26/11/2011 09:36 (GMT+7)
Số lượt xem: 62403
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Làm ở bệnh viện,cảm động nhất là khi thấy các cặp vợ chồng già lắm, 80 hay 90 nhưng lúc nào cũng tận tụy, chăm sóc nhau, sống với nhau 50, 60 năm trời. Người chồng bệnh nặng lắm và có khi đang trong thời khắc lâm chung và người vợ già lọm khọm chăm sóc từng ly từng tý cho chồng, con cái ở đây thì hiếm thấy. Ông bà mình ngày xưa vẫn giữ vững lòng thủy chung, son sắc, lo lắng cho nhau dù trong mọi hoàn cảnh.


Giờ nhìn ra bên ngoài, vợ chồng lấy nhau không biết sống được bao lâu và liệu khi vui sướng, giàu sang thì ở với nhau, khi khó khăn hoạn nạn thì lại chia tay nhau. Còn nếu không thì khi khó khăn chung vai bên nhau, chia nhau những hạnh phúc đơn sơ bình dị nhưng khi khá giả, đời sống vật chất dư thừa thì lại sinh tật, “giàu đổi bạn, sang đổi vợ.”

Vài chục năm nữa chắc những chuyện gọi là đầu bạc răng long, son sắc trọn đời sẽ chỉ còn trong cổ tích hay ở một miền đất nước thần tiên nào đó.

Ở nhà, giờ nhìn ba chăm má mình hằng ngày mà mình cũng cảm động. Ba lo cho má từng ly từng tí, đi đâu cũng lo có người ở nhà cho má ăn, theo dõi xem má ăn được cái gì thì cho ăn, chăm má chẳng khác nào chăm con mọn  mà chăm một người bị bệnh mất trí như má đâu có dễ gì.

Thế hệ cha mẹ mình hạnh phúc chỉ là những quan điểm bình dị, cái son sắc, thủy chung nó như là một điều tất yếu, là nó phải vậy, chẳng có đòi hỏi gì cho cao xa, có cái ăn, cái mặc, con cái học nên người. Còn đã là vợ chồng với nhau thì hiển nhiên là phải sống trọn đời trọn kiếp dù có chuyện gì xảy ra để làm gương cho con cái. Tiền bạc có làm ra thì lo cho con cái xe, cái gì cũng tiết kiệm, dành dụm lo miếng đất để con cái sau này có dựng vợ, gả chồng có mà ở rồi để dành lo sống sau này và hậu sự chứ cũng chẳng mong con cháu khổ vì mình, nuôi mình.

Cha mẹ ông bà mình có biết thế nào là sống nhanh, sống vội, sống vì bản thân, đưa ra kế hoạch năm này được này, năm nọ đi du lịch chổ kia, tất cả chẳng có gì ngoài ba bữa cơm và căn nhà che mưa che nắng. Còn đến thế hệ chúng mình thì bằng này cấp kia, được cái này cái nọ, sống hưởng thụ và phải nghĩ đến bản thân mình và ai động đến thì đánh trả lại cho bằng được. Có tất cả đó nhưng tại sao vẫn cứ khổ, vẫn cứ không bao giờ cảm thấy đủ, vẫn cảm thấy ganh ghét, đua đòi.

Người ta thường ví và nói người Phương Tây không có tình người, tình cảm không sâu đậm như người Việt và người Á Châu nhưng sống ở đây bao nhiêu năm mình lại cảm nhận được cái tình cảm nhân văn khác ở họ mà khâm phục, ngưỡng mộ và thầm nghĩ sao mình không được như họ vậy.

Ngày nào mình cũng thấy bệnh, đối diện với sự sống sự chết riết mình cũng bình thường. Có bệnh nhân còn tắt thở trên tay mình thấy kiếp người mong manh, sống đó rồi đi, một hơi thở là về với đất. Những lúc cùng đồng nghiệp tranh dành sự sống chết cho bệnh nhân mình cũng chỉ làm hết sức và niệm Phật hồi hướng. Nếu họ ra đi mình thường nán lại hay đứng bên ngoài niệm một ít câu Phật hiệu rồi nhẹ nhàn lui gót.

Kiếp người thế là xong rồi sao? Đôi khi tự hỏi và cũng biết là chẳng gì là thật nhưng rồi cái lòng tham sân si đó nó nổi lên, mình cũng nhào vào đó mà tranh đua với đời. Để rồi đến khi thấy hình ảnh những người già bệnh tật, người thân lo cho họ trong những giờ hấp hối mình thấy sao mà nặng nề. Năm tháng trôi qua rồi mọi thứ cũng chỉ còn trong tiềm thức mà thôi.

Trời đã đổi mùa, lá bên ngoài đang vàng rụng rơi tả tơi. Tự nhiên, mình nhớ và càng thấm hơn bài thơ “Bài Học Quét Lá”

“Vâng lời Thầy, con đi quét lá,
Lá vàng rơi lả tả khắp nơi
Lá khô rơi như kiếp một con người,
Giờ phút cuối là về cùng cát bụi.

Con vừa quét sạch một gốc cây
Quay trở lại đã thấy đầy lá rụng.
Con hỏi: nếu như gió đừng rung động
Thì lá kia hẳn còn ở trên cành.

Một kiếp người cũng thế quá mong manh
Một hơi thở nếu đi rồi không đến nữa!
Tạ ơn thầy đã cho con bài học nhỏ,
Mà thâm sâu như một triết l‎y không cùng.

Con ra về long luống những bâng khuâng,
Lá và con cũng trong vòng sanh diệt
.Lá vừa sinh đã có mầm hủy diệt
Con vừa sinh đã hẹn có ngày đi.

Một làn gió đâu có sức mạnh gì,
Mà lá rơi không thể nào cưỡng lại
Hơi thở con như làn gió ấy,
Nếu không về thì con sẽ đi đâu?

Đã lâu rồi con vẫn lặn hụp chìm sâu
Trong mê mãi con đi tìm sự nghiệp:
Con vẫn ước có căn nhà rộng đẹp,
Con vẫn mơ con cái học thành tài
Con vẫn mong, vẫn đợi một ngày mai,
Lũ con cháu trở nên người thành đạt.

Con vẫn chưa có gì cho con hết,
Làm hành trang khi cất bước lên đường.
Tạ ơn thầy đã cho con chút tư lương,
Là bài học quét lá vàng rơi rụng.
Lá và con cũng có cùng số phận,
Đi về đâu là do con chọn lấy con đường!”

 

Theo thegioiphatgiao.net

http://hoangphaptre.com/


Âm lịch

Ảnh đẹp