Mẹ là Mẹ của chúng ta


Nguyễn Đông Triều
28/07/2012 14:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 121007
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(Gửi ba, mẹ, anh, em)
Ông bà ngoại tôi là một đôi vợ chồng thương gia giàu có. Mẹ tôi là con gái đầu, mà mãi mười bốn mười lăm tuổi mới có em trai, nên được ông bà ngoại và các ông cậu cưng chiều hết mực. Ở nhà và cả ở trường, mẹ được xem như là một vị tiểu thư. Dáng người thon thả cao, trắng trẻo, xinh đẹp nhưng hơi gầy như mặt trăng lưỡi liềm.

 Nhờ vậy mà hợp với tên của mẹ: Nguyệt. Ngoài việc học hành, mẹ không hề phải làm động móng tay. Đến tuổi cập kê, có nhiều chàng trai để ý nhưng mẹ chỉ thương anh chàng mồ côi cha từ hồi năm tuổi, đen đúa, hiền lành. Ấy là ba tôi.

Ba tôi sớm mất cha, bà nội tôi lấy chồng khác, ba là cháu đích tôn nên phải về ở với ông bà cố. Tuy được ông bà cố thương yêu, nhưng chắc chắn không thể bù được tình thương của cha mẹ. Ba tôi sớm biết tự lập, ngay cả quyền thừa kế tài sản, ông cũng không màng khi bị nhiều người tranh đoạt. “Đó là vật ngoại thân, vả lại không do chính mình tạo ra. Đã không phải của mình thì tranh giành vô ích, nó sẽ chẳng lâu bền. Tranh giành lẫn nhau làm sứt mẻ tình thân thuộc. Lấy cái chẳng lâu bền làm mất đi tình bền chặt, đó là điều ba không muốn.” Ông thường nói với các con như thế. Mẹ tôi vì thế càng hiểu và thương ba nhiều hơn. Đó cũng là một trong những phương châm sống của tôi sau này.

Mẹ tôi về làm dâu nhà ông bà cố, cách nhau hai thế hệ, đương nhiên không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là vì mẹ tôi là con nhà tiểu thư, lại gầy ốm, ông bà cố sợ không đảm đương nổi nhà thờ họ, giỗ quải mỗi năm đếm không hết trên đầu ngón tay. Mẹ kể, có lần bà cố nói: “Thằng Nô (tên gọi ở nhà của ba tôi) nó thương thì tao cưới cho nó, chứ chẳng biết cưới về, con nhỏ có làm nên chuyện gì hay không”.

Một lần mẹ tham gia gói bánh tét chuẩn bị đám giỗ. Bà cố thỉnh thoảng “chắp tay sau đít” đi tới đi lui dòm dòm ngó ngó. Đi tới mấy cái giỏ đựng bánh mọi người vừa gói xong, bà cầm mấy đòn bánh giơ lên hỏi: “Mấy đòn này ai gói trông đẹp vậy? Từ trước tới giờ tao chưa thấy ai gói được như thế.” Mọi người trả lời: “Con Nguyệt gói đó”. Bà cố tròn xoe mắt. Thì ra, để chuẩn bị làm dâu, mẹ tôi đã từng học vài khóa nữ công gia chánh trước khi lấy chồng. Từ đó, mẹ đã “có địa vị” trong mắt bà cố.

Rồi lại đến sự ganh ghét, tinh nghịch ác ý của hai cô em chồng. Không phải chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu, vừa đối phó xong cảnh “bà nội chồng cháu dâu”, thì mẹ lại vướng vào cảnh “em chồng chị dâu”. Mẹ đã không ít lần phải khổ sở vì những trò ném đá giấu tay (thêm muối vào thức ăn, thêm củi vào bếp lò khi cơm sắp chín…), hay những cái nguýt mắt sắc như dao của họ. Nhưng mẹ vẫn hòa nhã và cam chịu, không hề than thở, tức giận hay chán nản. Đến khi hai cô đi lấy chồng, chính mình rơi vào cảnh ấy, hiểu cảnh làm dâu trăm cay nghìn đắng, oan ức nhiều bề, thì hai cô lại là những người thương mẹ tôi nhiều hơn cả. Mỗi dịp ghé chơi, hai cô thường ngồi tâm sự với mẹ rất lâu, vừa ôn lại chuyện vui buồn xưa cũ, vừa chia sẻ, giải tỏa những nỗi niềm cay đắng của phận làm dâu. Mẹ tôi và hai cô giờ đều là mẹ chồng cả rồi. Rút ra những “bài học xương máu” qua khoảng đời làm dâu của mình, các bà mẹ chồng ấy đều “thoáng” hơn, dễ chịu hơn.

Sau khi ba mẹ tôi ra ở riêng, nhờ biết làm ăn và khéo vun vén, nhà tôi trở thành một trong những nhà khá giả nhất vùng. Ba anh em chúng tôi đều được chăm lo đầy đủ và ăn học đường hoàng. Nhưng cuộc đời thật vô thường và nhiều bất trắc. Trên đời không có gì tồn tại vĩnh viễn, nhất là sự giàu có càng giống như một cơn gió chóng thoảng qua. Được chừng hơn chục năm thì nhà tôi liên tiếp xảy ra chuyện không may. Đầu tiên là ba mẹ tôi bị đối tác giựt nợ, mà theo họ là do việc kinh doanh thất bại nên không có tiền chi trả, để từ từ họ sẽ lo. Phần do bị giựt nợ, phần phải lo gom góp tiền bạc tích trữ để trả những món nợ ba mẹ đã vay để làm ăn, kinh tế nhà tôi bắt đầu đi xuống. Trước đó không lâu, bà ngoại tôi đã bị cướp tung lựu đạn trước đầu xe trong một chuyến đi buôn trái cây. Bị những mảnh đạn ghim sâu vào đầu và nhiều nơi trên cơ thể, mất nhiều máu, tính mạng vô cùng nguy kịch. Bao nhiêu tài sản còn lại trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo những lần điều trị. Vì vậy, ba mẹ tôi rơi vào tình cảnh khó khăn không có người giúp đỡ.

Sau những biến cố ấy, tinh thần ba mẹ tôi suy sụp hẳn. Mặc dù vậy, ba mẹ vẫn cố gắng làm mọi việc (ruộng vườn, chăn nuôi, buôn bán nhỏ…) lo cho anh em chúng tôi ăn học. Tốt nghiệp cấp ba, anh tôi học trung cấp nghề, tôi vào đại học. Riêng thằng út do lúc nhỏ mắc một chứng bệnh ảnh hưởng đến thần kinh nên việc học dang dở nửa chừng khi chưa xong lớp chín. Hoàn cảnh lúc ấy gặp nhiều khó khăn, em tôi phải đi khuân vác thuê kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Nhỏ nhất nhà, lại mang bệnh, mà út phải sớm bươn chải ngoài đời. Đến bây giờ, út vẫn là người cực khổ nhất. Tội nghiệp út quá!

Năm tôi học xong lớp tám, mẹ bị tai nạn. Trong lúc lui cui phơi thóc bên lề đường thì bất ngờ một chiếc xe máy lao thẳng vào mẹ do người điều khiển say rượu không làm chủ được tay lái. Cú đâm thẳng hất mẹ văng xa, trầy trụa khắp người, chấn thương sọ não. Thằng em tôi, lúc ấy chưa tròn mười tuổi, nó nói nhìn thấy mẹ “bay như Tề Thiên” (lúc ấy đài truyền hình vừa chiếu xong bộ phim Tây du ký do Lục Tiểu Linh Đồng đóng vai Tôn Ngộ Không). Câu nói ngu ngơ nghe buồn cười, nhưng ngẫm lại thấy càng thương mẹ. Tề Thiên có phép thuật, việc bay đối với ông ấy quá dễ dàng. Còn một người phụ nữ bị xe hất bay xa như Tề Thiên thì hậu quả đương nhiên là chấn thương sọ não. Cũng may là vẫn còn giữ được sinh mệnh. Sau thời gian dài điều trị, sức khỏe có phần hồi phục, nhưng mẹ vẫn thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, nhiều lúc đi lại rất khó khăn, nguy hiểm, thậm chí chỉ ngồi hoặc nằm một chỗ chờ cơn đau đớn tạm buông tha. Những cơn đau đầu, chóng mặt trở thành căn bệnh kinh niên của mẹ.

Sau khi tôi tốt nghiệp đại học, đi dạy ở Sài Gòn được một năm, lại phát hiện mẹ hay bị khó thở, có khi tưởng chừng có một tảng đá đè nặng trên ngực. Bác sĩ nói bị đau tim. Đó là một căn bệnh rất mực “trung thành” với chủ. Và mọi người thường hay nói đùa là “bệnh của nhà giàu”, vì chỉ có nhà giàu mới có thể đủ tiền chữa trị, nhà nghèo chỉ còn nước bó tay. Nhưng bệnh tim đâu chỉ lựa nhà giàu mà gieo bệnh.

Mẹ lại mang thêm một căn bệnh kinh niên. Biết tin mẹ mắc bệnh tim, tôi ngồi khóc một mình. Thấy tôi khóc, bà chị kết nghĩa cười chế giễu: “Đàn ông con trai mà khóc thì chỉ là khóc vì tình thôi.” Đâu biết rằng, đối với tôi, những giọt nước mắt thất tình là vô nghĩa nhất, đau khổ vì thất tình là vớ vẩn nhất. Những người khóc, đau khổ, thậm chí quyên sinh vì thất tình chưa chắc đã từng dành một giọt nước mắt nào cho cha mẹ hay người thân của họ. Ờ mà cũng đúng là tôi khóc vì tình thật, nhưng đó là tình thương dành cho mẹ, là lòng đau xót vì căn bệnh đang hành hạ mẹ. Đó cũng chính là một thứ tình đúng nghĩa.

Cũng may, đồng lương dạy học của tôi tuy ít ỏi nhưng do biết chi tiêu đúng mực nên cũng đủ tiền thuốc thang cho mẹ trong từng tháng, từng tháng, từ lúc lãnh lương tháng này cho đến lúc lãnh lương tháng sau. Tôi tự nhủ, so với nhiều người nghèo khổ khác, mình vẫn còn lo được đủ tiền mua thuốc cho mẹ, như thế là mừng lắm rồi, không có gì đáng phải than khổ. Trong cái đáng mừng của mình, ngẫm lại sao thấy thương quá những gia đình rách áo đói cơm, lấy đâu ra tiền chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo đang vây khốn.

Mặc dù lên Sài Gòn tái khám định kỳ ở bệnh viện chuyên khoa và uống thuốc mỗi ngày theo đúng chỉ định của bác sĩ, nhưng bệnh mẹ tôi không có dấu hiệu thuyên giảm. Hầu như cứ cách ngày, cơn co thắt tim lại hành hạ mẹ. Mỗi khi bị nghẹt thở, ngồi không được, nằm cũng không xong, mẹ phải dựa gối nghiêng mặt vào tường, thoi thóp thoi thóp. Lại thoi thóp chờ cho cơn co thắt tim tạm buông tha. Sau này mẹ nói, những lúc ấy, chỉ mong chết đi còn thấy dễ chịu hơn. Nhìn thấy cảnh mẹ như thế, tim tôi dường như cùng lúc co thắt lại. Thằng út là đứa cứng đầu bướng bỉnh nhất trong ba anh em chúng tôi mà cũng không dằn lòng được. Nó bần thần ngồi bên mẹ, vuốt lưng mẹ như để xoa dịu cơn đau và nghẹn ngào nói với đôi mắt muốn rưng rưng khóc: “Mẹ ơi đừng chết. Mẹ đừng bỏ con, đừng bỏ con nhe. Sau này con sẽ nghe lời, không cãi mẹ nữa đâu.” Tính bướng bỉnh cứng đầu cũng được tình thương chân thành dành cho mẹ cảm hóa dễ dàng.

Thằng út nghèo, không có tiền lo món ăn ngon cho mẹ, nhưng được ở chung nhà, ngày ngày hỏi han an ủi. Mẹ tôi nhờ thế cũng tìm được niềm vui trong lúc tuổi già, bệnh tật. Tôi ở xa chỉ lo được tiền thuốc thang, tiêu xài hàng tháng, không thể gần gũi tận tay chăm sóc mẹ. Mang tiếng là có hiếu, biết lo nhưng tôi vẫn thấy mình chưa tròn trách nhiệm. May là có vợ chồng thằng-út-cứng-đầu-bướng-bỉnh ở bên cạnh trực tiếp đỡ đần, lo lắng nên tôi cũng yên tâm và thầm cảm ơn vợ chồng nó. Thôi thì, nếu mỗi người không thể trọn vẹn được đôi đường thì kẻ công người của cùng góp sức lo cho cha mẹ của chúng ta, út nhé!

Ông anh đầu của tôi đi làm xa không thường về nhà. Tuổi đã ngấp nghé bốn mươi mà vẫn còn rất vô tư, từ chuyện tích lũy tiền bạc cho tương lai, đến chuyện dựng vợ gả chồng, kể cả nhiệm vụ báo hiếu mẹ cha, hay đơn giản chỉ là lời hỏi thăm sức khỏe… Anh em chúng tôi không ở gần nhau. Mỗi năm tết đến mới là khoảng thời gian cả nhà sum hợp. Nhưng tổng cộng thời gian anh tôi có mặt ở nhà trong ba ngày tết không tròn một buổi, thời gian còn lại dành cho bạn bè với những cuộc vui bù khú, những bữa nhậu say sưa tốn kém. Vậy mà chưa từng lo được một bữa ăn cho cha mẹ. Thật ra, các bậc cha mẹ đều không cần con mình cho thật nhiều tiền, hay cho ăn những món sơn hào hải vị, mà chỉ cần những tình cảm thân thương, chân thành, tha thiết của các con. Đó chính là liều thuốc hiệu nghiệm nhất cho bệnh của mẹ trong lúc này đấy, anh hai à!

Không biết từ đâu, tôi thường niệm Phật nguyện cầu những điều tốt lành cho mẹ. Thật ra, tôi biết tin Phật, niệm Phật từ hồi tiểu học và thường đòi mẹ nấu các món chay. Sau này lớn lên, do bận việc học hành, có lẽ một phần do tín căn chưa đủ, nên tôi quên lãng trong một thời gian dài. Vài năm lại đây, được nhân duyên lớn, tôi gặp một số người bây giờ là đạo hữu của tôi “đánh thức” chủng tử Phật trong tôi. Tôi lại thích đi chùa, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật. Những lúc như thế, tôi thấy tâm mình thanh thản lạ. Sau khi đọc một số kinh, biết Phật pháp có thể cứu chữa thân tâm con người, và sau khi cảm nhận được những lợi ích do bản thân biết hành trì Phật pháp, tôi có ý muốn tìm cách giúp mẹ cũng đạt được những lợi ích như thế. Lúc đầu, tôi cứ lần lữa, cảm thấy hơi lo vì không biết mẹ có chịu nghe và tin theo không, hay sẽ trách la và phỉ báng Phật pháp mà mang tội; đồng thời cũng để có thêm thời gian suy nghĩ tìm lời nói với mẹ sao cho thật thuyết phục. Đến khi đọc kinh đến câu tự quy y: “Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh, thệ giải đại đạo, phát vô thượng tâm”, mỗi người học Phật đều có lòng mong muốn và phải làm sao để mọi người đều được biết Phật pháp. Đối với mọi người còn muốn như vậy, lẽ nào đối với mẹ mình lại bỏ lỡ nhân duyên! Thế là, bằng tâm từ của một người Phật tử và lòng hiếu thảo của một đứa con dành cho đấng sanh thành, tôi đã thiết tha khuyên mẹ niệm Phật, rằng: “Bệnh tật từ nghiệp chướng sinh ra. Sở dĩ có nghiệp chướng là do tâm con người hay vọng tưởng, từ đó dẫn tới lời nói sai lầm, hành động sai lầm mà gây tạo nghiệp chướng. Phật là đấng hoàn toàn giác ngộ, hoàn toàn thanh tịnh. Niệm Phật là đưa tâm mình trở về tâm Phật, dần dần giảm bớt vọng tưởng, tiêu trừ nghiệp chướng. Niệm Phật chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị bệnh tim và não của mẹ”. Một sự thật không ngờ, mẹ đã đồng ý ngay với lời khuyên của tôi. Chẳng những thế mà hành trì ngày càng tinh tấn hơn tôi, có khi còn nhắc nhở lại tôi nữa. Tôi thầm cảm ơn Phật, Bồ-tát đã gia hộ.

Nhà tôi dưới quê ở xa chùa, sức khỏe mẹ không tốt nên không thể đi chùa được. Thôi thì tùy duyên, tâm thành thì ở đâu cũng là chùa, ở đâu cũng có Phật. Ước mong sao mẹ sẽ khỏe hơn và có đủ nhân duyên đi chùa tụng kinh niệm Phật. Tôi tuy ít có thời gian rảnh về thăm nhà, nhưng thường xuyên gửi băng đĩa và kinh sách về nhà cho ba mẹ. Mẹ nói như vậy cũng vui rồi, có băng đĩa kinh sách để xem, vừa hiểu được lời Phật dạy vừa thấy hình bóng của tôi trong đó. Trước kia, khi chưa biết Phật pháp, mỗi khi ngồi một mình quạnh hiu vắng vẻ, mẹ hay buồn vì nhớ thương con, nhớ trước kia khi ba anh em tôi còn nhỏ, cả nhà năm người ngày nào cũng quây quần bên nhau thật đầm ấm. Lớn lên hai đứa xa nhà mỗi người một việc, mẹ lại lo sao chúng tôi chưa chịu lập gia đình. Ông anh già đầu của tôi không biết đến bao giờ mới biết tự lo cho tương lai. Tôi ba mươi sáu xuân không còn xanh nữa nhưng cũng “dở dở ương ương” trên đường tình ái, lại hay đi chùa, nhiều người trêu tôi có số đi tu. Báo hại thằng út phải gánh lấy trọng trách nối dõi tông đường. Đứa cháu gọi tôi bằng bác cũng là một thằng cu. Thế là tôi đã yên tâm, không còn lo bị thúc hối lập gia đình như trước nữa.

Hiện giờ tôi rất vui vì đã hướng được mẹ (và cả ba tôi nữa) theo con đường Phật pháp. Mẹ đã hiểu luật nhân quả nghiệp báo, không còn lo sợ, ưu phiền vì bệnh tật, không còn phiền trách anh tôi, không còn lo về chuyện gia đình cho chúng tôi nữa. Mỗi ngày bắt đầu với mẹ là một thời khóa niệm Phật vào sáng sớm, kết thúc cũng bằng một thời khóa niệm Phật, những lúc rảnh rỗi trong ngày thì nghe pháp, đọc kinh. Sức khỏe của mẹ dần dần ổn định, tuy chắc chắn không được như người bình thường và vẫn uống thuốc, nhưng những cơn đau đầu và co thắt tim đã giảm đi đáng kể, mức độ cũng không nặng như trước. Hành trì Phật pháp quả thật lợi ích không thể nghĩ bàn! Chúc mẹ luôn tinh tấn, an lạc và vững bước trên con đường chánh pháp.

Mùa Vu Lan 2011

Trích: Đặc San Suối Nguồn II - Tu Viện Huệ Quang

http://www.tuvienhuequang.com/van-hoc/sang-tac/2499-me-la-me-cua-chung-ta.html


Âm lịch

Ảnh đẹp