, cứ đi mãi không biết dừng nơi đâu? Đức Phật
thấy được những nẻo đường của chúng sanh đến và đi nên Ngài mới nói “Thuyết
luân hồi”.
Thuyết luân hồi nói lên lẽ thực của kiếp người, Đức Phật nhớ rất rõ,
thấy rất thật mà nói lại cho chúng ta chứ không phải Ngài tưởng tượng ra - Ảnh minh họa
Luân hồi là gì? Luân là bánh xe, hồi là
lăn tròn. Luân hồi đi đâu? Không ngoài ba đường ác và ba đường lành, cứ lên
xuống quay tròn như vậy hoài, gọi là luân hồi. Nếu người làm điều tốt khi chết
sẽ đi các đường trên. Hưởng hết phước rồi thì tuột xuống trở lại, còn kẻ làm
xấu thì đọa vào các đường dưới, đền trả hết nghiệp mới được trồi lên. Lên
xuống, lên xuống không ra khỏi vòng lục đạo nên gọi là bánh xe luân hồi. Đó là
nói luân hồi trong các đường.
Khi chúng ta đã biết thuyết luân
hồi trong ba đường lành, ba đường dữ rồi, bây giờ phải làm sao? Phải chọn ba
đường lành mà đi, tối thiểu cũng phải đi lại đường cũ của mình, là làm người.
Ai khá hơn thì vươn lên trên cõi trời. Muốn trở lại cõi người, Phật dạy phải
thọ Tam quy, giữ năm giới. Năm điều kiện đó là Nhân thừa Phật giáo, tức tu để
được làm người. Đó là điều căn bản mà chúng ta phải nhớ.
Nghiệp là một luật rất công bằng
cho tất cả mọi loài, mình tạo thì mình hưởng. Làm phước được phước, làm tội
chịu tội. Nếu làm trọn mười điều ác thì đi thẳng xuống địa ngục, không nghi
ngờ. Khá khá hơn không tới mười điều, nhưng nặng về tham thì sanh vào loài quỷ
đói. Ngạ quỷ sống lang thang trong cõi thế gian, tuổi thọ rất lâu phải chịu đói
khát ghê lắm, nên kiếp ngạ quỷ cũng hết sức khổ. Kế đến súc sanh, trong mười
điều ác làm chừng năm điều là đủ làm súc sanh rồi. Súc sanh nặng về si nên
không biết phân biệt gì hết, không có tư cách như con người.
Ai bắt mình đi trong sáu đường?
Nghiệp bắt. Nghiệp do ai tạo? Không ai có quyền áp đặt ta, tự ta quyết định, tự
ta chọn lựa mà thôi. Không phải ta có tội Phật đày xuống dưới địa ngục hay có
phước Phật đưa lên cõi trời. Như hiện giờ chúng ta có mặt trên thế gian này, có
người khá giả có kẻ nghèo nàn, cơ cực là do ai? Đổ thừa trời khiến được không.
Sự thực tại người không có phước nên tính đâu trật đấy, làm gì cũng thất bại
nên nghèo. Còn người có phước tính đâu trúng đó nên giàu. Đó là do phước nghiệp
riêng của mỗi người tạo ra, chớ không phải ai đem đến cho mình.
Đời hiện tại của chúng ta có hai
điều quan trọng. Thứ nhất là trả nợ hoặc hưởng phước của quá khứ. Nhiều người
sanh ra là con ông lớn hoặc nhà giàu, đó là hưởng phước. Nhiều người sanh đã mồ
côi hoặc cha mẹ nghèo khổ bần cùng, hung dữ, độc ác… đó là trả nợ. Thứ hai là
chuẩn bị cho đời sau. Thành ra ta có chuyển nghiệp là chuyển ngay đời hiện tại,
cho nên đời hiện tại rất quan trọng. Nếu cuộc sống này mình được nhiều thuận
lợi thì nên chuẩn bị cho mai kia, đừng để tuột xuống. Nếu cuộc sống này bất như
ý mình cũng cười, vì biết tại hồi xưa mình ngu nên bây giờ phải chịu thôi. Bây
giờ đền lại cái ngu hồi xưa nên cam chịu không giận ai, không kêu trời trách
đất. Cố gắng làm sao tạo duyên tốt để hiện đời an vui phần nào và mai sau được
tốt đẹp hơn.
Người hiểu được thuyết luân hồi
của Phật dạy thì cuộc sống nội tâm vững vàng, nghèo không trách, giàu không tự
cao. Bởi biết bây giờ ta hưởng mà không làm tốt nữa thì mai kia tuột xuống sẽ
khổ. Hoặc hiện giờ mình bị những đày đọa thì vui vẻ chấp nhận, sửa lại đừng để
tuột xuống nữa mà phải nâng lên. Như vậy là tu. Biết rõ lý luân hồi tự nhiên ta
tạo cho mình con đường đi lên, không có tâm oán hờn thù ghét ai hết.
Thế gian thường có bệnh, mình
nghèo mà ai giàu thì thấy ghét người ta. Mình học dở thấy người học giỏi thì
ganh tỵ. Đó là tật xấu, tự mình chuốc nghiệp mà thôi. Trong kinh Phật nói, từ
khi phát tâm tu cho tới thành Phật, trải qua ba vô số kiếp làm tất cả các việc
công đức mới thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Như vậy sự tích lũy rõ ràng
không mất, tích lũy tốt thì quả nối tiếp tốt, tích lũy xấu thì quả nối tiếp
xấu.
Người thế gian không biết nên oán
trách cha mẹ không có phước nên sanh mình ra khổ. Hoặc cha mẹ không có tài nên
mình bây giờ phải thua sút người ta. Mà không biết chính mình thọ nhận quả báo
đời trước đã tạo nên mới sanh vào gia đình tương ưng như thế. Cha mẹ chỉ là
phần phụ thôi, gốc là bản thân mình. Như vậy thuyết luân hồi nói lên lẽ thực
của kiếp người. Đức Phật đã thấy, đã nhớ rõ ràng nên nói ra cho chúng ta biết,
chớ không phải do Ngài tự tưởng tượng. Ngày nay mình nghe hơi khó tin. Bởi vì chúng
ta nhìn nông cạn quá nên không tin được.
Khi biết rõ kiếp luân hồi như vậy,
ai can đảm tạo thêm những nghiệp ác để chịu khổ hơn? Cho nên chúng ta phải tinh
tấn làm những điều lành. Nếu không làm cho ai, ít ra ta cũng giữ được phần
mình, đừng phạm những giới đưa ta đi xuống. Đó là tu. Đức Phật thấy rõ sự nguy
hiểm của luật nhân quả luân hồi nên chỉ cho mình đường lối tu, chớ không phải
áp đặt mình làm gì. Khi quy y thọ năm giới, quý thầy hỏi Phật tử “giữ được
không?”, quý vị giữ được thì nói “dạ được”, còn nếu giữ chưa được thì làm
thinh, chớ Phật đâu có ép. Vì giữ giới là giữ cho mình, không phải giữ cho
Phật.
Đi sâu vào tâm lý mỗi người, chúng
ta sẽ thấy mình đã từng quen thuộc, ưa thích với những việc làm của thuở quá
khứ. Ví dụ như bản thân tôi, tại sao lại thích tu? Người đời lớn lên lo chuyện
làm ăn hoặc gì gì đó, tại sao mình không thích những chuyện ấy mà lại thích đi
tu? Như vậy là từ đời quá khứ ta đã tích lũy hạt giống đó rồi, nên bây giờ có
mặt đây luôn nhớ việc ấy. Rõ ràng chúng ta không quên hết nhân quá khứ, nhân
nào chứa sâu đậm sẽ trở thành sở thích, việc làm của mình trong đời này.
Có người ra đời thích làm lành, có
người ra đời lại hung dữ. Mỗi người thích mỗi cách, đó là do sự tích lũy của
quá khứ khác nhau. Quý Phật tử kiểm lại xem, nếu do gien cha mẹ sanh ra là yếu
tố duy nhất tạo thành những đứa con sau này, thì cha mẹ bệnh tật gì con cũng
phải bệnh tật y hệt như thế. Rồi tâm hồn của con do cái gì tạo?
Có nhiều cha mẹ
rất hiền nhưng con không hiền. Hoặc ngược lại cha mẹ dữ mà con lại hiền. Những
sự khác biệt đó, nhà Phật gọi là nghiệp tích lũy của quá khứ, chúng ta mang
theo khi thọ sanh. Những gì mình đã chứa chấp đời trước, bây giờ nó hiện ra rõ
ràng. Như hai anh em ruột, thể xác giống chút chút mà tâm hồn không giống nhau.
Như vậy mới thấy mỗi người sanh ra mang một nghiệp khác nhau, từ đó có những
sai biệt khác nhau.
Thế thì muốn trên đường luân hồi
mình đi đường tốt, không đi đường xấu phải làm sao? Thấy người đáng ghét ta nên
xử sự thế nào? Nên nghĩ rằng họ có làm gì hại mình mà ghét. Ghét người như vậy
là ta đã có ý nghĩ xấu rồi. Nếu tiếp tục nuôi dưỡng ý nghĩ này, sanh chuyện nói
này nói kia với người ta là cái cớ để tạo thêm nghiệp. Nếu mọi người đều biết
tu như vậy thì gia đình, xã hội đẹp biết bao nhiêu.
Muốn biết có luân hồi hay không,
chúng ta cứ nghiệm trong tâm niệm của mình sẽ rõ. Cha mẹ sanh thân được mà
không thể sanh tâm niệm của mình. Có tâm niệm rất lành, có tâm niệm rất dữ. Như
vậy tâm niệm đó từ đâu ra? Chính do sự tích lũy của đời trước, không nghi ngờ
gì hết. Tích lũy tức là những gì đời trước mình đã từng làm từng huân tập. Đời
này trở lại những thứ tích lũy đó không mất. Trong kiếp luân hồi chúng ta theo
nghiệp mình đã tích lũy, chất chứa mà hiện ra thành tâm hồn cá biệt của mỗi
người.
Nên nói đến luân hồi chúng ta đừng thèm suy gẫm gì hết,
cứ nhìn lại nội tâm mình thì biết ngay. Tại sao người đó chưa quen thuộc gì hết
mà mình thấy dễ thương, hoặc kẻ kia cũng chẳng quen thuộc gì hết mà mình thấy
phát ghét. Đâu có trả lời được. Tại vì chúng ta không nhớ nổi, nên nói không
biết tại sao kỳ vậy. Thật ra do nghiệp tích lũy của quá khứ chiêu cảm nên.
Trên
đời này ai không có những người thân, những kẻ thù. Có thân, có thù gặp lại
nhau là khổ. Người thân thì mình thương, người thù thì mình ghét. Nhiều người
nói tại sao anh chị có duyên quá, xin cái gì cũng được. Còn tôi vô duyên xin
cái gì cũng không ai cho. Chẳng qua hồi trước mình hất hủi thiên hạ quá, bây
giờ tới phiên người ta hất hủi lại mình. Bình đẳng thôi.
Như vậy mình tạo nghiệp lành, nghiệp dữ không đợi đời
sau mới trả quả mà ngay hiện tại cũng ứng hiện quả báo phần nào. Người Phật tử
cần phải nắm vững thuyết luân hồi để chọn con đường lành mà đi, không khéo rơi
vào các đường dữ, chịu khổ nhiều kiếp, không biết bao giờ mới ra khỏi. Lẽ thực
này, chúng ta không thể không biết.