Chèo đò ngang trên...bục giảng


Tác giả: Hà Văn Thịnh
20/11/2011 20:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 107168
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Điều đau đớn là sinh viên, học sinh thời nay hình như vô cảm trước những bất công, ngang trái. Hầu hết chỉ lặng im hoặc không thèm quan tâm tới diễn tiến của thời cuộc. Nếu cứ bịt mắt, bưng tai trước cái xấu, cái phản cảm thì làm sao duy trì văn hóa sống đúng?


Rất nhiều người đã ngợi ca những nét đẹp thậm chí được linh thiêng hóa, ảo ảnh hóa của nghề "chèo đò ngang" trên... bục giảng. Cũng chẳng ít hơn là ở phía "mặt kia", người ta than phiền về cái tẻ nhạt, đơn điệu, bạc bẽo của nó. Hết năm này đến năm khác cứ "hát" mãi những "bài ca"đã cũ tự lâu rồi, đó là chưa kể đến những thăng trầm, những niềm vui và cả những nỗi đau...

Chạy?

Cho dù có tất cả những điều đó thì tôi vẫn cứ luôn tin rằng, nếu được phép làm lại, sẽ lại chọn cái nghề đã và đang từng vắt kiệt những đam mê, trăn trở, gần như tất cả sinh lực sống để đổi lấy cái nghèo và những nụ cười, những niềm tự hào bé nhỏ, hiếm hoi...

Không biết có phải bị mặc cảm vì cái động từ CHẠY của thời hiện đại hay không mà từ rất lâu rồi (hàng chục năm nay), tôi chẳng tiếp sinh viên ngày 20.11. Lấy lý do ngày đó bận đi công tác đã giúp cho tôi tránh được những phiền hà, mà tôi luôn tin rằng, tình cảm, nếu nó thực sự chân thành, không cần đến các nghi thức, để thầy cô không... giận dỗi, không nuối tiếc, thở dài vì 'cái gì đó' vừa mơ hồ vừa rất thực của cuộc đời.

Nếu bạn chưa tin lắm vào lập luận trên thì đến ngày 20.11, ở Huế - cứ 10 năm thì có 9 năm bị mưa, bị rét lạnh dày vò. Hãy nhìn ra đường và chắc chắn bạn sẽ thấy từng đoàn học sinh 10, 15 tuổi, lũ lượt dầm mưa lạnh, môi tím tái, mắt thất thần, bụng lép kẹp để đến cho đủ lượt, đủ mặt ở các nhà cô thầy. Tặng cho các thầy cô cuốn sổ, chiếc khăn mua đắt gấp 3-5 lần giá thực ...

Đây là chuyện buồn lẽ ra không nên nói, nhưng nếu không nói, thì lúc nào mới đúng dịp? Điều đáng phải nói hơn nữa là tất cả những đứa trẻ đua nhau chạy ấy đều là con của những người nghèo: Nếu giàu, bố mẹ chúng đã vui vẻ cười một cách thật tự tin, đến thăm thầy cô trước ngày G. Bằng cái rủng rỉnh của phong bao cùng với sự lặng im nhiều ý nghĩa...

Tuy nhiên, đó là một phần chẳng bao giờ thiếu được của lý lẽ sống? Đã là vậy thì hãy cứ chấp nhận và nói như R. Gamzatov: Hãy sống, sống và cứ thế. Sống và cứ thế, đến cùng! Chỉ có một điều tự hỏi mà chưa cắt nghĩa nổi: Thật ra, cách tôn vinh quý trọng nào là đúng, là tốt trong cái 'kho tàng' u u minh minh của mọi sự biểu lộ, giãi bày?

Yêu tin để bớt xót xa

Riêng tôi, vì bất lực trong cách trả lời nên đành chọn cách nghĩ về các thầy cô giáo của mình để thêm yêu tin và để bớt xót xa.

Ngày 20.11 đầu tiên tôi biết là năm tôi học lớp 1, thầy giáo tên là Trịnh Liêu. Mẹ cho tôi 5 quả cam to để đi thăm thầy. Túi cam quá nặng so với một đứa trẻ  6 tuổi gầy nhỏ còm nhom. Nhà thầy mãi tít trên phía nhà thờ Cầu Rầm rồi nghe đâu còn đi xa nữa, cách nhà tôi khoảng 5km.

Nhà thầy thì chưa biết, đường thì xa, bụng lại đói nên tôi lập luận rằng, cô và thầy phải được coi trọng như nhau, thành thử nên ăn bớt một quả cam cho nó còn 4, chia hai. Đi một đoạn nữa cái bụng của tôi nó nói với cái mồm rằng thầy phải hơn cô, túi cam còn 3. Cứ thế cho đến khi không tìm được nhà thầy và cam cũng hết, tôi quay về, mẹ hỏi: "Thầy nói chi không con" - "Dạ, thầy cười". Tôi xin cam đoan câu chuyện này thật 100%.

Bây giờ, thầy đã đi xa mãi mãi rồi và chẳng năm nào tôi không hết day dứt vì sự bạc bẽo và dối trá của mình. Kể từ khi hiểu ra sự thật đắng cay này, hầu như tôi không còn nói dối nữa (mới gần đây thôi). Ai bảo nhân chi sơ tính bổn thiện? Tại sao tôi lại xấu xa như thế chắc hẳn là điều các nhà tâm lý học giáo dục nên nghĩ suy vì hình như chẳng phải chỉ mình tôi khi đem đồ đi "tri ân" thầy mà chẳng hề hiểu vì sao phải làm thế?...

Người thầy thứ hai mà tôi nhớ, yêu kính vô cùng là thầy Phạm Nhượng, Hiệu trưởng Trường cấp 3 Vinh (trước là Trường Huỳnh Thúc Kháng), thành phố Vinh, Nghệ An. Thầy dạy toán mà tôi thì dốt toán vô cùng, chỉ được hơi khá cái môn nói... lung tung, tức môn văn.

5 lần thầy gọi lên bảng giải toán thì ngũ lượt tôi bét be sai. Vậy mà thầy chẳng bao giờ nói nặng lời, vẫn cứ động viên tôi cố gắng hơn và, hình như thầy còn biết do hồi lớp 4 tôi học ở 4 trường, 2 năm (bị Mỹ ném bom 3 lần, mẹ tôi chuyển anh em chúng tôi đi), nên bị hổng kiến thức!

Có một lần, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, nhà trường muốn chấn chỉnh nội quy học đường nên ra thông báo qua cổng trường, tất cả học sinh phải xuống xe đạp. "Cổng" là hai cái trụ không có cánh cổng nên tất cả chúng tôi đều ung dung lao xe qua. Riêng thầy hiệu trưởng, cứ mỗi lần đi qua cổng, thầy đều xuống dắt xe.

Đến với giảng đường đại học, tôi may mắn được gặp thầy Trần Quốc Vượng (đã mất) và thầy Nguyễn Văn Hồng. Hai thầy là hai tính cách, hai "bộ công phu". Đôi khi, tôi tự vấn rằng ai trong hai người ảnh hưởng đến mình nhiều hơn? Không rõ câu trả lời. Tôi cảm và hiểu được từ thầy Trần Quốc Vượng sự đa chiều, bất ngờ và sắc nhọn của tư duy, tính đột phá liên tục của những câu hỏi khác hướng và cách lật, thay đổi phương pháp tiếp cận đầy bổ ích.

Tôi nhận được từ thầy Nguyễn Văn Hồng cái bề sâu bí ẩn của biển kiến thực dưới bề mặt lặng tĩnh của kiến thức được ấp ủ, truyền thụ bằng lời tâm tình của trái tim, cái đúng mực, sự minh triết của cách nghĩ thấu đáo và cả sự nổi loạn luôn bị kềm nén bởi sự hiểu đời, của tỉnh thức "biết đủ thì dừng"...

Hiểu được từ hai người thầy tuyệt vời là một chuyện nhưng có làm được như thế không lại là chuyện khác. Thầy Hồng dạy tôi: Làm thầy giáo, phải biết một trăm để giảng một.

Ảnh minh họa
Làm sao duy trì văn hóa sống đúng?

Dù sao, đã mang lấy nghiệp vào thân, sự trăn trở trong quãng ngắn thời gian trước giờ G - 20.11, bao giờ cũng có. Sai nhiều, đúng ít nhưng đam mê và tâm huyết với nghiệp nghề thì chắc hẳn là không thiếu. Thế nhưng, nếu lượng hóa các thông số thì cái nghề dạy sử quả là thật lắm nỗi.

Làm sao có thể dạy thật hay, thật đúng khi đôi khi phải nói dối với lòng mình? Làm sao có thể toàn tâm toàn ý khi chưa bóc những tờ lịch cuối cùng của tháng mà lương đã cạn hết tự lâu rồi? Thủ tướng vừa nói chờ thêm 9 năm nữa, lương công chức nuôi đủ cả nhà! Lúc ấy tôi về hưu trước 5 năm là cái chắc.

Cái trăn trở lớn nhất, đậm nhất là những cơn sóng dữ, sóng ngầm, lũ cuốn của thời nay. Học trò bây giờ tự tin cho rằng Dân ta phải biết sử ta/ Lỡ ra không biết thì tra gu gồ, cho nên, hầu như chẳng có ai chịu đọc sách. Một khi tầng lớp trí thức hiện đại coi kiến thức từ sách là vô nghĩa thì sự "cáo chung" của tri thức đã bắt đầu?

Dù sao, mỗi người thầy đều rất nên nhớ rằng, lũ trẻ hay học sinh, sinh viên thế hệ mới có làm sao, có lệch lạc hay tự hủy hoại ở đâu đó, lỗi đầu tiên là thuộc về thầy, cô giáo.

Nếu không chịu hiểu cái lý lẽ cuối cùng của sự thật ấy, thì chẳng thể nào cứu vớt được sự xuống cấp, và tai họa của một nền giáo dục là đang bị lầm hóa bởi những con số bạc bẽo đầy tính toan...

Điều đau đớn là sinh viên, học sinh thời nay hình như vô cảm trước những bất công, ngang trái. Hầu hết chỉ lặng im hoặc không thèm quan tâm tới diễn tiến của thời cuộc. Nếu  cứ bịt mắt, bưng tai trước cái xấu, cái phản cảm thì làm sao duy trì văn hóa sống đúng?

Một điều nữa cũng rất cần phải nhấn mạnh là quan hệ thầy trò, cách nghĩ về sự học. Mới lên lớp được vài buổi, sinh viên đã "quan tâm" đến hình thức thi cử mà không nhắc gì đến nội dung sẽ học(!) Thì ra, cái "đầu ra", cái bằng được hoa văn hóa bằng các con số điểm thi đẹp đẽ là mối quan tâm chính.

Những bài kiểm tra, những báo cáo và khóa luận tốt nghiệp là chốn nơi để cho mọi sự copy, cắt dán nhảy múa, biểu diễn. Thầy không biết hoặc giả, cũng chẳng có hơi sức đâu để dò tìm các thông tin ngập tràn trên những trang mạng.

Còn đâu những trang sách đọc miệt mài và sự ghi chép cẩn thận để nghĩ suy? Còn đâu những bài giảng tâm huyết khi thầy cô cứ mải miết chạy sô và quan tâm đến số tiền được trả cho mỗi tiết dạy...?

Những nỗi đau cứ như cơn lũ cuốn, lũ quét ngập tràn đục bẩn làm lở vỡ đôi bờ của dòng sông kiến thức - cuộc đời. Người chèo đò ngang thời nay đôi khi chẳng nhìn thấy bến bờ bên kia và không hiếm khi, nghĩ theo cách của một nhà thơ đã viết, chỉ biết thở dài mà tự an ủi": Chuyện đời đau đớn, xót xa/ Bọt bèo thì  nổi, phù sa lại chìm.

Thật ra, chẳng có nghề nào đáng tôn vinh hơn nghề nào, mà chỉ có những người giữ gìn được bổn phận - trách nhiệm là đáng để tôn vinh. Không thể nói nghề dạy học là cao quý còn các nghề trong "cái phần còn lại" là không bằng. Nói như thế, ở một chừng mực nào đó, là xúc phạm đến các nghề nghiệp khác.

Lỗi đầu tiên thuộc về thầy, cô giáo

Nghề dạy học quan trọng hơn ở chỗ cái đúng, sai của người thầy sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội với tư cách là sự định hướng của người thầy làm tăng/giảm khả năng - trách nhiệm sống của thế hệ mới. Tuy nhiên, mỗi cấp học đều có những đặc thù. Chẳng hạn, đối với sinh viên đại học thì đời sống riêng của cô thầy chưa hẳn là "tấm gương" vì mỗi sinh viên đều phân định rõ và đủ về cái sai, điều nên, chuyện cần phải xem xét...

Có một điều mà những người chèo đò ngang thời hiện đại cứ cố tình "quên": Học sinh, sinh viên bây giờ giỏi và nhanh về cập nhật thông tin, cho nên nếu người thầy không nỗ lực thì bị lạc hậu, coi thường là điều không cần bàn luận. Cái thời "nhất tự, bán tự cũng là thầy" đã qua từ lâu rồi.

Thời nay, kiến thức của người thầy được khảo định, đánh giá từ sự mênh mông và chính xác của các loại tầng, lớp, chiều tri thức trên mọi loại thông tin. Nói cách khác, những con sóng của thời hiệu ứng nhà kính lớn hơn, dữ dội hơn và, tàn nhẫn hơn.

Nếu người thầy không chịu hiểu cái "công thức" giản dị ấy thì họ bị biến thành kẻ chèo đò bị sóng ngầm, sóng bạc lật bẻ mái chèo một cách đáng thương. Một khi là kẻ đáng thương, hiệu quả giáo dục, truyền bá đến gần với các mức vạch âm.

Những trăn trở của người thầy trước giờ G cứ ồ ạt chảy qua những niềm vui và nỗi buồn. Một nghịch lý không dễ nhận biết là cái đam say nghề nghiệp hầu như chẳng liên quan gì đến những khó khăn, vất vả của đời thường. Dù sao, mỗi người thầy đều rất nên nhớ rằng, lũ trẻ hay học sinh, sinh viên thế hệ mới có làm sao, có lệch lạc hay tự hủy hoại ở đâu đó, lỗi đầu tiên là thuộc về thầy, cô giáo.

Nếu không chịu hiểu cái lý lẽ cuối cùng của sự thật ấy, thì chẳng thể nào cứu vớt được sự xuống cấp, và tai họa của một nền giáo dục là đang bị lầm hóa bởi những con số bạc bẽo đầy tính toan...

http://tuanvietnam.net/2011-11-18-cheo-do-ngang-tren-buc-giang


Âm lịch

Ảnh đẹp