05/11/2013 17:47 (GMT+7)
Số lượt xem: 1511
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

1- Tâm thức vô danh – đá lặng lẽ thấm hồng Trên đường của từ xã hội nguyên thủy bước sang xã hội văn minh, đá là chất liệu đầu tiên gắn bó với những bước chân chập chững, đầy ấp ước mơ và lắm nỗi lo âu của con người.


Trong buổi bình minh lịch sử nhân loại con người sinh ra và về lại từ hang (đá), làm ra công cụ sản xuất từ đá, ta sàng đực đánh lên từ đá, cho con người lửa (mặt trời – lửa bếp – lửa lòng) người phương Tây trong thần thoại Hy Lạp  tự hào lên trên đỉnh Olympe với ngọn lửa Prômêtê – “vị thánh đấu tiên, người tuẩn tiết đầu  tiên trong lịch sử triết học” (Marx), và họ tin “có các loại đá vẫn giữ được hơi người”. Người phương Đông trong thần thoại Ấn Độ vẫn mãi giữ ngọn lửa thần Anhi trên đỉnh Hymalaya, hướng tới sự cao thượng tự do và minh triết tinh anh. Con người cầm – Viên đá lạnh vô tri – Và tia lửa – Tự do lóe (Chớp trong tay – Robert Rozhdestvensky).

Thời đại từ đồ đá – thời đại dài nhất trong lịch sử loài người – đến nay, dù tín ngưỡng dân gian biến đổi và trầm tích nhiều lớp đá văn hóa, nhưng ấn tượng về đá đã hết sức sâu sắc trong tâm thức. Giản dị như tâm hồn Việt Nam, lặng lẽ mà nồng nàn thắm hồng trong hòa quyện Trầu Cau.

Ngày nay, không mấy ai không mấy ai ăn trầu nhưng ai cũng biết chuyện “Sự tích Trầu Cau”, đó là một câu chuện đẹp và cảm đông về phong tục tập quán, hôn nhân một vợ một chồng, tình thương gia tộc và tình yêu đôi lứa trong ước vọng  thắm đỏ trầu cau. Và người ta cũng chỉ nhớ đến hai chủ thể Trấu – Cau: Lưu luyến tình xưa âu yếm trầu leo quanh thân cau …Ấy còn là chuyện ngã ái, mình là người khác, mình là mình, mình là ai: Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu…(Trầu Cau – Phan Huỳnh Điểu). Không có chút vôi trắng lặng lẽ tinh luyện từ đá, liệu có tạo nên màu thắm hồng hòa. Từ ngàn đời tự đá  lặng lẽ không tên, mang cái mà Krishnamurti gọi là “tâm thức vô danh” vào đời.

2- Từ ải Nam Quan …vỗ cánh chín con long

Bản đồ hình chữ S mỏng manh lưng tựa núi, mắt ngóng biển cứ như người con gái gồng vai quang gánh ải Bắc, lưng e thon thả miền Trung và “Hành phương Nam chân duỗi  dài đến chân mũi Cà Mau. Nào có riêng  gì những năm tháng kháng chiến trường kỳ ác liệt, mà mấy nghìn năm Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa kia đã tạo nên bao  dáng đá chờ chồng. Dân tộc ấy có gì kỳ lạMột nước bao nhiêu là đá Vọng Phu (Phạm Tiến Duật). Người con gái bồng con hóa đá. Người con trai có về cho đá lại là em.

Tình yêu nằm ở tâm đá – những trái tim giản dị hằng thường vô lượng của người con gái hóa đá. Người ra đi chắc gì quay lại nữaTrên đầu non lòng đá vẫn kiên  trinh (Chế Lan Viên). Người ta quen thuộc với hình tượng Sóng- một ẩn dụ tình yêu giàu nữ tính. Nhưng Đá, Kể từ lúc ấy (Thu Nguyệt), cũng là một hình tượng nghệ thuật gắn bao cung bậc tình yêu của một trái tim giàu nữ tính. Em ngồi hóa đá thành thơ- Trả anh ngày tháng anh chờ lúc yêu – Em ngồi hóa đá thành chiều – Trả anh cái nụ hôn liều ngày xưa – Em ngồi hóa đá thành mưa – Trả anh cái phút anh đưa qua cầu – Xa nào anh có hay đâu – Đá từ lúc ấy bây giờ hóa em. Hay, lạ và diệu thay một tấc lòng giàu nữ tính từ hóa đá giờ thành hóa em. Người con gái giàu về tính nhạy cảm diệu tường của trái tim, người con trai mạnh về tình lý trí của khối óc. Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng- Anh trở về hóa đá phía bên kia (Thu Bồn). Tư tưởng nằm ở đầu đá- những cái đầu nóng lạnh đầy tính triết luận nhân sinh hữu hạn – vũ trụ vô cùng xuất xứ – hành tàng… của người con trai biến thiên …theo đá. Giữa đời hiện hữu như vô ngã- Giữa hồng trần đá có vô tri (Kim Tuấn). Nếu có gắn với một chữ Tình –rơi, rớt, rụng…thì chấp nhận trong đá trắng lặng im. Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ – Em lấy chồng rồi hết ước mơ – Tôi sẽ đi tìm mõm đá trắng – Ngồi lên để thả cái hồn thơ (Hàn Mặc Tử).

Từ ngàn xưa, mãi thương cảm cho những lỗi lầm của trái tim tình yêu cao thượng trong trắng. Em hóa đá trong truyền thuyết – Cho bao cô gái sau em – KHông còn phải hóa đá trong đời (Trước đá Mỵ Châu – Trần Đăng Khoa). Bài hai trong chùm 3 bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương mang bi cảm con tim Chín con long…

3- Trong hằng sinh, đá lặng lẽ cho đời

Chỉ có đá mới không tách bạch giữa xác và hồn, tâm và trí. Đó là một dòng sông mãi chảy của vô bờ bồi –l ở, hợp – tan, tụ – tán , thịnh – suy…kéo theo bao luật giả thị phi  của những ái, ố, bi, hỉ, nô , khổ…Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt – Nước còn cau mặt với tang thương (Bà Huyện Thanh Quang). Giữa trời -  mây – non – nước kia, vẫn là dáng đá lẻ loi một mảnh tình riêng.

Đá và nước là mô típ chạy sóng đôi. Đá thường lặng lẽ nhìn xuống sông trôi. Nhân giả mạo sơn, trí giả nhạo thủy. Không ai có khả năng ngồi như đá – như vô ích, vô sự, vô tâm – vì không ai thừa nhận tính nguyên sơ, chân thật, căn bản hoàn hảo vốn có. Quá giản dị, người ta dễ xem thường và chán ghét. Không gì nguyên sơ chân chất hòa hảo hơn trong toàn thể đá – không thể chia cắt quy chiếu. Nên đá là đá, chẳng thức, chẳng ngủ, nên đá không chấp nê kinh nghiệm, không mê – ngộ, không sáng suốt – tối tăm…mà đá mãi ngây ngô …như đá…Hãy ngồi xuống…như đá. Chẳng để làm gì. Rồi đứng dậy – trong cuộc sống – tỉnh giác, giản dị – mọi cái qua đi: Sáng lên Hoàng Sơn trăng – Chiều xuống Bàn Thạch tắm – Nhặt hòn đá hai nơi- Núi sông không đầy nắm (Cao Bá Quát). Đá ngồi là không ngồi – Nó sống. Hóa ra, hành động đã quá nhiều, mà người ta thấy chưa đủ, không bao giờ đủ, cần hành động. Đá buông bỏ hành động. Đó chính là hành động giác ngộ của sự an nhiên – sáng tạo – tình yêu lớn lao. Chả trách ai cũng thấy ngu …như đá.

Thực ra, tâm đá mang hạnh Nhẫn, không lụy theo cảm giác, chấp nhận hay không chấp nhận, không bị lôi theo điều vui hoặc né tránh diều buồn. Nhưng đã không thụ động trơ lý. Ngồi xuống, lắng nghe, thấu hiểu. và cười như đá. Không ai cảm nhận tự nhiên như đá. Ấy là nghiệp lành đất đá. Cảm nghiệm được chân không hiện hữu và hiện hữu trong chân không, , nhờ cả hai ta tìm thấy bình an sống. Nhẫn Thạch – tác phẩm đoạt giải của Goncourt 2008 của Atiq Rahimi…”Là tụng ca về tự do tình ái. Nhẫn thạch bung ra như một khúc nguyện cầu, dụ hoặc, ám ảnh.Kỳ diệu như một hòn đá kiên nhẫn” (télérama).

Đá nằm trong lòng nước, đá tựa lưng cho nước chảy, đá dựng lòng cho nước nằm, đá mở cửa cho nước đi, đá soi mình vào nước. Nước là dây tơ cho cung đàn đá ngân. Mới có một Nguyễn Trãi – người anh hùng làm nên sự nghiệp bình Ngô, người đời thường. Côn Sơn mang một tâm hồn giàu nhạc cảm mới nghe được cung đàn ấy.. Mới có một Trần Nhân Tông, yên việc binh đao, gác kiếm: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim du. Hòn đá tảng yên dần bờ cõi của vị vua anh hùng và hòn đá tảng lặng yên Trúc Lâm Yên Tử là một.

Không ai thoát khỏi vòng tay đầy ám ảnh của hai trục không – thời gian. Lá cứ rơi, hoa cứ nở, muôn việc đầy trước mắt, bốn mùa cứ luân chuyển, vừa gợi bao xao động, vừa vượt lên mọi thứ xao động của tâm kính như tự – nó. Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự – Từ thời tâm kính tự Như Như (Nguyễn Du). Đó là tâm của đá…như như…khóc cười …Tự mình biết riêng mình …(Trịnh Công Sơn).

4- Đời không tâm điểm …đá lên trong mình.

Trịnh Công Sơn từ tiền kiếp đã mang sẵn trong mình một Phúc âm buồn mờ tạc trong Thạch Kinh vô tự. Người còn đứng như tượng đá trong rừng cây già. Người còn đứng như trăm năm vết thương chưa mờ. Như từ bờ tiền sử hoang sơ bước ra Dấu chân địa đàng…lắng nghe vô thanh: Tiếng ca bắt nguồn từ đá khô – từ mưa gió – Từ vào trong đá xưa…Muôn vàn Cát bụi hoá thân từ đá trên hành trình cát bụi trần ai ngược sáng để làm người – để yêu và để mòn đi , rồi để một mai về lại cát bụi Mặt trời nào soi sáng tim tôi – để tình yêu xay mòn thành đá cuội.

Trên hành trình ấy, đá mang đủ mọi cung bậc. Có những tự nguyện: Tôi xin làm đá cuội – Và lăn theo gót hài. Một duyên hai nợ ba tình. Biết đâu nguồn cội, có những Ngẫu nhiên bất chợt hiệu ứng đẹp và hệ lụy tự nhiên – Hòn đá lăn trên đồi – Hòn đá rớt xuống cành mai – Rụng cánh ho mai gầy…Nên biệt ly Biển nhớ…Ngày mai em đi, cồn đá rêu phong rũ buồn…Để rồi, riêng mình lặng lẽ nơi này tữ ngã – tha nhân: Em đi về nơi ấy, nơi đâu, nơi đâu, sông cạn đá mòn. Trăng treo đầu con sóng. Trong lặng lẽ Tình nhớ là những diệu âm Những bước chân mềm mại – Đã đi vào đời người – Như từng viên đá cuội – Rớt vào lòng biển khơi. Đời mang gam màu Chiếc lá thu phai, Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay…Ấy là chuyện muôn đời ai cũng hiểu,. mòn như đá, xưa ..như Diễm trong khát vọng tình người, nương tựa cho nhau: Làm sao em biết bia đá không đau – Xin hãy cho mưa qua miển đất rộng – Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…

Như đá …cũng chưa phải là đá. Từ nhu cầu và lòng tin mà người ta tìm về nơi nương tựa. Ba đinh khép kín, người ta thường xác định tâm điểm tựa vào tiền – quyền – sắc. dầu có vượt thoát theo kiểu văn hóa ẩn dật. Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ…thì chỉ là tìm về một nơi nương tựa. Mà nương tựa vào đâu rồi cũng phải chấm dứt trong cái sự hữu hoàn vô.

Tìm về trên đỉnh cô phong. Những tưởng tựa vào rừng nhưng Rừng đã bỏ hoang…Người tìm về đầu non, còn chấp nê hệ lụy ngoại cảnh thì tất yếu còn buốn đau, còn loay hoay tim đường, tìm nơi nương khác…Tỉnh giác đối diện với chính mình, tự tựa vào mình tự mình là đá…Rồi mình bỗng hết buồn – đã hết buồn – Người lặng nghe đá lên trong mình…Bỗng là tia chớp sát-na của đốn, đã là trải nghiệm đời mình – một đời Du mục – biết lắng nghe mà đạt đến chân lý vô thanh của ngộ . Tàn thu nắng tắt đông sang – Tìm nơi ấm chữ trong trang đá rời – Vui bay buồn đọng chân trờ i- Đá hoàn kiếp đá một đời vô thanh. Đó là một trong cái tổng thể cả ba trạng thái thức – mộng và Thụy miên, nên nói như Krishnamurti, Đời không tâm điểm…đá là …đá thôi.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 113 | LÊ TƯ HIỀN


Âm lịch

Ảnh đẹp