Chết Có Thật Đáng Sợ Không
Cái chết tự nó không khủng khiếp và khiếp sợ hay
kinh hãi chỉ do tâm trí của chúng ta tưởng tượng mà ra. Chúng ta thường không
đủ can đảm để đối đầu với ý tưởng về cái chết. Với những kẻ không dám đối đầu
với thực tế, khổ đau thật sự khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Nhưng nếu
chúng ta biết đương đầu với sự thật, nó sẽ làm dịu bớt hay loại trừ cái khủng
khiếp của sự sợ hãi. Đời sống ví như một viên đạn lao tới mục tiêu, tức là cái
chết. Hiểu như vậy, chúng ta phải can đảm trực diện với hiện tượng tự nhiên
này. Muốn được tự do trong đời sống, chúng ta phải không sợ chết. Sợ hãi chỉ
đến với những kẻ không hiểu quy luật thiên nhiên. "Dù ở đâu đi nữa, nếu có
phát xuất, thì sợ hãi chỉ phát xuất nơi người mất trí điên khùng và không bao
giờ phát xuất nơi người khôn ngoan". Đó là lời Đức Phật dạy trong Kinh
Anguttara Nikaya. Sợ hãi chỉ là trạng thái của tâm thần. Khoa học cho ta thấy
quá trình của một cái chết ra sao? Cái chết chỉ là sự hao mòn sinh lý của cơ
thể con người.
Chết Có Thật Đáng Sợ
Không?
Thích Tâm Quang dịch
MỤC LỤC
Lời Giới Thiệu
Lời Người Dịch
Tiểu Sử Tác Giả
Phần 1
Chết Có Thật Đáng Sợ Không?
Sợ Chết
Bệnh Và Chết
Danh Thơm Còn Mãi
Triết Lý Đạo Phật
Nguyên Nhân Của Khổ Đau
Ai Cũng Phải Chết
Năm Uẩn.
Tái Sanh.
Nguyên Nhân Cái Chết
Đương Đầu với Biến Cố
Chết Không Tránh Được
Bổn Phận và Trách Nhiệm
Ái Dục và Vô Minh
Suy Gẫm về Cái Chết
Chết Là Một Phần Của Đời Sống.
Sống Có Ý Thức
Chết Xứng Đáng.
Chết Nhẹ Nhàng
Ngày Hôm Nay Tôi Chết
Phần 2
Người Phật tử Nên Làm Gì?
Bổn Phận Cha Mẹ
Khóa Lễ Cầu Phước Cho Các Em
Tại Sao Nương Tựa Nơi Phật
Giáo Dục Và Văn Hóa Người Phật tử
Hôn Nhân.
Nghi Thức Tôn Giáo.
Những Điều Cấm Kỵ
Bùa Chú Và Ma Thuật
Hình Ảnh, Nước Thánh, Xâu Chuỗi.
Ốm Đau.
Chết
Trước Tang Lễ
Tang Lễ
Chôn Và Hỏa Táng
Lưu Giữ Tro Cốt
Thời Gian Để Tang.
Nghi Thức Sau Tang Lễ.
Bố Thí Cúng Dường.
Kết Luận
Lời Giới Thiệu
Nếu quý vị vượt qua sự sợ hãi thì có thể vượt qua
tất cả. Nếu quý vị không sợ chết thì sẽ đối diện với cái chết một cách bình
tĩnh. Cuốn sách: "Chết Có Thật Đáng Sợ Không?" của Hòa-Thượng Tiến-Sĩ
K. Sri Dhammananda do Thầy Thích Tâm Quang chuyển ngữ với lời văn trong sáng,
nhẹ nhàng, giản dị, dễ hiểu và thu hút người đọc từ trang đầu đến trang cuối,
sẽ đem lại cho quý độc giả những điều cần biết khi từ giã cõi đời này.
Quyển sách nhỏ này sẽ dẫn dắt người đọc đi một hành
trình thật xa từ sự sống để chuẩn bị cho sự chết nhẹ nhàng, bình tĩnh không
than van không khóc lóc. Chúng ta đến cuộc đời này một cách hồn nhiên thì chúng
ta ra đi một cách bình thản. Người ỏ lại cũng phải đối diện với sự thật của
cuộc đời rồi cũng sẽ lần lượt tới phiên mình. Biết về sự chết không phải để bi
quan, nhưng để chúng ta làm điều thiện, tránh điều ác bởi vì sau khi chết chúng
ta chỉ mang theo hành vi thiện ác mà chúng ta đã làm.
Chết không phải là hết mà chỉ là sự thay đổi; vậy
thì tại sao chúng ta lại sợ chết? Chắc chắn quyển sách này sẽ đem lại cho quý
độc giả một chút suy tư. Thần chết không từ chối một ai, không phân biệt tuổi
tác, nam hay nữ, vậy thì tại sao chúng ta không chuẩn bị cuộc hành trình ra đi
vĩnh viễn ngay từ bây giờ?
Đọc "Chết Có Thật Đáng Sợ Không?" và
chuyển quyển sách này đến những người thân của chúng ta để cùng đọc, để cùng có
thái độ bình thản lúc ra đi không sợ hãi, không lo âu, và người ỏ lại không đau
đớn vì chết là sự hiển nhiên không ai tránh khỏi.
Chúng tôi chân thành cầu nguyện Chư Phật Mười
Phương gia hộ cho Thầy Thích Tâm Quang mọi điều tốt đẹp, sức khỏe đầy đủ để
tiếp tục sứ mạng hoằng pháp lợi sanh và hy vọng cuốn sách nhỏ này sẽ được hưởng
ứng nồng nhiệt của các Phật tử khắp nơi trên thế giới.
Mùa Xuân Năm Đinh Sửu 1997.
KIỀU MỸ DUYÊN
Lời Người Dịch
Cái chết có thật đáng sợ không? Thông thường con
người chúng ta, ai cũng sợ chết. Nhưng thực ra cái chết không đáng sợ như chúng
ta tưởng. Cuốn sách nhỏ này do Hòa Thượng Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda là một
cuốn sách có giá trị, đáp ứng được những câu hỏi như chết đi về đâu và chết rồi
đã hết khổ chưa, muốn tránh khỏi sợ hãi cái chết chúng ta phải làm gì vân
vân...
Ngoài phần nói về cái chết, phần hai của cuốn sách
này Hòa Thượng Tiến Sĩ K Sri Dhammanda hướng dẫn người Phật tử chúng ta phải
làm gì trong những trường hợp vui như sanh con, cưới hỏi và những trường hợp
buồn như đau yếu và tang lễ. Vì người Phật tử chúng ta còn cố chấp, còn giữ nhiều
những tập tục truyền thống trái với giáo lý của Đức Phật và làm các tôn giáo
khác hiểu lầm nên những nhận xét cùng những phương pháp rất thực tiễn và cần
thiết nêu lên tại đây giúp chúng ta củng cố nền móng của Phật giáo và tránh
được sự ngộ nhận.
Nhận thấy cuốn sách mang nhiều lợi ích thiết thực,
tuy tự biết khả năng yếu kém, nhưng với tấm lòng nhiệt thành, chúng tôi cố gắng
dịch ra Việt Ngữ, hy vọng đóng góp một phần nhỏ nhoi trong kho tàng Văn Hóa
Phật giáo Việt Nam.
Chúng tôi xin chân thành cảm tạ Chư Tôn Đức đã
khích lệ, góp nhiều ý kiến bổ ích. Đặc biệt các Đạo Hữu đã góp phần công đức
trong việc ấn hành dịch phẩm này.
Chúng tôi xin hồi hướng công đức hoằng pháp này lên
ngôi Tam Bảo và cầu nguyện Hồng Ân Tam Bảo thùy từ gia hộ Quý Vị cùng Bửu Quyến
thân tâm thường an lạc và hạnh phúc.
Sau cùng chúng tôi kính mong Chư Tôn Thiền Đức, các
bậc thức giả cao minh, các bậc thiện trí thức, các bạn đạo ân nhân hoan hỉ bổ
chính những sai lầm thiếu sót để cuốn sách được hoàn chỉnh hơn trong kỳ tái
bản.
Ngày 09 Tháng 03 Năm 1997.
Tỳ kheo THÍCH TÂM QUANG
Tiểu Sử Đại Lão Hòa
Thượng Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda Maha Nayaka Thera (1919
Đại Lão Hòa-Thượng Tiến sĩ K. Sri Dhammananda,
Trưởng Lão Tăng Già Mã Lai Á, phục vụ Phật giáo Mã Lai trên 42 năm trong các chức
vụ như một vị lãnh đạo tinh thần, một học giả, một cố vấn và một thiện hữu.
Ngài sanh ngày 18 Tháng 03 Năm 1919 tại làng Kirinde, Tỉnh Matara phía nam Sri
Lanka (Tích Lan).
Ngài khởi đầu việc học hành theo nền giáo dục thế
tục khi Ngài được 7 tuổi và tuy còn nhỏ Ngài đã phát triển mối quan tâm đặc
biệt đến Phật giáo. Được sự giúp đỡ của một người cậu là Sư Trưởng tại ngôi
chùa địa phương và người mẹ tận tâm của Ngài, Ngài thọ Sa Di giới vào năm 12
tuổi. Ngài được đặt pháp danh là "Dhammananda" có nghĩa là
"Người chứng nghiệm hạnh phúc qua Phật Pháp".
Sau mười năm tu học chuyên về giáo lý Đức Phật, năm
26 tuổi Ngài tốt nghiệp văn bằng Ngôn Ngữ Học, Triết Lý, và Quy Tắc Pali Viện
Đại Học Vidyalankara Pirivena. Ngài tốt nghiệp Cao Học Triết Lý Ấn Độ năm 1949
tại Viện Đại Học Beneres (Ba-Lã-Nại). Sau khi phục vụ 3 năm tại Sri Lanka, Ngài
được tuyển chọn đi hoằng Pháp tại Mã Lai.
Vào các thập niên 50 và 60, Phật giáo bị giới trí
thức Trung Hoa tại Mã Lai coi rẻ và nghĩ rằng Đạo Phật chỉ là mê tín dị đoan. Qua
Hội Truyền Bá Giáo Lý Phật Đà, Ngài đã phát hành các tài liệu, các loại sách về
mọi phương diện của Phật giáo và kết quả một số đông đã nhận thức được giáo lý
chân chính của Đức Phật. Ngài đã phát hành các cuốn sách rất phổ thông như
" Người Phật tử Tin Gì", "Làm Thế Nào Để Sống Khỏi Sợ Hãi và Lo
Lắng", "Hạnh Phúc Lứa Đôi", "Nhân Loại Tiến Về Đâu" và
"Thiền Định-Con Đường Duy nhất".
Tuy không phải là một nhà truyền giáo hùng biện,
nhưng Ngài đã thành công cảm hóa tư tưởng của cả giới thanh niên lẫn trí thức
với một lối trình bầy Giáo Pháp của Đức Phật một cách rõ ràng, đơn giản và khoa
học. Ngài nhận được các Văn Bằng Tiến Sĩ Danh Dự của nhiều Đại Học trên thế
giới và cũng được ân thưởng Tước Vị Johan Setia Mahkota bởi Hoàng Đế Mã Lai.
Ngài cũng có, như Đức Phật mô tả, Bẩy Đức hạnh cao quý của một Đại nhân trong
Kinh Sakha Sutta (A. N. 4:31): Ngài là người đáng yêu, đáng kính trọng, học
thức, là một cố vấn, một người nhẫn nại chịu nghe, thâm trầm trong đàm luận, và
không bao giờ cổ xúy một cách vô căn cứ.
BENNY LIOW WOON KHIN
PHẦN I
MẠNG SỐNG MONG MANH - CÁI CHẾT
LÀ ĐIỀU CHẮC CHẮN
Đó là câu châm ngôn nổi tiếng trong Đạo Phật. Biết
rõ cái chết là điều chắc chắn và là một hiện tượng tự nhiên mà mọi người phải
đương đầu, chúng ta không nên sợ chết. Theo bản năng, tất cả chúng ta đều sợ
chết vì chúng ta không biết làm sao để tránh khỏi nó. Chúng ta thích bám víu
vào đời sống, vào thân xác của chúng ta, vì vậy trở nên đầy tham dục và luyến
ái.
Một đứa nhỏ ra đời đem niềm vui và hạnh phúc cho
những người thân yêu. Dù người mẹ đau đớn cùng cực lúc sanh nhưng vẫn vui mừng
và thích thú ngắm nhìn đứa con mới sanh. Người mẹ cảm thấy được đền bù xứng
đáng sau nhiều khó khăn đau đớn phải chịu đựng. Tuy nhiên đứa trẻ lọt lòng ra
đã khóc hình như nó muốn nói ra nó cũng phải chịu đau khổ của kiếp người. Đứa
trẻ trở thành một thiếu niên rồi trưởng thành, tạo các loại hành vi tốt và xấu.
Rồi nó trở nên già nua, và cuối cùng từ giã cõi đời này, bỏ lại bạn bè và thân
quyến đau buồn: Đó là bản chất cuộc sống của một con người. Con người cố gắng
tránh khỏi nanh vuốt của tử thần nhưng không một ai có thể thoát khỏi. Đến lúc
gần chết, đầu óc liên tưởng đến của cải tích lũy, và lo sợ quá đáng về những
đứa con thân yêu của mình. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, con
người lo lắng quá sức về thân xác quý báu của mình; mặc dù với sự chăm sóc chu
đáo và cẩn trọng nhưng nay đã suy nhược, kiệt quệ và tan rã. Thật đau đớn khi
phải xa lìa thân xác. Không thể chịu đựng được thế nhưng không tránh nổi. Đó là
tâm trạng của mọi người khi từ giã cõi đời này với than van rền rĩ. Sự đau đớn
về cái chết thật là khủng khiếp, đó là thái độ của kẻ do ngu muội mà ra.
SỢ CHẾT
Con người lo âu không phải vì ngoại cảnh mà vì hy
vọng và tưởng tượng về đời sống tương lai của mình. Cái chết, chẳng hạn, tự nó
không khủng khiếp và khiếp sợ hay kinh hãi chỉ do tâm trí của chúng ta tưởng
tượng mà ra. Chúng ta thường không đủ can đảm để đối đầu với ý tưởng về cái
chết. Với những kẻ không dám đối đầu với thực tế, khổ đau thật sự khủng khiếp
và không thể chấp nhận được. Nhưng nếu chúng ta biết đương đầu với sự thật, nó
sẽ làm dịu bớt hay loại trừ cái khủng khiếp của sự sợ hãi. Đời sống ví như một
viên đạn lao tới mục tiêu, tức là cái chết. Hiểu như vậy, chúng ta phải can đảm
trực diện với hiện tượng tự nhiên này. Muốn được tự do trong đời sống, chúng ta
phải không sợ chết. Sợ hãi chỉ đến với những kẻ không hiểu quy luật thiên
nhiên. "Dù ở đâu đi nữa, nếu có phát xuất, thì sợ hãi chỉ phát xuất nơi
người mất trí điên khùng và không bao giờ phát xuất nơi người khôn ngoan".
Đó là lời Đức Phật dạy trong Kinh Anguttara Nikaya. Sợ hãi chỉ là trạng thái
của tâm thần. Khoa học cho ta thấy quá trình của một cái chết ra sao? Cái chết
chỉ là sự hao mòn sinh lý của cơ thể con người. Chúng ta đừng sợ hãi và tưởng
tượng hay tiên đoán về những sự khủng khiếp không bao giờ đến để tìm cách chống
lại. Một thầy thuốc nổi tiếng, Sir William Osler nói như sau: "Theo kinh
nghiệm hành nghề của tôi, tôi thấy hầu hết những người chết không đau đớn và sợ
hãi".
Một nữ y tá lão thành nói: "Hình như thảm kịch
lớn nhất đối với tôi là mọi người suốt đời bị nỗi sợ chết ám ảnh. Khi chết đến,
ta thấy rằng nó cũng tự nhiên như bản chất cuộc sống. Rất ít người sợ chết khi
đã sống trọn cuộc đời. Theo kinh nghiệm của tôi, tôi chỉ thấy có một người có vẻ
sợ hãi - một phụ nữ đã làm một điều dữ cho người chị nay đã quá trễ để hối
cải".
"Một điều lạ lùng và đẹp đẽ sẽ đến với dù là
đàn ông hay đàn bà khi họ đã sống trọn đời. Tất cả sợ hãi, khiếp đảm đều biến
mất. Tôi thường ngắm thấy tia sáng bình minh hạnh phúc trong ánh mắt của họ khi
họ nhận thức điều đó đúng. Đó là tất cả ơn huệ của Tạo Hóa".
Vì tham sống nên sự sợ chết được hình thành một
cách thiếu tự nhiên. Nó tạo sự lo âu trong đời sống. Vì vậy, con người sẽ không
bao giờ dám mạo hiểm làm điều gì cho dù đó là lẽ phải. Họ sống trong sợ hãi, lo
lắng về bệnh tật và các tai nạn có thể sẩy ra cướp mất mạng sống quý giá của
mình. Nhận thức chết là điều không tránh nổi, kẻ yêu đời sống trần thế sẽ đắm
trong nhiệt thành cầu nguyện với niềm hy vọng linh hồn sẽ được lên thiên đàng.
Không một ai có hạnh phúc giữa cơn lốc của sợ hãi và hy vọng như vậy. Đúng thật
khó có thể coi thường hay không lưu ý đến những bộc phát tự nhiên của bản năng
để tự bảo vệ. Tuy nhiên có một phương pháp để vượt qua sự sợ hãi. Hãy quên đi
quan niệm về cái “tôi”; hãy đem tình thương vị kỷ hướng ra ngoài có nghĩa là
làm lợi ích cho nhân loại và tỏ tình thương với người khác. Bất cứ ai không
quên sự thật rằng một ngày nào đó mình sẽ chết và cái chết không thể tránh
khỏi, sẽ hăng hái chu toàn nhiệm vụ với đồng loại trước khi chết, làm được như
vậy thì bây giờ cũng như mai hậu mọi người chắc chắn sẽ chiêm ngưỡng kính phục.
Say mê phục vụ người khác, chẳng bao lâu chính bạn sẽ thoát khỏi cái tự kỷ
luyến ái nặng nề, mơ ước, kiêu căng, tự phụ, và tự tôn.
BỆNH VÀ CHẾT
Bệnh và chết là việc sẩy ra tự nhiên trong đời sống
của chúng ta, và chúng ta phải chấp nhận điều đó với sự hiểu biết. Theo thuyết
tâm lý hiện đại, nguyên nhân căng thẳng tinh thần là do việc không dám đương
đầu và chấp nhận sự thực ở đời. Nếu không vượt qua hay khắc phục được sự căng
thẳng đó sẽ gây nên bệnh tật. Trong khi bệnh hoạn mà quá lo lắng hay thất vọng
chỉ làm cho bệnh tăng lên. Đối với những người có tâm hồn và hành động trong
sạch, chết chẳng có gì đáng sợ. Mạng sống của chúng ta gồm có tâm trí và thể
xác hợp thành và vì vậy tâm trí và thể xác không chết riêng. Nghiệp báo do
những hành động xấu của chúng ta đã gây nên trong đời trước theo chúng ta vào
lúc tái sanh khiến chúng ta phải chịu những khổ đau trong đời này. Những khổ
đau đó có thể tránh khỏi nếu chúng ta cố gắng tạo công đức, sống một cuộc đời
đạo hạnh, và có những hành động tốt bất cứ ở đâu hay bất cứ lúc nào. Làm như
vậy, chúng ta có thể đương đầu với cái chết một cách can đảm và thực tế. Theo
lời Phật dạy, chúng ta không nên tin tưởng vào một vị "cứu tinh" nào
có thể lãnh gánh nặng, và cứu vớt chúng ta khỏi hậu quả do những hành động sai
lầm của chúng ta. Chúng ta luôn luôn nhớ tới lời khuyên của Đức Phật: "Hãy
tin vào mình để tự cứu, hãy gắng sức và chuyên cần”. Người Phật tử không sầu
thảm và bi thương trước cái chết của thân nhân và bạn bè. Không có cái gì có
thể ngăn cản được bánh xe nhân quả. Khi một người chết, nghiệp do họ tạo nên sẽ
theo họ đến cuộc đời mới. Kẻ quen, người thân, bạn bè và thân quyến chỉ có thể
tiễn đưa người chết đến huyệt mà thôi trong khi người chết mang theo những hành
động tốt hay xấu của mình. Những người còn sống nên chịu đựng sự mất mát trong
bình tĩnh và hiểu biết. Chết là một tiến trình không thể tránh khỏi ở thế gian
này. Đó là một điều chắc chắn trong vũ trụ này. Cánh rừng có thể trở thành đô
thị và đô thị có thể trở thành bãi cát. Núi có thể biến thành hồ. Sự biến dạng
có thể xảy ra ở khắp nơi duy chỉ có cái chết là điều không đổi. Tất cả mọi thứ
chỉ là tạm bợ. Chúng ta có cha ông, và cha ông của chúng ta cũng có cha ông,
nhưng bây giờ họ ở đâu? Tất cả đều đã quá vãng.
Đừng nghe kẻ ngụy biện cho rằng chúng tôi đang
trình bày một quan niệm yếm thế bi quan. Đó là quan điểm thực tế nhất của chủ
nghĩa hiện thực. Tại sao chúng ta lại không thực tế mà mù quáng trước những sự
kiện thực tế đó? Có phải cái chết thiêu đốt mọi thứ? Đúng vậy! Nhưng đừng quên
điều này: Cái chết khiến mọi người hiểu rõ số phận của mình là dù cao sang đến
đâu, hay kỹ thuật và y khoa tiến bộ đến đâu đi chăng nữa cái chết vẫn như nhau:
Hoặc ở trong quan tài hay trở thành một nắm tro tàn. Sống và chết là một quá
trình liên tục cho đến khi chúng ta trở nên toàn hảo.
DANH THƠM CÒN MÃI
Đức Phật dạy: "Thân xác của con người tuy
thành tro bụi nhưng danh tiếng của họ vẫn còn". Ảnh hưởng của kiếp trước
đôi khi rất sâu và mạnh hơn ảnh hưởng của thân xác đang sống với một số khả
năng hạn hẹp. Đôi khi chúng ta cảm nghĩ và hành động theo tư tưởng của những
người mà xác thân đã thành tro bụi. Tư tưởng đó rất quan trọng trong mỗi hành
động của chúng ta. Mỗi người sống là một phần thân xác của tổ tiên đã khuất.
Trong ý nghĩ này, chúng ta có thể cho rằng những bậc anh hùng thời đại, những
triết gia vĩ đại, các hiền triết, những thi nhân và nhạc sĩ của mỗi dân tộc
đang sống với chúng ta. Vì chúng ta liên hệ đến những liệt sĩ và những nhà tư
tuởng trong quá khứ, chúng ta có thể chia sẻ những tư tưởng khôn ngoan, những
lý tưởng cao quý, và cả đến âm nhạc bất diệt qua nhiều thời đại. Dù rằng thân
xác đã chết, nhưng ảnh hưởng của họ vẫn còn. Xác thân chẳng là gì cả, nó chỉ là
sự tổng hợp trừu tượng, một hỗn hợp luôn luôn thay đổi của các thành phần hóa
học Con người phải hiểu rằng đời sống của mình như một giọt nước trong một con
sông đang chảy và nên vui vẻ đóng góp một phần của mình cho dòng sông cuộc
sống.
Không hiểu rõ bản chất của đời sống, con người sẽ
bị chìm đắm trong vũng bùn ngu muội của thế gian và rên rỉ khóc than. Nhưng khi
hiểu được thực chất của mình, con người sẽ từ bỏ tất cả những cái tạm bợ và tìm
trạng thái Vĩnh Cửu. Trước khi đến trạng thái Vĩnh Cửu, con ngưòi phải đương
đầu với cái chết này đến cái chết khác. Vì cái chết không nghĩa lý gì, con
người không nên ngăn chặn sự tiếp diễn không ngừng cái vòng sanh tử.
Theo Đạo Phật, không có kiếp sống đầu và kiếp sống
cuối cùng của chúng ta trên thế gian này. Nếu bạn làm điều thiện với lòng tin
tưởng, bạn sẽ có một kiếp sau tốt đẹp hơn. Mặt khác, nếu bạn cảm thấy bạn không
muốn tái sanh mãi mãi, và muốn đi đến cứu cánh đó, bạn phải cố gắng phát triển
tâm trí, loại bỏ mọi tham dục và tinh thần ô trược.
TRIẾT LÝ ĐẠO PHẬT
Một vị Thánh cao thượng đã đạt đến mức toàn hảo
không khóc than khi những người thân và những người gần gũi qua đời vì Ngài đã
hoàn toàn quét sạch hết mọi cảm xúc. Ngài A Na Luật, một vị A La Hán, không
khóc than khi Đức Phật qua đời. Tuy nhiên Ngài A Nan lúc đó chỉ là một Tu Đà
Hoàn mới đạt được quả vị thứ nhất trong các bậc Thánh, đã không kìm giữ được
khóc than. Các Tỳ kheo than khóc phải nhớ quan điểm của Đức Phật về những hoàn
cảnh có bản chất như vậy:
"Ông A Nan! Có phải Đức Phật đã dạy chúng ta
rằng những gì sanh ra, những gì tồn tại và những gì duyên hợp đều đi đến tan rã
(Thành, Trụ, Hoại, Diệt)? Đó là tính chất của duyên hợp. Khi duyên hợp xuất
hiện rồi lại mất đi - có thành thì phải có hoại - Và khi những duyên hợp đó
hết, Tịch Tịnh hiện tiền".
Những lời dạy trên đây mô tả nền móng cấu trúc của
Triết Lý Phật giáo.
NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ ĐAU
Nguyên nhân của các buồn phiền và khổ đau là do
Luyến Ái dưới mọi dạng thức. Nếu chúng ta muốn tránh khổ đau, chúng ta phải bỏ
luyến ái - không phải chỉ luyến ái người mà luyến ái của cải nữa. Đó là sự thực
căn bản, là bài học mà cái chết dạy ta. Luyến ái cung cấp cho chúng ta nhiều
thứ để thỏa mãn cảm xúc của chúng ta, và dẫn ta vào con đường trần tục. Nhưng
cuối cùng luyến ái trở thành nguyên nhân của đau khổ. Nếu không học điều này,
cái chết có thể tấn công và khủng bố chúng ta. Sự kiện này đã được Đức Phật soi
sáng rõ ràng. Ngài dạy: "Cái chết sẽ mang con người đi khỏi dù người đó cố
bám lấy con cái và của cải, giống như một trận lụt lớn cuốn sạch cả ngôi làng
đang ngủ".
Lời dạy này ngụ ý là nếu ngôi làng đó tỉnh thức và
cảnh giác thì có thể tránh khỏi sự tàn phá của lũ lụt.
AI CŨNG PHẢI CHẾT
Chúng ta hãy nghiên cứu Đức Phật giải quyết vấn đề
cho hai người, vì luyến ái mà cái chết làm cho đau khổ. Một người là Bà
Kisagatomi. Đứa con trai duy nhất của bà ta bị rắn cắn chết. Bà ta bồng đứa con
trai chết đến cầu cứu Đức Phật. Đức Phật bảo Bà hãy đem đến cho Đức Phật một
vài hạt giống cải (mù tạc) của một gia đình không có ai chết, Đức Phật sẽ chữa
cho. Nhưng Bà ta không thể tìm thấy một gia đình nào mà không có người chết.
Tất cả các gia đình mà Bà đã đến thì không nhà nào là không khóc than hay đã
khóc than về cái chết của người thân vào một lúc nào đó. Bà đã hiểu sự thực
đắng cay: cái chết rất phổ biến. Cái chết giáng xuống tất cả mọi người và không
chừa ai cả. Buồn đau là di sản đối với mọi người.
Một người khác được Đức Phật dạy là Patacara.
Trường hợp của Bà này buồn thảm hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Bà mất hai
đứa con, chồng, anh em, cha mẹ và tất cả của cải. Buồn đau đến mất trí, Bà đã
lõa lồ chạy như điên như dại trên đường phố cho đến khi gặp Đức Phật. Đức Phật
đã giúp Bà trở lại bình thường bằng cách giảng giải cho Bà nghe là cái chết là
một hiện tượng tự nhiên của tất cả mọi người.
"Con đã đau khổ nhiều lần như thế này, chứ
không phải lần này thôi, Patacara; con đã đau khổ nhiều lần trong những tiền
kiếp của con. Đã lâu, con đau khổ vì cái chết của cha, mẹ, con cái và những
người thân của con. Khi con đau khổ như vậy, nước mắt của con thật nhiều hơn
nước ở biển cả".
Cuối cùng, Patacara nhận thức được cái vô thường
của cuộc đời. Patacara và Kisagotami hiểu rõ cái khổ và cả hai đều cảm nhận
được sự đau khổ của cái chết. Bằng cách hiểu sâu xa Đế Thứ Nhất của Tứ Diệu Đế
về "khổ" thì ba Đế còn lại cũng hiểu được. Ngài nói: "Này các Tỳ
kheo, đây là khổ, nguyên nhân của khổ, đây là diệt khổ, và con đường dẫn đến
chấm dứt không?".
NĂM UẨN
Chết là sự tan rã của Uẩn. Những Uẩn này là thọ,
tưởng, hành, thức, và sắc hay vật chất. Bốn nhóm đầu thuộc về tinh thần hay
nama, họp thành đơn vị của thức. Nhóm thứ năm, rupa là vật chất hay vật lý uẩn.
Sự phối hợp của tâm vật lý đó theo quy ước được đặt cho một cá nhân, một con
người hay cái Tôi. Cho nên những cá thể hiện hữu như thế không phải là những cá
nhân nào mà là hai thành phần cấu tạo cơ bản của tinh thần và vật chất, thành
phần này là những hiện tượng hiếm. Chúng ta không coi năm uẩn là những hiện
tượng mà là một thực thể vì lẽ do cái tâm tự lừa dối của chúng ta, do ham muốn
bẩm sinh của chúng ta cho những thứ nói trên là của ta để thỏa mãn cái Ngã quan
trọng của chúng ta.
Chúng ta sẽ thấy được bộ mặt thật của sự vật nếu
chúng ta chịu nhẫn nại và có ý chí. Nếu chúng ta quay vào nội tâm và quán chiếu
bề sâu của tâm khảm, chú tâm và nhận xét một cách khách quan, không hề liên
tưởng đến bản ngã trong một thời gian như Đức Phật dạy trong kinh Sati
Patthana, chúng ta sẽ thấy năm uẩn, không phải là một thực thể mà mà một loạt
các tiến trình vật chất và tinh thần. Rồi chúng ta không còn lầm lẫn cho cái bề
ngoài là thật. Chúng ta sẽ nhìn thấy năm uẩn này phát sanh và biến đi liên tục
nhanh chóng. Chúng luôn luôn biến đổi từng phút từng giây, không bao giờ Tĩnh
mà Động, không bao giờ là Thực Thể mà luôn luôn Biến Hiện.
TÁI SANH
Bốn uẩn hay thức và ba nhóm của yếu tố tinh thần
(Thọ, Tưởng, và Hành), tạo thành Nama hay đơn vị của thức, biến chuyển không
ngừng, nổi lên rồi biến đi không cùng một khuôn mẫu vì những khuôn mẫu đó cũng
biến hóa luôn. Chúng phải lập lại ngay một nền tảng tự nhiên mới (Sắc) - một
lớp vật chất tươi tốt như trước - để hoạt động điều hòa. Nghiệp quả hành động
như một định luật, và định luật này điều khiển việc sắp xếp năm uẩn sau khi
chết. Kết quả là"tái sanh".
YẾU TỐ VÀ NĂNG LƯỢNG
Tóm lại, sự phối hợp của năm uẩn gọi là sanh và sự
hiện hữu của những uẩn đó được gọi là đời sống. Sự tan rã của chúng gọi là chết
(tử), và sự tái phối hợp của những uẩn ấy gọi là tái sanh. Tuy nhiên, một người
bình thường không dễ dàng gì hiểu được tại sao những cái gọi là uẩn đó lại có
thể tái phối hợp. Chúng ta cần hiểu rõ bản chất của các yếu tố (năm uẩn), năng
lượng tinh thần (hay sức mạnh tinh thần), định luật về nghiệp quả, và sự song
hành của năng lượng vũ trụ (Khí) rất quan trọng. Một số người cho rằng cái chết
là sự tan rã của năm uẩn và sau đó, chẳng còn gì tồn tại nữa. Có người lại cho
rằng chết có nghĩa là sự chuyển tiếp linh hồn từ một thân xác này đến một thân
xác khác; và với một số người khác nữa, chết là sự kìm giữ vĩnh viễn một linh
hồn chờ đợi ngày Xét Xử... Tuy nhiên với người Phật tử, chết chẳng là gì cả mà
chỉ là tạm chấm dứt một hiện tượng tạm thời. Chết chưa phải là một sự hủy diệt
hoàn toàn của cái được gọi là chúng sanh.
NGUYÊN NHÂN CÁI CHẾT
Theo Đạo Phật, Chết xảy ra do một trong bốn nguyên
nhân sau đây:
1. Mạng căn (hay thọ mạng) của chúng sanh mỗi loài
đã hết. Cái chết này là mạng triệt (Ayukkhaya)
2. Sức hành của Nghiệp tạo nên đời sống đã kiệt.
Cái chết này gọi là Khamma-kkhaya (Nghiệp dĩ)
3. Sự chấm dứt cùng một lúc của hai nguyên nhân
trên - Ubbayakkhaya.
4. Cuối cùng có thể do những hoàn cảnh bên ngoài
như tai nạn, biến cố bất ngờ, hiện tượng thiên nhiên, hay Nghiệp quả từ kiếp
trước không đề cập tại điều II. Cái chết này gọi là Upacchedake.
Có một sự tương đồng rất đúng để giải nghĩa bốn
trường hợp chết trên đây: Một ngọn đèn dầu có thể tắt do một trong bốn nguyên
nhân:
1. Bấc trong ngọn đèn đã cháy hết. Điều này giống
như cái chết vì thời gian cho một kiếp đã hết.
2. Dầu đã cạn giống như Nghiệp lực đã hết.
3. Dầu và bấc đã cháy hết cùng một lúc giống như
cái chết do cả hai nguyên nhân phối hợp đề cập tại I và II.
4. Hiệu quả của các yếu tố bên ngoài như gió thổi
làm đèn tắt - giống như chết do các nguyên nhân ngoại cảnh.
Cho nên, Nghiệp quả không phải là nguyên nhân duy
nhất của cái chết. Có những nguyên nhân bên ngoài gây ra cái chết. Giáo lý của
Đức Phật minh định rõ ràng Nghiệp quả không thể giải thích tất cả những việc
xảy ra trong đời sống của chúng ta.
ĐƯƠNG ĐẦU VỚI BIẾN CỐ
Làm sao chúng ta có thể đương đầu với các điều
không tránh được này một cách tốt nhất? Nên tiên liệu và suy nghĩ là cái chết
trước sau cũng phải đến... Điều này không có nghĩa là người Phật tử quan niệm
cuộc đời là ảm đạm. Chết là một sự thực, và ta phải đương đầu - và Phật giáo là
tôn giáo của lý trí huấn luyện các đệ tử trực diện với các sự kiện, dù các sự
kiện này làm ta không hài lòng. Trưởng Giáo Nanak, vị khai sáng ra Đạo Sikh
nói: "Thế gian sợ chết, với tôi, chết đem niềm vui". Thật rõ ràng
những vĩ nhân và những người cao thượng không sợ chết và sæn sàng chấp nhận nó.
Nhiều vĩ nhân đã hy sinh mạng sống của mình để người khác được hạnh phúc. Tên
tuổi của các vị này đã được lưu truyền trên bảng vàng lịch sử thế giới cho hậu
thế.
CÁI CHẾT KHÔNG TRÁNH ĐƯỢC
Thật là một nghịch lý khi chúng ta thấy cái chết đã
cướp đi biết bao sinh mạng của nhân loại nhưng chúng ta ít khi nghĩ đến cái ý
tưởng đó là chúng ta cũngthế, trước sau cũng trở thành nạn nhân của tử thần. Vì
quá lưu luyến với cuộc đời, chúng ta không muốn mang trong lòng tư tưởng yếu
đuối, nhưng thực tế cái chết là một sự thật hiển nhiên. Chúng ta muốn chấm dứt
ý nghĩ ghê gớm đó và tự lừa dối mình rằng chết là một điều xa vời, một điều
không cần phải lo lắng. Chúng ta phải có đủ can đảm để đương đầu với biến cố
ấy. Chúng ta phải sæn sàng trực diện với sự thực trần trụi này. Chết là điều có
thật. Nếu chúng ta nhận thức được như vậy, và biết rằng cái chết không tránh
khỏi; chúng ta hãy coi nó như một sự bình thuờng chứ không phải là một biến cố
đáng sợ để khi nó đến, chúng ta sẽ đương đầu với nó một cách bình tĩnh, can đảm
và tự tin.
BỔN PHẬN VÀ TRÁCH NHIỆM
Biết rằng một ngày nào đó, cái chết sẽ cướp mạng
sống của ta, chúng ta phải bình tĩnh, can đảm và tự tin để làm tròn bổn phận và
trách nhiệm với gia đình. Chúng ta không nên chần chừ chu toàn trách nhiệm và
bổn phận của chúng ta. Những việc gì có thể làm được hôm nay, đừng để đến ngày
mai. Chúng ta không nên phí phạm thì giờ và sống một cách hữu ích. Những bổn
phận đối với vợ, chồng và con cái đứng hàng ưu tiên phải được thi hành đúng
lúc. Để tránh gây căng thẳng và khó khăn cho gia đình, chúng ta đừng chờ đợi
đến phút cuối cùng mới viết di chúc. Cái chết có thể đến với chúng ta bất cứ
lúc nào - nó không chừa ai cả và không chờ đợi. Chúng ta nên can đảm trực diện
với biến cố tối hậu này với hy vọng và tin tưởng rằng chúng ta đang chuẩn bị
cho đời sống kế tiếp.
ÁI DỤC VÀ VÔ MINH
Có thể chế ngự được cái chết không? Câu trả lời là
Có! Có chết vì có sanh. Sự tiếp diễn không ngừng của cái sanh được gọi là luân
hồi. Nếu chu trình của sự sống ngưng lại, cái chết có thể chấm dứt ngay tại
giai đoạn Vô Minh (Avijja) và Ái Dục (Tanha ) - Đó là gốc rễ của cái vòng sanh
tử cần phải tiêu diệt. Cho nên, nếu cắt được Ái Dục và Vô Minh, sanh đuợc chế
ngự, chết bị chinh phục, luân hồi siêu thoát, và Niết Bàn hiện tiền.
Chúng ta phải hiểu là mọi vật trong vũ trụ này đều
không có thật, và cuộc sống chỉ là ảo mộng. Nếu chúng ta dùng khoa học hay
triết lý để phân tách, cuối cùng chúng ta khám phá thấy không có gì cả mà chỉ
là hư không. Gandhi đã từng nói:
"Sợ chết chẳng khác gì sợ bỏ một cái áo cũ đã
rách". Vì luyến ái, chúng ta rất đau khổ khi mất người mình thương yêu.
Việc này xảy ra cho Bà Visakha, một đệ tử hết lòng trong thời Đức Phật. Khi đứa
cháu gái yêu dấu của Bà chết, Bà tìm đến Đức Phật để yêu cầu Đức Phật giải cứu
cho Bà khỏi phiền não.
"Này Visakha, ngươi có muốn có nhiều con nhiều
cháu như số trẻ trong thành phố này không? " Đức Phật hỏi Bà.
-"Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn, dĩ nhiên là con
thích".
-"Này Visakha, nếu vậy, ngươi sẽ khóc khi
chúng chết phải không? Những ai có một trăm thứ yêu dấu, những người đó có một
trăm điều phiền não. Kẻ không có thứ gì yêu dấu, kẻ đó không có phiền não.
Người như vậy mới thoát khỏi phiền não".
Khi chúng ta mang lòng luyến ái, chúng ta phải
chuẩn bị chịu đựng phiền não trong lúc chia ly.
Tham sống đôi khi làm cho người ta sợ chết. Chúng
ta không dám chấp nhận rủi ro thậm chí vì một lý tưởng chính đáng. Chúng ta sợ
hãi là bệnh tật hay tai nạn sẽ chấm dứt cuộc đời hình như quý giá của chúng ta.
Biết rằng chết là điều tất nhiên, chúng ta hy vọng và cầu nguyện cho linh hồn
được lên Trời để xác thân chúng ta được yên ổn và gìn giữ. Tin tưởng như vậy
bắt nguồn từ những tham vọng mãnh liệt, muốn có một đời sống trường cửu.
Mỗi người, mỗi cá nhân phải biết rõ vai trò của cái
chết nó định đoạt số phận của mình. Dù là hoàng tộc hay bình dân, giàu hay
nghèo, mạnh hay yếu, nơi an nghỉ cuối cùng của thân xác con người là ở trong
quan tài chôn sâu sáu tấc, hoặc trong bình đựng tro cốt, hoặc ở dưới nước.
Tất cả nhân loại phải đương đầu và chịu chung một
số phận. Vì ngu si không hiểu thực chất của đời sống, chúng ta thường rên rỉ
khóc than. Khi ta hiểu được thực chất của đời sống, chúng ta có thể nhìn thẳng
cái vô thường của tất cả mọi duyên hợp và tìm cách giải thoát. Nếu chúng ta
không thoát khỏi những trói buộc của cuộc đời, chúng ta sẽ phải đối mặt với cái
chết mãi mãi. Về phương diện này, vai trò của cái chết thật rõ ràng. Nếu người
ta không chịu nổi cái chết, thì họ phải hết sức cố gắng để vượt qua cái vòng
sanh tử, tử sanh.
SUY GẪM VỀ CÁI CHẾT
Tại sao chúng ta phải nghĩ về cái chết? Tại sao ta
phải suy gẫm nó? Đức Phật không những chỉ khuyến khích chúng ta nói về cái
chết, Ngài cũng khuyên chúng ta suy gẫm nó và nghĩ đến nó thường xuyên. Đó là
có sanh thì có chết. Tinh thần và thể xác được tạo nên trong lúc thai nghén,
phát triển, lớn lên và trưởng thành. Nói một cách khác chúng theo tiến trình
già nua. Đầu tiên, chúng ta gọi tiến trình đó là lớn lên, rồi già đi. Thật ra
đó chỉ là một tiến trình của sự lớn lên, phát triển, trưởng thành và cuối cùng là
cái chết không sao tránh được.
Ngày nay, theo thống kê trên thế giới, mỗi ngày có
hai trăm ngàn (200,000) người chết hay độ 70 triệu mỗi năm.
Chúng ta không quen suy gẫm về cái chết hoặc đả
động đến nó. Điều chúng ta thường làm là tránh nghĩ về cái chết và sống như thể
chẳng bao giờ phải chết cả. Chừng nào mà chúng ta còn sợ chết, chúng ta không
bao giờ sống một cuộc đời đầy đủ và tốt đẹp nhất. Cho nên một trong những lý do
chính yếu để suy gẫm cái chết là để chúng ta hoàn toàn tỉnh thức để khỏi sợ hãi.
Suy gẫm về cái chết không làm cho chúng ta chán nản hay không lành mạnh, mà chỉ
có mục đích giúp cho chúng ta thoát khỏi sợ hãi.
Lý do thứ hai suy gẫm về cái chết sẽ thay đổi lối
sống và thái độ của chúng ta với cuộc đời. Giá trị trong cuộc sống hoàn toàn
thay đổi một khi chúng ta không nghĩ rằng chúng ta sống mãi ở đời, chúng ta sẽ
bắt đầu một lối sống khác hẳn.
Lý do thứ ba là để có khả năng làm quen đương đầu
với cái chết một cách xác đáng và yên lành.
Suy gẫm về cái chết có ba điều lợi ích:
- bớt sợ hãi
- đem lại phẩm chất mới cho đời sống để chúng ta
sống cuộc đời có giá trị thích đáng và
- giúp chúng ta chết trong vinh dự.
Những lợi ích trên giúp chúng ta sống lương thiện
và chết có phẩm giá.
Suy gẫm về cái chết chúng ta còn cần gì nữa?
Đạo Phật khuyến khích suy gẫm về những nhân tố sau
đây:
- Tôi sống với tuổi của tôi, tôi không lo già;
- Bệnh tật là lẽ thường, tôi không quá nghĩ về nó;
- Tôi gánh chịu Nghiệp quả của tôi và tôi không
thoát khỏi Nghiệp lực;
- Chết là lẽ thường tôi không quá lo nghĩ về cái
chết và
- Tất cả những gì dễ thương và thích thú của tôi sẽ
thay đổi và bỏ tôi.
Khi chúng ta bình tâm suy gẫm về những thực trạng
ấy, và giữ trong tiềm thức, nó sẽ có tác dụng mạnh mẽ để khuất phục sợ hãi,
tuổi già, bệnh tật, cái chết, và chia ly. Điều này không phải là làm chúng ta
kém lành mạnh mà chính là giúp chúng ta thoát khỏi sợ hãi. Cho nên tại sao
chúng ta suy gẫm về cái chết? Không phải là chúng ta mong mỏi cái chết đến mà
chúng ta không muốn sống hay chết trong sự sợ hãi.
CHẾT LÀ MỘT PHẦN CỦA ĐỜI SỐNG
Chết đến với tất cả mọi người và là một phần của
cái vòng sinh tử. Người chết trẻ, kẻ chết già, chẳng ai không chết. Chẳng ai
mời chúng ta đến thế giới này, và cũng chẳng ai bảo chúng ta từ giã. Tôi không
tránh được cái chết, và mọi người, mọi cỏ cây, mọi hình thức, mọi chúng sanh
đều theo con đường đó. Thu về, lá rụng. Chúng ta không khóc vì cuối mùa lá rụng
là điều tất nhiên. Cái chết của loài người cũng thế.
Những người có đạo hạnh, ít sợ chết hơn những người
thế tục vì lẽ họ chỉ muốn sống để thỏa mãn năm giác quan của họ.
Theo quan niệm của Nhà Phật, chết chưa phải là chấm
dứt, và sanh cũng không phải là bắt đầu. Thực ra, chết chính là sự bắt đầu (một
kiếp sống mới), và sanh là sự chấm dứt (kiếp sống cũ). Cái chết chỉ là một phần
trong tiến trình sanh tử, tử sanh. Nếu chúng ta hiểu được tiến trình đó, cái
chết không làm ta khiếp sợ bởi vì chết chưa phải là hết. Nó chỉ là đoạn cuối
của cái vòng sanh tử, đi hết vòng này lại đến vòng khác, và tiếp diễn không
ngừng tỉ như lá lìa cành chưa phải là hết. Chúng vào lòng đất và nuôi rể cây,
sang năm cây lại có lá mới. Đời sống của con người cũng như vậy. Cái chết làm
nhân duyên cho sự tái sanh. Hiểu biết được nguyên tắc căn bản đó, chúng ta sẽ
nhẹ bớt sợ hãi.
SỐNG CÓ Ý THỨC
Chúng ta sống một cách điên rồ, không nghĩ rằng
mình đã tốn biết bao nhiêu thì giờ cho những việc vô bổ. Hôm nay, chúng ta phí
thì giờ lo cho những chuyện năm tới, cho 20 năm tới, và lo lắng cho tương lai
đến độ chúng ta chẳng sống trọn vẹn mỗi ngày?
Và giá trị trong đời sống của chúng ta sẽ thay đổi.
Đời sống có gì quan trọng? Những gì thúc đẩy chúng ta? Những gì lôi cuốn chúng
ta? Nếu chúng ta thực sự suy gẫm cái chết, chúng ta sẽ xét lại giá trị của
chúng ta. Có nhiều tiền, chúng ta không thể đem theo được. Thân xác chúng ta
phải bỏ lại để mai táng bằng cách này hay cách khác. Chỉ còn lại nắm xương tàn
vô giá trị. Chúng ta không thể mang theo ngay cả cái xác thân quý giá với chúng
ta khi chúng ta lìa bỏ cõi đời này.
Phẩm chất của của cuộc đời quan trọng hơn sự thủ
đắc vật chất. Phẩm chất của cuộc đời trước tiên là phẩm chất của tâm trí chúng
ta. Chúng ta sống thế nào ngày hôm nay quan trọng hơn nhiều ngoại vật khác.
Chết là điều kiện để tái sanh. Điều kiện cho sự tái sanh là cái chết và phẩm
chất tâm trí, cái độc nhất mà chúng ta mang theo. Đó là cái gia tài để chúng ta
thừa hưởng mà không để lại cho người khác:
- Tôi tạo Nghiệp, tôi phải thọ Nghiệp.
- Nghiệp sanh ra tôi, tôi phải tôn trọng và gánh
chịu.
- Nghiệp lành hay Nghiệp dữ tôi tạo ra, tôi đều
phải gánh chịu hết, do đó tôi là người thừa kế.
Những gì theo ta là những phẩm hạnh có ở trong ta:
phẩm hạnh của tâm trí, của tinh thần, cùng những phẩm hạnh tốt hay xấu. Đó là
tất cả những thứ chúng ta được thừa hưởng. Đó là điều kiện quyết định việc tái
sanh và tương lai của chúng ta. Đến lượt những phẩm hạnh đó đem lại một giá trị
cho đời sống của chúng ta. Chúng ta có thể vui về bạc triệu mà chúng ta đã kiếm
được nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta cần sống yên ổn và trau dồi đạo đức.
Điều này có tác dụng tốt vào lối sống của chúng ta, và vào những giá trị mà
chúng ta phát triển. Không phải là vấn đề thành công, mà là vấn đề làm sao để
thành công.
CHẾT XỨNG ĐÁNG
Sau khi đã suy xét các điều trên, nếu chết không
còn là một sự đe dọa mà là một kinh nghiệm thực tế, chúng ta có thể trực diện
nó với lòng tin tưởng. Chúng ta không chỉ theo những điều nói trên mà còn cần
có nhiều hành động khác để chết một cách xứng đáng. Nếu chúng ta sống lương
thiện, chúng ta chết dễ dàng hơn. Dù đã sống sung sướng hay đau khổ, chúng ta
phải cố gắng chết một cách xứng đáng. Để đương đầu với cái chết phải đến, chúng
ta hãy nỗ lực trong việc phát triển phẩm hạnh không sợ hãi.
Có một số người sợ chết hơn sợ đau đớn và sợ chia
lìa người thân hơn là những thứ đáng sợ khác. Khi một người sắp chết, nên gợi
lòng can đảm và trấn an họ. Nhưng trước tiên, mình phải trấn an mình đã. Dĩ
nhiên, đau đớn sẽ hành hạ và không thể chịu đựng nổi. Nhưng ngày nay, nhờ những
tiến bộ y khoa, những đau đớn của chúng ta được giảm thiểu trước khi chết. Đau
đớn không còn là một điều sợ hãi không tránh được nữa.
Tôi thường trấn an người sắp chết, như trường hợp
một người không còn sống nổi vì ung thư: người ta không để bạn phải đau đớn vì
việc điều trị nhanh chóng sẽ giảm bớt đau đớn. Kết quả quan trọng là người bệnh
được thoải mái và chết nhẹ nhàng.
Một số người khác lo âu vì sợ mất của cải. Nhưng
nếu họ biết suy gẫm về cái chết thì không có gì phải lo. Chúng ta hiểu có hợp
thì có tan. Nếu một người sắp từ trần không suy gẫm được điều này, chúng ta cần
ân cần khuyến khích và trấn an họ là con cái và những người thân quyến còn lại
sẽ được chăm sóc. Cần giúp họ an lòng là mọi việc sẽ đều tốt đẹp, có bạn hữu lo
lắng cho họ, họ cần có sự động viên can đảm để được thoải mái, an tâm, và tất
cả mọi việc sẽ được lo lắng chu đáo.
Trọng tâm của việc này là gợi lòng can đảm của
người sắp chết để họ được an lòng. Làm thế nào để chết xứng đáng? Theo Phật
giáo là tạo một bầu không khí bình an trong phòng người sắp ra đi. Không ích
lợi gì nếu có người gào thét, kêu la và khóc lóc. Có gì quan trọng hơn đối với
một người sắp chết là việc phải chết? Làm như vậy, người sắp chết không an tâm
ra đi. Điều tốt hơn là bạn bè và thân quyến có mặt cần chứng tỏ bằng sự hiện
diện của họ rằng họ quan tâm, yêu mến, và sæn sàng giúp đỡ người sắp ra đi.
"Biểu tượng tôn giáo rất hữu ích và tiện dụng
trong lúc này. Nếu người sắp chết là một Phật tử, một tượng Phật nhỏ cùng sự có
mặt của các nhà Sư với những lời cầu nguyện êm dịu sẽ rất ích lợi và giúp người
chết có niềm an lạc và phẩm hạnh cao quí nhất. Đó là điều tuyệt diệu giúp người
ra đi, đi tìm cuộc sống mới trong đường lối tốt đẹp nhất" -- (Đại đức
Ajahn Jagaro)
CHẾT NHẸ NHÀNG
Mọi người đều mong muốn chết êm ả sau khi đã làm
tròn nhiệm vụ và bổn phận trong lúc sanh thời. Sự thật ra có bao nhiêu người đã
sửa soạn cho cái chết này? Chẳng hạn, có bao nhiêu người đã chịu khó nhọc chu
toàn nhiệm vụ với gia đình, thân nhân, bạn bè, xứ sở, đạo giáo và thân phận của
chính mình? Họ sẽ không yên tâm ra đi khi họ không chu toàn được một trong
những nhiệm vụ đó.
Chúng ta phải học cách vượt qua nỗi sợ chết, hiểu
rằng các thần linh cũng phải chịu số phận như vậy. Những ai phung phí thời giờ
vô ích, sẽ than van khi mình đến ngày tận số.
Khi con người nhìn thấy đời sống của mình chỉ là
một một giọt nước trong con sông dài, họ sẽ cố gắng để góp sức, dù là ít ỏi vào
dòng đời vĩ đại đó. Người khôn ngoan đều hiểu rằng, muốn sống phải tìm cách
giải thoát bằng cách tránh tội lỗi, làm điều thiện, và thanh tịnh tâm trí.
Người hiểu đời sống theo Giáo Lý của Đức Phật không bao giờ lo lắng về cái
chết. Cái chết không gây ra phiền não, nhưng thật sẽ đáng buồn nếu ta chết mà
chưa kịp làm gì cho chính mình và cho người khác.
NGÀY HÔM NAY TÔI CHẾT
David Morris là một học giả Phật giáo Tây phương
chết lúc 85 tuổi. Ít lâu sau khi ông chết, kẻ viết tập sách nhỏ này nhận được
lá thư của ông (hiển nhiên ông đã viết thư này trước đây và dặn thư này gửi đi
khi ông chết). Thư như sau: “ông sẽ vui khi biết tôi chết ngày hôm nay. Có hai
lý do: Điều thứ nhất, ông sẽ yên lòng khi biết được sự đau đớn của tôi do bệnh
tật cuối cùng đã hết. Điều thứ hai, từ khi tôi trở thành Phật tử, tôi đã giữ
năm giới một cách trung thực. Kết quả, ông biết kiếp tới của tôi sẽ không đau
khổ.” Đời sống như một giấc mộng. Cái chết là một điều xảy ra thực tế và tái
sanh là điều xuất hiện tự nhiên. Để trực diện với biến cố này, ta phải tiếp tục
hay chấm dứt cái vòng sanh tử luân hồi để thoát khỏi khổ đau, đó mới chính là
con người tri thức cần quan tâm.
PHẦN II
NGƯỜI PHẬT TỬ PHẢI
LÀM GÌ ĐỂ CỦNG CỐ PHẬT PHÁP?
DẪN NHẬP
Những truờng hợp vui như sanh con, hôn nhân và
những trường hợp buồn như đau yếu, qua đời của kiếp nguời rất cần thiết đến
việc áp dụng một số nghi thức được triển khai ở mọi xã hội từ thời thuợng cổ.
Những nghi thức này, đã có từ trước khi những tôn giáo lớn được thành lập trên
thế giới, được truyền thừa từ cha ông chúng ta, và qua dòng thời gian, lần hồi
trở thành hình thức thực hành truyền thống và tập quán cho đến ngày nay. Chúng
ta vẫn tiếp tục áp dụng nhiều nghi thức này vì ngu si và sợ hãi không dám thay
đổi hay loại bỏ dù chúng ta đã đưọc tiếp nhận một nền giáo dục hiện đại, tiên
tiến về đời sống.
Đặc biệt nghi thức trong truờng hợp buồn như có
người chết hay tang lễ vẫn thực hành trong huyền bí và dị đoan. Việc phải chi
tiêu một số tiền lớn cho việc này quả là một gánh nặng cho tang quyến. Đó là lý
do chính khiến một số đông Phật tử đã đổi đạo vì lẽ nguyên nhân này là lợi khí
cho những nguời tôn giáo khác nhắm mũi dùi đả kích vào người đạo Phật. Tối ư
khẩn thiết cho tất cả các cộng đồng Phật giáo tại tất cả các quốc gia trên thế
giới phải tỉnh thức về tình trạng này và can đảm cố gắng cải cách nghi thức và
nghi lễ thực hành cho phù hợp đúng nguyên tắc tôn giáo của Đạo Phật.
Cuốn sách này trình bày một cách đơn giản và dễ
hiểu một số nghi thức để thực hành trong những dịp buồn vui trong đời người
Phật tử. Hy vọng người Đạo Phật sẽ cố gắng hiểu biết các nghi thúc này và áp
dụng khi truờng hợp cần đến. Làm được như vậy, nguời Phật tử không những đạt
được mãn nguyện và niềm an lạc trong kiến thức, thực hành đúng nghi thức Phật
giáo mà còn đề cao được tôn giáo của mình trước mắt những người thuộc tôn giáo
khác.
Tan Teik Beng, Hội Trưởng
Hội truyền Bá Phật giáo Mã Lai Á
BỔN PHẬN CHA MẸ TRONG VIỆC NUÔI NẤNG CON CÁI
Sanh con là một dịp vui mừng. Có con và nuôi dưỡng
con cái là một cuộc hành trinh thể hiện trên niềm vui và tin tưởng. Đồng thời
nó cũng có nghĩa là cuộc khởi đầu của một thời gian dài hy sinh và trách nhiệm
của cha mẹ. Dù rằng con người đã tiến rất xa trên bực thang tiến hóa, những trẻ
nhỏ vẫn cần một thời gian dài mới trưởng thành và tự lập được. Cha mẹ với bổn
phận nặng nề chịu trách nhiệm săn sóc và nuôi duỡng chúng cho đến khi chúng
thành người hữu dụng. Tuy nhiên qua nhiều thế kỷ, xã hội đã triển khai một
phương pháp được thử nghiệm kết quả rất tốt để hướng dẫn các bậc cha mẹ trong
việc nuôi nấng con cái. Trong mối quan hệ này, tôn giáo là vai trò chính cung
cấp cho cha mẹ một phương thức tổ chức để huấn luyện đứa trẻ về đạo đức, cách
cư xử và luân lý. Trong Phật giáo, Đức Phật đã cho cho các bậc cha mẹ lời
khuyên dạy rất hữu ích về nhiệm vụ đối với đứa trẻ và ngược lại. Kinh
Thi-Ca-La-Việt có lẽ là lời khuyên tốt nhất trong những lời dạy của Đức Phật.
Đức Phật nêu một trường hợp khi Ngài thấy một thanh niên trẻ đang thực thi một
nghi thức đơn giản là cúi lạy sáu huớng (Bắc, Nam, Đông, Tây Trên, Dưới). Hỏi
thanh niên này về ý nghĩa và mục đích của hành động lễ lạy này, nguời thanh
niên trả lời không biết và anh chỉ làm theo lời khuyên bảo của người cha đã qua
đời.
Đức Phật đặc biệt không trách cứ thanh niên thi
triển nghi thức trên nhưng Ngài đã giảng dạy ý nghĩa hữu ích của việc thực hành
lễ lạy này. Ngài nói hành động biểu lộ lòng tôn kính sáu hướng có nghĩa là tôn
kính việc chu toàn nhiệm vụ và bổn phận với cha mẹ, thầy dạy, hàng giáo phẩm,
vợ, con cái và nguời làm. Trên đây, chúng ta thấy Đức Phật nhấn mạnh sự tương
quan giữa mọi người nhưng đặc biệt giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ phải săn sóc
con cái và cho con quyền độc lập khi thời điểm đến và cho con thừa hưởng gia
tài đúng lúc. Mặt khác, về phần con cái cũng phải có bổn phận phải săn sóc và
thể hiện hết lòng hiếu kính cha mẹ. Điều này phải được thực thi từ sự tương
kính và biết ơn cha mẹ chứ không phải vì mong muốn được lợi lạc mà làm vậy. Nơi
đây cho thấy có một mối liên quan mật thiết giữa tôn giáo và sự liên hệ cha mẹ,
con cái. Bậc cha mẹ đừng quên ý nghĩa của tôn giáo khi đứa trẻ ra đời. Gia đình
phải phát triển mối tương quan tế nhị về tôn giáo đã được thiết lập hầu tránh
lầm lẫn.
Cha mẹ có bổn phận phát triển mối tương quan căn cứ
trên gia tài văn hóa và tôn giáo. Trong khi các người của tôn giáo bắt buộc thi
hành các lễ rửa tội, đặt tên thánh chính thức cho đứa trẻ, cha mẹ người Phật tử
chỉ cần mang đứa trẻ đến chùa để xác nhận lại niềm tin vào Ba Ngôi Tam Bảo,
nương tựa vào Đức Phật, Pháp và Tăng Già. Có nơi nương tựa vào Ba Ngôi Tam Bảo,
chính các bậc cha mẹ cảm thấy tin tưởng trong việc nuôi dưỡng đứa trẻ và an
lòng vì đứa trẻ được che chở không còn sợ hãi ma quỷ. Chúng ta không thể chối
bỏ sự hiện hữu các lực lượng ma quỷ chung quanh chúng ta hiểm ác với con người
và có thể gây tai hại. Mang đứa trẻ đến chùa và một khóa cầu nguyện thiêng
liêng theo truyền thống cầu phước cho em nhất định tạo phúc lợi cho em. Việc
trên đây cũng được coi như là bước đầu trong việc liên hệ với chùa từ khi em
còn trứng nước, sư kiện này trở thành một phần hay một mảnh trong đời sống của
đứa trẻ. Thói quen trên nếu được tiếp tục gìn giữ cho đến lúc trưởng thành sẽ
đem lại lợi ích lúc gặp khó khăn.
KHÓA LỄ CẦU PHƯỚC CHO CÁC EM NHỎ
Tụng kinh đem hiệu quả tốt cho em nhỏ. Được biết
trong lúc Đức Phật còn tại thế, khi một em nhỏ trong trường hợp nguy kịch vì
ảnh hưởng của ma quỷ bên ngoài, đem đến trưóc mặt Phật, Đức Ph?t ra lệnh cho
tất cả các thầy tụng kinh cầu nguyện cho em. Kết quả là đứa bé đã thoát chết và
sống tới già. Do vậy em đưọc gọi là AYUWADDHANA có nghĩa là "sống
lâu" vì không còn sợ bị chết non.
TẠI SAO CHÚNG TA TÌM NƯƠNG TỰA NƠI ĐỨC PHẬT?
Khi những người tin tưởng vào thượng đế, lúc sợ
hãi, buồn thảm hay gập khó khăn, họ thường cầu nguyện để được giúp đỡ và che
chở. Nhiều Phật tử hỏi là có thể quay về với ai khi gặp phải trường hợp bất an.
Trong truờng hợp này người Phật tử nhớ tới Phật trong tâm trí đề tìm sự bình
an. Chắc chắn là quan niệm về thượng đế của người Phật tử khác hẳn với các tôn
giáo khác nhưng khi suy gẫm về các đức hạnh cao cả của Đức Phật, những chiến
thắng vĩ đại của Ngài, những đặc tính bình tĩnh và cao thượng của Ngài, đầu óc
người Phật tử sẽ bình tĩnh lại và sẽ đạt được lòng tự tin. Cả đến những người
thuộc tôn giáo khác nói rằng thượng đế không phải là một người, nhưng là một
sức mạnh đưọc nhân cách hóa trong đầu óc. Khi đầu óc bình tĩnh, sung mãn, tập
trung vào sức mạnh ấy, họ ở trong tư thế có thể đối đầu với các xáo trộn, lượng
định được những khó khăn và tìm cách vượt qua được. Người Phật tử giải quyết
các khó khăn bằng đường lối tương tự là gợi trong tâm trí hình ảnh của Đức
Phật. Đương nhiên những khó khăn của chúng ta là do nguyên nhân nơi tâm trí của
chúng ta nên tâm trí của ta duy nhất có thể giải quyết vấn đề qua hiểu biết và
tự tin. Vậy nên sự hiểu biết về Pháp rất là quan trọng. Khi tâm trí sung mãn
qua cảm hứng và thành tâm đối với Đức Phật, cảm nghĩ bị bơ vơ,sợ hãi ma quỷ, cô
đơn sẽ không còn và ta sẽ lấy lại lòng tự tin. Điều này có nghĩa là tìm nương
tựa nơi Đức Phật.
Trong khi tìm nơi nương tựa cho con em tại chùa, có
thể dâng cúng hoa, hương, nến hay trái cây tại chánh điện và cung thỉnh thầy
trụ trì tụng kinh cầu phước cho đứa trẻ. Nếu muốn hơn nữa, có thể xin thầy trụ
trì đặt cho em một pháp danh.
Lúc đứa trẻ đang lớn, trách nhiệm của cha mẹ là
thường xuyên đem em đến chùa để có thể gần gũi các thiện-trí-thức, nghe những
bài giảng đơn giản và những bài thuyết pháp; lợi lạc bắt nguồn từ đó. Trong
thời gian này đứa trẻ sẽ quen thuộc với việc hành trì và sẽ cảm thấy thoải mái
giữa bầu không khí thanh tịnh của ngôi chùa. Lẽ dĩ nhiên đứa trẻ phải được mang
đến chùa vào những khóa cầu phước đặc biệt trong những dịp như ngày tựu truờng,
ngày thi, sanh nhật và những dịp vui khác. Khi đứa trẻ nghe những lời tụng kinh
thường xuyên, chúng sẽ tự cảm thấy lòng tin tưởng vô biên vì chúng hiểu tụng
kinh đem lợi lạc và cảm thấy được che chở. Cho nên chúng sẽ có khuynh hướng
ngày một làm tốt hơn bất cứ công việc gì phải làm, và kết quả, chúng không còn
bồn chồn lo lắng mà cảm thấy vững tâm không còn khiếp sợ bị bỏ rơi không được
giúp đỡ.
GIÁO DỤC VÀ VĂN HÓA NGƯỜI
PHẬT TỬ - HÀNH TRÌ.
Phương thức hữu hiệu để trình bày các bài giáo lý
cho các em về luân lý và đạo đức là dùng các hình ảnh, các bức minh họa, các ký
hiệu tôn giáo và các bài nói về huyền thoại và các mẫu chuyện về Phật giáo.
Phương pháp này giúp cho nhiều người nhớ lại, đặc bIệt các em nhỏ, khiến việc
nhận thức giá trị Phật giáo càng tốt đẹp hơn. Những màn trình diễn trên sân
khấu hay các bức hoạt họa mô tả lịch sử, các huyền thoại về Đức Phật cũng tạo
một ắn tượng tốt và trường cửu trong đầu óc các em.
Dìu dắt các em trên con đuờng chính đáng, các bậc
cha mẹ phải tự mình làm gương và phải sống một cuộc đời lý tuởng. Không thể nào
có được các con em xứng đáng từ nơi những bậc cha mẹ không xứng đáng. Ngoài
phần khuynh hướng do Nghiệp quả, các em cũng bị ảnh hưỏng bởi những tật xấu và
phẩm hạnh của cha mẹ. Các bậc cha mẹ hữu trách nên cẩn thận không nên truyền
thừa cho con cái những nét tiêu cực của mình.
Lời khuyên của Đức Phật về truyền thống và tập tục
là không nên chấp nhận hay bác bỏ ngay bất cứ điều gì mà không thực hiện xem
điều đó có ý nghĩa và hữu dụng không. Điều này không cần nhấn mạnh về những
phương pháp này khi một người đã hiểu rõ Pháp và có một cuộc sống có ý nghĩa.
Đức Phật dạy, dù phương pháp nào mà chúng ta áp dụng để rèn luyện tâm trí, thái
độ của chúng ta phải được coi như một người đã dùng cái bè để qua sông. Sau khi
vượt qua sông, người đó không cần phải bám vào cái bè nữa mà bỏ lại bên bờ rồi
tiếp tục cuộc hành trình. Tương tự như vậy, việc thực hành văn hóa chỉ được coi
như là phụ giúp cho việc đạt cảm hứng chứ không phải là cứu cánh.
Việc thực hành văn hóa của người Phật tử thay đổi
từ nước này qua nước khác. Khi thực hiện những truyền thống văn hóa này, chúng
ta phải cẩn thận không nên phân loại Phật giáo như thuộc riêng rẽ của bất cứ
một ai cả. Thí dụ như chúng ta không nên phân biệt Phật giáo Trung Hoa, Phật
giáo Tích Lan, Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Thái Lan, Phật giáo Miến Điện, hay
Phật giáo Tây Tạng. Phân biệt tạo bất hòa, kỳ thị và hiểu nhầm. Chúng ta cũng
nên nhận thức một số gọi là các nhà lãnh đạo Phật giáo đang hết sức phát huy uy
lực của mình với nhãn hiệu Phật giáo bằng cách áp dụng mọi dạng thức thực hành
và quan niệm như bùa ngải, thần thông, thần bí và siêu nhiên để bịp bợm quần
chúng. Những hành động vô lương tâm này được thực thi hoàn toàn không có những
điều mà Đức Phật đã nói về việc hành đạo.
Một việc thực hành thông thường nữa giữa những
người Phật tử là tổ chức khóa lễ cầu phước khi dọn về nhà mới. Bất cứ lúc nào
khi dọn vào một khu gia cư mới, hay rời chỗ ở, theo tập tục thông thường người
Phật tử cung thỉnh các thầy đến làm lễ cầu phước để bảo đảm nơi mới đến được
che chở khỏi ma quỷ, mọi người đều được an vui;hạnh phúc, an lạc và hài hòa tỏa
khắp nơi. Tương tự như vậy, các buổi lễ cầu phước cững được thi hành khi bắt
đầu khai truơng việc buôn bán hay bất cứ lúc nào việc buôn bán đuợc khởi sự.
HÔN NHÂN
Theo Đức Phật, khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành,
bổn phận của cha mẹ là phải tìm kiếm một người vợ xứng đáng cho con cái. Lẽ dĩ
nhiên việc này không còn là một tập quán trong xã hội hiện đại, tuy nhiên cha
mẹ vẫn là người giúp đỡ, hỗ trợ khi đứa con bắt đầu tìm kiếm một ý-trung-nhân
xứng đôi vừa lứa. Đây là dịp tốt nhất cho cha mẹ không những giúp về vật chất
mà còn cho con cái những lòi khuyên kín đáo, hướng dẫn chúng trong việc chọn
lựa người bạn đường thích hợp hầu tránh được các các chông gai cạm bẫy trên
đời. Nếu đứa trẻ thường xuyên đến chùa, chúng có nhiều cơ hội để kết giao với
các bạn Phật tử đồng lứa tuổi, cùng nhau chia sẻ giá trị và lợi ích của tôn
giáo và trở thành những người bạn đường tốt.
Nhận thấy nhiều Phật tử có khuynh hướng quên bổn
phận thiêng liêng vào những dịp quan trọng và thuận lợi nhất trong đời sống -
hôn nhân. Theo phong tục tại các nước Phật giáo, các thầy thường được mời đến
nhà trong dịp lễ hỏi để làm lễ cầu phước. Lễ này có thể tổ chức trước hay sau
ngày cưới. Lễ cưới thường đưọc tổ chức tại nơi thị thực hôn thú hay tại các nhà
đương sự. Mong mỏi tất cả các cặp vợ chồng đều chu toàn bổn phận trên khi làm
lễ cưới. Lễ vật dâng cúng đơn giản như hoa, hương và nến đưọc dùng trong lễ cầu
phước ngắn với sự có mặt của cả cha mẹ đôi bên trai, gái, thân quyến và bạn
hữu. Lễ cầu phước trên tổ chức vào một ngày thuận tiện, chắc chắn là một đóng
góp tinh thần đáng kể cho việc thành công, an lạc, hài hòa, và hạnh phúc cho
tân lang và tân giai nhân.
Mê đắm không thôi không phải là một căn bản đầy đủ
cho một hôn nhân thành công; cho nên giới trẻ phải đuợc khuyên bảo thực thi
phần tâm linh trước khi phát nguyện. Khi một cặp tiến hành việc hôn nhân bằng
cách theo đúng giáo lý, cặp đó được kính trọng hơn về thể chế tổ chức, và đương
nhiên cặp này quay về với tôn giáo lúc tinh thần căng thẳng giao động để tìm
thấy nguồn an lạc.
Sau lễ cưới vui vẻ, cặp vợ chồng mới này phải tự
chính mình cố gắng trở nên bậc cha mẹ thuần thành có trách nhiệm về những đứa
con tương lai của mình.
NGHI THỨC TÔN GIÁO
Mặc dù các nghi thức, lễ nghi và các cuộc lễ không
được càc bậc trí thức tán đồng. nhưng việc hành đạo này lại quan trọng trong
việc phát triển và duy trì phương diện thành tâm trong tôn giáo và tạo một ý
niệm cảm hứng giữa quần chúng. Đối với đa số, phát triển lòng thành tâm là bước
quan trọng nhất đối với việc kinh nghiệm học hỏi của một tôn giáo. Không có
phương diện thành tâm và văn hóa gắn liền với Phật giáo, ta có thể bị sa ngã
vào một niềm tin và hành đạo khác, dù chúng ta nhận thức là việc hành đạo như
vậy có thể tiến đến dị đoan và niềm tin mù quáng.
Rất quan trọng cho tôn giáo có một số nghi lễ không
phương hại và một số thực hành hữu lý cho con người để nói lên lòng thành và
những cảm nghĩ tâm linh. Nhiều cuộc lễ Phật giáo giúp việc trau dồi các thói
quen tốt và cảm nghĩ tích cực giữa những tín đồ khiến họ trở nên những người
khoan dung, thận trọng và học thức hơn. Khi thi triển với sự hiểu biết và
nghiêm chỉnh, việc thực hành nghi lễ truyền thống như vậy làm vững mạnh thêm
niềm tin không phải chỉ như ý kiến của người trí thức. Phật giáo không có thành
tâm sẽ lạnh lẽo, rời rạc và trừu tượng.
NHỮNG ĐIỀU CẤM KỴ
Đa số mỗi sắc dân đều có những điều cấm kỵ riêng
của họ. Mỗi sắc dân đều có niềm tin duy linh riêng của mình và bị ảnh hưởng lẫn
nhau. Vì ngu si, sợ hãi và dị đoan mỗi sắc dân có khuynh hướng chấp nhận niềm
tin của người khác thay vì nghiên cứu một cách hợp lý và loại bỏ nếu không
thích đáng với xã hội hiện đại. Chẳng hạn, nhiều cộng đồng Á Châu tin là không
nên cắt móng tay lúc trời tối hay gội đầu vào một số ngày nào đó trong tuần.
Một số người nghĩ rằng sui sẻo khi gập một nhà tu trọc đầu sáng sớm trong khi
một số lại không quét nhà khi trời đã tối. Họ còn tin là không nên mang thịt đi
lúc ban đêm vì sợ hãi là có thể thu hút ma quỷ. Một vài bậc cha mẹ khuyên con
cái nên mang theo một thanh sắt để tránh ma. Lại có những người tin là chó tru
lên hay cú kêu ban đêm là những điềm sui sẻo và nháy mặt bên trái là điềm gở.
Một số người coi những việc trên là những vấn đề nghiêm trọng. Nhưng những ai
không lưu ý gì đến những việc đó thì chẳng sợ hãi và chảng lo âu.
Thái độ của người Phật tử về những niềm tin trên
như thế nào? Suy nghĩ chính đáng chấm dứt nơi đâu và dị đoan phát khởi ở đâu?
Tất cả đều bắt nguồn từ sự sợ hãi cái không biết của chúng ta. Đôi khi phải có
lý do thực hành để quan sát một số các niềm tin này. Chẳng hạn lý đương nhiên
là không nên khuyên cắt móng tay vào ban đêm chỉ vì, đơn giản ta có thể cắt vào
tay lúc tối. Về việc lo sợ ma quỷ, Đức Phật nói: Chừng nào mà chúng ta còn đem
tình thuơng yêu đến tất cả chúng sanh có mặt hay khuất mặt, chừng nào mà chúng
ta không làm hại ai cả bằng cách sống hòa hợp và tin tưởng vào sức mạnh của
Pháp hay Chân Lý dẫn giải bởi Đức Phật, và chừng nào mà chúng ta còn phát triển
sự hiểu biết chánh đáng bằng cách nghiên cứu Giáo Lý, thì không có gì có thể
hại ta đuợc.
Trên đây cũng có nghĩa là chúng ta phải phát triển
lòng thành và tin tưởng đạo lý bằng cách thuờng xuyên thăm viếng chùa, và bằng
cách có những cuộc bàn thảo hữu ích với các thầy để tăng phần hiểu biết về
Pháp. Chùa là nơi mà ta đạt được nhiều kiến thức và hiểu biết để loại bỏ dị
đoan và nhổ tận gốc rễ niềm sợ hãi quá đáng trong đầu óc các người vô tội.
BÙA CHÚ VÀ MA THUẬT
Giữa những cộng đồng Á Châu, rất là thông thường
người dân cho rằng họ là nạn nhân của ma thuật và bùa chú khi họ gặp bất hạnh
trong đời sống. Khi thấy có điều gì không vui xảy ra, họ thường đi tìm các nhà
bói toán, chiêm tinh gia, đồng cốt và “bùa ngải”. Đương nhiên đời sống của
những người buôn bán về ma thuật, bùa chú trông vào việc nói với khách hàng là
có điều gì sai hay một vài ma lực xử dụng bởi người nào đó đã mang rủi ro cho
gia đình. Rồi họ bảo là họ có thể chống lại các ma lực đó và đòi một số tiền
lớn để chữa trị. Kết quả duy nhất là túi tiền của các nạn nhân nhẹ dạ này càng
ngày càng vơi đi và cuối cùng không có một kết quả nào đạt được nơi người bói
tướng kinh nghiệm này. Phật giáo đại chúng cũng không tránh khỏi những quỷ kế
của bọn lang băm và bịp bợm, bọn này đã dám đội lột các nhà sư để kiếm tiền của
các nạn nhân nhẹ dạ. Cho nên Đức Phật đã khẳng định là nhiều những bất hạnh của
chúng ta được tạo ra chính bởi tâm trí không thanh tịnh, không được huấn luyện
và đường lối duy nhất để vượt qua là do sự cố gắng mở mang trí tuệ và tầm hiểu
biết của chúng ta.
Người Phật tử sửa chữa các bất hạnh bất cứ loại nào
một cách khoa học như các phương pháp của khoa thần kinh trị liệu hiện đại.
Cách này đã được tóm tắt trong Phần Hai Tứ Diệu Đế - Nguyên nhân của Khổ đau
(Tập). Trước khi chúng ta nhìn vào việc chữa trị các bất hạnh (Không may, đau
yếu, mất người mất của và khó khăn gia đình) chúng ta phải biết gốc rễ sanh ra
các điều này. Chúng ta phải quan sát chính xác cái gì hiện tại đang xảy ra và
hiểu biết chỉ có chúng ta mới vượt qua khỏi. Tập trung thiện chí, tâm trí sung
mãn để hiểu nguyên nhân của vấn đề hầu tìm đuợc giải pháp. Trường hợp đau yếu,
một đầu óc bình tĩnh giúp việc trị liệu đuợc mau chóng. Chỉ trông vào siêu
nhiên để vượt khỏi các bất hạnh không phải là một giải pháp thích ứng để chấm
dứt khổ đau. Chúng ta phải bình tĩnh phản ảnh biết rằng cái bất hạnh này đến
với tất cả mọi người trên thế gian này, chúng ta phải nhìn cái xảy ra cho chúng
ta một cách chính xác để tìm ra cách giải quyết thích ứng. Không phải là do
định mệnh - nhưng mỗi cá nhân, hãy sử dụng Nổ Lực Đúng Cách (Chánh Tinh Tấn) có
thể tự mình tránh khỏi bất hạnh.
HÌNH ẢNH, NƯỚC THÁNH, XÂU CHUỖI, BÙA PHÉP VÀ
THƯ PHÙ
Xã hội ngày nay được giáo dục tốt hơn xã hội trước
đây trong quá khứ, tuy nhiên mặc dù những tiến triển rộng lớn trên bình diện
kiến thức khoa học, nhiều người vẫn đau khổ vì sợ hãi, nghi ngờ và bất an.
Nguyên nhân gốc rễ là do trạng thái của tâm thần xuất phát từ ngu si, giao động
và tham dục. Vì ngu si về vô thường và cái ta thường còn, chúng ta tin vào cái
ngã của chúng ta và niềm tin này đưa đến tham dục. Chúng ta ham muốn vô độ, sợ
mất đi cái mà chúng ta đang có. Chúng ta sợ hãi chúng ta sẽ bị hại hoặc chúng
ta sẽ phải đối đầu với những "rủi ro". Nghĩ như vậy chúng ta phải làm
gì? Theo bản năng tự nhiên chúng ta quay về với niềm duy linh quá khứ và trông
mong vào bùa phép, thư phù để che chở chúng ta. Đức Phật đã tuyên bố minh bạch
là các vật bên ngoài không đủ sức để che chở những ai tâm trí yếu đuối và bối
rối. Nguồn an ninh duy nhất của chúng ta là tìm nương tựa vào kiến thức về chân
lý của chúng ta và vào việc thực hiện bản chất thực tiễn của cái ta và các hiện
tượng khác. Một khi chúng ta hiểu được không có gì là của ta thì không có gì có
thể hại ta, chúng ta trở nên vững vàng và tự tin. Không có gì có thể hại người,
nếu người đó không sợ hãi, không vị kỷ hoặc không lừa dối.
Tuy nhiên điều trên đây không có nghĩa là Phật giáo
kết tội việc sử dụng một số vật liệu có tính cách tôn giáo như dây chuyền có
hình ảnh Đức Phật cho chúng ta cảm nghĩ an toàn. Nhiều bậc vĩ nhân tìm thấy
niềm an ủi và khuây khỏa khi ngắm vẻ thanh thoát và bình thản hình ảnh Đức
Phật. Thủ Tướng Ấn Độ, ông Nehru cho biết khi ông bị cầm tù bởi người Anh,
nguồn an ủi duy nhất của ông là bức ảnh nhỏ bé của Đức Phật mà ông mang theo.
Đương nhiên, hình ảnh này tự nó không có phép thần thông nhưng nó tượng trưng
phẩm hạnh vĩ đại của Đức Phật, chính Ngài luôn luôn bình tĩnh và không sao
suyến bởi những cuộc tấn công của kẻ địch. Biểu tượng này đã nhắc nhở ông Nehru
dùng lòng dũng cảm của chính ông bình tĩnh đối đầu trước nghịch cảnh. Cũng vậy,
chúng ta có theo mang ảnh của Đức Phật hay những lời ghi trong kinh khiến cho
chúng ta lòng tin tưởng. Nhiều kinh ghi phần kết thúc với lời cầu nguyện:
"Bởi sức mạnh của chân lý này, phần thắng sẽ về tôi" hay "Hạnh
Phúc đến với tôi". Điều này cho thấy là Phật tử chúng ta không tin tưởng
vào sức mạnh của hình ảnh duy linh hay bùa chú, nhưng (dây chuyền có tượng Phật
và những đọan kinh) chỉ là để giúp cho chúng ta đạt tin tưởng chính nơi chúng
ta.
Cũng giống như vậy, một số Phật tử tới chùa để xin
nước thải và vài đọan dây được để trên kinh được tập trung chí thành tụng niệm.
Việc trên về tâm lý đem cho người sử dụng sức mạnh và lòng tin tuởng vì nhắc
nhở cho họ chân lý trình bày trong kinh, những lời Phật dạy.
ỐM ĐAU
Mới đây có nhiều chỉ trích nhắm vào càc vị lãnh đạo
Phật giáo cho rằng những người đau yếu không được quan tâm đến. Những lời chỉ
trích nhấn mạnh là những tín đồ tôn giáo khác đi từ bệnh viện này đến bệnh viện
khác để ủy lạo các bệnh nhân. Việc lo lắng về những người đau ốm là một điều
thực ra rất đáng được ca ngợi. Trong những nước Phật giáo, những người thành
tâm mời các nhà sư đến viếng thăm các người đau yếu, các nhà sư thực ra có
thiện chí hơn thế nữa, sẳn sàng giúp đỡ về phương diện này. Thật ra các nhà sư
thường thông suốt về việc dùng các thuốc truyền thống, thường được tham khảo cố
vấn và các nhà sư bao giờ cũng tình nguyện giúp đỡ trong các việc này.
Vì một số Phật tử không am tường đạo của mình để
phản công lại chiến thuật của những người đạo khác, sự hờ hững của một số Phật
tử này khiến một số tín đồ của đạo khác lợi dụng tình trạng và quy nạp những
người đạo Phật. Những người khác đạo còn đi xa hơn nữa là hứa khả cứu rỗi và
đem địa ngục ra dọa nạt các nạn nhân theo đường lối như vậy để quy nạp họ! Các
nhà sư Phật giáo không dính líu gì đến việc này cả. Tuy nhiên các nhà sư lúc
nào cũng đầy thiện chí, khi được các thân quyến bạn bè người đau yếu cung
thỉnh, đến bệnh viện hay tư gia để thăm viếng ủy lạo các bệnh nhân.
Ốm đau là một phần và một mảnh đời sống thường nhật
của chúng ta trên thế gian này, và chúng ta phải chấp nhận trên con đường tiến
bộ. Dù sao, trong trường hợp một người bị đau, ngoài việc tìm cách chữa trị
theo đường lối tiên tiến hiện đại, việc nên làm là mời các nhà sư đến để làm lễ
cầu an cho mau hết bệnh. Việc cầu an này khi được tiếp nhận với một đầu óc thích
nghi sẽ mang ảnh hưởng tinh thần và tâm lý đáng kể cho bệnh nhân và việc hồi
phục được mau chóng. Đặc biệt, khi bệnh não có liên quan đến thái độ tâm trí
người bệnh, lễ cầu an do một vị sư giúp ích rất nhiều. Chẳng hạn khi tin tưởng
nguyên nhân của bệnh là do ảnh hưởng xấu bên ngoài hay do ma quỷ, lễ cầu an tạo
một thái độ tâm lý rất tốt đem đến các làn sóng (tâm linh) cho cơ thể giúp cho
mau khỏi bệnh. Tuy nhiên, là người Phật tử, chúng ta không nên tự chúng ta đầu
hàng niềm tin sai lầm ma quỷ là nguyên nhân chính của bệnh hoạn.
Lời khuyên của Đức Phật: - " Bất cứ bao giờ
thân bạn bệnh nhưng đừng dể tâm trí bạn bệnh". Lời khuyên này quả thật rất
đúng. Theo lời khuyên này, chúng ta phải được hướng dẫn bằng trí thông minh và
cảm nghĩ thông thường để tìm phương thuốc thích hợp cho bệnh tật của chúng ta
hơn là tự đầu hàng những dị đoan vô căn cứ.
CHẾT
Con người là phải chết và cái chết là điều phải
đến. Tuy nhiên, rất ít người có thể chấp nhận sự chia lìa hay sợ hãi xảy ra sau
cái chết.
Quá nhiều ngu si giữa hàng Phật tử đối với cái chết
và một số đã đổi đạo để được một cuộc mai táng "thích đáng" để chắc
chắn được mau về thiên đường. Gia đình chia rẽ vì những đứa con theo đạo khác
đã đổi đạo của cha mẹ khi cha mẹ sắp chết trên giường bệnh. Một số con cái của Phật
tử không uy quyền vì không được học hỏi để biết người Phật tử chân chính phải
làm gì. Cho nên rất quan trọng cho các bậc cha mẹ phải di chúc rõ ràng ước
nguyện của mình để dạy con cái phải làm gì lúc lâm chung. Nhiều người ngu si đã
kiêng cữ không dự tang lễ trong một thời gian nào đó nghĩ rằng nếu không làm
như vậy thì sẽ bị rủi ro.
Trẻ em phải được biết ngay từ khi còn nhỏ chết là
điều tự nhiên trong đời sống. Các em phải được dạy không được sợ hãi khi nhìn
thấy quan tài hay các tử thi. Các em phải biết có ý thức trong tang lễ. Những
điều trên đây nếu như không được dạy bảo cho em khi các em lớn lên các em sẽ bị
lạc lõng và sẽ bị các người tôn giáo khác vô lương tâm lung lạc điều khiển em
để em đổi đạo hay tiêu một số tiền lớn vào các việc mê tín dị đoan vô nghĩa.
Trước tiên chúng ta phải hiểu quan điểm của người
Phật tử đối với cái chết. Nói theo khoa học "Đời Sống" là một loạt
lên xuống không ngừng. Tế bào trong cơ thể ta chết liên miên và thay thế bởi
các tế bào mới. Cũng như vậy, sanh và chết phát hiện bất cứ lúc nào. Hiện tượng
chết chỉ là một cuộc kết thúc gây xúc động của cuộc tiến hành liên tiếp ấy.
Nhưng kết thúc không thường còn. Thật ra cái "Trội" lên liền sau khi
chết tái sanh phát xuất. Cho nên trong Phật giáo cái chết không được gọi là an
giấc ngàn thu trong tâm tư của một đấng thần linh sáng tạo nào đó mà là cuộc
tiếp diễn không ngừng trong một dạng thức khác. Do vậy không cần thiết phải sợ
hãi cái chết. Trong quan diểm này, Đức Phật không mô tả nghi thức đặc biệt nào
về việc sắp đặt tử thi. Tử thi của người chết phải được đem đi trang nghiêm vá
phải được đối xử thích đáng với niềm kính trọng để tưởng nhớ người chết đã có
công trong lúc còn sống. Hành động quá khứ của người chết (Nghiệp) sẽ quyết
định đời sống tương lai sẽ ra sao.
Chúng ta đội ơn những gì người chết đã phục vụ cho
chúng trong lúc tại thế. Phiền muộn nổi lên trong tâm trí chúng ta vì lẽ người
thân mà chúng ta thương yêu ra đi giữa chúng ta. Khi chúng ta tập họp chung
quanh xác thân người thương yêu của chúng ta, là bạn bè hay thân quyến chúng ta
tìm nguồn an ủi nơi những người cũng đến chia sẻ nỗi buồn đau và ủng hộ tinh
thần chúng ta trong giờ phút đau buồn. Những việc thực hành văn hóa khác nhau
(trong tang lễ) rất hữu ích để giảm thiểu niềm đau thương của chúng ta.
TRƯỚC TANG LỄ
Ngày nay chết trong truờng hợp đặc biệt phải cần
đến sự điều tra thì việc thực hành thông thường tại các bệnh viện giảo nghiệm
tử thi để kiểm soát nguyên nhân. Đôi khi thân quyến phản đối việc này và cho
rằng cắt mổ tử thi là phạm thánh. Với người Phật tử không có lý do tôn giáo nào
mà phải phản đối việc này. Đúng ra, việc làm trước tang lễ này giúp cho người
sống, cho các nhân viên chuyên môn y khoa có được nhiều hiểu biết hơn để chữa
trị các bệnh tật. Việc làm này phải được coi như một công đức về phần người
Phật tử. Như đã nói trước đây, xác thân vật lý chẳng là gì cả mà chỉ là hỗn hợp
của các chất (đất, nước, gió, lửa) sẽ phân hủy khi chết. Cho nên không có lý do
nào mà phải tin rằng linh hồn của người chết sẽ tức giận khi xác thân được sử
dụng vào mục tiêu khoa học. Chúng ta có thể an tâm chắc chắn là các bác sĩ và
các người chuyên môn đều có tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, rất
thận trọng trong việc giảo nghiệm tử thi nên các thân nhân không cần lo lắng về
vấn đề này. Có nhiều người tình nguyện khi chết cho bệnh viện và các sinh viên
y khoa tử thi để nghiên cứu việc giải phẫu.
Trong việc liên quan trên đây, phải được coi là một
công đức cao cả của người Phật tử khi cho những bộ phận cơ thể mình sau khi
chết để có thể giúp ích cho người khác. Chính Đức Phật nhiều lần trong tiền
kiếp Ngài đã cho xác thân của Ngài để người khác được lợi lạc. Ngài đã cho mắt,
máu, thịt và một lần Ngài đã cho cả xác thân để cứu nguời khác. Phật giáo rất
minh bạch về vấn đề này - việc tặng các bộ phận của cơ thể đem lợi ích cho
người khác là một công đức vĩ đại, được nhiệt liệt khuyến khích.
TANG LỄ
Trong hầu hết các xã hội văn minh có văn hóa, tang
lễ được coi là dịp buồn phiền, trang nghiêm. Tang lễ của người Phật tử phải
được cử hành trang nghiêm theo tinh thần ấy.
Dị đoan lan tràn giữa một số người cho là "rủi
ro" khi mang về nhà tử thi chết ở một nơi nào đó. Chúng ta chắc chắn phải
tỏ lòng kính trọng tưởng nhớ đến người chết và phải quý trọng tử thi, và tang
lễ phải được cử hành tươm tất. Tử thi mang về nhà hay không mang về nhà tùy
theo gia đình tang quyến. Trong việc này, chúng ta cũng phải nêu lên là không
sợ hãi hay kiêng cữ gì về việc điều động tử thi. Một số người sợ hãi chạm vào
tử thi e ngại bị "rủi ro". Nếu quả là như thế thì các bác sĩ và các y
tá điều dưỡng phải là những người đau khổ nhất trên trái đất! Nếu thực tình
chúng ta muốn tôn kính tưởng nhớ người ra đi chúng ta phải tắm rửa và mặc quần
áo cho người chết và không để một người lạ hay nhà hòm làm việc này cho chúng
ta. Phải nhớ rằng, dị đoan, ngu si, và sợ hãi vô lý mang nhiều "rủi
ro" đến hơn là biết ơn, thương yêu và khiếu thẩm mỹ.
Trái với niềm tin thông thường đại chúng, tang lễ
ồn ào, trau chuốt, và đôi khi phô trương, hay những tang lễ tưng bừng tốn kém
cả ngàn đồng về những thứ không cần thiết mà xưa này đưọc coi như việc làm bình
thường của người Phật tử mà thực ra việc thi triễn này không phải là Phật giáo
chút nào cả. Đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm đem thực thi các việc trên
đây vào Phật giáo. Việc thực hành này chỉ là sự tiếp diễn không ngừng của tập
quán cổ xưa truyền thừa từ thế hệ trong quá khứ được sát nhập một cách mù
quáng. Khi nhìn một đám tang với các nghi lễ trên các người đạo khác thường
tưởng rằng cái mà họ đang đưọc mục kích là một cuộc vui diễu hành nào đó hơn là
một tang lễ trang nghiêm.
Thường thường một loại nhạc rộn ràng đưọc áp dụng
thay loại trang nghiêm trong lúc tiễn đưa linh cữu. Cho nên người ta có cảm
tuởng đây là một cuộc lễ có tính cách trình diễn phô trương giàu có hơn là để
bầy tỏ sự buồn đau chân thật kính trọng người quá cố. Phật giáo không phản đối
việc việc duy trì các việc thực thi văn hóa nếu những việc thực hành này không
mâu thuẫn với giáo lý của Đức Phật nhưng khi thấy các điều đó thực hành phí
phạm, hoang phí và không cần thiết không đem lợi ích gì cho cả người sống lẫn
người chết thì không tán đồng và nên loại bỏ. Chẳng hạn tập tục về việc đốt
vàng mã, giấy tiền, nhà táng, với mục đích để cho người chết sử dụng bên kia
thế giới hoàn toàn không Phật giáo chút nào. Tuy nhiên trên phuơng diện tâm lý
có thể giảm thiểu nỗi buồn đau, đương nhân có thể làm điều gì có thể đem lợi
lạc cho người ra đi nếu điều đó vô hại và không nên có hành động cực đoan tin
tưởng rằng điều đó dù sao cũng giúp ích người ra đi.
Phật giáo không phản đối các cộng đồng thi triển
tang lễ khác nhau thích hợp cho từng địa phương và thời điểm. Nhưng điều quan
trọng nhất là các tang lễ phải được khả thi và chấp nhận là có văn hóa.
Nghi lễ áp dụng trong một tang lễ Phật giáo phải
đơn giản, trang nghiêm, có phẩm cách và ý nghĩa. Tại nhiều quốc gia các nhà sư
Phật giáo được mời đến nhà tang quyến để thực thi một số nghi thức trước khi
tang lễ. Cúng hoa và đốt một vài ngọn nến hay vài nén nhang được chấp thuận
trong trường này.
Thep tục lệ, để tỏ lòng tôn kính người ra đi, bạn
bè và thân quyến gửi những vòng hoa chia buồn tang quyến. Những vòng hoa này
không nên gửi đến vào trước ngày tang lễ được cử hành vì hoa gửi sớm sẽ bị héo.
Khi tang quyến thông báo "không nhận hoa" thì điều này phải đuợc
triệt dể tuân theo.
Vì lẽ thân quyến thưòng có những ý kiến khác nhau
cho nên có nhiều tranh luận trong việc thực hành tang lễ. Những câu hỏi sau đây
thường được nêu lên:
1. Nên chôn hay hỏa táng?
2. Nếu hỏa táng, phần tro cốt còn lại phải làm gì?
3. Nên dùng loại quan tài nào?
4. Phải mặc đồ đen hay đồ trắng?
5. Nến phải dùng màu gì, đỏ hay trắng?
6. Xác có thể để ở nhà bao nhiêu ngày trước khi
chôn hay hỏa táng?
7. Chi phí tối đa cho một tang lễ là bao nhiêu?
Những câu hỏi trên đây được trả lời một cách đơn
giản nhu sau:
Tang lễ phải cử hành đơn giản, ồn ào giảm thiểu đến
mức tối đa, nhưng phải có phẩm cách. Có lẽ điều hợp lý nhất là thân quyến gần
nhất với người qúa cố và một số bè bạn thân cận nên cùng nhau thảo luận trong
một cuộc họp bất thường để tìm ra phương cách tốt nhất trong việc sắp xếp cử
hành tang lễ cho thích hợp, thịnh hành, trịnh trọng và không gây các món chi
tiêu không cần thiết. Nếu như không thể cùng nhau hội họp như trên thì điều tốt
hơn là nên để cho một nhà thầu nhận việc chung sự được tín nhiệm đảm nhiệm cho vì
những người này họ biết phải làm những gì và như vậy thân quyến đỡ gặp khó khăn
trở ngại. Điều khuyên tốt là có thể tìm đến một nhà sư khả kính và nhờ vị này
hướng dẫn gia đình cách thúc tốt nhất để sắp xếp việc tang lễ đứng theo đuờng
lối của Phật giáo. Nên nhớ là cho đến nay, nghi lễ trong Phật giáo không có
luật lệ gì khó khăn và cấp tốc mà phải triệt để thi hành. Trong tất cả mọi vấn
đề chúng ta luôn luôn theo lời dạy của Đức Phật để duy trì điều độ và tôn kính
trong bất cứ điều gì chúng ta làm không gây thiệt hại cho nguời khác. Nếu chúng
ta suy gẫm biết ơn đến điều thiện do nguời quá cố đã làm trong lúc còn tại thế,
và không quên chính chúng ta một ngày nào đó phải ra đi nên chúng ta phải cố
gắng làm điều tốt trong lúc còn sống thì việc đóng góp của chúng ta sẽ có nghĩa
lý và được quý trọng
Cách ăn mặc đúng cách trong tang lễ như thế nào?
Trong Phật giáo, chúng ta bao giờ cũng được khuyến bảo phải ăn mặc tề chỉnh và
vừa phải. Không có luật lệ cứng rắn hay chặt chẽ nào bắt chúng ta phải ăn mặc
như thế nào trong tang lễ, tuy nhiên phương diện thẩm mỹ dạy chúng ta nên ăn
mặc mầu tối và tránh các trang sức trong ý niệm tôn kính cảm nghĩ của tang gia
và tưởng nhớ đến người quá cố. Phụ nữ trong tang chế vẫn có thể đeo nhẫn cưới
hay nhẫn hứa hôn. Tốt nhất là mặc đồ đen, trắng, sám hay các mầu tương tự, vấn
đề hoàn toàn do cá nhân quyết định trong ý niệm sở hữu dù đồ đen thường được
công nhận tượng trưng trong lúc tang chế.
Xác chết nên giữ bao lâu trước khi chôn hay hỏa
thiêu? Với người sống trong khí hậu nóng và ẩm thấp, chúng ta hiểu rằng phân
hủy mục rữa rất nhanh nên việc giữ xác lâu mất vệ sinh. Ngoài ra, việc giữ lâu
khiến cho tinh thần thân nhân bị căng thẳng vì phải kề cận xác chết trong một
thời gian dài quá lâu thực ra không cần thiết. Cũng có một số thân nhân vì quá
đỗi đau thương đã hôn hay sờ mó xác chết quá đáng. Đành rằng cảm nghĩ tình cảm
cao độ với người quá cố mà thân nhân phải chịu đựng, nhưng tình cảm này không
nên quá mức và không nên khuyến khích. Khi không được chỉ bảo ta phải giữ xác
bao lâu cho đúng, ta cũng nên khôn ngoan không nên kéo dài các lễ nghi. Theo
luật lệ thông thường, thời gian việc giữ xác chết chỉ vào khoảng một hay hai
ngày đủ để sửa soạn việc tang lễ cũng như để thông báo cho bạn bè thân quyến.
Vào ngày chôn cất, các nhà sư Phật giáo được mời
đến để triển khai các nghi thức tôn giáo cần thiết tại nhà và tại nghĩa địa. Có
một số người đem heo hay gà quay tượng trưng những phẩm vật cúng cho người quá
cố. Việc làm này không nên tán thành trong Phật giáo vì đưa đến sự giết hại các
loài vật vô tội. Đem hy sinh các con vật để dâng cúng cho người ra đi phản lại
giáo lý từ bi của Đức Phật nên phải được loại bỏ. Đơn giản với một vài tràng
hoa cùng với vài nén nhang và đèn nến đủ để tượng trung cho các phẩm vật dâng
cúng.
CHÔN VÀ HỎA TÁNG
Nhiều Phật tử hỏi là nên đem chôn hay hỏa táng
người chết. Phật giáo là một tôn giáo tự do nên linh động trong vấn đề này.
Không có luật lệ cứng rắn hay bắt buộc trong vấn đề này. Tuy nhiên tại một vài
xứ Phật giáo, việc hỏa thiêu thuờng được thi hành. Việc lựa chọn cách này hay
cách khác tùy thuộc nguyện vọng cuối cùng của người quá cố hoặc ý muốn của
người thân nhân.
Theo quan niệm hiện đại, hỏa táng là một hình thức
rất vệ sinh, nên cần được khuyến khích. Vì y tế được cải tiến, vì nạn nhân mãn,
đất đai ngày càng hiếm có, cho nên việc hỏa táng thích hợp hơn. Nên để đất cho
người sống hơn là xây đầy những mộ chí.
Dù chôn cất hay hỏa táng, một số người nặng tình
cảm, ưa bỏ những vật dụng quí giá vào quan tài ngưòi chết với hy vọng rằng
người chết sẽ dùng đến. Việc chôn hay hỏa thiêu những vật quý giá như vậy không
có nghĩa lý gì hết. Thay vì bỏ những vật dụng đó vào quan tài hay lò thiêu, tốt
hơn là đem quần áo, giầy dép, và những thứ khác cho những người nghèo khổ, khốn
cùng, hoạc tặng các hội tù thiện. Bất cứ sự giúp đỡ nào cho người nghèo và
người túng quẫn là một hành động đáng khen vì có lợi cho cho cả người sống lẫn
người chết. Việc sợ hãi không dám cho kẻ khác dùng đồ vật của người chất thật
vô nghĩa và sai lầm.
LƯU GIỮ TRO CỐT
Câu hỏi thường được đặt ra là có nên chôn tro cốt,
gìn giữ để thờ cúng hay hay đem rắc xuống biển. Đức Phật không để lại một chỉ
thị rõ ràng về vấn đề này. vì Ngài muốn chúng ta hiểu xác thân chỉ là sự hỗn
hợp của vật chất và sau khi chết, những thứ này lại trỏ thành những nguyên tố.
Đức Phật dạy xác thân là do các nguyên tố Đất, Nước, Gió Lửa lập thành. Sau khi
chết, hai chất còn lại là Đất và Nước trở thành tro sau khi thiêu, không còn
một ý nghĩa về tâm linh gì cả. Vì di thể của nguời chết là những người ta
thuơng yêu, nên chúng ta phải kính trọng. Nhưng chúng ta phải hiểu là không nên
quá xoắn-xít quanh những di thể này, hoặc nghĩ rằng dầu sao chúng ta chẳng còn
liên hệ gì với người đã chết. Kinh Phật dạy rằng sau khi ta chết, linh hồn hay
(thần thức) thoát khỏi thân xác, và gá vào một thân xác khác ở một nơi nào đó.
Việc lưu giữ xác chết có từ hồi xa xưa của chúng
ta. Vào thời đó, người ta tin rằng linh hồn bất tử. Trường hợp những nguời Ai
Cập ướp xác vì họ hy vọng người chết vẫn còn có thể liên lạc được với người sống.
Những lăng mộ vĩ đại và những lâu đài đuợc xây dựng để gìn giữ xác chết. Nhưng
những việc thực hành này chỉ dành cho các nhân vật quan trọng như vua chúa và
các vị lãnh đạo tôn giáo. Phần còn lại, xác chết của dân chúng chỉ được chôn
cất sao cho thuận tiện,
Trái lại một tập tục khác gọi là thờ cúng Tổ Tiên.
Theo đó, người sống liên lạc với người chết qua nhũng tập tục lễ nghi chung
quanh bàn thờ người chết. Điều này đưa đến việc lưu giữ tro cốt trong bình hoặc
đồ thờ. Việc làm này vẫn còn được thi hành cho đến ngày nay.
Một số người thích thờ cúng tro cốt trong nhà, một
số người khác lại đem chôn, hoặc đem tro cốt rắc xuống bIển hay xuống sông. Đây
là tập tục căn bản của Ấn Độ Giáo vì họ tin rằng tro cốt cuối cùng sẽ hợp nhất
với lực đã khai sáng ra nó.
Áp dụng một trong nhũng phương pháp trên không có
gì hại cả. Nhưng chúng ta đừng quên là Phật tử, chúng ta phải áp dụng phương
pháp nào. Chúng ta cũng đừng hiểu lầm rằng để tro cốt ở những nơi thiêng liêng
như chùa chiền, người quá vãng sẽ được "an toàn" vì không bị nghiệp
lực lôi kéo. Việc để tro cốt trong chùa chẳng có gì hơn ngoài việc biểu lộ sự
kính trọng với người đã khuất. Trong Phật đạo. việc giữ tro cốt người quá cố
hoàn toàn do tang quyến định đoạt tùy theo sỡ thích và lễ nghi.
THỜI GIAN ĐỂ TANg
Khi một người chết, thân nhân thường dành một thời
gian để tang. Thời gian này tùy theo sự liên hệ của người quá cố với những thân
quyến trong gia đình có tang. Trong thời gian này, thân nhân phục sức theo một
lối nào đó, tránh các hội hè, đình đám và du hý. Một số người mặc đồ trắng, một
số khác mặc đồ đen, một số không tham dự các lễ cưới hay những tiệc tùng thời
gian một năm vân vân... Việc trên không phải là đặc lệ của người Phật tử phải
áp dụng vì kinh Phật không hề nói đến. Tuy nhiên các cộng đồng đã đặt ra một số
nghi thức riêng biệt căn cứ theo tập tục văn hóa của mình, và được chấp nhận là
của "Phật tử". Hậu ý của họ là để tưởng niệm người quá vãng, nhắc nhở
việc tử vong của chính mình, và phát triển nguồn tỉnh giác tâm linh. Nếu áp dụng
một cách sáng suốt, và nếu các việc thực thi không làm trở ngại gì đến cuộc
sống, là Phật tử, chúng ta không có lý do gì để phản đối. Con Đường của Người
Phật tử Là Con Đường Trung Đạo, Con Đường Điều Độ Trong Tất Cả Mọi Việc.
NGHI THỨC SAU TANG LỄ VÀ
CÁC BUỔI LỄ TƯỞNG NIỆM
Rồi có những câu hỏi về nghi thức sau tang lễ. Một
số người cầu nguyện cho người chết vào ngày thứ bẩy, ngày thứ 49, vào ngày thứ
100, trong khi một số người khác, ngoài việc làm lễ cầu nguyện vào ngày thứ
bẩy, còn làm lễ sau ba tháng và một năm. Một số người tin tưởng là thần thức
người chết có thể trở về vào những thời gian đặc biệt đó. Tin hay không tin,
việc đó không quan trọng với chúng ta. Một buổi lễ để tuởng niệm người quá cố,
đưọc bạn bè và tang quyến tham dự cùng nhau chia sẻ về tâm linh, hỗ trợ tinh
thần và làm vơi nỗi đau buồn của thân nhân rất là cao quí. Các buổi lễ như vậy
không cần thiết phải được tổ chức vào một ngày đặc biệt nào đó. Bất cứ ngày nào
thuận tiện cho tất cả mọi người là đủ để chấp nhận được cho việc tổ chức buổi lễ
này.
NGÀY CÔ-HỒN không phải là danh từ hay việc tập tục
của Phật giáo. Tuy nhiên đó là một việc làm tốt khi cả cộng đồng dành một ngày
riêng biệt để tuởng niệm những người quá cố, cùng nhau làm sạch sẽ các nghĩa
địa và dâng hoa để tể tỏ lòng tôn kính. Việc này cho thấy con cháu người quá cố
tỏ lòng hiếu thảo và làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ tiên. Phật giáo không hề phản
đối việc bày tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ cao đẹp này khi những hành động đó
giúp các giới trẻ tỏ bày lòng tôn kính những người già cả, và tích cực thực thi
truyền thống vinh danh hương hồn Tổ tiên. Tuy nhiên, việc một số người gây ấn
tượng sợ hãi là nếu không thi hành những tập tục nói trên, người chết sẽ hiện
về hành hạ và nhiễu loạn thân quyến là hoàn toàn vô căn cứ.
BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG
Trong hầu hết các cộng đồng, các buổi lễ tôn giáo
thường đuọc thi hành trong một thời gian theo sau tang lễ. Việc làm này của
người Phật tử là góp phần trong phần cúng dường và hồi huớng công đức cho người
quá cố. Thân nhân tang quyến và một số bạn bè thường mời các nhà sư và dâng
cúng vật dụng cần thiết như thực phẩm và thuốc men. Việc dâng cúng này góp phần
vào đời sống vật chất của các vị thánh thiện được coi như là một hành động công
đức. Những người Phật tử hiểu biết còn tặng phẩm vật cho các tổ chức từ thiện,
các người túng bấn, và các kế hoạch xây dựng cơ sở tôn giáo cũng như tặng không
kinh sách tôn giáo cho dân chúng để tưởng nhớ mãi mãi đến người đã khuất. Những
người thành tâm dâng cúng với một tấm lòng khẩn thiết, tâm địa họ trở nên phóng
khoáng. Họ có những hành động tốt như vậy là để tưởng nhớ và tạo sợi dây liên
lạc tâm linh với người quá cố. Nếu người quá vãng ở trong một vị thế thuận lợi
để tiếp nhận các nguồn sóng tâm linh (hồi hướng công đức), họ sẽ nhiều điều lợi
lạc. Mặt khác nếu họ không ở trong một môi trường thuận lọi, những việc thiện
đó cũng không phí phạm vì nó giúp cho người sống, một khi đã có tư tưởng tốt,
sẽ có một tâm hồn cao đẹp. Các nhà sư Phật giáo tại bất cứ chùa nào lúc nào
cũng sæn sàng khuyến cáo tang quyến phải làm những điều cần thiết trong việc
cúng duờng.
KẾT LUẬN
Chúng tôi tha thiết hy vọng các bậc lãnh đạo Phật
tử địa phương nhận thức được một số tập tục nói trên đang thịnh hành có tính
cách tiêu cực và thành kiến, ngõ hầu cải tạo để cho bất cứ những tập tục nào mà
chúng ta thi hành phải có đầy dủ ý nghĩa. Các bậc lãnh đạo của chúng ta nên
đánh giá lại những tập tục hiện hành và nhận thức những điều khẩn thiết để cải
tổ việc giáo dục quần chúng và việc phổ biến rộng rãi mục tiêu này.
Nguyên tác: “Is death
really frightening” của Hòa thượng K. S. Dhammananda