25/11/2010 18:38 (GMT+7)
Số lượt xem: 53113
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhắc đến Hoà thượng Giác Ngộ thì không một ai không ngưỡng mộ và kính phục đức hạnh và đạo phong khả kính của Ngài.

 Sự nghiệp tu tập và hoằng dương Chánh pháp của Ngài là một tấm gương sáng cho hàng Tăng ni và Phật tử noi theo. Hình ảnh của Ngài như một ngọn gió mát, như vầng trăng sáng chiếu  soi trong đêm trường mờ mịt.

 

Từ Bình Định Ngài lên Pleiku – Gia Lai hành đạo trong giai đoạn  tổ quốc vừa thống nhất. Sau năm 1975 đất nước còn nghèo, dân còn khổ ! Do vậy đạo pháp cũng cùng chung số phận. Giai đoạn chuyển tiếp này mà nếu không có cơ trí, không biết quyền biến uyển chuyển để sống và làm phật sự, thì coi như bế tắc.

 

Thật lạ thường thay! Dù cuộc đời có gió táp, mưa sa thì Ngài vẫn như một tượng vương, oai nghi đĩnh đạc; luôn xứng danh là bậc mô phạm cho Tăng ni và Phật tử ở vùng cao này. Không những thế, lời nói của Ngài luôn đi đôi với việc làm, trước sau như một, không sợ gian lao, không từ khó nhọc. Ôi! Cuộc đời của Ngài từ khi xuất gia cho đến ngày thâu thần thị tịch, hơn 60 năm hành đạo như một bài thơ tuyệt tác .

 

Trong thời đại khó khăn của đất nước, Tăng ni còn khổ, Phật tử còn nghèo, Ngài y theo lời Tổ dạy: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, Hoà thượng không những khuyến khích Tăng ni, Phật tử siêng năng lao động mà đích thân Ngài cũng lao động một cách hăng say. Lúc đó, hàng Phật tử vì quá thương mến Ngài thấy vậy nhiều người không cầm nước mắt. Nhớ lại ngày ấy Hoà Thượng đã từng mang thùng, đi xin từng thùng phân, gánh về tưới su su, bắp cải….

 

     “Thích tử với danh xưng bần đạo,

Thân có bần chứ đạo có bần chi.

Bần biểu hiện áo khâu áo vá,

Đạo không bần tâm chứa Như ý châu.”

 

Có giai đoạn Hoà Thượng lên Chùa Bửu Nghiêm cuốc đất trồng lúa và khoai (bởi diện tích chùa Bửu Nghiêm khi đó còn khá rộng) . Một hôm, vào bữa cơm  trưa, có đạo hữu nhìn mâm cơm đạm bạc nói đùa rằng: “Người ta ngồi mát ăn bát vàng, còn quý Thầy chỉ ăn cơm độn ( ghé)  với su su chấm muối. Mà sao độn (ghé) nhiều vậy?”  Lúc đó, tôi trả lời: “Độn (ghé) khoai, sắn ít chứ độn (ghé) nhiều thì cũng mạt, lắm người không có khoai mà độn (ghé) nữa kìa”. Ăn xong mời Hoà Thượng vào chùa nghỉ, Ngài nói: “Mình mẩy lấm lem, thôi để tôi ngồi đây nghỉ một chút rồi làm luôn cho tiện”. Làm việc rất cực nhọc, vất vả nhưng Ngài vẫn an nhiên tự tại, sáng đi tối về. Và Ngài còn luôn nhắc nhở các thầy, các chú phải xem lao động là nghĩa vụ; lao động là niềm vui đạo vị ! Tổ Bách Trượng đã từng dạy như thế mà !

Ngài là vậy, mặc dù trải qua những thăng trầm, bão táp của thời cuộc nhưng bản lãnh và ý chí phi thường của Ngài đã vượt qua tất cả để trở thành một tấm gương sáng cho chúng ta hôm nay.

 

Về phần tu tập, hướng dẫn cho Tăng ni, Phật tử thì Ngài luôn nhắc nhở, giáo huấn hết lòng. Nhất là vào những tháng an cư, Ngài luôn ân cần sách tấn cho hai giới: Xuất gia và tại gia, phải biết thúc liễm thân tâm, tinh cần tu học trong ba tháng hạ mà Đức Phật đã chế. Riêng hàng cư sĩ thì Ngài luôn  mở khóa tu Bát Quan Trai để cho họ có cơ hội thực tập tu tập theo hạnh người xuất gia, và có tư lương sanh về Tịnh Độ.

 

        Thời gian thấm thoát đã mấy mươi năm, nay thì Ngài đã an nhiên về cõi Phật để lại niềm thương nỗi nhớ cho Tăng ni, Phật tử ở miền đất đỏ Tây Nguyên này. Tuy Ngài đã xả báo thân để trở về với bản thể chân như nhưng hình bóng của Ngài luôn in đậm vào tâm trí của Tăng ni và Phật tử chúng con.

Cả một đời Ngài lặng lẽ làm phật sự, làm mà không vướng bận. Phủi tay  rũ áo nhẹ nhàng ra đi, tựa như bài thơ của Thiền Sư Hương Hải:

Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm

Thiền sư Hương Hải (1627-1715)


Nhạn và Bóng

Nhạn vút qua không
Bóng chìm nước lạnh
Để dấu: nhạn không có ý
Giữ bóng: nước cũng vô tâm

Võ Đình (1933-2009)

 

        Kính bạch Giác linh Hoà Thượng! Hãy mỉm cười cho chúng con,vì  đã nhắc lại những điều mà Ngài cho là vụn vặt. Tuy nhiên những chuyện vụn vặt đó chính là những hạt nắng, những hạt mưa,  là chiếc lá vàng rơi, điểm tô trên mặt đất.  Với chúng con, những hồi ức đó  là những kỷ niệm khó phai. Mãi mãi chúng con không bao giờ quên được bài học thân giáo của Ngài. Ôn lại một vài kỷ niệm nhỏ, để nhớ đến nhân cách lớn của Ngài, để soi chiếu nhắc nhở Tăng Ni Phật tử chúng con trên đường hoằng dương đạo pháp.

        Cầu nguyện Giác linh Hoà Thượng cao đăng Phật quốc, sớm trở lại cõi Ta bà để nhiếp hóa  chúng sanh.

 

Nam mô A Di Đà Phật

Hòa Thượng Thích Từ Hương

 


Âm lịch

Ảnh đẹp