Thấy tôi cứ lêu bêu quấn quít
cạnh mẹ, ba tôi có lần gắt:
- Em phải để cho con nó học chớ.
Bằng tuổi nó người ta đã vào lớp Tư (1) rồi. Trẻ con lên
bốn tuổi, người ta đã cho vào ấu trĩ viện (2) để chúng
vừa chơi vừa học.
- Học sớm hay muộn gì rồi cũng sẽ
đến đích một lượt. Ðứa bốn tuổi học một năm bằng đứa năm
tuổi học sáu tháng.
- Anh biết rõ điều đó. Nhưng nó đã
sáu tuổi rồi mà chưa học được tháng nào.
- Thôi để em dạy con.
Má tôi gom những miếng bìa cứng,
cắt thành từng mảnh vuông to bằng bàn tay. Má vẽ lên đó
những cái vòng tròn, những cái hình mà má gọi là lưỡi
câu, cái gáo, con cá. Má chỉ cái vòng tròn và bắt tôi
gọi bằng o, cái lưỡi câu bằng i,
cái gáo bằng q, con cá bằng e.
Lưỡi câu là cái tôi không hề biết nên tôi hỏi lại:
- Lưỡi câu là cái gì vậy má?
Má tôi ngạc nhiên bởi câu hỏi. Má
nhìn tôi giây lâu rồi đưa bàn tay mềm mại vỗ lên đầu
tôi. Má nói:
- Ờ! Con chưa biết cái lưỡi câu.
Ðó là một cái kim nhọn bẻ cong lại, nơi đầu người ta móc
một con mồi vào.
- Con mồi là con gì, má?
- Là con trùn, con dế hoặc nhiều
khi là miếng bánh, miếng cơm, những món mà con cá nó
thích ăn.
- Móc con mồi vô cái kim chi vậy?
- Ðể đem thả xuống nước. Con cá
thấy mồi, mừng quá, lật đật bơi lại táp. Miệng cá dính
vào cái kim, người ta giật lên, cá không chạy trốn được,
người ta bắt nó.
Tôi chỉ xuống hình vẽ con cá trên
một bìa cứng (chữ e của má tôi đó) hỏi lại má tôi:
- Người ta bắt con cá này phải
không má?
Má tôi mỉm cười, gật đầu. Tôi lại
hỏi:
- Má có đi bắt những con cá bằng
cái kim uốn cong như vậy không?
- Có. Hồi nhỏ má có đi bắt như
vậy. Người ta gọi là đi câu.
- Sao má không cho con đi bắt?
- Khi nào rảnh, vào ngày chủ nhật
hay ngày lễ, ba con sẽ dẫn con đi câu một lần.
Tôi lắc đầu:
- Không, con muốn má dẫn con đi.
Con không muốn ba dẫn.
- Má bệnh, má đâu có đi được?
- Thì hôm nào má mạnh má dẫn con
đi.
Má tôi "ừ" và lặng lẽ nhìn tôi.
Một lát thấy từ nơi khóe mắt của má có hai giọt nước mắt
chầm chậm ứa ra, lăn dài chạy xuống cằm. Tôi không hiểu
tại sao điều tôi yêu cầu có thể làm má tôi buồn như vậy.
Sau này lớn lên, ngồi nhớ lại tôi mới hiểu. Một người đã
đoán biết được ngày chết gần kề của mình mà phải hứa với
con một điều mình biết chắc không thể nào thực hiện
được! Không những không thực hiện được việc dẫn con đi
câu cá, cả đến việc được ngồi cạnh con trước những tấm
bìa cứng này cũng không còn kéo dài được bao lâu nữa.
Tôi không học được bao nhiêu chữ.
Bởi ngồi với tôi chừng một lát thì má phải nằm nghỉ. Tôi
sung sướng nằm theo cạnh má, tay cầm xấp "bài học" xếp
xếp như người ta đánh bài. Tôi nói với má:
- Nằm học khỏe hơn, má há ?
- Ừ.
- Sao ở trường học họ không cho
học trò nằm ngửa ra mà học ?
- Nằm ngửa ra, tụi nó ngủ quên
hết.
Tôi gật đầu, ờ ờ.
Dù khi tôi ngồi cạnh hay nằm cạnh,
má cũng hay lấy bàn tay rờ lên đầu tôi, vuốt ve lên má,
lên cằm, lên tai tôi. Dường như để xác định rằng tôi có
hiện diện đó thực, tôi, vật quý báu nhất do má tạo ra và
má sắp bỏ lại trên cõi trần này.
Ba tôi bắt gặp mấy lần lối học "nằm
ngửa" này của tôi. Ông kiểm soát lại xem có chữ nào
còn sót lại trong cái khối óc ưa nằm ngửa đó không và rõ
ràng là một tư thế như vậy làm cho mọi chữ nghĩa đều
trôi tuột đâu hết. Ông nghiêm sắc mặt bảo tôi:
- Ngồi dậy mà học.
Tôi líu ríu ngồi dậy.
- Lại ngồi nơi bàn mà học.
Tôi líu ríu đi lại bàn.
- Sắp lên bảy tuổi rồi mà học chưa
hết hăm bốn chữ cái. Bằng tuổi mày, người ta đều học lớp
Tư.
Má không phân biệt cho tôi chữ nào
đực, chữ nào cái.
Tôi đoán chữ i, chữ
t gầy gò là đực, chữ o chữ
a mập mạp là chữ cái.
Thường thì tôi nghe lời ba tôi lại
bàn ngồi ngay ngắn, nhìn xuống mặt chữ và lẩm nhẩm gọi
tên nó. Má tôi im lặng để nhường tiếng nói cho Ba tôi.
Một hôm tôi ngoan ngoãn nghe lời
ba líu ríu lại bàn thì má tôi cất tiếng:
- Thôi cho con đi chơi.
Tôi không biết nên nghe lời ai.
Nghe lời má tôi thì sướng quá rồi, nhưng ba tôi còn đứng
đó. Mà ba tôi thì không nghiêm khắc nhưng ông biết bắt
người ta vâng lời. Tôi biểu lộ sự lưỡng lự bằng cách vẫn
đi bước tới nhưng bước chậm lại.
Má tôi dục:
- Con chạy ra ngoài chơi đi con.
Tiếng ba tôi:
- Thôi cho con đi chơi.
Tôi nghe lời ba, đi rẽ ra phía hành
lang. Vừa bước ra khỏi phòng thì nghe tiếng nói của má
tôi:
- Anh đừng làm cho con sợ.
- Anh không muốn như vậy. Nhưng
phàm uốn tre thì phải uốn khi nó còn là măng. Anh tập
cho con biết nghe lời phải.
- Phải uốn dịu dàng!... Em biết là
em quấy khi giam giữ con ở cạnh mình mà không chịu rời
nó ra cho nó đi học. Nhưng anh ơi, em đâu có còn sống
được nhiều ngày tháng? Bác sĩ nói với anh là bệnh em sẽ
chữa khỏi. Anh đừng tin. Em biết sức khỏe của em mà. Vì
vậy mà em muốn sống quây quần bên cạnh con những ngày
chót của đời em.
Tiếng má tôi khóc nấc lên làm tôi
bàng hoàng. Tôi đi trở ngược lại và qua khung cửa mở,
tôi thấy ba tôi cầm tay má tôi. Má tôi lấy khăn lau nước
mắt:
- Con nó nhút nhát vì từ nhỏ đến
giờ nó chỉ sống cạnh em. Gần như không tiếp xúc với
những trẻ con khác. Vậy anh đừng làm cho con sợ. Anh
phải thương con bằng tình thương của anh và thay em mà
thương con bằng tình thương của người mẹ. Bổn phận thứ
hai nặng hơn bổn phận thứ nhất.
Má tôi ngậm một chéo khăn mùi-soa
như để ngăn chặn tiếng nấc.
Những tấm bìa cứng tỏ ra bất tiện
mỗi khi tôi muốn nhìn lại gương mặt của một chữ. Cứ lật
lên, bỏ xuống, loay hoay kiếm hoài. Ðôi khi miếng bìa
mang chữ cái tôi muốn kiếm lại không nằm trong "bộ bài"
đó mà nằm lạc ở một nơi nào khác. Ngày nàp cũng có dịp
để lục tứ tung mền gối với mục đích tìm chữ. Rất tốn thì
giờ. Bởi vì kiếm chữ thì không ra mà lại gặp toàn những
thứ mình không định kiếm. Chẳng hạn hòn bi. Rõ ràng hôm
kia tôi ngồi bắn bi một mình ở ngoài mái hiên, thế mà
buổi chiều ra mái hiên để tìm bắn tiếp thì một hòn biến
đâu mất. Chạy kiếm sáng con mắt, chẳng chỗ nào có. Má
tôi đưa hai đồng sai chị bếp ra hiệu sách mua cho tôi
hòn bi khác. Bây giờ khi tìm chữ mà học thì lại thấy hòn
bi đó nằm dưới tấm "ra". Chẳng hạn tìm thấy cái móc tai.
Hôm qua ba tôi ngứa tai, tìm cái móc tai nhưng không
thấy, ông lại la vang cả nhà. Bây giờ không tìm thì nó
lại nằm tô hô ra đó. Nhưng tôi không chịu nhặt đem đi
cất ngay để trưa về đưa cho ba đâu. Tôi phải dùng nó để
móc tai tôi cái đã. Công việc đó làm tôi say mê và khi
tôi chịu rời nó ra thì bên phòng ăn đã nghe tiếng muỗng
nỉa rổn rảng.
Má tôi nhận thấy sự bất tiện của
phương pháp học bài trên bìa cứng nên một hôm đưa tiền
cho chị bếp sai ra hiệu sách mua cho tôi một cuốn vần.
A! Có cuốn sách mới chính hiệu là
học trò đây! Tôi giành lấy quyển sách. Nhìn xem cái bìa
thấy có vẽ hình hai đứa con nít đang lật mở cuốn sách.
Tôi nói:
- Học cuốn sách cần phải có hai
đứa không má? Con học có một mình thì học sao được?
- Má sẽ cùng học với con.
- Nhưng má đâu phải là con nít?
Ðứa con gái này lớn hơn thằng kia một chút. Chắc
là chị của thằng kia. Ðáng lẽ má đẻ cho con một đứa chị
gái như vậy.
Má gật gật đầu:
- Ừ. Ðáng lẽ má đẻ cho con một đứa
chị gái như vậy. Nhưng mà thôi, đưa sách đây má lật dạy
cho con. Ðây, cái lưỡi câu đây. Lưỡi câu là chữ gì?
Tôi lật đật nói liền như sợ có ai
tranh nói trước:
- Chữ i
- Giỏi lắm. Chữ i
dùng để viết đi học, đánh bi. Con coi hình vẽ thằng nhỏ
đi học. Vài hôm nữa con cũng ôm cặp và xách ve mực đi
học như nó vậy. Còn thằng này thì ngồi đánh bi. Hai đứa
nhỏ này đang chạy thi.
Tôi vội lật qua trang sau để xem
có món gì lạ trong đó. Tôi la to lên:
- A! Con cá! Con cá đang bơi.
- Tên là cá gì con biết không?
Tôi lắc đầu:
- Không.
- Cá thu. Con cá thu có chữ
u.
Chữ o thật dễ nhận
ra. Má tôi chỉ hình vẽ một chùm trái cây rồi hỏi:
- O chùm... chùm gì?
Tôi nói liền:
- Chùm ruột.
Má bật cười:
- Chùm nho chớ sao lại chùm ruột?
Tôi cười ồ theo. Tôi quen kêu
chùm ruột chớ ít nói chùm nho. Trên lối đi ngoài vườn có
đến ba, bốn cây chùm ruột. Mùa Hè, trái lòng thòng từng
chùm.
Má chỉ hình con ve sầu (dạy chữ
e) rồi hỏi tôi con gì.
Tôi nhìn xuống hình, nhíu môi suy
nghĩ một lát rồi nói:
- Con dán.
Má lại cười. Rõ ràng là sự học
vấn làm cho mẹ con tôi vui vẻ.
Có một trang vẽ làm cho má
tôi ủ dột nét mặt. Ðó là trang dạy chữ ê
vẽ hình một con dê mẹ cho con bú và con bò
mẹ cho con bú. Con dê mẹ có một bầu sữa thật lớn
và đứng lom khom. Nó có một chùm râu nơi cằm nên
không ra dáng một bà mẹ. Con bò cái trông dễ
thương hơn. Nó quay mặt lại nhìn con bú. Ðôi mắt
trìu mến hiền từ, như mắt má tôi vẫn nhìn tôi
khi tôi ngồi trên lòng má.
Học đến chữ q
"con nhỏ quét nhà" thì bịnh của má tôi phát nặng
trở lại. Bác sĩ cấm không cho tôi được vào phòng
má. Ba tôi âu lo, mỗi ngày gương mặt mỗi héo dần
đi. Trong phòng má bước ra, ba đi thẫn thờ hoặc
bước vội vã, và dường như ba không còn thấy sự
hiện diện của tôi nữa, của chị bếp, của chị Năm
giúp việc, của căn nhà, của mọi vật xung quanh.
Có lẽ chỉ còn nhận thấy sự hiện diện của cái cửa
để bước ra, của cái bàn để đi tránh. Tôi buồn bã
cô dơn, đem cuốn sách vần ra nhìn mặt chữ, nhìn
hình vẽ. Lật xuôi lật ngược, đọc ngược đọc xuôi,
nhưng đến trang "con nhỏ quét nhà" là dừng lại.
Trang bên cạnh có vẽ con khỉ trèo cây. Chẳng
biết chữ gì đó, đọc như thế nào và sự tích làm
sao. Chắc là phải hay lắm, thú vị lắm bởi một
con khỉ thì không thể chán như hai trái đu đủ
hay như cái lư đồng. Nhưng ai đọc cho tôi? Ai
giải thích cho tôi? Thật ra thì ba tôi có thể
chỉ cách đọc, chị bếp có thể chỉ cách đọc, nhưng
tôi không muốn ai chen vào sự học của tôi để
thay thế má tôi hết. Tôi chỉ tin ở má tôi thôi.
Tôi chỉ an tâm thoải mái bên cạnh má tôi thôi.
Ðôi lúc ba tôi đi ngang cạnh tôi, đứng dừng lại,
nhìn tôi ngồi trước trang sách. Tôi phải đọc vội
những chữ u chữ e và
đưa tay lật liền những trang đầu sách. Khi vội
quá không kịp lật ra trang trưóc thì tôi đưa hai
bàn tay che lại cái hình con khỉ. Ðáng lẽ ba tôi
để ý tìm hiểu vì sao nhưng dáng ba mệt nhọc bơ
phờ nên ba đứng dừng lại một chút rồi bỏ đi
luôn. Tôi không muốn ba tôi nhìn đúng vào trang
con khỉ trèo cây. Tôi sợ ba tôi sẽ hỏi chữ gì
rồi bày cho tôi học luôn. Tôi muốn nhìn đôi môi
xinh xắn của má tôi đọc, ngón tay trắng thon của
má tôi chỉ và tai tôi nghe giọng nói dịu dàng
của má tôi phát âm tiếng đó. Tôi muốn má tôi kể
cho tôi nghe về chuyện con khỉ đó như má kể
chuyện con ve ve đi vay gạo của con kiến trong
bài học chữ e, con tò vò nuôi con
nhện trong bài học chữ t, đời sống
của chúa sơn lâm, con sư tử giữa rừng Châu Phi
trong bài học chữ s. Nhưng than
ôi: Ðiều ao ước đòi hỏi của tôi không thể thực
hiện được. Má tôi từ trần trong kỳ bệnh tái phát
đó, má vĩnh viễn lìa bỏ tôi. Cuốn vần quốc ngữ
chứng kiến sự ra đi đành đoạn của má. Nhìn trang
bên này thì má tôi còn, nhìn sang bên kia thì má
tôi mất. Con đường chỉ đóng ngăn cách hai trang
sách như là con đường phân ranh giữa sự còn và
sự mất, sự Sống và sự Chết của má tôi.
Má mất được hai tháng thì
ba tôi dẫn tôi xuống trường Tiểu học Lai Ðức xin
cho tôi học lớp năm (3). Cô giáo bắt dùng một
cuốn sách vần khác không có vẽ hình con khỉ.
Càng hay. Hình con khỉ nên chỉ để giành riêng
cho tôi và má tôi thôi. Tôi không muốn ai dính
dự vào đó hết. Hãy để cho nó giữ vẹn sự bí mật
đối với tôi cũng như sự bí mật bao quanh má tôi
từ khi má mất. Tôi không biết bây giờ má tôi ở
đâu. Hài cốt thì chắc chắn là nằm ở nghĩa trang
thành phố, dưới ngôi mộ đắp vun lên, xây đá,
quét vôi trắng và phía trước có tấm bia ghi rõ
tên má. Hàng chót của tấm bia ghi tên tôi, đứa
con trai độc nhất của má mà người khắc bia ghi
là Trưởng nam phụng tự. Cái thân xác của má còn
đó nhưng linh hồn thì phiêu lãng ở cõi nào? Tôi
không tin là cái linh hồn đó bị tiêu diệt đi
được.
Từ ngày má mất, ba tôi
dịu dàng vói tôi nhiều hơn trước, mặc dù sự học
của tôi không theo kịp nổi những đứa cùng tuổi.
Ba tháng học của một thằng sáu tuổi kết quả bằng
một năm học của một đứa lên bốn tuổi, điều má
tôi nói có thể đúng, nhưng những đứa sáu tuổi
lại không chịu ngừng để đợi tôi. Chúng nó cứ học
như điên và tôi phải vừa học theo vừa trả nợ
liên miên. Trả nợ hồi lên bốn, trả nợ hồi lên
năm, trả nợ hơn nửa năm lên sáu. Ba tôi khuyên:
- Con cứ yên tâm mà học.
Chẳng cần phải vội chi. Lơp Năm, lớp Tư con thua
chúng bạn nhưng lên lóp Ba, lớp Nhì con sẽ bằng,
lên lớp Nhất con sẽ hơn. Con đường học vấn còn
dài lắm.
Tôi nói thầm:
- Con cám ơn Ba, nhưng con
sẽ cố gắng học để mau bằng chúng bạn. Con sẽ
thua chúng bạn ở lớp Năm, bằng chúng bạn ở lớp
Tư và lên lớp Ba con sẽ hơn. Con phải làm vui
lòng má con, làm sao cho má khỏi hối hận là bởi
má mà con đi học chậm trễ thua sút con người ta.
Tôi đã giữ lời hứa, dù đó
là lời hứa âm thầm. Tôi đã can đảm ngồi lại bàn
học lâu hơn những đứa bạn tôi, bị thúc đẩy bởi
lòng yêu thương má tôi tha thiết khôn nguôi. Lâu
lâu, tôi lén mở cuốn sách vần cũ, cuốn vần đầu
tiên của chúng tôi. Hai đứa nhỏ vẫn cứ chạy thi
hoài, chạy suốt đêm suốt ngày không biết mệt.
Thằng nhỏ vẫn ngồi bắn bi, bắn bi mà y như cầm
hòn bi dứ vào miệng con cá phi đang lừ mắt nhìn.
Trang sau có thằng nằm ngủ miệng há ra để rớt
những chữ o trên tay, và dưới tấm
hình người ta biên là ngáy o o.
A! Cái chùm nho mà ngày
xưa tôi kêu là chùm ruột! Từ ngày má mất, chị
Năm và chị bếp tị nạnh nhau lười biếng tưới cây.
Cây chùm ruột cạnh giếng thì còn tươi tốt trái
bâu đầy cành, còn mấy cây chùm ruột đứng ở góc
rào thì thiếu nước nên đói trông thấy. Lá mỏng
đi và hay xếp quặp lại. Rầy bám đen thân cây như
có ai rảy bột than lên đó.
Tôi lật thêm vài trang.
Con dê mẹ còn đứng khom lưng, con bò mẹ vẫn quay
mặt âu yếm nhìn con bê đang say sưa bú. Tôi nhớ
đến nét mặt buồn của má tôi lần đầu tiên khi má
lật trang này. Má ơi, hôm nay thì con biết tại
sao má buồn như vậy. Má muốn đem má so với con
bò mẹ đó. Con bò mẹ còn nhiều ngày tháng để âu
yếm nhìn con nó, còn má thì sắp sửa phải vĩnh
viễn xa con. Con nhớ buổi sáng đó má nhìn lâu
bức hình rồi má thở dài. Má quay mặt đi chỗ
khác. Con hỏi má:
- Con bò con nó bú hết sữa
thì lấy đâu để người ta làm sữa bò, hở má?
Con đợi lâu không thấy má
trả lời. Khi má quay lại thì con thấy mắt má đỏ
và ươn ướt. Con còn dại không hiểu là má đang
khóc. Con hỏi:
- Sao mắt má đỏ vậy má?
Má nói:
- Có hột bụi rớt vô mắt
má.
Má ơi, hôm nay coi lại
hình con bò mà con nhớ má quá chừng. Con muốn
được ngồi cạnh má và được má nhìn bằng đôi mắt
âu yếm như đôi mắt của con bò cái nhìn con nó
vậy.
Nghĩ tới đây, nước mắt
tôi lặng lẽ trào ra. Tôi không muốn khóc mà! Tôi
chỉ muốn nhớ tới má tôi thôi, nhớ đôi môi xinh
xắn, ngón tay trắng thon và giọng nói dịu dàng.
Tôi lật thêm vài trang. Ðến trang con bé quét
nhà và con khỉ trèo cây thì cơ hồ mắt tôi không
còn nhìn rõ hình vẽ nữa. Màng nước mắt đã dày và
những hình vẽ chập chờn rung rinh.
Mỗi lần mở cuốn vần ra
coi, tôi sợ ba tôi bắt gặp. Tôi thường đợi lúc
nào ba đi vắng. Tôi không muốn bị ba phê bình là
đa cảm ủy mị. Hồi má còn và thấy tôi lớn đầu mà
còn quấn quít bên mẹ, ba tôi tỏ ý lo rằng sau
này lớn lên tôi thiếu mạnh dạn can đảm. Chính vì
lẽ đó mà mặc dù rất chìu chuộng má tôi, có nhiều
lần ba phải la lối gay gắt.
Quyển sách vần, tôi cất
kỹ trong tủ sách của tôi. Hễ lật coi xong là len
lén đem cất dưới đáy tủ. Thế nhưng có hôm vì bạn
tới chơi bất ngờ hay có việc gì đó hốt nhiên xảy
đến, tôi lật đật quên dẹp nó. Và rồi tôi cũng
quên bẵng nó nữa. Tuổi nhỏ có trí nhớ rất dai
nhưng dễ lơ đễnh lộn xộn. Khi mở cặp học bài,
bỗng thấy cuốn vần nằm trong đó. Lần đầu tiên,
tôi kêu chị bếp:
- Chị có bỏ quyển vần cũ
trong cặp của em phải không?
Chị lắc đầu:
- Không.
Tôi nói:
- Vậy là chắc chị Năm.
Tôi kêu chị Năm và lặp
lại câu hỏi. chị Năm dài dòng hơn:
- Từ sáng giờ chị đâu có
vô phòng em mà bỏ? Ai bỏ đó chớ, chị bỏ chị nhận
liền. Chắc chị Năm nghi chị bếp bỏ. Và chắc chắn
chị chưa nghe rõ câu hỏi, chưa biết bỏ cái gì,
bỏ vô đâu và bỏ như vậy có hại gì. Chắc chị đang
nghĩ "kẻ đó" đã làm một điều lỗi, và chị muốn đổ
riệt cho chị bếp. Tôi không muốn hỏi dài dòng
thêm. Một cái chạng cây ổi nơi đó tôi ngồi núp
dưới bóng lá để nghe con chim kêu chích chích
đối với tôi thích thú hơn những chuyện đôi co.
Một lần sau lại cũng bỏ
quên quyển vần và cũng lại tìm thấy trong cặp.
Lần này tôi bận làm toán đố, không kịp điều tra.
Một buổi sáng nọ tôi đang
mê ngủ thì chợt giật mình thức dậy. Nhìn ra cửa
sổ thấy ánh sáng ban mai còn mờ mờ. Bên phòng ba
tôi có tiếng lục đục. Ba có thói quen dậy sớm.
Một lát có tiếng cửa mở nhẹ, rồi tiếng dép của
ba đi về nhà sau. Chợt tôi nghe tiếng ba tôi
hỏi:
- Ðứa nào đem bỏ quyển vần
Quốc ngữ của em vô đây?
Tôi lo quá khi ba tôi
nhắc đến quyển vần Quốc ngữ. Ðúng rồi, chiều qua
tôi lật ra coi rồi bỏ quên không dẹp. Chắc chị
bếp tánh hay làm ẩu, lấy đặt một nơi nào mà ba
tôi không bằng lòng. Ðặt lên đầu tủ lạnh, trên
mặt tủ búp-phê chẳng hạn. Tính ba tôi sạch sẽ mà
quyển vần thì lem luốc rách rưới.
Tiếng chị bếp:
- Dạ thưa ông, cháu đó.
- Quyển sách của em mà,
sao quăng vô đây?
- Dạ cháu thấy cuốn sách
rách bìa, bỏ rớt dưới sàn gạch phòng ăn. Cháu
tưởng em nó bỏ. Cháu lượm quăng vô giỏ để chừng
nào nhen lửa. Cuốn sách vần cũ mà, thưa ông.
- Ừ, cuốn vần cũ chớ sao?
- Em học lên tới lớp Nhất
rồi, còn dùng cuốn vần đó chi nữa.
Một khoảng im lặng hơi
dài. Tôi nghĩ rằng ba tôi bỏ đi chỗ khác không
trả lời chị bếp. Nhưng không. Vẫn nghe tiếng ông
nói ở chỗ cũ:
- Em nó giữ để lâu lâu nó
mở ra coi. Kỷ niệm của má nó đó mà. Lần sau hễ
thấy em nó bỏ lạc chỗ nào thì nhớ lượm lên đem
bỏ vô cặp cho em.
- Dạ.
Tiếng dép ba tôi đi lên
nhà trên. Tay nắm cửa phòng tôi quay nhè nhẹ và
cửa phòng mở nhè nhẹ. Tôi vội vàng nhắm mắt giả
vờ ngủ. Ba tôi lại gần giường đứng nhìn tôi giây
lâu rồi nhẹ mở cái cặp của tôi đặt quyển vần vào
trong. Ông đóng cặp lại rồi rón rén bước ra khỏi
phòng. Cánh cửa nhẹ nhàng đóng lại sau lưng.
Tôi cảm động muốn kêu
lên: "Má ơi! Ba không nghiêm khắc với con như
má hằng lo sợ hồi má còn sống. Ba uốn nắn con
nhẹ lắm, nhẹ hơn uốn nắn cây măng non. Ba quý
trọng những giờ phút quấn quít cạnh nhau của mẹ
con ta, hồi xưa và cả bây giờ và mãi mãi sau
này nữa, má có biết không?" Tôi rất yên tâm
bởi không bị cản trở trong việc thỉnh thoảng
ngồi nhớ má tôi, nhớ những ngày cũ êm đềm cạnh
má, sự hồi tưởng bâng khuâng mà khi lớn lên tôi
coi như những cuộc hành hương lặng lẽ về Quá Khứ
má hiện diện, để về Ðất Thánh của tâm hồn tôi.
(1) Tương đương với lớp Hai
(2) Vườn trẻ
(3) Tương đương với lớp Một |
Trích từ trang
http://www.vohong.de |