25/11/2010 18:38 (GMT+7)
Số lượt xem: 54205
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khoảng năm 1970, sư cụ Đỗng Quán đưa mấy anh em chúng con (ở chùa Tịnh Liên) về thăm chùa Thập Tháp, đảnh lễ ngài Kế Châu, lúc đó trong phương trượng có ngài Gíac Ngộ. Thật ra lúc đó con chỉ biết thoáng qua, bởi anh em chúng con, đảnh lễ quý ngài rồi đi ra bên ngoài. Đây là lần đầu tiên con được gặp ôn.

Trên đường trở về chùa Tịnh Liên, sư cụ Đỗng Quán hỏi anh em chúng con có biết đó là thầy nào không ? (Đây là một đặc điểm của cụ Đỗng Quán, sau khi đưa đi thăm viếng ở đâu, cụ thường kể cho chúng con sơ qua về địa danh và nhân vật vừa mới gặp). Sư cụ Đỗng Quán kể cho chúng con biết hai ngài mà chúng con vừa đảnh lễ đó là ngài Kế Châu, mọi người thường gọi là ngài Thập Tháp, còn ngài Gíac Ngộ thường gọi là thầy Thiên Trúc. Sau lần đó con đi học xa không có dịp gặp lại ôn.

Những năm từ 1970 đến 1974, chiến cuộc ngày càng lan rộng, dân chúng từ các vùng nông thôn xa xôi, phải bỏ quê hương, nhà cửa, ruộng vườn kéo nhau về phố thị mong tìm sự bình yên, trong đó có tăng chúng Tổ đình Thắng Quang, một trong những nơi họ chọn đến là Pleiku. Vậy là trong kỳ nghỉ hè năm 1974 con lên Pleiku thăm người anh là thầy Hạnh Phương đang ở chùa Quang Minh. Từ Bình Định lên Pleiku, con đến chùa Tỉnh hội, được chú Lượng hướng dẫn đến đảnh lễ ôn . (lúc đó ôn trú trì chùa Tỉnh hội) . Dáng người đẫy đà, chắc nịch, với chiếc áo nhật bình bình dị, ôn đáp lại chào hỏi của con bằng nụ cười và cái gật đầu cùng vài câu hỏi thông thường. Đây là lần thứ hai con gặp thầy Thiên Trúc.

Sau ngày thống nhất non sông, con về ở tại chùa Quang Minh, Pleiku và thường xuyên gần gũi, học tập với ôn. Những mùa an cư kiết hạ các thầy được học với ôn các môn: Pháp sự khoa nghi (học nghĩa), Sa di luật giải, Quy sơn cảnh sách, Duy thức phương tiện đàm, luật Tứ phần, luật Trùng trị, Bồ Tát giới kinh … Mỗi lần dịch xong một đoạn, ôn thường mĩm cười và nói : có thầy nào dịch lưu loát hơn không ? Ngoài ra ôn còn hướng dẫn cách xướng tụng Hoa Nghiêm tự mẫu và Phổ am. Ôn thường động viên các thầy chia xẻ những kinh nghiệm tu tập với đại chúng.

Thời gian tham gia công tác Giaó hội, mỗi lần có việc không giải quyết được, con thường đến xin ôn chỉ giáo, hay có lúc ôn cho gọi về chùa Bửu Thắng để hỏi han, nhắc nhỡ công việc. Những lúc đàm đạo, ôn thường tâm sự: Các thầy còn sức khỏe, phải chung lo công tác của Gíao hội, tôi lúc nào cũng là một tu sĩ sinh hoạt trong lòng Gíao hội.

Thời gian vẫn trôi, cuộc thế vô thường … Ngày ôn lâm bệnh, nhớ lời ôn dạy ngày nào : “ Thăm bệnh là sự động viên tinh thần rất có ý nghĩa để người bệnh vượt qua bệnh tật ”. Đến thăm ôn tại bệnh viện, năm lấy bàn tay xương xẫu của ôn, nhìn ánh mắt  từ hòa của ôn … trong con bao nhiêu ký ức lại hiện về : Mới ngày nào cùng ôn đi làm rẫy ở chùa Bửu Quang, cùng ôn đi dự hội họp, cùng ôn đi chùa Hương  … thế mà 35 năm đã đi qua. Ôi ! sự nghiệt ngả của vô thường, soi gương nhìn lại  bỗng thấy mình tóc trên đầu đã hoa râm !

Ghi lại những ký ức về ôn như một nén tâm hương, giữa muôn trùng diệu vợi, ôn bây giờ như áng mây từ buông tỏa giữa thái không tĩnh lạc và bao dung, dịu dàng như giọt nước cành dương, chúng con mãi rong chơi  trên muôn vạn nẽo đường, mong đợi ánh từ quang như đêm dài đón chờ ánh bình minh đến.

 

Ôn là thầy Thiên Trúc.


Âm lịch

Ảnh đẹp