Đấy cũng chẳng khác gì với các trò chơi điện tử mà người
chơi phải trải qua nhiều « kiếp sống » thì sau đó mới thắng được (tức đội lốt một
nhân vật nào đó trong cuộc chơi và phải chơi đi chơi lại nhiều lần cho « quen
tay » thì mới thắng được). Quan điểm ấy mang tính cách tự xem
mình là trung tâm và vì thế là những gì hoàn toàn trái ngược lại với giáo huấn
của Đức Phật.
Hơn nữa như chúng ta đã biết, Phật
giáo phủ nhận sự vĩnh cửu và đặc tính bất biến của linh hồn. Chẳng những linh
hồn sẽ phải chết mà thật ra thì nó cũng đã chết khi phải chuyển đổi từ khoảnh
khắc này sang khoảnh khắc khác. Chúng ta không còn giống với những lúc còn ấu
thơ nữa, và sự sống thật ra sẽ còn tiếp tục biến chúng ta trở thành khác hơn
với những gì mà chúng ta hiện đang có trong ngày hôm nay.
Thuật ngữ « tái sinh » có
vẻ phù hợp nhất với giáo huấn của Đức Phật. Thuật ngữ này phản ảnh thật trung
thực với từ punarbhava trong tiếng
Phạn mà nghĩa từ chương là « sinh ra trở lại ». Khi cái chết xảy đến thì
tất nhiên sẽ phải có một cái gì đó mất đi, thế nhưng cũng không phải vì thế mà bắt
buộc phải có một cái gì khác còn giữ nguyên như cũ. Cũng thế, nếu đem ngọn lửa
của một ngọn đèn này để thắp cho một ngọn đèn khác thì nó có còn giữ được đúng với
ngọn lửa trước kia, tức là sau khi đã được chuyển từ ngọn đèn này sang ngọn đèn
khác hay không ?
Một người nào đó sau khi tái sinh thì
sẽ không còn giống như trước nữa thế nhưng cũng không phải là hoàn toàn khác
hẳn.
Một mẫu đàm thoại rất nổi tiếng giữa
nhà Vua Di-lan-đà (Milinda) và một đệ tử của Đức Phật là Na-tiên (Nâgasena) sẽ
được trích dẫn dưới đây nhằm nêu lên tất cả sự khó khăn trong việc tìm hiểu về
chủ thuyết này.
« Nhà
vua Di-lan-đà hỏi nhà sư Na-tiên như sau :
-
Thế linh hồn có hiện hữu hay không ?
-
Trong lãnh vực của sự thật tuyệt đối thì không ! (linh hồn chỉ là một khái niệm quy ước)
-
Này tỳ kheo Na-tiên, phải chăng là có một con người hoán chuyển từ thân xác này
sang một thân xác khác hay không ?
-
Không.
-
Thế nhưng tại sao người thứ hai lại phải gánh chịu các lỗi lầm đã có từ trước (người tái sinh gánh
chịu nghiệp do người quá cố gây ra).
- Nếu giả sử không có sự tái sinh
thì nhất định là người ấy phải tiếp tục gánh chịu lỗi lầm từ trước. Thế nhưng
vì có sự tái sinh cho nên người ấy không còn gánh chịu lỗi lầm nữa (có nghĩa là người tái sinh – hay là người « thứ
hai » – sẽ phải gánh chịu các lỗi lầm từ trước. Khái niệm này tương đối khó
nắm bắt bởi vì một mặt thì sự lý luận của chúng ta luôn bị chi phối bởi sự trường
tồn, tức bởi « cái tôi » hay « cái ngã », và mặt khác thì chúng
ta lại xem cái chết và sự tái sinh tượng trưng cho những sự « gián đoạn »,
và mỗi kiếp sống thì mang tính cách « độc
lập ». Nếu muốn nắm vững khái niệm này thì có thể xem thêm « Na-tiên Tỳ
kheo Kinh », vì trong kinh này có nhiều đoạn giải thích khá rõ ràng về sự
tiếp nối và biến đổi giữa các kiếp sống của một cá thể dưới sự chi phối của
nghiệp, hoặc cũng có thể xem thêm một bài viết ngắn mang tựa đề « Khái niệm
về nghiệp trong Phật Giáo » của người dịch đã đăng trên các trang thuvienhoasen.org,
hoặc quangduc.com..., hoặc cũng có thể sử dụng phép thiền định để quán thấy sự
biến đổi của thân xác và tâm thức mình trong từng khoảnh khắc một và tiếp tục suy
ra sự biến đổi ấy qua những kích thước sâu rộng hơn – ghi chú thêm của người dịch).
Đối
với một số người thì khái niệm tái sinh như vừa được trình bày trên đây thật minh
bạch và dễ hiểu. Âm hưởng của nó vang lên thật phù hợp với kinh nghiệm mà bất
cứ ai cũng có thể cảm nhận được trong khi thiền định. Trong những lúc thiền
định đó thì người ta sẽ nghiệm thấy được các sự gián đoạn làm phát sinh ra sự
tiếp nối liên tục như thế nào. Thế nhưng sẽ là một điều sai lầm lớn nếu cho
rằng khái niệm này giữ một vai trò chủ yếu trong việc xây dựng đạo đức Phật
Giáo : có nghĩa là các hành động hiện tại sẽ đưa đến các cảnh huống trong
kiếp sống tương lai, và vì thế mà chúng ta phải làm điều lành và tránh điều dữ.
Ngày nay sau những chỉ trích thật gay gắt đối với tôn giáo của Marx, Freud và
Nietzsche thì đối với tôi thật hết sức khó để mà chống đỡ cho quan điểm trên
đây (tức xem sự
tái sinh như một hình thức hăm dọa để xây dựng đạo đức). Nếu luân lý
phải cần đến một người cảnh sát để đe dọa khiến cho chúng ta phải khiếp sợ để
mà áp đặt nó cho chúng ta, thì cái nền luân lý ấy tất không được chính đáng
lắm.
Mặc dù có nhiều người Phật Giáo đưa
ra những ý kiến khác hơn, thế nhưng riêng tôi thì vẫn tin rằng sự tái sinh quả
thật không giúp ích gì cả cho việc thiết đặt đạo đức Phật Giáo. Không gian mở
rộng do thiền định mang lại, biết lắng nghe con tim mở rộng và mong manh của
mình cũng thừa đủ để giúp một người tu tập biết chọn cho mình một thái độ thích
nghi nhất trong từng hành động của chính mình (đối với tác giả thì đạo đức Phật Giáo có thể phát
động một cách tự nhiên và dễ dàng trong lòng mình, thế nhưng đối với một số
người tu tập thuộc vào một cấp bậc còn yếu thì sự răn đe biết đâu đôi khi cũng
cần thiết. Dầu sao thì « quả báo » cũng chỉ là một cách hiểu đã được đơn
giản hóa về quy luật nguyên-nhân-hậu-quả khiến người tu tập e sợ phải « đầu
thai » trong những hoàn cảnh tệ hại mà không dám làm điều ác trong kiếp sống
này).
Vào thời kỳ Đức Phật còn tại thế thì
tất cả người dân Ấn đều xem sự tái sinh như là một sự kiện hiển nhiên (sự tái sinh không
phải là một khái niệm đặc thù của Phật Giáo, hầu hết các tín ngưỡng khác vào
thời bấy giờ đều chủ trương có sự tái sinh). Thế nhưng ngày nay thì đã
khác hơn nhiều. Tuy nhiên đấy không phải là những gì hệ trọng để chúng ta phải
quan tâm. Trong từng khoảnh khắc một, chúng ta có một chút gì đó để chết đi và đồng
thời cũng có một chút gì khác để tái sinh trong một hoàn cảnh mới. Vậy thì có
cách nào giúp chúng ta tập buông xả những gì mà chúng ta luôn tìm cách để bám
víu hay không ? Và làm thế nào để vượt thoát khỏi các chuẩn mực giới hạn hành
động của chúng ta, hầu giúp chúng ta trở nên cởi mở hơn ?
Tôi tin rằng đấy mới đích thật là
những gì thiết yếu trong những lời giáo huấn của Đức Phật. Trong từng giây phút
một chúng ta phải biết tự giải thoát cho mình khỏi những gì đang bóp ngạt và giam
hãm mình.
BÀI ĐỌC THÊM:
●
KINH NA TIÊN TỲ KHEO, Cao Hữu Ðính
●
KINH NA TIÊN TỲ KHEO, Thiện Nhựt
●
MI TIÊN VẤN ĐÁP (MILINDA PANHA), Giới Nghiêm