04/05/2013 18:36 (GMT+7)
Số lượt xem: 95894
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đầu năm 2007, trong thời gian nằm bệnh viện, tôi nhận được tin buồn muộn màng về anh bạn, cùng làng, cùng lứa tuổi với tôi, đã từ trần tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Đó là anh Văn Phú Nhẫn. Viết văn, làm thơ, anh ký bút danh Bạch Linh.

Trước năm 1945, làng Trung Phước của chúng tôi ở phía Tây huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam có sáu phái (đơn vị như ấp, thôn) là phái Thượng, phái Hạ, phái Thị, phái Trung, phái Trà Viên và phái Giáp Nam. Nhà anh Văn Phú Nhẫn ở phái GiápNam, phái bên trái quan lộ theo hướng chợ Trung Phước vào đèo Le, giáp ranh với xã Quế Lộc ngày nay*.

Anh Văn Phú Nhẫn chỉ có hai anh em, người em trai của anh là Văn Ngọc Hưng. Hai anh em mồ côi cha rất sớm. Thân mẫu của hai anh, được người làng gọi là bà giáo Nhẫn theo lối lấy tên con trai đầu để gọi một cách kính trọng, thuộc thành phần trung nông, lo thờ chồng, nuôi hai con ăn học nên người.

Trong nhiều điều tôi nhớ về người bạn quê xưa vừa qua đời nói trên nổi đậm lên thời gian thi sĩ Bùi Giáng chăn dê tại quê chúng tôi. Nơi Bùi thi sĩ ngày ngày thả dê là rặng đồi cây lúp xúp, một chi sơn giữa dãy núi Chúa và núi Hòn Tàu. Rặng đồi này ở ngay phía sau nhà hai anh Phú Nhẫn và Ngọc Hưng.

Thời gian này là trọn năm 1951 và mấy tháng đầu năm 1952. Thi sĩ Bùi Giáng chỉ chăn dê trong vòng một năm rưỡi ấy mà thôi.

Như nhiều người trong chúng ta có biết, nơi sinh của Bùi Giáng là làng Vĩnh Trinh thuộc huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, nhưng thân phụ của thi sĩ là cụ Cửu Tý có nhà cửa, vườn cây và nà trồng dâu bắp bên sông tại Trung Phước huyện Quế Sơn. Bùi thi sĩ thành hôn hồi đầu năm Ất Dậu 1945 rồi đôi vợ chồng trẻ lên Trung Phước ở với gia đình.

Trung Phước và mấy làng lân cận như Đại Bình, Trung Lộc, Phước Bình… đời nào cũng có nhiều người làm thơ. Họ kết thân với nhiều nhà thơ gần xa và các nhà thơ này thường lui tới giao thiệp với nhau. Thời Bùi Giáng đến ở tại Trung Phước thì tại địa phương này có các nhà thơ đã thành danh như Huỳnh Lý, Hoàng Châu Ký, Huỳnh Hưng, Nguyễn Thụy Khái, Tạ Ký… Bạn thơ của họ từ các nơi xa thường đến đây ở chơi năm bảy hôm. Người viết bài này còn nhớ trong số đó còn có các nhà thơ nổi tiếng như Trinh Đường, Khôi Anh (Phạm Văn Kỳ), Hồ Thấu, Nguyễn Đình, Hồ Hiếu Dân… Bùi Giáng đến với quê hương thứ hai này có thể vì hai lý do: lập nghiệp với gia đình và kết bạn thơ.

Sau Tết Ất Dậu ấy, khi đã rời làng Vĩnh Trinh lên Trung Phước, chị Sáu Giáng quản lý nà dâu, bán dâu rừng nứa cho các hộ nuôi tằm. Mẹ tôi thường bảo tôi đến mua dâu của chị vì chị tính giá “nới” hơn các chủ nà khác, chưa sẵn tiền trả ngay thì chờ xong lứa tằm sẽ thanh toán cũng được.

Tôi và một số bạn yêu thơ trong làng rất quý mến thi sĩ Bùi Giáng. Chúng tôi gọi thi sĩ bằng cái tên thân mật là anh “Sáu Giáng”.

Suốt mấy năm ở cùng làng, ngày ngày gần gũi nhau, tôi không hề thấy anh biểu lộ chút gì gọi là “điên” cả. Anh rất hiền, ít nói, hay cười, y phục luôn gọn gàng, sạch đẹp. Anh cũng chẳng mấy khi nói về thơ, tranh luận về lĩnh vực thi ca lại càng không. Chỉ khi nào chúng tôi đến nhà anh thì anh mới đưa cho xem bản thảo những bài thơ hoàn chỉnh của mình. Anh chỉ làm thơ tại nhà chứ không bao giờ ghi ghi chép chép trước mặt người khác tại bất cứ đâu.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp 19/12/1946, mấy nơi giáp ranh với Trung Quốc chỉ cách một dãy núi và đường truông Thạch Bàn như Thu Bồn, Kiểm Lâm, phía tả ngạn là Phú Thuận, Giao Thủy… đều bị giặc Pháp tạm chiếm, đóng đồn. Vùng Trung Phước đổ lên mãi tận đầu nguồn sông Thu Bồn, chạy vào phía Nam của tỉnh gồm huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Trà Mi là vùng tự do rộng lớn của ta tiếp giáp với các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, suốt chín năm chống Pháp là vùng bất khả xâm phạm. Địa phương tôi ở là khu Hoàng Văn Thụ có một công binh xưởng lớn chế tạo vũ khí, có nhiều cơ quan, kho tàn của ta. Đấy cũng là địa bàn thường có các đơn vị chính quy cấp tiểu đoàn trú đóng và xuất kích đánh địch tại vùng xuôi.

Không tiến công, lấn chiếm, đóng đồn được, giặc Pháp dồn sức vào việc dùng máy bay thả bom, bắn phá ác liệt vùng tự do của ta. Xã tôi, nhất là khu vực chợ Trung Phước, phải chịu vô số lần máy bay giặc trút bom, bắn phá, có cả bom napalm (xăng đặc). Xóm cụ Cửu Tý (thân phụ anh Bùi Giáng) nhà cửa khang trang, vườn xanh tốt nhất địa phương, lại gần chợ, nên thường bị máy bay giặc oanh kích nhiều hơn các nơi khác.

Thi sĩ Bùi Giáng có cái “tật” chết người là không bao giờ chịu vào hầm trú ẩn để tránh bom đạn của máy bay giặc. Khi nghe tiếng kẻng báo động vang lên từ gò Đồn, mọi người vội chạy ra khỏi nhà và xuống hầm, chỉ riêng anh Sáu Giáng cứ đứng nơi góc sân để… coi. Anh theo dõi hoạt động của máy bay giặc và tùy từng lúc mà la lớn cho mọi người trong hầm nghe:

- Nó thả bom. Hai quả… bốn quả…

- Nó chúi… bắn.

- Xóm chợ có nhà cháy! (…)

Cụ Cửu Tý và mọi người cự nự anh về chuyện không nấp hầm thì thi sĩ của chúng ta lại cười và giải thích một cách rất… Bùi Giáng: “nó thả bom, nó bắn chắc chi đã trúng, lỡ trúng chắc chi đã chết?”.

Thấy nguy hiểm quá nên sau cái Tết năm Tân Mão 1951, cụ Cửu Tý mua bầy dê năm con vừa lớn vừa nhỏ cho “Bán Giùi” của cụ làm công việc chăn dê. Cụ thuê người vào thôn Giáp Nam làm cái chuồng dê thô sơ bên mé đồi sau nhà bà giáo Nhẫn như đã nói ở trên. Sáng thật sớm, Bùi thi sĩ mang theo cơm gói bằng mo cau và ống tre đựng nước chè, vào đấy mở cửa chuồng lùa bầy dê lên đồi cho chúng ăn lá cây. Chủ dê ngồi hay nằm trên cỏ dưới bóng mát của một lùm sim già. Anh nhìn trời, ngắm núi, ngâm nga thơ của các nhà thơ nổi tiếng. Tôi chưa bao giờ nghe anh ngâm hay đọc thơ của anh, lại càng không bao giờ nói về thân thế mình với bất cứ ai. Điều này anh giữ cho đến cuối đời:


Hỏi tên, rằng biển xanh dâu

Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã qua

Và Bùi Giáng đã trả lời chung những ai muốn hiểu sâu về con người, đời riêng, tâm sự của mình như nhiều người đã thấy nơi bìa sau cuốn Tư Tưởng Hiện Đại của anh viết được tái bản tại Sài Gòn năm 1972:

“Thi sĩ sinh ra như mọi người giữa cỏ cây ly kỳ và chết đi giữa cỏ cây ly kỳ gay cấn”…

Hồi ấy, cụ Cửu Tý giao việc nuôi dê cho anh Sáu Giáng mục đích là để anh tránh xa vùng oanh kích hàng ngày của máy bay giặc Pháp chứ không phải vì kinh tế.

Thời gian này, các vùng hậu phương thực hiện chủ trương “tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc”. Thấy anh Bùi Giáng chăn dê, tưởng đây là một kiểu làm ăn có lợi nên có người cũng tạo bầy dê thả rong trên cùng dãy đồi này. Năm ấy tôi đã thoát ly. Một lần về phép, tôi đến thăm và ở chơi trọn ngày với anh Sáu Giáng. Hai anh Văn Phú Nhẫn và Văn Ngọc Hưng cũng có mặt. Gần trưa, “ông chủ dê” lấy gói cơm mo cau cắt ra từng miếng ngon lành mời chúng tôi ăn. Cơm gói chấm muối mè, lại ngồi dưới bóng lùm sim râm mát, bốn anh em chuyện trò quá đỗi hưng phấn, gói cơm hết veo mà bụng mỗi người  vẫn còn… ấm ức. Nhưng không sao, bà giáo Nhẫn đã đoán trước cớ sự này nên tăng cường kịp thời cho chúng tôi một rổ cơm nóng lót lá chuối với một trã  cá đồng kho lá gừng ngon tuyệt!

Khi uống nước chè tươi, anh Giáng nói với chúng tôi rằng anh ngại dê của anh lộn với dê người khác. Chúng tôi đề nghị anh hãy tròng vào cổ mỗi con dê một cái vòng tre nhuộm màu khác nhau. Ba đứa chúng tôi tìm tre, pha phẩm màu thực hiện ngay. Do đó sau này mới có giai thoại mỗi “em dê” của thi sĩ Bùi Giáng mang một chiếc “kiểng” có màu trắng, đen, xanh, vàng, đỏ. Điều này, sau khi Bùi Giáng từ trần thấy có người viết gần đúng sự thật. Kỳ dư, về sự chăn dê, địa điểm và số năm chăn dê của thi sĩ Bùi Giáng đã có nhiều người viết nhưng đều không đúng. Chẳng hạn có người nói Bùi Giáng chăn dê vì bất mãn cuộc đời, anh chăn dê tại Vĩnh Trinh nhiều năm gần giống như ông Tô Vũ đời Hán Vũ Đế bên Tàu…

Chính xác, thi sĩ Bùi Giáng không hề chăn dê tại quê nhà Vĩnh Trinh và anh chỉ chăn dê trong vòng một năm rưỡi như đã nói ở trên. Đầu năm 1948, phu nhân của anh từ trần. Sau đám tang, anh bỏ nhà đi đến các địa phương phía Nam của tỉnh Quảng Nam, vào Quảng Ngãi, Bình Định, vào tận Phú Yên. Đến năm 1950, anh trở về nhà. Nghe có kỳ thi Tú tài đặc biệt của Liên khu 5 tổ chức tại Bồng Sơn tỉnh Bình Định, anh đi thi và đỗ Tú tài toàn phần.Về nhà, anh chuẩn bị mọi thứ rồi theo đoàn người băng rừng lội suối ra Liên khu IV để học đại học tại Hà Tĩnh. Đây là trường đại học của ta trong thời kháng chiến chống Pháp. Nhưng ngay hôm khai giảng, vì không vừa ý điều gì đó, Bùi Giáng bỏ học và lại băng rừng lội suối về lại Quảng Nam. Chuyến đi ra rồi đi trở vào toàn luồn đường rừng, tránh các đồn bót của giặc Pháp… mất trọn 3 tháng. Nội cái chuyện ra đi vào hết sức gian nan, nguy hiểm này cũng đã nói lên một phần tính-cách-Bùi-Giáng.

Khoảng tháng 5 năm 1952, Bùi Giáng đã từ giã Trung Phước, ra Đà Nẵng rồi ra Huế một thời gian ngắn, sau đó vào Sài Gòn tự học, làm thơ, biên khảo, trước tác, dịch thuật một khối lượng tác phẩm đồ sộ đủ loại cho đến tận ngày cuối đời. Thi sĩ Bùi Giáng từ trần lúc 14 giờ 15 phút ngày thứ Tư, 7-10-1998, nhằm ngày 17 tháng 8 năm Mậu Dần tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, thọ 73 tuổi (17-2-1926 – 1-7-1998).

Nơi thi sĩ Bùi Giáng chăn dê thuở trước, bây giờ mé đồi đã thành đất thổ cư, nhiều nhà mọc lên, toàn cảnh đã khác xưa. Bà giáo Nhẫn khả kính, thi sĩ Bùi Giáng, anh Văn Phú Nhẫn và bao người quen thân nhau thời ấy đã không còn nữa. Anh Văn Ngọc Hưng, một trong những người thuộc lứa đàn em rất gần, rất kính mến thi sĩ Bùi Giáng nay là Đại đức Thích Thiện Huệ, trụ trì chùa Tâm Thành, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp…

Đêm trực tang thi sĩ Bùi Giáng tại chùa Vĩnh Nghiêm các bạn văn nghệ sĩ đã nói với nhau: cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của Bùi thi sĩ là “bất khả tư nghị”.Vâng, tôi cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, riêng về việc chăn dê của cố thi sĩ thì tôi xin phép được viết để trả lại đúng sự thật cho một mẩu giai thoại về một con người, một thi sĩ có khá nhiều giai thoại.

* Làng Trung Phước cũ ngày nay là xã Quế Trung, huyện Nông Sơn – Quảng Nam

http://vanhoaphatgiaoblog.com/van-hoc/bui-giang.html

Âm lịch

Ảnh đẹp