩm hạnh này, do còn thiếu hiểu biết về tâm linh. Do vậy, khoảng thời gian hiện tại của chúng ta là một thời kỳ quá độ quan trọng. Chúng ta đang ở tại thời điểm chuyển giao từ thế kỷ này sang thế kỷ tiếp theo, và các bạn cần nghĩ rằng: “Kể từ sáng ngày mai trở đi, tôi sẽ nhất định đưa bản thân mình đi đúng hướng, đi theo hướng có sức mạnh tâm linh.” Bạn phải hứa với bản thân và quyết tâm rằng: “Tôi sẽ thực hành tu tập con đường tâm linh để phát triển cuộc sống của mình, để chia sẻ tình yêu thương và lòng bi mẫn với tất cả các chúng sinh.” Điều này chắc chắn sẽ thay đổi cuộc sống của bạn. Nói đúng hơn, đây là cách duy nhất có thể thay đổi tích cực và rốt ráo cuộc sống của chính bạn.

Chúng ta cần thay đổi cuộc sống của chính mình, vì dường như cho đến giờ chúng ta vẫn thường gặp trở ngại khi thực hiện những thiện hạnh tốt lành, trong khi lại có thể dễ dàng gây ra những ác hạnh. Cho đến nay, chúng ta đã rất thành công trong việc làm những điều xấu. Các suy nghĩ của chúng ta phần lớn đều mang tính tiêu cực. Chúng ta trò chuyện một cách tiêu cực, hành động cư xử theo cách thức tiêu cực, và chúng ta lấy làm thích thú về điều đó! Song sự thích thú đó cuối cùng sẽ đem lại những kết quả vô cùng khổ đau. Vì thế, chúng ta phải quyết tâm đoạn tuyệt lối sống này. Chúng ta muốn có nhân quả tốt, muốn gieo nhân lành trong kiếp sống này và cả những kiếp sống về sau. Cả nhân và quả đều cần phải được thay đổi bằng một quá trình tích cực để có kết quả tốt. Thực sự thì, tôi không thích gọi quá trình này là “tốt” và “xấu” mà nên gọi là “tích cực” và “tiêu cực.” Tôi không biết giữa hai thuật ngữ “tốt” và “tích cực” có gì khác biệt không, song tôi cảm thấy khách quan hơn nhiều khi nói “tích cực và tiêu cực” vì “tốt và xấu” là những thuật ngữ mang tính rất tương đối. Chúng ta hãy cùng tìm kiếm và đi theo con đường tích cực. Trong chừng mực con đường đó có ý nghĩa tích cực thì cho dù người khác có đánh giá “tốt hay xấu” theo nghĩa thế gian, nó cũng không thành vấn đề.

Tất cả các bạn đều đã trải nghiệm những khó khăn, trở ngại khi bắt đầu một việc làm tích cực nào đó. Ví dụ như việc thực hành các thiện nghiệp, hay trên phương diện tu tập, thực hành Pháp tu mở đầu Ngondro hoặc thực hành tụng niệm hay thực hành bố thí, dường như đều là chuyện khó khăn. Ban đầu, chúng ta cần nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tháng, nhiều năm để ngẫm nghĩ về những điều tích cực mà mình cần làm, để sau đó nhiều năm sau vẫn chẳng có điều gì xảy ra cả. Và rồi, một lúc nào đó trong quãng thời gian này, dự định tích cực của chúng ta biến mất và không bao giờ trở lại. Ngay cả suy nghĩ về việc làm chuyện tích cực cũng biến mất, và rồi đương nhiên, những thiện hạnh này không xảy ra thì ta cũng không gặt được. Tôi thấy điều này khá phổ biến với rất nhiều người trong số chúng ta.

Đối với những người có may mắn bắt đầu thực hiện được những điều tích cực sau nhiều năm suy ngẫm, họ thường gặp phải nhiều trở ngại. Khi bạn bắt đầu những thiện hạnh, có thể sức khỏe của bạn sẽ yếu đi hoặc trí tuệ của bạn sẽ suy giảm. Có thể về thể chất và tinh thần, bạn đều mạnh khoẻ, song bạn lại bị khánh kiệt về tài chính, hoặc gặp phải một hoàn cảnh khó khăn tương tự. Sẽ có vấn đề liên tục diễn ra do có những trở ngại. Những chướng ngại này luôn tồn tại và ngăn trở việc bạn thực hành những thiện nghiệp. Những trở ngại đó được gọi là các “ác nghiệp” hay “nghiệp xấu”. Ác nghiệp có thể cản trở những việc làm tích cực của bạn bất chấp ý chí của bạn muốn làm những việc tốt đó. Nghiệp xấu đó phải được các thiện nghiệp của bạn làm tiêu tan!

Trên thực tế, nghiệp xấu không phải là điều chúng ta buộc phải đương đầu. Chúng có thể được chuyển hoá thành nghiệp tốt thông qua những công đức, thiện hạnh mà bạn tích lũy. Thông qua việc thực hành thiện hạnh hoặc tinh tiến tu tập, bạn có thể tạo duyên cho các thiện nghiệp được khởi sinh. Tôi cho rằng các bạn có thể biến các điều kiện đó thành hiện thực. Nếu bạn không tin vào việc thay đổi các duyên nghiệp thì hoàn cảnh của bạn sẽ gần như là vô vọng, vì nghiệp của chúng sinh có đến 97 hay 98% là tiêu cực, chỉ còn hai đến ba phần trăm cơ hội tích cực mà thôi. Có thể một số người có duyên nghiệp rất tốt, rất tích cực. Tuy nhiên, 98% dân số thế giới có nghiệp tiêu cực. Do vậy, lẽ đương nhiên là đời sống riêng của mỗi chúng ta cũng như hoàn cảnh chung của thế giới này có cái gì đó chưa được hoàn toàn tươi sáng.

Như chúng ta có thể thấy, thế giới chúng ta sống đang đầy tiêu cực nhiễm ô. Tuy nhiên, bằng con đường tâm linh, mọi người có niềm hy vọng vào những điều kiện sống tốt hơn. Các điều kiện này là những thứ duy nhất chúng ta có thể tạo ra thông qua nỗ lực của chính bản thân chúng ta và thông qua sự gia trì từ các bậc Thượng sư, các Daka và Dakini, tất cả các chư Phật và chư Bồ Tát, các hộ pháp thiện thần… Về cơ bản, đây là những sự gia trì đầy tốt lành từ các Ngài, song trên phương diện thực hành, việc mỗi chúng ta nhận ra bản chất tâm của mình mới là điều quan trọng nhất. Nếu chúng ta có sự gia trì từ chư Phật, chư Bồ tát, có trí tuệ để hiểu biết nội tâm và biết chuyển hóa bản thân thì việc chuyển hoá thế giới thành tích cực sẽ không gặp nhiều khó khăn. Chúng ta sẽ có thể chuyển hoá thế kỷ tới thành một thế kỷ thực sự tích cực.

Có thể, các bạn đã nghe nhiều đến các “nhân duyên”, song cho đến nay, chúng ta chưa thực sự tập trung việc thực hành, tu tập vào các nhân duyên. Đó là lý do tại sao chúng ta vẫn ngồi đây, gần như không làm gì. Chúng ta chỉ ồn ã và hứng thú với sự giải đãi của cuộc sống nhưng kết quả là chúng ta sẽ không bao giờ đạt được thành tựu. Vào cuối đời, chúng ta có thể sẽ nhận ra rằng: chúng ta đã phí hoài năng lượng của bản thân và toàn bộ mọi cơ hội tốt đẹp đến từ cuộc sống quý giá. Nhưng lúc đó đã quá muộn rồi. Do vậy, thông điệp thực sự cho thế kỷ sắp tới, vào thời khắc quan trọng của năm mới này là bạn hãy thực hành tâm nguyện của mình trên con đường tâm linh!

Các bạn cần phát nguyện tạo ra những điều kiện tốt đẹp trong đời sống của mình. Chừng nào chưa có tâm nguyện đó chúng ta chưa tạo dựng được những nhân duyên tốt đẹp cho bản thân, và vì thế mà phần lớn thời gian, chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng của duyên nghiệp. Nghiệp luôn tự vận hành, không cần sự thúc đẩy, và chúng ta không cần làm bất cứ điều gì để nghiệp diễn ra. Đó là lý do tại sao chúng ta lại làm theo duyên nghiệp, nói một cách khác, chúng ta luôn chịu tác động của nghiệp. Chúng ta không thể kiểm soát được bản thân. Nói một cách khác, chúng ta không có các nhân duyên. Chúng ta đã không kiểm soát được các nhân duyên vì chúng ta thiếu sự phát nguyện cam kết làm những điều đó.

Do vậy, từ giờ phút này trở đi, chúng ta nên đưa cam kết phát nguyện vào việc tu tập thực hành. Từ thời khắc chào đón năm mới này đến khi chúng ta đạt được giác ngộ, chúng ta nhất thiết phải thực hành phát nguyện. Trong đời sống chúng ta cần có tâm nguyện. Thế nhưng, tâm nguyện lại không phải là điều tự nhiên tức thì được viên mãn. Khi thấy tâm nguyện không được đáp ứng ngay, chúng ta thường vội vã cho rằng rốt cuộc chẳng có gì trong cuộc sống này là nhiệm màu và chẳng có tâm nguyện nào của mình được viên mãn nữa cả. Tôi muốn nói, những tâm nguyện của bạn có thể được viên mãn hay có thể không, nhưng nếu chúng ta chỉ biết ngồi đó mà chờ thì mọi chuyện sẽ luôn quá muộn. Do không có tâm nguyện nào có thể thành tựu ngay tức khắc nên chúng ta cần phải dần dần thực hành để biến tâm nguyện đó thành sự thật. Chúng ta cần hiện thực hóa tâm nguyện của mình với niềm cảm hứng, và nếu không có sự trợ duyên của phát nguyện thì quá trình này sẽ trở nên rất khó khăn. Nếu không có động lực, nếu chúng ta chỉ uể oải thụ động để mặc mọi việc diễn ra theo cơn gió nghiệp thì cuộc sống này sẽ sớm trôi qua một cách vô cùng luống uổng. Trong khi đó, việc thực hiện những nghiệp tiêu cực lại là điều gì đó rất dễ thực hiện, thực sự dễ dàng và với những kết quả gần như tức thời.

Những việc như trò chuyện một cách tiêu cực, suy nghĩ một cách tiêu cực, ăn uống một cách tiêu cực là những điều tự nhiên chúng ta có thể làm mà không cần cố gắng. Lấy ví dụ như việc hầu hết chúng ta đều muốn ăn nhiều đồ ăn có hại. “Có hại” ở đây có nghĩa là “tiêu cực”. Nếu đồ ăn đó không có hại cho cơ thể, nó có thể có hại cho đời sống tâm linh, hoặc nếu không phương hại đến đời sống tâm linh, nó có thể có hại cho thể chất. Nói chung, dường như những đồ ăn, đồ uống của chúng ta và những điều chúng ta nói đến và suy nghĩ đến đều có sự tiêu cực. Kiểu tiêu cực này diễn ra gần như tức khắc. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở phần trước, việc thực hiện những điều tích cực là việc làm rất khó khăn. Các bạn cần phải được khích lệ sách tấn để có thể bắt đầu chuyển hóa mình qua việc thực hiện những thiện nghiệp. Sự khích lệ này được gọi là thệ nguyện, và giới hạnh. Tôi cho rằng, những điều này rất quan trọng để các bạn có thể thực hành tu tập tâm linh.

Tứ vô lượng tâm

Tâm nguyện mà chúng ta đang nói đến nằm trong phạm vi của “Tứ vô lượng tâm”. Tứ vô lượng tâm là những suy nghĩ chúng ta cần có trong tâm chúng ta và trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta cần luôn suy nghĩ và thực hành, tu tập theo con đường mà chư Bồ tát đã phát nguyện đi theo và thực hiện. Con đường của chư Bồ tát khởi đầu bằng bài cầu nguyện Tứ vô lượng tâm như sau:

Nguyện chúng sinh đắc nhân an lạc
Sống an vui từng chớp sát na.
Nguyện chúng sinh muôn khổ lìa xa
Thoát vòng tục lụy phiền hà thế gian.
Nguyện chúng sinh dứt khổ hân hoan
Vô lượng hỷ lạc từ quang sáng ngời
Nguyện chúng sinh an trụ không rời
Trong bình đẳng xả muôn đời vô ưu.

Đây là những suy nghĩ hay còn gọi là tâm nguyện chúng ta cần nghĩ đến và thực hành trên bước đường tu tập.

Những lời phát nguyện trên nói: “Nguyện chúng sinh...”, nhưng khi chúng ta nguyện: “Nguyện chúng sinh đắc nhân an lạc” thì cùng lúc chúng ta phải thực hành tâm nguyện đó. Khi những lời nguyện này được viết ra, nghe có vẻ như đó chỉ là một nguyện ước chứ chưa phải là một cam kết thực hành. Tuy nhiên, cùng lúc phát nguyện, chúng ta thực sự cần phải cam kết làm mọi việc với động lực mạnh mẽ được nâng đỡ bởi đại nguyện này để biến những những tâm nguyện của chúng ta trở thành hiện thực. Chúng ta phải có sự cam kết thực hành, phải thực sự phát nguyện thực hành. Ví dụ như, khi chúng ta nói: “Nguyện chúng sinh…” thì cùng lúc chúng ta phải nguyện rằng: “Tôi sẽ biến điều này thành hiện thực, tôi sẽ giải thoát mọi chúng sinh khỏi khổ đau và cội rễ của khổ đau, tôi sẽ đem lại an lạc, hạnh phúc, tôi sẽ thấy hạnh phúc khi làm cho người khác hạnh phúc.” Do đó, “tôi sẽ” là một dạng cam kết. Nếu muốn, bạn có thể nói đây là một dạng thệ nguyện bạn đang đưa ra. Việc nghĩ về điều này theo cách như vậy chẳng có gì là sai trái cả. Điều đó không phương hại và cũng không gây ra khổ đau gì, cũng như không làm chúng ta rối trí hay bất cứ điều gì mang tính tiêu cực. Bạn có thể lặp lại lời thệ nguyện này bao nhiêu lần tùy thích. Việc đó không có gì là sai trái. Những lời thệ nguyện này cần được phát nguyện càng nhiều càng tốt, qua đó, những lời phát nguyện sẽ tự động nuôi dưỡng, thúc đẩy bạn trên con đường thực hành tâm linh.

Tứ vô lượng tâm có ba khía cạnh hoặc còn gọi là ba cách thực hành. Ví dụ như trong Kim Cương thừa chúng tôi nói: “sem chen tham ched de wa dang de wei gyu dang den par gyur chig,” và cùng lúc đó nói: “de wa dang den nang chi ma rung,” và sau đó nói “den par ja’o.” Mặc dù những câu này thường được nói, song chúng không được đưa vào các văn bản. Trong các văn bản thường chỉ có: “den par gyur chig”, có nghĩa là ‘Nguyện cho mọi chúng sinh’. Tuy nhiên, trong thực tế có ba khía cạnh đối với việc thực hành cụ thể này. Ví dụ:

Sem chen tham ched de wa dang de wei gyu dang den par gyur chig,
Sem chen tham ched de wa dang den nang chi ma rung, và
Sem chen tham ched de wa dang den par ja’o.

Dòng đầu tiên là lời cầu chúc và dòng thứ hai là một tâm nguyện mạnh mẽ hơn, là tâm nguyện kết hợp với tâm khát khao giác ngộ. Dòng thứ ba là một lời cam kết hay phát nguyện biến điều đó thành hiện thực.

Việc cầu mong hết thảy chúng sinh được hạnh phúc là căn duyên của tâm khao khát giác ngộ. Trong khi việc phát nguyện là điều tốt, chỉ có phát nguyện không thì vẫn chưa đủ. Lời nguyện của bạn phải được sự hỗ trợ nâng đỡ của tâm khao khát tìm cầu giác ngộ. Tâm khao khát giác ngộ khởi phát khi chúng ta có những mong ước tốt đẹp cho hết thảy chúng sinh. Điều này phải xuất phát từ thái độ vô ngã (không vị kỷ). Thái độ vị kỷ là trở ngại lớn nhất đối với Bồ đề tâm, đối với lòng yêu thương và từ bi đích thực mà bạn có thể chia sẻ cho khắp thảy mọi chúng sinh. Bạn không thể có được tâm khao khát giác ngộ trừ khi bạn có thái độ không vị kỷ. Nếu không, như những gì chúng ta giờ đang trải nghiệm, chúng ta sẽ không thể chia sẻ tình yêu thương đích thực tới bất cứ chúng sinh nào khác. Đương nhiên là chúng ta có tình yêu thương thể xác và chúng ta có kiểu tình yêu cảm tính mà chúng ta có thể chia sẻ với một số người. Song đó không phải là tình yêu thương mà chúng ta đang nói đến. Tình yêu thương mà chúng ta nói đến là một tình yêu thương vô điều kiện, hoàn toàn vì lợi ích của người khác và không hề liên quan đến lợi ích cá nhân mình. Động lực này đủ để hướng những hoạt động của các bạn theo con đường đúng đắn để thực hành tu tập tâm linh.

Tâm nguyện đạt giác ngộ rất quan trọng trong việc hỗ trợ cho sự thực hành tu tập của các bạn cũng như thực hành tu tập Bồ đề tâm, là sự thực hành về bố thí, trì giới, thiền định và trí tuệ… Tất cả các thực hành Bồ tát đều có liên hệ chặt chẽ với tâm nguyện đạt giác ngộ. Điều này khá dễ hiểu bởi nếu bạn không có tâm nguyện đạt giác ngộ, bạn sẽ không có động lực để hướng đến giác ngộ. Bạn cần phải cân nhắc, quán xét kỹ lưỡng bởi chúng ta đang thực hành để đạt được giác ngộ, nếu không thì tại sao giờ này chúng ta lại có mặt ở đây? Các bạn có thể tận hưởng một kỳ nghỉ thú vị ở miền Nam trong tiết trời ấm áp, thú vị hơn rất nhiều thay vì phải ngồi đây để lắng nghe những gì tôi đàm luận. Việc ở đây sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn không có tâm nguyện đạt giác ngộ hoặc ít nhất là có nguồn cảm hứng đó. Có thể, chúng ta không nhất thiết phải có tâm nguyện đạt giác ngộ, nhưng phải có chút cảm hứng hoặc động cơ tương tự, nếu không bạn đã không đến đây, tất cả chúng ta đã không có mặt ở đây.

Tất cả chúng ta ở đây là để truyền cảm hứng cho nhau và để truyền cảm hứng cho tâm của chúng ta đạt đến giác ngộ. Đó là mục tiêu chính, nếu không có mục tiêu này, chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu. Tâm cảm hứng hướng đến giác ngộ cần phải được thực hành trong bất cứ hoạt động nào. Điều này rất quan trọng không chỉ khi bố thí, trì giới, thiền định, trì tụng chân ngôn mà trong tất cả thực hành. Mọi thứ đều phụ thuộc vào tâm nguyện đạt giác ngộ. Việc thực hành của bạn có đúng pháp hay không, có đạt được kết quả hay không đều phụ thuộc vào tâm nguyện đạt giác ngộ. Ví dụ, sở dĩ chúng ta gặp khó khăn trong việc thực hành trì tụng, thiền định, bố thí, cúng dàng, trì giới, đều do thiếu tâm nguyện đạt giác ngộ. Đó là nguyên nhân chính khiến chúng ta không thể thực hành.

Dĩ nhiên là chúng ta có rất nhiều lý do. Lấy ví dụ như, hầu hết mọi người trong chúng ta đều cho rằng mình không có đủ thời gian để thực hành tu tập, tức là đổ lỗi cho thời gian. Hoặc là chúng ta có nhiều trách nhiệm đối với gia đình, tức là đổ lỗi cho gia đình. Đó là lý do vì sao chúng ta không thực hành tu tập được. Nhiều khi, những bận bịu của công việc cũng là một lý do. Tuy vậy, tất cả các lý do này chủ yếu là do ta thiếu tâm nguyện đạt giác ngộ. Nếu bạn thực sự có tâm nguyện đạt giác ngộ thì chắc chắn không có vấn đề gì. Ngay cả khi đang gặp rất nhiều ràng buộc từ gia đình, công việc…, bạn vẫn sẽ thực hành được giáo pháp và phát triển con đường tâm linh. Nếu bạn xem xét kỹ lưỡng xem vấn đề chủ yếu có phải là do công việc bận rộn hay vì lý do nào khác, bạn sẽ thấy lý do là bạn thiếu tâm nguyện đạt giác ngộ. Vì thế, phát được tâm nguyện đạt giác ngộ là việc tối quan trọng.

Để có được điều đó, như tôi đã nói: trước hết chúng ta cần phải có niềm cảm hứng. Ngay lúc này chúng ta đã có, nhưng chúng ta không biết chắc điều gì đang truyền cảm hứng cho chúng ta. Để có được điều này, chúng ta cần biết đâu là nguyên nhân thực sự của nguồn cảm hứng. Một số người nghĩ rằng, những bài giảng của tôi là nguồn cảm hứng. Hoặc họ cho rằng, sự hiện diện của tôi mới là nguồn cảm hứng chứ không phải là những bài giảng. Một số người lại cho rằng, sự hiện diện của tôi thì chưa đủ, nhưng những bài giảng cũng không tồi. Một số người có thể nghĩ rằng, đến đây cũng thấy vui rồi, đó là một nguồn cảm hứng. Dù sao thì, họ cũng đã có nguồn cảm hứng nào đó. Tuy vậy, số đông trong chúng ta chắc chắn không có tâm nguyện đạt giác ngộ, đơn giản là vì chúng ta không biết tâm giác ngộ là gì. Vậy tâm giác ngộ là gì, ở đâu? Tôi nghĩ rất khó chứng đạt được tâm giác ngộ, nhưng tất cả chúng ta đều có chủng tử hoặc có tiềm năng giác ngộ, vì chúng ta đã có được nguồn cảm hứng. Đó chính là nguyên nhân đã dẫn chúng ta tới đây.

Như các giáo pháp thường nhắc tới, có được nguồn cảm hứng đối với giáo pháp là điều quan trọng nhất. Cảm hứng đối với giáo pháp sẽ khơi nguồn cho sự thực hành hàng ngày của các bạn. Rồi chính giáo pháp lại nâng đỡ thúc đẩy sự thực hành. Đây là nền tảng cho việc thành tựu sự thực hành. Thực tế là, những bài pháp đều bắt nguồn từ sự giác ngộ, không phải từ người giáo thọ mà từ sự giác ngộ của người giáo thọ. Sau khi hiểu rằng, giáo pháp của bậc thầy đến từ sự giác ngộ, thì tâm nguyện đạt giác ngộ của bạn sẽ xuất hiện ngay tức khắc, và bạn sẽ có tâm nguyện mạnh mẽ để đạt giác ngộ.

Khi nói về giác ngộ thì không có cái gì gọi là sự giác ngộ của anh ấy, của tôi hay của cô ấy. Thực ra, không có sự khác biệt trong việc giác ngộ. Giác ngộ chỉ là một, thậm chí cũng không phải một, nó ở khắp mọi nơi. Vì thế, chúng ta bước vào “cảnh giới” của giác ngộ bất nhị. Đó là thời điểm mà bạn có thể tự nhận mình là một hành giả. Trước lúc đó, chúng ta có thể vẫn thực hành, nhưng chỉ thực hành một cách tương đối, chúng ta chưa thực sự tiếp cận, xúc chạm hay chứng đạt được trạng thái chân thực của thực hành.

Khi bạn có tâm nguyện đạt giác ngộ, thì lòng từ bi cũng cùng lúc nhậm vận xuất hiện. Tất cả những ai chưa nhận ra được bản chất của tâm hay bản chất của giác ngộ, tất cả những ai chưa thể tự khuyến tấn bản thân bằng nguồn cảm hứng từ giác ngộ đều là những đối tượng của lòng từ bi. Lòng từ bi này gần như ngay lập tức xuất hiện. Ví dụ như, tất cả chúng ta đều đã chịu đói trong nhiều tiếng đồng hồ liền, không có bất cứ thứ gì để ăn nên ai ai cũng cảm thấy vô cùng khổ sở. Nhưng rồi thì bằng cách nào đó, tôi có thể có một bữa ăn ngon và tôi sẽ không còn cảm thấy khổ sở vì bị cơn đói hành hạ nữa. Khi ấy, một cách tự nhiên tôi sẽ cảm thông và lòng bi mẫn nhậm vận phát khởi với những ai vẫn còn đang đói khổ, vì chỉ cách đó vài giờ hay vài phút thôi, chính tôi cũng đang rất khổ sở bởi sự hành hạ của những thứ này. Giờ đây, tất cả những người này vẫn đang phải chịu đựng sự khổ sở dày vò, cũng chỉ vì họ không có đồ ăn, nhưng tôi thì đã có được một bữa ăn ngon miệng. Tôi không còn thấy khổ sở nữa, song họ vẫn còn phải chịu khổ đau. Vì vậy, gần như ngay tức khắc, tôi cảm thông sâu sắc với những người còn lại.

Cũng vậy, khi bạn phát khởi được tâm nguyện đạt giác ngộ hay chính tâm giác ngộ, thì một cách tự nhiên bạn sẽ cảm thấy Đại từ bi với tất thảy chúng sinh vẫn còn đang phải chịu khổ đau ở ngoài kia chỉ vì thiếu tín tâm, hiểu biết hay giác ngộ. Điều này được gọi là “Đại từ bi.” Hai trải nghiệm, hay hai sự thấu hiểu này gần như song hành xuất hiện. Đây cũng được gọi là sự hợp nhất, hợp nhất trong thực hành Bồ tát. Hiểu biết và sau đó là lòng từ bi sẽ xuất hiện cùng lúc để tạo thành sự hợp nhất. Hai yếu tố này rất quan trọng. Không ai có thể bay chỉ bằng một chiếc cánh. Các bạn có thể đã nghe nói điều này hàng trăm lần. Nhiều bậc thầy cũng đề cập đến điều này, song có thể các bạn vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa. Chúng ta, phải tự quán chiếu liệu rằng, bản thân có đủ đôi cánh, hay chỉ một hay thậm chí là chẳng có gì. Thật nực cười, nhưng có thể chúng ta thậm chí chẳng có đôi cánh nào mà chỉ có hai tay, khua lên khua xuống thì có thể, nhưng để cất cao trên bầu trời bao la thì hãy thôi mơ tưởng tới. Nếu bạn muốn tự do bay lượn, bạn cần phải có cả đôi cánh, không phải chỉ một, mà là cả hai. Chúng ta cần phải có đủ cả đôi cánh để có thể bay từ cõi luân hồi khổ đau này tới thẳng Niết bàn, cõi cực lạc hoàn toàn không có khổ đau và lầm lạc.

Với sự nâng đỡ của đôi cánh này, chúng ta có thể thực hành con đường của Bồ tát. Với sự nâng đỡ của con đường Bồ tát, chúng ta có thể thực hành Kim Cương thừa. Với sự nâng đỡ của Kim Cương thừa, chúng ta có thể đạt được giác ngộ trong hiện đời hay thậm chí chỉ trong một vài giây phút tới. Đó chính là tâm nguyện đạt giác ngộ mạnh mẽ! Đó là điều, chúng ta nên phát khởi nguồn cảm hứng nhiệt huyết để hướng tới. Tâm nguyện tràn đầy cảm hứng này sẽ ngay tức khắc khiến chúng ta phải cam kết hành động. Đây chính là, cách dựng xây một tương lai tốt đẹp hơn. Đây chính là điều chúng ta nên thực sự thực hành.

Như chúng ta thường nói: trong thực hành Đại thừa, ngày hôm nay là nguyên nhân của một ngày mai tốt đẹp hơn. Những trải nghiệm đã qua chỉ là những trải nghiệm, nhưng hiện tại thì rất quan trọng, bởi vì hiện tại là nguồn cội của tương lai. Điều quan trọng nhất là sự phát triển trong tương lai. Để gặt hái thành quả trong tương lai, chúng ta cần phải trưởng dưỡng từ hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta cần quan tâm nhiều đến tình hình hiện tại. Những gì đã xảy ra trong quá khứ không còn quá quan trọng. Kinh nghiệm trong quá khứ đã là quá khứ, đó chỉ là những trải nghiệm đã qua. Bạn không thể quay trở lại, mặc dù có một vài người cố gắng làm điều đó bằng kỹ thuật thôi miên. Nhưng điều đó cũng thật vô ích vì chỉ tạo thêm ảo tưởng. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy ảo tưởng. Nhờ thuật thôi miên, chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang quay lại quá khứ và chúng ta thậm chí có thể cảm thấy như thế, nhưng rốt cục cũng chỉ là một ảo tưởng. Đây không phải là việc làm hữu ích. Điều duy nhất, chúng ta phải quan tâm là hiện tại và tương lai. Tương lai mới là quan trọng nhất. Chính vì thế, trong buổi thuyết giảng sáng hôm nay tôi luôn khích lệ các bạn trưởng dưỡng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Tương lai có thể được lượng hóa về mặt thời gian như trong thế kỷ tới chẳng hạn.

Thời gian chuyển mình giữa các thế kỷ có thể không mấy quan trọng, song như tôi đã đề cập ban đầu, hẳn sẽ có một tác động nhất định vì có đến hàng triệu, hàng tỷ người đã, đang nói và nghĩ đến điều này. Như vậy, sẽ tạo ra một hiệu ứng ảnh hưởng. Chúng ta cần định hướng nguồn năng lượng này theo hướng đúng đắn, để có thể làm lợi ích, chia sẻ tình yêu thương và từ bi với tất cả và để mọi phút giây đều trở nên an lành, hạnh phúc.

Trở lại với Tứ vô lượng tâm, tâm vô lượng đầu tiên là tình yêu thương, thứ hai là từ bi, thứ ba là sự an vui hỷ lạc và cuối cùng là cảm giác trân trọng, hay bình đẳng - xả (từ, bi, hỷ, xả). Tứ tâm vô lượng này là những nền tảng quan trọng nhất mà chúng ta cần phải có được trên con đường tâm linh.

Như tôi vừa nhắc đến, Tứ vô lượng tâm cần xuất hiện cùng lúc với sự giác ngộ hiểu và biết thông qua tâm nguyện đạt giác ngộ. Khi đó, tình yêu thương đích thực sẽ được ban trải đến tất cả chúng sinh. Tình yêu thương này xuất hiện qua việc hiểu biết về giác ngộ và là một tình yêu thương mạnh mẽ với quyết tâm giúp đỡ khắp hết thảy chúng sinh được an vui, hạnh phúc. Mọi thứ, kể cả hạnh phúc và khổ đau đều phải có nguồn gốc. Nếu không có nguồn cội, sẽ không có thứ gì tồn tại được trên thế gian này. Do đó, để có được hạnh phúc, chúng ta cần phải gieo trồng cội nguồn, nguyên nhân của hạnh phúc. Chúng ta cần trưởng dưỡng tâm nguyện mạnh mẽ với tin chắc rằng tất cả chúng sinh sẽ được an vui, hạnh phúc. Song hành là một quyết tâm kiên cố giúp đỡ tha nhân có được điều kiện sống tốt đẹp hơn.

Các bạn cần tự phát nguyện phụng sự tất cả chúng sinh để họ đạt được an vui, hạnh phúc. Đây là những thệ nguyện cam kết mà chúng ta đang đề cập. Cam kết thứ hai trong việc phát nguyện phụng sự tất cả chúng sinh là giúp họ giải thoát khỏi khổ đau bằng cách loại bỏ nguyên nhân của khổ đau. Không chỉ cần loại bỏ khổ đau, mà quan trọng hơn cần loại bỏ nguyên nhân của những khổ đau. Bản thân khổ đau đã là một điều khủng khiếp thì nguyên nhân gây ra khổ đau còn khủng khiếp hơn rất nhiều lần. Ví dụ như nếu bạn bị đau đầu, thuốc giảm đau sẽ rất hiệu quả giúp bạn làm giảm cơn đau nhưng nó sẽ không có tác dụng mãi mãi. Liều thuốc có thể giúp bạn thấy dễ chịu trong một vài giờ hay một vài ngày, song cơn đau đầu rồi sẽ quay trở lại vì căn nguyên gây ra cơn đau vẫn còn đó. Để điều trị được chứng bệnh này vĩnh viễn, bạn phải tìm ra nguyên nhân và loại bỏ ngay những nguyên nhân đó, bất kể là do đâu. Có thể, một số bộ phận trong cơ thể hoặc hệ tuần hoàn bị trục trặc, và cần được chữa trị để chữa khỏi hoàn toàn chứng đau đầu. Cũng tương tự như thế, nguồn gốc của khổ đau cần phải được loại bỏ. Đây chính là hạnh nguyện thứ hai để phụng sự chúng sinh.

Thật khó để giải thích bằng thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ của tôi, song cam kết thứ ba là giúp hết thảy chúng sinh không bao giờ xa lìa hỷ lạc, an vui và hạnh phúc đích thực. Tôi không biết làm thế nào để diễn đạt rõ điều này cho các bạn, song các bạn cần phát nguyện cam kết là mọi chúng sinh trên thế gian này chắc chắn sẽ luôn an trụ trong đại hỷ lạc hay hạnh phúc đích thực. Một mặt, đây là một hình thức mong nguyện. Mặt khác, các bạn cam kết hành động để điều đó trở thành hiện thực. Đây là hạnh nguyện tiếp theo để phụng sự hết thảy chúng sinh.

Cam kết thứ tư là cam kết quan trọng nhất. Cam kết này liên quan đến việc không có tham luyến và sân giận, thay vào đó là việc thực hành tu tập với tâm bình đẳng xả. Hầu hết chúng ta - những người đang thực hành từ tâm và bi tâm, đặc biệt là những người luôn nói đang theo một tôn giáo hay phải có lòng từ bi - đều có sự tham luyến hoặc không cũng là những kiểu sân giận thù ghét khác nhau. Hiển nhiên phần lớn thời gian, chúng ta sống chung với cảm giác tham luyến, khiến cho việc tu tập của chúng ta không còn được thanh tịnh và viên mãn. Vô lượng tâm thứ tư nhắc nhở bạn một cách toàn diện về tầm quan trọng của việc đối diện với tham luyến và sân giận. Dù tham luyến hay sân giận cũng đều không tốt. Người dân Tây Tạng thường hay nói về việc ban trải lòng từ bi tới hết thảy mọi chúng sinh một cách trừu tượng và mông lung. Ai cũng nói về “tất cả chúng sinh” nhưng mỗi người lại có những cách áp dụng khác nhau. Một số rất giàu lòng từ bi đối với người nghèo, song lại ít có từ bi đối với người giàu. Một số có lòng từ bi dành cho nam giới, nhưng không dành cho nữ giới. Một số người lại chỉ có lòng từ bi cho nhân loại, song không dành cho các chủng loài khác, như động vật chẳng hạn.

Trên thực tế, có nhiều người trong các quốc gia phát triển mạnh về vật chất đang không có sự quan tâm đúng mức tới những người thân của mình, nhưng lại hết mực yêu thương chiều chuộng những con vật họ nuôi nấng trong nhà. Nếu cần thiết, thậm chí họ có thể dễ dàng nạt nộ cha mẹ hoặc gia đình của họ, nhưng lại thậm chí không bao giờ la mắng những con vật nuôi trong nhà, vì những vật nuôi đó rất quan trọng đối với họ. Đây là vô số những kiểu thái độ khác nhau của chúng ta. Nếu có ai hỏi liệu rằng, đây thực sự có phải là lòng từ bi hay tình yêu không, thì chúng ta có thể trả lời rằng đó cũng là lòng từ bi hay tình yêu thương, nhưng nó lại song hành với tham luyến, thờ ơ hoặc sân giận. Do đó, vô lượng tâm thứ tư là một phần rất quan trọng trong thực hành của chúng ta. Tâm vô lượng đó khuyên mọi người không nên tham luyến và cũng không thờ ơ.

Trong thực tế, cả sân giận và tham luyến đều là những hình thức bám chấp. Mặc dù, sân giận hay thờ ơ nghe có vẻ đối lập với tham luyến, song đó lại là một hình thức bám chấp lớn. Thuật ngữ “vô chấp” dùng để chỉ đến việc hoàn toàn không có bám luyến, song “thờ ơ” là sự từ bỏ hay từ chối một khía cạnh nào đó trong cuộc sống. Bản thân sự tham luyến chỉ là tham luyến, nhưng sự thờ ơ còn tồi tệ gấp đôi, đó là sự tham luyến nhân đôi, tham luyến đi đôi với rời bỏ. Vì vậy, cả tham luyến hay thờ ơ đều không thể chấp nhận được trong việc thực hành tu tập của chúng ta.

Chúng ta hiến dâng bản thân mình để phụng sự cho hết thảy chúng sinh, để giúp họ có được trạng thái bình đẳng xả. Tôi cho rằng, điều này chỉ có thể thực hành nhờ lắng nghe giáo pháp. Nếu không, sẽ chẳng ai rõ bình đẳng xả là gì. Bình đẳng xả có nghĩa là chẳng có những xúc tình như tham luyến hay thờ ơ. Điều này nghe có vẻ rất kỳ lạ và như thể bạn sẽ trở thành một mẩu gỗ vô tri. Nhưng thực tế không phải vậy. Bạn cần hiểu rõ khi tham luyến hay thờ ơ vắng bóng, một cảm thức lớn lao tươi mới về tình yêu thương, lòng từ bi vô bờ bến sẽ nhậm vận xuất hiện. Trong trạng thái này, bạn cũng sẽ thấu hiểu Đại thủ ấn là gì. Trong hiểu biết của chúng ta, Đại toàn thiện hay Đại thủ ấn bị che ám bởi hai trạng thái tham luyến và thờ ơ. Tịnh hóa được những điều này, vạn pháp sẽ trở nên tuyệt vời, toàn thiện. Ngay cả hiểu biết nho nhỏ cũng sẽ trở thành hiểu biết lớn lao.

Không chỉ có vậy, thấu hiểu về bình đẳng xả đem lại cho bạn tình yêu thương vĩ đại (Đại từ), cảm giác về lòng bi mẫn lớn lao (Đại bi); cảm giác về sự hỷ lạc vô biên (Đại hỷ) và cảm giác về sự tri ân vô hạn. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng tri ân bất cứ thứ gì trong cuộc sống. Đơn cử như, chúng ta không tri ân những lời đề nghị giúp đỡ từ phía người khác. Chúng ta không tri ân bất cứ thứ gì vì chúng ta không có trải nghiệm về bình đẳng xả. Bình đẳng xả giúp bạn tri ân mọi việc, hạnh phúc, an vui và hỷ lạc. Mọi điều thiện lành sẽ khởi sinh từ tâm bình đẳng xả. Nếu không, bạn có thể cảm thấy thăng trầm. Đôi lúc, chúng có thể rất thăng hoa hướng thượng nhưng đôi lúc lại trầm chìm u ám, tựa như một trái bóng nảy lên nảy xuống tuỳ theo tính khí, hay những năng lực vận hành bên trong bạn. Trái bóng nảy lên và xuống theo những xúc tình vốn cũng rất bấp bênh. Chúng không thể đem lại cảm giác an vui, hạnh phúc lâu bền, hay tình yêu thương và sự hỷ lạc lâu dài nào. Nhưng chúng ta không ai không mong muốn an lạc, hạnh phúc lâu dài, những thứ lâu bền thường trụ. Hỷ lạc vô biên chỉ sinh khởi từ tâm bình đẳng xả. Nếu không xuất phát từ bình đẳng xả, không điều gì là chắc chắn, là hạnh phúc hay thăng hoa tích cực.

Tôi cho rằng, chiêm nghiệm về sự tri ân rất quan trọng. Nếu chúng ta không tri ân cuộc sống, không tri ân chính mình và tập thể, thì sẽ chẳng còn gì đáng giá. Cuộc sống sẽ trở nên vô cùng khổ đau và khó nhọc. Bất cứ điều gì xảy đến hay cái gì chúng ta có được đều không thể truyền cảm hứng cho bạn, chẳng điều gì giúp bạn cảm thấy được hạnh phúc. Tình bạn đẹp hay thực phẩm ngon, chẳng thứ nào hấp dẫn hay tích cực có thể khiến bạn hạnh phúc, vì bạn không có ý thức tri ân cuộc sống. Bạn không tri ân bất cứ thứ gì bạn có. Đây là vấn đề cơ bản chúng ta thường gặp phải. Mọi người, không chỉ riêng phương Tây mà cả phương Đông đều đang đối mặt với những rắc rối kiểu này.

Thực sự, nếu bạn quán chiếu sâu sắc về cuộc sống, chúng ta có hàng trăm ngàn cảm xúc tích cực, vô số những điều tích cực, thiện lành, đẹp đẽ để ăn, mặc, đi bộ, đàm thoại và tận hưởng. Vô vàn những điều thiện lành tích cực đang diễn ra trên thế giới một cách tự nhiên, song chúng ta không hề biết tri ân. Chúng ta không cảm nhận được những điều tốt đẹp ấy và không có được cảm giác tích cực nào ngay cả khi những điều tốt đẹp này đang đến với chúng ta.

Chúng ta không thực sự cảm thấy cần phải tri ân cuộc sống vì chúng ta không chịu tiếp nhận. Tại sao lại như vậy? Đó là vì chúng ta chưa có cảm thức về bình đẳng xả. Trên thực tế, chúng ta quá bận rộn với tham luyến hay thờ ơ, chúng áp đảo đến nỗi chúng ta không còn khoảng trống để đón lấy những món quà tuyệt diệu của tạo hoá. Những điều tốt đẹp đang ở ngay đây. Những điều bất thiện cũng ở đó. Dù luôn luôn có những điều tốt đẹp để đón nhận, song đa phần chúng đều ẩn khuất khiến chúng ta không dễ dàng cảm nhận hay nhận ra để trải nghiệm. Sau khi, trải qua khá nhiều khổ đau, có lẽ thi thoảng chúng ta cũng cảm nhận được hương vị nào đó về tri ân cuộc sống. Khi những khổ đau về tâm lý, tình cảm trôi qua, chúng ta có thể cảm thấy thư thái và chợt nhận ra cuộc sống thú vị đến nhường nào. Đôi khi, chúng ta cảm nhận được một điều thực sự tích cực nhưng chúng hy hữu chẳng khác nào một ánh sao đêm giữa bầu trời mù mịt. Mà thường thì, các bạn không cảm nhận được, chúng xuất hiện chỉ đơn giản là một phần của cuộc sống.

Đôi khi, chúng ta cảm thấy cuộc sống thật nhàm chán và mong muốn thay đổi, có một cuộc sống tích cực hơn. Bạn có thể cảm thấy: “Ngày nào cũng là những món này, chán quá.” hay “Ngày nào tôi cũng phải mặc những bộ quần áo này, tôi muốn diện thứ gì đó khác cơ.” Kiểu thái độ này có nghĩa là bạn đang không biết trân trọng những gì bạn đang có. Bạn đang tìm kiếm những điều mới lạ, bạn đang kiếm tìm rắc rối! Một mặt, thì thay đổi có thể đem lại niềm vui. Ví dụ như, tôi thích đi mua sắm, nếu vậy thì việc đi mua sắm đem lại cho tôi niềm vui. Quanh chúng ta có nhiều niềm vui. Tuy nhiên, chúng ta đang tiếp cận trên phương diện căn bản của sự thực hành. Tôi không nói rằng, bạn không nên đi mua sắm, không nên tìm kiếm những bộ quần áo mới, hay thưởng thức những món ăn khác lạ..., song cơ bản là chúng ta đang có cảm giác tham đắm, vì không thực sự biết trân trọng, tri ân cuộc sống. Nếu bạn tiếp tục trong tình trạng này, cuộc sống của bạn sẽ luôn nhàm chán, u ám và tiêu cực. Chúng ta sẽ luôn cảm thấy rằng mình chẳng có thứ gì. Chúng ta có thể nghĩ: “Mình chẳng có thứ gì, thứ mình cần thì lại không có tiền, mình không có bạn bè, mình không có nhà cửa, mình không có gia đình, mình không có con trai, mình không có con gái…” Lúc nào chúng ta cũng sẽ nghĩ một cách tiêu cực như vậy! Ngay cả khi có được những thứ này, bạn cũng sẽ không biết tri ân chúng, đây là điều mà tôi thường thấy. Các bạn có thể tự suy ngẫm về điều này. Đây là cách tôi cảm nhận, song các bạn không cần phải nhất nhất tuân theo những gì tôi nói. Các bạn cần tìm hiểu xem những điều tôi nói có thực sự đúng đắn hay không, đến mức nào.

Do vậy, các bạn nên thực sự quán chiếu suy ngẫm về những điều này trong cuộc sống của chính mình. Bạn đang định hướng cho cuộc sống của mình như thế nào? Bạn có thực sự trân trọng, tri ân cuộc sống hay không? Hoặc bạn trân trọng điều gì, có thực sự trân trọng không? Bạn có đang trải qua những khổ đau lớn lao không? Nếu bạn cảm thấy đang khổ đau, thì tại sao bạn lại đang cảm thấy vậy? Thậm chí, nếu bạn có một danh sách hàng trăm điều tiêu cực trong cuộc sống của bản thân, bạn vẫn có thể thấy một danh sách nhiều điều tích cực. Do đó, tại sao chúng ta không thể làm cho bản thân hạnh phúc và trân trọng mọi thứ trong cuộc sống để hân hưởng cuộc sống của chính mình? Phương pháp quán chiếu này là một cách tiếp cận thực hành tâm linh thực tế, là tinh túy của con đường tâm linh. Nói cách khác, đó chính là việc làm thế nào để bản thân chúng ta được hạnh phúc, để hân hưởng cuộc sống trong thế kỷ tới, thiên niên kỷ tới, hay ngay từ ngày mai cho tới mãi về sau.

Các bạn cần thực sự quán chiếu về những thệ nguyện cam kết trong buổi thuyết giảng này. Chúng ta nói rằng, chúng ta nên có cam kết phụng sự hết thảy chúng sinh, song tại sao lại cam kết hiến dâng bản thân mình để phục vụ tất cả? Chúng ta cần thấu hiểu nguyên nhân. Nếu không thấu hiểu thì chúng ta đang thực hiện những điều đó để làm gì? Nếu chỉ vì chúng ta đang phụng sự một tôn giáo thì thật vô nghĩa. Các bạn không nên làm bất cứ điều gì chỉ vì lý do tôn giáo. Các bạn không nên làm bất cứ điều gì chỉ vì một người khác nói bạn cần phải làm điều đó. Các bạn nên làm mọi việc xuất phát từ chính sự hiểu biết của bản thân - hiểu biết đã được xây dựng trên con đường tâm linh qua những hướng đạo của các bậc thầy. Con đường tâm linh có nghĩa là hành động với hiểu biết của chính bản thân mình. Hiểu biết những gì là chân lý cần phải khởi sinh từ bên trong bạn. Hiểu biết của chính mình là suối nguồn khích lệ quan trọng.

Tìm kiếm hạnh phúc và nguyện cầu hạnh phúc cho hết thảy chúng sinh là những điều vĩ đại, đây được gọi là “tình yêu thương.” Song suối nguồn hạnh phúc này có thể dễ dàng bị lòng tham luyến ảnh hưởng và tác động. Tuy nhiên, tâm bình đẳng xả đem lại cho bạn cảm giác hạnh phúc lớn lao. Có sự khác biệt lớn giữa hạnh phúc chúng ta đang nói đến trong vô lượng tâm thứ nhất và vô lượng tâm bình đẳng xả này. Tôi cho rằng, chúng hoàn toàn khác biệt cũng như cảm nhận và trải nghiệm về chúng cũng rất khác biệt. Bản thân tôi có thể cảm nhận được sự khác biệt lớn giữa hai loại hạnh phúc này.

Dĩ nhiên, hạnh phúc là hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều có những lúc cảm thấy rất hạnh phúc. Chúng ta có thể hạnh phúc khi gặp gỡ một ai đó, được ở bên cạnh một ai đó, khi ăn những món ăn ngon lành và những điều tương tự như thế. Có nhiều kiểu hạnh phúc mà chúng ta có thể mô tả được. Song hạnh phúc mà các bạn có thể trải nghiệm qua tâm bình đẳng xả là một hạnh phúc vĩ đại, khó diễn đạt được, là một hạnh phúc rất mạnh mẽ và an bình. Đó là một hạnh phúc rất sâu sắc. Khi tôi nói đến từ sâu sắc, tôi không có ý định nói đến Đại thủ ấn, hay Đại toàn thiện. Đó vẫn chỉ là một hạnh phúc tương đối, song hạnh phúc đó rất mãnh liệt, sâu sắc và ổn định. Do đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng, tinh thần thư thái an lạc là điều rất quan trọng, song tôi hoàn toàn không thể diễn đạt đầy đủ điều này bằng tiếng Anh vì vốn từ của tôi có hạn.

Dù sao đi nữa, mặc dù tinh thần thư thái nghe có vẻ nhàm chán nhưng đây là một điều quan trọng mà chúng ta cần suy ngẫm. Một số người bạn của tôi đã nói: “Tôi không thích ý tưởng về tinh thần thư thái. Tinh thần thư thái có nghĩa là không sướng vui cũng chẳng đau buồn. Trạng thái đó mới nhàm chán làm sao!” Song theo kinh nghiệm của tôi, trạng thái tinh thần đó chẳng có gì nhàm chán cả. Tinh thần thư thái thực sự là một điều lớn lao. Trạng thái tinh thần đó đem lại cho các bạn nhiều hỷ lạc. Các bạn chưa tưởng tượng được điều đó, các bạn chưa thực sự tin trạng thái đó đem lại hỷ lạc đến dường nào.

Do đó, việc thực hành Tứ vô lượng tâm là điều quan trọng nhất. Bốn cam kết này cần được thực hành tu tập làm cốt lõi tinh tuý của Đại thừa và Kim Cương thừa. Lý do tại sao, tôi bàn đến Tứ vô lượng tâm là nếu các bạn không biết đến những điều này, nếu các bạn không thực hành những điều này trong việc tu tập hàng ngày, các bạn sẽ không thể hiểu được bản chất. Các bạn không hiểu được bản chất mặc dù các bạn có thể tụng niệm nhiều câu chân ngôn và nhiều bài kinh kệ, thiền định về nhiều bậc chư thiên... Những việc thực hành tu tập này không thực sự đi vào bản chất cốt lõi, nếu các bạn không có kiến thức cơ bản này.

Do vậy, từ ngày hôm nay trở đi, chúng ta phải thay đổi trong việc thực hành tu tập hàng ngày. Các bạn cần tập trung nhiều hơn vào việc thực hành Tứ vô lượng tâm. Điều này rất, rất quan trọng. Đây là điều tôi luôn nghĩ, vì dường như mọi người không xây dựng được lòng từ bi mặc dù họ thực hành tu tập rất nhiều. Có thể, họ đã tu tập trong nhiều năm, có thể là mười, mười hai hay hai mươi năm, song khi tôi kiểm tra, khi tôi gặp họ, trò chuyện cùng họ và tìm hiểu họ, tôi thường thấy họ vẫn ở cấp độ trước đó. Không có sự phát triển hay tiến bộ nào; chẳng có điều gì mới mẻ cả. Do đó, tôi tự hỏi điều gì đang diễn ra, và họ đang thực hành tu tập những gì?

Cũng có thể, những người đó đang thực hành tu tập rất tốt, tôi thực sự không thể phàn nàn về mức độ tu tập của họ. Tuy nhiên, họ chỉ đang tu tập mà không thực sự quan tâm tới Tứ vô lượng tâm. Họ không bao giờ nghĩ đến từ bi và tình yêu thương và trạng thái thư thái. Họ đang tu tập việc tụng niệm…, song Tứ vô lượng tâm là điều họ đã chối bỏ hoặc họ không thực sự nghĩ đến. Họ không thực sự hiểu được tầm quan trọng của điều đó. Do vậy, nếu các bạn muốn, các bạn có thể nói việc này là sự thay đổi lớn chúng ta cần tiến hành trong việc thực hành tu tập của chúng ta.

(Bài giảng của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
thứ XII tại Drukpa Plouray, nước Pháp trước thềm
Thiên niên kỷ mới.)

http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-155_4-16427_5-50_6-1_17-21_14-1_15-1/


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp