giàu nhạc điệu, nhẹ nhàng, sâu lắng,
lãng mạn và sang trọng.
Ông sinh ngày 5/5/1916 tại làng Phù Ửng, huyện Đường Hào, phủ Thượng
Hồng, Nam Định (nay thuộc về Hưng Yên). Vũ Hoàng Chương đỗ tú tài Pháp
năm 1937. Sau đó, theo học Trường Luật rồi cử nhân toán tại Hà Nội,
nhưng tất cả cũng chỉ được một vài năm rồi bỏ, để theo nghề dạy học và
làm thơ cho đến cuối đời. Năm 1954, ông di cư vào Nam, tiếp tục dạy
văn ở một số trường trung học, và Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Vũ
Hoàng Chương mất ngày 6/9/1976, khi vừa tròn tuổi 60.
Tôi là một người may mắn, khi có một thời gian được tiếp xúc và gặp
gỡ thi sĩ Vũ Hoàng Chương dường như mỗi ngày. Đó là vào khoảng cuối năm
1973, đầu năm 1974, khi vợ chồng ông đang tá túc tại nhà nữ sĩ Mộng
Tuyết, trong một căn phòng được ông gọi là “gác mây”, nằm cuối đường
Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận).
Lúc bấy giờ, tôi đang giữ trang thơ của nhật báo Sóng Thần. Một buổi
sáng, vừa bước vào tòa soạn ở số 133 Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi), đã
thấy nhà văn Chu Tử (chủ bút) đang ngồi uống trà với Ngọc Thứ Lang
(người dịch cuốn Bố Già) và nhà thơ Hoàng Trúc Ly.
Bỗng dưng có ai đó nhắc đến thi sĩ Vũ Hoàng Chương và nói ông đang bệnh
nặng. Thế là Ngọc Thứ Lang buột miệng: “Tội nghiệp, Vũ Hoàng Chương
nghèo kiết xác, nên thiếu “thóc” (thuốc phiện) là ngã bệnh, nếu được
hút đủ đô là khỏe ngay”.
Điều này có lẽ không sai, bởi hơn ai hết, Ngọc Thứ Lang cũng là một
con nghiện rất nặng và thỉnh thoảng vẫn ghé lại “gác mây” thù tạc với
Vũ Hoàng Chương. Không hỏi thêm một câu nào, ông Chu Tử quay sang ra
lệnh cho tôi, xuống ban Trị sự, lấy tiền mua vài lạng thuốc phiện đem
biếu cho thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Nghe thế, tôi rất vui khi biết mình
sắp được gặp gỡ nhà thơ lớn mà mình ái mộ từ lâu, nhưng chỉ nghe danh
chứ chưa được diện kiến lần nào. Có tiền, tôi nhờ anh Ngọc Thứ Lang đưa
qua con hẻm đối diện tòa soạn, nơi có hai động hút dường như bán công
khai, mua hai lạng thuốc phiện loại hảo hạng rồi đi ngay. Dọc đường,
tôi cứ phân vân không biết phải xưng hô với thi sĩ Vũ Hoàng Chương như
thế nào cho phải phép. Cuối cùng, tôi quyết định sẽ gọi ông bằng thầy
và xưng em là ổn nhất.
Không có gì khó khăn để tôi tìm ra nhà nữ sĩ Mộng Tuyết. Gọi là “gác
mây”, cái tên nghe rất thơ mộng, nhưng thật ra, đó là một căn phòng
nhỏ, chỉ hơn 20 thước vuông, không có lấy một thứ đồ đạc nào đáng giá.
Trên một chiếc đi văng bằng gỗ, được trải mấy tấm chiếu hoa, Vũ Hoàng
Chương ngồi tựa lưng vào vách, gầy gò và mệt mỏi. Trên khuôn mặt xanh
xao là một cặp kiếng trắng dày cộm. Trước mặt ông là một tờ báo và một
chiếc kính lúp, mỗi khi đọc, ông phải soi từng dòng. Ngồi trên chiếc
ghế kê sát cửa ra vào là bà Thục Oanh, vợ của ông, một người đàn bà với
vẻ bên ngoài rất bình thường, nhưng lại có đời sống rất phi thường.
Bởi lẽ, bà còn là chị ruột của thi sĩ Đinh Hùng. Suốt đời người đàn
bà này là chỗ dựa của hai nhà thơ lớn mà ngoài tánh khí thất thường ra,
cả hai còn là những con nghiện á phiện rất nặng từ khi còn rất trẻ,
nhưng chẳng bao giờ làm ra được nhiều tiền. Vì thế, mà bà Thục Oanh âm
thầm chịu đựng cảnh túng thiếu, cắn răng lo cho hai nhà thơ lớn của
Việt Nam mà chẳng hề ta thán. Thấy tôi xuất hiện, bà Thục Oanh đứng dậy
chào khách và hỏi tôi muốn tìm ai? Tôi nói ngay: “Ông Chu Tử nhờ em
đem biếu cho thầy ít quà”. Tôi trở nên hụt hẫng khi nghe Vũ Hoàng
Chương nói, cho dù giọng ông chậm rãi và nhỏ nhẹ: “Chu Tử là ai? Hình
như tôi không quen người này, nhưng tại sao lại biếu quà cho tôi, mà
quà gì thế?”. Khi nghe tôi nói tới thuốc phiện, nét mặt ông rạng rỡ hẳn
lên.
Tôi ngồi xuống mép đi văng, đặt hai lạng thuốc phiện lên tờ báo cũ
mà ông đang đọc dở. Như bị ma lực của nó thu hút, ông cầm lên, mở ra,
vẻ thích thú của một tay sành điệu: “Thuốc Thượng Lào, sản phẩm hảo
hạng đây”. Thế là câu chuyện giữa tôi và thi sĩ Vũ Hoàng Chương trở nên
thân mật hơn. Ông nói, mỗi ngày ông vẫn có thú vui đọc báo, nhưng chỉ
đọc được một tờ, bởi không có đủ báo. Tôi hứa, mỗi ngày sẽ mang đến cho
ông đủ các loại nhật báo phát hành trong ngày. Để cho ông yên lòng,
tôi nói, mỗi ngày tôi thường đi ngang qua đây, nên rất thuận đường. Nói
thế là vì tôi mong được kết thân với ông, chứ chẳng có viếc gì phải
cần đến khu vực này cả. Ông nhận lời một cách vui vẻ, và từ đó, chiều
nào tôi cũng mang báo đến cho ông, rồi ngồi chuyện trò với nhau đủ mọi
thứ chuyện trên đời, rồi thành thân thiết.
Vài tuần sau, một lần Vũ Hoàng Chương bất chợt nhắc đến sức khỏe nhà
văn Chu Tử. Nhân đó, tôi hỏi, dường như ông và Chu Tử cũng quen nhau,
nhưng giữa hai người có điều gì đó lấn cấn? Ông thú thật là có quen
biết. Nhưng do mâu thuẫn gì đó với Chu Tử, nên thôi. Còn như Chu Tử có
xúc phạm Vũ Hoàng Chương hay không, cũng chẳng ai biết hư thực ra sao,
bởi đó cũng chỉ là thị phi của người đời.
Có những buổi chiều khi tôi đến thì bà Thục Oanh vắng nhà. Tôi tự
pha trà và ngồi đối ẩm với thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Tôi hỏi ông về
chuyện tình yêu và những bài thơ đau tình bất hủ của ông. Nét mặt ông
trở nên buồn vời vợi, nói như nói với chính mình: “Năm tôi 25 tuổi thì
Tố Uyển đi lấy chồng, tôi đã như điên, như cuồng. Người ta biết nhiều
đến chuyện tình ly cách và những bài thơ tôi làm cho Tố Uyển giai đoạn
này, đặc biệt là hai câu mà nhiều người thuộc:
Tình ta, ta tiếc cùng ta khóc -
Tố của Hoàng, nay Tố của ai…
Ông nói tiếp: Thật ra còn có một người phụ nữ nữa, cũng làm cho tim
tôi và thơ tôi rỉ máu, nhưng ít được người ta nhắc tới hơn:
Kiều Thu hề! Tố em ơi
Ta đang lữa đốt tơi bời mái tây…
Tôi hỏi: “Thế còn cô Thục Oanh?”. Ông nói: “Đó là một người bạn đời,
người chia ngọt sẻ bùi, tuy không phải là người tình nhưng còn hơn cả
người tình”.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương thường nói với tôi là ông không có bạn. Nhưng
theo tôi nhìn thấy thì ông sống rất tình nghĩa. Có lần ông hỏi tôi có
thường gặp Ngọc Thứ Lang không? Tôi nói rất thường gặp. Sáng nào cũng
thấy anh ngồi ở quá cà phê trước tòa soạn báo Sóng Thần. Dạo này trông
anh rất yếu và hay đau ốm. Thế là chẳng nói, chẳng rằng, ông lấy trên
đầu nằm ra một cục thuốc phiện, cắt làm đôi, gói cẩn thận bằng một mảnh
giấy kiếng màu cam, rồi trao cho tôi, dặn dò: “Đưa cho Ngọc Thứ Lang
và đừng nói gì cả”.
|
Bút tích của thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
|
Một buổi chiều khác, tôi gặp Lê Cung Bắc (nay là đạo diễn - NSƯT Lê
Cung Bắc) tại tòa soạn, và rủ anh ghé Vũ Hoàng Chương chơi. Lê Cung Bắc
nhận lời ngay, bởi anh cũng là người yêu thơ và rất ái mộ thơ Vũ Hoàng
Chương. Đó là một buổi gặp gỡ hết sức thú vị.
Trước khi theo tây học, Vũ Hoàng Chương từng học chữ Nho nhiều năm,
thuộc loại uyên bác. Còn Lê Cung Bắc lại xuất thân trong một gia đình
khoa bảng, mấy đời ông cha liên tục đỗ đầu các đại khoa dưới triều
Nguyễn. Do đó, anh cũng rất tinh thông Tứ Thư, Ngũ Kinh,… từ hồi còn
rất trẻ. Đặc biệt, Lê Cung Bắc thuộc làu rất nhiều bài Đường thi, và cả
những bài từ, bài phú. Thế là một già, một trẻ, hết đọc rồi bình thơ
Lý Bạch, Đỗ Phủ, đến Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu… say sưa cho đến sẩm tối. Vũ
Hoàng Chương nói, ông tuy đã già nhưng tâm hồn còn rất trẻ, nên rất
thích chuyện trò với những người bạn trẻ có được kiến thức như Bắc.
Ông dặn tôi, thỉnh thoảng nhớ rủ Lê Cung Bắc đến thăm ông, để chuyện
trò cho đỡ buồn. Khi chia tay, ông rời đi văng bước ra cửa tiễn chúng
tôi bằng những bước đi không vững, để bày tỏ lòng mến khách. Ông nói:
“Lâu lắm không bước ra đường, chẳng biết phố xá dạo này ra sao?”. Lê
Cung Bắc trả lời: “Phố xá thì vẫn thế. Có điều, càng ngày các cuộc
xuống đường của những lực lựơng tranh đấu càng nhiều hơn. Ngựa sắt,
hàng rào kẽm gai và khẩu hiệu, biểu ngữ xuất hiện khắp nơi”. Ông lại
hỏi: “Người ta viết gì trên đó?”. Tôi đáp: “Thì đại loại chế độ của
Tổng thống Thiệu muôn năm, hoan hô cái này, đả đảo cái kia”. Lập tức
thi sĩ Vũ Hoàng Chương ứng khẩu, đọc liền hai câu:
Thế mà cứ chúc muôn năm mãi
Nó sống lâu thì nước chết non.
Ra đầu đường, Lê Cung Bắc nói với tôi, quả thật, nếu cứ nhìn vào cái
thân xác gầy còm, yếu ớt đó, không ai ngờ tiềm ẩn trong tim là ngữ khí
ngất trời.
Điều làm tôi cảm động nhất, là vào một buổi chiều cuối năm 1974, khi
tôi đến với ông như thường lệ đã thấy trước mặt ông là một tập sách
mỏng. Ông cầm lên đưa cho tôi và nói: “Đây là quà của tôi biếu anh, một
trong những người rất hiếm hoi mà tôi quý mến”. Tôi lật ra, cứ tưởng
như mơ. Đó là một tập thơ của Vũ Hoàng Chương, do chính ông viết bằng
đầu tăm, chấm mực tàu viết lên giấy bổi. Tập thơ có cái tựa là Song
Kiều, ngoài bìa Vũ Hoàng Chương viết tặng đích danh tôi, có chữ ký và
triện son hẳn hoi, nhưng chỉ dày hơn 20 trang, mỗi trang có 4 câu lục
bát, vì nét chữ rất to. Dĩ nhiên là tôi vô cùng sung sướng. Cái công
mỗi ngày tôi vẫn mang báo đến tặng ông rõ ràng không bỏ.
Đầu năm 1975, khi chuyển nhà đi nơi khác, vì không ổn định chỗ ở,
tôi đã mang tập thơ quý giá, với chỉ một ấn bản duy nhất đó, cùng một
ít tư liệu riêng, gởi gắm cho nhà thơ Huy Tưởng trên đường Huỳnh Tịnh
Của. Về sau tôi hỏi, thì Huy Tưởng nói đã nhiều lần cố lục tìm trong
đống sách vở và đồ đạc lỉnh kỉnh trong nhà anh, nhưng chẳng biết thất
lạc ở đâu. Thế là mất!
Một thời gian sau, thi sĩ Vũ Hoàng Chương rời khỏi “gác mây”, dọn về
Vĩnh Hội. Từ đó, cho đến lúc ông qua đời vào năm 1976, vì bộn bề công
việc, tôi không đến với ông được nữa. Ngay cả khi ông nhắm mắt, tôi
lại ở thật xa thành phố, nên cũng không thể đến thắp cho ông một nén
nhang như lòng tôi mong ước.
Tôi nghĩ, cho dù quá nhiều thăng trầm ở đời này, hạnh phúc thì ít,
khổ đau thì nhiều, nhưng có lẽ thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng đã mỉm cười
ra đi bởi ông đã thấm đẫm tinh thần Phật giáo như lời thơ ông:
Biển khổ mênh mông sóng ngập trời
Khách trần chèo một mái thuyền chơi
Thuyền ai ngược sóng, ai xuôi sóng
Cũng chỉ trong cùng biển khổ thôi.
Bình Trưng Đông, tháng Chạp - năm Tân Mão
Đoàn Thạch Hãn
http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/nhanvat/2012/1/55722.cand