15/01/2011 15:10 (GMT+7)
Số lượt xem: 4045
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Không chỉ đợi đến mùa Vu Lan-mùa báo hiếu cha mẹ-hay ngày rằm, mồng một, món chay ngày càng được nhiều người tìm đến như một liệu pháp cho sức khỏe, cho sự thiền tịnh ngay trong bữa ăn.


 
Ngay bên hông chùa Bảo Sơn-đường Nguyễn Trãi (TP. Pleiku) có một quán chay khá đặc biệt. Quán chỉ phục vụ hai ngày là ngày rằm và ngày mồng một hàng tháng. Vì thế, để được thưởng thức những món chay ở đây, thực khách phải mất công đợi. Thế nhưng, bên cạnh những người coi ăn chay như một phép tu, thì người mê món ăn chay ở đây lại chiếm số đông. Từ nhiều năm nay, những món ăn ở đây nổi tiếng tới mức, người ta sẵn sàng đợi cả tháng chỉ để đến một buổi, rồi đợi cả buổi chỉ để thưởng thức trong một vài giây phút, món ăn do người nhà chùa chế biến. Ni sư Hạnh Nguyên-trụ trì chùa Bảo Sơn cho hay, quán không nhằm mục đích kinh doanh, chỉ nấu những món ăn chế biến từ chính những thảo quả do phật tử mang đến cúng chùa. Chùa chỉ mua thêm một vài loại nấm, rong biển để cân bằng dinh dưỡng cho thức chay.
 
Nhiều người lên chùa ăn chay những ngày cuối năm để tìm lại cân bằng trong cuộc sống. Ảnh: H.N
Nhiều người lên chùa ăn chay những ngày cuối năm để tìm lại cân bằng trong cuộc sống. Ảnh: H.N
Món chay tại đây không cầu kỳ, sang trọng mà đơn giản, đạm bạc nhưng hài hòa. Chỉ cần ăn một tô phở chay, nước dùng mang vị ngọt thanh tổng hợp từ các loại trái cây mà không cần thêm gia vị, thực khách sẽ bị chinh phục ngay lập tức. Món bánh xèo, các loại bánh làm từ bột gạo, bột lọc là món ăn mang hương vị lạ không nơi nào có được. Không chỉ phục vụ tại quán, trong những chuyến thiện nguyện của nhà chùa, chúng tôi có dịp được thưởng thức những món bánh chay này thay cho bữa ăn chính.
 
Các chùa ở TP. Pleiku như chùa Minh Thành, Bửu Thắng, Bửu Hải, tịnh xá Ngọc Phúc… thường tổ chức những bữa cơm chay vào ngày rằm, lễ Vu Lan, tất niên… cho phật tử và khách phương xa. Những lần như thế, tôi đều không lỡ dịp để được thưởng thức những món ăn chứa đựng cả một “nền minh triết về ẩm thực” giữa chốn thiền môn. Từ những thảo mộc thiên nhiên như nấm bèo, đậu tương, mít, hoa chuối, ngó sen, các loại củ, quả… những người phát tâm nấu chay tại các chùa chế biến thành hàng chục món ăn khác nhau, làm phong phú màu sắc và hương vị trong mâm cơm chay.
 
Anh Nguyễn Quốc Định (30 tuổi) ở đường Thống Nhất (TP. Pleiku) cho biết: “Tôi thường xuyên ăn chay tại chùa hay trong các gia đình Phật tử. Món gỏi ngó sen có lẽ là món tôi nhớ nhất, không chỉ ở hương vị ngọt mát mà nó còn hội tụ yếu tố âm dương rất hài hòa. Ăn chay giúp tôi cảm thấy nhẹ nhõm, tĩnh tâm hơn”. Là một họa sĩ trẻ, anh cho rằng ăn chay để làm việc, sáng tác có nhiều ý tưởng mới.
 
Ông bà xưa có câu “Đạm bạc để trí sáng, tĩnh lặng để nhìn xa”, ý nói để có được trí óc minh mẫn, trong sáng thì cách ăn, món ăn phải đơn giản nhất, không quá giàu năng lượng. Có lẽ vì thế, ăn chay đang ngày càng thu hút giới trẻ, nhất là giới trí thức, văn phòng. Đến những quán cơm chay tại TP. Pleiku như Bồ Đề Duyên-đường Nguyễn Thái Học, An Lạc, Thanh Tâm-đường Tăng Bạt Hổ, Thanh Tâm-đường Cao Thắng, Hoàng Kim-đường Nguyễn Trường Tộ… không cứ ngày rằm cũng đông như thường. Thực đơn của các quán không chỉ dừng lại ở cơm chay mà còn nhiều món hấp dẫn như: Phở khô, mì quảng, bún mọc, bún riêu, miến măng, các loại bánh…
 
Vào những ngày này, tại các chùa thường tổ chức bữa cơm tất niên đãi khách gần xa. Đến chốn thiền môn thanh tịnh, thưởng thức những món ăn thanh đạm, cũng là cách nghỉ ngơi, thư giãn, tìm lại cân bằng cho cuộc sống vốn đầy áp lực, căng thẳng trong những ngày cuối năm.
 
Hoàng Ngọc

Nguon: http://baogialai.vn/channel/1624/201101/duong-tam-tu-nhung-mon-an-chay-1974192/


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp