04/09/2010 11:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 4883
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bé chậm nói do cha mẹ
Theo các bác sĩ, trong những nguyên nhân ảnh hưởng sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ, một yếu tố đáng báo động là sai lầm của cha mẹ khi nuôi dạy con.

Bà Hà Thị Kim Yến - trưởng khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - cho biết trong các trường hợp đến khám và tư vấn tại khoa này có không ít trẻ 2-3 tuổi khỏe mạnh, bình thường nhưng vẫn chậm nói do môi trường nuôi dạy thiếu sự tương tác.

Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ

Theo bà Yến, bình thường vào giai đoạn 1-2 tháng tuổi trẻ đã biết tiếp xúc mắt. Sang 3-4 tháng tuổi bắt đầu phát ra những nguyên âm (ư, a, e). Trẻ 6-7 tháng tuổi có thể phân biệt được tiếng lạ, tiếng quen (chẳng hạn gọi tên ở nhà trẻ biết quay lại hướng gọi để tìm). Với trẻ tự kỷ, kiểm tra thính lực hoàn toàn bình thường nhưng cha mẹ có gọi tên nhiều cỡ nào trẻ cũng không quay lại nhìn dù đã 2-3 tuổi; hoặc ở trẻ chậm phát triển, người nhà cũng phải gọi thật lâu trẻ mới có phản ứng.

Vào 7-8 tháng tuổi, trẻ có thể bập bẹ được một số từ như “măm măm”, “ma ma”, “pa pa”... và nghe - hiểu được trước khi nói. Chẳng hạn người mẹ nói “vỗ tay đi con”, trẻ sẽ nghe và vỗ tay, hoặc khi được hỏi một số câu đơn giản như “ai”, “ở đâu”, “cái gì”, trẻ có thể dùng tay chỉ đúng. Bước sang 1 tuổi, trẻ có khoảng chục vốn từ. Lên 2 tuổi vốn từ ngày càng tăng, trẻ nói được từ đôi, tuy phát âm chưa rõ nhưng người nhà cũng có thể hiểu 30-40%.

Bà Yến khuyến cáo: “Nếu phát hiện trẻ không đạt được mốc phát triển ngôn ngữ bình thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được can thiệp sớm và điều trị hiệu quả, tốt nhất là ở giai đoạn ba năm đầu đời của trẻ”.

Chậm nói vì ít được trò chuyện

Bà Yến cho biết cũng gặp nhiều trường hợp trẻ 2-3 tuổi, khỏe mạnh, không có dấu hiệu tự kỷ hay bệnh lý nào khác nhưng chẳng nói được tiếng nào. Hỏi ra mới biết cha mẹ các bé này thường bận rộn đi làm, giao con ở nhà trẻ. Tối về con ngủ, cha mẹ mệt mỏi nên ít thời gian chơi và trò chuyện cùng con.

Thấy con khỏe mạnh, bình thường, nhiều gia đình không quan tâm hay băn khoăn đến vấn đề nghe, nói của trẻ. Một số người còn quan niệm “trẻ đến tuổi, không cần dạy sẽ tự khắc biết nói”, nhưng thực tế không phải vậy. Nếu trẻ thiếu môi trường tương tác, thiếu nhu cầu giao tiếp sẽ rất khó phát triển ngôn ngữ tốt.

Sai lầm của cha mẹ còn ở chỗ cưng chiều, phục vụ tận nơi cho trẻ. Thay vì tập cho trẻ nói lên nhu cầu của mình thì chiều bằng cách muốn cái gì, đòi cái gì chỉ cần trẻ ngồi một chỗ đưa mắt nhìn hay “ư ư” khóc, chỉ trỏ là người nhà vội đi lấy hoặc làm theo yêu cầu của trẻ. Lâu dần sẽ khiến trẻ thụ động, chậm phát triển. Nhiều bậc cha mẹ còn cho trẻ phòng riêng xem tivi, điều này không đóng góp vào sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Trong khi đó, những việc đơn giản giúp trẻ học nói tốt như tập hát, chơi cùng trẻ, đọc truyện hay kể chuyện cho trẻ nghe thì cha mẹ lại không làm được do thiếu kiên nhẫn.

BS Đặng Ngọc Thạch (khoa tâm lý trẻ em, Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết để trẻ xem tivi một mình quá nhiều cũng không có lợi vì tivi chỉ là phương tiện truyền thông, tác động một chiều, không phải là phương tiện giao tiếp. Tuy nhiên, hiện đa số trường hợp cha mẹ lạm dụng tivi trong vấn đề giữ trẻ. Người lớn vừa cho trẻ xem tivi vừa đút trẻ ăn hoặc mở lên rồi “đóng khung” ở đó để trẻ xem suốt từ sáng đến tối, hoàn toàn không có sự tương tác. Trong khi trẻ từ giai đoạn 1 tuổi rất cần sự tương tác để phát triển ngôn ngữ.

Cùng con tập nói

Theo BS Thạch, điều quan trọng nhất giúp trẻ phát triển ngôn ngữ là cần tạo nhu cầu để trẻ giao tiếp, thường xuyên trò chuyện, chơi cùng trẻ và khi chơi có kèm lời nói.

Cha mẹ cũng lưu ý dạy trẻ nói bằng mắt chứ không phải bằng tai. Không nên bắt ép trẻ nói theo mà dạy trẻ bằng những hình ảnh trực quan sinh động, có biểu tượng kèm theo. Trẻ thấy cái gì, làm gì, cha mẹ hãy miêu tả hành động đó bằng một, hai từ để trẻ học nói. Sử dụng tất cả giác quan của trẻ trong vấn đề dạy nói để làm sao trẻ vừa nghe, thấy, làm, tiếp xúc sẽ học nói nhanh hơn.

Một điều quan trọng không kém là tạo cho trẻ sự chú ý qua các trò chơi. Khi chú ý trẻ sẽ lắng nghe, bắt chước, lặp lại. Từ đó trẻ chơi với những từ trẻ học được, dần dần hiểu từ và kết hợp với cử chỉ, điệu bộ, trẻ sẽ hoàn thành lời nói. Trong thời kỳ nuôi dạy trẻ ở giai đoạn bắt đầu học nói, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ xem tivi hay chơi một mình, cố gắng có người chơi và tương tác với trẻ càng nhiều càng tốt.

  Các biểu hiện bất thường về phát triển ngôn ngữ ở trẻ cần được khám sớm: * Không đáp ứng với giọng nói hay những âm thanh to khi bé 6-8 tuần tuổi. * Không cười với giọng nói của cha mẹ lúc 2 tháng. * Không quan tâm đến người và vật xung quanh lúc 3 tháng. * Không quay đầu theo hướng âm thanh lúc 4 tháng. * Không cười tự phát lúc 6 tháng. * Không bập bẹ lúc 8 tháng. * Không nói được từ đơn lúc bé 2 tuổi. * Không nói được một câu đơn giản khi bé 3 tuổi. * Không giao tiếp như người lớn khi bé 5-6 tuổi.

Theo Tuổi Trẻ

Theo: thanhnien online


Âm lịch

Ảnh đẹp