28/06/2012 13:09 (GMT+7)
Số lượt xem: 227152
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phật giáo đã có mặt trên mảnh đất Việt Nam này hơn 20 thế kỷ. Những giá trị nhân văn hẳn đã thấm sâu vào văn hóa Việt. Tuy nhiên, trải qua nhiều thời đại, quan niệm về những giá trị đó có thể bị thay đổi cho phù hợp với thời đại. Trong đó có những giá trị bị bóp méo, thiên lệch hoặc cực đoan. Trong bài viết này, xin đặt lại quan điểm về chữ Hiếu, một khái niệm được phổ cập nhưng cách hiểu còn nhiều hạn chế, thậm chí có thể sai lệch khi không được đặt định lại trong hệ thống kinh điển Phật giáo.


Vu Lan thường được gọi là Thắng hội, lễ hội thù thắng, không đơn giản chỉ là “ngày mẹ”, ngày “xá tội vong nhân” hay “trung nguyên tiết” như một số người lầm tưởng. Hiếu trong Phật giáo là nguyên nhân và nền tảng mà chư Phật xuất gia tu hành, thành đạo, hóa độ chúng sanh. Hiếu là mục đích để thăng hoa trên lộ trình giác ngộ.

Ở Việt Nam hiện nay, cứ đến rằm tháng 7, Phật tử kéo nhau đi chùa tụng kinh lễ Phật, cài hoa hồng nhớ ơn cha mẹ, thuyết pháp độ vong… Mọi hoạt động trở thành phong trào rầm rộ có thể được xem như một nét son trong sinh hoạt Phật giáo. Nhưng, cứ diễn tiến mãi theo đà này mà không hiểu rõ hết giá trị của quan niệm hiếu trong Phật giáo và kinh Vu lan, vô tình chúng ta đã đồng hóa Phật giáo với Khổng giáo, thậm chí, dung tục hóa Phật giáo.

Những ca khúc, vần thơ, băng đĩa thuyết pháp cảm động về người mẹ, cùng những trai đàn cúng tế, đọc tên cầu siêu trong lễ Vu Lan hiện nay vì vậy có lẽ nên được bàn lại thêm trong nền tảng chung của kinh điển Phật giáo.

Thực ra, những cách hiểu về quan niệm hiếu hiện nay vốn không sai lầm, thậm chí là cần thiết. Nhưng dường như nó chỉ có tác dụng giáo dục trẻ em, đánh thức thiện tâm và lòng nhân ái trong một bối cảnh xã hội mà đạo đức xuống cấp trầm trọng, chủ nghĩa tiêu thụ được đề cao, mục tiêu thành đạt và tiến thân đang kéo trẻ em xa dần với gia đình, cha mẹ. Hơn nữa, đối tượng đến chùa hầu hết là người già chứ không phải trẻ em, mà người già thì chỉ nghĩ đến cha mẹ đã khuất của mình, nên việc kỳ siêu bạt độ được chú trọng mà việc tu tập lại không được đề cao. Dần dà giới trí thức chỉ nhận thấy một điệp khúc được lặp đi lặp lại trong các lễ Vu Lan về công đức sinh thành, năng lượng quán chiếu không có, nhận thức thực tại không sâu. Dĩ nhiên, họ không thấy mình trong đó. Hậu quả là giá trị tuyệt luân của Phật giáo bị bỏ mặc trong những tủ kính thâm nghiêm. Xin góp một lời bàn như một tâm tình gợi mở.

GIÁ TRỊ KINH ĐIỂN

Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có hai bản kinh được tụng đọc trong dịp lễ Vu Lan. Đó là Phật Thuyết Vu lan bồn kinh do Tam Tạng Trúc Pháp Hộ người nước Nguyệt Thị dịch sang Hán văn vào đời Tây Tấn và đại báo phụ mẫu trọng ân kinh. Có một vài bản dịch hay, giàu chất bản địa hóa. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Trong Đại tạng kinh, ngoài hai bản kinh trên còn có Phật thuyết phụ mẫu ân nan báo kinh, 1 quyển, do Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, người nước An Tức dịch sang tiếng Trung Quốc vào đời Hậu Hán; Phật thuyết báo ân phụng bồn kinh, còn gọi là Báo tượng công đức kinh, khuyết dịch, Phụ Đông Tấn lục, Phật thuyết hiếu tử kinh, thất dịch, Phụ Tây Tấn lục[1].

Về chú sớ của kinh này, trong Tục tạng kinh tập 21 ghi lại rất nhiều, tạm liệt kê như sau:

-         Vu lan bồn kinh sớ tân ký, 2 quyển, ngài Tông Mật sớ vào đời Đường, ngài Nguyên Hiểu lý vào đời Tống.

-         Vu lan bồn kinh sớ hội cổ thông kim ký, 2 quyển, do ngài Phổ Quán thuật.

-         Vu lan bồn kinh sớ hiếu hạnh sao khoa, 1 quyển, phần Khoa nghi do ngài Ngộ Vinh tập định vào đời Tống.

-         Vu lan bồn kinh sớ hiếu hạnh sao, 2 quyển, gồm một bản chánh văn Phật thuyết Vu lan bồn kinh, Vu lan bồn niệm tụng thức và phần sớ sao, cũng do ngài Ngộ Vinh sao lục vào đời Tống.

-         Vu lan bồn kinh sớ sao dư nghĩa, 1 quyển, do ngài Nhật Tân soạn vào đời Tống.

-         Vu lan bồn kinh tân sớ, 1 quyển, do ngài Trí Húc sớ vào đời Minh.

-         Vu lan bồn kinh sớ chiết trung sớ, 1 quyển, do ngài Linh Huy soạn vào đời Thanh.

-         Vu lan bồn kinh lược sớ, 1 quyển, do ngài Nguyên Kỳ soạn vào đời Thanh.

Ngoài ra, theo Phật Quang Đại từ điển thì các kinh sớ nói về Vu Lan có đến hơn 60 loại. Trong đó có bộ Vu Lan Bồn Kinh Sớ của ngài Cát Tạng đời Đường, không hiểu sao không có trong Đại Tạng.

Muốn hiểu được nghĩa lý đích thật của kinh, thiết nghĩ không gì hơn là đọc các bộ chú sớ của chư tổ nhiều đời. Bởi các ngài đã trải qua công phu tu tập, sự quán chiếu thâm sâu. Kiến giải của chư tổ vừa là một kinh nghiệm thực tiễn, vừa là sự lý giải mang tính khoa học. Do vậy, không thể không dựa vào các bộ chú sớ này để hiểu kinh điển. Cứ tùy tiện suy diễn theo cảm tính và trào lưu xã hội thì dễ bị thiên lệch. Bản kinh mà ta thường gọi là Vu lan vốn có nghĩa lý rất rộng, trải qua nhiều đời, có rất nhiều vị Tổ biên soạn, giải thích kỹ lưỡng, nếu không nghiên cứu kỹ, chúng ta sẽ chỉ thấy giá trị bản kinh này qua phần Nhân thừa, không hiểu được nghĩa lý rốt ráo của kinh. Ở đây, người viết lược đọc những bản chữ Hán rồi viết lại những gì cần thiết.

Ý NGHĨA KINH VU LAN

Theo Vu lan bồn kinh tân sớ của ngài Trí Húc, kinh Vu lan bồn lấy pháp cúng Vu lan để làm tên gọi. Cái thể được trình bày trong kinh chính là Tự Tánh Tam Bảo. Tam Bảo là ba ngôi báu Phật Pháp Tăng. Tam Bảo vốn có nhiều bậc: Đồng thể Tam Bảo, Xuất thế gian Tam Bảo và Thế gian trụ trì Tam Bảo. Dù ở bậc nào thì Tam Bảo không đơn thuần chỉ là những đối tượng tín ngưỡng, mà chính là tự tánh thanh tịnh hằng hữu trong mỗi chúng sanh. Trên lộ trình tu tập, phải nhận ra tự tánh đó của chính mình, nếu chỉ thấy Tam Bảo như một đối tượng tín ngưỡng thì khó đạt được lý rốt ráo của nó. Tất cả kinh điển, mỗi kinh có một tông chỉ khác nhau. Riêng kinh vu lan thì lấy hiếu làm tông chỉ, lấy sự cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sanh làm lực dụng, dựa trên nền tảng giáo tướng của Đại thừa. Từ đó ngài Trí Húc dạy: “Tất cả những phước điền ở thế gian không gì hơn Tam Bảo, đạo pháp xuất thế không gì trước hiếu từ. Muốn báo đáp thâm ân không gì cần yếu hơn là sự cứu khổ ban vui, muốn thành tựu được việc tế độ không gì lớn lao bằng pháp Vu lan ”.

Đây chính là lý do mà Đức Thế Tôn dạy Mục Kiền Liên phải phát tâm cúng dường trai tăng để cứu khổ cho mẹ. Tam Bảo là phước điền lớn lao ở thế gian. Việc cúng dường Tam Bảo không đơn thuần là làm phước cho cha mẹ, mà xuất phát từ đạo pháp xuất thế thông qua tâm nguyện hiếu từ, vì Hiếu theo quan niệm Phật giáo không gì khác hơn là lòng từ bi. Từ lòng Từ bi, khởi tâm Bồ đề cứu khổ ban vui, thành tựu việc tế độ chúng sanh bằng chính pháp Vu lan bồn.

Trước hết luận về pháp Vu lan bồn. Trong Phật giáo, không có việc làm nào không nương nơi nghĩa lý để làm. Cách làm có thể khác nhau, miễn sao phù hợp với lý. Nhờ đó, bất cứ việc làm nào cũng có thể giải thích được theo lý. Chỉ sợ rằng không hiểu lý mà làm thì việc làm sẽ trở thành tà vạy. Cũng cùng một việc làm nhưng chánh tà có khác, do không biết dựa trên lý. Biết nương nơi lý mà hành sự thì có thể thi thiết nhiều phương tiện khác nhau, thậm chí có lúc mâu thuẫn nhau mà hạnh nguyện độ tha vẫn có thể thành tựu. Trong nghĩa chữ Vu lan bồn, như có lần người viết đã phân tích thì “bồn” không  có nghĩa là cái chậu, là “khí”, đồ đựng thức ăn, mà bồn cũng là một từ tố được phiên âm từ chữ Ullambana mà ra. Tuy nhiên, nếu hiểu bồn là một từ tố riêng biệt thì cũng không nhất thiết chỉ có nghĩa là cái chậu, mà chính những vật thực được sử dụng để cúng cũng là pháp sự để biểu thị nghĩa lý. Nghĩa lý đó là gì? Ngài Trí Húc giải thích: Chén bát là pháp cụ, bách vị ngũ quả là thức ăn, giải các khổ treo ngược nơi ngạ quỷ. Từ nơi ý niệm vận dụng sự tướng để biểu thị cái lý, thông qua đó để tu tập thì nhiếp tâm là pháp, mười chi là thức ăn, giải cái khổ treo ngược ở cõi Dục. Niệm xứ là pháp, hành quán Tứ Đế là thức ăn, giải cái khổ treo ngược nơi ba cõi. Hoằng nguyện là pháp, Lục Độ Vạn Hạnh là thức ăn, giải cái khổ treo ngược của bốn thứ chấp trước Vô thường, Phi lạc, Vô ngã và Bất tịnh của hàng Nhị Thừa và phàm phu. Nhất tâm là pháp, bất tư nghì quán là thức ăn, giải cái khổ treo ngược của Nhị biên. Nói một cách cụ thể thì dùng chính pháp cúng Vu lan bồn và bá vị cơm canh làm cảnh chánh nhân duyên để quán chiếu. Nếu không có quán chiếu thì không biết nương vào đâu để thành tựu. Nếu không có lý quán thì lực dụng sẽ không sâu sắc. Do vậy, cái cần thiết nhất của pháp cúng Vu lan là cả tăng chúng thọ thực và cả thí chủ đều phải biết quán chiếu. Người tổ chức lễ cúng Vu lan phải làm sao cho cả đạo tràng khởi tâm quán chiếu thật sâu sắc. Cả sự lẫn lý đều phải song hành, nếu chỉ chấp lý, tức chỉ dựa vào quán chiếu mà không thực hành pháp cúng thì không thể thành tựu. Như ngài Mục Kiền Liên, người chứng được Lục thông, người đã thành tựu sâu sắc Niệm xứ, Tứ đế nhưng vẫn không cứu độ được mẹ ngài thoát cảnh khổ nơi đường ngạ quỷ.

Khi quán chiếu, tức lúc xả bỏ được vọng niệm, an trú trong Tịnh giới, ý nghĩa của Vu lan  được chắp cánh. Ngài Trí Húc viết: “Tịnh giới là pháp khí, Vô tác Tứ đế, Bất tư nghì quán huệ là thức ăn, cúng dường tự tánh Nhất thể Tam Bảo, giải thoát trọn vẹn cái khổ treo ngược Bát đảo của phàm phu và Nhị thừa, sớm đặt chân đến cảnh giới nhất thật. Vô minh là cha, tham ái là mẹ, ngay nơi đó được giải thoát. Trí độ là mẹ, phương tiện là cha, nhậm vận tự tại mà nhập vào trí tuệ vô công dụng, cho nên gọi là Vu lan bồn”.

Như trên là nương vào sự, tức pháp cúng Vu lan bồn để giải thích tên gọi của kinh. Từ tên gọi, ta tìm đến chánh thể của kinh. Như trên đã nói, chánh thể của kinh Vu lan bồn chính là Tam Bảo. Nếu không phân biệt được chánh thể thì có thể rơi vào tà chấp. Hầu hết các kinh điển Đại thừa đều lấy Thật tướng làm thể. Nhưng Thật tướng có nhiều tên gọi. Nay kinh Vu lan nói: “Phải nhờ thần lực của mười phương Tăng”, lại nói: “Trước khi thọ thực đàn trai, …trước Phật tiền hoặc tự tháp trung, chư Tăng chú nguyện viên dung, sau rồi tự tiện thọ dùng bữa trưa”. Chú nguyện tức là pháp, có đầy đủ Tam Bảo. Ngài Mục Liên lại nói: “Lại cũng nhờ oai thần Tam Bảo”. Tam Bảo ở đây là Tự tánh Tam Bảo. Chư Phật ở trong tâm chúng sanh, nương theo sự mà gửi cái lý. Cảm được chư Phật trong tâm chúng sanh thì vô duyên vô niệm, nhậm vận mà ứng hiện.

Tất cả chúng sanh tức là tướng của Niết bàn, không thể đoạn diệt, chư Phật cầu giải thoát ngay nơi tâm hạnh của chúng sanh. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật cũng từ nơi tâm tưởng của chúng sanh. Vu lan bồn kinh tân sớ ghi: “Nếu không quán tâm để phân biệt rõ cái thể ấy của kinh thì làm sao nói rằng trong mỗi sát na đều nhớ nghĩ đến cha mẹ mà tu Hiếu từ đây”!

Pháp cúng Vu lan bồn là thù thắng không phải bởi công đức của việc cúng nhiều cúng ít, hình thức ra sao, mà quan trọng là vì pháp này lấy hiếu làm tông chỉ. Đức Thích Ca Mâu Ni, tôn giả Mục Kiền Liên, Địa Tạng Vương Bồ tát, tất cả đều vì chữ hiếu mà xuất gia tu hành thành đạo, nguyện hóa độ chúng sanh. Rất nhiều kinh điển Đại thừa nói đến nhân vị tu hành của Bồ tát xuất phát từ lòng hiếu thảo với cha mẹ mà Bồ tát Địa Tạng là một ví dụ điển hình. Nhờ lòng hiếu đó mà Bồ tát phát Đại bi tâm, nguyện độ chúng sanh. Hiếu có hiếu thế gian và Hiếu xuất thế gian. Cái hiếu trong Nhị thập tứ hiếu của Khổng giáo chỉ là Hiếu thế gian, nhưng trong các chùa viện hiện nay thường giảng nói và thực hành theo hình thức này mà không chú trọng đến cái hiếu xuất thế gian.

Đối với Hiếu xuất thế gian, kinh Phật gọi là Hiếu từ, tức lòng từ bi chính là Hiếu. Đã là lòng từ bi thì không phân biệt thân sơ, tất cả kẻ oán người thân đều bình đẳng, đều là đối tượng để thể hiện lòng Hiếu. Lòng từ bi có ba bậc: Sanh duyên từ, Pháp duyên từ và Vô duyên từ.

Sanh duyên từ là quán tưởng tất cả chúng sanh đều là cha mẹ của ta. Kinh Phạm Võng nói: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Ta đời đời thọ sanh nơi họ”. Khi quán tưởng như thế, tất cả kẻ oán người thân đều bình đẳng, tuần tự ban cho họ niềm vui, lấy đó để điều phục sân hận, phiền não, xan tham và tật đố, cho đến chứng được Từ tâm tam muội. Cha mẹ là những người có duyên gần gũi với ta nhất, ta phải cứu độ trước.

Pháp duyên từ là quán tất cả các pháp đều từ duyên sanh. Kinh Phạm Võng nói: “Tất cả đất nước là thân trước của ta; tất cả lửa, gió chính là thân thể của ta”. Chúng sanh đều do tứ đại hợp thành, không nhân ngã, không thọ mạng. Tứ đại đã không hai thì Từ tâm duyên đến cũng bất nhị, năng lực cứu khổ ban vui còn thù thắng hơn cả Sanh duyên từ.

Vô duyên từ là biết rõ tâm, Phật và chúng sanh không sai khác. Cả pháp giới là nhất tướng, chân thật bình đẳng, không trụ ở tướng của pháp và tướng của chúng sanh, phá trừ gốc khổ. Quán phiền não tức Bồ đề, sanh tử tức Niết bàn, khởi thệ nguyện vô tác, phá trừ gốc khổ. Quán phiền não tức Bồ đề, sanh tử tức Niết bàn, khởi thệ nguyện vô tác, ban phát niềm an lạc. Từ ở đây chính là bi, bi ở đây chính là từ, xứng tánh khởi tu pháp viên đốn, hiện thành tam muội. Năng lực đại bi này không thể nghĩ bàn.

Từ ba bậc hiếu xuất thế gian trên, ý nghĩa hiếu của đạo Phật được thăng hoa trên ý nghĩa Bồ tát đạo. Lòng từ bi là nền tảng của hiếu tâm và hiếu hạnh. Hiếu chỉ là danh từ được vay mượn của thế gian. Ở đây không đơn thuần chỉ thấy cha mẹ của mình cần được cứu độ mà tất cả chúng sanh đều là cha mẹ của mình, thậm chí môi trường xung quanh chúng ta, đâu cũng là đối tượng để thể hiện lòng từ bi. Từ đó, hiếu thuận cha mẹ, sư tăng, Tam bảo chính là pháp hiếu thuận cao tột.

Như trên là phần sự tướng nêu bày tông chỉ của kinh Vu lan. Thông qua sự tướng, pháp quán tâm là pháp tu quan trọng để hiển đạt được tông chỉ của kinh. Ngay nơi một niệm hiện tiền mà có đầy đủ Tam Bảo, tùy thuận quán sát thì gọi là hiếu. Như vậy, mê tức là bất hiếu và ngộ là hiếu. Khởi tâm động niệm mà trái nghịch với pháp tánh thì cả thập giới còn mê huống gì cha mẹ. “Ngộ thì trí độ mẫu, phương tiện phụ cùng được giải thoát, mê thì vô minh phụ, tham ái mẫu cùng đọa vào nẻo khổ”.

Từ Danh, Thể và Tông chỉ của kinh, ta có thể thấy rõ lực dụng của kinh không gì khác hơn là cứu khổ ban vui. Cứu khổ sanh tử, ban vui Niết bàn. Chỉ cần quán một niệm hiện tiền có đầy đủ thể tánh Tam Bảo thì có thể bạt trừ được tánh Khổ, Tập trong mười cõi, tịch diệt viên mãn.

Kinh Vu lan bồn thuộc về giáo tướng Đại Thừa Phương Đẳng. Nhưng dù Tiểu hay Đại Thừa đều quy về Bồ tát tạng. Vì tâm có đầy đủ các Thừa nên chính tâm là giáo tướng của kinh. Nếu tâm là Đại thừa thì không có gì tâm này không chuyên chở hết. Nếu không nương vào sự để giải thích kinh thì không hiểu được những gì mà Đức Như Lai đã ân cần giáo hóa. Trái lại, nếu không nương tựa vào sự quán tâm mà giải thích kinh này thì không thể trong tất cả thời thường tu pháp cúng Vu lan bồn. Vì thế, trong từng ý niệm phải nghĩ đến công ơn cha mẹ, thực hành cả sự lẫn lý, ý nghĩa của chữ Hiếu trong kinh Vu lan  mới thực sự trọn vẹn.

KẾT LUẬN

Hiếu chính là lòng từ bi, thông qua năng lực quán chiếu, lòng từ bi bình đẳng, không phân biệt. Từ đó, không chỉ riêng cha mẹ của mình, mà tất cả mọi người là cha mẹ nhiều đời cần được báo hiếu. Người con Phật thương yêu tất cả mọi người, mọi loài, đem hết tài sản, thân mạng mà cứu khổ ban vui, đó là đại hiếu. Môi trường xung quanh chúng ta cũng vậy, từ biển đảo xa xôi, rừng cây trước mặt, muông thú xung quanh cho đến từng ý niệm trong tâm thức của mình, phải lấy lòng từ bi để thể hiện sự yêu thương trọn vẹn. Lòng từ bi đó phải thể hiện qua việc làm thiết thực chứ không phải là những khái niệm trong tâm thức. Người con Phật là người tích cực đi vào cuộc đời, bảo vệ môi trường sống xung quanh, không phân biệt đối xử với bất kỳ ai. Pháp Vu lan bồn từ đó trở thành pháp tu tích cực thông qua Lục độ vạn hạnh mà đứng đầu là Bố thí, đến Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Hiểu được như thế, khái niệm Hiếu không còn cực đoan hay bị bó hẹp trong nền luân lý cục bộ của thế gian. Từ đó, các chùa viện Phật giáo có thể thi thiết vô lượng phương tiện trong mùa Vu Lan hay ngay cả quanh năm suốt tháng để hàng Phật tử tu tập, thực hành “Hiếu hạnh vi tiên” mà trong kinh đã chỉ dạy.

Thích Nguyên Hiền

(Nguồn: Đặc San Suối Nguồn - Số 02 - T8/2011 Tu Viện Huệ Quang)


[1] Bản đời Tống và đời Nguyên ghi là Thất dịch, bản đời Minh ghi là Thất dịch nhân danh.


Âm lịch

Ảnh đẹp