20/08/2013 17:56 (GMT+7)
Số lượt xem: 1428
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sự kỳ bí "độc nhất vô nhị" của nghi thức Lễ tấn phong Phật sống truyền thế cũng như vai trò cực kỳ to lớn của Phật sống sau khi được tấn phong, đã thu hút sự quan tâm không những của người dân Trung Quốc (TQ), mà còn nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Lễ chọn và tấn phong  diễn ra theo đúng các quy tắc và lễ nghi tôn giáo cổ truyền. Người được chọn làm Đệ lục thế đức chu hoạt Phật (Đức Phật truyền thế đời thứ 6) là Lạc Tang Đa Cát sinh ngày 30/11/2005 tại huyện Long Tử, khu Sơn Nam (Tây Tạng).

Nằm ở phía tây nam có đường biên giới chung với nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nepal, Myanmar, Afghanistan, Tây Tạng là vùng đất rộng lớn của TQ. Do địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, dân cư thưa thớt nên vùng đất này hầu như bị tách khỏi phần còn lại của thế giới. Người ta chỉ biết tới Tây Tạng là "nóc nhà của thế giới" với dãy núi Himalaya cao nhất hành tinh, quanh năm tuyết phủ. Nhưng Tây Tạng không phải chỉ có vậy. Nơi đây còn ẩn chứa một nền văn hóa rất phong phú và  đặc sắc nhiều khi mang đậm màu sắc tâm linh với những tập tục rất riêng. Một trong những số đó là tập tục Phật sống truyền thế.

Phật sống thứ 6 được tấn phong tại Tây Tạng.

Phật giáo ở Tây Tạng và cả vùng Nội Mông (mộtvùng đất  nằm ở phía tây bắc TQ, được gọi chung là Thanh - Tạng), được coi là "quốc giáo". Ngay từ  giữa thế kỷ VII,  theo chân các nhà sư, Phật giáo đã từ Ấn Độ, Nepal và Trung nguyên (tức TQ) du nhập vào vùng Tây Tạng và cả vùng Nội Mông Thanh Hải. Tại những nơi này Phật giáo từ bên ngoài kết hợp với một số tôn giáo bản địa đã dần dần hình thành nên môn phái Phật giáo mang đặc điểm riêng của vùng và được gọi là Tạng truyền Phật giáo (hoặc còn có các tên gọi khác như Tây Tạng Phật giáo, Tạng ngữ hệ Phật giáo, hoặc Lạt Ma giáo).

Tạng truyền Phật giáo gồm 5 giáo phái chủ yếu là Ninh mã phái (Hồng giáo), Cát đương phái (Hắc giáo), Cát cử phái (Bạch giáo), Tát già phái (Hoa giáo) và Cách lỗ phái (Hoàng giáo). Một trong những đặc điểm riêng của Tạng truyền Phật giáo là thực hành chế độ  Phật sống truyền thế, tức Hoạt Phật truyền thế.

Phật sống truyền thế là một tập tục chỉ có riêng của Phật giáo Tây Tạng. Tập tục này xuất hiện ở Tây Tạng vào khoảng thế kỷ thứ XIII do giáo phái Cát cử (Bạch giáo) định chế ra, sau đó được tất cả các giáo phái Phật giáo ở Tây Tạng phỏng theo mà áp dụng cho giáo phái mình.

Tập tục Phật sống truyền thế được lập ra căn cứ vào giáo lý "Tọa hóa độ sinh" (đức Phật tái thế) của Đức Phật Thích Ca. Theo giáo lý này thì khi Đức Phật (tức người đứng đầu giáo phái) viên tịch (chết đi) sẽ đầu thai và mang hình hài một đứa trẻ nào đó (gọi là linh đồng).

Các vị cao tăng của giáo phái đó sẽ căn cứ vào vô số các lời dặn dò trước khi viên tịch của vị Phật sống của giáo phái mình và cả những lời báo mộng của vị thần Hộ pháp có tên Lạp Mục Xuy Trung về phương hướng và địa danh  mà linh đồng sinh ra, đồng thời kết hợp với sự quan sát hình tích của linh đồng đã được thể hiện trong "hình mẫu thánh hồ" (tức là hình bóng của Đức Phật in trên mặt nước) v.v... mà chia thành nhiều nhóm để đi tìm vị linh đồng đó.

Sau khi tìm được linh đồng (có thể có nhiều linh đồng, thí dụ vào năm 1994 người ta đã tìm được 28 linh đồng ở rải rác trong 46 huyện thuộc 5 tỉnh của vùng Tây Tạng và Nội Mông),  các vị cao tăng lại sẽ căn cứ vào phương và năm (tính theo can chi), kết hợp với phong thủy của vùng đất nơi linh đồng sinh ra và những điều kiện khác như tướng mạo,  khả năng đối đáp của linh đồng khi được hội đồng các vị cao tăng hỏi han v.v... để tiến hành phân tích, so sánh sàng lọc một cách hết sức cẩn thận.

Cuối cùng chọn lấy một danh sách khả dĩ các linh đồng có thể được chọn làm Phật sống để sau đó trở thành người đứng đầu giáo phái của mình (thí dụ năm 1994 danh sách này gồm 7 linh đồng). Cho tới lễ tuyển chọn thì lọc một lần nữa để có danh sách cuối cùng  (năm 1994 còn 3 linh đồng, còn năm 2010 thì chọn được 2 linh đồng).

Bước quyết định là lễ tuyển chọn được tiến hành trong một ngôi chùa linh thiêng nhất của giáo phái đó. Trước tượng Thích Ca Mâu Ni và với sự hiện diện của các vị cao tăng, đại đức, các quan chức chính quyền từ trung ương tới địa phương, người ta viết tên của các linh đồng đã "qua các bước sơ tuyển và được vào vòng chung kết" lên những tấm thẻ làm bằng ngà voi.

Các tấm thẻ này được cho vào các túi bằng lụa hoàn toàn giống nhau. Sau khi được niêm phong cẩn thận, các túi có đựng thẻ này được cho vào một cái bình bằng vàng (gọi là bình Kim Bôn ba) và được đặt trên bệ thờ. Sau một loạt các nghi thức hành lễ tôn giáo, một vị cao tăng xóc những tấm thẻ đó trong bình và rút ngẫu nhiên một cái túi có đựng thẻ rồi giao cho vị chủ lễ.

Tấm thẻ trong túi được rút ra cho tất cả các vị cao tăng và quan chức cùng xác định tên tuổi của người được viết trên tấm thẻ đó. Khi mọi người không còn thắc mắc gì nữa, vị chủ lễ tuyên bố tên vị linh đồng được chọn làm Phật sống. Và vị Phật sống này sẽ trở thành người đứng đầu giáo phái.--PageBreak--

Việc rút thẻ để xác định Phật sống truyền thế (còn gọi là lễ "rút thẻ bình vàng", hay còn được gọi là lễ " Kim bình xiết thiêm"), được quy định từ năm 1792 do Vua Càn Long (làm vua 60 năm, từ năm 1736 đến 1796, được coi là  thời thịnh trị nhất của nhà Thanh)  đặt ra.

Còn trước năm 1792 thì việc xác định "linh đồng" chỉ là sự chọn lựa của những vị chức sắc Phật giáo của môn phái đó. Điều này dẫn đến những việc làm sai trái.

Thí dụ có những trường hợp do mối quan hệ gia đình họ hàng thân thiết mà người ta đã lựa chọn "linh đồng" là người của gia tộc mình, như trường hợp Đạt Lai Trát Tất Khắc của vùng Nội Mông đã "tiến cử linh đồng" là con của Vương Công gia (một người họ hàng với mình).

Hoặc cũng có trường hợp sau khi Phật sống Triết Bố Tôn Ban viên tịch thì tộc trưởng Phúc Tấn (là người có quyền chọn linh đồng) đã chỉ vào bụng vợ đang có mang và bảo: đó là linh đồng truyền thế. Nhưng đến khi sinh ra lại là con gái! Và việc này đã sinh ra chuyện thị phi trong cả giáo phái.

Nói chung chuyện tương tự như vậy là không hiếm. Vì vậy năm 1792, Vua Càn Long đã ra một chỉ dụ: Chế ra một bình làm bằng vàng tặng cho Tây Tạng. Khi tiến hành lễ chọn Phật sống thì viết tên của tất cả những người được lựa chọn, tên mỗi người được viết vào một cái thẻ đặt vào bình vàng. Sau đó sẽ rút thẻ để xác định "linh đồng truyền thế". Tất nhiên việc này cũng không thể xóa bỏ hoàn toàn tệ nạn đã nêu, nhưng dù sao cũng làm giảm đi những điều tai tiếng.

Vì Tạng truyền Phật giáo gồm nhiều giáo phái khác nhau. Trong quá trình phát triển của mình, một số giáo phái đã tìm cách giành được sự ủng hộ của chính quyền ở địa phương và trung ương nên nắm được chính quyền, hình thành nên một chính quyền - tôn giáo hợp nhất, tức là người đứng đầu giáo phái (Phật sống của giáo phái đó) cũng đồng thời là người đứng đầu chính quyền của cả vùng Tây Tạng, Nội Mông).

Phật sống ngày được tấn phong.

Thí dụ từ năm 1253 đến 1270, Nguyên Thế tổ Hốt Tất Liệt đã phong cho Bát Tư Ba, Ngũ tổ của giáo phái Tát già chức Đại Bảo pháp vương, được quyền lĩnh chức Hành chính trưởng quan khu Tây Tạng. Đến thế kỷ XIV, Cát cử phái cướp chính quyền ở Tây Tạng và được sự thừa nhận của chính quyền Trung ương. Nguyên Huệ tông đã phong Giáng Khúc Tương Tham (Phật sống của phái Cát cử) chức Đại tư đồ đứng đầu chính quyền Tây Tạng.

Khoảng giữa thế kỷ XVII, Cách lỗ phái trở thành giáo phái đứng đầu ở Tây Tạng, thay thế cho Cát cử phái và duy trì vai trò đó cho tới tận ngày nay. Cách lỗ phái (hay còn gọi là Hoàng giáo, do các môn đệ của giáo phái này đầu luôn đội mũ màu vàng) xuất hiện vào đầu thế kỷ XV do Tông ca ba đại sư sáng lập. Tông ca ba đại sư còn có tên gọi Lạc Tang Trát Ba sinh năm 1357 tại làng Tông Ca huyện Hoàng Trung, tỉnh Thanh Hải thuộc Nội Mông. Lúc nhỏ tu tại chùa Hạ Quỳnh (Thanh Hải), năm 16 tuổi vào Tây Tạng. Sau nhiều năm trời tu hành khổ luyện, tinh thông Phật pháp, Tông ca ba đại sư đã khai sáng một giáo phái mới có tên Cách lỗ phái (tiếng Tạng “cách lỗ” nghĩa là thiện quy).

Tương truyền danh hiệu Đạt Lai (tiếng Tạng có nghĩa là "đạo đức sâu rộng, vô sở vô năng") và Ban Thiền (có nghĩa là “đại trí đại dũng”) là do Vua Thuận Trị (vua nhà Thanh từ năm 1644 đến 1662) phong tặng. Vị Ban Thiền Lạt ma hiện nay của Hoàng giáo là Thập nhất thế Ban Thiền (tức Ban Thiền Lạt ma thứ 11 tính từ Đệ nhất Ban Thiền Khải Châu), có tên là Gian Sena Norbi, sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Gia Lễ khu Tây Tạng, lên ngôi Ban Thiền ngày 8/12/1995, khi đó mới tròn 6 tuổi.Tông ca ba đại sư có hai đại đồ đệ tài hoa xuất chúng giúp đỡ, một vị có tên Căn Thục Châu Ba, một vị tên là Khải Châu (hay còn gọi là Khắc Châu Kiệt). Sau khi hai vị này tạ thế, theo chế độ Phật sống truyền thế, cả  hai vị đều lần lượt được truy tặng là Phật sống tối cao của Hoàng giáo. Căn Thục Châu Ba được gọi là Đệ nhất Đạt Lai Lạt ma, Khải Châu được gọi là Đệ nhất Ban Thiền Lạt ma (một số tài liệu dịch Ban Thiền Lạt ma là Pachen Lạt ma).

Từ trên giáo nghĩa mà xét thì danh phận của Đạt Lai và Ban Thiền là hoàn toàn tương đồng với quyền lực của tôn giáo, còn xét về mặt lịch sử thì quan hệ giữa hai vị đại Phật sống này là quan hệ thầy trò (Đạt Lai được coi là thầy của Ban Thiền). Cho tới năm 1751, triều đình nhà Thanh đã tiến hành cải cách chế độ chính trị của Tây Tạng bằng việc cử  một vị Khâm sai đại thần thường trú tại đây, đồng thời thành lập Chính phủ Catxia (Các hạ) để phối hợp với Đạt Lai và Ban Thiền trong việc chủ trì công việc của Tây Tạng.

Từ năm 1949,  Tây Tạng trở thành một khu tự trị của nước Trung Hoa mới thì chính quyền Trung ương đã  tôn trọng những nghi lễ của các giáo phái Phật Tạng, trong đó có nghi lễ Phật sống truyền thế. Ngay từ khi Đệ ngũ thế hoạt phật Giang Bạch Các Tang Gia Thố từ trần ngày 11/3/2000, chính quyền khu tự trị Tây Tạng căn cứ vào  tập tục "Tạng truyền Phật giáo hoạt phật truyền thế" đã ra thông báo về quyết định "phê chuẩn việc tìm vị Hoạt  Phật mới".

Sau đó tiểu tổ tìm kiếm Hoạt Phật được thành lập do các vị cao tăng, đại đức của ngôi chùa Trát Quả tự  phụ trách. Trải qua hàng chục năm tìm kiếm, cuối cùng tiểu tổ đã tìm được 2 "linh đồng". Và tới cuộc "xóc bình vàng" rạng sáng 4/7 đã xác định được  Đệ lục thế Hoạt Phật của Phật giáo Tây Tạng.

Nguồn: An ninh Thế giới

http://www.nguoiduatin.vn/nhung-chuyen-la-thuong-ve-truyen-nhan-cua-duc-phat-a98111.html


Âm lịch

Ảnh đẹp