Chương 1: Dẫn nhập
Siddhārta Gautama được hàng triệu phật tử trên khắp năm châu tôn xưng
là đức Phật hay đức Phật Cồ-Đàm ra đời vào khoảng 556 năm trước Tây
Lịch, tại thành Kapilavathu, phía bắc Ấn Độ nay thuộc nước Nê-Pal. Để
tìm chân lý giải thoát khổ đau cho nhân sinh, Ngài đã kinh qua nhiều
triết thuyết và hệ thống đạo giáo khác nhau đương thời. Cuối cùng, bằng
nỗ lực cá nhân, Ngài đã khám phá một con đường mới chính là Bát Chánh
Đạo. Con đường này giúp chúng ta hiểu được Tứ Thánh Đế và vì thế chấm
dứt khổ đau, đoạn tận luân hồi.
Tư tưởng của Phật giáo nằm trong ba bộ kinh thường được gọi là Tam
Tạng kinh điển (the Tripiṭaka) gồm có: Kinh tạng, Luật tạng và Luận
tạng. Kinh điển không được ghi chép trong thời đức Phật còn tại thế. Lời
dạy của Ngài được ghi nhớ và khẩu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác
cho tới năm 29 - 17 trước Công nguyên. Tam tạng Thánh điển được ghi
chép lại ở Aluvihāre, Matale, Sri-Lanka(1).
Tác phẩm này được dựa trên tư tưởng Phật giáo bao gồm nhiều chương
khác nhau mà các nhà xã hội học hay nhân loại học ngày nay quan tâm
nghiên cứu. Tài liệu chính sử dụng trong quyển sách này được lấy từ các
bản kinh thuộc Phật giáo Nguyên thủy. Những bản kinh thuộc hệ Pāli thời
kỳ đầu là những nguồn khảo cứu có độ chính xác cao được người nghiên cứu
quan tâm hàng đầu. Những kinh văn Pāli và Sanskrit giai đoạn sau chỉ
được dùng để triển khai hay làm sáng tỏ những lời dạy của đức Phật được
tìm thấy tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy.
Trong công việc phiên dịch các dữ liệu thu thập được, người nghiên
cứu sử dụng phương pháp so sánh giữa các bản Kinh và Luật làm nguyên tắc
chủ đạo. Trong chừng mực có thể, người nghiên cứu cũng sử dụng những
Luận giải của các vị Tổ sư được lưu giữ trong Luận tạng. Để hiểu hơn lời
Phật dạy, ngoài sưu tầm nghiên cứu, việc tái khám phá hay tái kiểm
chứng thông qua thực hành là việc làm hết sức cần thiết. Vì thế, người
nghiên cứu hết sức thận trọng để tìm hiểu tư tưởng Phật giáo một cách
trọn vẹn và áp dụng nó vào những tình huống sống động trong cuộc sống
hiện đại.
Tư tưởng về xã hội của Phật giáo không tập trung trong một bộ kinh
hay một quyển kinh nào. Vì thế, người nghiên cứu phải đọc hầu như toàn
bộ ba tạng kinh điển để thu thập những dữ liệu có liên quan đến xã hội,
sau đó liên kết chúng lại nhằm hệ thống hóa học thuyết xã hội một cách
mạch lạc. Ta nên biết rằng, đức Phật không bao giờ giảng dạy để tạo ra
một hệ thống xã hội hay bất cứ học thuyết nào, mà chỉ đem lại giải thoát
khổ đau cho chúng sanh.
Trong khi nghiên cứu về tư tưởng xã hội học của Phật giáo, người
nghiên cứu sử dụng chủ yếu hai tạng Kinh và Luật, bởi hầu hết tư tưởng
có liên quan đến xã hội đều nằm trong hai bộ này. Còn Luận tạng - được
các nhà Ấn Độ học quan tâm xem như là nguồn tham khảo thứ ba khi nghiên
cứu Kinh và Luật - cũng được người nghiên cứu rất thận trọng khi tham
khảo nhưng chỉ sử dụng vài điểm trong bộ này.
Nếu muốn phát triển bộ môn xã hội học Phật giáo - những lời dạy của
đức Phật về xã hội - buộc ta phải nghiên cứu, thâm nhập Kinh, Luật một
cách toàn diện. Tác phẩm này chỉ là một đề cương, một nỗ lực khiêm tốn
để khuyến khích và cổ vũ giới học giả xã hội học và nhân loại học tiếp
cận vào mảnh đất màu mỡ, đầy triết lý của tư tưởng Phật giáo trong tương
lai.
Các chương trong quyển sách này được sắp xếp theo một thứ tự đặc biệt
với ý tưởng phác thảo những nét chính của xã hội học Phật giáo. Các
chương đầu tiên đề cập về các vấn đề như gia đình, quá trình xã hội hóa,
các thể chế xã hội (như kinh tế, chính trị, tôn giáo và giáo dục), rồi
tiếp đến là chương nói về thân phận phụ nữ, phân tầng xã hội, các vấn đề
xã hội (như rượu, ma túy), bạo hành và chủ nghĩa khủng bố, cấu trúc xã
hội, sức khoẻ và cuối cùng là chương nói về tội phạm và các vấn đề liên
quan đến sự trách phạt. Mục tiêu của quyển sách này là chú ý trọng tâm
tới những điều mới mẻ và thực tiễn của Phật giáo trong việc hội nhập
hoàn toàn vào xã hội hiện đại.
Thế giới ngày nay đang phải vật lộn để tìm ra phương pháp giải quyết
hàng nghìn vấn đề nan giải tồn tại trong xã hội. Nhiều triết lý hay học
thuyết đã từng một thời được xem là kim chỉ nam đã không còn thích hợp
với những vấn đề mới phát sinh trong xã hội hiện nay. Tư tưởng xã hội
Phật giáo nếu được nghiên cứu sâu hơn từ các quan điểm về xã hội học và
nhân loại học thì có thể cung cấp những giải pháp thú vị cho những vấn
đề nan giải như thế.
Liên quan đến vấn đề này, xin trích dẫn sơ lược vài ví dụ. Nền dân
chủ mà chúng ta thường đề cập tới được hiểu theo tư tưởng Phật giáo là
một lối sống. Đó không phải chỉ là tiến trình bầu cử lựa chọn người lãnh
đạo hay là sự tự do bày tỏ quan điểm cá nhân. Dân chủ theo Phật giáo
đòi hỏi giới cầm quyền phải có những phẩm chất nào đó để lãnh đạo và xem
xét điều gì là cần thiết để thiết lập sự tự do bày tỏ quan điểm cá
nhân. Thậm chí, một quyết định theo đa số cũng chưa thể xem là dân chủ
khi nó mâu thuẫn với chân lý. Trong kinh điển đã cẩn thận nêu ra những
cách thức và phương tiện để đạt được sự đồng thuận của người dân trước
một vấn đề nào đó.
Phật giáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục trong một quốc
gia dân chủ. Dân chủ sẽ không phát huy nếu người lãnh đạo và dân chúng
thiếu giáo dục. Một khi sự phân biệt giữa hai giai cấp thống trị và bị
trị giảm tới mức thấp nhất, cán cân quyền lực chia đều nhau ở cả hai bên
thì sẽ không có tình trạng độc chiếm quyền lực mãi mãi, trái lại thay
phiên nhau nắm quyền. Mặt khác, khi phân tích học thuyết về quyền lực,
Phật giáo nêu ra năm loại quyền lực khác nhau và nhấn mạnh đến quyền lực
về trí tuệ như là một nhân tố chính điều khiển bốn quyền lực còn lại.
Nếu không có trí tuệ thì những quyền lực khác như giàu sang, quần chúng,
địa vị và dòng dõi sẽ trở nên vô nghĩa.
Sự hòa nhập xã hội theo quan điểm của Phật giáo là một kinh nghiệm có
được trước khi chúng ta sinh ra (còn trong bụng mẹ), hoặc dĩ nhiên có
liên quan đến nhiều kiếp trước. Đức Phật giải thích giai cấp không có
liên quan đến dòng dõi gia đình mà do chính hành động của một người tạo
nên. Ngài đưa ra một lý thuyết kinh tế mà từ đó giúp cho mọi tầng lớp
trong xã hội có cơ hội công bằng để tiếp cận các nguồn vật chất và tinh
thần bằng chính nỗ lực của bản thân và cũng như không cho phép bất kỳ cá
nhân nào bóc lột xã hội vì sự ích kỷ của mình.
Về tội phạm và hình thức khiển trách được Phật giáo quan sát từ những
khía cạnh khác nhau. Việc khiển trách khi thực hiện với mong muốn người
phạm tội sẽ lại trở thành một công dân tốt hay là khiến họ phạm tội
nhiều hơn và bị xã hội xa lánh? Luật án treo Parivāsa là bộ luật trọng
tâm trong giới luật Phật giáo. Ta nên nghiên cứu và phân tích những điều
luật này để khám phá nhiều điều hữu ích có liên quan đến hình thức xử
trị ngày nay.
Mối quan tâm tuyệt đối của Phật giáo về vấn đề môi trường là một lãnh
vực quan trọng kế tiếp. Môi trường không chỉ có loài người mà còn bao
gồm hệ thực vật và động vật – toàn thể thiên nhiên. Tôn trọng cuộc sống
bắt đầu từ loài người, sau đó mở rộng đến các loài động vật, thực vật,
và cho đến trái đất, mặt trời, mặt trăng, các vì sao v.v... Nếu quy tắc
tôn trọng này được thực hiện một cách nghiêm túc thì thiết lập được sự
thăng bằng giữa con người và thiên nhiên.
Bạo hành và khủng bố đã trở thành một ‘hiện tượng tự nhiên trong thế
giới hiện nay. Những hành vi khủng bố hay bạo động hầu như xảy ra hằng
ngày trong thế giới chúng ta. Làm thế nào để giảm thiểu hành vi khủng
bố, bạo lực và ngăn chặn không cho chúng xảy ra? Làm thế nào để giải
thích trọn vẹn ý nghĩa bất hại (non-violence) và áp dụng chúng để đem
lại lợi ích cho các loài hữu tình? Các vấn đề này đã được phân tích và
ghi lại trong kinh điển Phật giáo.
Đối tượng nghiên cứu của xã hội học là con người, trong khi đó, xã
hội học Phật giáo có những bước nghiên cứu xa hơn không chỉ nói về con
người mà còn đề cập đến các loài hữu tình khác như động thực vật, các
loài phi nhân v.v.. Nhãn quan của xã hội học Phật giáo rộng hơn nhiều so
với xã hội học thông thường. Xã hội học Phật giáo nỗ lực quan sát và
tìm hiểu phản ứng không chỉ của con người với con người trong đời này mà
còn ở những đời khác trong vòng sinh tử luân hồi.
Quan điểm của Phật giáo đối với các vấn đề xã hội có tính thực tế.
Loài người bị tham ái chế ngự, vì thế các vấn đề xã hội khó mà dập tắt.
Cố gắng giải quyết hoàn toàn các vấn đề xã hội là việc làm không tưởng,
phương pháp tốt nhất là tìm hiểu và hòa giải với chúng. Thái độ này giúp
chúng ta kiểm soát được chúng, đó chính là một giải pháp mang tính thực
tế.
Hiểu mình, biết người sẽ cho chúng ta một cuộc sống an lạc và hạnh
phúc, giảm thiểu đến mức thấp nhấp xung đột nội tại và ngoại tại. Rất
thường xảy ra việc tự mình xung đột với chính bản thân mình sau đó lan
sang cho kẻ khác. Càng ít xung đột nội tại, thì càng ít xung đột với tha
nhân. Xã hội học Phật giáo mở đường cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạn
chế thấp nhất cuộc chiến tự thân và tha nhân.
1. DPV XX 14 66; MHV XXXIII. 3466