Dường như tôi có cơ hội làm quen với “thế giới
chết” hay “cõi âm” từ nhỏ. Thời tiểu học (cấp 1), tôi được cha tôi cho ngủ một
mình trên căn gác nhỏ có cửa quay ra một hồ sen rộng và bên kia là tòa thành
cổ. Thường mỗi lần nửa khuya thức giấc, tôi nghe có tiếng sáo vi vu vọng lên từ
phía cổng thành. Dân địa phương cho rằng khu thành cổ có ma vì nhiều người đã
chết ở đó và kể ra lắm chuyện ly kỳ rùng rợn. Tuy có chút e dè, tôi vẫn ngủ
trên gác và lòng thấy bâng khuâng vào những đêm vắng im tiếng sáo.
Nói về cái chết, một điều làm tôi thắc mắc khá lâu
là cha tôi và một số bạn của ông dự đoán được thời điểm lìa đời của mình, có
người còn gọi con cháu đến để dạy bảo rồi nằm xuống ngủ giấc nghìn thu. Về sau,
tôi được biết ngoài ăn uống quân bình âm dương theo phương pháp Thực dưỡng
Ohsawa, các bác còn dụng công hành Thiền và dường như cha tôi cũng thế. Vào
những năm cuối đời, cha tôi ít tiếp xúc với ai và thường ngồi yên nhắm mắt; tôi
hỏi thì ông bảo “Ngồi vậy thấy khỏe” mà chẳng giảng giải gì thêm. Có điều lạ là
những lời ông nói, đôi lúc có vẻ vu vơ, về người hoặc sự việc giống như tiên
tri hoặc thần giao cách cảm, nghĩa là ngay hoặc sau lúc đó đã xảy ra đúng thật.
Một điều khác cũng làm tôi thắc mắc đó là sự “hiển
linh”. Mẹ tôi thường kể lại những chuyện phù hộ, mách bảo của bà ngoại tôi,
chẳng hạn có lần nhà tôi lọt giữa vùng giao chiến, vài quả đạn pháo rơi nổ
trước sân nên cả gia đình phải tản cư (sơ tán). Khi đến nơi tạm trú, mẹ tôi lo
lắng sợ những lu (chum) tương bà làm bị bể; nhưng sáng hôm sau, bà hớn hở báo
tin: “Bà ngoại đang coi nhà giùm”. Sau
cuộc chiến trở về, tôi thấy nóc nhà bị đạn phá nát khoảng lớn, nhưng đồ đạc
trong nhà không hư hao mấy và đặc biệt những lu tương ở mé hiên gần bên chỗ nát
không sứt mẻ chút nào. Mẹ tôi cho rằng bà ngoại linh thiêng vì là người thành
tâm mộ đạo, lại mất đúng dịp đêm rằm.
Tôi cố tìm lời giải thích hợp lý cho những sự kiện
như vậy, nhưng những gì tôi thu thập từ nhà trường không thể trả lời thỏa đáng,
tuy thuyết tương đối và vũ trụ nhiều ngăn của Einstein có mở ra một khoảng lung
linh mờ nhạt. Mãi đến khi nghiên cứu triết học, nhất là của Phật giáo, và y học
cổ truyền phuơng Ðông, tôi nhận thấy tất cả đều phát xuất từ tâm tưởng và hành
vi của con người.
Theo giáo sư Ohsawa, nhà y triếl lừng danh của thế
kỹ XX, cơ thể con người giống như một bộ máy thu phát tín hiệu (hoặc máy vi
tính) có khả năng tiếp nhận và truyền đi các thông tin trong ngoài thế gian lẫn
trong vũ trụ nhờ vào nguồn năng lượng gọi là “khí” vốn có nơi bản thân và môi
trường sống. Tuy nhiên, khả năng này thường bị hạn chế do người ta không biết
cách tu dưỡng, ăn ở không theo đúng qui luật thiên nhiên mà ông gọi là “Trật tự
của vũ trụ”, tôn giáo gọi là “Pháp”. “Đạo” hoặc “Luật”, khiến thân tám bị suy
yếu hoặc hư hỏng và khí trong cơ thể bị pha tạp hoặc mất điều hòa.
Còn giới khoa học, trên đường tiến sâu vào bên trong,
đã thấy con người là một cơ cấu kép gồm hai phần: thể chất (thân) và tinh thần (tâm) có ảnh hưởng mật thiết với
nhau, trong đó thân là phuơng tiện
chuyển tải hoặc phô diễn các hoạt động của tâm.
Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết cơ cấu này chứa sẵn một năng lực to lớn có
thể thực hiện những công việc tưởng như “phi thường” hoặc “siêu phàm”; nhưng
muốn khai triển năng lực này, người ta phải trải qua một quá trình tập luyện tu
dưỡng có phương pháp, hoặc lâm vào tình lhế khấn trương bức bách. Thí dụ cụ thể
là khi cháy nhà, người ốm yếu có thể vác cái tủ nặng ra ngoài, hoặc một bà mẹ
có thể nâng bổng đầu xe ôtô để cứu con mình bị chẹt ở dưới. Hơn thế nữa, nhiều
du khách Âu Mỹ khi đến thăm Trung Quốc đã chứng kiến các vị sư chùa Thiếu Lâm
thi triển những công năng đặc dị “khó tin nhưng có thật”.
Riêng về cõi tâm, giới nghiên cứu chia làm ba lớp
chính đan lồng vào nhau: ý thức, tiềm thức và siêu thức. Ý thức có thể gọi là “dục tâm” vì chịu sự chi phối của lý trí phân
biệt, ưa ghét, hơn thua, tức cái tâm của phần đông người đời. Tiềm thức (tương
đương Mạt na thức) là lớp lưu trữ những ấn tượng và kinh nghiệm mà các giác
quan (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) cảm nhận được, rồi cho chúng trỗi dậy thành
trí nhớ, thành giấc mơ khi ngủ hoặc hình ảnh phóng chiếu (ảnh chiếu) khi đang
thức. Tuy nhiên, giấc mơ hoặc ảnh chiếu có hai loại chính: loại thông thường và
loại linh cảm.
Giấc mơ hoặc ảnh chiếu thông thường chịu ảnh hưởng
của dục tâm, có tác dụng giúp người ta xả bớt những xung động thần kinh dồn ứ,
hoặc thỏa mãn những ước muốn sâu xa không hoàn thành được trong cuộc sống có ý
thức hàng ngày. Còn giấc mơ linh cảm (hiển
linh) hoặc ảnh chiếu linh cảm (thần
giao cách cảm, tiên tri) thì do siêu thức tác động; mặc dù chưa hiểu rõ cơ cấu,
giới nghiên cứu khoa học đã nhận biết hoạt động của siêu thức, một dạng tiềm
thức tích chứa những thông tin phổ quát về quá khứ, hiện tại lẫn tương lai
(tương đương A lại da thức). Họ cũng nhận thấy siêu thức chỉ khai triển khi các
giác quan ngưng nghỉ hoàn toàn, chẳng hạn như trong thí nghiệm sau đây.
Một nhóm người tình nguyện được cho ngồi trong
những thùng nước ấm, tay chân đuợc trói chặt, mắt bịt kín, không ăn, không bài
tiết ở trong căn phòng cách âm và không có mùi gì lọt vào. Như vậy, các giác
quan được giữ yên và họ ngủ thiếp một mạch khoảng 24 tiếng đồng hồ. Khi thức
dậy, họ cho biết đã chứng kiến nhưng cảnh tượng lạ lùng huyền ảo và có cảm giác
lâng lâng kỳ diệu. Ngay cả những người thường không có óc tưởng tượng, lúc đó
cũng thấy những hình ảnh rực rỡ khiến họ kinh ngạc tột độ và bị cuốn hút vào
cuốn phim nội tâm. Điều đáng nói là sau đó hầu hết nhóm người này đã sống tích
cực tốt lành hơn.
Tôi cũng biết vài người bạn tập Thiền cũng trãi qua
cảnh tượng tương tự; thí dụ cảm thấy mình bị một luồng gió thổi bay đi giữa
khoảng không mờ mịt hoặc thăng lên cao trong mộl vùng trắng xóa, điều đặc biệt
là họ vừa “biết” đang bay vừa “thấty” mình đang nằm hoặc ngồi và nếu chớm ý
thức muốn ngưng thì tỉnh lại. Sau mỗi lần tập như vậy, họ thấy sung sướng tuyệt
vời. Có vị sư gọi đây là trạng thái “sơ thiền”.
Trường hợp này tương tự những nghiên cứu mà các bác
sĩ Mỹ Raymond Moody và Michael Sabom tiến hành qua phỏng vấn hàng mấy trăm
người “chết lâm sàng” (chết đi sống lại) và công bố trong hai tập sách “Life
After Life” (Sự sống vẫn tiếp diễn) và “Recollections Of Death” (Những hồi ức
về cõi chết). Những người này kể lại trong lúc “hồn lìa khỏi xác” không chỉ
trải qua cảnh êm đềm siêu thoát, mà còn thấy được khung cảnh phòng cấp cứu và
hoạt động của các y bác sĩ ở đó.
Nhìn chung, đến nay sức mạnh tinh thần hoặc năng
lực tâm linh chẳng còn huyền bí nữa. Khoa học đã lần ra ngõ vào cõi giới nội
tâm, và bằng các phương tiện ngày càng tinh vi, họ giúp người ta thấy được cái
cơ chế diễn ra trong sâu cùng của bản thể để có thể nhìn lại đời sống trong
nguyên vẹn trọn toàn và hiểu được mỗi cá nhân chỉ là một bóng nước trong đại
dương vũ trụ bao la, một âm thanh trong muôn vàn nốt nhạc tạo nên tấu khúc vô
cùng vô tận của chân không diệu hữu, nhờ đó mà biết vai trò đúng thật của mình
và góp sức làm cho cõi đời được yên vui lành mạnh.
THAM KHẢO:
- Phật học phổ thông của HT Thiện Hoa. Thành hội PG TP.HCM ấn hành,
1992.
- Làm thế nào để sống vui của G. Ohsawa. Ngô Thành
Nhân dịch. NXB. Khánh Hòa. 1992.
- Beyond the Superconscious mind của A.A. Acarya.
NXB. Ananda Marga. Singapore.
1991.
(Bài này được đăng trong tuần báo Giác ngộ số 134 )