Tôi vẫn còn nhớ buổi sáng ngày 1/9/2000. Tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt
Nam, đã diễn ra một nghi lễ long trọng: Trao tặng Huân chương Độc lập vì
những cống hiến to lớn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cho 5 nhà văn
xuất sắc: Hải Triều, Thanh Tịnh, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Thi và Nguyên
Ngọc.
Trong số 5 nhà văn rất nổi tiếng này, chỉ có mỗi Nguyên Ngọc là còn
sống. Nhưng ông lại không có mặt. Nhiều người tỏ ra băn khoăn. Một nhà
văn bảo tôi: “Cái ông Nguyên Ngọc này buồn cười thật. Cứ khụng khà khụng
khiệng. Khó chịu quá”. “Hình như anh Ngọc đi vắng.”. “Vắng đâu. Về rồi.
Về mà vẫn không chịu đến! Cha này xem ra không được!”.
Thật oan cho Nguyên Ngọc.
Khi Hội Nhà văn tổ chức đón nhận Huân chương Độc lập cho ông thì ông vẫn
còn lặn lội ở cơ sở cách mạng vùng ngoại ô thành phố Đà Nẵng. Ông hoàn
toàn không biết có sự kiện này. Báo tin cho ông ngay trong buổi chiều
hôm ấy lại là những độc giả của ông ở Đà Nẵng. Họ tíu tít đến chúc mừng
ông. Anh Giám đốc khách sạn Non Nước còn mang lẵng hoa đến tặng ông.
Nguyên Ngọc rất cảm động vì tấm lòng thương yêu quý trọng của độc giả
giành cho mình. Xem chừng họ còn vui hơn cả ông khi ông được Nhà nước
ghi nhận về sự cống hiến to lớn trong cả một đời cầm súng và cầm bút.
|
Ở Hội Nhà văn hiện
nay, chỉ có mỗi Nguyên Ngọc là chưa nhận tiền tài trợ lần nào. Ảnh sưu tầm |
Chiều 7/9/2000, Nguyên Ngọc về đến Hà Nội thì sáng ngày 8/9, nhà văn
Nguyễn Trí Huân, Phó Tổng thư ký cùng nhà thơ Nguyễn Hoa, cán bộ Tổ chức
Hội, thay mặt Ban Chấp hành đã đến tận nhà trao ông Huân chương Độc lập
hạng nhì của Nhà nước cùng với lẵng hoa của Hội nhà văn. Phó Tổng thư
ký Nguyễn Trí Huân còn thông báo cho ông biết, ông có 7 triệu đồng tiền
đầu tư sáng tác.
- Ồ, cái đó thì mình không nhận đâu.
Nguyên Ngọc lắc đầu. Nhà văn Nguyễn Trí Huân cười điềm đạm:
- Đây là lộc chung thôi anh ạ. Lộc của Nhà nước mà!
- Lộc nào của Nhà nước. Tiền đóng thuế của dân đấy. Mình không nhận đâu!
- Mọi người đều nhận cả bác ạ - Tôi chen vào - Nhà văn mình khổ quá. Nhà
nước tạo điều kiện thêm để ngồi làm tác phẩm. Em cũng đã nhận mấy
triệu. Mọi người cũng đều nhận cả. Bác không nhận, thế bằng bác bỉ chúng
em à?
- Không! không! - Nguyên Ngọc vội vã xua tay - Cái này là tuỳ quan niệm
của mỗi người thôi. Mình viết được cái gì thì “bán” cho Nhà xuất bản lấy
tiền rồi. Sao bây giờ lại còn lấy tiền của dân nữa? Số tiền ấy mình
không nhận đâu. Huân đừng mang đến nhé!
Nguyên Ngọc lại từ chối. Như mấy lần đầu tư trước đây, ông cũng kiên
quyết từ chối.
Ở Hội Nhà văn hiện nay, chỉ có mỗi Nguyên Ngọc là chưa nhận tiền tài trợ
lần nào. Mà ông “gàn” lắm! Cực đoan lắm. Có người bảo, Nguyên Ngọc đã
quyết cái gì thì không ai có thể ngăn cản nổi. Có túm tay ông kéo lại
thì lập tức ông hoá thành anh La Văn Cầu, rút mã tấu chặt phéng ngay cái
cánh tay bị níu giữ ấy mà xông lên. Việc từ chối tiền đầu tư cũng thế.
Tôi biết Nguyên Ngọc rất nghèo. Số lương hưu của hai vợ chồng ông có
đáng là bao. Nguyên Ngọc lại đi thực tế liên miên, mà đi xa, đi tự túc.
Tính ông lại khảnh. Đã thế ông lại không chịu viết tạp. Thế thì làm sao
mà có được tiền.
Một lần nhà văn Nguyễn Thị Như Trang đến thăm ông, thấy trên mâm chỏng
trơ hai cái xoong. Một xoong cơm, một xoong canh. Thức ăn không cho ra
bát. Người ăn cứ múc thẳng từ nồi. Đấy là lối ăn theo kiểu thời chiến
của lính trận. Chiến tranh đã kết thúc cách đây hơn một phần tư thế kỷ
rồi, vậy mà Nguyên Ngọc vẫn chưa ra khỏi cuộc chiến. Cho đến tận bây
giờ, ông vẫn không biết đi xe máy, cũng không biết đi cả xe đạp. Cứ túc
tắc cuốc bộ. Và ông bước phăm phắp như lính cắt rừng.
- Sao tôi được nhận Huân chương Độc lập hạng nhì mà Nguyễn Thi lại chỉ
hạng ba. Nguyễn Thi phải hơn tôi chứ. Tôi so với anh Thi sao được?
Nguyên Ngọc tỏ ra rất băn khoăn. Nguyễn Trí Huân chỉ còn biết nở nụ cười
của Phật bà Quan âm. Bởi điều ấy nằm ngoài tầm tay Hội Nhà văn rồi. Có
lẽ Ban Thi đua Khen thưởng Nhà nước cứ chiểu theo Quy chế, căn cứ vào độ
dài của thời gian phục vụ trong chiến trường. Nguyễn Trọng Oánh và
Nguyên Ngọc lặn lội trong lửa đạn suốt hơn chục năm trời, hết chiến
tranh mới ra Bắc. Còn Nguyễn Thi thì ngay từ năm 1968, ông đã hy sinh
rồi. Nguyễn Thi ở chiến trường mới được có bốn năm. Còn cả một đời,
Nguyễn Thi nằm trong lòng đất và đến nay vẫn không tìm thấy hài cốt ở
đâu…
Nguyên Ngọc ngồi lặng. Gương mặt đượm buồn. Ông và Nguyễn Thi cùng đi B
một ngày. Bấy giờ, Nguyên Ngọc đi nhẹ nhàng lắm, vì ông chưa có vợ con.
Còn Nguyễn Thi thì đã có vợ. Người vợ trẻ của ông lại vừa sinh con trai
đầu lòng. Nhà thơ Vũ Cao còn nhớ buổi chia tay Nguyễn Thi. Bữa đó, ông
rủ Nguyễn Thi ra phố. Ông muốn mời bạn ăn một bát phở bò. Nhà văn thời
đó nghèo xơ xác. Trong túi Vũ Cao cũng chỉ đủ số tiền cho một bát phở
thôi. Chả lẽ chỉ bạn ăn, còn mình thì ngồi suông ngắm bạn? Hình như cũng
hiểu được nỗi băn khoăn của Vũ Cao, Nguyễn Thi bảo ông chỉ thèm khoai
lang luộc thôi. Trời, tưởng gì, chứ khoai lang thì rẻ lắm. Số tiền trong
túi Vũ Cao đủ để hai ông ăn no khoai lang. Thế là họ ngồi sụp xuống bên
đường, làm một đĩa khoai mật.
Tối ấy, Nguyễn Thi về nhà từ biệt vợ con. Vợ ông chỉ lặng lẽ lau nước
mắt còn thằng bé mới đẻ thì khóc ré lên. Nguyễn Thi đùng đùng quay ra
rồi phăm phăm bước thẳng, không ngoái đầu lại, mặt tái ngắt, trông rất
ghê sợ, cứ như sắp sửa chém giết ai đó. Vũ Cao biết nếu chỉ quay nhìn
lại vợ con, cửa nhà, chắc Nguyễn Thi sẽ không thể đi nổi.