23/09/2010 11:31 (GMT+7)
Số lượt xem: 5539
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Buổi tư vấn trực tuyến Dạy trẻ chưa ngoan diễn ra tại toà soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị lúc 9g30 sáng nay 23.9, với sự tham dự của tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy, chủ tịch hội Khoa học tâm lý TP.HCM và ca sĩ Cẩm Ly.

Tiến sĩ Phương Duy cung cấp những kỹ năng ứng xử gia đình, định hướng cần có của cha mẹ trong việc chăm sóc và dạy trẻ chưa ngoan, những giải pháp cần thiết để ứng xử trong tình huống trẻ ngỗ nghịch, bướng bỉnh. Ca sĩ Cẩm Ly ngoài chia sẻ quan niệm cá nhân trong việc dạy dỗ và định hướng cho con, kinh nghiệm để nói cho trẻ nghe lời, còn nói về những dự án âm nhạc sắp tới của chị.

Đặc biệt ca sĩ Cẩm Ly hứa hẹn nếu điều kiện cho phép, sẽ hát tặng bạn đọc. Bên cạnh trả lời những câu hỏi bạn đọc gởi về, các khách mời còn tư vấn trực tiếp cho 30 bạn đọc đăng ký sớm nhất. Những bạn đọc tham dự trực tiếp cũng sẽ được nhận quà dinh dưỡng do công ty Vinamilk trao tặng. Phụ huynh và bạn đọc có nhu cầu, có thể truy cập www.sgtt..vn để đặt câu hỏi, hoặc liên hệ qua điện thoại: 08.39307825 để đăng ký tham dự trực tiếp.

Buổi tư vấn này được tài trợ bởi công ty CP Sữa VN – Vinamilk.

 

Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy
   

Ca sĩ Cẩm Ly

T.D

Mở đầu buổi giao lưu, bạn đọc Nguyễn Tráng Sĩ (Hóc Môn) đã có câu hỏi với TS Đinh Phương Duy về vấn đề bạo lực học đường. Theo ông Sĩ, bạo lực học đường có biểu hiện đáng lo ngại, phụ huynh gặp tình huống này thì hướng dẫn con cháu mình phải làm sao, cách nào để giải toả những căng thẳng của trẻ trong trường?

 
Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy (đứng): Bạo lực học đường là hệ quả của nhiều tác động tiêu cực từ xã hội, nhà trường và gia đình. Ảnh: Phan Quang  

TS Đinh Phương Duy:

Bạo lực học đường không phải hoàn toàn do các tác động giáo dục của nhà trường mà là hệ quả của nhiều tác động tiêu cực từ xã hội, nhà trường và gia đình.

Mỗi lực lượng giáo dục đều được yêu cầu thực hiện những phương pháp giáo dục phù hợp để phát triển nhân cách của học sinh nói chung và bạn trẻ nói riêng. Trước hết, khi đối diện với bạo lực học đường, thầy cô và các bậc cha mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu tâm trạng của các cháu, chia sẻ cảm xúc với các cháu để ổn định đời sống tinh thần khi các cháu là nạn nhân của bạo lực.

Điều quan trọng là các bạn trẻ phải biết cách làm chủ cảm xúc, do đó các bậc cha mẹ cố gắng giúp các cháu biểu lộ cảm xúc thực của mình trong gia đình để các cháu có thói quen thích ứng với hoàn cảnh, từ đó các cháu có kỹ năng xử lý tình huống một cách phù hợp.

Xã hội đang có nhiều hình thức bạo lực, nhiều mức độ. Bạo lực học đường có khi có nguyên nhân ngoài nhà trường. Nhưng ở ngoài nhà trường thì không ai có trách nhiệm, nếu xảy ra trong nhà trường thì lại dễ dàng đỗ lỗi cho nhà trường. Cần có kết hợp giữa giáo dục, nhà trường và các thiết chế xã hội.

Có một câu hỏi khá tế nhị xin được hỏi chị Cẩm Ly, đó là giới nghệ sĩ, không phải là tất cả, thường có nhiều chuyện xì căng đan không hay lắm, liệu điều đó có ảnh hưởng đến con cái? Có bao giờ chị phải chịu những bực dọc, bất công trong nghề nghiệp và có khi nào vì điều đó mà trong lúc bực dọc chị la mắng con hay không? (Hồ Hoàng Ngân, 37 tuổi, nganhoang...@yahoo.com)

Ca sĩ Cẩm Ly: Thường thì trong giới hay có scandal, nhưng mình cố gắng không để chuyện đó xảy ra. Những lời đồn đại về scandal chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến con cái mình. Tôi luôn phân biệt rạch ròi giữa công việc nghề nghiệp và việc nuôi dạy con cái.

Chào chị Cẩm Ly. Theo tôi, mẹ thường hay dạy con phải ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ. Nhưng chị là nghệ sĩ, chắc chị cũng không có một thời gian biểu chỉn chu cho việc này. Vậy, chị có làm gương cho con trong những sinh hoạt hằng ngày được hay không? (Phạm Văn Lâm, 39 tuổi, yeunguoi...@yahoo.com)

Ca sĩ Cẩm Ly:

 
Ca sĩ Cẩm Ly: Tôi luôn phân biệt rạch ròi giữa công việc nghề nghiệp và việc nuôi dạy con cái. Ảnh: Phan Quang 
Đúng như anh nghĩ, nghề nghiệp của Ly không có giờ giấc ổn định, nhưng đối với con cái, Ly bắt đầu tập cho con từ nhỏ ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ giấc để tập cho bé có thói quen tốt. Tuy bé còn nhỏ nhưng cũng hiểu được cách sinh hoạt của mẹ. 

Thưa TS Phương Duy, cháu tôi 3 tuổi, gặp gì không hài lòng là nổi giận vứt đồ đạc, xử trí trường hợp này như thế nào? (Huỳnh Thị Sinh)

Tiến sĩ Đinh Phương Duy: Mỗi người sinh ra có cơ địa khác, cấu trúc thần kinh khác… Về cảm xúc, phản ứng cũng phụ thuộc vào cấu trúc thần kinh. Ba tuổi là lứa tuổi hình thành khí chất, cách thức phản ứng đó là biểu hiện trẻ muốn khẳng định vị trí trung tâm của mình, muốn được quan tâm. Phụ huynh không cần quan tâm quá đáng cách phản ứng của trẻ như thế nào. Trẻ thăm dò phản ứng của người lớn, dù không đáng phạt nhưng cha mẹ cũng phải cho trẻ biết rằng mình không hài lòng với cách phản ứng đó. Cho trẻ biết cách đó là không nên.

Mẹ yêu cầu trẻ làm gì đó phục vụ cho nhu cầu của chính chúng, trẻ lại phản ứng hỗn hào? (một bạn đọc)

Tiến sĩ Đinh Phương Duy: Xuất phát từ thói quen, do trước đó trẻ từng phản ứng nhưng cha mẹ không nhắc nhở. Nhiều lần trẻ nghĩ rằng điều đó được chấp nhận. Cha mẹ không nên làm thay cho trẻ, phải yêu cầu chúng hoàn thành việc đó bất cứ giá nào. Lần sau cháu sẽ không lặp lại nữa.

Trẻ mê vi tinh, chơi game nên thức khuya, phải làm sao?

TS Đinh Phương Duy: Cần thống nhất một số nguyên tắc. Chơi lúc nào, chơi gì, thời gian bao lâu (xong việc học mới chơi), không vi phạm nguyên tắc đó mới giúp các cháu thành thói quen được.

Chào ca sĩ Cẩm Ly, thật vui khi hôm nay được giao lưu với chị, đặc biệt là về vấn đề nuôi dạy con cái. Chị có thể chia sẻ chuyện nuôi con của một nghệ sĩ có khác gì so với những bà mẹ làm những nghề khác? Và, có khi nào con chị phải chịu áp lực với bạn bè hay mọi người xung quanh vì có một người mẹ quá nổi tiếng như chị không? (Nguyễn Thị Mộc Miên, 50 tuổi, mienvungtauviet...@.com)

Ca sĩ Cẩm Ly: Cẩm Ly nghĩ mỗi người đều có cách nuôi dạy con cái khác nhau, nhưng chung quy cũng đều muốn dạy dỗ con cái mình những điều tốt đẹp. Khi lên sân khấu, Cẩm Ly là người của công chúng; nhưng khi về nhà thì vẫn là một người phụ nữ bình thường, nên Ly nghĩ chuyện nuôi con của một nghệ sĩ với một bà mẹ bình thường không có nhiều khác biệt. Con của Cẩm Ly còn nhỏ (bé lớn 5 tuổi rưỡi, bé nhỏ chưa đầy 3 tuổi) nên chưa hiểu được việc nổi tiếng hay không nổi tiếng. Bên cạnh đó, tôi cũng tạo môi trường bình thường cho các bé phát triển. 

Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy: "Các bậc cha mẹ có thể thẳng thắn chia sẻ với con quan điểm của mình về những điều xấu và và những sự kiện tốt đẹp để các cháu biết phân biệt tốt - xấu, đúng - sai". Ảnh: Phan Quang

Có một thực tế, nhiều cha mẹ muốn con ngoan nên không cho con tiếp xúc với những điều xấu, không trả lời thẳng thắn với con về những điều xấu, tệ nạn ngoài xã hội. Nhưng xã hội Việt Nam đâu phải màu hồng? Liệu nên chọn cách giáo dục nào, xây dựng cho bé một thế giới cổ tích hay chấp nhận phơi bày sự trần trụi? (Thanh Hoa, 35 tuổi, hoaqueminh...@yahoo.com)

TS Đinh Phương Duy: Con người sống, sinh hoạt và làm việc dưới tác động của môi trường rất đa dạng, trong đó có những tác động tích cực và tiêu cực. Điều quan trọng là con người biết nhận thức chọn lọc các tác động đó như thế nào để lĩnh hội và phát triển. Trước các tác động này, các bậc cha mẹ có thể thẳng thắn chia sẻ với con quan điểm của mình về những điều xấu và và những sự kiện tốt đẹp để các cháu biết phân biệt tốt - xấu, đúng - sai. Tuy vậy, không phải mọi sự thẳng thắn nào cũng có tác dụng tích cực, do đó bản lĩnh của các bậc cha mẹ là biết chọn lọc, tiếp nhận và đối diện để giải thích cho các cháu những hiện tượng nào, sự kiện nào có lợi cho con em mình.

Cuộc sống cần sự lãng mạn, nhưng nếu chỉ xây dựng một thế giới cổ tích màu hồng thì có thể làm cho con người thêm yếu đuối và ảo tưởng.

Con trai tôi năm nay học lớp 1, bé rất thích đến trường, nhưng khi vào lớp, cô dạy thì bé lại không chịu học, toàn ngồi nghịch khi thì hộp bút, bút chì,... nếu giờ viết bảng thì nghịch phấn. Bé nghịch bất kể cái gì có trong tầm tay, nếu không nghịch thì bé nói chuyện hoặc nhìn đâu đó chứ kkhông chú tâm vào viết bài hoặc nghe cô giảng. Ngày nào bé cũng bị cô phạt vì không chịu viết bài. Về nhà tôi đã khuyên nhủ bé hết lời nhưng bé chỉ hứa lúc đó thôi, sau đó đến lớp lại quên hết. Không biết bé có vấn đề gì về tâm lý hay không? (Nguyễn Thúy Hằng, 37 tuổi, hangnguyen...@gmail.com)

TS Đinh Phương Duy: Tuổi bắt đầu đi học có nhiều điều mới lạ được tri giác, do đó việc cháu hay nghịch và không chịu học không phải điều gì bất thường, nếu cháu không có những biểu hiện bất thường khác trong sinh hoạt, vui chơi... Vấn đề là cháu đang không có sự tập trung chú ý đối với một hoạt động mới là hoạt động học tập, một hoạt động hoàn toàn mới, cháu chưa bao giờ có kinh nghiệm. Nếu chỉ có khuyên bằng lời thì cháu chưa đủ "ý thức đạo đức" để chấp hành và nghe theo, mà cần có thêm những tác động khác như: bày tỏ sự không hài lòng của cha mẹ, hoặc có những tác động trách phạt nhẹ nhàng để cháu biết mình phải thay đổi.

Con tôi được 6 tuổi, bé hay đòi theo bố mẹ đi làm, đi tiếp khách, hay khi có công việc cần thiết. Nếu không cho đi, bé sẽ khóc và không thể dỗ được, còn cho bé đi nhiều khi rất dở (có lần tôi cho bé đến nhà sếp, lúc về bé đòi hoa quả trong túi quà biếu mang về!). Tôi muốn xin ý kiến các chuyên gia về trường hợp của con tôi? (Nguyễn Mạnh Hùng, 40 tuổi, hungnguyen...@yahoo.com)

TS Đinh Phương Duy: Các bé cần được tạo điều kiện để mở rộng mối quan hệ xã hội, điều đó giúp các cháu mạnh dạn thể hiện tính độc lập của mình. Nhưng nếu mở rộng thái quá môi trường, đặc biệt là những môi trường không phù hợp với lứa tuổi, thì có thể làm các cháu "hoang mang" không biết tiếp nhận những tác động nào làm "vốn sống" cho mình.

Có những trường hợp anh không cần hoặc không nên cho cháu đi cùng, bởi vì có nhiều trường hợp cháu không thể kìm chế những "ham muốn" của mình như trường hợp anh kể. Tuy vậy không phải vì thế mà chúng ta cho rằng cháu có tính xấu, chỉ có điều cần quan tâm mối quan hệ của anh với các đối tượng khác trong những mối quan hệ để quyết định cho cháu đi cùng hay không.

Chào chị Cẩm Ly, em xin hỏi trong nhà chị cả hai vợ chồng đều làm nghệ thuật, đều bận rộn hết, vậy thì có phân công việc nuôi con? Em để ý thấy gia đình lớn của chị cả ba đều là chị em gái. Gia đình nhỏ của chị cũng toàn gái. Có phải vì sinh con gái là dễ hơn con trai mà chị chỉ chọn như vậy? (Huỳnh Thị Sinh, 50 tuổi)

 

Ca sĩ Cẩm Ly: trong gia đình thì ông xã lo về phần đối ngoại, còn việc chăm sóc con cái thì Ly lo nhiều hơn. Ảnh: Phan Quang 
Ca sĩ Cẩm Ly: Thật ra thì gia đình lớn của tôi có hai trai, bốn gái. Vì có ba người trong nhà theo nghề ca sĩ đều là gái nên mọi người lầm tưởng gia đình lớn của tôi chỉ có ba chị em gái. Còn gia đình nhỏ của tôi có hai cô con gái, tôi nghĩ việc sinh con gái hay con trai đâu do mình quyết định (cười).

Vợ chồng tôi đều rất thương con cái, do cả hai làm nghệ thuật nên giờ giấc không ổn định. Nói chung, trong gia đình tôi thì ông xã lo về phần đối ngoại, còn việc chăm sóc con cái thì Ly lo nhiều hơn.   

Dạy trẻ chưa ngoan, tôi nghĩ đây là một vấn đề rất khó, bởi làm sao có thể vừa dạy trẻ có tính kỷ luật, ăn ngoan, ngủ đúng giờ, ăn nói lễ phép… vừa không triệt bỏ tính sáng tạo nơi trẻ. Bởi nhiều phụ huynh, vì muốn con ngoan mà dạy con theo kiểu ba mẹ nói, con phải nghe, không giải thích và rất áp đặt. Chính lối dạy con này làm mất đi tính sáng tạo và khả năng phản biện của trẻ ngay từ nhỏ, điều này rất nguy hại cho việc phát triển một con người. Tiến sĩ có ý kiến gì trong vấn đề này? (Nguyễn Hồng Quỳnh, Q. Phú Nhuận, 33 tuổi, Hongquynh_...@yahoo.com)

TS Đinh Phương Duy: Dạy trẻ chưa ngoan đang là mối quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt đối với các bậc cha mẹ và các thầy cô đang đối diện với con em chưa ngoan.

Dạy trẻ chưa ngoan không có nghĩa là làm cho các cháu có những hành vi "đúng khuôn" mà là giúp các cháu có điều kiện thay đổi nhận thức để có những hành vi phù hợp trong mối quan hệ với môi trường và xã hội. Do đó mọi điều áp đặt đối với nhận thức tình cảm và hành vi của các cháu đều có thể có các tác dụng ngược và có thể làm mất đi tính sáng tạo và sự độc lập của các cháu. Tùy thuộc vào đặc điểm tâm lý chủ quan của từng cháu mà người lớn sẽ có những cách thức giáo dục khác nhau, nhưng nếu thể hiện sự tôn trọng và lòng yêu thương chân thành thì chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ cao.

Chào chị Cẩm Ly, em đang mang thai con đầu lòng. Cũng lo lắm, không biết bé có ngoan không. Không biết hồi chị Cẩm Ly có bé đầu, chị có tâm trạng này không? Theo chị, để dạy được cho bé ngoan khi bé chào đời, người mẹ phải chuẩn bị gì? Hồi đó chị có đọc sách để biết cách chăm sóc con hay khi có chuyện thì hỏi người này người kia? Rất vui được giao lưu với chị. Chúc chị ngày càng xinh đẹp và hát hay. ( Minh Ly, 28 tuổi, minhly...@yahoo.com)

Ca sĩ Cẩm Ly: Cẩm Ly cũng có tâm trạng như vậy trước khi có bé đầu lòng, điều đó cũng bình thường thôi vì đó là một sự kiện mình chưa từng trải qua, cũng như chưa có kinh nghiệm. Khi mình mang bầu, mình cũng hay tìm nhiều sách báo về nuôi dạy trẻ để tham khảo cũng như học hỏi những người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị hành trang làm mẹ cho mình.  


Chào chị Cẩm Ly, hôm nay em phải đi làm nhưng xin nghỉ để ở nhà giao lưu với chị đó. Em ở trên Đồng Nai, mê giọng ca chị quá trời luôn là mê. Chị Cẩm Ly cho em hỏi thường nữ nghệ sĩ trẻ rất sợ có con sớm nhưng với chị thì em thấy chị có tới hai bé. Chị không sợ hình ảnh của mình hết hấp dẫn khán giả nam sao? Hai bé nhà chị có ngoan không? chị có định hướng cho bé đi theo nghề ca sĩ như mình không? Khi nào chị ra đĩa liveshow mới hả chị? Em chúc chị ngày càng xinh đẹp. (Nguyễn Thị Thắm, 35 tuổi, cogaimatnai_...@yahoo.com)

Ca sĩ Cẩm Ly: Trời, Ly có lỗi đã làm bạn mất một ngày làm việc. Khi quyết định lập gia đình thì việc sinh con là điều tất yếu sẽ xảy ra, vả lại là ca sĩ thì giọng hát là quan trọng nhất, và Ly nghĩ không phải người mẹ có con nào cũng mất đi sự hấp dẫn đâu bạn ạ. Hai bé nhà mình cũng tinh nghịch và phá lắm. Hiện tại, mình muốn cho bé theo đuổi việc học đến cùng mà thôi.

Chào Cẩm Ly, ông bà ta ngày xưa nói “con hư tại mẹ”, Cẩm Ly có đồng ý với điều này không, chứ riêng tôi, tôi rất bức xúc. Ly có kinh nghiệm gì trong chuyện này, chia sẻ với tôi nhé. Cám ơn và chúc bạn ngày càng hát hay hơn nữa (Nguyễn Thanh Bình, thanhbinhnguyen1...@yahoo.com)

Ca sĩ Cẩm Ly: Đúng là ông bà ta xưa vẫn thường nói "con hư tại mẹ", nhưng Ly cũng như bạn, không hoàn toàn nghĩ như vậy. Chuyện nuôi dạy con cái là của cả hai bậc cha mẹ chứ không của riêng ai. Có lẽ ông bà nói như vậy vì nghĩ người mẹ luôn là người nuông chiều con cái, nhưng có lắm "ông" cũng "dạy hư" con mình (cười).

Mẹ và bé cùng đến giao lưu. Ảnh: Phan Quang 
Con tôi học lớp lá, ở lớp ngoan nhưng về nhà mới nhõng nhẽo, nhiều khi lớn tiếng, cha mẹ bảo không làm ngay mà cứ chần chừ, xin chuyên gia cho lời khuyên? (Trần Phú, TP.HCM)

TS Đinh Phương Duy: Hội chứng "trẻ lên ba" (là bé ngoan nhưng hay nhõng nhẽo) kéo dài đến hết mẫu giáo. Sự tự lập và chấp hành được phát triển, ngoan ở trường khi ở nhà thì các cháu nhõng nhẽo. Nhà trường khuôn phép hơn, có sự quan tâm của cô giáo với nhiều cháu, nên có nhõng nhẽo cũng không được. Khi về nhà có mẹ, cha, anh chị, thì đặc tính nhõng nhẽo mới có cơ hội lộ diện. Các bậc cha mẹ thương con có thể chấp nhận sự nhõng nhẽo dễ thương của con, nhưng nếu mãi ôm ấp con trong vòng tay của cha mẹ mà không làm cho các cháu có cảm giác phải độc lập đối diện với các tình huống thì có thể làm cho các cháu trở nên thụ động và ỷ lại khi biết rằng bố mẹ mình lúc nào cũng chiều theo ý cháu. 

Chào chị Cẩm Ly. Em là một khán giả rất yêu thích tiếng hát của chị. Chị hát mấy bài nhạc "sến" nghe mùi gì đâu. Hôm nay giao lưu với chị, em rất muốn tham gia nhưng không biết hỏi gì vì em chưa có con. Chỉ mới có bạn trai sắp cưới thôi. Hôm rồi đọc báo nghe nói chị với ông xã muốn sinh thêm baby. Em hơi tò mò là không biết chị đã có tin vui chưa? Bé trai hay bé gái? Chị trả lời em nhé. Tại mấy chị bạn bán hàng gần sạp trái cây của em cũng có thắc mắc như vậy đó. Chúc chị Cẩm Ly lúc nào cũng xinh đẹp và được nhiều hạnh phúc, thành công. (Nguyễn Thị Lựng, cogaibansau....@yahoo.com)

Ca sĩ Cẩm Ly: Không biết báo nào đăng chứ Ly chưa bao giờ nói muốn có thêm em bé. Chắc có lẽ ông xã mình muốn có thêm con trai để nối dõi (cười). Với Ly thì con gái cũng như con trai. Ly rất lo ngại có thêm em bé nữa thì không biết mình có chăm sóc trọn vẹn cho con được không, vì Ly nghĩ có nhiều con sẽ bị san sẻ tình cảm. Không biết Ly có "khờ" lắm không?

Chào TS Đinh Phương Duy, em có một câu hỏi muốn hỏi giùm anh trai em (em chưa có gia đình). Chuyện là cháu gái em hễ người giúp việc cho ăn thì ăn hết cả tô cháo đầy, nhưng khi mẹ hoặc bà cho ăn thì dù dọa nạt hay nịnh nọt cháu cũng chỉ ăn được rất ít. Xin tiến sĩ có lời khuyên làm sao để người nhà không bị cháu "bắt nạt" nữa? Cám ơn tiến sĩ. (Phan Hoa, 29 tuổi, ph_hoa@...vn)

TS Đinh Phương Duy: Người giúp việc cho ăn với tư cách là một "người lao động", do đó họ kiên quyết thực hiện đúng... chỉ tiêu nên các cháu phải tuân thủ một cách triệt để. Khi người nhà cho ăn thì cháu "xả súp bắp" nhu cầu được yêu thương của mình lên cha mẹ hoặc ông bà. Do đó việc nhõng nhẻo "làm cao" không chịu ăn là một hình thức thể hiện nhu cầu được quan tâm của những người thân thiết với cháu. Cháu chỉ có thể "bắt nạt" người nhà khi người nhà tâm nguyện phục tùng sự "bắt nạt" đó, do vậy gia đình có thể vừa quan tâm yêu thương cháu với những lời lẽ ân cần, vừa thể hiện sự nghiêm khắc đối với cháu thông qua những dấu hiệu cảm xúc trên nét mặt: "Buồn, giận, thích thú..." để các cháu ăn một cách đầy hiệu quả.

Chị tôi kể từ trước đến giờ cô con gái của chị (14 tuổi) rất ngoan, luôn quấn quýt ba mẹ. Chuyện trường lớp, bạn bè đều tỉ tê với ba mẹ nhưng dạo gần đây cháu ít nói hẳn và thích ngồi một mình trong phòng riêng, không muốn bố mẹ quấy rầy. Có lần đến giờ cơm, bố gọi nhưng cô bé không chịu xuống ăn và bảo nên tôn trọng… quyền cá nhân. Chị tôi đang rất lo lắng, xin tư vấn cách nào để giữ cháu gần gũi ba mẹ. (Bùi Thị Thủy, 46 tuổi, thith...@gmail.com)

Tuổi 14 là lứa tuổi bắt đầu "chướng" thể hiện ở các dấu hiệu của tuổi đang lớn: Tách khỏi người lớn, làm trái ngược điều người lớn muốn, thích ngồi một mình để chiêm nghiệm cảm xúc của mình, thậm chí có thể có những hành vi... bí mật.

Tuổi này các cháu có khuynh hướng thể hiện sự độc lập của mình để xác định bản sắc riêng của bản thân do đó nếu người lớn không tỏ ra tôn trọng không gian và những giá trị riêng của mình thì có thể làm cho các cháu thất vọng và tỏ ra bất cần. Để giúp cháu thân thiện hơn thì người lớn có thể chủ động gợi mở trò chuyện cùng cháu, chia sẻ những cảm xúc trong gia đình để cháu cảm thấy an toàn khi trò chuyện với ba mẹ, khoảng cách giữa cha mẹ và con sẽ được rút ngắn.

Gửi chị ca sĩ Cẩm Ly, con của mình 3 tuổi, khi mình cho bé chơi với trẻ con trong xóm thì bé thường hay ăn hiếp, thậm chí có lúc đánh vào các bạn. Theo kinh nghiệm của Cẩm Ly, mình phải xử lý chuyện này thế nào. Cứ để các bé tự nhiên chơi đùa với nhau hay can thiệp vào. Cảm ơn bạn. (Nguyễn Hoàng Oanh, 30 tuổi, phamduyd...@gmail.com)

Theo cẩm Ly, khi bé có hành vi đó mình nên can thiệp ngay để tránh cho bé hình thành thói quen xấu. Bên cạnh đó, nên giải thích và phân tích cho bé hiểu việc làm đó là sai trái.

Cẩm Ly thân thương, chị nói thế này không biết có đúng không: Nếu con môt người bình thường để dạy được phải mất một công thì con của người nổi tiếng phải mất hai, ba công. Em có nghĩ như vậy không? Sự nổi tiếng của cha mẹ ít nhiều cũng chi phối đến ý nghĩ của con trẻ, chị đã từng thấy nhiều trẻ mới tí tẹo tuổi đã thể hiện mình là kẻ ăn trên ngồi trước vì có cha mẹ là người nổi tiếng. Không biết Cẩm Ly có lo sợ điều này xảy ra với con mình và em đã có những biện pháp gì để phòng hờ chưa?. Vài điều trao đổi với em.( Nguyễn Thị Vân, nguyenvan_..@yahoo.com)

Ly nghĩ tất cả đều do cách dạy dỗ của mình, vả lại môi trường sống rất quan trọng. Con cái luôn học hỏi và bắt chước cách hành xử của ông bà, cha mẹ trong nhà nên người lớn nên cẩn trọng trong cách giao tiếp để tránh cho con tiếp thu những điều xấu.

http://sgtt.vn


Âm lịch

Ảnh đẹp