Đặt chiếc dao cạo xuống cạnh thềm, thầy bảo tôi: “Con ra vòi nước rửa sạch đầu lại đi”. Xuất gia, xuống tóc, đi tu là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của tôi. Từ một cậu bé ham chơi, lười học, suốt ngày chỉ biết đi trêu chọc con gái trở thành một chú điệu.
Quỳ trước mặt thầy, tôi sụp lạy xuống đất ba lạy, dưới ánh đèn vàng tôi nhìn rõ khuôn mặt từ ái của thầy tôi được điểm tô bởi đôi kính dày.
Thầy khẽ bảo tôi đứng dậy lại gần bên thầy, thầy xoa đầu tôi nhẹ nhàng: “Từ nay pháp danh của con là Lệ Bình, chữ Lệ trong từ diễm lệ tức là một vẻ đẹp lộng lẫy kiêu sa, chữ Bình là trong chữ Bình dị, Lệ Bình tức là một vẻ đẹp thu hút lôi cuốn con người ta bằng sự giản dị, bình thường. Đó chính là vẻ đẹp của một người tu! Vẻ đẹp của một người tu không xuất phát từ mái tóc hay manh áo đẹp mà là vẻ đẹp toát ra từ giới hạnh trang nghiêm, đĩnh đạc. Đây mới chính là vẻ đẹp thực sự của con người mà không bị chi phối bởi thời gian, không bị già nua, con hãy nhớ lấy làm yếu chỉ tu tập”.
Những lời truyền trao của thầy sao thật ấm áp nhẹ nhàng, đi sâu vào tâm hồn non dại của một chú bé mới vừa lớp tám là tôi. Vừa cạo tóc xong tôi chạy nhanh vào liêu đứng trước tấm gương ngắm nghía trông mình ra sao. Khi ấy tôi không khỏi buồn cười, mái tóc hai mái ngổ ngáo vốn được tôi nâng niu chăm chút bây giờ lại chỉ còn một cái chỏm cong cong, nhưng xoa đầu tôi cũng cảm thấy cảm giác ngồ ngộ đến lạ.
Những bài học ngàn vàng
Ở chùa được hai ngày thầy bảo tôi phải sắp xếp hành lý đi Nha Trang, thầy đã gửi gắm tôi đến tu học với sư ông ở Nha Trang. Thế là cuộc sống hành điệu, ở chúng tu tập của tôi bắt đầu từ đó.
Ra đi với một chiếc áo dài lam mà mẹ đã cúng cho cùng với hai bộ đồ cũ chỗ lủng chỗ lành do bị nhang đốt mà các huynh đệ trước tặng. Tôi đi với một tâm trạng cực kỳ tươi vui, đặc biệt là khi nghe sư thúc kể về quãng thời gian hành điệu trước kia của thầy: không có vải để may đồ, phải trông chờ thí chủ qua đời rồi xả tang, xin cho được đồ tang của người ta về, nói dối là để lau bàn thờ mà kì thực là đi nhuộm lại màu nâu để mặc (làm tôi vô cùng buồn cười mà lại kính phục thầy).
Tôi cũng bắt chước “khổ hạnh” không thèm may quần áo mới làm chi nữa cả, mặc sao cũng được, có vải vóc cúng dường là tôi lại cho các em nhỏ cả.
Từ ngày đi tu tôi cảm thấy mình hình như có”giá” hơn thì phải, các cụ già hay đi chùa rất thương tôi, quý trọng mình hơn và gọi là “chú” mặc dù có tí tuổi thôi. Còn tôi khá nghịch nhưng dù có giận đi chăng nữa thì vẫn là “chú” chứ không còn là “thằng” hay”mày” nữa, điều đó làm tôi cũng phải tập thật nhã nhặn, khiêm cung…
Điều đặc biệt hơn nữa là tôi đã học được cách sống biết tự lập, tự giặt đồ, rửa chén, không còn phải kêu mẹ nữa, trong mấy anh em đồng lứa thì tôi tự hào là ở “sạch” nhất. Học kinh, luật, dò bài là một trong những hình thức học tập bắt buộc ở trong chùa và ăn roi hay quỳ hương cũng là một hình phạt thường xảy ra với lớp chúng điệu tụi tôi.
Nhưng sau mấy lần ăn roi nhức cả người từ thầy giám tự làm tôi phải tự xấu hổ về tính biếng lười của mình và tôi quyết tâm không ngủ trưa, không ngồi tán hươu tán vượn với mấy chú nữa. Phải học thuộc làu làu chú Lăng Nghiêm với mấy quyển luật Sa di cho thầy “sợ chơi”.
Tôi còn nhớ có một lần thầy giám tự dò bài, cả đám năm chú mà chẳng có chú nào đạt yêu cầu cả, không hài lòng thầy mới nghiêm mặt hỏi từng chú: “Các chú vào chùa ở để làm gì?”. Có chú thì lí nhí rơm rớm nước mắt: “Dạ bạch thầy! Con thương má con… nhà con nghèo quá con muốn vô chùa ở tu cho má con đỡ cực…”.
Câu nói ngắn gọn mà tôi thấy tiếng nấc trong cổ họng của chú cứ kéo dài, có chú thì ngậm tăm không trả lời được. Riêng tôi câu nói của thầy đã làm chấn động mạnh đến suy nghĩ của mình. Tôi chợt hiểu rằng, làm bất cứ điều gì cũng đều phải có mục đích của nó, phải xác định rõ mục tiêu và hướng đi thì mới tiến bước nỗi trong cuộc đời này, huống chi là xuất gia - là việc làm của một bậc đại trượng phu.
…
Năm tháng qua đi tôi dần học được nhiều điều hơn, biết thêm về con đường của mình đang đi hơn. Từ chỗ yêu mến mái chùa, quý kính vị thầy hiền từ, ngưỡng mộ bức tượng Phật ngập tràn từ bi, tôi đã học được các triết lý nhân sinh của đạo Phật. Cây xoài ra cả triệu bông hoa nhưng chỉ đậu được vài trăm quả, trong vài trăm quả đậu được chỉ có vài chục quả chín vàng, trong vài chục quả chín vàng thì có nhiều quả bị ong đốt dẫn đến bị giòi đục.
Cũng như thế tôi đã chứng kiến nhiều huynh đệ lần lượt “rơi rụng”: có người ra đi mà không quay về, có người lấp la lấp lửng, có người một chân trong chùa một chân ngoài đường. Song, lại có những huynh đệ trẻ tuổi tài giỏi cực kỳ chuyên tu, ham học siêng tu, siêng làm công quả, dấn thân vào cuộc đời như những vị Bồ tát, có thể làm pháp khí rường cột sau này.