25/02/2011 15:41 (GMT+7)
Số lượt xem: 2386
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tối hôm đó, thầy Liễu Triệt trăn trở mãi không chợp mắt được. Thầy chẳng những nghĩ đến Phú Xuân mà còn nghĩ đến Thăng Long. Dân chúng Nam Bắc cách nhau một dải sông Gianh, bao giờ mới hết cảnh chinh chiến chia lìa?


 Thầy phát tâm đợt thuyết pháp tới đây sẽ nói với tăng chúng và Phật Tử về một nguồn cội Lạc Hồng không bao giờ đứt mạch. Tư tưởng hưng quốc an dân từ thủa Lý Trần hẳn là vẫn âm thầm trong tâm thức giống nòi. Thầy nhắm mắt lại. Trong cõi không, chùa Một Cột hiện ra mỗi lúc một gần, rồi nở xòe như một đóa sen lớn...

Có lão sư cụ/ Phải lòng mụ câm/ Hai đứa ăn nằm/ Sanh thằng trọc nhỏ/ Ngày bắt gõ mõ/ Nam mô nam mô/ Đợi khi đêm về/ Cho gặm thịt chó…

Sau mấy trận mưa đầu mùa, cỏ non lên xanh um đồi Long Bích. Nơi đây nghiễm nhiên trở thành thiên đường của lũ mục đồng.

Sáng sáng dắt trâu ra thả dưới chân đồi rồi thỏa sức bày trò nghịch ngợm cả ngày. Chiều dong trâu về, bụng con nào con nấy no căng cỏ. Cả người lẫn trâu đều phởn phơ nhàn tản vô cùng.

Chiều nay về ngang chùa Thập Tháp, cả lũ tự nhiên hè nhau gân cổ rống to bài vè đó, rồi cười ré lên, quất trâu bỏ chạy.

Thầy Liễu Triệt ngồi bên bàn nước đặt trước hiên. Sợi khói bốc lên từ chén trà vừa rót cứ dài mãi, dài mãi ra, ngui ngút trong cái bầu không se se lành lạnh, lãng đãng một chút rồi tan vào bóng chiều nhập nhoạng.

Ánh mắt sư thầy hướng về phía tấm bình phong bằng đá đặt ở phía cổng. Đằng sau đó là con đường đất loang lổ những vũng nước mưa, con đường vừa rộn lên những tiếng cười của lũ trẻ trâu. Những tiếng cười trong trẻo đến nhói lòng.

Lâu thật lâu, thầy mới rời khỏi ghế, lững thững bước xuống sân.

Đã bốn tháng rồi…

Kể từ cái đêm hòa thượng Liễu Triệt bắt gặp một người con gái nằm khóc rấm rứt bên cổng chùa, trên người không một mảnh vải che thân.

Cô gái không phải người làng. Ngay ngày hôm sau thầy đã nhờ phật tử và tăng chúng đi dò hỏi khắp các làng lân cận nhưng không làng nào có người mất tích. Có lẽ cô cũng không phải là người ở phủ này. Hỏi chuyện cô gái thì cô chỉ ú ớ lắc đầu và khóc. Thầy cho dựng một gian nhà tranh nằm biệt lập phía sau chùa để cô ở tạm. Mọi người trong chùa gọi cô là chị Câm.

Chuyện tưởng chỉ có vậy, nhưng miệng lưỡi thế gian độc địa mấy ai lường?

Hòa thượng Thật Kiến - Liễu Triệt xuất gia từ thuở niên thiếu. Sau một thời gian ngắn tu tập đã làu thông kinh điển, giới luật tinh nghiêm, tăng chúng trong chùa và phật tử gần xa đều kính ngưỡng. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát nghe danh, cho triệu thầy ra Phú Xuân nhậm chức trụ trì chùa Thiên Tự. Trong thời gian đó, thầy Liễu Triệt thường hay ra vào nội cung thuyết pháp và đã có quan hệ tình cảm với một cung phi bị thất sủng. Năm hòa thượng Kỳ Phương viên tịch, thầy Liễu Triệt trở về chùa Thập Tháp tiếp quản chức trụ trì. Người phi đó ngày đêm nhung nhớ mà mắc bệnh. Rồi cuối cùng liều trốn khỏi chốn lầu son, theo tiếng gọi của tình yêu mà tìm về nơi quê mùa hẻo lánh này. Sau đó hai người dựng lên vở kịch nọ để che mắt thiên hạ và được hôm sớm gần nhau…

Đó là câu chuyện truyền khẩu của những người đa sự trong làng, nhằm lý giải lai lịch của chị Câm và hạ thấp thanh danh vị hòa thượng đang trụ trì Tổ đình Thập Tháp. Chuyện chưa rõ thực hư song đã tác động lên niềm tin của không ít người. Dân trong vùng, trước kia dù không thường xuyên đi lễ Phật nhưng đối với các sư tăng vẫn một mực tôn kính thì bây giờ đều tỏ ra lạnh nhạt và có phần ác cảm. Một số phật tử không còn đến chùa tụng kinh, làm lễ nữa. Suốt bốn tháng trời, lời ra tiếng vào trong làng chưa có dấu hiệu giảm bớt, thì gần đây bụng chị Câm cứ to dần. Chị đã có mang.

Hòa thượng Liễu Triệt là người xuất gia, an nhiên trước sự đời. Những lời đàm tiếu vô căn cứ của thiên hạ làm sao có thể khiến thầy bận lòng. Thế nhưng…

Tâm trẻ vốn thiện. Sao các bậc cha chú lại nỡ lòng bày chúng những lời lẽ đó. Chẳng phải là vô tình tạo nghiệt cho con trẻ hay sao?

Đêm thả dần xuống vai thầy, chậm chậm, trầm trầm. Thầy hít một hơi thật dài, tay chắp trước ngực, hai mắt từ từ nhắm lại. Tiếng thở ra thốt nhiên chỉ như cơn gió thoảng:

- A Di Đà Phật!


***

Gà gáy điểm canh bốn.

Sao trên trời đã thưa dần.

Hơi sương vẫn nhởn nhơ la đà trên mặt cỏ.

Một bóng xám băng vội vàng qua sân bông, dừng trước cửa phòng thầy trụ trì, khẽ giọng:

- Thưa thầy…

- Chánh Tâm à? Vô đi con!

Hòa thượng Chánh Tâm giữ chức quản chúng ở chùa, là đệ tử lớn nhất của sư thầy Liễu Triệt. Đẩy cửa bước vào, thấy sư phụ đang chuẩn bị cho buổi tụng kinh sáng, không đợi hỏi, thầy Chánh Tâm vội thưa luôn:

- Thưa thầy, con cọp lại đến nữa!

Thầy Liễu Triệt ngẩng lên, vẻ mặt từ ái:

- Hôm nay là hôm thứ ba rồi phải không?

- Dạ! Nó đang nằm đằng sau nhà Tổ.

Thầy Liễu Triệt trầm ngâm. Cách đây hai ngày, khi đi thắp nhang ở nhà Tổ, chính hòa thượng Chánh Tâm phát hiện ra con cọp trắng lai vãng trong khuôn viên chùa. Ngay sau đó, thầy Liễu Triệt đã tức tốc cho quét dọn gian phòng khách cạnh nhà bếp để chuyển chị Câm vào ở, tránh chuyện bất trắc.

Thế gian lại được thêm một phen thỏa thuê đàm tiếu.

Hôm qua, Bạch Hổ cũng đến vào tầm này. Nó tuyệt nhiên không dấn sâu vào trong sân, chỉ nằm dài phía sau nhà Tổ.

Thầy Liễu Triệt gật gù, lẩm bẩm:

- Ba hôm rồi!... Ba hôm… Ba hôm… Thầy cũng đã nghĩ thử. Dứt khoát không phải do động rừng mà Bạch Hổ đó xuống đây đâu - Ngập ngừng một chút, sư thầy nói tiếp - Nó chỉ tới nhằm đúng giờ tụng kinh sáng, xong là đi. Thầy đoán nó đã ngộ đạo rồi, nhưng con cứ dặn mọi người đừng ra phía sau. Cẩn thận một chút vẫn hơn…

Thầy Chánh Tâm cúi mình dạ một tiếng rồi lui ra. Đi ngang Chánh điện, thấy tiểu Chút đã sắp kinh xong, thầy ngoắc nó ra ngoài, ân cần:

- Mấy vết bầm trên ngực, đã nhờ sư huynh xức dầu chưa?

- Dạ rồi…

- Mông còn đau không?

Tiểu Chút bất giác đưa tay sờ mông, lí nhí:

- Dạ…

Thầy Chánh Tâm dịu dàng:

- Hôm qua thầy phạt roi con, con có giận thầy không?

Tiểu Chút lắc đầu nguầy nguậy. Thầy Chánh Tâm xoa đầu nó:

 - Lũ chăn trâu đọc vè giễu sư phụ là sai. Nhưng mình là người đi tu, lòng phải hiền hòa. Chuyện gì cũng vậy, biết nẫu(1) sai thì mình phải lấy điều thiện mà khuyên giải. Khuyên một lần không được thì khuyên mười lần. Khuyên đến khi nào nẫu hiểu thì thôi. Dù có bị đánh chửi hay chế nhạo thì cũng phải nhẫn nhịn. Bữa rằm sư phụ giảng về bốn chữ “từ bi hỷ xả”, con chắc chưa quên?

Đôi mắt trong veo của tiểu Chút ngân ngấn nước. Nó cúi mặt, nói nhỏ nhỏ:

- Thưa thầy, con biết lỗi rồi ạ.

Thầy Chánh Tâm ngồi khom xuống, lấy tay áo chặm nước mắt cho tiểu Chút, rồi dắt nó về dãy phòng Chúng phía Bắc.

 ***

Lại thêm bốn tháng nữa qua đi.

Đêm mười sáu vằng vặc một màu trăng.

Nửa đêm, thầy Liễu Triệt giật mình tỉnh giấc, lòng thầy chợt bồn chồn.

Trằn trọc một lúc, thầy bước xuống giường, mở cửa ra ngoài.

Cả khoảnh sân như bừng lên dưới ánh trăng mười sáu. Những tia sáng trong lành lan tỏa khắp nơi, hắt vào tận bên trong Chánh điện.

Ánh mắt thầy Liễu Triệt chợt khựng lại.

Cửa Chánh điện mở toang.

Sư thầy vội băng qua sân, đến trước Chánh điện. Phía bên trong, một bóng đen nghe động quay ngoắt lại. Trên tay hắn giữ một thân hình mềm oặt. Hình như là tiểu Chút. Nó đã ngất đi tự khi nào.

Bóng đen bịt kín mặt, chỉ chừa lại đôi mắt đang long lên sòng sọc trong tranh tối tranh sáng. Hắn kề dao vào cổ tiểu Chút, ra lệnh cho thầy:

- Im lặng, bước vào đây!

Thầy Liễu Triệt bước qua ngạch cửa, khẽ giọng:

- Chú muốn tìm gì? Trong chùa không có tiền bạc đâu!

Bóng đen cười khẩy:

- Chùa này tiền bạc đem nuôi gái hết, tao không thèm. Nhưng có một vật quý đáng giá ngàn vàng, biết điều thì nộp ra đây?

Thầy Liễu Triệt chắp tay:

- Mô phật! Cửa chùa thanh tịnh. Chú đừng nói năng càn rỡ như vậy. Chùa này cũng không có vật quý, chú tìm nhầm chỗ rồi.
Tên trộm nghiến răng:

- Thằng trọc, tao không lôi thôi với mày. Chùa này có cái vỏ lúa thần. Mau đưa ra đây!

Thầy Liễu Triệt nhíu mày. Hạt lúa đó do tôn sư Kỳ Phương lúc sinh thời hữu duyên nhặt được trong hốc đá trên đồi Long Bích, to bằng nắm tay. Ai cũng cho rằng đó là hạt lúa trong câu chuyện cổ được dân gian lưu truyền từ xa xưa.

Ngày xưa, cây lúa không như bây giờ. Khi trổ bông, hạt nào hạt nấy to bằng cái bát. Lúc chín thì tự lăn về nhà. Người ta không cần ra đồng gặt hái, chỉ việc ở nhà quét tước sạch sẽ để đón lúa về. Năm nọ, có một cô gái làm biếng không chịu dọn nhà. Lúa về dồn đống ở ngoài cổng, nhao nhao hối cô dọn dẹp. Cô bực tức lấy cán chổi ra đánh lúa tan tành. Từ đó lúa giận, không tự về nữa. Hạt lúa bị cô gái đánh bể nát, nên mãi về sau, hạt nào hạt nấy nhỏ xíu…

Hạt lúa hiếm được thầy trụ trì cất kỹ, những ngày lễ lớn đều đem ra cho sư tăng và phật tử gần xa chiêm ngưỡng, như một lời răn dạy không được biếng nhác để rồi làm khổ mình, khổ người. Lâu ngày, chất gạo bên trong mục rỗng, chỉ còn lại cái vỏ. Mấy chục năm qua, hạt lúa tồn tại như một bảo vật tâm linh của chùa Thập Tháp. Vài ngày trước, có một toán thương gia người Tây đến vãn cảnh chùa rồi xin được chiêm ngưỡng báu vật. Hóa ra họ đã có ý đồ.

Thầy Liễu Triệt khẽ khàng:

- Được rồi, chú theo tôi!

Nói rồi, thầy quay người bước ra ngoài. Tên trộm xốc tiểu Chút đi theo phía sau. Về tới cửa phòng mình, sư thầy dừng lại, nhìn hắn. Tên trộm hất hàm ra hiệu, thầy bước nhanh vào. Một chốc sau, thầy đem một cái đĩa ngọc, vỏ lúa được đặt trang trọng bên trên. Ánh sáng xanh nơi đĩa ngọc dìu dịu tỏa ra, ôm trọn màu vàng của vỏ lúa, như đang hết lòng bảo vệ.

Mắt tên trộm sáng lên. Hắn muốn đẩy tiểu Chút ra để vồ ngay lấy cái đĩa. Nhưng lỡ lão trọc hô hoán thì hư sự hết. Hắn thầm nhủ, rồi một tay vẫn lăm lăm con dao, một tay kẹp cổ tiểu Chút đi lùi ra giữa sân, rít giọng:

- Lại gần đây!

Thầy Liễu Triệt bước theo hắn, hai tay nâng bảo vật đưa về phía trước, run run. Để cứu tiểu Chút thì thầy có tiếc gì. Nhưng món đồ này là di vật của tôn sư. Giờ thầy không cách nào gìn giữ được mà lại phải chính tay đem dâng lên cho đạo tặc nên trong lòng không khỏi khổ não. Tên trộm giắt dao vào lưng quần, đưa tay cầm lấy. Tay hắn vừa chạm vào, đĩa ngọc bỗng rực sáng lên, như muốn át cả ánh trăng đang lan tỏa trên cao. Cái vỏ lúa rã dần ra, tan thành một làn khói xanh, bay thẳng lên trời.

Tên trộm không tin vào mắt mình nữa. Hắn giật phắt cái đĩa, lùi lại mấy bước, gằn giọng với thầy Liễu Triệt lúc đó cũng đang sững sờ vì sự lạ:

- Thằng trọc dám giở trò phù phép. Tao cho thằng nhỏ này đi theo cái vỏ trấu luôn.

Hắn vung cái đĩa ngọc lên cao, nhằm đỉnh đầu tiểu Chút, thật lực giáng xuống. Thầy Liễu Triệt hốt hoảng lao tới. Đúng lúc đó, một bóng trắng thình lình hiện ra ngay sau lưng tên bất nhân, gầm lên một tiếng cuồng nộ:
- Gràoooo…...

Tiếng gầm của linh thú giáng lâm như sấm động. Trời tịnh không chút gió, mà cây cối khắp vùng đồi xào xạc khua vang. Thinh không như rách toạc.

Tên trộm giật bắn mình, cái đĩa trên tay rơi xuống đất. Tiểu Chút cũng ú ớ choàng tỉnh. Thầy Liễu Triệt giằng nó ra khỏi tay tên trộm đang hồn xiêu phách lạc, lùi lại một quãng, thở hắt ra:

- Bạch Hổ!

Con hổ trắng đồ sộ như con trâu mộng mà linh hoạt vô cùng. Nó nhún mình một cái, uyển chuyển đáp xuống chắn giữa sư thầy và tên trộm. Thấy Bạch Hổ, tên trộm run lẩy bẩy, ánh mắt kinh hoảng tột độ, quỵ ngay xuống đất. Lúc này, các sư tăng nghe thấy tiếng cọp gầm đã nhanh chóng túa ra từ hai dãy phòng Chúng, đứng vây kín xung quanh. Tên trộm nằm mọp trên nền sân, cố hết sức mới thì thào được mấy tiếng:

- Sư… sư phụ… tha… tha… tha…

Thầy đưa tiểu Chút cho đệ tử Tế Trí đang đứng phía sau bế, rồi bước tới mấy bước, đứng bên Bạch Hổ. Thứ nhất là thấy tên trộm không còn chút sinh khí, người từ bi bác ái như thầy Liễu Triệt không khỏi động lòng. Thứ hai, thầy tin con mãnh thú đang hung hãn gầm gừ cạnh mình đã hoàn toàn giác ngộ. Thế nên, ngập ngừng một chút rồi thầy cũng đánh liều đặt tay lên lưng Bạch Hổ. Tay thầy vừa chạm vào lớp lông trắng mịn như tuyết, nộ khí xung thiên trong mắt Bạch Hổ lập tức tan đi. Nó ngoan ngoãn nằm xuống dưới chân thầy như một con mèo con. Thầy vỗ về Bạch Hổ, rồi nói với tên trộm:

- Chú đi đi!

Tên trộm ngẩng lên, không tin vào tai mình nữa. Giọng thầy Liễu Triệt trầm trầm:

- Chú về đi! Về tới nhà thì nên bỏ nghề. Chú không nghĩ cho mình thì cũng phải nghĩ cho con cháu…

Tên trộm run rẩy quỳ thẳng lên, sụp lạy thầy rồi loạng choạng đứng dậy. Vòng người đứng phía sau rẽ ra cho hắn đi qua. Hắn hấp tấp bước đi, được mấy bước lại ngoái nhìn, rồi chạy thục mạng, nhảy luôn qua hàng rào. Thầy Liễu Triệt chắp tay:

- Nam mô A Di Đà Phật!

Các thầy cũng đồng loạt chắp tay lại. Tiếng niệm Phật vang lên trầm ấm giữa đêm khuya:

- Nam mô A Di Đà Phật!

Con cọp thích chí lắm. Nó lăn qua lăn lại trên mặt đất mấy vòng rồi cũng cúi gằm đầu xuống trước mặt thầy Liễu Triệt, hai chân trước chắp lại như đang lạy. Ai nấy đều sững sờ. Thầy Liễu Triệt xoa tay lên đầu nó. Bạch Hổ ngước nhìn, tỏ vẻ biết ơn, rồi xoay người phóng vút lên đồi Long Bích.

 ***

Câu chuyện đêm đó lan ra khắp vùng. Người ta bắt đầu xôn xao:

- Chắc mình nghi oan cho sư thầy. Chứ cảm hóa được cả cọp thì đạo hạnh của thầy phải cao thâm lắm.
- Ừ! Tui cũng nghĩ kỹ rồi, làm gì có chuyện vô lý như vậy được. Bà phi mất tích mà chúa thượng chịu để yên không đi kiếm à?

Nhưng cũng có nhiều người cố chấp, cười khẩy:

- Đạo hạnh cao thâm cái gì? Hay là bọn trọc đầu bịa chuyện nói láo.

- Đúng đúng! Đời thưở có ai xoa đầu cọp mà nó để yên không táp cho vong mạng chứ? Rặt một lũ nói láo. Hừ!

***

Thời gian vô tình như nước, cứ mải mốt trôi. Đâu cần biết đến cõi hồng trần bụi bặm cứ cuộn lên vì những thị phi, tục lụy.

Thấm thoắt đã ba năm…

Năm ngày trước, chùa Thập Tháp đón đoàn khách đặc biệt từ Thuận Hóa vào. Đó là sứ giả đến truyền chỉ của chúa Nguyễn, thỉnh hòa thượng Thật Kiến - Liễu Triệt ra Phú Xuân. Thầy Liễu Triệt dành năm ngày để cắt đặt, sắp xếp việc ở chùa cẩn thận. Mọi công tác phật sự thầy giao cho đệ tử xuất sắc nhất của mình là hòa thượng Tế Đoan xử lý, trông coi. Rồi mới chuẩn bị hành lý để lên đường.

Tối hôm đó, thầy Liễu Triệt trăn trở mãi không chợp mắt được. Thầy chẳng những nghĩ đến Phú Xuân mà còn nghĩ đến Thăng Long. Dân chúng Nam Bắc cách nhau một dải sông Gianh, bao giờ mới hết cảnh chinh chiến chia lìa? Thầy phát tâm đợt thuyết pháp tới đây sẽ nói với tăng chúng và Phật Tử về một nguồn cội Lạc Hồng không bao giờ đứt mạch. Tư tưởng hưng quốc an dân từ thủa Lý Trần hẳn là vẫn âm thầm trong tâm thức giống nòi. Thầy nhắm mắt lại. Trong cõi không, chùa Một Cột hiện ra mỗi lúc một gần, rồi nở xòe như một đóa sen lớn. Hòa thượng Liễu Triệt sửa mình đảnh lễ. Bất chợt một ông già mắt sáng như sao, râu tóc trắng toát, vận bộ đồ trắng từ sau đóa sen bước ra quỳ trước mặt thầy:

- Thưa thầy, tuổi thọ của con đã mãn. Xin thầy nán lại thêm mấy bữa nữa để tụng kinh cầu siêu cho con.

Nói xong, ông lão biến mất. Sư thầy Liễu Triệt cũng bừng tỉnh.

Gà vừa gáy sang canh, sứ giả đã hai, ba lần sang giục. Nhưng nhớ đến lời nói của ông già trong mộng, thầy Liễu Triệt cứ trù trừ chưa quyết. Tờ mờ sáng, thầy Chánh Tâm hớt hải chạy đến:

- Thưa thầy, Bạch Hổ về trời rồi ạ! Xác nó ở đằng sau nhà Tổ.

Thầy Liễu Triệt vội vàng cùng đệ tử Chánh Tâm ra sau Tổ đường. Quả nhiên, xác Bạch Hổ đã lạnh cứng tự khi nào. So với ba năm trước, nó gầy đi trông thấy. Cũng dễ hiểu. Tu lâu thấm tương chao. Bạch Hổ đã giác ngộ thì cũng chỉ ăn cỏ, ăn lá sống qua ngày. Các chú điệu đi lấy củi trên đồi Long Bích về thường thưa lại, đống phân hổ nào cũng sực mùi cỏ. Có nhiều loại cỏ không tiêu hóa được, còn lởm chởm trong đống chất thải.

Hai thầy trò đứng thần người ra, lòng rưng rưng một niềm tiếc thương vô hạn. Ba năm nay, sự tồn tại của con cọp trắng đã trở thành một phần không thể thiếu của chùa Thập Tháp Di Đà. Nhiều người không dám đến gần nhưng trong bụng đều có mấy phần quyến luyến nó, huống chi thầy Liễu Triệt và Chánh Tâm thân thiết với Bạch Hổ như bằng hữu tâm giao.

Đứng một lúc, thầy Liễu Triệt gạt nước mắt, đi gặp sứ giả:

- Phiền ngài về trước báo với chúa thượng: Một người bạn có ơn với tôi vừa qua đời, xin khất thêm một tháng nữa để làm ma chay. Hết thời hạn tôi sẽ lập tức ra Xuân kinh, không dám chậm trễ.

Sứ giả nhìn vào mắt thầy, biết ý, nên không dám nài:

- Chuyện xảy ra bất ngờ, nếu thầy đã quyết thì đành theo ý thầy. Bản chức xin đi trước. Mong thầy cố gắng thu xếp! Đừng để chúa thượng phải đợi lâu mà sinh phiền não.

Thầy Liễu Triệt nghiêm mặt, chắp tay:

- A Di Dà Phật!

Sứ giả cúi đầu, rồi bảo tùy tùng thắng ngựa.

Hòa thượng Liễu Triệt chọn ngày chôn cất Bạch Hổ tử tế trên đồi Long Bích, tụng kinh cầu siêu, làm đám tang trọng thể y như con người. Thầy còn cho xây một cái tháp nhỏ phía trên mộ, gọi là miếu Bạch Hổ, ngày đêm hương khói. Mọi việc xong xuôi, thầy mới yên tâm khởi hành.

Ra Phú Xuân, hòa thượng Thật Kiến - Liễu Triệt được chúa Nguyễn cho phục chức trụ trì chùa Thiên Mụ, tiếp tục giảng kinh thuyết pháp, hướng dẫn mọi người tu tập.

Ngày mười bốn tháng mười một năm Giáp Thân (1764), biết mệnh mình sắp hết, thầy họp tăng chúng lại, dặn dò mọi thứ rồi trăn trối một lời cuối cùng:

- Ta có hai điều sở nguyện muốn ký thác. Thứ nhất, cầu cho non sông liền mạch, Phật sự huy hoàng. Thứ hai, ta từ khi xuất gia đến nay, một đời tu hành nghiêm mật nhưng mắc tiếng oan, Phật Tổ từ bi chứng giám, nếu ta trong sạch thì sau khi chết đi, tháp của ta đời đời rêu không mọc được.

Thầy nói xong thì tịch. Thọ sáu mươi hai tuổi. Lúc đó nhằm giờ Mão.

Linh cữu của thầy được quàn tại chùa Thiên Tự ba tháng. Đến tháng hai năm Ất Dậu (1965), tăng chúng đệ tử nghinh rước Linh Cữu của thầy về chùa Thập Tháp để an nhập bảo tháp.

Vĩ thanh

Lần tôi được đến chùa Thập Tháp Di Đà với ba là vào năm chín tuổi. Lúc đó còn nhỏ, chưa hiểu chuyện đời, nhưng tôi cứ nhớ như in ba đã lặng người đi như thế nào khi đứng trong vườn Tháp Tổ. Giữa hai mươi mấy ngôi tháp vừa cũ vừa mới, cổ kính rêu phong, có một ngôi tháp suốt gần ba trăm năm vẫn giữ nguyên màu trắng. Ngôi tháp như thách thức mọi sóng gió bể dâu của thế gian, vẫn cứ mang một màu tinh bạch. Hệt như cuộc đời của vị hòa thượng tôn quý đang an nhiên nơi Niết Bàn kia vậy.

Thiên Lộc (Văn nghệ Quân đội)

-------------------------------------- (1) nẫu: người ta, họ, chúng nó.

Nguon: http://giacngo.vn/vanhoc/truyenngan/2011/02/25/7BE05B/
 


Các tin đã đăng:

Âm lịch

Ảnh đẹp