22/10/2013 18:38 (GMT+7)
Số lượt xem: 1171
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngày 15/10, buổi sáng tham dự Lễ Công bố Quyết định và Ra mắt Ban Thông tin Truyền Thông Trung ương GHPGVN tại Hội trường chùa Quán Sứ, buổi chiều tọa đàm Nghiệp vụ truyền thông Phật giáo tại 15AV Hồ Xuân Hương (Hà Nội).


Tờ mờ sáng 16/10 khi Thủ đô Hà Nội mọi người còn đang yên giấc, các anh Anh Minh, anh Thái và Bùi Hiền đã đưa xe đến Khách sạn Kim Liên (Hà Nội) đón chúng tôi về thăm Tràng An. Rấc tiếc, hôm ấy vì bận công việc Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn Phó Ban thường trực Ban TTTT phụ trách phía Nam, không đi được. 

Thật vui khi được về nguồn
 Trước giờ khai mạc Lễ Ra mắt Ban TTTT Trung ương GHPGVN

Tham gia nhóm hành trình về thăm Tràng An có Đại đức Thích Minh Trí, Đại đức Thích Vân Phong và 3 anh em cư sĩ : Minh Mẫn, Dương Kinh Thành, Trí Bửu.

 HT.Thích Gia Quang hoan hỷ tiếp chuyên với các cư sĩ miền Nam

Chiếc xe con 7 chỗ của AVG rời thủ đô Hà Nội dẫn chúng tôi về cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) trên con đường dài về hướng Nam khoảng 80 km như đi vào bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ.

Tràng An là một khu du lịch đẹp nhất Ninh Bình. Cảnh đẹp ở đây được tạo hóa ban tặng một cách tự nhiên. Thắng cảnh Tràng An bao gồm các dãy núi uốn lượn bao quanh các dòng suối nước, tạo nên vô vàn hang động nên thơ, kỳ ảo, huyền bí. Ngồi trên thuyền nan chúng tôi được khám phá các hang động xung quanh, lặng thầm ngắm nhìn cảnh thiên nhiên hai bên dòng suối. Một không gian thiên nhiên tuyệt đẹp cứ mở dần ra trước mắt. Là người Việt Nam không thể không một lần đến với Tràng An, cố đô Hoa Lư!

Trung tâm Du lich Sinh thái Tràng An tại Ninh Bình

Hôm ấy chúng tôi tham gia Tour du lịch bằng thuyền nan kéo dài khoảng hơn 3 giờ, bắt đầu từ khu đón tiếp trung tâm nằm bên đại lộ Tràng An. 

Chia sẻ với cô lái đò được biết, mỗi chiếc đò có thể chở 4 hoặc 5 người khách và cô lái đò được trả công 100.000 đồng.

Ở bến đò Áng Mương (Tràng An) hiện có trên 300 thuyền nhỏ phục vụ du khách, các cô lái đò đều là người địa phương. Họ được học một cách bài bản về hệ thống hang động, về lịch sử của di tích vì cô lái đò đồng thời là hướng dẫn viên du lịch.

 Xuống đò thực hiện một ngày du lịch sinh thái Tràng An

Rời bến đò giữa trời  nước mênh mông, chim sa, cá lặn, những con chim le le như đùa nghịch với du khách phương xa, chúng vừa chạy, vừa cút, rồi lặn trông rất ngoạn mục. Những đàn cá chép vàng trừng lên đớp bọt nước mỗi khi thuyền nan đi qua như chào đón khách phương xa.  

Đặc biệt thỉnh thoảng điểm xuyết một vùng hoa súng, hoa súng nở đỏ tươi như khoe sắc cùng du khách. Điểm đến đầu tiên của đoàn là  Đền Trình, (Tràng An Trình Phủ) nơi thờ các công thần có công phò tá nhà Đinh dựng nước. Chúng tôi thắp hương và tham quan để “trình” rằng đoàn đã đến  đây. Theo bia ký,  đền Trình thành lập năm 1865, được trùng tu năm 2003. Nơi đây thờ 2 vị công thần nhà Đinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù Giám sát Đại tướng quân. Đương triều họ là người cai quản kho vàng, két bạc của vua. 

Bến đò Tràng An, trên bến dưới thuyền

Rời đền Trình, hang đầu tiên mà chúng tôi đến là hang Địa Linh – “đá nở hoa”. Hang dài 150m, thông sang thung lũng đền Trần. Hang có nhiều lối rẽ và hiện mới chỉ được khai thác một phần. Vào sâu trong hang, người ta thấy có những chỗ rộng, bằng phẳng nhưng có những nơi rất hẹp, bề ngang chỉ chừng 3m. Cô lái đò không quên nhắc nhở mọi người cuối đầu xuống tránh đá. 

Hoa súng Tràng An khoe sắc với du khách 

Qua khỏi hang Địa Linh, con đò tiếp tục đưa đoàn tới hang  Tối. Đúng như tên gọi, trong hang rất tối, nhưng nhờ đèn điện nên chúng tôi xem được hang. Hang dài 315m, trong hang có rất nhiều nhũ đá lấp lánh như đá hoa cương rất đẹp với các hình thù khác nhau. Nhiệt độ trong hang Tối thường cao hơn bên ngoài 2-3 độ C, vì giữa lòng hang có một mạch nước nóng…

 Bơi thuyền giưa thiên nhiên Tràng An sơn thủy hữu tình

Sau hang Tối, là hang Sáng. Hang này ngắn, chỉ chừng 100m, do vậy trong hang luôn nhận được ánh sáng từ hai cửa hang tràn vào.

Rời hang Sáng, đoàn vào Hang Nấu Rượu, nơi này trước đây hang có những nhũ đá rất đẹp. Do cửa hang quá chật, muốn qua hang để sang đền Trần, người ta phải khai phá cửa hang rộng vì thế cũng phần nào làm mất cảnh quan tự nhiên.

 ĐĐ.Thích Minh Trí chèo đò vào các hang động Tràng An

Theo cô lái đò kể trong hang Nấu Rượu có một giếng nước sâu khoảng 15m, nước rất trong và mát. Tương truyền, tiền nhân xưa kia đã phát hiện ra giếng nước và dùng nước này để nấu rượu rất ngon, hang có tên “Nấu Rượu” từ đó. Trong quá trình nạo vét hang, người ta tìm được rất nhiều hũ, vại, vò và các dụng cụ dùng trong quá trình nấu rượu. Ngày nay, để phục hồi lại di tích hang Nấu Rượu thường xuyên lúc nào cũng có công nhân  chăm sóc, bổ sung, sắp xếp các hủ, vò, vại  rượu tại đây.

Ra khỏi hang Nấu Rượu leo lên khoảng chừng 350 bậc đá quanh co, chúng tôi lên đến đền Trần. Ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ X, thờ một vị tướng thời Hùng Vương thứ 18. Xin trân trọng, kính ghi lại câu đối của tiền nhân trước đền để lưu niệm cho những ai đến đây nhưng chưa được đọc: “ Khuông phò Hùng quý trung hưng tướng. Tĩnh trấn Nam thiên thượng đẳng thần” (       ,      có nghìa là theo phò Vua Hùng thứ 18 là vị tướng trung hưng. Làm nhiệm vụ trấn giữ đất trời phương Nam được phong là Thượng đẳng thần.

Tiếp theo chúng tôi vào thăm Hang Sính, hang Si và hang Ba Giọt gắn liền với truyền thuyết một câu chuyện tình buồn. Xưa có chàng công tử yêu tha thiết một nàng công nương. Khi chàng gánh sính lễ đến hang Sính để cầu hôn thì nàng đã bị cống nạp cho nước láng giềng. Chàng sang hang Ba giọt tắm gội, sau đó ôm khối tình riêng trầm mình ở hang Si. Ngày nay khi đến hang Si, thỉnh thoảng có người còn bắt gặp những đồng tiền cổ in chữ Phạn – có lẽ đó chính là đồ sính lễ của chàng công tử?

Sau khi từ hang Ba Giọt ra, đoàn lên thẳng Phủ Khống. Phủ Khống nằm trên một dải đất hẹp, lưng tựa vào hang Khống, bên phải là dãy núi đá dựng đứng, trước mặt là thung lủng nước mênh mông. Với địa thế đó, nơi này trước kia được vua Đinh chọn làm căn cứ quân sự, trấn giữ phía nam kinh thành Hoa Lư.Tương truyền, khi Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị trung thần lo việc tang. Họ đúc 100 quan tài đồng và mang đi chôn cất. Sau đó họ cùng nhau tuẫn tiết bằng rượu độc, mang theo bí mật về 100 chiếc quan tài để mãi sau không ai có thể biết đâu là mộ thật của vua Đinh. Có một vị Đinh công tiết chế trấn giữ Nam thành thương tiếc 7 vị trung quân, đã trồng 1 cây thị để tưởng nhớ. Cây thị ngàn tuổi này có bộ rễ không lồ, hàng năm cho rất nhiều quả. Đặc biệt quả thị mang 2 hình dáng khác nhau: quả to tròn có hạt và quả dẹp không hạt. Quả dẹp luôn được dùng để dâng cúng trên bàn thờ 7 vị quan vì tươi và thơm rất lâu…

Sau khi thăm hang Khống (dài 60 m), chúng tôi vào hang Trần và hang Quy Hậu. Hang Trần dài khoảng 200m và hang Quy Hậu dài khoàng 100m. Qua hai hang này  kết thúc cuộc hành trình hơn 3 giờ thăm hang động Tràng An. 

Một ngày về thăm Tràng An, đây là quần thể núi đá, hang động xuyên thủy ở Ninh Bình, nằm trên vùng diện tích khoảng hơn 1.000 ha; phong cảnh non nước hữu tình, được ví như một Hạ Long thứ hai. Mấy năm gần đây, khu du lịch sinh thái Tràng An được đưa vào thành điểm tham quan phục vụ du khách, được mệnh danh là “Hạ Long cạn”.

Đến với Tràng An thú vị bởi hành trình tham quan bằng thuyền chèo tay qua 9 hang động (chừng 5 km), vừa đi vừa hò chèo thuyền, tự do thoải mái chiêm ngưởng phong cảnh sơn thủy hữu tình, chúng ta sẽ được nếm trải cảm giác hồi hộp khi thuyền tiến vào lòng hang sâu thẳm; chiêm ngưỡng hình thù kỳ lạ của những nhũ đá trong hang và tha hồ trải hồn vào mộng tưởng cùng cá lượn, chim bay…

Lời kết bài viết này, xin trân trọng cám ơn chư Tôn đức cùng các anh chị Ban Tổ chức Lễ Công bố Quyết định và Ra mắt Ban Thông tin Truyền Thông Trung Ương GHPGVN những người đã tổ chức tạo điều kiện cho chúng tôi về nguồn, làm gạch nối gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa đạo với đời vì hạnh phúc của nhân sinh…

Đêm Nha thành hoài niệm, Trí Bửu 2013

Nguon: http://phatgiao.org.vn/doi-song/201310/Nho-mai-mot-chuyen-phat-su-ve-nguon-12426/


Âm lịch

Ảnh đẹp