Khi hơi Thu dừng chân truớc
ngõ, sớm trở về đem theo những cơn gió mát êm dịu, sau những ngày bị hâm
nóng vì thời tiết. Có một cái gì đó làm cho mọi người bâng khuâng,
vương vấn. Không phải vì những cánh mây bay thênh thang trên bầu trời,
không phải vì tình cảm mông lung, lãng mạn, cũng không phải do những
chất Thu vàng nhã nhặn, chuyển mình, khẻ nói…mà là chất ngọt êm ái,
dịu dàng của tình cha mẹ.
Vâng, mùa Vu Lan Báo hiếu trở
về, đang có mặt.
Là con nguời, có
cội có nguồn, có tổ tiên, có ông bà, cha mẹ v.v..và càng văn minh,
trưởng thành …thì ý thức về cội nguồn càng tô đậm nét trong tâm tưởng.
Cho nên, mỗi lần cảm thấy hơi dáng của Mùa Vu Lan- thì lòng chúng ta lại
chợt dấy lên những bồi hồi, xúc động.
Với người Phật tử,
trên vai mang nặng Bốn ân: Ơn của trời đất, khí hậu, mùa màng…đã giúp
cho chúng ta ổn định cuộc sống, được an cư, lạc nghiệp. Ơn của quốc gia
mà nơi đó ta sống, đã lớn lên, trưởng thành, cưu mang chúng ta. Ơn của
thầy, của cha mẹ- người đã sinh thành, dưỡng dục, giáo dục chúng ta nên
nên vóc nên hình, nên người biết tôn trọng lẽ phải, việc thiện. Ơn của
tất cả mọi người đã làm nên lúa gạo, vật thực, những vật chất hay tinh
thần hữu dụng cho chúng ta thọ huỡng hàng ngày v.v…
Mỗi ân đều nặng,
đáng cưu mang như để cho nguời Phật tử sống sao cho xứng đáng là nguời.
Con của Bậc Đại Tỉnh Thức cũng phải mang dáng dấp của Tỉnh thức- dù ít
hay nhiều theo thời gian tu học. Vào vườn trầm, khi đi ra cũng phải có
hơi hướm hương trầm, mới đúng chứ lị. Và Mùa Vu Lan Báo hiếu cũng là dịp
để sống với một trong Bốn Ân đó: Sự báo hiếu.
Không phải đợi
đến Vu Lan mới Báo hiếu, nhưng người con Phât luôn luôn mang tâm niệm
báo hiếu trong từng giây, từng giờ, từng ngày. Sống với Chánh niệm là sự
báo hiếu tuyệt vời vì đã góp phần làm cho con nguời, xã hội, quốc gia
đẹp hơn, như câu nói: Con hơn cha là nhà có phúc.
Trong Kinh điển
Phật giáo, chúng ta đọc và nhận thức rằng: Đức Phật là người rất đề cao
chữ Hiếu: “Gặp thời không có Phật, kính hiếu cha mẹ là cúng dường Phật”
“Việc thiện tối cao- đó là hiếu. Việc ác tối xấu- đó là bất hiếu”. Chữ
Hiếu đuợc đặt nặng, vì đó là khởi đầu của cuộc sống tỉnh thức.
Con người không
có ai từ một cõi nào có mặt trên trái đất nầy, dù là bậc Thánh nhân. Ai
cũng phải do cha mẹ sinh ra và duỡng dục. Tỉnh thức đầu tiên là nhận
chân được chân lý nầy, đó là sự có mặt của một sinh vật và cũng là khởi
điểm của sự nhận thức về Từ bi và Trí tuệ qua tình yêu thương của cha
mẹ. Phủ nhận điều nầy, chúng ta vô tình vong thân trong sự đánh mất tánh
Phật.
Trong sự luân
chuyển của kiếp người qua vô lượng kiếp, chúng ta có biết bao nhiêu là
cha mẹ và chúng ta đã trưởng thành, lớn khôn, tiến hoá tâm linh trong vô
ngần kiếp đó. Và vì đã mang ân nặng cha cha mẹ trong những kiếp đó, từ
hình hài, tinh thần, vật chất v.v…và tất cả những gì cấu tạo nên con
nguời. Cho nên, đến khi bước lên Bờ Giác thoát- thì chính lúc đó là sự
báo hiếu mới cao đẹp, hoàn mãn nhất.
Bông hồng cài áo đã tự nhiên
trở thành biểu trưng của Mùa Báo hiếu Vu Lan, vì đó là cái Đẹp nhân bản,
vô giá. Tư tưởng cài bông hồng nầy đã được Thầy Nhất Hạnh khi đi Nhật và
trùng với ngày Mẹ ( Mother’s Day ). Họ đã cài cho những người còn Mẹ một
bông hồng đỏ và mất mẹ thì bông hồng trắng. Biểu trưng nầy gây xúc động,
ấm áp tình người. Do đó, Thầy đã đem về Việt Nam, viết sách “Bông hồng
cài áo” và sách nầy đã được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc duới cùng tựa
đề. Từ ngày đó đến nay, tục Bông hồng cài áo đã trở thành truyền thống
nhân Mùa Vu Lan Báo hiếu và ai nấy đều hãnh diện có thêm truyền thống
tốt đẹp nầy.
Là một con nguời,
một nguời con, một Phật tử, không ai không rơi lệ khi nhắc về Tình Mẹ.
Bông hồng đỏ hay trắng càng làm thêm nổi bức xúc, thâm ân. Tuy nhiên, có
nhiều khi tôi chợt hỏi: Thế thì tình Cha thì sao?
Sự có mặt của
nguời con không chỉ do mình người Mẹ tạo thành. Vẫn viết rằng người mẹ
mang nặng, đẻ đau và trăm bề khổ cực vì con, cần phải đuợc đề cao, kính
trọng. Tuy nhiên, khi nói về sự Báo hiếu như y cứ vào tinh thần của Mùa
Vu Lan, thì không lẽ chỉ báo hiếu duy nhất cho mẹ. Mẹ là trái tim thương
yêu, thì Cha là bàn tay dìu dắt. Mẹ là tấm lòng, Cha là bảo bọc, chở che
như Từ bi phải có Trí tuệ, hoặc nguợc lại.
Chúng tôi xin
phép được đề nghị là có thể nào đặt lại vấn đề nầy đuợc chăng?
Văn hoá Việt Nam
chúng ta đề cao sự hiếu thảo và dẫn dắt từng thế hệ thấm nhuần tư tưởng
mang ơn, hiếu thảo đó qua câu ca dao:
Công cha như núi Thái sơn
Nghiã mẹ như nước trong nguồn
chảy ra
một lòng thờ mẹ kính cha
cho tròn chữ hiếu mới là đạo
con.
Mùa Vu lan cũng
là ngày Tự Tứ của chư Tăng, ngày Phật hoan hỷ. Do công đức sau 3 tháng
An cư Kiết hạ, chư Tăng Ni sẽ chú nguyện và cầu cho cha mẹ nhiều đời,
cha mẹ hiện tại và mọi chúng sinh…kẻ còn đuợc an lành, vun trồng cội
phúc, kẻ mất được siêu sinh v.v…theo tinh thần Kinh Vu Lan.
Văn hoá Việt Nam
đã nói đến Hiếu hạnh như thế, huống hồ là Đạo Phật. cho nên, tinh thần
nầy chuyển hoá thành ngày Báo hiếu, không phải chỉ cho một ngày nầy,
nhưng là để nhắc nhở, tiếp nối, cho nhiều thế hệ về sự có mặt của Hiếu
hạnh: Cha mẹ hiện tại cũng như nhiều đời.
Thay vì chỉ
Cài bông hồng đỏ hoặc trắng để nói lên sự việc Mẹ còn hay mất của ngày
Mẹ ( Mother’s Day ), sao không dùng cũng bông hồng đỏ hoặc trắng đó cài
lên áo để nói lên một ngày Trọng đại là Ngày Cha Mẹ ( Parent’s Day ) hay
ngày Báo hiếu, đúng theo tinh thần của Phật giáo. “ Cha mẹ tại tiền, như
Phật tại thế”
Nếu cha mẹ còn
thì chúng ta hãnh diện đuợc cài bông hồng đỏ, còn nếu như cha hoặc mẹ
mất ( Một trong 2 nguời mất ), thì phải đau đớn, xót xa nhận cài bông
hồng trắng.
Cha và Mẹ, cả hai cũng đều
quan trọng, trân quí. Mất cha hay mất mẹ- nổi đau nào cũng là niềm đau
khổ như nhau, đối với đấng sinh thành của mình. Giáo lý Từ bi và Trí tuệ
của Đức Phật lúc nào cũng đặt nặng trên ân nghiã hiếu hạnh nầy, vì như
đã nói, công cha nghiã mẹ ân trọng vô cùng. Cho nên, không lý chỉ thiên
nặng một người mẹ hoặc cha, mà quên nguời kia. Hạnh phúc của người con
vẫn là mong cha mẹ sống thọ, biết làm phuớc thiện, biết tu học v.v…và
con được gần gủi cha mẹ.
* Riêng về cài bông hồng
vàng :
Có rất nhiều
người đặt câu hỏi: Tại sao các vị tu sĩ lại cài bông hồng vàng thay
vì bông hồng đỏ hoặc trắng
như tất cả mọi người khi mẹ mất hoặc còn sống.
Vì phương tiện
thiện xảo để độ sinh, người tu sĩ cũng hoà đồng với truyền thống Bông
hồng cài áo, theo tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp”.
Vẫn biết màu sắc
của các loại bông hoa có ý nghiã khác nhau do sự đặt danh của con người,
nên tạo thành ngôn ngữ của hoa. Thực tế, bông hoa tự nhiên chỉ làm đẹp
cho vũ trụ, đất trời, con người..do hương và sắc. Cho nên, khi nói bông
hồng đỏ hay trắng tượng trưng cho mẹ còn hoặc mất, cũng chỉ là biểu
tượng được đặt danh.
Do đó, khi tham
gia vào Lễ hội nầy, bông hồng cài lên áo của người tu sĩ phải khác hơn-
đó là bông hồng vàng.
Khi lìa bỏ đời sống thế tục,
xuất gia; người tu sĩ mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để “trên cầu
giải thoát, dưới cứu độ chúng sinh”. Cứu cánh đạt đến sự giác ngộ là
cách báo ân tuyệt diệu nhất, vì báo hiếu cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ ở
nhiều đời khác.
Thay vỉ cài bông hồng đỏ
hoặc trắng để chỉ cho cha mẹ hiện đời, việc đó rất là đúng, hợp với trời
đất. Nhưng người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn- đó
là tất cả chúng sanh. Cho nên, cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng nầy.
Màu vàng là màu của giải
thoát như Vô thượng phước điền y ( làm ruộng phước điền cho chúng
sanh ), màu của Đất ( Thổ ). Trên đất, chúng ta có thể dẫm, đạp, cày
xới, khạc nhổ hay làm bất cứ gì v.v… đất vẫn trơ trơ, vì đất là sức sống,
là nhẫn nhục, cưu mang tất cả những hạnh, vì coi tất cả chúng sinh là
cha mẹ, là quyến thuộc, họ hàng và quan trọng nhất- là những vị Phật
tuơng lai. Bồ tát Địa Tạng Vương ( Ksitigarbha Boddhisattva ) cũng
là biểu tượng của màu vàng nầy.
Và vì lý do đó, dù hoà mình
trong Lễ hội Vu Lan Báo hiếu, nguời tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc cuả hoa
màu vàng để nói lên tinh thần đúng nghiã cuả Mùa Báo hiếu- sự giải thoát.
Với những ý kiến thiển cận,
con xin dâng cúng tư tưởng nầy lên Mùa Vu Lan như một tấm lòng chung Báo
hiếu và cầu xin mọi người đều sống trong tinh thần nầy- không phải một
ngày, hai ngày, mà là mãi mãi….
Mùa Vu Lan Báo hiếu 2006
Ngày Rằm tháng 7 âm lịch
08.08.2006