09/03/2012 13:59 (GMT+7)
Số lượt xem: 184537
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Vào thập kỷ 60 – 70 của thế kỷ 20, Phạm Công Thiện là một hiện tượng dị thường trong hoạt động văn học nghệ thuật và triết học ở miền Nam nước Việt. Nhiều người, trong đó có nhà thơ Nguyễn Vỹ đã công nhận Phạm Công Thiện là thần đồng.


Sinh ngày 1 tháng 6 năm 1941 tại Mỹ Tho, 15 tuổi đầu, Phạm Công Thiện đã thông thạo nhiều ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, tiếng Latinh và cả tiếng Phạn.

Từ năm 13 đến năm 16 tuổi, Phạm Công Thiện đã có những bài viết về văn học, triết học đăng trên tạp chí Bách Khoa – một tờ báo lớn có uy tín trong giới trí thức ở miền Nam.

Ngoài hai mươi tuổi đã viết trên 20 cuốn sách về ngôn ngữ học, văn học, triết học. Phạm Công Thiện còn soạn sách Anh ngữ Tinh âm.

Tính đến năm 2000, Phạm Công Thiện đã viết và xuất bản ở trong nước và nước ngoài 30 tác phẩm. Giới trẻ ở miền Nam say mê tác phẩm của Phạm Công Thiện và xem ông như thần tượng của mình. Các tác phẩm của Phạm Công Thiện như: Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1965), Im lặng phố thẳm (1967), Hố thẳm của tư tưởng (1967), Ý thức bùng vỡ (1970), Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc (1996)... Có sức cuốn hút người đọc một cách kỳ lạ. Phần đông thanh niên miền Nam xem những tác phẩm của Phạm Công Thiện là sách gối đầu giường của mình.

Phạm Công Thiện là một thiên tài. Về học hành, ông không tốt nghiệp một trường đại học nào. Thậm chí, mảnh bằng tú tài cũng không có. Nhưng, với tài năng và tác phẩm của mình, Phạm Công Thiện được mời dạy ở một số trường đại học trong và nước ngoài. Từ năm 1966 đến 1970, Phạm Công Thiện giảng dạy và làm khoa trưởng khoa Văn học và Nhân văn của đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn). Phạm Công Thiện là một trong những người sáng lập và điều hành tạp chí "Tư tưởng" của đại học Vạn Hạnh. Năm 1970, làm giáo sư triết học phương Tây của trường đại học Toulouse (Pháp). Năm 1983, làm giáo sư Phật giáo viện College of Buddhist Students ở Hoa Kỳ. Từ đó đến nay Phạm Công Thiện lúc thì sống ở Hoa Kỳ, lúc thì sống ở Úc, tiếp tục viết sách. Phần lớn tác phẩm của ông là nghiên cứu về Phật giáo.

Cuộc đời Phạm Công Thiện có những dị thường hơn người. Từ một tín đồ Thiên Chúa giáo, đến năm 1964, ông trở thành thầy chùa với pháp danh Nguyên Tánh. Năm 1970, sống tại Pháp, Phạm Công Thiện cởi bỏ áo cà sa, lấy vợ- một người theo đạo Cơ Đốc.

Trong tác phẩm của mình, Phạm Công Thiện đã phủ nhận và lên án các triết gia và các học thuyết từ thời cổ đại đến hiện đại. Có lúc, Phạm Công Thiện còn nặng lời phủ nhận cả Đức Phật Thích Ca và Đức Chúa Giêsu. Cuộc sống Phạm Công Thiện đầy những mâu thuẫn. Phải chăng cuộc đời của thiên tài Phạm Công Thiện gặp nhiều bi kịch: Bi kịch chiến tranh của đất nước, bi kịch của gia đình, bi kịch của bản thân. Từ đó, bùng vỡ ý thức phản kháng thể hiện trên tác phẩm của mình. Nhiều người gọi Phạm Công Thiện là triết gia. Nhưng Phạm Công Thiện chưa bao giờ nhận mình là một triết gia cả. Phạm Công Thiện thường tự nhận mình là nhà thơ. Năm 1966, tập thơ "Ngày sinh của rắn" của Phạm Công Thiện phát hành đầu tiên tại Pháp. Đến năm 1967 được tái bản và phát hành tại Việt Nam. Năm 1988 được tái bản lần nữa và phát hành tại Hoa Kỳ. Đến năm 2000, Phạm Công Thiện cho ra đời tập thơ thứ hai với tựa đề "Trên tất cả đỉnh cao là im lặng" tại Hoa Kỳ, đến năm 2009 được tái bản và phát hành rộng rãi tại Việt Nam.

Phạm Công Thiện quan niệm: "Thơ ca bí nhiệm như một tôn giáo. Thơ ca làm cho chúng ta luôn mơ mộng và suy tư". Trong thơ, Phạm Công Thiện không còn vẻ phản kháng, ngông nghênh như trong các tác phẩm biên luận, phê bình, triết học hay tùy bút. Thơ Phạm Công Thiện mới lạ, mỗi bài là một nét riêng, chuyên chở ý tưởng, cảm xúc, tràn ngập những cung bậc tình cảm đầy tha thiết, đưa người đọc vào những khám phá mới, bắt gặp những sắc màu mông mênh hư ảo:

"mười năm qua gió thổi đồi tây

tôi long đong theo bóng chim gầy

một sớm em về ru giấc ngủ

bông trời bay trắng cả rừng cây

gió thổi đồi tây hay đồi đông

hiu hắt quê hương bến cỏ hồng

trong mơ em vẫn còn bên cửa

tôi đứng trên đồi mây trổ bông

gió thổi đồi thu qua đồi thông

mưa hạ ly hương nước ngược dòng

tôi đau trong tiếng gà xơ xác

một sớm bông hồng nở cửa đông".

(Trích trong tập thơ "Ngày sinh của rắn")

Thơ Phạm Công Thiện còn chứa đựng triết thuyết của Đức Phật. Một tiếng chim hót ngang trời bi thương, chứa đựng lẽ vô thường của vạn vật:

Hồi chuông chùa vọng luân hồi

Chim Chiền Chiện hót ngang trời đau thương

Trùng dương nằm đợi vô thường

Đồi cao bạt gió hai đường âm u"

Phạm Công Thiện có những bài thơ rất ngắn nhưng chứa đựng cả không gian và thời gian:

"Mưa chiều thứ Bảy tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông"

(Trích trong tập thơ "Ngày sinh của rắn")

Chính bài thơ chỉ có hai câu thơ này đã tạo cảm xúc cho nhà văn Võ Hồng viết truyện ngắn "Hoa khế lưng đồi" được nhiều người đọc yêu thích.

Trong tập thơ "Ngày sinh của rắng", Phạm Công Thiện viết những bài thơ với ngôn từ kỳ lạ, khác thường. Vừa gần gũi, vừa xa lạ với cuộc sống đời thường, mang vẻ dung tục lại đầy bí hiểm:

"tôi chấp chới

đắng giọng

giữa tháng ngày mơ mộng

nốt ruồi của hương

hay nốt ruồi của rigvéda

tôi mửa máu đen

trên nửa đêm Paris

tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng

tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người

cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ

mặt trời có thai!

Mặt trời có thai!

Sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt"

Năm 1980, Phạm Công Thiện cho ra đời bài thơ "Trường giang Mỹ Tho" với lời thơ mới mẻ, ý thơ sâu sắc. Bài thơ gần với hơi thở của một trường ca. Đây là bài thơ đẹp của Phạm Công Thiện. Nhiều nhà nghiên cứu phê bình đã xếp bài thơ "Trường giang Mỹ Tho" vào những bài thơ hay nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại:

"...Thôi nôi con trường giang mọi rợ

tôi mọi mãi mỗi trường an

con diều hâu chạy bắt con chim

con chim lòn qua kẽ núi

lọt ra gió Hải Nam thổi hiu hắt về Trường Sơn

nước Trường Giang mẹ ru chim ngủ

con lớn khôn rồi bỏ mẹ bay xa

Cha con già Trường Sơn con ơi

trường giang đi chảy mãi nửa đời

trường sơn già ngồi đứng hứng mưa

mưa đi từ dưới chân đỏ bồ câu thượng thủy Tây Hồ

con lớn khôn rồi quên đất quên sông

con sông nào Cửu Long chảy từ thượng tứ

Mỹ Tho buồn thây chết trôi sông

Súng nổ bên cầu quay

Mẹ bồng con đóng cửa

Lính Tây dương đang say rượu giao thừa

Bông cúc vàng đầy sân ướt máu

Ba con già con trẻ đi xa

Súng nổ trên mái lầu

Nhà cháy bên hông

Mấy dì con chơi tứ sắc

Con còn nhỏ quá con ơi

..."

(Trích bài thơ "Trường giang Mỹ Tho")

Viết về tình yêu, Phạm Công Thiện viết với một tâm hồn chân thật, đầy cảm xúc, âm điệu nhẹ nhàng gợi cho chúng ta một nỗi niềm cô đơn, xa vắng:

"cô đơn về trắng sương rừng

anh nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm

khuya buồn tủi nhục môi em

mưa run lặng lẽ trên thềm bơ vơ

tiếng em vàng xuống đôi bờ

hoang vu anh đứng đợi chờ chim kêu

tay gầy ôm chặt tình yêu

anh về phố gục những chiều hư vô

đời đi trên những nấm mồ

đau thương em hát cơ hồ khăn tang

phố chiều tôi bước lang thang

như con sông nhỏ mơ màng biển xanh

nửa đêm khói đốt đời anh

yêu em câm lặng như cành thu đông

đời em như một dòng sông

đôi bờ anh đứng giữa lòng hoa niên

mưa chiều nước chảy triền miên

một con chim dại lạc miền hoang lương

về đâu thương những con đường

lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa"

(Bài thơ "Ca sĩ")

Qua thơ, Phạm Công Thiện như "một con chim lạ lạc miền hoang lương". Con chim kỳ lạ ấy từ biển lớn đã bay qua những cánh đồng mênh mông bát ngát của miền châu thổ Cửu Long giang, bay qua những đỉnh núi cao lộng gió giữa trời, hát lên những khúc ca kinh động cả đất trời ngân vọng mãi đến ngàn sau ./.


LÊ NGỌC TRÁC


Tài liệu tham khảo & trích dẫn
:

- Ngày sinh của rắn (Thơ Phạm Công Thiện)

- Trường giang Mỹ Tho (Thơ Phạm Công Thiện)

- Ông Phạm Công Thiện (Nguyễn Văn Trung – 2007)

- Nghĩ về nhà thơ Phạm Công Thiện (Phan Tấn Hải)

- Khi thi ca thành tôn giáo: Phạm Công Thiện (Nguyễn Mạnh Trinh)

- Những nhà thơ hôm nay (Nguyễn Đình Tuyến)

http://vanchuongplusvn.blogspot.com.au/2012/03/pham-cong-thien-con-chim-la-lac-mien.html

 

Âm lịch

Ảnh đẹp