Lời giới thiệu của người dịch : Dưới
đây là bài báo của ông Frédéric Lenoir đăng trên tạp chí L’Express của
Pháp ngày 24.10.1996. Một bài báo khá xưa, tuy nhiên giá trị vẫn
nguyên vẹn qua thời gian. Là một triết gia trẻ, sinh năm 1962, ông
Frédéric Lenoir cũng là một nhà xã hội học và chuyên gia về tôn giáo,
chủ bút tập san Le Monde des Religions thuộc tổ hợp báo chí Le Monde,
một tổ hợp báo chí lâu đời và uy tín của nước Pháp. Luận án tiến sĩ của
ông về đề tài Phật giáo tại Pháp và Âu châu, đã được nhà xuất bản
Fayard ấn hành năm 1999 thành hai tập sách tổng cộng gần 900 trang.
Ngoài ra ông cũng đã xuất bản khoảng 30 quyển sách khác về nhiều chủ đề
tôn giáo. Bài báo dưới đây của ông gồm ba phần :
- Phần 1 : Phật giáo và triết học phương Tây, do triết gia Michel Hulin viết
- Phần 2 : Phật giáo và phân tâm học, do bác sĩ Claude Zandman viết
-
Phần 3 : Bài phỏng vấn một khoa học gia về thần kinh học rất nổi tiếng
là Francisco Verala, một đệ tử yêu quý của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Bài
phỏng vấn do chính Frédéric Lenoir thực hiện.
1- MỘT NỀN TRIẾT HỌC CHO THỜI ĐẠI CHÚNG TA
Giáo sư Michel Hulin *
Có lẽ nên sớm đặt trọng tâm của triết học Phật giáo vào trung tâm
bối cảnh hết sức nguy kịch của nền triết học Tây phương. Từ hai thế kỷ
nay các phạm trù triết học chính yếu dùng để xây dựng cả một nền triết
học Tây phương đã bị sụp đổ tan tành. Những gì mà triết gia Kant gọi là
ba ý niệm siêu nhiên đã hoàn toàn bị nghiền nát, đó là : a) chủ thể là
một cái tôi mang tính cách thực thể ; b) thế giới là một sự sắp xếp các
hiện tượng qua thời gian và không gian ; c) Thượng đế là ý chí an bài
của tổng thể thực tại. Tự mình đã gặm mòn lấy cội rễ của chính mình cho
nên nền triết học Tây phương ngày nay đang lâm vào một tình trạng khốn
quẫn. Nền triết học Tây phương cho thấy nhiều mặc cảm và thua kém
trước tính cách xác thực của các ngành khoa học, vì thế mà nền triết
học đó phải đành giao phó mọi cố gắng tìm hiểu thế giới này trong tay
của khoa học. Nền triết học ấy một mặt hướng về một thứ chủ nghĩa hư
vô, và một mặt khác thì lại an phận với những chủ đề thật khiêm tốn chỉ
mang tính cách kỹ thuật, chẳng hạn như việc phân tích các loại ngôn
ngữ.
Đó là một trong những lý do trong số các lý do khác nữa đã góp phần
giúp cho triết học Phật giáo thu hút cả thế giới phương Tây. Thật vậy,
Phật giáo thoát khỏi mọi chỉ trích có tính cách tỉnh ngộ đại loại như
vừa kể trên đây : Phật giáo không quan niệm có một chủ thể mang tính
cách thực thể (con người luôn luôn biến đổi và trở thành), Phật giáo tự
đặt mình vào kích thước vô tận của thời gian và không gian ; Phật giáo
hiện hữu không cần đến một vị Trời sáng tạo. Hơn nữa, Phật giáo không
hề có tham vọng mang lại những giải thích toàn bộ về tổng thể của thế
giới này. Trên một phương diện nào đó, Phật giáo đã giúp đặt trở lại
câu hỏi triết học liên quan trực tiếp đến khả năng hiểu biết và sự giác
ngộ, đấy là các vấn đề mà nền triết học Tây phương phải bó tay ».
*Giáo sư Michel Hulin, sinh năm 1936, hiện nay là một triết gia và
giáo sư chuyên về triết học Ấn độ, ông giảng dạy tại đại học Sorbonne
Paris. Tuy nhiên trước kia ông cũng từng là một thạc sĩ vật lý học,
nghiên cứu về vật lý thể rắn, hóa học lý thuyết, toán học v.v. tham gia
với nhiều khoa học gia nghiên cứu nhiều lãnh vực và chủ đề khoa học
khác nhau. Ông cũng từng làm giám đốc Bảo tàng viện các khám phá khoa
học (Palais de la Découverte) suốt trong năm năm. Ông xuất thân từ các
trường nổi tiếng nhất của Pháp như Charlemagne, Ecole Normale
Supérieur... (Hoang Phong ghi chú)
2- ĐỨC PHẬT MANG NHIỀU HOÀI BẢO HƠN CẢ FREUD – Claude Zandman*
Nhất định điểm tương đồng giữa phân tâm học và Phật giáo trước hết
phải là khía cạnh tâm lý học và tính cách thực dụng của Phật giáo xem
con người là một sinh linh đang gánh chịu khổ đau. Thật rõ ràng Đức Phật
là một vị thầy thuốc chữa chạy cho con người, giống như Freud. Tuy
nhiên những dự kiến của họ không giống nhau : Freud nhắm vào việc làm
giảm bớt khổ đau cho con người, giải thoát con người khỏi những chứng
bệnh bấn loạn thần kinh, nhưng không đề cập gì đến những nỗi lo sợ của
sự sinh tồn. Đức Phật mang những kỳ vọng lớn lao hơn thế rất nhiều :
Ngài thuyết giảng con đường tự giải thoát khỏi tất cả mọi khổ đau bằng
cách buông thả. Nhà phân tâm học tìm cách thăm dò xem một cá thể đã
thiết đặt những gì dùng làm phương tiện lẫn tránh những lo sợ trong sự
sống, và từ đó sẽ áp dụng các cách tránh né hay chuyển dịch để giúp họ,
và cũng thật oái oăm chính đó cũng lại là một cách khác gây ra khổ đau.
Phật giáo thì khác hẳn, không quan tâm đến những bí quyết ngoắt ngoéo
để chữa chạy các chứng bệnh rối loạn thần kinh : Phật giáo khuyên hãy
xử dụng tức khắc việc thiền định như một phương pháp để tự vượt thoát
mọi khổ đau.
Qua sự kiện đó Phật giáo đã chứng minh cho thấy tại sao lại xảy ra
những bế tắc cho người Tây phương. Sở dĩ lâm vào bế tắc là vì người Tây
phương nghĩ rằng họ có thể tiết kiệm được khỏi cần phải khám phá thêm
một cái gì khác vừa tốn kém lại vừa quá điên đầu. Tuy nhiên những ai
thực thi theo phương pháp của Phật giáo – như một cách để tự lẫn tránh
mình và quá khứ của mình – để đi tìm một sự « sảng khoái » thì họ cũng
sẽ giống như những người tập sự trong các giáo phái ngoại lai mà thôi.
Nhất định là số người này đông lắm, bởi vì thiền định dưới hình thức ấu
trĩ trong mục đích tìm kiếm sự an bình và sáng suốt là một thứ gì vô
cùng hấp dẫn, dù cho các vị thầy đích thực đã từng giảng rằng thiền định
phải là một cách mở cửa để hướng vào nội tâm. Mở cửa vào nội tâm đòi
hỏi chính mình phải loại bỏ tất cả những xúc cảm cực mạnh lưu lại những
vết hằn thật sâu và đã bị đè nén từ những ngày đầu trong cuộc sống của
chính mình. Phương pháp thực thi thiền dịnh đó đòi hỏi thật nhiều can
đảm và phải ý thức được cái giá phải trả. Phương pháp ấy đôi khi tỏ ra
khá khó cho những người Tây phương, vì trước đây họ chưa hề nghĩ đến
việc tự điều trị những bấn loạn thần kinh cơ bản cho chính mình. Dù sao
đi nữa, nếu tìm cách tránh né những khó khăn đó thì đấy chỉ là cách thu
hẹp giáo lý của Phật giáo và đơn giản biến giáo lý ấy thành một sự
quyến rũ tâm thần, không hơn không kém ».
* Jean-Claude Zandman là một bác sĩ tâm thần và phân tâm học, hiện có
phòng mạch tại vùng Haute Savoie (Pháp), ông tu tập thiền định được
khoảng 10 năm trước khi trả lời những câu hỏi trên đây của ông Frédéric
Lenoir.
3- KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO :
MỘT SỰ KẾT HỢP THÀNH CÔNG MỸ MÃN
Bài phỏng vấn ông Francisco Varela *
Tạp chí L’Express: Einstein đã từng bảo rằng Phật giáo là
tôn giáo duy nhất phù hợp với nền khoa học tân tiến. Ông có chia sẻ
quan điểm đó hay không ?
- Nhất định là có. Từ mười năm nay, cùng chung với các nhà khoa học
khác trên thế giới tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, chúng
tôi chưa hề vấp phải bất cứ một khó khăn nhỏ nhoi nào trên phương diện
phương pháp học, vì chính Phật giáo đã sử dụng một phương pháp tiếp
cận hết sức thực tế, dựa vào sự quan sát và thực nghiệm trong cuộc
sống. Hơn nữa, khoa học và Phật giáo cả hai đều có một địa bàn hoạt
động giống nhau, xoay quanh các khái niệm liên quan đến quy luật tương
liên (lý duyên khởi) và hiện tượng vô thường. Bất cứ một hiện tượng nào
cũng đều được xem như là một nút thắt trong hệ thống của nguyên nhân
hậu quả, vì thế một hiện tượng không thể nào tự nó mang một thực thể
riêng biệt được. Sự quán thấy ấy đi ngược lại với tất cả các tôn giáo
lớn khác mang tính cách « thần khải » xác định có sự hiện hữu của một
thực thể bất biến (Trời, linh hồn) thoát khỏi quy luật nhân duyên.
- Trong lãnh vực nào sự so sánh giữa khoa học và Phật giáo tỏ ra nổi bật nhất ?
- Phật giáo quan tâm trước hết đến sự hiện hữu của con người. Vì thế
phải đi tìm sự tương đồng trong các ngành khoa học liên quan đến sự
quan sát thân xác và tâm thức của con người. Đặc biệt nhất là các ngành
thần kinh học và khoa nhận thức học, có nghĩa là các ngành nghiên cứu
khoa học hiện đại liên quan đến các hiện tượng tâm thần (sự nhận biết,
trí nhớ, các giấc mơ, xúc cảm, v.v...), các ngành khoa học này hiện nay
đang trên đà phát triển. Người Tây phương đạt được nhiều thành quả đáng
kể trong lãnh vực nghiên cứu về quy luật nguyên nhân và hậu quả đối
với các hiện tượng thiên nhiên, tuy nhiên các vị thầy Phật giáo còn tỏ
ra tài giỏi hơn họ rất nhiều, nhất là trong lãnh vực những hiện tượng
tâm thần. Các người tu tập thiền định đạt được các cấp bậc cao là những
chuyên gia hiểu biết thấu đáo các sinh hoạt của tâm thức con người.
Trong lãnh vực chính xác này, Phật giáo đặc biệt quan tâm đến những
thành quả do nền khoa học hiện đại đã thực hiện được.
- Người Tây phương có thể rút tỉa được những ứng dụng nào ?
- Có hai khía cạnh khác nhau. Trước hết là cách luyện tập theo các kỹ
thuật của Phật giáo sẽ góp phần tích cực cho việc kháo cứu (chẳng hạn
như làm giảm xuống một cách đáng kể tỷ lệ dị dạng của của các thể dạng
tâm thần được đem ra nghiên cứu) và từ đó có thể đưa ra các quy luật
liên quan đến sự vận hành của tâm thức. Tuy nhiên còn rất nhiều ứng dụng
khác nữa. Chẳng hạn một trong những khó khăn chính yếu của những người
đảm trách việc giáo dục là tập cho trẻ em học hành, tức là tập cho các
em biết chăm chú. Chính Phật giáo đã hoàn chỉnh nhiều phương pháp cụ
thể giúp trau dồi sự tỉnh thức. Các kỹ thuật này cũng trợ giúp một cách
rất hiệu quả những người bị một số bệnh tật nào đó, chẳng hạn như cảm
thấy đau nhức kinh niên. Tây phương đã tỏ ra bất lực trong việc tìm
hiểu và khắc phục một số các hiện tượng tâm thần và xúc cảm, vì lý do
là Tây phương chỉ biết quan tâm tìm hiểu và khắc phục những hiện tượng
bên ngoài con người. Trái lại, Phật giáo là một khoa học đích thực của
nội tâm.
* Francesco Verala (1946-2001) : người gốc Chili, tốt nghiệp tiến sĩ
tại trường Đại học Harward. Ông từng giữ chức vị giám đốc khảo cứu
thuộc Trung Tâm Quốc gia Khoa học (CNRS) của Pháp và là người đầu đàn
của nhóm khoa học gia nghiên cứu về Tâm lý sinh học về các chức năng
nhận thức (Psychophysiologie cognitive) tại bệnh viện Pitié-Salpêtrière
(Paris). Ông cũng từng tham gia chương trình nghiên cứu về Khoa nhận
thực luận (Epistémologie) của trường Bách khoa Paris (Ecole
Polythecnique). Ông cũng từng là một thành viên rất tích cực trong hội
Tâm Linh và Sự Sống (Mind and Life) thường xuyên họp với Đức Đạt-Lai
Lạt-Ma và các khoa học gia nổi tiếng khác trên thế giới để tham gia vào
các lãnh vực nghiên cứu kết hợp giữa khoa học và Phật giáo.
Ông là một trong những đệ tử yêu quý của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma. Vào
tháng 5 năm 2001, bất thần ông lâm bệnh nặng, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma hay tin
liền cho thu băng vidéo những lời giảng và lời khuyên của Ngài để gởi
cấp tốc sang Paris cho Francisco Verala xem và nghe trước khi nhắm mắt.
Francisco Verala để lại một gia tài khảo cứu rất quan trọng và rất
nhiều trước tác về khoa học, trong số này có hai tập sách viết về Khoa
học nhận thức và Phật giáo và một số sách viết chung với Đức Đạt-Lai
Lạt-Ma về Khoa học tâm linh, v.v...