10/02/2011 19:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 2433
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hiện nay, tại suối Đá (Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) đã dần thành hình khu vườn rộng khoảng 1 ha dành riêng cho tre trúc, mà theo ước mơ của chủ nhân, trong tương lai gần sẽ quy tụ được khoảng 300 loại đang có mặt tại Việt Nam.


1. Vị chủ nhân của khu vườn này thế danh Đào Phúc, pháp danh Thích Thế Tường, đi tu từ năm 14 tuổi, nay 44 tuổi.

Trong cuộc đời tu hành không ngắn không dài, ông đã từng dựng nên 3 ngôi chùa. Từ năm 1997, khi còn ở TP.HCM, ông đã có giấc mơ về một khu vườn cho tre trúc, vì với người Việt, tre trúc quá gần gũi, quá thân thiết, như chính cuộc sống.

Khi ông về Đà Nẵng cách đây 7 - 8 năm, tre gần như mất dạng, còn trúc thì chỉ còn khép nép trong các chậu kiểng. 5 năm trước, một nông dân đã cho ông mượn mảnh đất này để làm “điểm dừng chân”. Cất tạm một cái chòi nhỏ, tự tay khẩn hoang, đào suối, đào ao chứa nước. Con suối nhỏ dài gần 200 mét ông đào mất 100 ngày công, riêng cái ao thả được sen súng, chứa nước làm vườn quanh năm, ông đào mất một năm rưỡi.

 

Những ngày đầu, để vững tâm, ông không cho ai biết để khỏi bị bàn ra. Ngày nào ông cũng bắt đầu làm việc từ sáng sớm cho tới mịt tối, cơm nước tự lo. “Nhiều bữa trời mưa to quá, không làm gì được, nằm chèo queo một mình trong chòi, gió thốc tứ phía, cũng buồn ghê lắm. Không chạy trốn mà đối mặt nỗi buồn, nhiều khi muốn bỏ cuộc, nhưng lại nghĩ đến ý nguyện còn dang dở, nên phải cố gắng”, Thích Thế Tường cho biết.

Sau 4 năm, từ mảnh đất mà trên thì gió biển, dưới thì nước ngập phèn, những búp măng đầu tiên ló dạng. Người được ông “tạo thiện cảm” đầu tiên chính là vị chủ đất, gia đình này quyết định tặng luôn mảnh đất cho giấc mơ bảo tàng tre trúc. Vì họ thấy ông không có mưu đồ riêng trong chuyện này. “Tôi chỉ thích làm đẹp chứ không thích sở hữu. Việt Nam vốn có nhiều loại tre trúc, nhưng tốc độ đô thị hóa làm cho chúng mất dần đất sống, nên tôi muốn có một địa điểm nào đó để sau này ai muốn thấy cây tre cây trúc đa dạng thế nào, thì ghé qua”.

Trúc đen, vốn mọc trên núi Yên Tử

2. Cách thức “sưu tập” của bảo tàng này khá đơn giản nhưng tốn nhiều công sức: nghe ở đâu có tre trúc khác loại khác giống đã trồng trong vườn thì đích thân ông đến tìm hiểu và xin giống đem về trồng.
Hiện nay, tại lâm viên này đã có khoảng 40 loại tre trúc, trong đó có trúc đen, mọc trên núi Yên Tử. Ông cũng chuẩn bị đi Thanh Hóa để xin giống trúc vuông, đi Hà Tĩnh nhận trúc trổ bông quanh năm, có một người đã hứa cho.

Vài người nghe tin này cũng tìm đến “tiến cử” nhiều loại, danh sách ngày càng dài ra, khi tích cóp đủ kinh phí, thế là ông lại lên đường. “Sau 5 năm nữa, nếu mọi việc suôn sẻ, tôi nghĩ mình sẽ có đủ 300 loại (khoảng 120 giống) tre trúc hiện có mặt tại Việt Nam. Tôi cũng sẽ cố gắng sưu tầm các sách báo viết về tre trúc, để ai có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn thì vừa xem vừa đọc”, Thích Thế Tường tâm sự.

Đưa ra tận đường lớn, tôi mới hỏi ông định đặt tên cho bảo tàng này là gì, Thích Thế Tường nói: Sơn Trà tịnh viên (vườn yên tĩnh trên núi Sơn Trà) - nhìn căn chòi và cách sống đơn sơ của vị sư, với giấc mơ cũng khá giản dị, hi vọng mọi điều sẽ tốt đẹp.

Văn Bảy ( Thể Thao&Văn hóa)


Âm lịch

Ảnh đẹp