. Ý
tưởng bất hủ này phản ánh tư tưởng vạn vật chuyển hoá của Hêraclitôxơ,
ông tổ biện chứng luận phương Tây. Theo ông: vũ trụ là một tổng thể
không do thần linh tạo ra mà do lửa biến thành các yếu tố khác (nước,
đất...) mà sinh ra vạn vật. Vạn vật lại biến thành lửa, các vật đối lập
luôn luôn chuyển hoá thành vật đối lập, xung đột, đó là nguồn gốc của
sự phát triển.
Tư tưởng vạn vật chuyển hoá nuôi dưỡng khoa học và nhiều hệ tư tưởng
triết học phuơng Tây. Thuyết tiến hoá (évolustionnisme) là học thuyết
duy vật và nguồn gốc về sự phát triển của sinh vật qua một quá trình
lịch sử. Đặc biệt, trong Nguồn gốc các giống, Darwin đề ra một lý luận
khoa học cho thuyết tiến hoá. Theo ông, trong cuộc đấu tranh sinh tồn,
giống nào thích ứng thì sống, theo quy luật chọn lọc tự nhiên. Tính
biến đổi và tính di truyền đều là thuộc tính của sinh vật. Biến đổi nào
có lợi cho nó trong cuộc đấu tranh sinh tồn thì được lưu giữ lâu dài.
Theo thiên thể học, vũ trụ cũng theo quy luật biến hoá. Ước tính Thái
dương hệ hình thành cách đây 5 tỷ năm, quả đất cách đây 4 tỷ 600 triệu
năm, với sự hình thành sự sống cách đây 200 triệu năm của những tảo lam
đầu tiên trong đại dương.
Từ nguyên lý tất cả đều chuyển hoá, Phật học đã gặp khoa học với
khái niệm cơ bản vô thường. Vô thường là gì? Nói một cách đơn giản, vô
thường nghĩa là không thường tồn tại, mà thay đổi từng giờ từng phút,
từng giây, tất cả mọi sự vật thuộc giới vô cơ hay hữu cơ, đều biến
thiên vô thường. Vũ trụ vô thủy vô chung, tất cả các sự vật có thể nhận
thức qua cảm giác hay ý niệm (được gọi là Pháp (Dharma = Đạt ma) đều
chuyển biến, vô thường, chuyển biến trong nháy mắt, trong từng sát-na
(thời gian nhỏ nhất), hay trong từng giai đoạn thay hẳn chất lượng do
chuyển biến. Vô thường thể hiện theo luật nhân quả sinh ra, trụ một
thời gian, biến chuyển rồi thành không, tất cả đều sinh rồi diệt do
nhân duyên. Nhân là nguyên nhân, duyên là những điều kiện giúp cho nhân
phát triển. Thí dụ hạt gạo là nhân cây lúa, còn môi trường như đất,
nước, ánh sáng, phân... là duyên. Nhân duyên là những quan hệ biện
chứng giữa các sự vật trong không gian và thời gian. Trong những quan
hệ ấy, không tính đến lớn, nhỏ, một hạt cải nhỏ được tạo thành do mối
quan hệ với cả vũ trụ, cả vũ trụ phải hòa hợp với nhau mới tạo ra hạt
cải nhỏ. Ngược lại, phải có hạt cải nhỏ hòa hợp với cả vũ trụ lớn thì
mới tạo ra được mọi thứ, kể cả mặt trời, mặt trăng... Mỗi sự vật có ảnh
hưởng dây chuyền (duyên) đến tất cả. Trong một có tất cả, trong tất cả
có một. Sự vật không có thực thể, chỉ vô thường, có tạm thời. Sinh ra
do nhân duyên hòa hợp (thành cá thể trái núi, cái cày, con vật, con
người với cái Tôi...), mất đi do nhân duyên tan rã. Không thật có sinh,
có diệt, thời gian và không gian, có người, có mình. Do ảo tưởng không
biết quy luật vô thường, cho là sự vật hữu thường nên sinh lòng dục và
khổ đau qua cái nghiệp.
Nhiều giả thuyết khoa học hiện đại về các biến thiên trong vũ trụ,
từ tinh tú đến nguyên tử và vi sinh vật, có thể thuyết minh cho lẽ vô
thường của Phật học. Xin lấy hai thí dụ khá lý thú.
Vô thường: một lục địa sinh và diệt. Đó là lục địa Đông Nam Á. Sau
hàng chục năm nghiên cứu về mọi mặt (khảo cổ học, di truyền học, nhân
học, ngôn ngữ học, dân tộc học...) bác sĩ người Anh S.Oppenheimer đã
kết luận như vậy trong cuốn Thiên đường ở phía Đông (1999). Theo ông,
cái nôi của văn minh loài người không phải là Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp,
La Mã, Ấn Độ, Trung Quốc mà ở Sunda, một lục địa Đông Nam Á lớn, nay
đã bị chìm ngập. Cách đây 7.000 năm, nơi đây đã sản xuất ra những nền
văn minh đầu tiên của nhân loại, khởi thuỷ từ thời Cách mạng đồ đá mới
(cách đây khoảng 10.000 năm) chuyển từ hái lượm, săn bắt sang trồng
trọt và chăn nuôi. Do hậu quả nạn hồng thuỷ vào thời băng hà, cư dân
lục địa Sunda phải di cư lên phía Bắc (lục địa châu Á với Trung Quốc,
Ấn Độ) và sang phía Tây (Địa Trung Hải, Cận Đông...) gieo rắc những mầm
văn hoá Đông Nam Á.
BS. Oppenheimer đưa ra một số dẫn chứng cụ thể, đặc biệt về gen khi
theo dõi sự lan rộng của bệnh sốt rét ở Đông Nam Á. Những cây lương
thực đầu tiên, khoai sọ và khoai lang được trồng rất sớm ở Indonesia
(10.000 -15.000 năm trước CN). Lúa được trồng ở bán đảo Thái Lan khoảng
thế kỷ VI-VII trước CN, sớm hơn ở Trung Quốc. Nghệ thuật đúc đồng ở
Thái Lan và Việt Nam cũng sớm hơn ở Cận Đông và Trung Quốc.
Vô thường: Nhân loại có sinh thì có diệt không? Theo khoa học, quả
đất hình thành cách đây 4 tỷ 600 triệu năm, động vật có vú xuất hiện
700 triệu năm, người vượn cách đây 2,5 - 5 triệu năm, nền văn minh độ
5-7 nghìn năm trước CN. Con người tồn tại được do nhiều yếu tố, nhưng
phụ thuộc chính vào mặt trời. Tuổi thọ mặt trời từ 10 đến 15 tỷ năm.
Mặt trời tắt, hẳn sự sống trên trái đất sẽ không còn.
Theo tin Internet (Tú Anh), giáo sư Úc Frank Fenner, nhân loại sẽ
lụi tàn trong 100 năm tới vì dân số quá đông (chiến tranh lương thực)
và bầu khí quyển bị hâm nóng (do môi trường bị phá hoại). Lời tiên tri
bi quan này dù không được sức thuyết phục, nhưng cũng đáng để ta suy
nghĩ
Hữu Ngọc (Sức khỏe&Đời sống)