21/10/2013 19:45 (GMT+7)
Số lượt xem: 1609
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chị mong muốn văn chương của mình như một trái sầu riêng, thật bí ẩn, người thích thì khen thơm, người không thích thì chê thối. Vậy thôi...!




Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được nhiều người ví von xem là “Đặc sản Nam Bộ”, những sáng tác của chị mang đậm nét quê hương vùng sông nước Nam Bộ. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất cực Nam của tổ quốc, trong những truyện ngắn của mình, hình ảnh những con người nông dân, phụ nữ Nam Bộ đưa chị tái hiện lại với những nét đặc trưng nhất.

Nuôi cô đơn để viết văn

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau, nơi có những người nông dân quanh năm chỉ biết đến đồng ruộng, sông nước. Tuổi thơ của chị gắn liền với sự cơ cực. Đi học về, chị phải lo chăm sóc luống rau, rồi cắp rổ mang rau ra chợ bán phụ giúp gia đình. Đang tuổi ăn tuổi học, vì sớm phải lao động vất vả nên người chị gầy đét, đen nhẻm và xanh xao. Đôi bàn tay chị lúc nào cũng đầy vết cứa, vết mủ của rau để lại.

Học đến lớp 9, ngay lúc ông ngoại bị bệnh nặng, mẹ của chị rớt nước mắt nói với con: “Tư à, gia đình khó khăn, thôi từ rày con nghỉ học ở nhà hái rau rồi phụ mẹ chăm sóc ông ngoại nghen con”. Chị khóc năn nỉ xin mẹ cho chị học thêm một tuần nữa, chỉ một tuần thôi để chị có thời gian giã bạn, giã trường và chào thầy cô yêu dấu.

“Nguyễn Ngọc Tư là một cây viết đặc biệt của miền Tây Nam Bộ, một tài năng văn học hiếm có hiện nay của Việt Nam. Sáng tác của chị đề cập đến những vấn đề chính thống với cái nhìn sâu sắc và đậm chất nhân văn chứ không câu khách, rẻ tiền. Nếu đọc tác phẩm của chị, hãy nhìn vào cách cảm, cách nghĩ và ý nghĩa khái quát của tác phẩm” (Nhà văn Chu Lai nhận xét)

Những ngày học ngắn ngủi cũng qua đi, và những kỉ niệm một thời áo trắng cũng chỉ còn đọng lại trên những trang lưu bút của chị. Đau đớn khi phải chấp nhận hoàn cảnh nhưng bao nhiêu đó không làm chị nhụt chí. Không được tới trường nhưng chị vẫn loay hoay viết vào nhật ký những dòng tâm sự, những cái nhìn riêng tư của mình với cuộc đời. Cứ sau mỗi buổi phụ mẹ làm việc, chị lại ngồi vào chiếc bàn học cũ kỹ mà ưu tư về cuộc đời. Thấy con gái ham mê viết lách, ba chị ủng hộ, động viên con tranh thủ lúc rảnh rang hãy viết những gì mình thấy và cảm nhận được. Không có gì hạnh phúc hơn điều đó, lời cỗ vũ từ ba đã biến thành động lực vô hình và mạnh mẽ khiến Tư viết không mệt mỏi, chị viết bất cứ khi nào có thời gian rảnh.

Những truyện ngắn đầu tay là những câu chuyện chị viết về tình bạn ở chốn thôn quê được người cha đem gửi lên Tạp chí Văn nghệ Cà Mau, tất cả đều được đăng. Mọi người đều bất ngờ trước một giọng văn cứng cáp đến điêu luyện của một cô gái chưa đầy 20 tuổi.

Sau đó, những lời khen ngợi và động viên của các anh chị trên tòa soạn gửi về càng tiếp thêm động lực để chị viết nhiều hơn, ham say hơn. Cũng từ đó, hàng ngày chị phụ ba mẹ làm việc ngoài đồng, rồi về vườn hái rau, tối lại về nhà miệt mài ngồi viết với tất cả niềm say mê. Mọi người khuyên chị nộp đơn xin vào Tạp chí Văn nghệ Cà Mau thử việc, may mắn thay đúng vào lúc tỉnh ủy đang thiếu nhân sự, chị được gọi vào thử việc.

Khi cơn bão số 5 ập vào đất Mũi, chị đi thực tế ở cửa biển Khánh Hội, sông Đốc… nhìn thảm cảnh tan thương, làng quê hoang tàn vì bão. Tất cả thôi thúc chị hoàn thành ký sự “Nỗi niềm sau cơn bão dữ”, tác phẩm này giúp một người chưa từng học qua một trường lớp đào tạo viết văn nào như chị đoạt ba giải báo chí của tỉnh năm 1997.

Chị cho biết, cách chị viết vô cùng đơn giản, không đề cương, không bố cục. Chị cứ viết và viết không ngừng nghỉ, đoạn sau cuốn theo đoạn trước như dòng nước tuôn trào ra cửa sông. Chị viết như cuộc đời của mình, không cầu kỳ trau chuốt, không đẽo gọt trau chuốt hay câu lệ gì cả.

Những chùm truyện ngắn của chị liên tục ra đời như “Nỗi buồn rất lạ, Lý con sáo sang sông, Chuyện của Điệp, Ngọn đèn không tắt, Ngổn ngang”, đó là những tiếng nói (hộ) thay cho những người dân nghèo khó vùng quê nói lên tâm sự cuộc đời. Cốt truyện không theo một khuôn mẫu nào có trước, chị cứ viết như những gì chị thấy và cảm nhận được. Vì thế, những câu chuyện chị viết ra sống động đến mức người đọc phải khắc khoải hỏi: Nguyễn Ngọc Tư là ai?

Mỗi ngày chị bắt đầu viết lúc 10 giờ sáng cho đến 3, 4 giờ chiều, rồi sau đó chị làm nghĩa vụ của một người mẹ, người vợ đảm đang, một tay quán xuyến hết thảy việc nhà. Ở Cà Mau, không phải ai cũng biết chị là nhà văn nổi tiếng, bởi chị cũng như bất kì người phụ nữ nào, cũng có gia đình riêng và làm tròn bổn phận của người phụ nữ. Đó là thế giới riêng của chị mỗi khi tạm xếp bút.

Những “cánh đồng bất tận” còn suy tư nhiều bề

Chị bắt đầu khuynh đảo giới văn nghệ sĩ bằng truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” in trên báo Văn Nghệ vào tháng 9/2005 và được chọn là 1 trong 10 truyện ngắn hay của báo Văn Nghệ 2005 với số phiếu cao nhất.

Nguyễn Ngọc Tư khiến cho người đọc phải xót xa vì sự tan vỡ của một gia đình bé nhỏ trên “cánh đồng bất tận” kia chính là cuộc đời rộng mênh mông của mỗi con người. Cánh đồng ở đây là cuộc đời, là cõi nhân gian bất tận những “hỷ, lộ, ái, ố” của kiếp người.

Sự tan vỡ của gia đình bé nhỏ trong tác phẩm là điều tất yếu sẽ diễn ra sau sai lầm của người mẹ và sự mê đắm vào việc trả thù của người cha. Hai nhân vật (chính) đứa trẻ trong tác phẩm như là những nạn nhân, lớn lên tự nhiên như đàn vịt, thiếu thốn sự quan tâm và những cử chỉ trìu mến của người thân khiến chúng cứ bơ vơ, lạc lõng đi tìm cái gì đó xa xăm mặc dù người cha lúc nào cũng ở bên cạnh.

Hai tâm hồn trẻ thơ mang trong mình sự sợ hãi, chúng sợ mỗi khi tiếp xúc với người cha nóng nảy, chúng sợ mỗi khi màn đêm buông xuống vì phải hình dung để thấy mẹ trở về. Rồi khi lớn, chúng loay hoay không biết xử lí thế nào với quá trình phát triển của sinh lí. Điều đó đã lay động trái tim hàng nghìn độc giả.

Nói như nhà văn Hữu Thỉnh từng đánh giá về tác phẩm này: “Trong cuộc sống, ai cũng có thể gặp sai lầm. Nguyễn Ngọc Tư đã đặt ra vấn đề về cách cứu vớt, về hậu quả của việc lấy cái ác để trả ác. Tác phẩm đưa ra thông điệp, trước lỗi lầm, người ta chỉ có thể cứu vớt được bằng sự khoan dung, tha thứ, lấy ân trả oán…”. “Cánh đồng bất tận” - từ câu chuyện về gia đình và cách ứng xử của con người, Nguyễn Ngọc Tư miêu tả sự đau đớn, vật vã của kiếp người bằng tất cả tình yêu thương con người. Dòng chảy của chủ nghĩa nhân văn này đã có sức cuốn hút sâu sắc đến bạn đọc mọi tầng lớp.

Với tính cách vui vẻ, hòa đồng với mọi người và sống rất giản dị, chân thành – Nguyễn Ngọc Tư đã khẳng định phong cách sống đặc trưng của một nhà văn trẻ nổi tiếng với người đương thời. Vì thế, nói về người phụ nữ Việt Nam hiện đại, hình ảnh ngự trị trong trái tim chị là những người phụ nữ tự tại và tự trọng, biết giao hòa cuộc sống của chính mình. Họ là những cô gái mạnh mẽ. Họ làm đẹp vì chính họ chứ không vì ánh nhìn của đàn ông, để quyến rũ đàn ông; họ làm việc vì họ muốn chớ không phải chứng tỏ mình cũng mạnh mẽ. Thích gã nào thì cứ chạy đến bảo em thích anh rồi đó, anh nghĩ sao?. Trong đầu họ không có khái niệm trâu và cột.

Song, trước thời cuộc còn nhiều rối ren, Nguyễn Ngọc Tư nổi lên như là một hiện tượng, là cơ may cho một nền văn học dễ chừng đang bí lối. Chị là biểu tượng cho niềm tin còn lại ở nhân tính bật dậy trong những phút giây hiểm hóc nhất, nơi tột cùng của sự phủ nhận cuộc đời. Đọc truyện của chị ta sẽ vỡ lẽ ra nhiều bề.

Tác phẩm đóng vai trò làm bệ phóng quan trọng cho sự thành công của nghiệp văn mang tên Nguyễn Ngọc Tư là truyện ngắn: “Ngọn đèn không tắt” - Giải nhất Cuộc thi “Văn học Tuổi Hai Mươi” năm 2000 do Báo Tuổi Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức. Sau đó, Ngọn đèn không tắt (2000), Ông ngoại (2001), Biển người mênh mông (2003), Giao thừa (2003), Nước chảy mây trôi (2004), Cái nhìn khắc khoải, Sầu trên đỉnh Puvan (2007), Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (2005), Cánh đồng bất tận (2005), Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư (2005), Ngày mai của những ngày mai (2007), Gió lẻ và 9 câu chuyện khác (2008), Biển của mỗi người (2008), Yêu người ngóng núi (tái bản 2010), Khói trời lộng lẫy (2010).

Đ. Văn - N. Việt


Nguon: http://www.nguoiduatin.vn/noi-long-co-gai-tre-nuoi-co-don-de-viet-van-a47013.html

Âm lịch

1/2025
CN T2 T3 T4 T5 T6 T7
 
 
 
 
 
 
1
2/12
2
3
3
4
4
5
5
6
6
7
7
8
8
9
9
10
10
11
11
12
12
13
13
14
14
15
15
16
16
17
17
18
18
19
19
20
20
21
21
22
22
23
23
24
24
25
25
26
26
27
27
28
28
29
29
1/1
30
2
31
3
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Ảnh đẹp