Câu chuyện Cổ Tích thời đại “Sơn & Hoa”


Cảm ơn Thi sĩ Mặc Giang đã gởi bài này
21/11/2010 18:16 (GMT+7)
Số lượt xem: 6191
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Có một câu chuyện kỳ lạ như cổ tích thời hiện đại: Người vợ van lạy xin cha mẹ chồng cho chồng được… sống. Để chồng sống được thì phải cắt cả tay lẫn chân. Đó là câu chuyện về cặp vợ chồng có số phận vô cùng đau đớn.


Dòng điện cao thế oan nghiệt


Ở tuổi 32, có vợ và một đứa con, tương lai đang ở phía trước, những tưởng cuộc sống của Trần Văn Sơn sẽ xuôi chèo mát mái, nào ngờ dòng điện cao thế oan nghiệt đã cướp hết hi vọng. Hai tay bị cưa cụt, một chân cụt đến đầu gối, một chân mất hết ngón. Những tưởng đó là nỗi đau lớn nhất rồi, nhưng còn một nỗi đau lớn hơn, đó là những người thân không muốn anh tồn tại trên cõi đời này nữa…

Tôi gặp vợ chồng Trần Văn Sơn vào một buổi chiều muộn, ở Bệnh viện Chỉnh hình Tam Điệp (Ninh Bình), nơi vợ chồng Sơn xác định phải gắn bó lâu dài. Trong câu chuyện, có nhiều nước mắt, trăn trở, song vẫn le lói hi vọng.

Học xong lớp 12, chàng trai Trần Văn Sơn rời mảnh đất đồi đá sỏi gan trâu Khê Hạ (Yên Đồng, Yên Mô, Ninh Bình) vào TP. Hồ Chí Minh học nghề, rồi lập nghiệp. Giỏi giang, có tay nghề cao, nên anh được nhận vào làm ở một công ty chuyên lắp máy.

Công ty phát triển ra ngoài Bắc, Sơn được cử ra ngoài Bắc công tác. Hồi lắp dây chuyền cho một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam), anh đã quen Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1979, kém Sơn 1 tuổi. Khi đó, Hoa mới tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành kế toán, làm việc ở nhà máy da giầy Thượng Đình, chi nhánh ở Đồng Văn.

Quen nhau, yêu nhau, hai người đã đi đến kết hôn. Quê Hoa ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, gần khu công nghiệp Đồng Văn, nên hai người đã ở nhà bố mẹ vợ, sáng đi làm, tối về. Hoa mang bầu, sinh em bé, sức khỏe yếu, nên đã nghỉ làm, ở nhà trông con, để chồng chuyên tâm vào công việc.

Có tay nghề gò hàn rất vững, Sơn nghỉ việc ở công ty, cùng với một bà chị quen biết, ở Hà Đông, lập xưởng chuyên làm cửa cuốn ở Ba La. Sơn được giao quản lý phụ trách toàn bộ xưởng.

Công đoạn cuối cùng để chuẩn bị cho ngày khai trương là treo 3 chiếc biển lớn. Không yên tâm với đám thợ, Sơn trực tiếp trèo lên mái nhà treo biển. Thợ phụ đứng dưới đẩy biển lên, anh đứng trên mái nhà ròng dây kéo. Khi tấm biển được kéo lên, anh đứng giữ biển theo thế thẳng đứng chờ thợ lên phối hợp cùng lắp.

Không ngờ, dòng điện từ hệ thống cao thế chạy trên mái nhà bỗng phóng điện vào chiếc biển quảng cáo. Sơn nhớ lại: “Tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn, giật bắn người, rồi không biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy, đầu óc vẫn tỉnh táo, nói năng bình thường, nhưng tay chân thì không cử động được. Lúc đó, cơ thể nóng ran, cứ như đang nằm trong lò nướng bánh mì. Cảm giác ấy sợ thật!”.

“Lúc đó, em đang lúi húi lau dọn ở phòng trong. Bỗng nghe thấy tiếng nổ lớn, liền chạy ra, thì mọi người bảo anh Sơn bị điện giật chết rồi. Lúc đó, em cứ đờ đẫn, không biết nói gì, không biết làm gì. Mọi người giữ chặt em vì sợ em xông vào sẽ bị điện giật tiếp. Hàng ngàn người kéo đến xem, chật kín đường. Cứ như vô thức, chẳng có cảm xúc gì, em bấm điện thoại gọi điện cho anh trai bảo chồng em chết rồi. Em gọi điện thông báo cho hai bên gia đình, lại còn dặn gia đình chuẩn bị làm tang ma. Khoảng 20 phút sau thì nghe thấy tiếng anh Sơn gọi: Có ai không, cứu tôi với! Nghe thấy tiếng anh ấy, tự dưng em òa khóc nức nở” – chị Hoa nhớ lại cảm giác khi đó.


Gia đình “nhất trí” để con… chết

Sau khi cắt điện, nghe tiếng kêu cứu, mọi người mới dám trèo lên mái đưa Sơn xuống. Khi vào Viện Bỏng Trung ương, bác sĩ ái ngại nhìn Sơn lắc đầu bảo khó có thể sống được. Toàn bộ hai tay, hai chân đã bị cháy, một mảng ở bụng cũng cháy xém. Dòng điện ảnh hưởng đến cả lục phủ ngũ tạng. Theo các bác sĩ, sở dĩ anh không chết ngay là vì dòng điện… quá mạnh. Dòng điện phóng xuống, trong chớp mắt đã đốt cháy tay chân thành than, nên dòng điện không tiếp tục truyền qua “than” vào cơ thể.

Những ngày nằm trong bệnh viện, Sơn hoàn toàn vô cảm với cái đau. Bác sĩ thay băng cũng không thấy đau đớn gì. Thịt da cháy rồi thì con đau gì nữa. Sau 3 ngày theo dõi, thịt ở tay, chân chuyển màu xanh lè, bốc mùi thối, trong khi đó thận lại suy nặng. Truyền nước vào cơ thể, thận không lọc được, nên người phù lên, da nứt nẻ toang hoác. Cũng may, sức mạnh tinh thần đã giúp anh chiến thắng bệnh tật, đôi thận đã phục hồi khá nhanh.

Khi thận phục hồi, tính mạng đã thoát khỏi tử thần, bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật. Để phẫu thuật, cần có sự đồng ý của bố mẹ vào lá đơn. Tuy nhiên, bố mẹ đẻ của anh Sơn không đồng ý cho bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Gia đình “nhất trí” để con trai mình được… chết. Đó là những ngày vô cùng căng thẳng, đau đớn. Ngày thứ 5 trong quá trình chờ lên bàn mổ, nếu không mổ nhanh thì anh Sơn sẽ chết vì nhiễm trùng, chị Hoa một lần nữa van lạy bố mẹ chồng cho chồng được sống. Thế nhưng, bố mẹ anh Sơn vẫn nhất quyết chối từ sự sống của anh: “Thằng Sơn chết đi thì tôi đau một lần, chứ nó sống què quặt thế này thì tôi đau cả đời”.

Nhưng rồi, với sự quyết tâm giành giật sự sống cho chồng của chị Hoa, anh Sơn đã được lên bàn mổ. “Hôm mổ anh Sơn, em cũng được chứng kiến. Anh ấy bình thản nhìn bác sĩ cắt thịt, cạo xương. Thịt cháy, xương cũng cháy trắng xóa như vôi bột, chẳng có máu me gì cả. Nhìn cảnh đó, em cứ xỉu dần rồi ngất lịm” – chị Hoa nhớ lại.

Từ ngày cưa tay chân, cứu mạng sống chồng, một số người trong gia đình chồng ghét chị Hoa ra mặt. Họ coi việc làm của chị mang lại gánh nặng cho gia đình và anh Sơn. Chị Hoa bảo: “Dù anh ấy mất tay, mất chân, nhưng anh ấy còn trái tim, em còn chồng, con gái em còn có cha. Mất tay, mất chân thì có chân tay giả, chứ mất mạng sống thì mẹ con em chẳng còn gì. Còn anh ấy, em sẽ có niềm tin để thấy cuộc sống này còn ý nghĩa hơn”.
Dù từng bị gia đình từ chối sự sống, song vợ chồng anh Sơn cũng không oán hận ai cả. Anh Sơn hiểu rằng, cha mẹ nào cũng thương con và nỗi đau của người thân khi anh gặp hoàn cảnh này là quá lớn. Có tình thương vô bờ bến của người vợ, anh cảm thấy vui sống hơn và thấy cuộc đời còn có nhiều ý nghĩa để tiếp tục sống.

Từ ngày bị điện giật, rồi cưa cả hai tay, chân, đã một năm trôi qua, sức khỏe anh Sơn đã hồi phục, song vẫn phải nằm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Bệnh viện Chỉnh hình Tam Điệp đã dành cho vợ chồng anh một căn phòng để ở. Chị Hoa mang xoong nồi, bát đĩa lên bệnh viện, rồi đưa cả con gái lên. Đoạn đời trước mắt của anh Sơn có thể ở viện nhiều hơn ở nhà.
Tôi hỏi: “Từ ngày anh nằm viện đến nay, đã tiêu hết bao nhiêu tiền rồi?”. Chị Hoa lẩm nhẩm một lúc rồi bảo nhiều quá không nhớ nổi. Gia đình có bao nhiêu tiền thì dồn hết cho anh, rồi vay mượn khắp làng xóm, họ hàng. Toàn bộ số tiền chuẩn bị xây nhà của anh trai chị Hoa cũng đã biến thành viện phí cả. Nhà anh Sơn thì nghèo, nhà chị Hoa thì cũng không khá giả gì. Tiền nong tiêu tốn, chị Hoa lại không đi làm được vì phải chăm sóc chồng 24/24. Mọi việc ăn uống, vệ sinh, di chuyển của anh Sơn đều phụ thuộc vào vợ.
Rời Bệnh viện Chỉnh hình Tam Điệp, quả thực tôi chẳng biết nói lời nào cả. Với nghị lực và tình yêu của họ có lẽ mọi lời động viên đã trở thành vô nghĩa.

Viết bởi Một người thăm viếng


Âm lịch

Ảnh đẹp