02/11/2013 14:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 1292
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

V đi sao chng v đi
Ruộng hoang vườn rộng còn chi không về!
(Đào Tiềm – dịch)
Theo quan điểm Phật học, sự sống là toàn thể thế giới từ ái và cộng sinh gồm cả thế giới hữu tình lẫn vô tình, trong cách nhìn chân thực dưới tác động của vô thường và không tồn tại cái ngã có tự tính chân thực nào cả.



Từ ngàn xưa, thuở còn hồng hoang thời ăn lông ở lỗ, vấn đề đặt ra cho con người là hiểu biết thế giới chính mình và thế giới chung quanh. Thế nhưng, khả năng hiểu biết qua tri giác lại chỉ là hữu hạn trong khi nhu cầu sống cũng như vũ trụ sống lại vô cùng. Các câu hỏi: ta từ đâu đến đây và từ đây ta sẽ đi về đâu, chỉ là chuyện “chiêm bao nắm vô cùng ngón tay” (Bùi Giáng). Đức Phật đã nhiều lần giữ im lặng và mỉm cười trước những câu hỏi siêu hình đại loại như thế Ngài thường hay trả lời: Pháp của ta là pháp cứu khổ Đạo của ta là đạo giải thoát.

Trong thế giới tương duyên, mỗi con người đều có hai đời sống vừa mang tính cá thể vừa mang tính cách cộng đồng. Nói cách khác, đó là đời sống nội tâm và đời sống vật chất bên ngoài. Hai đời sống này có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Thế giới vật chất hay nói rộng là thế giới vật lý, luôn luôn có vai trò cung ứng những nhu cầu cần thiết cho đời sống con người. Con người tồn tại được là nhờ thiên nhiên và chịu sự tác động của các định luật của thiên nhiên. Các định luật này vận hành theo cách riêng của nó, con người nếu thích ứng được thì sống còn, đi ngược lại thì sẽ bị diệt vong. Người xưa có nói: “Thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong” là vậy.


Thế nhưng, với tư cách là con người, muốn dùng tự do ý chí để quy định sự sinh hoạt của chính mình nên muốn thoát khỏi các định luật đó để kiến tạo một thế giới tự do cho mình. Cùng với sự phát triển của nền khoa học và công nghệ, bí mật của thế giới tự nhiên ngày càng được khám phá, được phơi bày dù chỉ là một phần nào đó. Con người bắt đầu trở nên cuồng vọng. Chủ nghĩa nhân loại trung tâm (anthropo – centrism) của nền văn minh Kitô giáo vốn một thời đã đưa con người lên vị trí chúa tể của muôn loài, đã cổ xuý tư tưởng con người xem tự nhiên như chướng ngại của tự do và họ tìm mọi phương cách thực hiện các biện pháp mục tiêu tư lợi hay chinh phục nó.

Chủ nghĩa nhân loại trung tâm, đã trở thành nguồn gốc của nhiều vấn đề xã hội hiện đại dẫn đến sự đối lập giữa ta và người, giữa thiên nhiên và con người, gây ra sự tàn phá trên qui mô lớn trong trật tự sinh thái nơi ngôi nhà chung của con người và các loại vật khác tồn tại.

Tất cả những gì thiên nhiên ban tặng chính là yêu cầu căn bản nhất phục vụ sự sống cho muôn loài. Tỉ như không có lương thực, nước và dưỡng khí liệu chúng ta tồn tại được bao lâu, trái lại không có ti vi, tủ lạnh, xe hơi… chúng ta vẫn cứ sinh tồn.

Trong một thời gian thật dài, hàng chục thế kỷ gần đây, ảnh hưởng tư tưởng duy vật luận phương Tây: tư tưởng cho rằng vật chất quyết định ý thức, vật chất chiếm lĩnh vị trí cao hơn cả. Việc chạy theo lợi ích vật chất để trở thành mục đích tối thượng của cuộc sống, dần dà không biết tự lúc nào con người đã cuốn mình vào con lốc xoáy của trạng thái vật chất hoá.

Sự biến thái này, đồng hành cùng với những thành tựu rực rỡ của suy tư khoa học vốn là ân huệ của trí tuệ con người, đã đẩy nhanh nền kỹ thuật công nghệ lên đỉnh cao phục vụ đời sống. Sự thật này đã phô diễn một trận đồ xã hội: con người luôn luôn tiếp tục đua tranh duy trì sự tăng trưởng thu nhập nhằm thoả mãn các dục vọng về nhu cầu vật chất, gia tăng sản xuất, gia tăng mua sắm tiêu dùng… và phải kể thêm gia tăng chạy đua vũ trang, sản xuất vũ khí hiện đại, đối đầu nhau trong sự cạnh tranh quyền lợi bất tận và ngày càng ác liệt. Rốt cuộc lại, môi trường sống phải dung chứa đủ loại yếu tố ô nhiễm, tạo sự khủng hoảng môi sinh toàn cầu như hiện nay và các nguồn tài nguyên cạn kiệt dần không có khả năng tái tạo trong một tương lai gần.

Vạn vật trong trời đất tạo nên một chỉnh thể hữu cơ. Các thành tố bộ phận đều có chỗ dụng của nó và làm điều kiện cho nhau trong hình thái tương tức tương nhập. Chẳng hạn, thông thường chúng ta sợ hãi giông bão, sấm sét và cho là thiên tai. Chẳng hạn sấm sét tuy gây hoả hoạn nhưng nó có thể chế tái Nitơ trong không khí thành hợp chất của Nitơ mà thực vật hấp thụ, khiến thực vật trở thành nhà sản xuất các thứ cần thiết cho sự sống.

Lại nữa, lúc trái đất hình thành, khí quyển chỉ có thành phần carbon diôxit, sunfat điôxit…. Về sau nhờ vào loại tảo, thực vật hấp thụ ánh sáng tạo ra tác dụng quang hợp chế tác thành Carbohydrate, phóng oxy vào khí quyển tạo nên môi trường sống…

Ngay như, phân tử oxy trong không khí, ở tầng cao bị năng lượng mặt trời chế tái thành Ozone, phân bố cách mặt đất cỡ 300 ngàn cây số, tạo nên lớp bọc vòng ngoài khí quyển che chắn tia tử ngoại đến mặt đất gây nên những tác hại môi trường làm cho nhiệt độ trên bề mặt trái đất tăng lên. Và còn có rất nhiều trường hợp tương tự như vậy.

Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trở nên ngày càng đối lập theo cách nhìn của nhị nguyên luận. Dưới sự điều động của dục vọng, nhân loại dường như xem việc chinh phục thiên nhiên là một quyền lợi hiển nhiên nên không ngừng tìm kiếm trong đó những gì có thể thoả mãn nhu cầu. Thế nhưng nhu cầu con người do lòng tham là vô hạn.

Hệ luỵ tất yếu của sự thật này là đời sống con người quay quanh trục xoay đồng tiền và đồng tiền đã chi phối mạnh mẽ trong quan hệ nhân sinh, làm tha hoá cùng cực đến đạo lý.


“Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”
(Nguyễn Du)


Thi hào Nguyễn Công Trứ, một thời lận đận trong khoa bảng, giàu chí khí trong ngôn luận và trong văn chương. Ông ra làm quan khá muộn màn, đổ cử nhân văn 42 tuổi. Do quan lộ gập ghềnh, thời hàn vi dai dẳng, ông đã trải nghiệm sâu sắc thế thái nhân tình nên lời thơ có phần trào lộng:


“Tiếng xỏng xảnh đầy trong trời đất
Thần cũng thông huống nữa là ai?

Long đồ, nghĩ cũng nực cười!”


Rất gần với thế hệ chúng ta, Nguyên Sa vừa giảng dạy triết học, vừa là một nhà thơ, có cuộc sống nhiều thuận cảnh trong xã hội tiêu thụ nhưng ông vẫn thấy được cái mặt trái của đời sống thực dụng


“Có thể đời đã đưa tôi vào những giảng đường
Dạy tôi đo hành tinh bằng đường đi ánh sáng
Đo tình yêu bằng đơn vị tiền tài…”


Đến lượt nhà thơ nổi tiếng của đất Sài Gòn hoa lệ, cũng phải ngậm ngùi xót thương cho “máu lạnh” của thói đời cân – đo – đong – đếm; Vũ Hoàng Chương viết:


”Một sớm thu tàn chị lẳng lặng
Bước xuống đò ngang không chọn thuyền”


Để rồi


“Tiếng gọi phồn hoa một buổi sớm
Đã cuốn chàng đi chẳng trả về”


xxx


Thế giới nội tâm là một thế giới phức tạp đầy những tham vọng, chất chứa trong không gian tự thân những dinh dưỡng lẫn những độc tố. Thế giới đó được mô tả như một dàn nhạc giao hưởng có âm thanh trầm bổng, du dương réo rắc theo các tần số dao động khác nhau.


Nhà thơ Huy Cận viết “Nhạc sầu” tặng Nguyễn Gia Trí, bài thơ quá tuyệt hảo về nghệ thuật và về sự truyền tải cảm xúc. Ban đầu là cảm xúc man mác buồn của ly biệt, nhưng rồi cảm xúc len lỏi vào tận chiều sâu, cảm ứng với chính rung động trong sâu thẳm của tác giả, mang vết thương tật của con người hàng trăm năm bị áp bức nô lệ, đói khổ và chiến tranh trong thân phận người và thân phận dân tộc.


“Ai chết đó? Trục xoay và bánh đẩy
Xe tang đi về tận thế giới nào?
Chiều đông tàn, lạnh xuống tận trời cao
Không lửa ấm, chắc hồn buồn lắm đó.”


Và:


“Tiếng nức nở gửi gió đường quạnh quẻ
Sầu chi lắm trời ơi!
Chiều tận thế.”


Ta thử nghe hai câu thơ của Hoàng Cầm:


“Tiếng bà ru cháu buổi trưa
Chang chang nắng hạ, võng đưa rầu rầu”


Đó là thế giới nội tâm. Trên quan điểm của Đạo Phật, đời sống vật chất thể hiện qua hiện tướng trong cuộc sống nhưng nó không giữ vai trò vận hành đời sống, trái lại đời sống nội tâm làm công việc đó. Dân gian hay nói lưu truyền từ xưa đến nay: “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần” theo nghĩa đó.

Thế giới nội tâm được nối kết qua bốn vấn đề: cảm xúc, ảnh tượng của tri giác, sự tạo tác của tâm thức và biểu hiện trên mặt ý thức. Hạnh phúc hoặc khổ đau, giải thoát hay trầm luân, đều có nguồn gốc từ đó.

+ Tâm thức là một thực tại có ý nghĩa bao quát. Đôi khi còn gọi là tâm, là thức, tuỳ theo dụng của nó, nhưng trên đại thể thì không chia cách. Nó có khả năng nhận biết và đồng thời là kho chứa ký ức của con người.

+ Sự tạo tác của tâm chính hoạt động tư duy, suy nghĩ miên man không dứt, tạo nên dòng vận hành của ý thức mang theo những thành kiến, lo âu, sợ hãi, hy vọng, thất vọng, vui, buồn v.v..

+ Ảnh tượng của tri giác gồm những khái niệm, hình ảnh, ngôn ngữ, kỷ niệm, v.v. biểu hiện trong âm thầm, lặng lẽ trong tâm.

+ Cảm xúc là phản ứng trực tiếp do tác động hỗ tương giữa thân thể và tâm thức mà hiện khởi. Nó phát thông tin tại ngay tiếp diện giữa cơ thể vật lý và tâm lý tạo nên phản ứng trong đời sống tình cảm của con người như hờn, giận, vui buồn…. trong sự vận hành của thế giới nội tâm. Đó là hiện tượng tâm lý, còn gọi là tâm hành, có khi gọi là tâm sở. Nó là nguồn thực phẩm để tưới tẩm và nuôi dưỡng cho tâm thức, vì vậy nếu không có cảm xúc thì con người trở nên hôn trầm, trơ lì như gỗ đá, vô tri, vô giác.

Cảm xúc bộc lộ một cách trực tiếp và chân thành. Có khi dùng lý trí để chế ngự không cho nó biểu hiện ra bên ngoài, thì bên trong nội tâm chắc chắn phải cảm nhận được nó. Chẳng hạn ở đỉnh điểm của cơn nóng giận, nếu kiềm chế thì nó biểu hiện như đỏ mặt tía tai, nói năng lắp bắp, v.v.

Con người sống thường nhật với nhiều loại cảm xúc có cường độ khác nhau. Tuỳ thuộc vào cường độ phản ứng của cảm xúc mà tâm thức phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Những cảm xúc nào thường bộc phát sẽ tạo nên thói quen mà danh từ Phật học gọi là tập khí, thói quen sẽ tạo nên cá tính đặc thù hay bằng mỹ từ là sở thích riêng. Trong ngôn ngữ Phật học gọi là tập quán nghiệp.

Sở thích riêng này có thể đẩy xa hơn nữa, thẳng tiến vào cõi đam mê cuồng nhiệt cùng với tự ngã, chẳng thể nào dừng lại được trên bờ vực thẳm. Câu chuyện truyền hình về cái chết vô nghĩa đáng tiếc của hai danh tướng Quan Công và Trương Phi trong phim Tam quốc chí chiếu hàng đêm, chắc là hợp lý đối với tập quán nghiệp của họ. Sức mạnh của tập khí nghiệp, một dạng năng lượng tiềm ẩn, tích hợp theo thời gian trở thành cái “khí phách” trong mỗi con người. Rồi từ cái lâu dài tự ngã, được trang trí bằng vành khăn màu khí phách của mình, con người tự thiết kế ra cuộc sống của chính mình. Mặc dù trong cuộc đời không ai có thể giống ai, nhưng trong chiều sâu ai cũng muốn có một cuộc sống bình an và hạnh phúc. Đó là sự thật, bởi vì nếu không bình an và hạnh phúc thì những thứ còn lại tiền tài, danh lợi, quyền lực chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.

Kiếp người là như vậy. Chân lý, về nguyên tắc là phổ quát không thể đúng với người nầy lại không đúng với người kia. Bản chất chân thật của hạnh phúc được xác định như là chân lý của cõi bình an – khai trừ hẳn các thể loại bóng dáng phù du của hạnh phúc như bóng ma trơi của ảo giác hay những loại cảm xúc định xứ trên lạc thú của thân xác theo mô típ.


“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
(Xuân Diệu)


Nếu đã xác định hạnh phúc chân thực không đặt nền tảng trên lạc thú vậy thì phải bắt đầu từ đâu?
Lạc thú sinh khởi từ cảm xúc mà cảm xúc phải hướng ra đối tượng bên ngoài. Điều này cho thấy lạc thú mang trong lòng nó yếu tố lệ thuộc, mất tự do, bị động và bị điều kiện hoá giữa hai đối tượng, đối tượng nội tâm hay đối tượng ngoại cảnh. Ta nghe tâm sự của Hoàng Cầm:


“Chị bảo
Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
Đâu phải lá Diêu Bông!”


Lạc thú có mảnh lực lôi cuốn cảm xúc đối với những ai còn vướng nặng lưới tình đến nỗi không nhận ra mình đang đùa với trò chơi liếm giọt mật dính trên đầu ngọn dáo.


“Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”

(Ca dao)


Vậy hạnh phúc chân thật vốn có sự bình an nội tại, hướng vào bên trong và bắt đầu từ sự tịnh hoá nội tâm của chính mình, vượt qua không gian cảm xúc nhị nguyên, chấm dứt lang thang truy tầm hoa nắng lung linh và an trú tự tại giữa phong ba bão tố của kiếp nhân sinh.

Cõi bình an nội tại, từ trong sâu thẳm là một nguồn sinh lực tràn đầy, tươi mát, không hề bị điều động và chi phối bởi khao khát, đợi chờ của một tấm lòng vị kỷ. Khước từ trở lại con đường của đoạn trường ma vương, khước từ các trò chơi nương dâu bãi bể, rày đây mai khác, đổi trắng thay đen. Lúc đó hạnh phúc sẽ đến như một quà tặng vô chủ.

Làm thế nào để nuôi dưỡng được đời sống an bình nội tại bên trong tâm hồn?
Con người thường sống theo những thói quen hàng ngày:

+ Hoặc đắm mình trong những ký ức của quá khứ, một xung lực mạnh mẽ âm thầm trong vô thức; lại tác động đến những suy nghĩ của mình trong hiện tại và cả cái ước mơ trong tương lai. Thậm chí các dấu ấn của quá khứ có thể làm khúc xạ đến cái nhìn và cái ứng xử bằng hành vi trong hiện tại. Chẳng hạn những ký ức không tốt đẹp ở mức độ nặng nề sẽ tạo nên cảm giác lo âu, hối hận và sợ hãi ám ảnh đến sự an bình trong hiện tại.

+ Hoặc ước vọng đến tương lai, cho dù là tương lai gần, thì trong nội tâm vẫn không ngừng dao động với dòng chảy của ảo tưởng. Lúc này con người đã tạo dựng nên một lối sống vừa chạy theo, lại vừa bị rượt đuổi. Vậy lấy đâu ra sự bình an đích thực cho mình?


xxx

 

Rốt cuộc ta tìm thấy một nguyên tắc căn bản để có bình an nội tại thực sự, đó là không truy tìm quá khứ, không mơ mộng hão huyền về tương lai và nỗ lực sống với hiện tại trước mắt trong từng hơi thở và từng hành vi.

Các chướng ngại cho sự an trú là nỗi lo chập chờn giữa hy vọng và sợ hãi nảy sinh từ dòng suy nghĩ miên man của trí óc. Tự ngã càng lớn chừng nào thì sự thách thức càng lớn giữa thành – bại, được – mất, hơn – thua. Đây chính là điều mà xã hội gọi là mong muốn “khẳng định cá nhân“. Sự mong muốn khẳng định đồng nghĩa với nội tâm và tự ngã con người không ngớt lang thang trong tư lự với được mất, khen chê, danh vọng và không danh vọng, vui buồn, hạnh phúc và bất hạnh.

Một đoạn thơ truyện Kiều Nguyễn Du khuyên người đời sau một kinh nghiệm sống thế này:


“Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng
Ma đưa lối, quỉ đưa đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”


Chỉ khi nào con người đạt đến trạng thái tĩnh lặng trong bình an nội tại, sự mầu nhiệm của nội tâm sẽ xuất hiện. Tuệ giác tỉnh thức này là ân huệ của ánh sáng tâm linh dẫn dắt chúng ta đi vào cuộc sống an bình hạnh phúc đích thực.

Đây không phải là nội dung biện giải của lý trí mà là thực tại được chiêm nghiệm. Sự chiêm nghiệm hiện thể ở bất cứ lúc nào trong đời sống. Với tâm bình an thì tất cả các giác quan được thanh lọc, bén nhạy, có thể cảm nhận thực tại tinh tế và màu nhiệm trong cái vô tận. Và chính lúc này, lúc an trú trong hiện tại một cách vững chãi, ta sẽ có khả năng vượt lên trên mọi thứ ngờ vực lo âu của ảo tưởng, sống bình an tự tại, thể nhập vào dòng thực tại với tri kiến giải thoát.


Trời bay mây bốn hướng xa mong
Từng cánh én mang trùng dương về nội

(BG)


Đức Phật dạy:

 

“Đừng tưởng nhớ quá khứ
Đừng lo lắng tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chải và thảnh thơi…”

(Kinh Người Biết Sống Một Mình)

http://hoangphap.info/DefaultNew.aspx


Âm lịch

Ảnh đẹp