17/02/2012 08:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 116679
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bố mẹ li dị từ nhỏ. Đến khi có gia đình, Trang lại bị chồng bỏ rơi. Cùng lúc, anh trai cô tự vẫn, mẹ kế không cho nhập hộ khẩu. Bế tắc, Trang đến chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) nguyện quy y cửa Phật.

Trong gian phòng chừng 20m vuông, hai tay chị Thanh Trang (35 tuổi, Mai Hắc Đế, Hà Nội) đang ẵm hai đứa “con” của mình. Chúng ngủ ngon lành, miệng vẫn ngậm chặt bình sữa. Đôi lúc mỏi tay, chị lại siết “con” vào lòng làm chúng cựa quậy. Rồi chị cúi mặt, từ từ dùng cằm đẩy bình sữa vào miệng con. Bú no, chúng chép miệng rồi lại ngủ ngon lành.

Tay bên trái chị Trang là bé Như Anh (gần 2 tháng tuổi) bị bỏ rơi ở BV Hữu Nghị vào rằm tháng Giêng. Tay phải chị là bé Phượng Anh (5 ngày tuổi) bị bỏ rơi đêm 18/1 (âm lịch) khi chưa đầy một ngày tuổi. Ảnh: Phan Dương.

Hiện tại, chị chăm 6 trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề. Đứa lớn nhất 2 tuổi rưỡi, đứa bé nhất mới được 5 ngày tuổi. Chưa hết, chị còn quản lý toàn bộ sổ sách ngày ra, ngày vào của trẻ và giúp sư thầy “trả công” cho các “mẹ”.

Chị kể: “Năm 2007, cuộc sống của tôi hoàn toàn bế tắc. Chính sư thầy đã giúp tôi vượt qua thời điểm khó khăn, tìm được lý tưởng cuộc đời. Bây giờ, tôi sống bình dị với việc chăm trẻ ở chùa, cùng sư thầy xây dựng mái ấm cho chúng”.

Chịu nhiều nỗi đau nhưng ít ra chị Trang vẫn còn người thân, có đứa con gái thường xuyên vào thăm và chị còn biết chữ. Phan Thị Yến (29 tuổi, Kim Động, Hưng Yên) lại khác. Nhìn chị, ai cũng thương cảm. Yến xấu xí, khuôn mặt lởm chởm mụn thịt, nước da đen nhẻm, xám xịt. Bố bị liệt, mẹ lại chậm chạp. Từ nhỏ, Yến không được đến trường. Năm 12 tuổi, số phận đáng thương ấy đã ra ngoài kiếm sống nuôi thân.

Rớm nước mắt, Yến tâm sự: “Ngày đi làm ở trại lợn Bắc Ninh, tôi quen và yêu một người Lạng Sơn. Đến khi biết tôi có chửa, hắn bỏ chạy còn lấy của tôi 5 triệu đồng. Bị gia đình hắt hủi, tôi ra Hà Nội rửa bát. Ban đêm, lang thang bờ hè để ngủ. Ngày đẻ, không có tiền đi viện, tôi nằm gầm cầu thang ở một khu trọ, tự lấy răng cắn rốn cho con. Nhà chủ biết được đuổi tôi ra đường. May sao, lúc tôi đến đường Trường Chinh thì được một cô gái bắt taxi cho sang chùa Bồ Đề. Khi tỉnh dậy đã thấy ở chùa, hình như là ngày 13/9. Sư thầy kiểm tra thì phát hiện con tôi vẫn còn cả đoạn rốn dài, kịp thời đưa đi trạm xá”.

Mẹ con chị Phan Thị Yến vào chùa được 4 tháng không ngại kể về cuộc đời mình trên báo, với mong muốn gia đình biết được đến đón chị về. Ảnh: Phan Dương.

Nằm ở chiếc chiếu bên cạnh, chị La Thị Quý (30 tuổi, Hiệp Hòa, Bắc Giang) đang ôm hy vọng bố của hai đứa trẻ ra tù để cả gia đình được đoàn tụ. Chị Quý cho biết: “Tôi lấy chồng ở Khâm Thiên, cũng có của ăn của đề. Nhưng mẹ chồng ham mê cờ bạc, nhà cửa không còn. Cả nhà 5 miệng ăn phải nay đây, mai đó bằng việc đi xây. Dạo trước, chồng tôi say rượu đánh nhau bị tù 8 tháng. Cùng đường, ba mẹ con đến nương tựa chùa Bồ Đề”.

Họ chỉ là 3 trong số những cảnh ngộ ở chùa Bồ Đề được sư thầy Thích Nữ Đàm Lan - trụ trì chùa - cứu giúp. Với sư Đàm Lan, những phụ nữ này cũng giống như những đứa trẻ mồ côi, những cụ già bị bỏ rơi. Vì vậy, sư thầy không quản ngại cưu mang, đem tình thương bao la của Phật che chở cho những số phận kém may mắn.

Bây giờ, chùa Bồ Đề đang chăm sóc 141 trẻ mồ côi (trong đó có 91 em nhỏ); 41 cụ già và 27 phụ nữ cơ nhỡ. Đối với những phụ nữ này, sư Đàm Lan khuyến khích họ nhận nuôi các bé bị bỏ rơi. Họ đã không còn phải lo ăn, lo uống, không còn bị ai bắt nạt, chèn ép.

“Ngày ngày, các cô ấy chăm sóc các em nhỏ, làm mẹ của chúng. Được ăn đầy đủ, mặc đẹp nên ai cũng trẻ ra. Lại sống trong môi trường tập thể nên họ cũng hiểu biết lên nhiều”, sư Đàm Lan tự hào kể.

Cái hiểu biết mà sư thầy nói chính là biết cư xử, hiểu lí lẽ, biết nhẫn nhịn và thương yêu người khác. Với chị La Thị Quý, dù nuôi cùng lúc hai đứa con ruột và chăm thêm một em mồ côi khác (bé Trí Anh) nhưng chị chưa bao giờ phân biệt con đẻ, con nuôi. Chị vén chăn, đặt hai đứa con mình sát nhau. Đợi khi chúng ngủ, chị lau rửa cho bé Trí Anh rồi sau đó ôm em vào lòng kể chuyện.

Chị nói: “Những đứa trẻ mồ côi rất cần tình thương. Tôi cố gắng bù đắp cho chúng thật nhiều để tích phúc. Từ khi vào đây, tôi đã bớt hẳn tính cục, biết kiềm chế, nhẫn nhịn, chuyện gì có thể thì đều cho qua”.

Hiếm có ngôi chùa nào ở Việt Nam tồn tại cả phần đời và phần đạo như ở chùa Bồ Đề. Ảnh: Phan Dương.

Cái duyên đưa chị Lại Thị Hồng Sen (43 tuổi, Triệu Sơn, Thanh Hóa) vào chùa lại khác. Chị bị tật chân trái nên không lập gia đình. Nhiều năm làm osin ở Hà Nội, chị biết được những cảnh ngộ đang trú ngụ tại chùa Bồ Đề. Chỉ một lần đến đây, chị đã nguyện trọn đời gắn bó.

“Cách đây 6 năm, tôi đến chùa và thấy cảnh sư thầy cho những đứa trẻ ngồi thành hàng rồi đút cơm cho chúng. Quá xúc động, tôi xin được ở lại giúp sư thầy nuôi trẻ, san sẻ bớt khó khăn với thầy”.

Nhờ gắn bó với những mảnh đời bất hạnh như mình, chị đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. “Kể từ khi vào đây, chân tôi không còn đau nữa. Những đứa trẻ đã cho tôi bao niềm vui. Vui nhất và hạnh phúc nhất là khi chúng cất tiếng gọi mẹ, thương và yêu lắm”, chị chia sẻ.

Quả vậy, ăn một bữa cơm với chị thật không dễ dàng. Bé nhỏ sà vào mâm, bé lớn hất cơm tung tóe, còn cậu bé bị hẹp sọ chèn não lại liên tục đập đầu xuống giường. Chị ôm ba đứa trẻ cưng nựng: “Ngoan cho mẹ ăn cơm nào!”. Cứ thế, chị quay cuồng với lũ trẻ, không biết khi nào mới xong bữa cơm.

Trong góc phòng, cô sinh viên vừa ra trường Thu (24 tuổi, Thanh Hà, Hải Dương) đang ru 2 đứa “con” của mình bằng chất giọng ngọt ngào. Nhìn Thu, nhiều người sẽ nghĩ cô là một khách đến vãn cảnh, với mái tóc vàng, nước da trắng ngần, khuôn mặt nhỏ nhắn. Trên mặt cô vẫn còn 3 vết xước tấy đỏ do nô đùa với trẻ. Thu hát hết bài, hai đứa trẻ cũng ngủ say.

Cô kể: “Mẹ mất, bố em lấy vợ hai. Cuộc sống nhà em nghèo khổ. Ngày em còn học ở Cao đẳng Du lịch, có đứa bạn muốn vào chùa đi tu. Em theo nó sang chùa Bồ Đề, gặp sư thầy rồi xin ở đây chăm trẻ. Được một thời gian, em chuyển sang học kế toán ở một trường trung cấp gần chùa. Sư thầy đóng học phí, cho em tiền tiêu”.

Vào đây từ năm 2007, vài lần Thu đã ra bên ngoài sinh sống nhưng rồi cứ chiều chiều, bước chân lại đưa cô về với sư thầy Đàm Lan, với những đứa “con” và các bà “mẹ”. Thành thử, ra trường từ tháng 6 nhưng Thu chưa có ý định đi xin việc.

Cô nói: “Bận với lũ trẻ, em cũng không có thời gian về quê làm hồ sơ. Bây giờ, dù là trái nghề nhưng em rất mong có công việc nào liên quan đến chăm trẻ con. Nhìn những đứa trẻ bị bỏ rơi, tàn tật này em lại thấy cần phải yêu thương để bù đắp cho chúng và cũng là bù đắp cho bản thân mình”.

Ở một căn phòng khác, cậu bé có cái tên “Lợn đất” đang làm mọi người rối tung. Em nhiễm HIV và bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ, tính hay cáu hờn. Em đã khóc hơn một tiếng đồng hồ không dứt. Mẹ Liên (người nuôi em) bồng em lượn khắp nhà dỗ dành mà như khóc. Mấy người xung quanh không nén nổi nước mắt: “Mẹ nào nỡ lòng bỏ rơi đứa con tội nghiêp này. Nín đi, nín đi con, các mẹ sẽ đưa con đi bệnh viện. Rồi con sẽ không còn đau nữa”, chị Vũ Thị Thu Hiền (30 tuổi, Thạch Bàn, Long Biên) nói.

Phan Dương.

http://vnexpress.net/gl/doi-song/cau-chuyen-cuoc-song/2012/02/nhung-bong-hong-di-lac-cua-chua/


Âm lịch

Ảnh đẹp