Nhưng trong một thí nghiệm về EQ (trí tuệ cảm xúc),
các nhà nghiên cứu đã làm như sau: họ đưa ra dĩa kẹo kèm điều kiện cho
các đứa bé: nếu ai không chờ mà ăn ngay thì được một cái kẹo, còn em
nào chờ chú phát kẹo phải chạy ra ngoài bận tí việc rồi quay lại phát
sẽ được hai chiếc. Sau thí nghiệm đơn giản này, người ta theo dõi nhóm
trẻ đó lớn lên khác nhau như thế nào. Nhóm ăn ngay một cái vì không chờ
đợi được đã kém hẳn nhóm biết chờ, kém về thành công lẫn phong cách, cá
tính. Biết kiềm chế để đạt được kết quả cao hơn (tạm nhịn để đạt được
hai cái kẹo) chính là mầm mống của tư duy biết chắc lợi ích và kiềm chế
mình để tìm kiếm hiệu quả cao hơn, cũng là mầm mống của nghị lực.
Vậy mà đời sống hôm nay lại khuyến khích sống là không
chờ đợi – có một hàm ý tốt là hãy đạt hiệu quả nhanh – nhưng nó dễ làm
người ta quên mất sự phấn đấu mà muốn hưởng thụ nhanh hơn. Không phải
cuộc đời lúc nào cũng cho ta “ăn liền”. Và ăn liền như vậy không phải
hoàn toàn tốt. Sự sốt ruột của nhân loại đã làm nên bao điều bất ngờ
tưởng như không thể: bắt cây trái, sinh vật phải biến đổi gene để
“nhanh với chứ vội vàng lên với chứ”, mau mau chín mau mau lớn cho con
người xơi. Và kết quả ấy ra sao chắc ta đã biết. Có nhiều thứ để xơi
đấy, nhưng biến đổi gene trái tự nhiên như thế là một sự thất bại to
lớn, con người xơi vào mình bao nhiêu thứ độc hại. Đó chính là sự giàu
có dựa trên việc “tùng xẻo” trái đất, bắt bà mẹ trái đất vắt kiệt sức –
nhân loại đã xài gấp đôi công suất của trái đất – và sẽ đến lúc cạn
kiệt tài nguyên, huỷ hoại “bà mẹ” của mình.
Nói về nghị lực, ông Nguyễn Hiến Lê có dẫn lời một tác
giả lạc quan người Trung Hoa cho rằng: ai ai cũng là Nghiêu, Thuấn, ai
cũng là bậc thánh hiền. Thật ra lên đến bậc thánh hiền thì chỉ có vài
người, nhưng để làm người thành công thì có đầy trong cuộc sống. Nghị
lực gồm ba năng lực: suy nghĩ – quyết định – thực hành. Việc này ai
cũng làm hằng ngày (Ôi hôm nay mưa quá, ta đi làm việc hay nghỉ? Quyết
định đi làm, thế là đi).
Đời
sống hôm nay lại khuyến khích sống là không chờ đợi – có một hàm ý tốt
là hãy đạt hiệu quả nhanh – nhưng nó dễ làm người ta quên mất sự phấn
đấu mà muốn hưởng thụ nhanh hơn.
|
Không người nào bẩm sinh thiếu hẳn nghị lực. Nhưng có
người nhìn khó khăn là những rắc rối, trong khi người khác thấy khó
khăn là những cơ hội (dù là thứ cơ hội đòi hỏi ta gắng nhiều sức).
Chứng minh điều đó có bao câu chuyện vượt lên số phận của nhiều người,
từ em bé cụt chân cho đến người bị chất độc da cam, người tật nguyền
trở thành nhân vật trung tâm của thời đại.
Nhưng trong mỗi gia đình, cha mẹ vẫn thường gặp những
đứa con hình như bẩm sinh không có chút nghị lực nào. Không kể những
người sa vào nghiện hút, vô dụng, phạm tội (chuyện lớn rồi) – mà ngay
từ bé, chả có đứa trẻ nào mê đánh răng và thích học hơn đi chơi và xem
phim. Rõ ràng có những đứa vững vàng, có đứa yếu đuối. Hoàn cảnh trẻ em
cũng khác biệt lớn. Trong khi quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc đưa ra con
số: một nửa trẻ em trên thế giới đau khổ vì nghèo đói, chiến tranh,
AIDS, thì báo L’Express của Pháp lại đưa ra kết quả điều tra: phân nửa
số trẻ em 8 – 12 tuổi sở hữu radio, 1/3 có dàn hifi riêng, 1/4 có tivi
và phòng riêng. Rồi có nhà xã hội học Mỹ kêu lên: trẻ em ngày nay đang
thiếu hẳn phép lịch sự căn bản và lòng tôn trọng người khác. Nếu ta
không hành động ngay thì sẽ nuôi dạy ra một thế hệ hám vật chất và đồng
bóng nhất trong lịch sử. Phụ huynh Nhật không biết nói “không” dẫn đến
con cái béo phì...
Vậy là chính cha mẹ cũng thiếu hiểu biết và nghị lực.
Nghị lực thường đi kèm với sự tự tin và lòng kiên nhẫn. Hình như tự tin
thì ta đang có thừa (thậm chí nhiều người quá tự tin) còn kiên nhẫn thì
thiếu hẳn. Cuộc sống vội vã – khi quá nhanh thì không kịp nghĩ tới mối
liên hệ giữa hành động và hiệu quả – đã tước đi của con người lòng kiên
nhẫn.
Suy nghĩ về nghị lực để dạy con nghị lực, chính cha mẹ cũng phải rèn luyện phẩm chất này cho mình.