16/10/2011 22:47 (GMT+7)
Số lượt xem: 308993
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ đầu tháng 3 năm 1997, khi nhận làm Trưởng ban Biên tập cho Đại tạng kinh Linh Sơn Pháp Bảo(1), văn phòng đặt tại chùa Pháp Bảo, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh(2), thì tôi đã có được một vài hiểu biết sơ bộ về Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu (ĐTK/ĐCTT)(3), cũng như có được chút ít kinh nghiệm trong công việc dịch thuật Hán tạng sau hơn hai năm tham gia Việt dịch phần Kinh tạng của ĐTK này, không còn cái bỡ ngỡ, ngơ ngác của buổi đầu.



kinhdienbactruyen-09-korea5.jpg

Nhớ lại những ngày đầu ấy: Cuối tháng 11-1994, nhận kinh để dịch xong, hai tay cầm chặt tập bài phô tô Luận Bồ tát Bản Sinh Man từ quyển 5 –> 16, khoảng hơn 40 trang Hán tạng(4), tác giả là Bồ tát Thánh Dũng v.v… Hán dịch là các Đại sư Thiệu Đức, Tuệ Tuân, dịch vào đời Triệu Tống (960–1276), tôi đã xem lướt qua và rất ngạc nhiên đến run run vì chẳng hiểu gì cả. Người giao bài dịch cho tôi là thầy Đồng Hạnh, giáo thọ của Trường Trung cấp Phật Học Bình Định, chỉ cho biết vắn tắt: “Kinh này gồm 16 quyển. 4 quyển đầu đã được thầy Quảng Bửu (Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định) dịch xong. 12 quyển còn lại, văn bản là như thế. Nếu cảm thấy khó thì có thể trả lại để nhận bản kinh khác”.
Về nhà, tôi lại xem qua một lần nữa, xem qua khắp các quyển, nhưng cũng chẳng hiểu được gì. Thắc mắc liền dấy khởi:
* Bộ phận dịch kinh chính của ĐTK Linh Sơn Pháp Bảo đặt văn phòng tại chùa Long Sơn, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Chủ quản là HT. Đỗng Minh, phụ trách phần chứng nghĩa, người lo công việc phân phối kinh, phô tô kinh để giao cho các cộng sự là thầy Tâm Hạnh. Được biết là đang nhận dịch Tạng kinh gồm 17 tập, mới dịch tới tập 3. Vậy sao N0 160 này không phải là Kinh mà là Luận?
* Chữ không khó. Nghĩa không khó. Nhưng nghĩa của mỗi câu, nghĩa của nhiều câu, nghĩa của một đoạn văn thì không hiểu là nói về gì. Vậy ý nghĩa của 12 quyển Luận này là biện giải về những vấn đề gì?
* Thông thường một bản Kinh hoặc Luận, sau phần mở đầu thì đến phần thuyết giảng (Kinh), hoặc Biện giải thông qua Hỏi – Đáp, giải thích (Luận). Thế nhưng nơi 12 quyển này thì chẳng có gì gọi là thuyết giảng hoặc biện giải cả. Toàn bộ chỉ là những câu văn nối tiếp nhau, phần lớn mỗi câu gồm 8 chữ, như thể là một kiểu trường ca, mà ý nghĩa thì quá dàn trải, mơ hồ!(5).
Dịch không được thì xin trả lại để nhận kinh khác, đấy cũng là sự việc bình thường. Tuy nhiên, mới bắt tay vào việc, tâm ý rất phấn khích, giờ đã nhận kinh rồi mà trả lại thì còn gì là khí thế! Vậy là tôi đã cố gắng tối đa để dịch. Dịch đến lần thứ hai mới tạm gọi là được và được vị chứng nghĩa chấp thuận. Tất nhiên, những lần nhận kinh tiếp sau đều thuần là kinh và không còn có những “khó khăn” như lần đầu.
Nhiệm vụ chính của tôi vào lúc này là hàng tháng tiếp nhận các dịch phẩm từ Nha Trang gởi vào Văn phòng Phiên dịch, sắp xếp theo thứ tự, sau đấy thì lần lượt biên tập. Biên tập kinh, nói rõ hơn là biên tập các bản kinh đã được Việt dịch từ Hán tạng, là một công việc hoàn toàn mới mẻ, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao. Sở dĩ tôi đã mạnh dạn nhận lấy công việc này là vì hai lý do chính:
Thứ nhất: Hành trang trí thức của tôi có được là nhờ nơi cửa thiền. Bấy giờ, sau gần 25 năm làm việc cho nhà nước (dạy học, viết báo, cán bộ biên tập nhà xuất bản) để kiếm sống và “trả nợ” xã hội, tôi muốn mình tạo được những đóng góp hữu ích gì đấy cho Phật pháp, ít nhất thì cũng có thể gọi là báo đáp được phần nào công ơn của bổn sư tôi, người đã luôn dành cho tôi những phương tiện thuận hợp nhất giúp tôi ăn học nên người. Được tham gia vào công việc dịch kinh đã là một cơ hội lớn, giờ lại nhận lãnh phần biên tập kinh, thì đấy là cơ hội ngàn năm có một để thực hiện ý nguyện kia(6).
Thứ hai: Trước khi nhận việc làm mới, tôi đã có được chút ít “vốn liếng”, tạm gọi như thế, là những hỗ trợ cần thiết cho công việc biên tập kinh. Đó là:
* Hơn 2 năm tham gia dịch kinh, tôi đã dịch được hơn 10 bản kinh dài ngắn, với khoảng 500 trang Hán tạng, được Hòa thượng phụ trách phần chứng nghĩa đánh giá là vào loại khá.
* Trước đấy, tôi đã có hơn 5 năm làm cán bộ biên tập - nhất là biên tập phần văn học dịch - cho nhà xuất bản: Sở Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình, Nhà Xuất bản Tổng hợp Nghĩa Bình, Nhà Xuất bản Tổng hợp Bình Định.
* Tôi cũng viết được một số truyện ngắn, bút ký, điểm sách, nghiên cứu văn học, đăng trên các Tạp chí Văn nghệ Nghĩa Bình, Văn Nghệ Bình Định, Văn nghệ Phú Khánh, Báo Văn nghệ của Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Văn học (Hà Nội) của Viện Văn học. Sau ngày “trở về” với Phật pháp (1994), tôi cũng đã viết được một số bài nghiên cứu về Văn học Phật giáo đăng trên Tuần báo Giác Ngộ, Nguyệt san Giác Ngộ, Tập văn của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nói chung, tôi hoàn toàn tự tin về khả năng của mình đối với công việc sắp làm và không hề có sự e ngại hoặc mặc cảm gì đối với dư luận gần xa, nếu có. Vậy mà tôi đã nhầm khi tưởng rằng, công việc biên tập kinh, tuy là rất mới mẻ cùng đòi hỏi nhiều cố gắng, nhưng hẳn là người biên tập cũng sẽ nhàn nhã, dễ thở, vì toàn bộ các bản kinh Việt dịch đã được chứng nghĩa, tức là đã được “nghiệm thu”, để người dịch được nhận nhuận bút. Thực tế đã không hoàn toàn thuận chiều như tôi nghĩ. Sau hơn một tuần làm việc tại Văn phòng Phiên dịch của ĐTK Linh Sơn Pháp Bảo, xem qua các kinh đã được Việt dịch từ Nha Trang gởi vào, tôi nhận thấy số lượng các bản Việt dịch tạm gọi là đạt thì không nhiều, có bản dịch còn quá kém. Tôi đã đọc Lỗ Tấn (1881-1936) không nhớ rõ về xuất xứ, nhưng rất tâm đắc đối với nhận định của ông về vấn đề dịch thuật. Theo Lỗ Tấn thì dịch thuật nói tóm gọn là có hai phần, tức Trực dịch và Thuận dịch. Trực dịch là phần đúng. Thuận dịch là phần nhã, ở đây tức từ văn nghĩa của những câu kinh chữ Hán, chuyển dịch sang thành những câu kinh chữ Việt sao cho thuận hợp, sáng rõ, tránh trùng lặp cùng tạo được âm điệu. Hóa ra, sau Trực dịch thì Thuận dịch mới là yếu tố quyết định sự thành tựu cho một bản dịch. Tôi đã nghĩ không đúng về công sức sẽ bỏ ra của người biên tập kinh, vì quên rằng đa số chư vị tham gia dịch kinh cho ĐTK Linh Sơn Pháp Bảo bấy giờ đều là tay ngang, chưa phải là những dịch giả chuyên nghiệp, cũng chưa có những khổ công trong quá trình luyện văn để viết báo, viết văn, nghiên cứu. Như thế, để cho một bản kinh Việt dịch gọi là “đứng được”, người biên tập kinh phải làm việc khá vất vả.(7)
Nói cho công bằng, cái khó của người dịch Kinh, kể cả Luật và nhất là Luận theo Hán tạng, một phần là do nơi các bản Hán dịch. Ba tạng Kinh, Luật, Luận nơi ĐTK chữ Hán nói chung hay nơi ĐTK/ĐCTT nói riêng đều là những tập hợp: Tập hợp các bản Kinh, Luật, Luận đã được Hán dịch trải qua các đời. Từ thời kỳ đầu vào đời Hậu Hán (25 – 220), Đông Ngô (229 – 280), Tây Tấn (265 – 317) với các dịch giả như An Thế Cao, Chi Lâu Ca Sấm, Chi Khiêm, Khang Tăng Khải v.v… cho đến thời kỳ sau cùng là vào thế kỷ 11, đời Triệu Tống (960 – 1276) với những dịch giả như Pháp Thiên, Thi Hộ, Pháp Hộ v.v…, trong ấy, có 4 vấn đề cần được chú ý:
1. Dịch trùng: Tức một bản kinh chữ Phạn có nhiều bản Hán dịch ra đời vào những thời gian khác nhau. Vì như đã nói ở trên, kinh điển theo hệ chữ Phạn được truyền vào Trung Quốc đã trải dài qua nhiều đời với gần 800 năm lịch sử, trong một vùng đất rộng lớn, thế nên có hiện tượng dịch trùng cũng là điều dễ hiểu. Tạng kinh hiện có nơi ĐTK/ĐCTT có khá nhiều bản kinh dịch trùng. Như: Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật có 6 bản Hán dịch (N0 235, N0 236, N0 237, N0 238, N0 239 và bản dịch của Pháp sư Huyền Tráng: Quyển 577 trong 600 quyển của Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa). Kinh Bát Nhã Tâm Kinh có 7 bản Hán dịch (N0 250 –> N0 255, N0 257). Kinh A Di Đà có 2 bản Hán dịch (N0 366, N0 367). Kinh Duy Ma có 3 bản Hán dịch (N0 474, N0 475, N0 476). Kinh Kim Quang Minh có 3 bản Hán dịch (N0 663, N0 664, N0 665). Kinh Lăng Già có 3 bản Hán dịch (N0 670, N0 671, N0 672) v.v… Thông thường thì bản Hán dịch sau hoàn chỉnh hơn bản Hán dịch trước, nhưng cũng có khi bản Hán dịch trước đã hoàn chỉnh, bản Hán dịch sau chỉ là bổ sung. Trường hợp đáng chú ý là bản Hán dịch trước chưa đạt: Hán dịch chưa đạt thì Việt dịch lại càng không đạt. Ở đây, người Việt dịch có thể không biết, nhưng người biên tập kinh thì phải biết tham khảo bản Hán dịch sau để biên tập bản Việt dịch (Dịch từ bản Hán dịch trước).
Về Tạng luận, đáng chú ý là nơi bộ A Tỳ Đàm: Toàn bộ các Luận dịch trùng là của Pháp sư Huyền Tráng (602 – 664). Đây là một quyết tâm dịch lại của Pháp sư sau khi từ Ấn Độ cầu pháp trở về Trung Quốc, vì các bản Hán dịch trước nói chung là chưa đạt. Như: Luận A Tỳ Đạt Ma Phẩm Loại Túc: ĐTK/ĐCTT, tập 26, N0 1542, 18 quyển. Bản Hán dịch trước có tên là Luận Chúng Sự Phần A Tỳ Đàm: ĐTK/ĐCTT, tập 26, N0 1541, 12 quyển. Luận A Tỳ Đạt Ma Phát Trí: ĐTK/ĐCTT, tập 26, N0 1544, 20 quyển. Bản Hán dịch trước có tên là Luận A Tỳ Đàm Bát Kiền Độ: ĐTK/ĐCTT, tập 26, N0 1543, 30 quyển. Luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa: ĐTK/ĐCTT, tập 27, N0 1545, 200 quyển. Bản Hán dịch trước có tên là Luận A Tỳ Đàm Tỳ Bà Sa: ĐTK/ĐCTT, tập 28, N0 1546, 110 quyển. Luận A Tỳ Đạt Ma Câu Xá: ĐTK/ĐCTT, tập 29, N0 1558, 30 quyển. Bản Hán dịch trước mang tên là A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Thích Luận: ĐTK/ĐCTT, tập 29, N0 1559, 22 quyển.
2. Kinh chính và Kinh 
Biệt hành: Kinh chính là những bộ Kinh dài, đầy đủ, gồm nhiều quyển, hoặc là một Tùng thư tập hợp gồm nhiều kinh dài, vừa, ngắn. Như bốn bộ Kinh A Hàm (Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm) thuộc bộ A Hàm. Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa thuộc Bộ Bát Nhã, Kinh Hoa Nghiêm thuộc Bộ Hoa Nghiêm. Kinh Đại Bảo Tích thuộc Bộ Bảo Tích v.v…
Kinh Biệt hành là những mảng kinh rời, ngắn, thường là một phẩm, một đoạn của kinh chính kia, hầu hết được Hán dịch trước Kinh chính. Ví dụ một số kinh Biệt hành của Kinh Hoa Nghiêm: Kinh Tiểu Thập Trụ, ĐTK/ĐCTT, tập 10, N0 283, 1 quyển, là Phẩm Thập Trụ nơi Kinh Hoa Nghiêm (Phẩm thứ 15 của Kinh Hoa Nghiêm bản 80 quyển). Kinh Đại Thập Trụ, tập 10, N0 285, 4 quyển, là Phẩm Thập Địa nơi Kinh Hoa Nghiêm (Phẩm thứ 26). Kinh Đẳng Mục Bồ tát Sở Vấn Tam Muội, tập 10, N0 288, 3 quyển, là Phẩm Thập Định (Phẩm thứ 27). Kinh Độ Thế Phẩm, tập 10, N0 292, 6 quyển, là Phẩm Ly Thế Gian (Phẩm thứ 38) v.v… Các kinh Biệt hành hầu hết đều được Hán dịch trước kinh chính, và có khá nhiều kinh Biệt hành do được Hán dịch vào thời kỳ đầu nên chưa đạt. Như trên đã nêu: Hán dịch chưa đạt thì Việt dịch tất càng không đạt. Người Việt dịch có thể không biết, nhưng người Biên tập kinh thì phải nhận biết, để tham khảo nơi kinh chính, mới có thể biên tập tàm tạm các bản Việt dịch những kinh Biệt hành kia.
Về Tạng Luận: Có thể thấy Luận Du Già Sư Địa: ĐTK/ĐCTT, tập 30, N0 1579, 100 quyển, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng, cũng có một số Luận Biệt hành như: Kinh Bồ tát Địa Trì: ĐTK/ĐCTT, tập 30, N0 1581, 10 quyển. Kinh Bồ tát Thiện Giới: ĐTK/ĐCTT, tập 30, 1582, 9 quyển. Hai bản Hán dịch này tuy mang tên là Kinh nhưng thật sự là Luận (ĐTK/ĐCTT đã sắp vào Tạng luận) là hai bản Hán dịch (Dịch trước) phần Địa Bồ tát thuộc Phần Bản địa của Luận Du Già Sư Địa (Phần Bản địa là Phần I của Luận Du Già Sư Địa, gồm 50 quyển đầu, nội dung là thuyết minh, quảng diễn về 17 Địa, trong đó Địa Bồ tát là Địa thứ 15, là phần quan trọng nhất của Luận, gồm từ quyển 35 đến quyển 49 và 4/5 quyển thứ 50). Luận Quyết Định Tạng: ĐTK/ĐCTT, tập 30, N0 1584, 3 quyển. Là bản Hán dịch (Dịch trước) đoạn đầu của Phần Nhiếp Quyết Trạch (Phần II của Luận Du Già Sư Địa, gồm từ quyển 51 –> 80), tương đương với quyển 51 –> 54 nơi Luận chính. Hai bản Hán dịch N0 1581 và N0 1584 đều chưa đạt.(8)
3. Từ ngữ và thuật ngữ Phật học: Thuật ngữ Phật học là rất nhiều, là vô cùng phong phú. Trong quá trình Hán dịch, phần lớn những thuật ngữ ấy đều phải trải qua giai đoạn dò dẫm, hình thành rồi mới đạt đến sự định hình, chuẩn xác. Chẳng hạn: Bát chánh đạo, trong thời kỳ đầu được Đại sư An Thế Cao (Thế kỷ thứ 2 TL) dịch là Bát chủng đạo, Bát trực đạo, gồm: Trực kiến. Trực niệm. Trực ngữ. Trực pháp. Trực nghiệp. Trực phương tiện. Trực ý. Trực định. Hoặc: Trực kiến (Chánh kiến), Trực trị (Chánh tư duy), Trực ngữ (Chánh ngữ), Trực hành (Chánh mạng), Trực nghiệp (Chánh nghiệp), Trực phương tiện (Chánh tinh tấn), Trực niệm (Chánh niệm), Trực định (Chánh định) (ĐTK/ĐCTT, tập 1, tr 237 A, tr 816 A).
Hay như Mười hai chi nhân duyên được Sa môn Nghiêm Phật Điều và Cư sĩ An Huyền (Đời Hậu Hán) dịch là: 1. Bản vi si (Vô minh). 2. Hành (Hành). 3. Thức (Thức). 4. Danh sắc (Danh sắc). 5. Lục suy (Lục nhập, Lục xứ). 6. Sở cánh (Xúc). 7. Thống (Thọ). 8. Ái (Ái). 9. Cầu (Thủ). 10. Đắc (Hữu). 11. Sinh (Sinh). 12. Lão bệnh tử (Lão tử) (ĐTK/ĐCTT, tập 25, N0 1508), trang 53 A – B).
Vào đầu thế kỷ thứ 5 TL, một đạo tràng dịch thuật đã được thiết lập do vua Diêu Hưng (366–416) của nhà Hậu Tần (384–417) bảo trợ, dịch chủ là Pháp sư Cưu Ma La Thập (344–413) với chư vị cộng sự là các Đại sư Tăng Duệ, Tăng Triệu, Đạo Sinh, Đạo Dung, thì mảng thuật ngữ Phật học nơi Tạng kinh đã đạt đến sự chuẩn xác tương đối(9). Về vấn đề này, người Việt dịch kinh có thể chỉ nhận biết sơ lược, nhưng người biên tập kinh thì phải nhận biết gồm đủ, tham bác, để tránh những sai sót có thể xảy ra. Ví dụ như nơi một bản kinh được Hán dịch vào thời kỳ đầu, đã nói đến chư vị đệ tử, Duyên nhất giác, trí tuệ không thể sánh với Phật v.v… Ở đây, người biên tập kinh phải hiểu: Đệ tử là Thanh văn. Duyên nhất giác là Duyên giác. Vậy câu kinh ấy là nói về hàng Nhị thừa, trí tuệ không thể sánh với Đức Phật.
Ngoài ra, cũng cần chú ý về mảng thuật ngữ nơi Tạng kinh, có khá nhiều sự khác nhau giữa Cựu dịch (Từ Pháp sư Huyền Tráng trở về trước. Đại diện tiêu biểu là Pháp sư Cưu Ma La Thập) và Tân dịch (Từ Pháp sư Huyền Tráng trở về sau). Ví dụ: Năm ấm (Sắc thọ tưởng hành thức) là Cựu dịch. Tân dịch là năm uẩn. Hoặc Sáu độ theo Cựu dịch là: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Tân dịch là: Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát nhã(10).
Về Tạng luận: Mảng thuật ngữ Phật học thuộc về Luận cùng có liên quan đến Luận, trong quá trình Hán dịch cũng đã trải những giai đoạn dò dẫm, hình thành rồi mới đạt đến mức chuẩn xác tương đối như nơi tạng kinh. Dịch chủ tiêu biểu cho sự định hình này là Pháp sư Huyền Tráng (602–664). Xin nêu một vài thí dụ: Năm pháp vào thời kỳ đầu, Đại sư An Thế Cao đã Hán dịch là: 1. Sắc (Sắc pháp). 2. Ý (Tâm pháp). 3. Sở niệm (Tâm sở hữu pháp). 4. Biệt ly ý hành (Tâm bất tương ưng hành pháp). 5. Vô vi (Vô vi pháp) (ĐTK/ĐCTT, tập 28, N0 1557, trang 998 C).
Hoặc Sáu nhân, Bốn duyên, Năm quả:
a. Sáu nhân, Bốn duyên, Năm quả theo cách dịch của Đại sư Phù Đà Bạt Ma và Đạo Thái trong Luận A Tỳ Đàm Tỳ Bà Sa (ĐTK/ĐCTT, tập 28, N0 1546), Hán dịch vào đời Bắc Lương (397–439). Sáu nhân: Nhân sở tác, Nhân cộng sinh, Nhân tương tợ, Nhân tương ưng, Nhân nhất thiết biến, Nhân báo. Bốn duyên: Duyên nhân, Duyên thứ đệ, Duyên cảnh giới, Duyên oai thế. Năm quả: Quả báo, Quả y, Quả công dụng, Quả oai thế, Quả giải thoát.
b. Sáu nhân, Bốn duyên, Năm quả theo cách dịch của Đại sư Chân Đế trong Luận Thích A Tỳ Đạt Ma Câu Xá (ĐTK/ĐCTT, tập 29, N0 1559) Hán dịch vào đời Trần (557–588). Sáu nhân: Nhân tùy tạo, Nhân câu hữu, Nhân đồng loại, Nhân tương ưng, Nhân biến hành, Nhân quả báo. Bốn duyên: Duyên nhân, Duyên thứ đệ, Duyên duyên, Duyên tăng thượng. Năm quả: Quả quả báo, Quả đẳng lưu, Quả công lực, Quả tăng thượng, Quả ly diệt.
c. Sáu nhân, Bốn duyên, Năm quả theo cách dịch của Pháp sư Huyền Tráng trong Luận A Tỳ Đạt Ma Câu Xá (ĐTK/ĐCTT, tập 29, N0 1558), Hán dịch vào đời Đường (618–906) được xem là định hình. Sáu nhân: Nhân năng tác, Nhân câu hữu, Nhân đồng loại, Nhân tương ưng, Nhân biến hành, Nhân dị thục. Bốn duyên: Duyên nhân, Duyên đẳng vô gián, Duyên sở duyên, Duyên tăng thượng. Năm quả: Quả dị thục, Quả đẳng lưu, Quả sĩ dụng, Quả tăng thượng, Quả ly hệ(11).
4. Về chất lượng của một số bản Hán dịch (Kinh, Luận): Trong Tạng kinh và Tạng luận theo ĐTK/ĐCTT, hiện có một số bản Hán dịch chưa đạt. Hán dịch không đạt nên người Việt dịch gặp phải rất nhiều khó khăn trong công việc chuyển dịch, hầu hết chỉ căn cứ theo chữ theo câu để Việt dịch, còn ý nghĩa thì chẳng hiểu là nói về gì! Đây là vấn đề có tính lịch sử. Do Hán dịch vào thời kỳ đầu, người cộng tác ít, câu văn dịch còn ở giai đoạn hình thành, từ ngữ cũng như thuật ngữ Phật học còn đang dò dẫm, nội dung lại bàn về những nghĩa lý cao siêu, vi tế, nên một số bản kinh Hán dịch rất khó đọc, khó lãnh hội. Ví như cư sĩ Chi Khiêm (thế kỷ thứ 3 TL) được xem là vị dịch giả Hán dịch thành công nhất trong thời kỳ đầu, xét về mặt ngôn ngữ, cách thế diễn đạt. Học giả Lê Mạnh Thát, nhân giới thiệu một kinh trong bộ Soạn Tập Bách Duyên Kinh, đã nhận xét: “Soạn Tập Bách Duyên Kinh do Chi Khiêm dịch khoảng giữa những năm 220–252 tại Kiến Nghiệp, và ai cũng biết Chi Khiêm là một dịch giả thiên trọng vẻ văn vẻ và bóng gió, một sự kiện mà ta chỉ cần đọc bản Hán dịch dẫn trên (Bách Tử Đồng Sản Duyên: Chuyện 100 người con cùng sinh) cũng đủ để chứng minh. Lời văn dịch lưu loát, hoa mỹ đến nỗi ngay cả bản Việt dịch ngày nay của chúng tôi không cần phải thêm thắt gì nhiều để hiện đại hóa”(12). Nhưng nơi hai bản Hán dịch Kinh Đại Minh Độ: ĐTK/ĐCTT, tập 8, N0 225, 6 quyển, thuộc về Hội thứ 4 của Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật, 600 quyển. Hội thứ 4 gồm 18 quyển, từ quyển 538 –> 555, và Kinh Duy Ma: ĐTK/ĐCTT, tập 14, N0 474, 2 quyển – đáng chú ý nhất là phẩm thứ 9: Phẩm Nhập Pháp Môn Bất Nhị… thì do những điều kiện vừa nêu trên, nên ngòi bút Hán dịch của cư sĩ Chi Khiêm đã bộc lộ những hạn chế. Điển hình nhất cho vấn đề này là Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226–304). Pháp sư Trúc Pháp Hộ được xem là một trong ba dấu mốc tiêu biểu nơi quá trình dịch thuật và hoàn thành Tạng kinh thuộc ĐTK chữ Hán (Hai dấu mốc kia là Pháp sư Cưu Ma La Thập và Pháp sư Huyền Tráng). Đóng góp của Pháp sư Trúc Pháp Hộ cho Tạng kinh chữ Hán là rất lớn. Pháp sư đã dịch đến 95 tên kinh gồm trên 200 quyển, nhưng do những yếu tố như đã nêu, nên một số lượng khá nhiều các bản kinh Hán dịch của Pháp sư đã thuộc vào loại khó lãnh hội. Trong trường hợp này, người biên tập kinh Việt dịch phải biết tham khảo, đối chiếu v.v…. để biên tập. Hoặc tham khảo, đối chiếu với các kinh cùng loại. Như Kinh Sinh (ĐTK/ĐCTT, tập 3, N0 154, 5 quyển) thuộc Bộ Bản Duyên, do Pháp sư Trúc Pháp Hộ Hán dịch, nội dung là thuật về tiền thân của Đức Phật, thì tham khảo nơi các kinh đồng loại. Hoặc tham khảo đối chiếu nơi các kinh Dịch trùng, dịch sau. Như Kinh Phổ Diệu (ĐTK/ĐCTT, tập 3, N0 186, 8 quyển) thuộc Bộ Bản Duyên, do Pháp sư Trúc Pháp Hộ Hán dịch, nội dung là thuật về lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì tham khảo bản Hán dịch Dịch trùng của kinh này là Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm (ĐTK/ĐCTT, tập 3, N0 187, 12 quyển), Hán dịch là Đại sư Địa Bà Ha La (613–687), dịch vào đời Đường. Hoặc các kinh thuộc loại Biệt hành của Kinh Hoa Nghiêm v.v… do Pháp sư Trúc Pháp Hộ Hán dịch, thì tham khảo, đối chiếu với các phẩm của kinh chính v.v…
Về Tạng luận: Cũng có một vài bản Luận Hán dịch thuộc loại chưa đạt nên khó đọc, khó hiểu. Như: Kinh Bồ tát Địa Trì: ĐTK/ĐCTT, tập 30, N0 1581, 10 quyển, Hán dịch là Đại sư Đàm Vô Sấm (385–433), dịch vào đời Bắc Lương (397–439) là một Biệt hành của Luận Du Già Sư Địa (ĐTK/ĐCTT, tập 30, N0 1579, 100 quyển, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng), tương đương với phần Địa Bồ tát của Luận ấy. Luận Thích A Tỳ Đạt Ma Câu Xá: ĐTK/ĐCTT, tập 29, N0 1559, 22 quyển, Hán dịch là Đại sư Chân Đế (419–564) dịch vào đời Trần (557–588), là một Dị dịch (Dịch trước) của Luận A Tỳ Đạt Ma Câu Xá (ĐTK/ĐCTT, tập 29, N0 1558, 30 quyển, Hán dịch Pháp sư Huyền Tráng). Luận Quyết Định Tạng: ĐTK/ĐCTT, tập 30, N0 1584, 3 quyển, Hán dịch là Đại sư Chân Đế, là một Biệt hành của Luận Du Già Sư Địa, tương đương với quyển 51 –> 54, tức đoạn đầu của Phần Nhiếp Quyết Trạch nơi Luận chính.
Chư vị Đàm Vô Sấm, Chân Đế là những gương mặt dịch thuật nổi tiếng trong lịch sử phiên dịch ĐTK chữ Hán. Đóng góp của chư vị là rất đáng kể. Ở đây, vì nội dung của Luận hoặc biện giảng về các vấn đề triết học quá phức tạp, hoặc tranh luận, phản bác về những lãnh vực siêu hình khó nhận thức v.v…, lại các thuật ngữ chuyên môn vào thời kỳ của chư vị là chưa có đủ v.v… nên rất nhiều chỗ nơi các Luận trên, ngòi bút dịch thuật của chư vị đã trở thành bất lực.
Cũng xin nói về một trường hợp rất đặc biệt, chỉ có nơi Tạng luận: Đó là có một số bản Luận Hán dịch thuộc loại khó đọc, khó lãnh hội, nhưng lỗi không phải do người Hán dịch mà là do tác giả. Như: Luận Thích Bát Nhã Đăng: ĐTK/ĐCTT, tập 30, N0 1566, 15 quyển. Tác giả là Bồ tát Phân Biệt Minh, Hán dịch là Đại sư Ba La Phả Mật Đa La (565–633), dịch vào đầu đời Đường. Luận Thích Đại Thừa Quảng Bách Luận: ĐTK/ĐCTT, tập 30, N0 1571, 10 quyển. Tác giả là Bồ tát Hộ Pháp, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng. Hai Luận trên đều là Luận thích. Luận Thích Bát Nhã Đăng, N0 1566, nội dung là giải thích, quảng diễn tác phẩm Trung Luận của Bồ tát Long Thọ (ĐTK/ĐCTT, tập 30, N0 1564, 4 quyển, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập). Đại sư Ba La Phả Mật Đa La còn là dịch giả Kinh Bảo Tinh Đà La Ni (ĐTK/ĐCTT, tập 13, N0 402, 10 quyển) là một Biệt hành của Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập (ĐTK/ĐCTT, tập 13, N0 397, 60 quyển, do Đại sư Tăng Tựu tập hợp, vào đời Tùy) và Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh (ĐTK/ĐCTT, tập 31, N0 1604, 13 quyển, tác giả là Bồ tát Vô Trước). Trong Luận N0 1566 nêu trên, có nhiều đoạn trích dẫn các kinh, phần nhiều là kinh thuộc hệ Bát Nhã, văn nghĩa được Hán dịch đều dễ hiểu, thuận hợp, nhưng qua các phần Biện giải của Luận thì văn nghĩa Hán dịch hầu hết là khó đọc, khó hiểu. Do đấy, tôi suy đoán, cho tính chất khó đọc, khó hiểu kia là do tác giả chứ không phải là dịch giả. Trường hợp Luận Thích Đại Thừa Quảng Bách Luận, N0 1571 của Bồ tát Hộ Pháp cũng thế. Nội dung là giải thích 200 bài kệ nơi tác phẩm Quảng Bách Luận của Bồ tát Thánh Thiên (Bồ tát Đề Bà) (ĐTK/ĐCTT, tập 30, N0 1570, 1 quyển. Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng). Pháp sư Huyền Tráng đã Hán dịch hàng trăm bộ Kinh, Luận từ loại đồ sộ, dài, vừa đến loại ngắn, rất ngắn, tất cả đều đạt, không lẽ với Luận N0 1571 này lại Hán dịch không đạt? Vì vậy, tính chất khó đọc khó hiểu là do nơi tác giả.
Có lẽ không gì khiến người Việt dịch Kinh Luận từ Hán tạng khổ tâm hơn là phải gắng sức Việt dịch các luận thuộc loại này. Tôi đã Việt dịch ba Luận nêu trước (Kinh Bồ tát Địa Trì N0 1581, Luận Thích A Tỳ Đạt Ma Câu Xá N0 1559, Luận Quyết Định Tạng N0 1584, dịch cho ĐTK Tuệ Quang như đã nói ở chú thích số 8) vẫn có thể tham khảo, đối chiếu ít nhiều để dịch. Nhưng với hai Luận này (Luận Thích Bát Nhã Đăng N0 1566 và Luận Thích Đại Thừa Quảng Bách Luận N0 1571 thì đành chịu, không biết tham khảo, đối chiếu ở đâu, rốt cuộc chỉ còn biết dựa theo chữ theo câu để Việt dịch(13).
Hơn 15 năm làm công việc biên tập Kinh, Luật, Luận, rồi Việt dịch Tạng luận, góp chút công sức cho sự thành tựu ĐTK Việt Nam, kỷ niệm tất nhiên là có nhiều, hầu hết đều là vui, nhưng ấn tượng khiến tôi nhớ mãi chính là cái khổ tâm khi phải Việt dịch các Bản Luận kể trên.  n
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 08 năm 2011
(1) Đại Tạng Kinh Linh Sơn Pháp Bảo: Là Đại Tạng Kinh Việt Nam do HT. Tịnh Hạnh sáng lập và bảo trợ. Hoạt động từ năm 1994. Đã in được Tạng Kinh gồm 70 tập: Việt dịch từ 17 tập (Tập 1 –> 17) thuộc Tạng Kinh của ĐTK/ĐCTT. Không Việt dịch phần Mật Giáo (Tập 18 –> 21). Chỉ đưa Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm. ĐTK/ĐCTT, tập 19, N0 945, 10 quyển) đã được ĐTK/ĐCTT sắp vào Bộ Mật Giáo lên Bộ Kinh Tập, biên tập theo bản Việt dịch của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.
 (2) Lúc đầu đặt tại ngôi nhà gần Lăng Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh. Sau năm 2000 mới dời ra chùa Pháp Bảo, phường Linh Trung, Thủ Đức.
(3) Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu (ĐTK/ĐCTT): “Còn gọi là Đại Chánh Tạng, Đại Chánh Bản, là Đại Tạng Kinh chữ Hán, do chư vị Học giả Nhật Bản là Cao Nam Thuận Thứ Lang, Độ Biên Hải Húc, Tiểu Dã Huyền Diệu… biên tập, xuất bản, được thực hiện từ năm Đại Chánh thứ 13 đến năm Chiêu Hòa thứ 9 (1924–1934). Toàn Tạng gồm 100 Tập: Chánh Biên 55 Tập. Tục Biên 30 Tập. Biệt Loại 15 Tập (Gồm Đồ Tượng 12 Tập. Pháp Bảo Tổng Mục Lục 3 Tập). Phần Chánh Biên dùng Kinh Luật Luận – đã được Hán dịch qua các đời – cùng những soạn thuật của các nhà Phật học Trung Quốc làm chủ, có thêm một số tác phẩm soạn thuật của chư vị Đại đức người Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong đó, 3 Tạng Kinh Luật Luận cùng Bộ phận soạn thuật… chủ yếu dùng bản Cao Ly được lưu giữ tại chùa Tăng Thượng ở Đông Kinh (Nhật Bản) làm Bản gốc, đối chiếu khảo xét với 3 Bản Tống, Nguyên, Minh, cũng được tàng trữ tại chùa này. Riêng có tham chiếu Tạng Kinh Chánh Thượng Viện, Cổ Bản Đôn Hoàng cùng kinh điển văn Paly, văn Phạn”. (Phật Quang Đại Từ Điển, tr.1016 A-C). Ở đây chúng tôi chỉ nói đến 3 Tạng Kinh Luật Luận gồm 32 Tập: Tạng Kinh 17 Tập. Mật Giáo 4 tập. Tạng Luật 3 tập, Tạng Luận 8 tập. Tạng Kinh và Tạng Luận đã dùng khái niệm Bộ để phân: Tạng Kinh làm 9 Bộ, Tạng Luận làm 5 Bộ. Chín Bộ của Tạng Kinh là: Bộ A Hàm. Bản Duyên. Bát Nhã. Pháp Hoa. Hoa Nghiêm. Bảo Tích. Niết Bàn. Đại Tập. Kinh Tập. Năm Bộ của Tạng Luận là: Bộ Thích Kinh Luận. A Tỳ Đàm. Trung Quán. Du Già. Luận Tập. Khái niệm Bộ ở đây được hiểu theo 3 nghĩa: 1. Tập hợp Kinh chính hoặc Luận chính cùng với các Kinh, Luận biệt hành, đồng dạng, cùng hệ. Như Bộ A Hàm, Bộ Bát Nhã, Bộ Pháp Hoa, Bộ Hoa Nghiêm, Bộ Bảo Tích, Bộ Niết Bàn, Bộ Đại Tập (Tạng Kinh). Bộ Trung Quán, Bộ Du Già (Tạng Luận). 2. Tập hợp các Kinh, Luận có nội dung là cùng theo một chủ đề. Như Bộ Bản Duyên (Tạng Kinh). Bộ Thích Kinh Luận, Bộ A Tỳ Đàm (Tạng Luận). 3. Tập hợp các Kinh, Luận còn lại, không thể sắp xếp vào 2 loại kia. Như Bộ Kinh Tập (Tạng Kinh). Bộ Luận Tập (Tạng Luận). Do tính chất đặc thù nên toàn bộ Kinh, Luật, Luận, Nghi quỹ v.v… của Mật giáo đã được tập hợp thành Bộ Mật Giáo (Tập 18 –> 21). Tạng Luật không phân thành Bộ riêng như nơi Tạng Kinh, Tạng Luận, mà chỉ gọi chung là Bộ Luật 1, 2, 3 (Tập 22, 23, 24). Xem thêm Bài viết của Đào Nguyên: Giới thiệu tổng quát về hệ thống kinh điển Hán Tạng: Nguyệt san Giác Ngộ số 60, 61, tháng 3, 4/2001. Sau in trong Phật Học Cơ Bản, Tập 4, Chương trình Phật Học Hàm Thụ. Giới thiệu tổng quát về hệ thống Luận Tạng của Phật giáo Bắc truyền. Nguyệt san Giác Ngộ số 75, 76, tháng 6, 7/2002. Giới thiệu tổng quát về hệ thống Luật Tạng của Phật giáo Bắc truyền. Nguyệt san Giác Ngộ số 113, 114, tháng 8, 9/2005.
(4) Toàn Luận gồm 16 quyển với hơn 50 trang Hán Tạng. Công việc phân quyển với số trang nhiều ít nơi các Bộ Kinh, Luận hầu như là do chư vị Hán dịch. Số lượng trang dành cho mỗi quyển cũng không cố định, thông thường là khoảng 5 trang đến 9 trang. Ví như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập, gồm 7 quyển, hơn 60 trang (ĐTK/ĐCTT, Tập 9, N0 262, 7 quyển). Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, cũng do Pháp sư Cưu Ma La Thập Hán dịch gồm 27 quyển, 208 trang (ĐTK/ĐCTT, Tập 8, N0 223, 27 quyển). Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa, do Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch gồm 600 quyển, trên 3000 trang (ĐTK/ĐCTT, N0 220, các Tập 5, 6, 7, 600 quyển). Luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa, cũng do Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch, gồm 200 quyển, trên 1000 trang (ĐTK/ĐCTT, Tập 27, 200 quyển). Tác phẩm Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký của Đại sư Pháp Tạng được xem là tác phẩm có số trang nơi mỗi quyển nhiều nhất: 20 quyển với 385 trang Hán Tạng (ĐTK/ĐCTT, Tập 35, N0 1733, 20 quyển). Hầu hết các Kinh Luận được Hán dịch vào đời Triệu Tống (960-1276) có số trang nơi mỗi quyển là ít nhất. Ví như Luận Bồ Tát Bản Sinh Man đã nêu. Hoặc như Kinh Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa, Hán dịch là Đại sư Thi Hộ, gồm 25 quyển, chỉ có 89 trang (ĐTK/ĐCTT, Tập 8, N0 228, 25 quyển) v.v…
(5) Luận Bồ Tát Bản Sinh Man (ĐTK/ĐCTT, Tập 3, N0 160, 16 quyển): Tiếng Phạn là: Jàtakamàlà, gồm 2 phần: Phần 1 gồm 4 quyển đầu với 14 truyện viết về tiền thân của Đức Phật. (Vì thế nên ĐTK/ĐCTT đã sắp vào Bộ Bản Duyên). Phần 2 gồm 12 quyển còn lại, là “Luận thích về pháp tướng như Hộ quốc bản sinh v.v… Hành văn thì tối nghĩa khó đọc (Hành văn hối sáp), văn nghĩa thì khó hiểu (Văn nghĩa nan giải)”: Phật Quang ĐTĐ, trang 5214B. Nơi bài viết: Góp phần đề nghị một đề cương biên dịch cho ĐTK Việt Nam, Nguyệt san Giác Ngộ số 107, 108, tháng 2, 3/2005, tôi đã đề nghị Luận này chỉ nên giữ lại 4 quyển đầu, bỏ 12 quyển sau.
(6) Tôi đã đọc một số bài kệ mở đầu nơi các tác phẩm Luận Thích, Luận Sớ v.v… của chư vị Bồ tát, Đại sư thuộc Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc, hầu hết đều có tâm nguyện thông qua công việc mình đã làm, mong cho Chánh pháp hoằng truyền để báo đáp ân Phật, khiến tôi luôn xúc động. Ví như đây là 8 câu sau nơi Bài kệ mở đầu trong tác phẩm Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký của Đại sư Pháp Tạng (643-712) Tổ thứ 3 của Tông Hoa Nghiêm:
“… Con tại địa buộc đủ
Tâm mong pháp môn lớn
Xin nguyện thấy gia hộ
Khiến lực niệm trí tăng.
Mở tạng bí mật này
Lợi ích rộng mình người
Nguyện khiến pháp trụ lâu
Đèn truyền báo ân Phật”.
(ĐTK/ĐCTT tập 35, N0 1733, trang 107A).
(7) Vậy thì công việc chứng nghĩa là làm gì? Ở đây nên hiểu, chứng nghĩa mới chỉ là chứng nhận cho phần Trực dịch thôi, phần Thuận dịch là dành cho Ban Biên tập.
(8) Từ đầu năm 2006 đến nay, tôi cộng tác với Đại Tạng Kinh Tuệ Quang, là Đại Tạng Kinh Việt Nam, do Bác sĩ Trần Tiễn Huyến sáng lập và bảo trợ, nhận lãnh Việt dịch phần Tạng Luận, chịu trách nhiệm dịch hoàn chỉnh từ đầu đến cuối (Không phải trải qua các khâu: Chứng nghĩa, Biên tập 1, Biên tập 2, Tổng duyệt như trước). Tạng luận, theo ĐTK/ĐCTT gồm 8 tập (Tập 25 –> 32), Tôi nhận dịch 6 tập (25 –> 30), đã Việt dịch xong các Tập 25 (Trừ Luận Đại Trí Độ), 26, 27, 28, 30. Đang dịch Tập 29, đến đầu năm 2012 thì xong. Hiện ĐTK Tuệ Quang đang chuẩn bị in 2 tập 25, 26. Sau Tạng Luận là đến Tạng Luật. Tạng Luật gồm 3 Tập 22, 23, 24, hầu như không có loại Luật dịch trùng, cũng không có loại Luật Hán dịch chưa đạt, phần diễn tiến của các thuật ngữ cũng đơn giản hơn hai Tạng Kinh, Luận. Có thể xem từ ngữ và thuật ngữ được dùng nơi 4 Bộ Luật Tăng Kỳ, Thập Tụng, Ngũ Phần, Tứ Phần cùng những liên hệ là theo hệ Cựu dịch. Còn Luật Hữu Bộ do Đại sư Nghĩa Tịnh (635-713) Hán dịch vào đời Đường và toàn bộ các dịch phẩm thuộc Hữu Bộ do Đại sư Nghĩa Tịnh Hán dịch là theo hệ Tân dịch: Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Giới thiệu tổng quát về hệ thống Luật tạng của Phật giáo Bắc truyền. Nguyệt san Giác Ngộ số 113, 114 tháng 8, 9-2005. ĐTK Tuệ Quang đã mời HT. Phước Sơn làm cố vấn, tôi (Đào Nguyên) sẽ biên tập kỹ dựa trên các bản Việt dịch hiện có của HT. Đỗng Minh, HT. Phước Sơn, Đại đức Tâm Hạnh v.v… Riêng phần Giới Bản của một số Bộ Luật chính, cùng phần Nêu dẫn các Kinh, Luận nói về Giới Luật, từ N0 1460 đến N0 1504 nơi Tập 24… thì biên tập dựa theo Bản Việt dịch của Lớp luyện dịch Hán tạng được tổ chức tại chùa Pháp Bảo năm 2002 - 2003… để hoàn thành Tạng Luật.
(9) Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Giới thiệu tổng quát về hệ thống kinh điển Hán tạng. Nguyệt san Giác Ngộ số 60, 61, tháng 3, 4/2001. Sau in trong Phật Học Cơ Bản, Tập 4. Chương trình Phật Học Hàm Thụ.
(10) Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Từ ba bản Hán dịch Kinh Duy Ma. Nguyệt san Giác Ngộ số 118, 119, tháng 1, 2/2006.
(11) Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Những đóng góp của Pháp sư Huyền Tráng… Nguyệt san Giác Ngộ số 121, tháng 4/2006. Giới thiệu hai tác phẩm thuộc mảng A Tỳ Đàm được Hán dịch sớm nhất. Nguyệt san Giác Ngộ số 123, tháng 6/2006.
(12) Xem: Lê Mạnh Thát: Lục Độ Tập Kinh và Lịch Sử Khởi Nguyên Dân Tộc Ta. Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1972, trang 53.
(13) Khi Việt dịch Luận Thích Bát Nhã Đăng, N0 1566, 15 quyển, tôi có tham khảo các Luận N0 1564, N0 1567, đều là những Luận Thích tác phẩm Trung Luận của Bồ tát Long Thọ. Nhưng ba bản Luận Thích ấy (N0 1566, N0 1564, N0 1567 – Bản Luận Thích này chỉ biện giải 14 phẩm đầu nơi 27 phẩm của Trung Luận) mỗi bản giải thích theo một kiểu, hoàn toàn không có gì gọi là tương tợ để có thể tham khảo.

Đào Nguyên

Nguon: http://giacngo.vn/thuvien/kinhhantang/2011/10/16/7B7642/


Âm lịch

Ảnh đẹp