Trong miền ký ức của ba tôi - nhà văn Sơn Tùng đã có hình bóng Đại
tướng Võ Nguyên Giáp ngay từ khi còn là học sinh Trường tư thục Vũ Đăng
Khoa, thị trấn Cầu Giát. Tiếp đến những năm tháng nghe theo tiếng gọi
Tổ quốc xếp lại bút nghiên lên đường, ông cùng Phan Hồng Thực, Trịnh
Keng, Hồ Hải Kháng, Đặng Văn Thắng vào Trường lục quân Trần Quốc Tuấn
khóa VI năm 1950. Và sau này trên chặng đường đi tìm “Đi tìm ẩn tích Hồ
Chí Minh” ba tôi mới có điều kiện được kiến diện Đại tướng và ông đã
nhận được tình cảm của Đại tướng bằng những tác phẩm viết về Bác Hồ và
các vị lãnh tụ kiệt xuất của lịch sử như Búp sen xanh, Bông sen vàng,
Trái tim quả đất..., “Cảm” bằng sức lao động của một nhà văn thương binh
hạng nặng 1/4, sức khỏe còn 19%. “Cảm” bằng nhân cách, sự khẳng khái,
quan niệm và đức tin của một nhà văn. Còn tôi lại có cái may hơn mấy
anh chị em trong gia đình là được sống cùng ba mẹ nên mới biết được đôi
ba câu chuyện về con người vĩ đại này.
Tôi nhớ, từ sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp thôi giữ chức Ủy viên
Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng về nghỉ hưu, hàng năm đến ngày sinh nhật
(25/8), Ngày thành lập quân đội (22/12) và ngày Tết Nguyên đán, ba tôi
dẫn đầu anh em chiếu văn, có khi cùng con cháu trong gia đình lên chúc
mừng Đại tướng sau khi được đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký của Đại tướng
cho phép. Ngày đó chiếu văn sinh hoạt rất đông khoảng trên 30 người, họ
là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà học giả, nhà
giáo, nhà báo, giáo sư, nhà ngoại giao, chuyên viên cao cấp chính phủ
quân đội... như: Sơn Tùng, Minh Giang, Mạc Phi, Siêu Hải, Mai Hồng
Niên, Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Đào Phan, cụ Nguyễn Trọng Phấn, GS. Viễn
Đông Bác Cổ, Phan Ngọc, Hồ Sỹ Giàng, Hồ Sỹ Bằng, Hoàng Nhật Tân, Trần
Bá, Cao Ngọc Thắng, Phùng Văn Mỹ, Hoàng Kính, Trần Văn Chan, Kim Côn,
Thiếu tướng Đỗ Đức Dục, cụ Ngô Thức, Nguyễn Văn Hiến, Đậu Quý Hạ, Phan
Hữu Phúc, Phạm Quốc Vinh, cụ Phí Văn Bái, Phạm Hiện, Trần Văn Hà, Lê
Văn Điêng... Đại đa số anh em chiếu văn ngày ấy đều có hoàn cảnh khó
khăn nên quà mừng Đại tướng chỉ có sách báo, tranh ảnh do anh em sáng
tác, sưu tầm, hoặc góp tiền lại để mẹ tôi lên phố Hàng Quạt đặt thêu
bức trướng chúc mừng, còn phần lời chúc thường do ba tôi sáng tác sau
nhiều hôm trăn trở, cũng có khi là hộp bánh, bó hoa, phong kẹo sôcôla
ngoại.
Thường vào những ngày kỷ niệm như thế này, có hàng trăm đoàn khách từ
khắp nơi trong và ngoài nước xếp hàng chờ đợi đến lượt vào chúc mừng
Đại tướng, nên thời gian rất hạn chế trong khoảng 30-40 phút, vừa đủ
cho anh em trong chiếu văn chào hỏi, chúc tụng và có dịp tặng sách,
chụp ảnh chung với Đại tướng. Do đó, trước khi chào tạm biệt ra về, ai
nấy cũng cảm thấy luyến tiếc. Trong những dịp gặp nhau hiếm hoi như
vậy, tôi thấy điều đầu tiên bao giờ Đại tướng cũng chủ động cầm lấy đôi
bàn tay thương tật của ba tôi vừa đưa ra chào mà nói: “Sơn Tùng có
khỏe không, anh ngồi đây với tôi”. Nhiều lần ba tôi giữ ý tìm cách đứng
xa một chút để anh em khác có được điều kiện chụp ảnh chung với Đại
tướng làm kỷ niệm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi thiền.
Mùa thu năm 1993, tôi có may mắn được ngồi hầu chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp gần 2 tiếng đồng hồ.
Nguyên do tôi có được diễm phúc đó là hôm sinh nhật Đại tướng Võ
Nguyên Giáp 25/8/1993, trong đoàn chiếu văn lên chúc mừng có thêm nhà
thơ Hồ Khải Đại, người Quỳnh Đôi đem theo món quà mừng là một bài thơ
tứ tuyệt bằng chữ Nho viết trên giấy hồng điều, bài thơ đó như sau:
Chung thân bằng hữu thị nhân dân
Vi tướng vi sư vi nghĩa nhân
Văn Võ song toàn Nguyên Giáp giả
Tâm tri thiên hạ sự như thần.
Sơn Tùng dịch thơ:
Trọn đời vì nước vì dân
Là thầy, là tướng, nghĩa nhân làm đầu
Võ Văn Nguyên Giáp song toàn
Như thần thấu suốt nhân gian lòng người.
Vì bài thơ viết trên giấy sợ để lâu ngày sẽ phai, hơn nữa đã là
trướng mừng thọ bậc “Trưởng lão” phải được thêu trên vải điều mới trang
trọng. Vì vậy, sau khi ra về chú Hoàng Kính nói với mọi người: “Chúng
ta nên xin lại bài thơ đó, rồi nhờ chị Mai (tên mẹ tôi) lên Hàng Hòm
đặt thêu, phần kinh phí tôi sẽ chịu, còn anh Sơn Tùng dịch nghĩa để mọi
người hiểu hết ý thơ”.
Từ lý do trên, khoảng một tuần sau ngày sinh nhật, hai mẹ con lên nhà
Đại tướng bằng chiếc xe đạp cũ mà tôi thường đi làm hàng ngày. Lúc đó
vào độ 4-5 giờ chiều, có lẽ giờ này Đại tướng đã vắng khách nên tôi
thấy cửa phòng khách gia đình đầu hồi hướng đối diện với phòng làm việc
quân cơ không mở, mà chỉ mở cánh cửa hướng ra khu vườn phía đường
Hoàng Diệu. Trước khi đi mẹ tôi đã gọi điện cho Đại tướng nói rõ lý do,
nên hai mẹ con vừa bước lên bậc tam cấp vào nhà đã thấy Đại tướng ngồi
đợi trên ghế salon, trên bàn để sẵn bài thơ của nhà thơ Hồ Khải Đại.
-“Em chào anh, hai mẹ con em lên xin lại anh bài thơ” - Mẹ tôi chủ
động chào và nói với Đại tướng - “Chị với cháu ngồi xuống đây uống
nước”. Đại tướng vừa nói vừa chỉ tay xuống hai chiếc ghế salong đơn bọc
nệm phía đối diện. Rồi hỏi tiếp: “Anh Sơn Tùng có khỏe không chị”. Tôi
nhanh nhảu trả lời: “Thưa bác, mấy hôm nay thời tiết thay đổi nên ba
cháu lại đau vết thương trên đầu”. Tôi vừa ngừng lời thì mẹ tôi nói
tiếp: “Khổ quá anh ạ, anh nhà em còn mấy mảnh đạn trong đầu, thỉnh
thoảng lại nhô lên làm chảy máu buốt nhói như dao đâm, nhưng em chẳng
biết làm sao” Nghe mẹ con tôi nói thế, gương mặt Đại tướng thoáng buồn,
đôi mắt hướng vào tôi hỏi “Thế bố cháu hàng ngày sinh hoạt thế nào, dạo
này ăn uống ra sao?
-“Thưa bác, ba cháu thường dậy từ lúc 2-3 giờ sáng ngồi thiền, thiền
xong thì đi xuống sân tập thể lấy nước để tắm rửa vệ sinh, rồi lên thắp
hương ban thờ gia tiên, sau đó mới ngồi vào bàn viết; nếu không viết
được gì thì đọc sách cho đến 9-10 giờ sáng, khi có khách đến lại ra
tiếp khách. Còn ăn uống thì ba cháu ăn ít lắm, mỗi bữa chừng non nửa
bát cơm, chủ yếu ba cháu ăn rau nhiều”. Nghe tôi nói thế, Đại tướng
trầm ngâm, đôi mắt hướng nhìn ra hàng cây cổ thụ đứng lặng trong khu
vườn phía đường Hoàng Diệu một lát sau, nhìn mẹ tôi ông nói với giọng
dặn dò “Tôi nghe nói rau gì bây giờ cũng nhiễm nhiều thuốc trừ sâu lắm
chị nhé, bởi vậy chị nên mua giá đỗ cho anh Sơn Tùng ăn; rau giá đỗ
lành, rất tốt lại bảo đảm không bị nhiễm thuốc sâu, tôi vẫn thường
xuyên ăn rau giá đấy. Còn cháu nói bố cháu buổi sáng ngồi thiền là
thiền như thế nào?”- Ông nhìn tôi hỏi.Tôi trả lời: “Thưa bác ba cháu
ngồi thiền theo lối “tọa thiền”, nhưng cháu chịu không làm được” Vừa
nói dứt câu, tôi thấy Đại tướng ngồi lùi sát thành ghế salon rồi co hai
chân lên để chuẩn bị ngồi theo lối “tọa thiền”. Tôi sợ ông ngồi “tọa
thiền” trên ghế salon bọc nệm mút sẽ rất khó nếu không khổ luyện qua
hàng chục năm trời, nên vội bước tới đỡ chân, nhưng Đại tướng xua tay
và nói, “Không cần đâu, bác tự làm được”. Rất nhanh, hai chân bắt chéo
hình hoa sen, hai bàn tay để lên hai vai, hai mắt nhắm hờ, Đại tướng
hỏi tôi: “Có phải bố cháu ngồi thiền như thế này không?” - Tôi trả lời:
“Ba cháu ngồi như thế nhưng hai bàn tay úp vào nhau và để trước ngực”.
Thấy tôi nói thế, Đại tướng liền đổi tư thế như tôi vừa trình bày.
Chưa đầy 5 phút ông đã nhập thiền, tôi lặng ngắm nhìn Đại tướng, giờ đây
trông ông như một vị Bồ Tát đang niệm kinh cứu độ chúng sinh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Sơn Tùng
trong buổi trò chuyện về thiền. (Ảnh được công bố lần đầu tiên).
Sau khi nhập “thiền” xong, Đại tướng trở lại thế ngồi bình thường rồi
nói với hai mẹ con. “Tôi có nghe nói người ta xây nhà tình nghĩa cho
Sơn Tùng nhưng không hiểu sao anh chị không nhận?”. Mẹ tôi có ý để tôi
thưa chuyện với Đại tướng nên ngồi im; biết ý, tôi thay mẹ kể hết cho
ông nghe đầu đuôi câu chuyện. Cuối cùng tôi nói thêm: “Thưa bác, ba
cháu rất cảm động khi biết Thành đoàn Hà Nội chủ động khởi xướng và bỏ
ra 13 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa và ba cháu cũng rất biết tấm
lòng của lãnh đạo quận Đống Đa lo cấp đất gần nơi ở cũ để xây nhà,
những nghĩa cử đó không bao giờ quên. Nhưng ba cháu cũng nghĩ rằng: Nơi ở
hiện tại tuy chật không được khép kín, nhưng bù lại sống ở đấy cũng
thấy yên tâm, vì xung quanh là bà con trong khu tập thể đều nghèo, chất
phác, hơn nữa mọi người ở đấy sống được thì mình cũng sống được. Vì
vậy ngôi nhà tình nghĩa kia xin nhường cho người khác có khó khăn hơn”.
Sau khi nghe tôi kể xong câu chuyện trên, không biết trong lòng Đại
tướng nghĩ gì, nhưng tôi thấy ông ngồi im, đôi mắt trĩu xuống. Đại
tướng cứ ngồi lặng đi như thể hóa đá, cho đến khi giáo sư Đặng Bích Hà
từ phía sau phòng khách bước ra, tôi nghĩ chắc đến giờ ăn cơm, nên hai
mẹ con tôi đứng dậy chào và nhận lại bài thơ trên tay Đại tướng, rồi
xin phép ra về khi trời đã nhá nhem tối.
Chuyện Đại tướng biết thiền tôi về kể lại với ba tôi, ông nói: “Anh
Văn có hai sở thích là đánh đàn pianô và chụp ảnh.Trong album của gia
đình, có rất nhiều ảnh do ông tự chụp và chụp bằng máy ảnh của mình,
còn việc đánh đàn ngay từ sau khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc,
anh Văn đã tập học đàn do cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, vợ nhà văn Đào
Vũ hướng dẫn. Và cách nay chừng 30 năm, ba có diễm phúc đã được nghe
Đại tướng công diễn bản giao hưởng bốn chương: “Điện Biên Phủ” do Đại
tướng và ông Lê Liêm sáng tác. Riêng chuyện Đại tướng ngồi tọa thiền có
lẽ ít người được chứng kiến, nhưng ba tin anh Văn từ nhỏ đã tinh thông
“nho học”, sau này lại là một cử nhân luật kinh tế, một nhà giáo, một
nhà báo, nhà sử học, luật học, nhà khoa học, nhà chiến lược và một thiên
tài quân sự. Chừng ấy vốn liếng cũng đủ nói lên anh Văn là một nhân
tướng phương Đông tinh thông “nho, y, lý, số” lại sống gần Bác Hồ nhiều
năm, nên chuyện anh Văn biết thiền cũng là lẽ tự nhiên thôi”. Tôi nhớ,
sau khi thêu xong bức trướng về bài thơ của nhà thơ Hồ Khải Đại trên
nền lụa điều, ba phía viền tua vàng rất trang trọng, ba tôi cùng hai
cha con chú Hoàng Kính lên nhà Đại tướng. Tại phòng khách gia đình, hai
người lại có dịp ngồi đàm đạo thêm với nhau những kinh nghiệm về các
thế thiền và lợi ích của thiền trong nỗi lo công việc hàng ngày“Vạn sự
như lôi nhất tâm thiền định”.
Hà Nội ngày 25/11/2011
Theo Sơn Định - SK&ĐS