Một mái chèo, hai
cánh tay thầy lèo lái chiếc thuyền nan vượt qua những thác ghềnh, sóng gió để
đưa con thoát khỏi những dông bão của trường đời.
Một chú tiểu ngộ nghĩnh đáng yêu bên một nhà
sư hiền từ đức hạnh, người cho con nghị lực khi con buồn chán, thất vọng trong
vai làm người lữ khách. Một tiếng nói thủ thỉ bên tai trong những đêm buồn. Thầy
dạy con đừng bao giờ chùn bước: “Người có
ý chí phi thường, sức chịu đựng phi thường thì mới làm được việc phi thường”.
Một
tâm hồn nhỏ bé đang mở rộng cõi lòng để đón nhận ngọn lửa niềm tin cháy bỏng từ
sự truyền trao của một người lái đò đang cố sức đưa người lữ khách tiếp đáp bờ
bên kia. Một người đã ngã gục trên chặng đường, hai người, rồi ba người thấy
chán nản chấp nhận bỏ cuộc, nhưng người vẫn vững mái chèo để cho con an lòng mà
tiếp tục bước đi.
Thời
gian trôi! một chú tiểu trở thành một nhà sư.
Con
xa thầy từ thuở ấy! Nghiệp quả nhân duyên và vòng xoay của tuần hoàn tạo hóa. Con
đã xa thầy! Một người lữ khách đã quên ông lái đò và chiếc thuyền nan trên dòng
sông. Con chẳng muốn thế đâu! Hoàn cảnh, áp lực đã đưa con xa thầy mãi mãi.
Giờ
đây con không biết ông lái đò năm xưa có còn nhớ đến người lữ khách kia không?
Quá khứ đã cho con những bước chân vững chãi ở hiện tại nhưng vẫn phủ đầy cát bụi
thời gian, dòng tâm thức hay trong suy nghĩ dù chỉ là một ý niệm nhỏ nhoi con
luôn nhớ về thầy.
Con
sợ hãi, lo lắng và suy tư đôi điều vớ vẩn chỉ vì một câu nói hai dòng tư tưởng
trái nghịch, con và thầy đã xa nhau. Một cuộc đời, hai kiếp người, con và thầy
chỉ biết nhìn nhau với ánh mắt lạ lùng và nuối tiếc.
Một
bức thư năm ấy: “Dù con đang ở phương
trời nào thì thầy vẫn mãi nhớ đến con, hãy trở về dù chỉ một lần con nhé!”.
Một nỗi buồn, hai dòng nước mắt con đã rơi, sự tiếc nuối, nỗi cô đơn thương cho
người lái đò vẫn mãi trông chờ người lữ khách ngoái đầu nhìn lại.
Chiếc thuyền nan trên dòng sông sanh tử, người
lái đò vẫn ngày đêm lèo lái, chấp nhận và hy sinh đời mình để tiếp bước đưa lữ
khách sang sông. Một nỗi lòng, hai dòng tâm thức thuận chiều con đã hiểu và
biết rằng phải trở về thăm lại nguồn xưa, như người lữ khách trở lại bến đò sau
nhiều năm tha phương xứ lạ.
Giác Minh Luật