và những
đặc trưng độc đáo trong nhân cách. Do đó, giáo dục phải xuất phát từ
những đặc điểm tâm sinh lý của đối tượng để đề ra các nội dung, cách
thức phù hợp. Cụ thể là Phật giáo chủ trương giáo dục từ trong thai nhi
cho đến khi lọt lòng, lớn lên và cả trưởng thành sau này mà có từng nội
dung giáo dục, phương thức giáo dục phù hợp với từng giai đoạn phát
triển của trẻ.
Giáo
dục và sự phát triển nhân cách trẻ sơ sinh (0 - 1 tuổi)
Ngay từ
khi còn trong bụng mẹ, cha mẹ sống phải biết yêu thương bằng một tình
yêu chân thành, khắng khít không có gì phân ly được. Sự đầm ấm gia đình
sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi hình thành những hạt giống yêu thương
và hiểu biết sau này. Kinh nghiệm thực tiễn về đời sống tâm linh, một
cặp vợ chồng khi người mẹ mang thai thường xuyên thắp hương cầu nguyện
Phật, Bồ tát, tụng kinh bái sám, chiêm ngưỡng Thế Tôn, làm các việc công
đức thì lúc đó cha mẹ đã bắt đầu cho thai nhi kết nối liên thông với thế
giới an lành trong tâm thức. Ðể khi vừa lọt lòng thông qua lời ru của mẹ
và sự ôm ấp trìu mến của mẹ cha, trẻ thơ học được cách hòa nhập với môi
trường sống mới.
Sự phát
triển của trẻ sơ sinh chủ yếu là về mặt cơ thể được thể hiện ở những
tiến bộ trong các hoạt động của các giác quan và vận động qua sự nhìn,
nghe, ngửi, nếm, lật, ngồi bò, đứng đi, nằm, cầm, nắm… Chiều hướng phát
triển của các giác quan và vận động cơ thể trong giai đoạn này cũng nói
lên tính chất và mức độ phát triển về trí tuệ và tinh thần của đứa trẻ.
Tùy theo
cách thức chăm sóc của cha mẹ và cách cư xử của mọi người lớn trong gia
đình mà đứa trẻ ghi nhận được các ấn tượng, hình thành các thói quen về
hành vi trong sinh hoạt sau này. Cách tiếp cận thế giới qua hình ảnh, đồ
vật theo hướng thiện sẽ làm nền tảng cho trẻ lớn lên có kinh nghiệm cư
xử đúng với thế giới xung quanh. Mọi thứ phụ thuộc vào khả năng cha mẹ
am hiểu giáo lý và ứng dụng giáo lý để hướng dẫn cho trẻ bắt chước và in
đậm dấu ấn Phật pháp từ buổi còn thơ.
Giáo
dục và sự phát triển nhân cách trẻ ở nhà (1 - 3 tuổi)
Ðến thời
kỳ này, trẻ thơ bắt đầu tiến bộ rõ rệt về cơ thể, tâm lý. Trẻ bắt đầu
được cha mẹ tập đi, biết thích chơi đồ vật, biết nói dần dần, góp phần
thúc đẩy sự phát triển khả năng ý thức, một yếu tố thể hiện nhân cách
con người. Lúc này cha mẹ tập nói những đại từ nhân xưng thân thuộc như
ba, má, ông, bà hay thầy, sư ông… khi bồng trẻ lên chùa lễ Phật và hướng
dẫn con mình hiểu người khác nói. Đồng thời, cha mẹ chỉ bảo cho con cái
học tập cư xử theo những nguyên tắc hành vi khi tiếp xúc với người khác
trong gia đình như anh em, chú bác. Quan trọng hơn là cha mẹ phải là
những người gương mẫu, đừng bao giờ để trẻ thấy một hình ảnh bất hòa cãi
vã, tạo dấu ấn xấu trong mắt trẻ. Thỉnh thoảng, cha mẹ lên chùa cho trẻ
tiếp xúc không gian tĩnh lặng rộng lớn, hình ảnh Phật, Bồ Tát qua những
hình tượng hiền hòa để trẻ cảm nhận tình thương của Phật, thậm chí có
thể chỉ vào những bức tượng Hộ pháp để răn đe khi chúng không vâng lời
như không chịu ăn, khóc nhè…
Giáo
dục và sự phát triển nhân cách trẻ ở nhà trẻ (3 - 6 tuổi)
Ðây là
giai đoạn hình thành nhân cách của trẻ, thể hiện khả năng hành động theo
động cơ gián tiếp. Sự phát triển nhân cách lệ thuộc vào khuôn mẫu hành
vi của người lớn mà trẻ em tiếp xúc như cha mẹ, thầy cô, bạn bè… Những
dấu ấn ban đầu trên nhân cách trẻ thơ được lưu giữ lại. Sự phát triển
nhân cách trong giai đoạn này chỉ đạt được mức độ thấp nhưng diễn ra ở
tốc độ cao, bắt đầu xuất hiện khuynh hướng độc lập. Vì vậy cha mẹ phải
tập trung chú ý, quan tâm nhiều hơn trong việc trẻ ham thích trò chơi.
Thông qua việc tiếp xúc với trò chơi mà định hướng ý thức trẻ vào việc
học tập. Có thể dạy trẻ những gương tốt đạo đức thông qua việc kể chuyện
cổ tích, thần thoại, bước đầu chỉ ra nhân vật thiện ác, kích thích trí
tưởng tượng của trẻ, các loại tình cảm của trẻ thơ. Ðối với những phụ
huynh là Phật tử thuần thành thì nên kể những mẩu chuyện tiền thân Đức
Phật. Thỉnh thoảng khen thưởng cho quà, hoặc chở trẻ đi chùa tập làm
quen và chào hỏi các vị thầy, dạy tập trẻ thưa thầy mở đầu là “A Di Ðà
Phật”, “Bạch thầy”…, cúi chào người lớn, nhất là chú ý đến việc trẻ
trong cách thức ứng xử các hành vi lễ phép, biết làm chủ về sinh hoạt cá
nhân. Bước đầu cho trẻ tiếp xúc các lễ hội Phật giáo nhân ngày Phật đản,
Vu lan, …để thông qua các đại lễ này ươm mầm những hạt giống về ý nghĩa
Phật ra đời, những đạo lý cơ bản về hiếu hạnh.
Giáo
dục và sự phát triển nhân cách trẻ học sinh tiểu học (6 - 11 tuổi)
Lúc này
trẻ bắt đầu lớn nhanh so với các giai đoạn trước. Trẻ thơ bắt đầu tham
gia các hoạt động xã hội để tiếp nhận các hệ thống tri thức. Cha mẹ cần
chú ý quan tâm về việc học tập, tính cách bắt đầu định hình với các đặc
điểm sau:
- Khả
năng nhận thức của trẻ phát triển nhanh chóng nhờ hoạt động học tập. Ðời
sống tình cảm chiếm ưu thế và chi phối mạnh mẽ các hoạt động trong sự
hồn nhiên.
- Hay
bắt chước những người gần gũi, có ảnh hưởng nhất định đến chúng. Bản
tính hiếu động, không kiềm chế dẫn đến sai phạm những điều cha mẹ, ông
bà, người lớn dạy bảo.
Do đó,
cha mẹ cần phải khéo léo uốn nắn dạy dỗ con em trong việc ứng xử hành
vi, lễ phép tôn trọng người lớn và biết học tập theo chương trình dạy ở
trường. Lúc này cha mẹ phải cho con tiếp xúc các mẫu người mô phạm để
làm phương tiện giáo dục. Ngoài sự giáo dục của gia đình, nhà trường,
cha mẹ phải dẫn con lên chùa gần gũi chư Tăng. Sự tiếp xúc này sẽ để lại
ấn tượng tốt thông qua lễ lạy, nghe những lời dạy của quý Thầy, những
câu chuyện đạo lý trong Phật giáo về sự tôn trọng sự thật, sự vâng lời
mẹ cha, biết yêu thương đồng loại. Như câu chuyện Sa di La Hầu La thường
hay nói dối được giáo hóa qua bài kinh Giáo Giới La Hầu La. Sa di nọ nhờ
cứu đàn kiến mà được khỏe mạnh, sống lâu. Hoặc những bài kệ ngắn gọn đơn
giản trong kinh Pháp Cú v.v...
Lúc này,
cha mẹ cần lưu tâm chú trọng từng hành vi ứng xử của trẻ trong học tập,
tâm lý, dạy cho chúng tự tin, biết tin yêu gia đình, thầy cô… đồng thời
hướng dẫn tham gia các hoạt động mang tính tập thể, gia nhập Gia Đình
Phật Tử, đi hành hương các chùa cùng bố mẹ, làm việc công đức ở chùa như
quét dọn, tham gia văn nghệ vào các ngày lễ của Phật giáo… nói chung là
tập làm các việc có ích thuộc về khả năng các cháu có thể làm được.
Giáo
dục và sự phát triển nhân cách học sinh trung học cơ sở (11 -15 tuổi)
Giai
đoạn này là giai đoạn trẻ phát triển và biến động về tâm sinh lý phức
tạp, tác động khá mạnh vào sự định hình nhân cách. Giới tính định hình,
nó quy định tính cách, nhận thức và sự thể hiện ra bên ngoài qua các
hành vi ứng xử khác nhau giữa trẻ nam và nữ. Lúc này trẻ xuất hiện những
khuynh hướng phát triển khá đặc biệt về biến chuyển tâm lý: như mong
muốn tự khẳng định mình nên bắt đầu có dấu hiệu phản ứng lại lời dạy của
thầy cô, cha mẹ, hoặc tranh cãi với bạn bè. Các em bắt đầu biết xấu hổ,
biết tự kiêu, biết làm đẹp, thích được thỏa mãn các mong muốn như được
đi chơi, được xem các trò chơi, tivi, game… Nếu không đáp ứng hoặc đáp
ứng nhu cầu của trẻ không đúng do nuông chiều của cha mẹ thì dễ dẫn đến
hư hỏng. Tình cảm của các em lúc này diễn biến rất phức tạp.
Vì vậy,
cha mẹ càng có sự liên kết giáo dục gia đình, nhà trường, nhà chùa và xã
hội chặt chẽ đối với vấn đề giáo dục các em hoàn thiện. Người mẹ lúc này
càng gần gũi con hơn bao giờ hết. Phải biết để ý sự phát triển tâm lý,
theo dõi sự dậy thì tránh sự lo âu khi cơ thể biến chuyển về sinh lý cho
các em gái, kể cả các em trai, đồng thời dạy cho các em hiểu biết về
giới tính, có cách thức hành xử đúng khi quan hệ, tiếp xúc với người
khác giới. Tuổi này các em bắt đầu ham chơi, thích mơ mộng và mong muốn
được cưng chiều. Vì vậy phải khéo léo kết nối yêu thương vỗ về nhưng
cũng phải nghiêm khắc cần thiết. Quan tâm và tạo các điều kiện học tập
tốt nhất và vui chơi lành mạnh mà cha mẹ có thể đáp ứng.
Môi
trường của các em tiếp xúc lúc này khá rộng, hiểu biết nhiều. Vì vậy cha
mẹ Phật tử phải dành nhiều thì giờ chăm lo để các em phát triển nhân
cách theo định hướng của gia đình, nề nếp của gia phong. Liên lạc thường
xuyên với các thầy cô giáo để theo dõi việc học, tìm hiểu bạn bè của các
em để nắm rõ tình hình sinh hoạt ở bên ngoài. Khi có điều kiện sinh hoạt
gia đình thông qua bữa cơm, húy kỵ, tiệc mừng sinh nhật, chúc thọ… cần
nói rõ ý nghĩa lễ và khơi dậy tình thương yêu, biết chia sẻ niềm vui với
người khác, cũng như giảng rõ về sự bất hạnh đối với ai thiếu tình
thương với cha mẹ. Độ tuổi này các bậc cha mẹ phải kết hợp quý thầy khéo
léo giảng dạy các em về niềm tin và lẽ sống; tin Tam bảo, tin nhân quả,
dạy phân biệt chính tà, thiện ác, nhất là biết tin vào chính mình.
Có điều
kiện nên cho các em đi chùa cùng với gia đình để bước đầu học hỏi giáo
lý Phật Đà, sự quy y và biết sống theo năm giới như một nếp sống đạo đức
Phật giáo. Khi cha mẹ đi chùa hành hương thì nên cho các em đi theo,
tiếp cận sự tin yêu, tôn kính ba ngôi Tam bảo, sự bố thí cúng dường,
thực hành các việc phước thiện… Các chùa hiện nay đều có tổ chức thuyết
giảng sáng Chủ nhật, tu Bát quan trai, lớp học giáo lý, hướng dẫn các em
thực hành nếp sống tri túc, hướng dẫn lối sống đạo đức Phật giáo, cho
các em tham gia đi hành hương, từ thiện nên tạo điều kiện cho các em học
tập và thực hiện. Dần dần, các em sẽ biết hình thành nhân cách hoàn
thiện sống có ích và thực hiện ước mơ hoài bão của chúng theo định hướng
của gia đình, xã hội yêu cầu.
Tóm lại,
trẻ em là đối tượng cần quan tâm hơn bao giờ hết. Ðây là thành phần hạt
nhân kết nối sự yêu thương gia đình qua tình vợ chồng, anh em, ông bà,
cha mẹ, bà con quyến thuộc nội ngoại xa gần xóm giềng. Các em cũng là
người kế thừa trong gia đình gánh vác việc gia tộc, ngoài xã hội là
những chủ nhân ông xây dựng đất nước sau này.
Là Phật
tử, các em là người hộ trì Chánh pháp, thậm chí trở thành người xuất gia
học đạo hành đạo đem lại lợi ích sau này cho đời đạo mỗi ngày sáng tươi.
Vì thế, trách nhiệm với việc giáo dục trẻ thơ không chỉ ở phạm vi gia
đình, nhà trường, nhà chùa mà cả xã hội nữa.
Cuộc
sống hôm nay từng bước chuyển đổi trong xu hướng thịnh vượng, đời sống
sinh hoạt của nhân dân ngày một ấm no đầy đủ, sự quan tâm đối với trẻ
thơ càng được chú trọng hơn. Các tổ chức cộng đồng, trong đó có Phật
giáo đã thực thi chú trọng giảng dạy trẻ thơ học pháp và hành pháp trong
sự hình thành nhân cách người Phật tử. Đây chính là chủ thể và cội nguồn
cho Phật Giáo Việt Nam phát triển lâu dài và có kế thừa liên tục. Vì vậy,
trách nhiệm của chư Tăng đối với việc giảng dạy giáo lý cho thiếu nhi
hoặc gián tiếp thông qua các phụ huynh Phật tử, hay trực tiếp với một
chương trình cụ thể là điều cần thiết.
Thích Phước
Đạt