Một
câu hỏi thường được đặt ra đối với những người xuất gia trẻ chúng tôi
là: Tại sao chú / thầy đi tu? Không biết các huynh đệ tôi trả lời thế
nào, nhưng đối với tôi, câu hỏi ấy như là một câu Tham thoại đầu[1],
không làm sao trả lời cho minh tường được. Câu hỏi ấy tôi cũng từng đặt
ra cho chính bản thân mình, và có lẽ tôi đi xuất gia là theo tiếng gọi
của Sư Phụ tôi, vị Ân sư khả kính; và cũng có lẽ là đi theo tiếng gọi
của của nhân duyên tiền kiếp từ xa xưa vọng về.
Sự thật, lúc còn nhỏ ở nhà với bố mẹ, với anh chị em, nhà tôi ở đối diện
với chùa Thiên Trúc và có nhiều thiện duyên với Phật pháp: Bố mẹ tôi
đều là những Phật tử thuần thành, các anh chị em tôi đều được quy y ngay
từ thuở mới lọt lòng. Hầu hết Bố mẹ và các anh chị em tôi đều thích đi
chùa tụng kinh, lễ Phật, tham gia Gia đình Phật tử… và cả người em kế
tôi cũng phát tâm đi xuất gia ngay từ khi tuổi còn rất nhỏ[2]
ở ngôi chùa đối diện với nhà v.v… nhưng bản thân tôi lúc ấy lại không
biết đi chùa lễ Phật, không biết tụng kinh, niệm Phật hay tham gia Gia
đình Phật tử… ấy thế mà tôi lại đi xuất gia.
Vào một buổi chiều cuối đông năm 1994, lúc ấy tôi đang ở nhà. Sư chú em tôi[3] từ trong chùa chạy ra nói với tôi “Có ông Ngài Giác Ngộ trên Gia Lai về thăm chùa Thiên Trúc”.
Ngài Giác Ngộ, ba tiếng nghe thân quen lắm, nhưng tôi chưa bao giờ một
lần được diện kiến Ôn hay nghe tin tức gì về Ôn. Gia Lai, một địa danh
xa xôi, tôi chưa bao giờ đặt chân đến… ấy vậy mà trong tôi nghe như có
gì quen thuộc, vừa nghe xong câu nói ấy của chú em, trong tôi như rúng
động cả tâm mình. Tôi liền đến bên mẹ tôi nói: “Má má, con đi tu nha”. Mẹ tôi ngạc nhiên nói: “Có mới nói, mày mà đi tu được thì tốt”.
Chỉ có vậy, tôi bảo sư chú em tôi đưa tôi vào chùa Thiên Trúc để xin
theo Ôn đi xuất gia, nhưng lúc ấy ông Ngài vừa rời chùa Thiên Trúc đi
lên thăm tổ đình Thiên Đức. Về lại nhà, lấy vài bộ đồ, bỏ vào cái xách
cũ, tôi cùng sư chú em tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ và đi lên tổ
đình Thiên Đức. Lên đến nơi, quí Thầy ở tổ đình Thiên Đức cho hay, ông
Ngài vừa lên chùa Hưng Long để dự lễ Chung Thất của ngài Hưng Long[4]
rồi. Hai anh em tôi lại tiếp tục đèo nhau lên tổ đình Hưng Long. Tại
ngôi tổ đình này, tôi được diện kiến ông Ngài và cầu xin theo Ôn xuất
gia tu học, Ôn đã hoan hỷ nhận tôi làm đệ tử. Qua hôm sau, sau lễ Chung
thất Trai tuần của ngài Hưng Long, Ôn lên thăm tổ đình Thập Tháp, đàm
đạo với ngài Kế Châu, tôi cũng được phước duyên hầu ông Ngài và ngài Kế
Châu hôm ấy. Sáng hôm sau, Ôn rời tổ đình Thập Tháp về lại chùa Bửu
Thắng, Gia Lai, và tôi đã theo chân ông Ngài xuất gia tu học từ khi ấy.
Sự
xuất gia tu học của tôi quả là câu Thoại đầu đầy nan giải cho chính bản
thân tôi, và cả gia đình tôi, ngay cả người mẹ thân yêu của tôi cũng
không tin được. Bởi lẽ, nếu bảo tôi đi tu vì mến chùa, yêu luật Phật,
thích kệ kinh, kính mến Thầy… thì đều này chưa thấy, nếu không muốn nói
là ngược lại. Nếu bảo tôi chán đời, bạn bỏ… thì điều này không có, vì
lúc ấy tuy đã 16, 17 tuổi nhưng thân thể tôi đẹt lét, nhỏ bé và vô tư,
cho đến khi xuống tóc xuất gia vẫn phải để một chỏm tóc trên đầu… làm
chú điệu rất hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Mãi đến tận bây giờ tôi cũng chỉ tự
hiểu rằng, sự xuất gia ấy là đi theo tiếng gọi “vô ngôn” đã
gieo trồng trong những đời kiếp trước, bước theo tiếng gọi và bóng hình
khả kính của bậc Ân sư, Hòa Thượng thượng Giác hạ Ngộ.
Nếu
có ai hỏi rằng, trong cuộc đời tu học của tôi, ai là vị Thầy kính yêu
và cao quí nhất? Tôi sẽ không chút do dự trả lời rằng đó là Sư Phụ tôi,
HT. thượng Giác, hạ Ngộ. Trong hàng đệ tử của Ôn, có lẽ tôi là một trong
những đệ tử có phước duyên được Ôn thương mến và dành cho nhiều ưu ái
nhất. Xuất gia tại chùa Bửu Thắng chưa được một ngày, qua sáng sớm hôm
sau, sau giờ công phu khuya đã được Ôn cấp cho một cuốn tập, tự tay Ôn
ghi sáu chữ Hán: “毘 尼 日 用 切 要” (Tỳ ni nhật dụng thiết yếu), và Ông cắt nghĩa rõ rằng: Tỳ
Ni là Luật, Nhật là ngày, Dụng là dùng, Thiết yếu là hết sức cần thiết.
Nghĩa là Luật dùng cần thiết hằng ngày. Đây là tên của một bộ Luật cơ
bản nhất của người xuất gia, Luật này sẽ giúp con thiết lập chánh niệm
trong mọi sinh hoạt của đời sống hằng ngày, và thực hiện lý tưởng Bồ
Tát, làm bất cứ việc gì cũng phải cầu nguyện cho mọi chúng sanh (Đương
nguyện chúng sanh), v.v… Những ngày kế tiếp, mỗi ngày Ôn đều ghi một
câu kệ bằng chữ Hán trong bộ luật Tỳ Ni. Hết bộ luật Tỳ Ni, Ôn lại dạy
sang bộ luật Sa Di, rồi đến bộ Oai Nghi, rồi bộ Cảnh Sách. Bộ nào cũng
được đích thân Ôn ghi từng chữ từng dòng, cắt nghĩa từng câu từng chữ và
bắt chúng tôi[5]
phải học thuộc lòng, phải cắt nghĩa từng chữ dịch lại cho Ôn nghe… Ngày
nào cũng vậy, cứ đến 3h15 sáng là Ôn bấm chuông (3 hồi chuông điện)
đánh thức mọi người dậy đánh răng súc miệng, rửa mặt, 3h 30 tôi đi đánh
chuông (thầy Nhuận Nhàn thắp hương tất cả các bàn Phật, bàn Tổ, bàn
Linh…) đến 4h, rồi lên tụng kinh Lăng Nghiêm đến 5h, 5h15 lên phòng Ôn
học Luật khoảng 30 phút, sau đó thì đi quét dọn các phòng, tay trái cầm
tờ giấy để học bài, tay phải thì cầm chổi quét… Thầy Nhuận Nhàn lúc này
thì lo thổi lửa nấu nước, nấu cháo… (O Đắc vì lớn tuổi sáng dậy ko
được), sau đó thì hầu Ôn và thầy Quảng Cố dùng sáng, dùng sáng xong thì
đi tưới cây, học kinh, học nghi lễ, bữa củi… đến trưa 11h hầu Ôn dùng
cơm trưa, xong bưng mâm xuống dùng cơm, nghỉ trưa. Buổi chiều thì lại
học bài, tưới cây, hay bữa củi…. đến 16h thì đi Thí thực, cúng Cô hồn,
rồi dọn cơm chiều hầu Ôn… đến 19h là thời Công phu tụng kinh đến 20h30.
Thời khóa sinh hoạt ấy là của Ôn qui định, tối không được thức khuya hơn
21h30. Lúc đó tuổi Ôn ngoài 70, đã vượt khỏi cái tuổi Thất thập cổ lai hy, nhưng
thời khóa sinh hoạt của Ôn cũng ít Thầy trẻ tuổi nào theo kịp. Không
những Ôn hướng dẫn chúng tôi tu học những kinh luật, nghi lễ, mà Ôn còn
chăm lo cho chúng tôi từng miếng ăn cái mặc, có những bánh kẹo hay sữa
đường của Phật tử nào cúng cho Ôn, thì mỗi sáng Ôn dạy luật xong, hay
buổi tối tụng kinh xong là Ôn đều đem ra cho chúng tôi dùng, thậm chí Ôn
còn quan tâm đến những bước chân chúng tôi, đi sao phải nhẹ nhàng,
khoan thai, không được kéo lê đôi dép, hay vừa đi vừa chạy. Cũng nhờ
cách chỉ dạy, sinh hoạt đúng thời khóa, và sự chăm sóc của Ôn mà tôi
thật chóng lớn cả thể xác lẫn tinh thần. Hình ảnh của Ôn vừa nghiêm nghị
như một người cha, lại quan tâm để ý, nhắc nhở và chăm sóc chúng tôi
như một người mẹ hiền. Cho mãi đến tận bây giờ, tôi đã đi thật nhiều nơi
trong nước, thậm chí cả nước ngoài, tôi thật ít thấy có vị Thầy nào tận
tình chu đáo như Ôn vậy, thời khóa Ôn dạy và sinh hoạt cho một chú tiểu
như tôi thuở ấy, cũng ít có nơi nào so sánh được. Quả thật tận trong
đáy lòng tôi, chưa có vị Thầy, hay Giáo sư tiến sĩ nào có thể thay thế
bóng hình Ôn được.
Người thế gian, những người chưa hiểu được cuộc sống Thiền môn, họ thường cho rằng: Đi tu hay xuất gia là chôn vùi tuổi thanh xuân, đánh mất lý tưởng cuộc sống…
lối suy nghĩ ấy quả là thiển cận, thiếu hiểu biết và lệch lạc. Họ có
biết đâu rằng sự nỗ lực làm việc và tu học của một vị xuất gia còn hơn
người tại gia đến mấy lần, và lý tưởng của người xuất gia thì mênh mông
và cao siêu không lường được. Lý tưởng không phải sống vì mình, mà phải
học cách sống vì người, vì chúng sanh; không phải sống chỉ biết đời này,
mà phải có sự quán chiếu về đời trước, và đời sau v.v… Một chú tiểu như
tôi thời ấy, nếu ở nhà chỉ biết theo học các lớp phổ thông, và nhỏng
nhẻo với bố mẹ… nhưng xuất gia rồi thì ngoài học phổ thông, phải học
Luật, học kinh điển, giáo lý, nghi lễ, còn phải công phu, chấp tác, hầu
thầy… Hình ảnh của một chú tiểu để chóp trên đầu đã thức dậy từ lúc 3h15
sáng trong cái lạnh giá buốt canh khuya của miền Cao nguyên trung phần,
tay cầm chùy đánh lên những tiếng đại hồng chung thức tỉnh cả thiên hà,
miệng đọc lên những câu kệ tỉnh thức, để nguyện cầu cho mọi người và
cho cả những chúng sanh đang chịu khổ đau trong địa ngục tăm tối, quả là
đã bắt đầu thực hiện lý tưởng Bồ Tát đối với cuộc đời.
Đã
hơn 20 năm theo học các lớp phổ thông ngoài đời, các lớp trung học, đại
học, rồi cao học Phật giáo… ở trong và ngoài nước, tôi đã từng thân cận
và học hỏi với nhiều bậc thầy khả kính và mô phạm; nhưng với tôi, ông
Ngài, bậc Ân sư khả kính vẫn là bậc thầy mô phạm nhất. Điều ấy không
phải là nhận xét theo thiên kiến của sư đồ, mà trên tiêu chuẩn của một
nhà giáo dục. Tôi còn nhớ rõ, vào chùa mới được vài hôm, kinh thì chưa
thuộc, thậm chí bài chú Đại bi, chú Bát nhã… cũng chưa thuộc, nhưng Ôn
chỉ dạy tôi học Luật. Mỗi thời Công phu tối, nhìn các bác Kiên, cô Cán,
cô Mười… tụng kinh làu làu, lòng tôi ái ngại, kính cẩn thưa Ôn cho con
học kinh trước, Ôn liền bảo: “Nghi tiên học Luật, hậu học Tu đa la”
nghĩa là trước tiên phải học luật, sau mới học kinh điển, thời gian
rảnh mới học kinh, bởi giới luật là nền tảng của Phật pháp, là thọ mạng
của Phật giáo… Sau này tôi mới nhận ra câu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” cũng chỉ là ý nghĩa thu nhỏ, mô phỏng lại lời dạy “Nghi tiên học Luật, hậu học Tu đa la” mà
chư Phật, chư Tổ đã dạy từ cách đây đến mấy ngàn năm. Và một nhà giáo
dục mô phạm phải dạy học trò của mình trên nền tảng ấy. Dưới sự chỉ dạy
và hướng dẫn của Ôn, chỉ sau một năm, chúng tôi đã làu thông 4 bộ luật
(Tỳ ni – Sa di – Oai nghi- Cảnh sách), thuộc cả chữ Hán và ý nghĩa của
từng chữ… bên cạnh ấy cũng thuộc luôn kinh Lăng Nghiêm, kinh Di Đà, Thập
Chú, những cách thức tán tụng, lễ nghi v.v…
Lúc
chúng tôi còn học ở Tu Viện Nguyên Thiều, cứ mỗi năm đến dịp Tết là
Trường được nghỉ, về lại chùa để đón Xuân, lo công việc trong những ngày
Tết. Sau rằm tháng Giêng lại từ giả Ôn để tiếp tục đi học lại. Lần đó,
chúng tôi y áo lên đảnh lễ Ôn để xuống Tu Viện học, Ôn dạy: Hai con[6]
thấy đó, chùa không có người, rất ít Tăng và điệu chúng để lo mọi việc
của một ngôi chùa Tỉnh (ngôi chùa lớn nhất tỉnh Gia Lai lúc bấy giờ)…
nhưng Thầy phải cho hai con đi học, do vậy hai con phải cố gắng tu học
thật tốt. Hai con nên biết, nếu hai con có làm gì nên tội, tội đó là do
nơi Thầy; bởi một vị Thầy mà có những đệ tử hư hỏng, làm chuyện phá đạo…
tội của vị thầy ấy nặng bằng tội của người đồ tể (người chuyên giết các
loài thú vật như heo, bò… để bán), v.v… Lời dạy ấy còn vang mãi bên
tai chúng tôi đến tận bây giờ, và có lẽ, chúng tôi sẽ không sao quên
được. Tâm huyết của một bậc Thầy, với tinh thần và trách nhiệm cao cả
đến dường ấy, đi cả cuộc đời này không dễ gì mấy ai có duyên may để tìm
được một bậc Thầy như Ôn vậy.
Trong rất nhiều kinh điển Phật giáo, nhất là các Kinh Trường Bộ, Trung Bộ… đều có đề cập đến sáu loại thần thông[7],
nhưng đức Phật luôn đề cao một loại thần thông khác, mà ý nghĩa của nó
được đức Phật nhấn mạnh là siêu việt hơn, đó là Giáo hóa thần thông.
Giáo hóa, thuật ngữ tương đương là giáo dục, giáo dục con người bằng hai
cách: thân giáo và khẩu giáo, và trong hai loại này, thân giáo luôn
được đề cao hơn khẩu giáo. Những ai đã từng diện kiến, gặp gỡ và sống
với Ôn, chắc chắn họ sẽ nhận ra ở nơi Ôn một thân giáo nghiêm minh và
chuẩn mực. Những năm Ôn đã 70, và 80 tuổi, nhưng sự hành trì giới luật
nghiêm minh, công phu tu tập và hướng dẫn hàng Tứ chúng[8]
tu tập của Ôn ít ai sánh bằng: Ôn thức dậy trước 3h sáng, súc miệng, vệ
sinh, đánh thức cả chùa dậy, rồi thọ trì kinh điển, đến 5h thì dạy kinh
luật cho các đệ tử, 6h đọc sách hay nghe Radio, 7h tiểu thực, 8h đến
11h (hay 13h đến 17h) hoặc thọ trì kinh điển, hoặc nghiên cứu kinh luật,
bữa củi, làm vườn, hay ứng phó đạo tràng… 17h30 dược thực, 18h nghe
Radio, 19h thọ trì kinh bộ… Quả thật thời khóa của một bậc cao niên như
vậy, hàng hậu bối chúng con cũng ít người theo được. Con còn nhớ, cách
đây khoảng 8 năm, lúc ấy Ôn đã 78 tuổi mà Ôn phát nguyện thọ trì bộ kinh
Đại Bát Nhã 600 cuốn, bằng tiếng Hán, ngày đêm sáu thời, tụng liên tục
đến cả một năm trời, không bao giờ Ôn bỏ thời khóa, chỉ trừ những khi có
công việc đặc biệt, hay bệnh duyên… thì Ôn mới tạm nghỉ một vài thời.
Ngoài thời khóa niên mật ấy, Ôn còn lo bao nhiêu việc Phật sự khác.
Những
thầy bạn đồng tu học của chúng tôi (thầy Quảng Phát, Nhuận Nhàn, Đức
Thi…), lúc còn học ở Tu Viện Nguyên Thiều, nghe nói đến chùa Tỉnh Hội
Gia Lai, đến Phố núi cổng trời… đều muốn đến thăm cho biết, và khi đã
đến rồi, ấn tượng khả kính và hình bóng uy nghiêm của Ôn sẽ in đậm trong
tâm những vị thầy trẻ ấy không nhòa được. Câu nói đùa mà thật của các
thầy ấy là: Đến cao nguyên Gia Lai, ở chùa Tỉnh Hội, sáng
sớm trời lạnh, ngủ mà quên dậy Công phu khuya (tụng kinh Lăng Nghiêm) sẽ
không có tiền về xe!
Đức
tánh nghiêm minh thọ trì giới luật, kinh điển của Ôn luôn là thân giáo
cao cả cho hàng Tứ chúng noi theo từ Gia Lai, Bình Định cũng như nhiều
tỉnh khác. Một đức tánh cao cả của Ôn mà ít người có được, đó là Ôn vừa
tiết kiệm hết mức, lại vừa rộng lượng đến không ngờ. Ôn không bao giờ bỏ
đi bất cứ một cái gì, dù là cái đinh cũ, nhánh củi khô… tất cả đều được
Ôn nhặt lấy cất đi, đợi khi dùng đến, không bao giờ bỏ phí. Ôn thường
bảo: Mọi vật dụng đều là mồ hôi, nước mắt của tín thí đàn na, người tu hành tuyệt đối không được phí phạm.
Nhưng ngược lại, sự rộng lượng là Ôn có thể ủng hộ hàng vài chục triệu
để giúp các chùa xây dựng, ủng hộ cho các bệnh nhân nằm bệnh viện, giúp
đỡ người khó khăn… hay cho hàng đệ tử chúng tôi đến cả vài nghìn Mỹ kim
để đi học trong và ngoài nước. Quả thật, mỗi một việc làm rất nhỏ của Ôn
như nhặt những chiếc đinh cũ rơi, những viên gạch vụn… cho đến những
đức tánh cao thượng… đều là những bài học vô giá, vô ngôn mà hàng Tứ
chúng luôn nhìn theo, noi gương để học tập.
Trong
cuộc sống của kiếp nhân sinh, đã mang xác thân tứ đại ngũ uẩn, ai cũng
phải trải qua bốn giai đoạn: sanh, già, bệnh, chết. Có khác chăng là tùy
theo nghiệp duyên trong những kiếp trước của mình, có người nhiều bệnh
hay ít bệnh, người trường thọ, kẻ chết yểu… Từ khi xuất gia đến năm Ôn
gần 80 tuổi, khoảng thời gian ấy, thân tứ đại của Ôn tráng kiện vô cùng,
thân thể phương phi, dáng người to khỏe, Ôn thức khuya, dậy sớm công
phu tu tập, tinh chuyên giới luật, dạy bảo đồ chúng, dấn thân phục vụ:
từ Thiên Trúc Bình Định đến Pháp Lâm Đà Nẵng; từ Tu Viện Nguyên Thiều
đến Long Khánh Qui Nhơn, hay từ Thập Tháp Bình Định đến Tỉnh Hội Gia
Lai… sự tinh tấn, hành trì và dấn thân của Ôn ít bậc trưởng thượng nào
bì kịp. Những năm 80 tuổi trở đi, thân Ôn mang nhiều bệnh duyên: từ bệnh
phong đến huyết áp, tiểu đường… những bệnh duyên hiểm nghèo ấy luôn
hành hạ thân xác Ôn làm hàng Tứ chúng cũng đau lòng, xót dạ.
Những
người sơ cơ, chưa hiểu về Phật pháp, không ít người nghi ngờ về đạo
hạnh tu tập của Ôn, đôi khi họ còn đặt lên nghi vấn: Tại sao một bậc tu
hành cao Tăng thạc Đức như Ôn vậy, lại mang nhiều bệnh duyên khổ sở?
Nhưng họ có biết đâu: Đức Thế Tôn còn thọ Kim thương mã mạch,
hay thị hiện tật bệnh để chứng nhập Niết bàn, Bồ Tát Duy Ma còn ngọa
bệnh để thuyết pháp độ sanh, tôn giả Mục Kiền Liên, thần thông đệ nhất
cũng chịu nạn đánh nát nhừ thân thể đến chết để trả những nghiệp xấu
trong tiền kiếp xa xưa, ngài An Thế Cao[9]
còn thọ quả báo kinh hoàng, ngài Ngộ Đạt Quốc Sư còn thọ bệnh mục ghẻ
hình người đau nhứt kinh hồn, phải bỏ chùa ra đi để cầu tôn giả Ca Nặc
Ca dùng nước Từ bi xóa sạch oan nghiệp… Sự mang những bệnh duyên của Ôn
để trả những nghiệp xấu trong tiền kiếp là điều không nghi ngờ được.
Nhưng những ai chứng kiến sự ra đi của Ôn sẽ kính phục bội phần, một sự
ra đi an lạc, nhẹ nhàng và thanh thản mà ngay cả những người hầu cận
chăm sóc Ôn như chúng tôi cũng không ngờ đến được.
Trước
ngày Ôn Viên tịch khoảng 20 ngày, lúc đó bệnh duyên Ôn trở nặng cực
điểm, các y bác sĩ đều hết cách chữa trị, họ đã thông báo người thân
chuẩn bị hậu sự cho Ôn, tất cả môn đồ pháp phái của Ôn từ các nơi đều
quay về bên Ôn. Lúc ấy đang học bên đất Ấn, nghe tin hết sức bàng hoàng,
tôi liền lấy vé máy bay, bay về gấp. Về đến nơi, những ngày sau đó Ôn
dần dần tỉnh lại. Mười ngày sau, bệnh của Ôn lại chuyển nặng, lần này
thì vạn tử nhất sanh, các Bác sĩ cho hay lục phủ ngũ tạng của Ôn đã bị
hư hết, tay chân co giật, tim và mạch cũng bắt đầu ngưng trệ, huyết áp
cũng tụt xuống mức báo động, phải dùng thuốc để duy trì, phân đen đã
xuất hiện[10]
nhiều ngày, v.v… sắc diện đã nhợt nhạt, hơi thở gấp gáp, đôi mắt và môi
không còn hoạt động… mọi hậu sự đã chuẩn bị xong, hàng Tứ chúng tập
trung lại bên Ôn luân phiên niệm Phật suốt ngày đêm không dừng nghỉ…
nhưng sau đó Ôn dần tỉnh lại. Những ngày sau đó, mọi việc diễn ra với Ôn
thật bất ngờ: hơi thở Ôn đã điều hòa lại, sắc diện hồng hào, tay chân
cử động và mềm mại ra, đôi mắt đã hoạt động và nhìn thấy được… Sự bất
ngờ đến độ Bác sĩ Mỹ, phó giám đốc bệnh viện tỉnh Gia Lai, vị Bác sĩ
Phật tử nhiệt tâm, tận tình phụ trách mọi bệnh tình của Ôn cũng vui mừng
khôn tả, và cho hay Ôn sẽ còn ở lại với chúng ta một thời gian dài nữa…
Ba
ngày sau, hôm ấy là tối ngày 13 tháng 10 âm lịch, đêm ấy là đêm cuối
của Ôn, tôi có phước duyên được hầu Ôn đêm ấy. Đêm ấy Ôn tỉnh táo lạ
thường, khi làm vệ sinh, thay đồ, đổi ra gường… cho Ôn, tôi và thầy
Nhuận Trí, cùng anh Khoa Phật tử còn giỡn đùa với Ôn rất vui, còn nói
bên tai Ôn: Ôn cố gắng dùng sức đưa phân trong người ra cho hết sẽ nhẹ bụng,
và Ôn đã đi giải thật nhiều… sau đó Ôn nghỉ thật bình an. Sáng hôm sau,
một ngày đẹp trời ngày 14 tháng 10 âm lịch, sắc diện Ôn vẫn hồng hào,
tay chân mền mại cử động nhẹ nhàng, đôi mắt vẫn nhìn thấy được… mọi việc
thật bình an và tốt đẹp. Tôi lên chào thăm Ôn và xin phép quí thầy để
vào chùa Mỹ Thạch Chư Sê lo công việc chùa và hướng dẫn Phật tử lạy sám,
tu tập... Thầy Đức Thi thì xin phép về chùa Bửu Hải để lo mọi việc,
chuẩn bị lễ Bổ Nhiệm Trụ Trì… Khi rời chùa khoảng 10 phút, tôi nhận được
điện thoại của thầy Nhuận Nhàn báo về gấp, vì Ôn mới Viên tịch, tôi cứ
tưởng là thầy Nhuận Nhàn đùa, nhưng ngờ đâu, đó là một sự thật !!!
Một
điều làm mọi người hết sức kính ngưỡng trong hàng Tứ chúng và cũng là
điều là các y bác sĩ ngạc nhiên là: những năm tháng ngọa bệnh, tay chân
Ôn cứng ngắt và co quắp lại không dễ gì co kéo cho thẳng ra được, hơn
nữa khoảng một tuần trước khi viên tịch, thì thần sắc Ôn lu mờ, hơi thở
gấp gáp, môi miệng nhợt nhạt, đôi mắt không hoạt động được…. ấy vậy mà
khoảng 3 ngày trước khi viên tịch, thần sắc Ôn tươi tỉnh lại, tay chân
mền mại, đôi mắt có thần và nhìn mọi người được, đôi môi đỏ lại… và Ôn
đã tự tại ra đi vào một buổi sáng đẹp trời ngày 14 tháng 10 âm lịch, ra
đi trong một trạng thái yên tịnh, tỉnh giác, nhẹ nhàng; ra đi tự tại, an
lành giữa một không gian và thời gian rất tốt đẹp như vậy. Thú thật,
trước kia, đôi khi chúng tôi cũng đau buồn vì nghiệp duyên của Ôn trong
quá khứ nên mới thọ lãnh những bệnh duyên nan y như vậy. Nhưng giờ đây,
chúng con kính phục vô vàn, vì Ôn tuổi cao sức kiệt, lại mang những bệnh
duyên đau nhứt toàn thân, nhưng những ngày cuối cùng, những giờ phút
sau cùng Ôn đã chiến thắng mọi tật bệnh, vượt qua những thử thách to
lớn, trả hết mọi nghiệp duyên, để xả bỏ xác thân giả tạm, ra đi an nhiên
với một phong thái tự tại, vô quái ngại, đó quả là một việc bất khả tư
nghì. Thậm chí đến khi thần thức Ôn đã giả từ thân xác giả tạm, nhưng
nhục thân Ôn vẫn tươi tắn, hồng hào, toàn thân mền mại cho đến lúc nhập
vào kim quan. Khi viên tịch, Ôn nằm một cách an tường, tự tại, nếu tình
cờ gặp Ôn nằm như vậy, chắc không ai tin là Ôn đã viên tịch rồi! Tất cả
những điều ấy là sự kiện khó nghĩ bàn, chúng con không sao suy nghĩ đến
được. Quả thật, nơi một bậc Chân tu suốt đời nghiêm trì giới luật, thọ
trì kinh điển, phụng sự đạo pháp, tiếp dẫn hậu lai… nơi một bậc đã liễu
đạo thì sống và chết là một, bệnh với không bệnh như nhau, làm sao chúng
con có thể đem tâm niệm phàm phu của mình để suy lường sự sống chết của
một hóa thân Bồ Tát.
Suốt
cuộc đời hành đạo, Ôn ít nói nhưng làm thật nhiều và luôn dùng thân
giáo để cảm phục mọi người. Những tháng ngày thọ nhận bệnh duyên, tuy Ôn
không nói được, nhưng qua sự xả bỏ báo thân một cách an tường tự tại,
siêu việt mọi bệnh duyên của Ôn… tất cả là những bài pháp sinh động, vô
ngôn và vô giá. Chúng con đã cảm nhận được phần nào về Di huấn vô ngôn
của Ôn đã âm thầm truyền trao. Chúng con nguyện luôn luôn khắc ghi Di
huấn vô ngôn ấy vào trong tận tâm trí, để luôn nhắc nhở mình dù gặp bất
cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải cố gắng vượt qua để đạt sự an tường
tự tại. Dù thân thể của Ôn có suy lão với muôn ngàn bệnh duyên trói
buộc, Ôn cũng đã phấn đấu đến cùng, dùng định lực bi trí tu tập của mình
để đạt đến sự thanh thản, an nhàn giải thoát mọi ràng buộc, hệ lụy của
kiếp sống nhân sinh. Qua sự ra đi một cách an tường và tự tại như vậy,
chúng con tin chắc rằng, Ôn sẽ nhanh chóng tái sanh trở lại để tiếp tục
hạnh nguyện của một bậc Thích tử trượng phu, thực hiện lý tưởng Bồ Tát,
báo Phật ân đức, tiếp dẫn hậu lai.
Gia Lai ngày 26 tháng 10 Canh dần
Đệ tử Ôn kính bút
T. Quảng Phước
[1]
Câu hỏi Thiền ngữ không thể dùng, khối óc, tư tưởng, hay suy nghĩ… để
trả lời được, chỉ khi nào Giác ngộ rồi mới có câu trả lời đích thực.
[2] Thầy Đức Quang bây giờ, xuất gia năm 12 tuổi.
[3] Thầy Đức Quang bây giờ.
[4]
Ngài Hưng Long là Sư phụ TT. Thích Đồng Hạnh (TT. Thích Đồng Hạnh là Sư
Phụ thầy Nhuận An, trụ trì tổ đình Hưng Long, Phước Hưng, Bình Định).
[5] Tôi và thầy Nhuận Nhàn.
[6] Tôi và thầy Nhuận Nhàn.
[7] Thần túc thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mệnh thông, tha tâm thông, và lậu tận thông.
[8] Quí Thầy, quí Cô, Phật tử nam và Phật tử nữ.
[9] Xem: Lược sử Đại Sư An Thế Cao trong bộ Cao Tăng Truyện và Phật Quang Đại Từ Điển.
[10] Theo sự cho biết của các Bác Sĩ, người bệnh nặng, lục phủ ngũ tạng đã hư, phân đen xuất hiện thì chuẩn bị lìa cõi thế.