03/01/2012 16:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 117181
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lần ra mồ hôi thứ nhất gọi là hoang hãn, tức là mồ hôi chảy ra khi mới luyện tập và chẳng có tác dụng gì. Tầng thứ 2 là niêm hãn, tức giọt mồ hôi trên thân thể võ tăng đã “cô lại” và dính trên cơ thể, lúc này kungfu của người tập coi như tạm đạt và chỉ khi nào luyện võ đi quyền mà ra mồ hôi lạnh, giống như dầu mà không phải dầu thì lúc đó mới được công nhận là kungfu…

6 tuổi xuất gia, 20 tuổi hoàn tục về quê, trở thành một trong Thập bát La Hán lừng danh Thiếu Lâm đương thời ở độ tuổi thiếu niên, từng tham gia, giật giải nhiều cuộc thi đấu, biểu diễn wushu trong nước và quốc tế là những kỉ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí Mao Văn Hóa, tức Thích Vĩnh Hán khi đã bước vào độ bát tuần.

Nhà nghèo phải vào chùa làm hòa thượng

Ông lão 80 có thể “bóp chết” thanh niên trai tráng một cách dễ dàng.
Ông lão 80 có thể “bóp chết” thanh niên trai tráng một cách dễ dàng.

 

Sau thời khóa tụng kinh và luyện tập kungfu buổi sáng, một thói quen mà ông già tuổi 80 Mao Văn Hóa vẫn duy trì kể từ ngày rời Thiếu Lâm tự 60 năm về trước, chủ nhà đưa khách vào Niệm Phật đường uống trà, đàm đạo. Những kỉ niệm một thời thơ ấu, một thủa gian nan nhưng ấm tình người dưới mái chùa Thiếu Lâm lại chợt hiện về.

Ngày ấy, nhà ông nghèo lắm. Gia đình có 6 anh chị em cả thảy, ông là con thứ 3. Năm lên 6 tuổi, đất Đăng Phong quê ông đại hạn, cây cối không sao lên được và một nạn đói bắt đầu. Để tránh cái chết được dự báo trước, cha mẹ Văn Mao quyết định bỏ xứ tha hương cầu thực, những mong qua được lúc bần hàn này. Nhưng nhà quá đông con, dắt díu theo 6 đứa con đi xin ăn chắc gì qua nổi trận đói này?

“Hóa à, con nhất định phải cứng rắn lên. Nếu một ngày nào đó cha mẹ không thể trở lại, con nhất định phải chịu khó học võ, học văn hóa nghe con!” Lời người mẹ lẫn trong tiếng nấc dặn dò đứa con mà như đứt từng khúc ruột khi phải để đứa con mang nặng đẻ đau cho nhà chùa để ra đi trong khi những ngày trước mắt sống chết ra sao vẫn còn chưa ai đoán chắc. Mao Văn Hóa trở thành đệ tử Thiếu Lâm Tự từ ngày đó.

Vào chùa, Hóa được “biên chế” vào Huyền Thiên miếu – một bộ phận trong Thiếu Lâm tự, từ đây không còn cậu bé Hóa mà chỉ có một chú tiểu với pháp danh là Thích Vĩnh Hán, môn đồ của Thích Hành Triều đại sư.

Gia nhập “Thập bát La Hán” khi còn niên thiếu

Nhớ lời mẹ dặn, ngay từ ngày đầu tiên vào chùa, Thích Vĩnh Hán không yếu đuối, sướt mướt vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ như những đứa trẻ cùng trang lứa mà rất chăm chỉ làm việc, luyện võ.

 

 

Sáng sáng cứ 3 giờ chú tiểu này thức dậy và chạy vài vòng sau núi để khởi động cơ thể, sau đó tìm một chỗ yên tĩnh luyện tập kungfu. Lúc này cậu mới chỉ tập trộm sau khi quan sát sư phụ, sư huynh luyện tập chứ chưa được chính thức truyền dạy.

Những nỗ lực không mệt mỏi của cậu bé cuối cùng cũng được đền đáp. Nhận thấy Vĩnh Hán có tố chất kungfu, lại rất chịu khó học hỏi, chăm chỉ luyện tập nên đại sư Thích Sinh Căn đã thu nạp Hán làm đệ tử, sau đó lại tiếp tục được đại sư Thích Khắc Chư truyền thụ võ nghệ.

“Lúc đó cả chùa Thiếu Lâm có 109 tăng nhân, tuy rất nhiều tăng nhân luyện võ, nhưng Hộ viện tăng chỉ chọn ra 18 người giỏi nhất, tục gọi Thập bát La Hán Thiếu Lâm Tự để phương trượng trụ trì và các đại sư truyền thụ quyền pháp Thiếu Lâm và bảo vệ chùa, bảo vệ Phật pháp khi xảy ra sự biến.

Hơn nữa, không phải cứ đến Thiếu Lâm xuất gia là có thể trở thành võ tăng. Ngày ấy điều kiện tuyển chọn vô cùng ngặt nghèo, cả trăm người may ra được một vài” – Thích Vĩnh Hán nhớ lại.

Tuy nhiên, một khi đã được xung vào đội Thập bát La Hán, công việc chính của các thành viên hàng ngày là luyện tập kungfu, sau đó mới đến tụng kinh niệm phật như các tăng nhân khác. Sau thời khóa tụng kinh buổi sáng, một ngày luyện tập lại bắt đầu trên Cam Lộ đài sau chùa Thiếu Lâm.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, Thích Vĩnh Hán lúc này đã 14 tuổi, nhưng ở độ tuổi ấy, vị La Hán Thiếu Lâm này đã rèn luyện cho mình một bản lĩnh và trình độ kungfu đáng nể. Không những tinh thông quyền thuật, khinh công, ngạnh công, Thích Vĩnh Hán còn tỏ ra đặc biệt xuất sắc trong các bài sử dụng binh khí, đặc biệt là song đao, đơn đao thì thuộc vào hàng Thiếu Lâm tuyệt đỉnh, các sư phụ đều rất hài lòng và khen ngợi.

Cam Lộ đài, nơi Vĩnh Hán cùng huynh đệ luyện tập võ oông hàng ngày.
Cam Lộ đài, nơi Vĩnh Hán cùng huynh đệ luyện tập võ oông hàng ngày.

 

Ngoài kungfu, Thích Vĩnh Hán còn có sức khỏe tuyệt vời với khả năng nhấc quả chuông 2 tạ. Ban đầu chỉ nhấc được vài phân khỏi mặt đất, nhưng nhờ chăm chỉ luyện tập không dưới 50 lần /ngày nên không bao lâu sau, vị La Hán Thiếu Lâm này đã nâng quả chuông lên ngang ngực, từ đó các sư huynh, sư đệ đặt cho Hán biệt hiệu Thiết tí tăng – sư tay sắt.

Với sự tiến bộ vượt bậc đó, Thích Vĩnh Hán được đặc cách xung vào Thiên Phật điện tập luyện tuyệt kĩ võ công Thiếu Lâm. “Thiên Phật điện đã in dấu hàng ngàn bàn chân của các thế hệ võ tăng luyện tập, trong đó cũng có dấu chân của tôi” – Thích Vĩnh Hán kể lại, không giấu nổi niềm tự hào với bí kíp “Hộ thân Kim cô chú”.

Khi luyện tuyệt kỹ này, Thích Vĩnh Hán tiết lộ võ tăng sẽ phải trải qua 3 thời kì với “3 tầng mồ hôi” khác nhau. Lần ra mồ hôi thứ nhất gọi là hoang hãn, tức là mồ hôi chảy ra khi mới luyện tập và chẳng có tác dụng gì. Tầng thứ 2 là niêm hãn, tức giọt mồ hôi trên thân thể võ tăng đã “cô lại” và dính trên cơ thể, lúc này kungfu của người tập coi như tạm đạt và chỉ khi nào luyện võ đi quyền mà ra mồ hôi lạnh, giống như dầu mà không phải dầu thì lúc đó mới được công nhận là kungfu.

Ngày đó Thiếu Lâm tự còn khó khăn, bữa ăn chỉ có cháo gạo nấu lẫn khoai lang, ngày rằm, mùng một có thêm ít đậu phụ xào cà rốt. Chiều 30 Tết, bữa ăn được cải thiện hơn với 3 món rau, một cháo, còn bánh táo thì phải sáng mùng 1 Tết mới được ăn sau một thời khóa tụng kinh dằng dặc.

Chuyện ăn đã vậy, ngủ nghỉ cũng gian khổ không kém. Mỗi một võ tăng chỉ có một chiếc ghế dài, bề rộng khoảng 40 cm để ngả lưng. Mùa đông 3 võ tăng chung nhau một tấm chăn mỏng, rét quá không ngủ được, huynh đệ lại rủ nhau ra sân tập luyện kungfu. Tiếng thét, tiếng “hự” khi luyện tập khiến cả trụ trì cũng phải thức giấc. Không một lời trách, đại sư lại hướng dẫn cho các môn đệ những thế quyền, đường võ còn chưa chuẩn.

 

 

Những năm tháng ở Thiếu Lâm, không chỉ được học võ, Thích Vĩnh Hán còn được học văn hóa như những đứa trẻ khác với 4 môn: quốc ngữ (chữ Hán cải cách, giản thể), toán, lịch sử và tri thức thường thức. Cậu bé Vĩnh Hán không dưới 1 lần bị thày phạt roi vào lòng bàn tay vì tội … ngủ gật trong giờ học. Có ai biết rằng đằng sau cái “lỗi học trò” ấy là những đêm thao thức với những đường quyền, thế cước.

Hoàn tục vẫn không bỏ luyện võ

Năm 16 tuổi, nỗi nhớ cha mẹ, nỗi buồn ly tán lúc nào cũng thường trực trong tâm trí một trong Thập bát La Hán Thiếu Lâm. Vĩnh Hán xin với sư phụ cho phép cậu được hạ sơn đến Thiểm Tây thăm hỏi tung tích người thân.

Pháp Căn đại sư chấp thuận nhưng yêu cầu Hán phải thực hiện đúng 5 điều: Trời tối ngủ quán trọ, mặt trời mọc lên đường; Không quan tâm việc của người khác tránh gây điều thị phi; Không được nói mình ở Thiếu Lâm Tự, càng phải tránh khoe sư phụ là ai; Không được ba hoa khoác lác về võ công của mình; Hành sự thận trọng, quyết đoán dứt khoát.

Ngày thứ 3 khi đi tới địa phận huyện thành Bảo Linh thì trời cũng đã trưa, đang tìm quán cơm chợt Vĩnh Hán nghe thấy tiếng hét thất thanh: “Ngựa điên, ngựa điên, mau tránh ra!”. Ngoái lại nhìn, chỉ thấy một chú ngựa đen đang lao tới, đằng sau còn kéo theo một chiếc cày. Chỉ trong nháy mắt nó lao về phía Vĩnh Hán, không kịp định thần, Hán xoay người sang bên và nhảy phắt lên lưng ngựa, túm chặt bờm và tung chưởng hạ gục con kình mã khi lưỡi cày lao vút qua đầu.

Con ngựa cuồng được khống chế, những người chứng kiến pha kungfu ngoạn mục đó đều tròn mắt kinh ngạc. Có người xì xào: “Chắc là người Thiếu Lâm tự mới giỏi thế chứ.” Vĩnh Hán không để ý, chỉ phủi bụi bám trên quần áo rồi tiếp tục cuộc hành trình.

 

 

Cuộc trò chuyện chợt rẽ sang một hướng khác khi chủ nhà cho hay, năm 1949 nước Trung Hoa thành lập, chính phủ mới ra quy định phàm những hòa thượng Thiếu Lâm nào đến tu hành do bị gia đình “bán” cho chùa đều phải hoàn tục. Vĩnh Hán không ngoại lệ, rời Thiếu Lâm trở về làm ruộng và lấy tên Mao Vĩnh Hán. Tuy nhiên không vì thế mà Hán bỏ luyện kungfu. Hằng ngày, vẫn thói quen dậy sớm, chạy thể dục, luyện công và trở về phòng tụng kinh, niệm phật. Cuộc sống không khác những ngày còn ở Thiếu Lâm là bao.

Bước vào thập niên 80, sau khi bộ phim “Thiếu Lâm tự” ra đời, kungfu Thiếu Lâm đã trở thành một trào lưu, một làn sóng trên đất Trung Hoa và sau này là trên cả thế giới. Ông được mời tham gia thi đấu và biểu diễn ở nhiều nơi. Nhắc đến Vĩnh Hán là nhắc tới một trong Thập bát La Hán lừng danh đương thời của Thiếu Lâm tự.

“Vật đổi sao dời! 17 huynh đệ cũ trong “Thập bát La Hán” của Hộ viện tăng Thiếu Lâm tự ngày nào không biết ly tán nơi đâu, đã lâu lắm rồi không được gặp lại, không biết ai còn, ai mất. Có còn thì nay cũng đã bước vào độ tuổi trên dưới 80!” – Vĩnh Hán kể lại trong ánh mắt xa xăm, man mác.

Ngày cuối đông năm con Sửu.



Bình Nguyên



Âm lịch

Ảnh đẹp