09/12/2013 16:55 (GMT+7)
Số lượt xem: 1440
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thành danh cả trong lĩnh vực văn chương lẫn báo chí, là bố của hai con đều là du học sinh Mỹ, nhưng Nguyễn Quang Thiều chỉ đợi nghỉ hưu là xếp đồ đạc về quê. Anh tự nhận: Tôi sống ở đây nhưng linh hồn ở lại quê nhà. Và cũng chính anh khi nghe mẹ bảo “con đã thành công” là biết cuộc đời mình coi như không còn gì lo lắng nữa. Anh không chờ đợi những “huân chương” của cuộc đời.




Nguyễn Quang Thiều: 'Mẹ bảo tôi đã thành công'

Tôi gặp Nguyễn Quang Thiều vào cuối thu. Cuộc trò chuyện với anh bao giờ cũng kéo dài, vì những điều anh chia sẻ, khi nào cũng khiến người đối diện có thể trào nước mắt. Không phải anh kể chuyện ai đó đau khổ, cũng không phải ngạc nhiên về những phận đời anh cần mẫn gặp trong suốt bao năm. Mà đơn giản, người ta luôn nhận thấy ở những điều anh chia sẻ sự chân thành từ máu thịt. Cuộc trò chuyện của chúng tôi kéo dài từ sự tiếc nuối đến chuyện... bà Tưng, nhưng cuối cùng vẫn về với làng Chùa và những mùa đổ dế.

Có một kẻ rời bỏ thành phố là tựa cuốn tiểu luận mới nhất của Nguyễn Quang Thiều. Tôi chưa gặp một người nào ít tình cảm với đô thị như anh. Nhưng lại bất ngờ vì biết hai con anh đều đang ở Mỹ.

Tôi luôn hỏi anh trong mỗi dịp gặp gỡ rằng: Sao anh tiếc nuối nhiều điều thế? Và cuộc gặp này, anh giúp tôi lý giải một phần nào.

Thành phố chỉ là nơi tôi kéo thể xác mình đi qua

Đọc về anh nhiều, cả thơ và văn xuôi, tôi nhận thấy, trong anh có nhiều nỗi tiếc nuối, những nuối tiếc ấy luôn gắn với kỷ niệm đẹp đẽ về Làng Chùa (Hà Tây cũ), nơi anh được sinh ra.

Đúng là trong tôi có nhiều tiếc nuối, nhiều nỗi buồn. Tôi buồn vì vẻ đẹp của đời sống thiên nhiên, đời sống tinh thần và văn hóa con người đang bị chủ nghĩa vật chất xâm thực. Tôi lấy làng quê để nói về nỗi niềm ấy, vì đô thị chúng ta ít điều để nói. Đô thị ở ta với tôi nó vô cảm lắm.

Ở đô thị, chúng ta có những ngôi nhà cao tầng, thậm chí các căn biệt thự. Con người bên trong đó mang nhiều đặc tính từ các vùng quê cộng vào. Trong đó có rất nhiều điều tuyệt vời của những người thôn quê nhưng cũng có nhiều hạn chế cản trở sự phát triển đi đến một đô thị văn minh. Cái tôi kêu lên, cái tôi viết là vẻ đẹp của đời sống đang mất dần đi.

Sống và làm việc ở Hà Nội từ năm 18 tuổi, anh chọn nơi này vì lý do gì?

Vì sự mưu sinh. Thêm nữa, khi mình đã ở đó có nghĩa mình đã thò tay vào nó một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để cải tạo thành phố.

Ở Hà Nội, anh đang sống trong một căn nhà thế nào?

Tôi sống trong một căn tập thể rất nhỏ, coi nó như chốn có thể trở về ở tránh mưa, tránh nắng. Còn linh hồn và tinh thần tôi trú ngụ ở làng quê. Thành phố chỉ là nơi tôi kéo thể xác mình đi qua mà thôi.

Tôi vẫn giữ lại căn nhà ở Làng Chùa quê tôi, căn nhà ông nội đã xây cách đây 100 năm và không thay đổi gì cả. Mặc dù tôi có nhiều áp lực phải xây dựng một ngôi nhà mới khang trang hơn. Nhưng tôi vẫn để lại tất cả: một căn nhà với những hàng cau, những cây mận đến mùa trổ hoa, những hàng dâm bụt. Đến bây giờ, những người từng bắt tôi xây nhà tầng khang trang, họ trở về và thấy nó lúc này thật đẹp. Vẻ đẹp văn hóa sẽ không bao giờ chết đi và không có thời gian tính. Vẻ đẹp trong nguồn cội không có thời gian tính, chỉ có cái gì chạy theo mốt, theo trào lưu mới bị thời gian nghiền nát.

Bao lâu anh lại về quê?

Cứ hai tuần tôi lại về quê. Ở đó tôi vẫn còn những điều tuyệt vời: làng xóm, họ hàng, anh em.

Đề cao về văn hóa cội nguồn nhưng hai con của anh đều đang học ở Mỹ. Anh có giấc mơ nào gửi gắm ở con mình không?

Các bạn đang nhìn nước Mỹ ở New York, ở Chicago mà không nhìn nước Mỹ trong tổng thể của nó. Nước Mỹ, đô thị ở đó đích thực là một đô thị, nông thôn là nông thôn như nhiều nước châu Âu khác. Tôi đã đi các nước phát triển, đến Mỹ và tôi thực sự xúc động khi thấy họ bảo vệ cái cây, con chim như bảo vệ con người. Nông thôn với họ không phải là sự lạc hậu mà là những gì trước đó hàng trăm năm hoặc ngàn năm được tạo dựng ra bởi sự tranh đấu, ước mơ, học hỏi, tích lũy và nó ngưng đọng lại thành trí tuệ, văn hóa.

Các con tôi học ở Mỹ, chúng khiến tôi hạnh phúc. Vì chúng đã biết chăm sóc một cái cây, biết bắt đầu lo lắng cho một người già, có trách nhiệm với một nguồn nước ô nhiễm.

Con trai tôi đã học sáu năm ở Mỹ, con gái học đến năm thứ tư rồi, nhưng chúng chưa bao giờ quên ngày giỗ của ông bà, ngày Tết nhất, chúng nhớ từng lối về quê và thỉnh thoảng vẫn làm các món ăn làng quê tại Mỹ. Ở đó, trong tâm hồn của chúng được tạo dựng bằng những yếu tố văn hóa của làng quê Việt với trí tuệ nhân loại cộng lại. Tôi nghĩ người Việt Nam hay bất kỳ người ở dân tộc nào, đi đến văn minh và tương lai đều nên có hai thứ: tâm hồn của xứ sở họ được sinh ra và trí tuệ của nhân loại.

Anh Nguyễn Quang Thiều (giữa) trong một chương trình của Hội nhà văn.

Gọi tôi là “ông trùm báo lá cải” thì kinh quá

Cách anh đang sống, những điều anh đang nghĩ và những việc anh làm nhận được sự đồng tình như thế nào từ người phụ nữ bên cạnh anh, những đứa con của anh?

Người phụ nữ đó nghiêm túc và kỹ lưỡng hơn tôi, có thể nói là“cũ” hơn tôi.Tất cả những cái gì thuộc về trí tưởng tượng, sự xúc động từ đời sống, tôi là người mang lại cho bọn trẻ. Còn những nguyên tắc, những kỷ luật sống là ở bà xã tôi. Cô ấy từ trẻ đã vậy, khiến đôi khi tôi cảm thấy cô ấy như đang sống ở một thời đại khác, không giống những người phụ nữ bây giờ. Nhưng tôi đã học được ở cô ấy sự nguyên tắc trong kỷ luật sống, còn cô ấy học từ tôi sự rung động trước những vẻ đẹp nhỏ nhất.

Người phụ nữ nghiêm khắc vậy làm sao chiếm được trái tim nghệ sĩ như anh?

(Cười) Không phải cô ấy chiếm tôi mà tôi chiếm cô ấy. Cô ấy bị chiếm. Ngày xưa cô ấy học Đại học Văn hóa, tôi vào đó đọc thơ, rồi quen nhau.

Chị ấy có phải người Làng Chùa từ thơ bé với anh không?

Không, cô ấy ở làng khác có tên là Đa Sĩ, cách Hà Đông chỉ 3km, nơi có rất nhiều người tài giỏi đã thành danh.

Anh làm thế nào để nuôi được hai con ở nước Mỹ có đời sống xa xỉ?

Các con tôi đều có học bổng. Con trai được một công ty du học Anh tặng khoảng 70%, còn một phần nữa chúng tôi lo. Nhưng sang Mỹ, cu cậu cũng biết đi làm thêm để phụ giúp bố mẹ. Tôi có hai người bạn là giáo sư người Mỹ làm giảng viên, gia đình họ cũng là nơi các con tôi có thể trở về trong những dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần. Vợ tôi dạy các con khi trở về đó phải dọn dẹp nhà cửa, làm vườn, lau bát, phải lao động như một thành viên trong gia đình.

Cuộc sống Mỹ hóa có làm rộng thêm khoảng cách giữa một ông bố thi sĩ với con mình?

Con gái tôi nuôi tóc dài giống mẹ. Mới đây, con bé đã cắt tóc ngắn. Tôi hỏi con: “Con thích mốt này à?”. Con bé trả lời: “Không, con cắt tóc ủng hộ những người ung thư bố ạ”.

Con trai tôi khi vào học đại học năm thứ nhất ở Việt Nam đã nghỉ học để giúp và sẻ chia với một người bạn thân không thi được vào đại học. Lúc đó, tôi khuyên, con có thể vẫn vừa giúp bạn vừa đi học. Con còn có một người bạn luôn đứng sau con đó chính là bố, nên con hãy làm tất cả những gì có thể.

Tôi luôn dạy con, khi làm được điều gì đó cho người khác, không phải là con đang cho đi mà là đang giữ món quà ấy ở lại trong con. Tôi nghĩ con hiểu được và đang sống như thế.

Thế còn món quà anh nhận được từ con mình là gì?

Khi bố tôi nằm trên giường bệnh, tôi về thăm. Mẹ nói với tôi: “Con đã thành công rồi”. Tôi không hiểu câu nói của mẹ, nên hỏi lại. Mẹ bảo: “Mẹ thấy con trai con chăm sóc ông nội thì mẹ biết con đã thành công”. Mẹ tôi luôn nói, thành công không phải việc con đang làm gì, là ai, mà thành công của con chính là các con con trưởng thành.

Tôi cũng tâm niệm rằng, con mình có thể trở thành người tài hoặc không phải người tài. Nhưng đến giờ con trai tôi 28 tuổi, con gái 24 tuổi, tôi có thể yên tâm vì chúng sẽ đều là người tốt. Vậy là tôi đã thành công mỹ mãn.

Còn lại, tôi không quan trọng điều gì cả. Năm nay tôi đã 56 tuổi, cuộc đời đang trôi dần về phía cái chết. Nhiều người gặp tôi hỏi: “Khỏe không”, tôi đều rộng ngoác miệng cười: “Đang đi gần đến phần mộ của mình nhiều hơn rồi”.

Tôi đọc được sự “mỹ mãn” đó trong anh! Nhưng anh có cảm thấy còn điều gì đó “tệ hại” nơi mình?

À, có một điều tệ hại là tôi đắm mê rất nhiều chuyện. Như vừa rồi, khi vào cuối hạ, tôi và vài anh bạn khác về quê, chú em tôi cũng về. Đến đầu làng, một đứa cháu chạy ra thông báo: “Chú ơi, có rất nhiều tổ dế ở chân đê”. Tôi vui quá.Thế là những ông già như chúng tôi đã đi đổ dế suốt buổi trưa đó. Chúng tôi mang những con dế về thành phố cho những đứa trẻ khác và thông báo với nhiều người bạn rằng: dế đã về trong chân đê. Những ngày xưa đẹp đẽ như trở lại với hoa tầm xuân dại, tiếng dế kêu và những mùa châu chấu voi... Tôi nghe thấy điều đó và tôi hạnh phúc.

Có lần người ta hỏi tôi: Thơ là gì? Tôi trả lời rằng: “Thơ là để làm sống lại những gì đã chết và làm mới lại những điều đã cũ”.

Anh có ngại không khi nhắc đến tên Nguyễn Quang Thiều hiện nay, người ta gọi anh là “ông trùm báo lá cải”?

Tôi không coi thường đối tượng nào, nhưng tôi biết có những tờ báo chỉ có một tầng lớp nhất định nào đó muốn tiếp cận hoặc bày tỏ chính kiến. Họ là lượng bạn đọc quan trọng và tôi có một sản phẩm dành cho họ. Tôi cũng muốn có những tờ báo để kể các câu chuyện bình dân, gần gũi nhưng vẫn có thể lý giải được nguyên nhân sâu xa của xã hội, của mỗi hành động tội lỗi từ con người.

Ngày xưa, tôi có tám năm liền đạp xe từ Hà Đông lên khu Nguyễn Du làm việc. Tôi tính quãng đường đã đi bằng xe đạp là quãng đường tôi vòng quanh trái đất rất nhiều lần với sự bền bỉ, bất kể nắng mưa. Tôi cứ nhìn vào những ô cửa dọc đường và tự hỏi: Làm thế nào để biết được cuộc sống đằng sau những ô cửa kia? Đó cũng có thể là cách thức, điều mong muốn biết của các nhà văn.

Gọi tôi là “ông trùm báo lá cải” thì kinh quá. Nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy kiêu hãnh vì điều đó. Cần phải nói sự thật rằng, tôi đã khai sinh ra một trường phái báo chí từ thời Văn nghệ trẻ, An ninh thế giới cuối tháng và giờ là Cảnh sát toàn cầu. Tất cả những tờ báo ấy chỉ có một mục đích duy nhất là đi sâu vào số phận con người. Và dù người được viết là ông thủ tướng hay một người nông dân, nhất định họ phải có số phận.

Còn lá cải, bản thân nó không phải cái xấu, nó chỉ mang đến thông tin bình dân nhất với muôn vẻ đời sống tới bạn đọc. Nhưng chúng ta đã nhìn nhận nó một cách lẫn lộn. Và cách nhìn đó, cách thẩm định đó tùy thuộc vào từng người.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957, tại Làng Chùa, xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Tây. Anh tốt nghiệp đại học tại Cuba, là một nhà thơ hiện đại của Việt Nam, đã xuất bản hơn chục tập thơ, khoảng 16 tập văn xuôi và nhiều tác phẩm dịch, trong đó có nhiều tập thơ nổi tiếng: Nhịp điệu châu thổ mới, Sự mất ngủ của lửa, Những người đàn bà gánh nước sông hay các tập truyện ngắn Kẻ ám sát cánh đồng, Mùa hoa cải bên sông... Năm 2012, một hội thảo kéo dài 2 ngày được tổ chức tại Hà Nội, bàn về thơ Nguyễn Quang Thiều. Tập thơ Sự mất ngủ của lửa đoạt giải A Hội Nhà văn Việt Nam 1993. Bên cạnh đó, anh còn sở hữu trên 20 giải thưởng trong nước và quốc tế.

Nguyễn Quang Thiều cũng nổi tiếng trong lĩnh vực báo chí khi về làm tại tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1992. Sau này, anh làm việc ở Vietnamnet và cùng nhiều người quen tham gia sản xuất một số ấn phẩm báo chí, cũng gây “sóng gió” trong làng báo. Anh hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Nguon: Kim Sen (Mốt & Cuộc Sống)

Âm lịch

Ảnh đẹp