Ngàn năm mây trắng


Nguyễn Vân Thiêng (Báo TNVN)
07/02/2011 14:25 (GMT+7)
Số lượt xem: 2579
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tạm biệt Yên Tử, tôi miên man với những cảm nhận giữa bốn bề mây trắng trên đỉnh non thiêng. Đâu là sự nối kết của cõi người lam lũ và mơ mộng, của thực và hư, khi mỗi hơi thở nhè nhẹ của con người hoà trong hơi thở bao la của vũ trụ


Cứ mỗi độ xuân sang, hàng vạn du khách từ khắp mọi miền lại vân tập về Yên Tử để được đứng giữa gió núi mây ngàn, đắm mình trong không gian yên tĩnh, trong tiếng chuông chùa vọng ra từ rừng thẳm - thứ thanh âm nâng đỡ tâm hồn dân tộc Việt từ ngàn xưa. Khát vọng khám phá và tình thương chúng sinh đã quần tụ dưới ngàn mây Yên Tử - mái nhà tâm cảm sau cuộc chiến đấu vĩ đại của quân dân Đại Việt.

Qua khỏi Đông Triều hơn nửa giờ ô tô, trước mắt đã sừng sững một dãy núi cao xanh thoắt ẩn, thoắt hiện trong làn mây trắng. Núi vẫn tự nhiên hằng hữu mà sao lại mơ màng như có hư không. Quá nửa đời người mới được chạm tay Yên Tử, tôi như đứa bé ngỡ ngàng trước bao điều bí ẩn của một miền cổ tích.   

 

 

Ngàn năm mây trắng

Điểm dừng chân đầu tiên là chùa Giải Oan. Dưới chân, suối vẫn chảy róc rách nghe như nài nỉ dỗi hờn, như lời thủ thỉ van lơn của những phi tần mỹ nữ trầm mình theo bước chân vua. Đất trời mờ ảo dưới mưa xuân, chỉ những nụ cười là hiển hiện. Những nụ cười của vĩnh hằng và hữu hạn, của giải thoát và tục luỵ, quá khứ và hiện tại. Giữa chốn thinh không, dường như cười không chỉ là đặc quyền của con người mà còn là của cỏ cây, hoa lá, của sỏi đá thiên nhiên, của bao sinh linh trong trời đất. Người ta ví vùng núi Yên Tử như đoá hoa sen, là xứ trán voi đầu rồng. Cách ví von bao hàm cả sự ngưỡng mộ, chở che, nâng đỡ để hàng triệu năm trước, biển bờ hóa núi sau cơn địa chấn.

Đường lên cao đi giữa hai hàng tùng tương truyền do đức vua trồng, trải 700 - 800 năm vẫn sừng sững giữa sương pha tuyết đẫm. Từng cội tùng, rễ tùng là từng trang huyền sử. Trong mờ ảo khói sương, gần trăm am tháp ẩn hiện như một thế giới u tịch chất chứa bao điều bí ẩn. Qua ổ cửa vòm, gặp ngay tháp tổ Huệ Quang, thờ tượng Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Lần đầu được đứng trước Phật hoàng - điều mà từ bé, chỉ biết qua sách vở. Tôi nghiêm cẩn lễ 3 lạy, thán phục một con người từng lập nên bao chiến công hiển hách, ngày về cõi vĩnh hằng chỉ nhỏ nhoi một pho tượng đá. Vườn tháp rêu phong, trong trập trùng lá xanh mây trắng, những con đường đất đỏ mòn dấu chân người uốn lượn như những sợi dây vắt qua miền trần tục. Hớp một ngụm sương mát lạnh, lắng nghe tiếng thì thầm trong gió, ngoảnh lại thấy trần gian sao nhỏ bé mong manh.

Thong thả đếm từng bậc cấp trong tiếng chuông ngân nga từ chùa Hoa Yên, tên cũ là Vân Yên - ngôi chùa giữa mây khói yên lành. Chùa nhỏ nhắn đơn sơ, tọa lạc giữa tịch mịch núi rừng, nhưng lại là nơi hoằng hóa của Phù Vân Quốc Sư, nơi Thái sư Trần Thủ Độ từng nói với vua Trần Thái Tông: “Hoàng Thượng ở đâu thì triều đình ở đó”. Nơi đây, Điều Ngự Giác Hoàng đã trụ tích đến cuối đời, truyền tâm ấn cho Nhị tổ Pháp Loa, nơi Huyền Trang Tôn Giả bao ngày vững chong ngọn đèn Tổ đạo… Là nơi mà những gốc sứ ở chùa Hoa Yên oằn mình sương tuyết trên 700 năm, cuồn cuộn thớ vỏ dày như bắp tay lực sĩ vẫn tươm cành lá nõn nà. Sự kết thúc là sự bắt đầu, trong cõi u minh tăm tối vẫn bừng lên mầm sống. “Vạn vật là bất tử”, triết lý của người xưa sao mà sâu sắc vậy. Ở chốn linh thiêng này, không có cái mất đi vĩnh viễn, mà chỉ sống cuộc sống khác. Bấy nhiêu thôi, đã là diễm phúc cho bất cứ ai một lần đặt chân đến vùng Thiền môn linh địa này.

Khách hành hương mơ một lần chạm đỉnh Phù Vân, chạm tay vào Chùa Đồng. Lên đến đây là lên với cõi đá, đá to đá nhỏ chồng lên nhau như linh thú, như chim, như hoa muôn vẻ châu tuần. Mây trắng cuồn cuộn che lấp cả non xanh, nén hương thơm không làm ấm nổi cái lạnh giữa bạt ngàn mây. Trời lạnh buốt, chùa Đồng như nhỏ lại, hội tụ khí thiêng đất trời về một góc. Mây tràn từ đỉnh cao xuống đỉnh thấp, điệp trùng như thực như hư, mây che kín đất trời, ngồi cách chùa Đồng vài mét mà thấy người hành hương mờ ảo như sương.

Quá nửa đời người mới đặt chân đến miền đất Phật thiêng liêng, giữa yên ắng của hoa rơi lá rụng, giữa gió thoảng mây trôi, như nghe được từng bước chân giẫm lên quá khứ. Ngẫm lại thấy ở Trần Nhân Tông, thật khó rạch ròi đâu là ông vua anh hùng, đâu là Thiền sư, đâu là Thi sĩ. Chỉ thấy một con người ung dung tự tại giữa nhân gian, biết “chiết xuất” từ hơi thở của thiên nhiên, hòa chút mật ngọt của vũ trụ, tạo thành một thứ năng lượng cho triều đại, cho trăm họ và cho chính mình. Hơn 50 năm đời mình, dù là thái tử hay khi ở ngôi Hoàng đế, dù là Thái thượng hoàng hay khi trở thành thiền sư, ông đều thể hiện bản lĩnh tự tại sáng suốt với tính cách phóng khoáng, nhân từ.

Có bản lĩnh ấy, Trần Nhân Tông mới dứt khoát giã từ cung son điện ngọc, quyết chí vào núi tịnh tu, lập nên Thiền phái Trúc Lâm, coi trọng tu tâm, truyền tâm ấn, bỏ qua những nghi thức tu luyện pháp thuật, tà ma bùa ngải... Đó là giáo lý kết hợp giữa triết học siêu nhiên của Phật giáo với nhân sinh quan Nho giáo và vũ trụ quan Lão giáo, hướng tới sự giản đơn, lương thiện trong đời sống và tâm linh con người, hòa hợp con người với thiên nhiên. Vì thế, giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phù hợp với mong ước về một cõi yên bình mà con người luôn vươn tới.

 

 

Cây sứ 700 năm tuổi ở chùa Hoa Yên

Dù bây giờ, con đường chinh phục “chân tu” đã có cáp treo, lòng thành tâm đã vơi đi một nửa nhưng sức hút của Hội chùa Yên Tử vẫn không vì thế mà vơi đi mỗi độ xuân về. Ai cũng muốn trong đời ít nhất một lần được thử sức mình với đỉnh cao 1.068m, ai cũng mong một lần đến chốn Thiền môn, được tách mình khỏi bao tục lụy nhân gian. Người tín mộ thì năm nào cũng đi, bắt đầu từ tinh mơ, tối ngủ ở chùa Bảo Sái nửa chặng đường, sáng mai dậy sớm đi tiếp, ngày cao điểm vài ba nghìn người lên núi. Trong mưa xuân dòng người như một sợi dây di động men theo các sườn non, các bậc đá nối tiếp không bao giờ thiếu một bàn chân. Sức mạnh tâm linh chiến thắng sức vóc, người bảy tám mươi vẫn đi tới đích nhưng người trẻ có khi vẫn không thể. Ấy là lẽ bình thường trong cuộc hành hương qua hàng nghìn bậc đá.

Tạm biệt Yên Tử, tôi miên man với những cảm nhận giữa bốn bề mây trắng trên đỉnh non thiêng. Đâu là sự nối kết của cõi người lam lũ và mơ mộng, của thực và hư, khi mỗi hơi thở nhè nhẹ của con người hoà trong hơi thở bao la của vũ trụ. Dung hợp bản thể con người vào dòng chảy của đất trời là cách để con người tiếp cận với thế giới tự nhiên. Người ta gọi đó là sự tương đồng giữa vật lý hiện đại và đạo học phương Đông, giáo lý nhà Phật.

Hình như người Việt, bằng cách riêng của mình, từ xa xưa đã lập nên một khế ước với đất trời mà Yên Tử chỉ là một phần trong dòng chảy linh thiêng ấy. Một khế ước giữa con người với sương sa đá núi, với nước chảy thông reo, một khế ước để ngàn năm sau mây trắng vẫn vờn bay trên đỉnh non thiêng./.


Âm lịch

Ảnh đẹp