Hồi nhỏ, tôi có đọc đâu
đó, hình như trong một truyện ngắn của Tự Lực Văn Đoàn, về một ngày lễ
mang một tên mà tôi chẳng hiểu gì: "Lễ Các Thánh". Trong truyện, có một
cậu bé kể: "Nhân dịp lễ Các Thánh, tôi được nghỉ học, về quê chơi mấy
ngày...". Như vậy là các cậu bé học trước tôi vài năm, trong thời thuộc
địa, được nghỉ một cái lễ long trọng giống như các cậu bé ở nước Pháp
chính quốc hồi đó, và giống như các học sinh ở nước Pháp ngày nay.
Bây
giờ thì tôi hiểu. Các Thánh là Toussaint, nghĩa là tất cả các thánh,
đơn giản. Nhưng tại sao lại "tất cả các thánh"? Kém đơn giản hơn, nhưng
lịch sử bao giờ cũng thú vị: tại vì, năm 607, giáo hoàng Boniface IV
biến đền thờ Panthéon của La Mã thành ra Nhà Thờ, mà Panthéon là đền thờ
"tất cả các thần" theo tín ngưỡng của bản xứ trước khi La Mã cải đạo.
Lần lượt các đền thờ của bản xứ được biến cải như thế cho đến năm 731
thì giáo hoàng Grégoire III biến một đền thờ lớn thành nhà thờ Saint
Pierre và hiến nhà thờ đó cho tất cả các thánh. Ôi, chiều dày của lịch
sử! Lễ Các Thánh bắt đầu từ đó, và được giáo hoàng Grégoire IV đưa vào
nước Pháp năm 837. Bao nhiêu thế kỷ đã trôi qua, bỗng nhiên một cậu bé
trong Tự Lực Văn Đoàn được hưởng hạnh phúc nghỉ học, nhởn nhơ về quê như
lên thiên đường.
Cậu đâu có biết rằng trong khi cậu ngây ngất ở
chốn thiên đường Việt Nam thì người lớn ở chính quốc bâng khuâng với một
thế giới khác, không bướm hoa, cũng không một tia nắng mặt trời - thế
giới của những người đã khuất, thế giới của câu hỏi muôn đời: họ đang ở
đâu? Lễ Các Thánh rơi vào ngày 1/11; ngay sau đó, ngày mồng 2, là ngày
"lễ của những người đã chết". Được nghỉ lễ, người lớn và gia đình mang
hoa đến làm đẹp các ngôi mộ, thường là hoa cúc, hoa của mùa thu. Từ đó,
lễ Các Thánh tưởng như trùng hợp với lễ thăm viếng mồ mả, lễ tưởng niệm
người chết.
Hai lễ đó có cùng một nguồn gốc chăng, cùng một tôn
giáo chăng? Nếu cùng, tại sao người không có đạo cũng mang hoa viếng mồ?
Nếu không, tại sao người ta vẫn tưởng hai ngày dính nhau làm một? Nói
rằng hai lễ chẳng tương quan gì với nhau thì sẽ quá đáng. Nhưng nói rằng
tục lệ viếng thăm mồ mả trong dịp lễ Các Thánh không phải bắt nguồn từ
tín ngưỡng dân gian có trước khi cải đạo thì chắc trái với sự thật. Văn
hóa xâm nhập lẫn nhau là chuyện của mọi thời đại, và văn hóa của kẻ mạnh
tìm cách đồng hóa các văn hóa yếu là chuyện bình thường của lịch sử.
Chuyện mồ mả cũng vậy thôi.
Lễ Các Thánh ngày nay có nhiều điểm
tương đồng với lễ Samain ngày xưa của các dân tộc Celte, bắt nguồn từ Ái
Nhĩ Lan. Samain là một lễ tôn giáo, cử hành rất trọng thể hằng năm vào
lúc sang mùa, từ mùa "sáng" qua mùa "tối", từ mùa hè qua mùa đông, từ
năm này qua năm khác theo lịch cũ, chính xác vào ngày 1/11. Lễ kéo dài
một tuần, ba ngày trước, ba ngày sau: đó là khoảng thời gian "vô thời
gian" vì hết thuộc vào năm trước mà cũng chưa thuộc vào năm sau, chưa
chấm dứt mà cũng chưa bắt đầu. Vì là "vô thời gian", tuần lễ đó cũng
được xem như mùa gặp gỡ giữa thế giới của loài người và thế giới của các
thần, thế giới của người sống và thế giới của người chết. Văn hóa này
đã biến mất từ khi các dân tộc Celte nhập vào văn minh Thiên Chúa giáo,
Các Thánh đã đồng hóa Samain, hồn thiêng của lễ này chỉ còn lảng vảng
mượn màu hoa cúc để sống lại một ngày trong các nghĩa địa.
Thế nhưng văn hóa cũng có khi sống
lại tinh khôi. Giữa thế kỷ XIX, một trận đói khủng khiếp xua đông đảo
người Ái Nhĩ Lan di dân qua Mỹ, mang theo tập tục và truyền thuyết. Qua
đất khách, Samain sống lại dưới tên mới: Halloween. Hạp phong thổ,
Halloween phổ biến rất nhanh, trở thành một trong những ngày lễ lớn nhất
tại Mỹ. Rồi, trớ trêu của thời đại toàn cầu hóa, nó được tái xuất khẩu
ngược dòng, quay về lại quê hương Âu châu cũ, rắp ranh cạnh tranh với
Các Thánh.
Trong truyền thuyết xưa của Ái Nhĩ Lan,
có anh chàng Jack đánh lừa được quỷ, nhưng khi chết thì cửa thiên đường
đóng kín mà cửa địa ngục cũng chẳng thèm mở mời vào, hồn anh ta vất
vưởng, chẳng biết nương tựa vào đâu. Quỷ thương hại, biếu anh chàng một
cục than hồng để làm lửa soi đường, anh chàng khoét củ cải, nhét hòn
than vào đó. Ngày nay, củ cải được thay bằng trái bí, và bí Halloween
xuất hiện trên đất Pháp với hình quỷ nhe răng.
Ma, quỷ, phù thủy,
xương khô... trẻ con hóa trang dưới dạng dọa dẫm, không biết để dọa cái
chết hay để làm người chết tưởng lầm rằng ta đây cũng là người chết như
họ, đồng bào với nhau cả, đừng quấy rầy nhau. Nhưng cái chết mất ý
nghĩa trong Halloween, tục lệ xưa chỉ còn bộc lộ tính hội hè vui đùa của
dân gian cũ, diễn dịch ngày nay qua hình thức trẻ con vẽ mặt tụm năm
tụm ba bấm chuông từng nhà xin kẹo bánh.
Halloween tưởng có thể tấn công vào một
thành trì tôn giáo đã bị thế tục làm suy yếu, tưởng có thể phi tôn giáo
hóa ngày tưởng nhớ người chết. Hơi lạc quan đấy, nhưng biết đâu, lạc
quan vốn là tính trời cho của văn hóa mạnh. Này nhé: tôn giáo chính
thống đang mất dần ảnh hưởng trên Âu châu, ngày viếng mộ dần dần trở
thành tục lệ của dân gian không tôn giáo, nghĩa địa càng ngày càng ít đi
vì hỏa thiêu càng ngày càng phổ biến, gia đình phân tán khắp nơi, con
cháu xa xôi, ai còn là kẻ mang hoa đến mồ? Ngày xưa, tiền thân của
Halloween bị Các Thánh đồng hóa; ngày nay, Halloween tưởng có thể tước
không khí linh thiêng của cái chết ra khỏi Các Thánh chăng?
Khó
đấy, nhưng hãy gửi câu trả lời cho tương lai. Bây giờ, hãy thú vị với ba
ngày lễ của lịch sử Âu châu, hãy rút ra hai ý nghĩa trong đó. Một, là
người chết không bao giờ chết, ít nhất họ phải sống lại một ngày trong
năm, với thần, với thánh, hoặc đơn giản hơn, với người sống. Hai, là lễ
của người chết trùng hợp với thời gian giao mùa, từ sáng qua tối, từ
ngày qua đêm, từ ấm qua lạnh, từ khí dương qua khí âm, từ mùa màng gặt
xong qua nghỉ ngơi rảnh rỗi trong các xã hội canh nông. Người sống có
muốn quên, trời đất cũng xui nhớ. Phủ hoa trên mộ là nhớ. Hội hè đình
đám là vừa nhớ vừa quên: nhớ người chết, quên cái sợ.
Trên cả hai
điểm, văn hóa của ta khác Tây phương. Ở ta, người khuất bóng gần gũi
thường xuyên với người sống. Trong lòng ta, thường xuyên họ ở, họ nói,
họ hành động, họ cố vấn, đồng ý, trách móc, quở mắng. Họ muốn. Và ý muốn
nồng cháy nhất của họ là muốn ta thành đạt. Xen lẫn trong lý tưởng lớn
về xã hội là vô số lý tưởng nhỏ về gia đình: ta thành đạt là để làm rạng
danh ông bà, tổ tiên.
Bởi vậy, người chết không quanh năm lạnh
lẽo ngoài nghĩa địa. Họ ngự trị giữa nhà, trên bàn thờ, quanh năm phảng
phất khói hương, vui buồn mơ ước với con cháu, ăn cơm, uống nước, xỉa
răng, súc miệng. Tất nhiên, ta cũng có một ngày tưởng niệm người chết,
ngày Rằm tháng Bảy, nhưng ý nghĩa khác hẳn. Đó là ngày tưởng nhớ thiêng
liêng nhất trong mọi ngày tưởng nhớ. Và đó còn là ngày mở rộng lòng
thương xót đến các cô hồn đói khát, không nhà. Chưa kể ta còn có những
ngày tưởng nhớ long trọng không kém: đêm Giao thừa, ba ngày tết, những
ngày kỵ giỗ. Văn hóa Tây phương không biết không khí ấm cúng, thân mật
này giữa hai thế giới vì họ rất sợ cái chết. Họ xa lánh, họ xua đuổi, họ
không muốn nghĩ đến. Mỗi năm một lần nhớ tưởng, là đủ rồi.
Và
bởi vậy, giữa họ và ta, ngày giao mùa giữa sống với chết cũng khác nhau.
Nơi họ, ngày đó đi từ sáng qua tối, từ mặt trời qua sương mù; nơi ta,
Rằm tháng Bảy trăng sáng vằng vặc, Giao thừa là chuyển tiếp từ đông sang
xuân, tết là ngày xuân đầu của trời đất. Cùng với ông bà, con cháu mở
cửa đón xuân, rước phúc lộc thọ vào nhà, vào lòng, vào hy vọng. Văn hóa
của ta cũng chọn mùa xuân để làm đẹp, làm sạch mồ mả: thanh minh trong
tiết tháng Ba... Mà ngày thanh minh cũng không phải là ngày buồn hay chỉ
là ngày tưởng nhớ quá khứ. Đó là một ngày vui, vì tảo mộ xong là lễ
hội, tài tử giai nhân dập dìu đi giữa màu xanh của đất trời để giao
duyên, giao ước, giao tơ hồng:
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Giữa
cỏ non xanh tận chân trời ấy, Kiều đã gặp Kim. Mối tình đẹp nhất trong
văn chương Việt Nam bắt đầu bằng một ngày tảo mộ. Tảo mộ là lễ, chơi
xuân là hội. Lễ và hội đi đôi với nhau trong niềm lạc quan, tươi sáng. Ở
Nhật cũng vậy, dân gian hát, múa trong ngày Obon, ngày tưởng niệm người
chết, ngày lễ lớn nhất trong năm, ngày gia đình xa gần tụ họp. Người
Tây phương múa hát còn giỏi hơn người Nhật, nhưng không ai tưởng tượng
có thể múa hát trong ngày Các Thánh: chết là chuyện đáng sợ, xã hội tìm
cách chôn vùi trong ký ức, giấu giếm thực tế, đánh lừa sự sống, mỗi năm
phạm húy một lần, buồn thiu.
Cho nên, giá như cậu bé ngày xưa
trong Tự Lực Văn Đoàn sống lại, tôi mong cậu nghỉ học vui chơi hạnh
phúc, khỏi cần nghĩ đến người chết, mà cũng chẳng cần hóa trang, vẽ mặt
ma quỷ, xin bánh kẹo, bắt chước Halloween, chẳng giống ai, cũng chẳng
giống mình. Chúng ta có một ngày Rằm tháng Bảy vô cùng ý nghĩa, một ngày
tết rực rỡ, hân hoan, một mùa xuân để vạn vật cùng sống lại với người,
và, thi vị quá, một nấm mồ Đạm Tiên để cùng nhặt cỏ hoang với Thúy Kiều.
Với Thúy Kiều không thấy cách ly giữa sống và chết.
Cao Huy Thuần/ Bài đăng trên Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần Xuân Tân Mão