Tuổi thơ
Thiền cho tuổi thơ là em hãy sống vui,
sống cho mạnh khỏe. Sống vui là nếp sống lành mạnh, trong sáng và yêu
thương. Tuổi thơ là tuổi hồn nhiên và vô tư. Thiền cũng là hồn nhiên và
vô tư. Nhìn bông hoa, thấy bông hoa. Ăn cơm thì cảm thấy ngon. Uống nước
thì nếm được vị ngọt. Đau nhức biết đau nhức. Giận hờn biết giận hờn.
Vui biết vui. Buồn biết buồn… Sống hồn nhiên, sống thật lòng, không làm
bộ, không che dấu là lối sống tuổi thơ. Cho nên, tuổi thơ là thiền.
Thiền là tuổi thơ. Ai giữ được sự hồn nhiên thì người ấy có thiền, có
niềm vui và có hạnh phúc. Thiền giúp tuổi thơ thông minh hơn, sáng suốt
hơn và mạnh khỏe hơn.
Các em thân mến! Bây giờ, chúng mình
cùng nhau khám phá vẻ đẹp của thiền, tức là sống vui, sống khỏe, biết
chơi, biết thương, biết cảm, biết buồn, biết vui… Chúc các em thành
công.
Chúng mình đi chơi
Các em thương mến! Hôm nay là ngày đẹp.
Chúng mình đi chơi nha. Đi chơi vui lắm! Các em không cần suy nghĩ gì
cả! Các em chỉ đi chơi thôi. Đi cho vui, đi cho khỏe, đi cho thoải mái,
đi cho an nhàn. Chúng mình học cách đi của con mèo nhé. Bước chầm chậm,
đi uyển chuyển, dáng thong dong, mà vẻ oai hùng. Chúng mình chú ý tới
mặt đất, có mặt cho đôi bàn chân. Có mặt nghĩa là chúng mình để sự chú
ý, cẩn trọng và yêu thương tới một đối tượng, mà đối tượng của chúng
mình ở đây là đôi bàn chân, là mặt đất… Bây giờ, chúng mình thử đi chơi
với nhau nhé.
Thở vào, bước này thảnh thơi.
Thở ra, bước này mỉm cười.
Thở vào, thảnh thơi.
Thở ra, mỉm cười.
Thở vào, thảnh thơi.
Thở ra, mỉm cười.
“Từng bước chân thảnh thơi,
mặt trời như trái tim đỏ tươi.
Từng đoá hoa mỉm cười
nụ cười tươi thắm trên làn môi…”
Các em thấy gì?
- Ôi! Thoải mái ghê! Bước chân thật nhẹ. Chúng em cảm thấy chúng em đang bước từng bước rõ ràng. Thảnh thơi vô cùng.
- Em lại còn thấy hai bàn chân dễ thương. Hai bàn chân mạnh khỏe đưa em đi chơi mỗi ngày. Xin cảm ơn đôi bàn chân nhiều lắm.
- Và, thật tình xin lỗi hai bàn chân một
ngàn lần, bởi chúng em nhiều lần quên đi sự có mặt của hai bàn chân.
Chúng em cứ bước đi, cứ chạy chơi, cứ nhảy múa mà không hay biết rằng
đôi chân rất quý.
Hay quá! Các em thấy gì nữa?
- Ồ! Chúng em thấy được dấu chân của
mình trên mặt đất. Dấu chân sao thân thương và xinh đẹp quá! Dấu chân
này giống hệt dấu chân của mẹ. Hạnh phúc quá! Cám ơn dấu chân đưa chúng
em về gặp mẹ.
- Xem kìa! Chúng em thấy đàn kiến. Đàn kiến oai phong ghê! Đàn kiến đi một hàng dài vô tận.
- Chào các anh kiến! Các anh làm gì mà đi có hàng, có lối như thế?
- Chào các em! Chúng tôi đang tha thức ăn về tổ.
- Các anh biết lo xa đấy. Các anh thông mình và giỏi giang quá chừng. Chúng em phục các anh hết sức.
Các em còn thấy gì nữa?
- Chúng em thấy lá xanh óng lên màu của nắng. Đẹp vô cùng!
- Lá ơi! Chúng em chào lá. Cám ơn sự mát
mẻ của lá nhé. Suốt mùa hạ, lá thường che nắng cho chúng em. Lá thở ra
dưỡng khí cho chúng em đưa vào hai buồng phổi để dòng máu nuôi dưỡng
chúng em thêm tươi. Lá không làm gì hết, vậy mà lá thật giỏi, thật dễ
thương. Lá nuôi dưỡng chúng em từng giây phút. Ai có thể ngờ lá quan
trọng đến thế!
- Cám ơn mặt trời gởi nắng xuống cho lá
thêm xanh, giúp lá thở nhiều khí ôxy cho trái đất không khí trong lành.
Ban đêm khi mặt trời đi ngủ, dường như tất cả lá trong vườn biến thành
màu đen. Trái đất tối âm u. Dễ sợ quá! Sợ bóng đêm, nên chúng em cũng đi
ngủ như mặt trời và lá. Nhờ mặt trời đi ngủ cho nên chúng em được yên
giấc. Mỗi sớm mai, chúng em thức dậy cùng mặt trời, cùng cây lá trong
vườn. Thật sung sướng vô cùng!
- A, xem bên kia! Có vài chị bướm vàng
đang lượn tung tăng trên cành cây. Chào các chị bướm. Chúng em đang đi
chơi đây. Các chị có muốn đi chơi không? Cám ơn các chị đã tô đẹp cho
cuộc đời bằng đôi cánh mong manh mà rực rỡ của các chị. Vườn hoa thiếu
hình bóng các chị thì mất đẹp biết chừng nào. Các chị là những bông hoa
tuyệt vời. Hoa biết bay mới lạ lùng chứ.
- Ồ! Không khí sớm mai sao thật trong
lành. Thở ngon và khỏe ghê! Có lần đi phố với mẹ, chúng em thở toàn khói
xe nên không cảm thấy dễ chịu chút nào. Cám ơn không khí nhá. Không khí
nuôi dưỡng, không khí trị liệu. Không có không khí thì làm sao chúng em
thở để duy trì sự sống mầu nhiệm này! Chúng em thương không khí lắm.
Bây giờ chúng mình dừng lại. Lang tập cho các em hát bài “Từng bước chân thảnh thơi” của chị Tịnh Thủy nhé.
“Từng bước chân thảnh thơi
Mặt trời như trái tim đỏ tươi
Từng đóa hoa mỉm cười
Ruộng đồng xanh mát như biển khơi
Cùng gió ca lời chim
Từng bước chân thảnh thơi
Đường dài em bước như dạo chơi.
Từng bước chân thảnh thơi
Nụ cười thắm trên làn môi
Từng đám mây ngang trời
Là dòng sông chảy ra biển khơi
Nguồn khổ đau dịu vơi
Từng bước chân thảnh thơi
Cùng người em bước đi mọi nơi.”[1]
Vui quá. Hãy nở một ngàn bông hoa bằng hai bàn tay! Các em hát hay lắm.
- Tại sao chúng mình không vỗ tay, hởi anh Lang?
Đưa hai bàn tay lên, xoay qua xoay lại,
như hai bông hoa đang nở là vỗ tay rồi đấy. Vỗ tay kiểu này thanh thoát
và yên tỉnh hơn. Hơn nữa, chúng mình đâu có muốn làm các bông hoa tím ở
dưới hồ Sao Mai giật mình.
Ngồi chơi
Các em ơi! Chúng mình dừng lại bên hồ
một chút để ngồi chơi nào. Các em ngồi cho thoải mái và buông thư. Ở tư
thế xếp bằng, các em đan hai chân với nhau, ngồi như thế chúng mình tạo
nên được sự vững chãi của trái núi. Đây là thế ngồi hoa sen (liên hoa
tọa). Ngồi vững chãi rồi, giờ chúng mình vừa thở, vừa mỉm cười trong vài
phút cho vui nhé.
Thở vào, thở ra.
Thở vào, thở ra.
Thở vào, thở ra.
Các em cảm thấy sao?
- Ồ! Hơi thở tuyệt vời. Hơi thở bình an.
Hơi thở khỏe nhẹ. Hơi thở dễ chịu vô cùng. Uả! Vậy sao chúng em cứ hay
quên đi hơi thở kìa. Thật là không thể nào hiểu nổi.
Các em ạ! Có những cái quý nhất trên đời
mà chúng mình lại hay xem thường. Có thể vì nó vốn có mặt thường xuyên
với chúng mình, nên chúng mình không còn để ý đến sự quý giá của nó nữa.
Hơi thở nuôi dưỡng chúng mình và cho chúng mình sự sống, nhưng chúng
mình thường không chú ý và trân quý hơi thở. Uổng ghê không! Bây giờ,
chúng mình thở một lần nữa cho khỏe.
Thở vào này, thở ra này.
Thở vào khỏe, thở ra nhẹ.
Thở vào vui, thở ra cười.
Nhẹ, cười.
Nhẹ, cười.
Nhẹ, cười.
Các em thấy, thở có vui không?
- Ồ! Vui ghê. Thở khỏe thật.
Các em à, chúng mình còn có đôi mắt sáng để nhìn nắng vàng rơi. Các em có thấy ánh nắng lung linh trên mặt hồ không?
- Dạ vâng! Đẹp tuyệt vời.
Các em có thấy không? Mỗi khi chúng mình
dừng lại để tiếp xúc với sự sống, thì chúng mình khám phá ra nhiều sự
mầu nhiệm, lạ kỳ và quí giá. Trái tim còn đập thật là quí giá. Các em
thử đặt bàn tay lên ngực để cảm nghe nhịp đập của trái tim. Nó đập
thình, thịch, thình, thịch… Có phải không?
Dạ vâng!
Các em ạ! Nếu chúng mình không thở, nếu trái tim ngừng đập thì chúng mình sẽ như thế nào? Chúng mình sẽ mất sự sống.
Các em có biết không? Sự sống quí nhất
trên đời, mà sự sống ấy chỉ xảy ra trong giây phút hiện tại. Bông hoa là
sự sống. Mặt trời là sự sống. Ánh mắt là sự sống. Hơi thở là sự sống.
Nụ cười là sự sống… Muốn có sự sống, thì các em phải chú ý tới nó, mà nó
chính là những gì đang xảy ra trước mặt các em trong phút giây hiện
tại. Có hiện tại là có tất cả điều kiện của hạnh phúc như là mẹ yêu,
nắng ấm, đôi mắt, trái tim…
Các em thương yêu ơi! Chúng mình đang có mặt thật sự ở nơi đây phải không à?
- Vâng, đang có mặt.
Nơi đây sao yên tĩnh đến thế! Các em có cảm thấy yên không?
- Dạ có. Yên lắm.
Nơi đây có hồ sao mai, có hồ bán nguyệt,
có hoa tím, có mấy con cá đang lội… Ở đây có cả sự sống, có cả chúng
mình nữa. Vậy thì, vui quá là vui rồi! Còn gì vui hơn nữa, phải không?
Giờ chúng mình tập thở thêm một lần nữa nhé.
“Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời.”[2]
Tĩnh lặng, mỉm cười
Tĩnh lặng, mỉm cười
Tĩnh lặng, mỉm cười.
Bây giờ, các em cảm thấy như thế nào?
- Chúng em có mặt được rồi. Chúng em sống hiện tại rồi! Anh Lang có thấy chúng em mỉm cười không?
Vâng! Nụ cười tươi đẹp lắm.
Có gì đâu để mà lo, có gì đâu để mà suy
nghĩ. Sự sống đẹp tuyệt vời. Thế mà, con người cứ hay lo lắng, hồi hộp,
hấp tấp, chạy ngược, chạy xuôi mãi hoài! Tội nghiệp ghê! Họ lận đận một
đời, rồi có giữ được cái gì đâu! Tất cả sẽ theo dòng thời gian mà thay
đổi, đổi thay, có hoàn không, còn lại hai bàn tay trắng. Chỉ có niềm
vui, cái đẹp, tình yêu và hạnh phúc của người biết thưởng thức sự sống
sẽ còn mãi trong trái tim. Các em là người may mắn, đang tập luyện nghệ
thuật sống để tạo ra chất liệu quý báu của thương yêu và hạnh phúc. Các
em hãy vui lên!
Biết ngồi yên, biết đi chơi, biết thở,
nên chúng mình có nhiều niềm vui đơn sơ, nhỏ bé, nhưng hạnh phúc vô
cùng. Cám ơn giờ ngồi chơi. Cám ơn con suối. Cám ơn nắng vàng. Cám ơn
các chị bướm. Cám ơn lá xanh. Cám ơn mặt trời. Cám ơn tất cả, tạo cơ hội
cho chúng mình vui chơi.
Tiếng chuông huyền diệu
Nghe một tiếng chuông, chúng mình thở
vào, thở ra ba lần. Các em chú ý đến tiếng chuông từ đầu đến cuối. Không
suy nghĩ, không làm gì cả, chỉ lắng nghe thôi. Anh Lang thỉnh lên một
tiếng chuông, và chúng mình thực tập nhé.
Boong, boong, boong, boong,……
“Thở vào. Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe.
Thở ra. Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.”[3]
Thở vào, lắng nghe
Thở ra, nhất tâm.
Thở vào, lắng nghe
Thở ra, nhất tâm.
Các em thấy sao?
- Dạ, vui lắm. Tiếng chuông hay lạ kỳ!
Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt. Người gọi:
- Con ơi! Thở đi con. Hãy về với chính con bằng hơi thở. Đừng buồn nữa, đừng lo âu nữa,…
Chúng mình thử lắng nghe một lần nữa.
- Dạ vâng, cám ơn anh Lang.
Boong, boong, boong,….
Thở vào, tiếng Bụt gọi.
Thở ra, chúng con thở đây.
Thở vào, Bụt gọi. Thở ra, thở.
Thở vào, Bụt gọi. Thở ra, thở.
- Cám ơn, Bụt nhắc nhở chúng con thở.
Nghe chuông hết lòng, tiếng chuông sẽ đi
thẳng vào tâm hồn, làm lắng đọng nỗi suy nghĩ, niềm lo âu. Tiếng chuông
đưa tâm chạy rong về với thân. Tâm các em chỉ còn lại tiếng chuông. Lúc
ấy, thân tâm tĩnh táo, lặng lẻ. Tiếng chuông với các em là một. Các em
là tiếng chuông. Các em có Bụt ngay ở trong lòng.
Hơi thở nhẹ
Các em thương mến! Mời các em thở với
Lang nhé! Thở tự nhiên, thở bình thường, đừng cố gắng. Các em đặt hai
bàn tay lên bụng. Và bây giờ, chúng mình cùng nhau tập thở cho an.
Thở vào, bụng phồng lên,
Thở ra, bụng xẹp xuống.
Phồng lên,
xẹp xuống.
Phồng lên,
xẹp xuống.
Thở ra, nhẹ nhõm.
Khỏe, nhẹ.
Khỏe, nhẹ.
Thở vào, tĩnh lặng
Thở ra, mỉm cười.
Lặng, cười.
Lặng, cười..
Thở vào, có mặt,
Thở ra, vui quá!
Có mặt, vui quá.
Có mặt, vui quá.
Thở vào, còn sống,
Thở ra, hạnh phúc.
Còn sống, hạnh phúc.
Còn sống, hạnh phúc.
Các em thấy như thế nào?
- Ồ, không khí nơi đây trong lành ghê!
Thở ngon và khỏe quá. Xin cám ơn không khí. Không có không khí làm sao
chúng em sống được. Nhớ lại, lúc ở dưới hầm sâu hoặc nơi đông người,
chúng em cảm thấy ngột ngạt đến bơ phờ. Bây giờ, thở không khí trong
lành sướng quá, đã quá. Thở khỏe nên chúng em vui. Nếu mệt mỏi thì làm
sao vui cho được. Có phải không anh Lang?
Đúng vậy! Vì thế, dù ở nơi đâu, các em
hãy nhớ thở. Các em có mặt cho hơi thở thì hơi thở có mặt cho các em. Có
mặt là có sự sống. Các em thấy mình may mắn, hạnh phúc và thỏa thích.
Các em có nghe con suối đang ca hát hay không?
- Dạ có.
Các em có thấy nắng vàng long lanh hay không?
- Dạ vâng.
Hơi thở đưa các em về với những gì mầu
nhiệm đang xảy trong từng giây từng phút như ly nước mát, cây cà rem,
suối ca, nắng ấm, hơi thở nhẹ…
Hơi thở còn cung cấp dưỡng khí cho hai
lá phổi. Phổi cảm thấy sung sướng, mạnh khỏe và an vui nên các em vui
lây. Phổi chuyền dưỡng khí lên óc nên các em tỉnh táo và sáng suốt. Các
em có biết không? Bộ não làm việc bằng dưỡng khí, và nó là trung tâm
điều khiển mọi cử động của cơ thể. Đi, đứng, nằm, ngồi, thở, nhìn, nghe
đều do bộ não điều khiển hết. Nếu không có dưỡng khí thì bộ não không
thể làm việc, và như thế là nguy to.
Hơi thở lại đẩy thán khí ra ngoài, giúp
cho cơ thể mạnh khỏe. Các em ạ, thán khí giống như khói xe. Nếu phổi
chứa đầy khói xe thì các em sẽ cảm giác khó chịu ghê lắm. Vì vậy, các em
nên thường xuyên tập thở để có sức khỏe tốt.
Hơi thở còn đẩy sự căng thẳng ra ngoài.
Có những khi, các em quên thở trong thời gian ngắn, vậy mà đã có sự căng
thẳng trong thân tâm. Nếu thường hay quên thở, thì sự căng thẳng ấy lớn
lên một mức cao. Bác sĩ Benson thuộc trường đại học Harvard có nói:
“Tất cả bệnh tật đều do căng thẳng phát sinh ra.” Bớt căng thẳng thì
khỏe nhẹ.
Cám ơn hơi thở. Hơi thở nuôi dưỡng. Hơi
thở trị liệu. Hơi thở dễ thương. Bây giờ, các em tập thở một lần nữa
theo bài thi kệ này.
“Thở vào tâm tỉnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giờ phút đẹp tuyệt vời.”[4]
Lặng, cười
Lặng, cười.
Hiện tại, tuyệt vời
Hiện tại, tuyệt vời.
- Ồ! Sướng quá. Thích ghê. Cám ơn anh Lang.
Trở về
Con người trọn vẹn luôn có cả thân và
tâm. Thế mà, tâm thường ưa đi chơi xa. Tâm đã quen thói chạy rong, nên
nó không chịu ở yên với thân. Nó để thân ở lại một mình trong cô đơn.
Buồn cho thân ghê, có phải không các em? Thân không có tâm thì sống
không có ý thức. Ăn không cảm giác ngon. Nhìn không thấy rõ mặt người
thân. Cái gì cũng trở nên mờ mờ, ảo ảo. Thân ở đâu, tâm ở đó, thì sự
sống mới thật là sự sống linh động.
Giờ đây, anh Lang hỏi nhỏ các em: “Tâm của các em có ở với thân hay không?”
- Dạ có.
Vậy thì hay quá. Các em ạ, nếu các em để
ý một chút, các em sẽ thấy ngay có gì đó làm cho chúng mình có cảm giác
thiếu thốn, bơ vơ và trống trãi nếu tâm không có mặt nơi thân và nơi
giây phút hiện tại.
Bây giờ, chúng mình thử tập đưa thân và
tâm trở về với nhau nhé. Trở về vui lắm. Trở về ấm áp vô cùng! Như đi
ngoài trời mưa thì lạnh cóng, nhưng khi trở về nhà thì ấm áp liền. Trước
hết, chúng mình trở về với chính mình. Thử xem sao!
Thở vào, có mặt
Thở ra, mỉm cười.
Vào, có mặt.
Ra, mỉm cười
Vào, có mặt.
Ra, mỉm cười.
Thở vào, em trở về với em.
Thở ra, em là em.
Vào, trở về.
Ra, là em
Vào, trở về.
Ra, là em.
Thở vào, cảm ơn sự sống
Thở ra, cho em đời thật vui.
Vào, cảm ơn.
Ra, đời thật vui.
Vào, cảm ơn.
Ra, đời thật vui.
Các em cảm thấy như thế nào?
- Ôi! Sung sướng quá. Chúng em gặp lại
mình rồi. Hơi thở đưa chúng em trở về. Cám ơn hơi thở nhiều. Đi lang
thang hoài chán lắm mà mệt mỏi nữa, anh Lang ạ! Nhớ lại lần đi chơi với
gia đình, vui thì vui thật đấy, nhưng chúng em cảm thấy mệt nhừ. Chúng
em cứ mong mau trở về nhà. Chỉ có mái nhà mới đem lại sự bình an chân
thật. Anh Lang có nói: “Thân tâm đoàn tụ là mái nhà tâm linh.” Chúng em
hiểu rồi và tin lắm. Chúng em cảm thấy đầy đủ, vẹn toàn.
Các em thành công rồi đó. Trở về với sự
sống là một tin mừng. Biết sống là một viên ngọc màu xanh vô giá! Các em
có cả một kho tàng hạnh phúc, dùng để hiến tặng cho ba mẹ, anh em và bè
bạn. Biết sống là biết thương, biết cảm, biết nghe, biết ăn, biết uống…
Sống không có ý thức xem như đã chết. Không ý thức nên không thấy được
sự sống rõ ràng. Nắng sớm có đó cũng như không. Ăn cơm vội vàng hoặc trễ
nải, thiếu cẩn trọng, không thiết tha nên không thấy ngon hoặc chẳng
biết cái ngon, cái quý thực sự nơi thức ăn. Uống nước không nếm được vị
ngọt, vị mát lành trong nước… Các em có hiểu không?
- Dạ vâng, chúng em hiểu rồi.
Từ đây trở về sau, các em cố gắng trở về với mình, về với sự sống, về với hiện tại. Đưa tâm rong ruổi trở về với thân nha.
- Dạ vâng. Cám ơn anh Lang.
Trái táo ửng hồng
Các em thương mến! Bây giờ, chúng mình
ăn táo cho vui nhé! Các em đặt trái táo trong lòng bàn tay. Ngắm nhìn
nó, gọi tên nó. Chúng mình cùng nhau thực tập.
- Táo ơi! Chào em. Cám ơn trái táo.
Mỗi khi ăn thức gì, các em hãy để ý và
gọi tên nó, thì thức ăn ấy mới thực là thức ăn. Các em đưa trái táo lên
mũi, thử ngửi đi. Trái táo có thơm không?
- Dạ thơm lắm.
- Hít vào nè.
- Ừm! Thơm ghê.
Bây giờ đến lúc, các em nhìn trái táo nào. Trái táo này màu gì?
- Dạ thưa, màu ửng hồng.
Các em có thấy ông mặt trời không?
- Dạ có. Mặt trời là trái táo. Mặt trời gửi nắng vào trái táo, giúp cho nó
từ xanh tươi trở thành ửng hồng. Nắng và hơi ấm của mặt trời cũng góp phần quan trọng tạo ra nước ngọt cho trái táo nữa.
Các em giỏi quá. Các em có thấy cơn mưa trong trái táo hay không?
- Dạ có. Cơn mưa nuôi dưỡng cây táo suốt năm. Nước táo cũng có từ
cơn mưa. Nước táo ngọt lịm. Không có cơn mưa thì làm sao trái táo căng tròn, no đầy nước ngọt cho được. Có phải không anh Lang?
Phải rồi! Còn nữa, các em có thấy đất cũng có mặt trong trái táo không?
- Dạ có. Đất là mẹ của cây táo. Đất nuôi dưỡng cây táo từ lúc mới nẩy
mầm. Đất cung cấp nước, chất đạm, phân bón… để cây lớn lên tốt tươi mà đơm hoa kết thành trái táo này.
Các em thấy gì nữa? Các em có thấy nơi trái táo này cũng từng có cây táo khi cây trổ đầy hoa trắng như tuyết không?
- Dạ vâng, chúng em có thấy. Hoa đẹp lắm.
Các em thấy gì nữa?
- Dạ, chúng em thấy dòng sông, không khí, chất khoáng, trời xanh, mây
trắng, nhiều nữa, nhiều nữa trong trái táo.
Ồ! Các em giỏi quá.
Trước khi ăn táo, Lang hát bài hát của chị Betsy Rose bằng tiếng Anh để các em nghe cho vui.
Taste and See
Oh! Taste! Taste! And see.
How good is the fruit that falls from the tree.
Oh! Taste, taste, and see.
How good is the fruit of the garden.
Taste the sun, stored in the skin; flavor of fire and of passion.
Taste the stars that dwell at the core; Seeds of our joy and compassion.
Oh! Taste! Taste! And see.
How good is the fruit that falls from the tree.
Oh! Taste, taste, and see.
How good is the fruit of the garden.
Taste the rain, soaked through the flesh; it lingers so sweet on the tongue.
Taste the earth, the body of life; dark and rich and strong.
Oh! Taste! Taste! And see.
How good is the fruit that falls from the tree.
Oh! Taste, taste, and see.
How good is the fruit of the garden.
- Hay quá! Các bạn ơi! Chúng mình vỗ tay đi nào.
- Anh lang hát hay ghê.
Các em đã quên lối vỗ tay mới rồi à.
Chúng mình hãy làm hoa nở bằng hai bàn tay của mẹ. Ồ! Vui quá. Anh Lang
tạm dịch bài hát này ra tiếng Việt.
Nếm để mà thấy
Điệp khúc
(Hãy nếm, hãy nếm để mà thấy!
Trái này ngon lắm rơi xuống từ cây.
Hãy nếm, hãy nếm để mà thấy!
Trái này ngon lắm của mảnh vườn.)
Nếm mặt trời chứa ở vỏ trái cây, vị của lửa và của đam mê.
Nếm ngàn sao ở giữa lòng trái cây; hạt giống của niềm vui và tình yêu.
(Điệp khúc)
Nếm cơn mưa thấm trong da thịt của trái cây; nó đậm đà, ngọt lịm cả lưỡi.
Nếm đất mẹ, cơ thể của sự sống; Vững chắc, giàu có và mạnh mẽ.
(Điệp khúc)
Bây giờ, các em cắn một miếng táo và
nhai từ từ, thật kỹ lưỡng để ý tới vị ngọt của nước táo. Đừng vội nuốt
liền. Nhai cho tới khi miếng táo trở thành nước mới nuốt. Nào, chúng ta
cùng nhau ăn táo cho vui.
Ngoạm, nhai, nhai…
Ăn như thế, các em cảm thấy ra sao?
- Ngon lắm, ngọt ghê, giòn nữa. Lần đầu tiên em ngửi được mùi thơm
của táo. Cũng là lần đầu tiên em tiếp xúc được cây táo.
- Chưa bao giờ em ăn táo ngon như thế.
- Em thấy mùa xuân.
- Em cảm nhận được tình thương.
Vậy là vui quá rồi. Các em giỏi lắm. Các
em nhớ ăn theo cách này với các loại trái cây khác nhá. Khi ăn theo
cách này, các em sẽ cảm nhận được sự sống dễ thương và ngọt ngào biết
mấy!
Nước ngọt lịm
Chào các em. Bây giờ, Lang mời các em
uống nước cho ngon nhé. Mùa hè, uống nước thật mát và sướng ghê. Trước
khi uống, các em thử hỏi câu này:
- Nước ơi! Em từ đâu đến?
Dường như, các em nghe nước trả lời:
“Nước từ nguồn suối cao
Nước từ lòng đất sâu
Nước mầu nhiệm tuôn chảy
Ơn nước luôn tràn đầy.”[1]
- Uống! Nếm! Hãy để từ từ cho nước thấm vào cổ. Tắc, tắc. Ừm! Ngon quá!
- Cám ơn nước. Cám ơn anh Lang. Bấy lâu
này uống nước, chúng em quá vô tình. Cứ đưa cốc lên miệng là uống ực
liền một hơi rồi chạy đi chơi. Chứ có bao hỏi nước đến từ đâu, trân
trọng cảm nhận vị nước dịu mát như thế nào. Mà, không có nước nuôi dưỡng
chúng em thì sao chúng em sống vui và khỏe mạnh được! Chúng em xin lỗi
nước thật nhiều vì chúng em đã vô tình với nước.
Biết lỗi là tốt lắm. Bây giờ, các em
uống một ngụm nữa. Hãy cảm nhận vị ngọt, mát lịm trên lưỡi và trong cổ
họng. Nước có ngọt không hởi các em?
- Dạ thưa, ngọt lắm, mát ghê.
Uống thêm một ngụm nữa đi, và chú tâm vào sự xúc chạm của nước ở trong miệng. Sao rồi?
- Đã quá. Cảm thấy khỏe liền. Nước dễ
thương. Nước nuôi dưỡng. Nước tuyệt vời. Không có nước chắc, chúng em
khô héo và chết mòn mất, anh Lang ơi! Nước cần thiết hết sức, vậy vì sao
ít người để ý và trân quí nó?
Có chứ! Những lúc bị cúp nước, mọi người mới thấy, sống không thể thiếu nước. Tuy nhiên, con người hay quên. Thế thôi!
Các em ạ! Uống nước cũng là uống mây, vì
cơn mưa nhờ mây mà có. Uống nước cũng là biến thành dòng sông trôi chảy
âm thầm. Như vậy, các em có thích không?
- Dạ! Thích lắm! Trở thành dòng sông là vui lắm, là một chuyện lạ lùng.
Chúng em chưa bao giờ nghĩ tới. Vậy là chúng em có thể xuôi về biển cả rồi. Sướng quá, anh Lang ơi!
Uống nước là nghe con suối chảy róc
rách, nghe mạch nước thì thầm trong từng dòng máu. Các em thương mến!
Nước mầu nhiệm vô cùng. Các em cũng mầu nhiệm như nước. Cám ơn các em.
Bốn viên sỏi dễ thương
Các em có cái túi chứa sẵn bốn viên sỏi hay chưa?
- Dạ thưa! Có. Chiều hôm qua, chúng em
đã tự may lấy cái túi này và đã tìm được bốn viên sỏi ở ngoài vườn.
Chúng em rửa các viên sỏi thật sạch, phơi khô và bỏ vào túi để cho buổi
thiền tập này.
Tốt quá. Bây giờ, các em ngồi cho đẹp
trong thế hoa sen. Mở túi ra, lấy bốn viên sỏi, đặt xuống đất bên phía
tay trái của các em. Chúng mình cùng nhau thiền sỏi.
Thở vào, là hoa.
Thở ra, tươi mát.
Thở vào, là hoa.
Thở ra, tươi mát.
Thở vào, là hoa.
Thở ra, tươi mát.
Các em thực tập “là hoa, tươi mát” trong
ba hơi thở nhé. Tay trái lấy hòn sỏi đầu chuyền qua tay phải, rồi đặt
nó xuống đất bên phía tay phải. Hãy hình dung mình là một bông hoa, và
mình tươi mát, xinh đẹp. Muốn tươi đẹp, các em nuôi mãi nụ cười trên
môi, giữ cho nét mặt tươi sáng. Tuổi thơ là tuổi thân tiên, có nụ cười
tươi, có đôi mắt sáng, có nét mặt xinh. Ai nhìn các em cũng cảm thấy
hạnh phúc.
Loài người là loài hoa. Bụt cũng là một
bông hoa Ưu Bát Đa La. Giữ được sự tươi mát là người có hạnh phúc, có
niềm vui, có sự tinh khiết.
Chúng mình thực tập bài thứ hai nhé.
Thở vào, là núi.
Thở ra, vững vàng.
Thở vào, là núi.
Thở ra, vững vàng.
Thở vào, là núi.
Thở ra, vững vàng.
Các em thở vào, thở ra ba lần cho bài
tập “là núi, vững vàng”. Hãy thấy các em là núi. Một trái núi đứng vững
vàng. Cho dù mưa to, gió lớn, núi vẫn đứng yên bất động. Thế ngồi hoa
sen là thế núi vững. Vững chãi là không lung lay, không lên xuống. Các
em không bị chi phối bởi ngoại cảnh, không bị buồn vui, thương ghét cuốn
đi. Có sự vững vàng, các em mới có sức mạnh, có đức tự tin. Cũng vậy,
tay trái nhặt lấy viên sỏi thứ hai chuyền qua tay phải, rồi đặt nó xuống
đất bên phía tay phải.
Các em thương mến! Chúng mình thực tập tiếp bài thứ ba. Chúng mình là nước nên lặng chiếu. Thử nhé.
Thở vào, nước tĩnh.
Thở ra, lặng chiếu.
Thở vào, nước tĩnh.
Thở ra, lặng chiếu.
Thở vào, nước tĩnh.
Thở ra, lặng chiếu.
Các em thấy như thế nào?
- Chúng em thấy hồ nước yên tĩnh. Nó có chiếu áng mây ở trong lòng. Nó còn in dáng cành, lá và trời xanh nữa.
Ồ! Các em giỏi quá.
Trong ba hơi thở vào, ra, các em làm cho
tâm yên tĩnh, lắng trong như một mặt hồ. Các em thở, thì tâm từ từ tĩnh
lặng. Những suy nghĩ, lo âu sẽ lắng đọng lại nên các em thấy được các
bóng dáng như buồn, vui, lo, sợ… trong lòng. Thấy hoạt động của tâm là
bước tiến lớn của thiền. Thấy nên hiểu, hiểu nên chấp nhận và yêu
thương. Hãy nhặt viên sỏi thứ ba chuyền qua tay phải, rồi đặt nó xuống
lòng đất bên phía tay phải. Các em thực tập giỏi lắm.
Nào, chúng mình thực tập bài cuối nhé.
Thở vào, không gian.
Thở ra, thênh thang.
Thở vào, không gian.
Thở ra, thênh thang.
Thở vào, không gian.
Thở ra, thênh thang.
Các em lại thấy như thế nào?
- Vui lắm. Làm không gian thật là khỏe. Chúng em cảm thấy tâm mình thênh thang, thanh thoát lạ lùng.
Tốt lắm. Các em thực tập bài này trong
ba hơi thở hoặc nhiều hơn. Hình dung cho được mình là không gian rộng
lớn. Thi sĩ Walt Whitman làm một bài thơ có câu:
“Tôi là không gian
Tôi rộng lớn
Tôi thênh thang…”
Tâm rộng lớn là tâm không hẹp hòi, không
bị kẹt, không cố chấp. Không có một cái gì đè nặng trong lòng của các
em. Vì thế, các em cảm thấy thanh thoát và nhẹ nhàng. Sống cho hồn nhiên
thì tâm tư sẽ chứa đầy không gian bao la như vũ trụ.
Tóm lại, thiền sỏi giúp cho các em hồi
phục lại sự tươi mát của hoa, vững vàng của núi, lặng chiếu như nước hồ
thu và thênh thang như không gian bao la, bát ngát.
Thiền sỏi là một bài hát. Chúng mình cùng nhau hát cho vui nhé.
Thở vào, thở ra
Thở vào, thở ra.
Là hoa, tươi mát.
Là núi, vững vàng.
Nước tĩnh, lặng chiếu
Không gian, thênh thang.
Hoa phượng vĩ
Hạ ơi, chào em nhé.
Tuổi thơ ơi! Các em hồn nhiên, trong sáng.
Các em rực rỡ như màu hoa phượng vĩ.
Các em tươi mát như buổi sáng bình minh.
Các em xinh đẹp như một cánh thiên thần.
Các em là thiên đường của hạnh phúc.
Ta yêu thương và tôn thờ tuổi thơ muôn đời.
Cám ơn các em thật nhiều.
Xin tạm biệt nhé.
Huế, tháng 5, 2009.
Anh Lang
[1] Mở thêm rộng lớn con đường — Tịnh Thủy
[2] Từng bước nở hoa sen
[3] Thơ Nhất Hạnh
[4] Nhất Hạnh
[5] Nhất Hạnh