Hạnh phúc một ngày một giờ


Viết bởi Nguyễn Duy Nhiên
28/11/2011 08:02 (GMT+7)
Số lượt xem: 67341
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Có lần tôi tham dự một buổi thiền trà trong một khóa tu. Buổi thiền trà do vị Thầy hướng dẫn làm trà chủ, và có một vị trà giả phụ giúp ông trong công việc pha và rót trà để mời những vị trà khách đến tham dự. Sau phần uống trà nghi lễ, vị trà chủ mời mọi người cùng chia sẻ, có thể là một bài thơ, một niềm vui, hay là một khó khăn nào đó nếu có.

Đến phiên vị trà giả, chị chia sẻ, “Công việc của tôi là pha trà mời mọi người uống, mong tất cả được thưởng thức một tách trà thơm ngon” (My job is to serve you tea). Xong buổi thiền trà, sau khi mọi người đã ra về, vị Thầy quay sang nói với người trà giả, “Con nói như vậy là không đúng, đó không phải là ‘công việc’ mà phải là ‘niềm vui’ của mình mới đúng chứ!” (It's not a job, it's a joy).

Thiết thực hiện tại

Và trên con đường tu học của mình cũng vậy, tôi nghĩ đó phải là một niềm vui. Con đường của Phật dạy có hai yếu tố là thiết thực, practical, và hiện tại, here now, hay nói một cách khác là nó có thể mang lại sự an vui cho ta ngay bây giờ và ở đây. Giáo lý của Phật dạy rất sâu sắc và nhiệm mầu, nhưng đừng vì thế mà chúng ta đánh mất đi yếu tố thiết thực hiện tại của nó.

Có một câu truyện vui kể về nhà hiền triết Nasrudin. Có lần vì gia cảnh túng thiếu nên ông Nasrudin phải đi buôn để kiếm thêm tiền. Nhà ông ở gần biên giới nên mỗi sáng ông cứ đi bộ sang xứ láng giềng và đến chiều thì ông cưỡi một con lừa đi về. Và từ đó ông cũng trở nên giàu có hơn, nhà cửa xây cất rộng lớn hơn. Lính biên phòng nghi ngờ, nghĩ là ông có mua bán thứ gì đó mà không khai báo để trả thuế, nên mỗi ngày khi ông trở về họ khám xét con lừa của ông cưỡi rất kỹ lưỡng, xem ông có cất dấu một món hàng nào đó không. Nhưng ngày qua ngày, khám xét mãi họ vẫn không tìm thấy một điều gì khác thường. Cuối cùng, người lính biên phòng nói với ông Nasrudin, “Chúng tôi biết là ông buôn bán một thứ gì đó mà không khai báo, nhưng tìm không ra. Thôi bây giờ ông cứ nói thật đi, chúng tôi cũng chẳng làm khó dễ ông đâu.” Ông Nasrudin, quay sang nói nhỏ với người lính biên phòng, “Tôi buôn lừa!”

Chúng ta cũng dễ giống như những người lính ấy, có thể vì lo tìm kiếm sâu xa quá mà quên nhìn thấy những gì ở ngay trước mắt. Ta vô tình đánh mất đi những niềm vui thiết thực hiện tại của mình.

Bạn biết không, với một rừng kinh điển mênh mông, chúng ta có thể nghĩ rằng những điều Phật dạy rất là huyền bí cao siêu, khó hiểu, khó thấy, nhưng thật ra chúng cũng rõ ràng ngay trước mắt ta. Tăng Chi Bộ Kinh ghi, có một người ngoại đạo tên Sivaka đến hỏi Phật “Con nghe nói giáo pháp của Ngài là rõ ràng ngay trước mắt (the dhamma is directly visible)... Thưa Ngài thế nào là rõ ràng ngay trước mắt?”

Đức Phật đáp, “Nếu nội tâm có tham, ông có biết ‘nội tâm ta có tham’; nội tâm không có tham, ông có biết ‘nội tâm ta không có tham’ chăng?” Ông Sivaka thưa: “Thưa có.” Phật bảo: “Này Sivaka, nội tâm có tham, ông có biết ‘nội tâm ta có tham’, nội tâm không có tham, ông có biết ‘nội tâm ta không có tham’. Như vậy này Sivaka ‘pháp ấy là rõ ràng ngay trước mắt, (the dhamma is directly visible)...”

Chúng ta đâu cần phải tìm kiếm đâu xa xôi để chuyển hóa những muộn phiền và khó khăn của mình phải không bạn?

Bình đẳng và bao dung

Đức Phật dạy rằng chúng ta sẽ có nhiều niềm vui trong giờ phút hiện tại, nếu như ta biết nhìn lại và tiếp xúc với cái hay cái đẹp của mình. Tôi nghĩ, trong đạo Phật thì những cái hay và đẹp này không phải là sự tài giỏi, thông minh hoặc những thành đạt của ta, mà là ở tấm lòng của mình. Và trong chúng ta ai cũng có một tấm lòng ấy. Bạn nghĩ đi, những khi ta làm một việc tốt, dầu không ai biết đến nhưng mình cũng cảm thấy an vui, khi nghe kể những hoàn cảnh bất hạnh ta cảm thấy thương xót và muốn chia sẻ, giúp đỡ. Và mỗi khi làm một việc gì không tốt ta cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Chúng ta cảm nhận được những điều ấy là vì trong ta, tự bản chất, có những hạt giống tốt lành rất lớn.

Ngày xưa đức Phật đã giúp cho biết bao nhiêu người từ bậc vua chúa, tu sĩ, cho đến những hạng thấp nhất trong xã hội. Tiếp xúc với ai Phật cũng nhìn thấy được cái bản chất hay đẹp, những hạt giống thiện lành đang có mặt sẵn trong tất cả mọi người. Có một lần trên đường đi, A Nan gặp một cô thiếu nữ đứng bên cạnh một giếng nước, ngài đi đến gần và xin cô ta một bát nước. Cô thiếu nữ vừa thấy ngài A Nan đến vội tránh xa ra và nói rằng, “Thưa ngài tôi thuộc giai cấp hạ tiện, tôi không có quyền cúng dường nước cho ngài, tôi sợ sẽ làm ô uế ngài.” A nan nhìn cô thiếu nữ và nói rằng, “Tôi đâu có hỏi hay là xin địa vị, giai cấp của cô đâu. Tôi chỉ muốn hỏi xin cô nước mà thôi.”

Lời nói của ngài A Nan thật bao dung quá phải không bạn. Chúng ta nhiều khi cũng giống như cô thiếu nữ ấy, có những quá khứ, có những việc xưa cũ mà mình cứ ôm ấp và giữ chặc mãi, khiến cho ta không còn có thể tiếp xúc được với niềm vui hiện tại.

Empty your cup of suffering

Có lần, thiền sư Nan-in tiếp một vị giáo sư đại học đến để tham vấn về Thiền. Nan-in rót trà mời khách, ông rót đầy tách của vị giáo sư, và cứ tiếp tục rót thêm. Vị giáo sư nhìn trà tràn ra ngoài cho đến lúc ông không nhịn được nữa, “Thưa Ngài tách trà đã đầy tràn ra ngoài rồi, không còn thêm được nữa!”, “Như là tách trà này,” Nan-in nói, “nếu ông đã có đầy ý niệm và thành kiến rồi, làm sao tôi có thể chỉ gì thêm cho ông nữa. Ông hãy đổ sạch tách của ông đi!”

Tôi nghĩ lời khuyên của ngài Nan-in cũng có thể áp dụng cho vấn đề hạnh phúc của chúng ta nữa. Hạnh phúc sẽ không thể có mặt nếu như tách trà của mình còn đầy những muộn phiền. Thật ra chúng ta cũng đâu cần phải đi tìm kiếm hay xây dựng một trạng thái hạnh phúc nào mới lạ đâu, điều chúng ta cần chỉ là biết buông bỏ mà thôi. Ta buông bỏ những ganh tỵ, tham lam, nhỏ nhoi của mình. Có người nghĩ rằng nếu như mình bỏ hết rồi thì ta sẽ còn lại gì đây? Nhưng ta đâu phải chỉ là những tham lam, giận hờn thôi đâu! Chúng là gốc rễ của khổ đau, thì thật ra ta chỉ buông bỏ những nguyên nhân của khổ đau mà thôi. Và hễ không cái này thì là có cái kia. Không mưa thì nắng, không bóng tối thì ánh sáng, không khổ đau thì là hạnh phúc, không có giận hờn thì ta sẽ có niềm vui. Buông cái này thì ta sẽ được cái kia.

Bạn biết không, nếu như ta cứ cầm mãi một tách trà trên tay, thì dầu có nhẹ đến đâu rồi nó cũng sẽ trở thành nặng. Và nếu như ta không đặt tách trà xuống thì làm sao mình có thể nhặt một chiếc lá thu, viết một bài thơ, hứng một hạt mưa, hay nắm tay một người thân. Nếu như một tay ta cứ nắm chặt vào khổ đau bên này, thì dù có cố với mấy ta cũng sẽ không thể nào chạm được hạnh phúc phía bên kia. Buông bỏ là để giúp ta có khả năng đi tới, nhờ buông thả khổ đau mà ta tiếp xúc được với hạnh phúc đang có mặt.

Trong kinh có một danh từ chuyên môn gọi là kiết sử hay là nội kết, samyojana, chúng là những gút thắt, những khối vui buồn, khổ đau được kết tụ lại trong lòng ta theo ngày tháng. Trong chúng ta ai cũng có một số những muộn phiền hoặc khó khăn nào đó. Và tôi thấy, đôi khi muốn mở những gút thắt ấy, thật ra chúng ta cũng không cần phải tìm cách tháo gỡ chúng ra, mà chỉ cần đừng cột chặt thêm vào nữa mà thôi. Sự sống là một dòng sông linh động, nó luôn trôi chảy và biến đổi, không có một hờn giận, muộn phiền nào sẽ còn mãi nếu như ta thôi đừng ôm chặt nó lại. Đừng nhốt sự sống của mình vào một tách nước nhỏ bé, nước nếu bị cô đọng thì dầu trong mát đến đâu cũng sẽ trở thành nước ao tù. Hãy để cho nó được tiếp tục lưu chuyển, để ta có thể tiếp nhận được một hạnh phúc mới của ngày hôm nay.

Ánh xuân về trên đóa hoa tươi

Trên con đường tu học ta ý thức rằng, trong giây phút hiện tại này chúng ta có thể tiếp xúc được với niềm vui, nếu mình muốn. Chúng ta không phải ai cũng đang có hạnh phúc, nhưng đa số chúng ta ai cũng đang có những điều kiện của hạnh phúc. Nếu như chúng ta vẫn còn sức khỏe, vẫn còn nhìn thấy được trời xanh mây trắng, vẫn còn bước đi được trên con dường nhỏ… đó là những điều kiện của hạnh phúc. Tôi nghĩ, nếu sự tu học của mình có hay hơn người khác chăng là ở chỗ mình đã thực tập ý thức điều này được bao nhiêu mà thôi.

Tôi nhớ đến bài thơ của Tế Hanh:

Nếu không có hạnh phúc một đời
Thì tìm hạnh phúc một năm một tháng
Nếu không có hạnh phúc một năm một tháng
Thì tìm hạnh phúc một ngày một giờ

Sáng nay
Tôi tìm thấy hạnh phúc
Sau một đêm yên giấc
Tôi nhìn thấy ánh xuân về
Trên một đóa hoa tươi.


Và nếu như mình có được hạnh phúc trong một ngày một giờ, thì ta cũng sẽ có hạnh phúc trong một đời, phải không bạn. Vì đời sống cũng chỉ làm bằng ngày hôm nay, và hạnh phúc cũng có thể rất đơn sơ như một sợi nắng vàng trên đóa hoa tươi của buổi sáng này...■

Nguồn: Tập San Pháp Luân 81


Âm lịch

Ảnh đẹp