05/10/2013 08:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 1123
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Hỏi miền Trung có gì đặc sản, ngoài món ăn thức uống từng vùng, chắc nhiều người sẽ không quên món “đặc sản” chung của toàn miền là... bão lũ. Món “đặc sản” do thiên nhiên “ban tặng” chung cho người miền Trung, cứ vào độ tháng 9, tháng 10 là “bội thu” với bão gần, bão xa, kết hợp triều cường lên, lũ xuống, gió giật, nước dâng... và hoang mang, lo lắng.



>>> Chùa Đại Giác hư hại nặng sau bão số 10

DG5.jpg

Chùa Đại Giác (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) bị ảnh hưởng
nặng nề từ cơn bão số 10 vừa qua - Ảnh: Nguyên Tâm

Cả nước hướng về miền Trung. Rồi, cả nước chung tay giúp đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn sau bão... Cứ thế, những dòng tít đong đầy tình thương, sự sẻ chia trên nghĩa cử đồng bào, tình người trang trải lại được giật, lên trang nhứt hoặc đặt ở vị trí chủ đạo trên trang báo online.

Hình ảnh người miền Trung dầm mưa chống bão, những mái nhà xiêu vẹo, tan hoang, những vành khăn trắng chít trên đầu những đứa trẻ, những cụ già khóc tiễn người đầu xanh ra đi vì bão dữ, vì lũ quét, vì những tai nạn bất ngờ từ những chuyến trốn bão hay từ những mưu sinh trong bão của những phận người khó khăn, nghèo khổ miền Trung cũng được đăng tải, làm chạnh lòng người...

Hướng về miền Trung giữa mùa bão lũ đâu phải chỉ có những người con sinh ra nơi đất nghèo, đi xa vì cuộc mưu sinh - như một lẽ đương nhiên bởi ở quê nhà còn có người thân, họ hàng, xóm giềng thân thuộc, mà còn có cả những tấm lòng từ bi rộng mở, hiểu cái nghèo khó cùng nỗi trở trăn rất đỗi con người, chan chứa cảm thông dành cho đồng bào khúc ruột...

Có câu hát ầu ơ thương lắm, rằng “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, ngợi ca về tình người hiện diện nơi mỗi trái tim, để rồi khi nghe tin, nhìn thấy những hình ảnh đau thương của đồng loại, đồng bào, chúng sinh cộng trụ nơi cõi Ta-bà này thì lại bắt đầu mở lòng ra.

Không ít những lời thì thầm cầu nguyện đã được cư dân mạng gửi lên trang nhà với niềm mong bão tan, nếu có đi qua cũng ít những thiệt hại về người và của. Không ít những đạo tràng Phật tử, bằng niềm tin sâu chắc về năng lực gia trì, cứu khổ cứu nạn trong hạnh nguyện đầy bi trí của chư Phật, chư Đại Bồ-tát, Thánh Hiền đã thành tâm vân tập, trì niệm Đại bi chú cùng Thánh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm... Phép mầu của lòng từ bi, sự thành khẩn có thể ít nhiều giúp cho vùng bão nhẹ nhàng, vững chãi trước tai ương, và quan trọng là giúp cho lòng người nơi vùng yên bình được nẩy nở những hạt giống sẻ chia, nối dài cánh tay cứu khổ của Đức Quan Âm, đến với bà con miền Trung bằng những hành động thiết thực.

Chính vì thế, sau những họa hoạn, tai ương do thiên nhiên cuồng nộ, do lòng người nông nổi, tà vạy gây nên luôn có những cánh tay sắc vàng bi trí, vận động, cứu nguy bằng những chuyến xe mang đầy nghĩa tình, với nhiều tịnh tài, tịnh vật cứu đói, giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt.

Sự chia sẻ và việc yểm trợ bằng vật chất lẫn tinh thần lúc nào cũng cần thiết, nhất là đối với những người đang rơi vào tình huống hiểm nguy, sợ hãi. Khi đó, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, và cái nắm tay siết nhẹ, dặn dò vững lòng, cố gắng vượt qua có giá trị mang tên “hiến tặng sự bình an”. Khi đó, mỗi người dấn thân về miền Trung, nơi có “đặc sản” bão bùng, lũ lụt hàng năm cũng chính là “sứ giả Như Lai”, là hiện thân của Quán Thế Âm Bồ-tát, vào đời bằng mắt yêu thương, bằng bàn tay vô úy, đỡ nâng an lành...

BỐI BỐI

http://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/doisongquanhta/2013/10/05/1AD643/


Âm lịch

Ảnh đẹp