Xã hội học Phật giáo
Quyển Xã hội học Phật giáo của tiến sĩ Ratnapala được thầy
Thích Huệ Pháp dịch là tác phẩm tương đối hoàn chỉnh và có hệ thống về
chủ đề này.
TỦ SÁCH ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
NANDASENA RATNAPALA
XÃ HỘI HỌC PHẬT GIÁO
BUDDHIST SOCIOLOGY
THÍCH HUỆ PHÁP
- dịch -
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HOÁ SÀI GÒN
MỤC LỤC
Những chữ viết tắt
Lời giới thiệu
Lời người dịch
Chương 1: Dẫn nhập
Chương 2: Phương pháp luận trong tư tưởng Phật giáo
Chương 3: Gia đình
Chương 4: Hội nhập xã hội
Chương 5: Phân tầng xã hội
Chương 6: Phụ nữ và xã hội
Chương 7: Học thuyết chính trị trong truyền thống Phật giáo
Chương 8: Nền kinh tế Phật giáo
Chương 9: Phật giáo và giáo dục
Chương 10: Tội phạm và kiểm soát hành vi xã hội
Chương 11: Phật giáo đối với các vấn đề bạo lực, khủng bố
Chương 12: Phật giáo với các vấn đề xã hội như: Rượu và các chất làm say
Chương 13: Quan điểm về sức khỏe của Phật giáo
Thư mục tham khảo
NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT
A - Anguttara Nikāya (Kinh Tăng Chi Bộ)
AA - Commentary on A (Chú giải kinh Tăng Chi Bộ)
Comy - Commentary (Chú giải)
CV - Cūlavaṃsa (Tiểu sử)
D - Dīgha Nikāya (Kinh Trường Bộ)
DA - Commentary on D (Chú giải kinh Trường Bộ)
DhA - Commentary on Dhammapala (Chú giải kinh Pháp cú)
DhP - Dhammapada (Kinh Pháp cú)
Dial - Dialogues of the Buddha (Kinh Trường Bộ)
DPV - Dīpavaṃsa (Đảo sử)
GS - Gradual Sayings (Kinh Tăng Chi Bộ)
J - Jātakas (Kinh Bổn Sanh)
J tr - Jātaka Translation (Kinh Bổn Sanh dịch)
KS - Kindred Sayings (Kinh Tương Ưng Bộ)
M - Majjhima Nikāya (Kinh Trung Bộ)
MHV - Mahāvaṃsa (Đại sử)
Mil - Milindapañha (Mi Lan Đa vấn đạo)
S - Saṃyutta Nikāya (Kinh Tương Ưng Bộ)
SA - Commentary on S (Chú giải kinh Tương Ưng Bộ)
SBE - Sacred Books of the East (Thánh thư của Đông Phương)
SBB - Sacred Books of the Buddhists (Thánh thư của Phật tử)
Sn - Sutta Nipāta (Kinh Tập)
SnA - Commentary on Sn (Chú giải kinh Tập)
Thag - Theragāthā (Trưởng lão Tăng kệ)
Thig - Therigāthā (Trưởng lão Ni kệ)
Ud - Udāna (Kinh Phật Tự Thuyết)
UdA - Commentary on Ud (Chú giải kinh Phật Tự Thuyết)
VA - Commentary on Vin (Chú giải Luận tạng)
VIN - Vinaya Piṭaka (Luận tạng)
Pas Breth - Psalms of the Brethern (Trưởng lão Tăng kệ)
Pss Sisters - Psalams of the Sisters (Trưởng lão Ni kệ)
LỜI GIỚI THIỆU
Quyển Xã hội học Phật giáo của tiến sĩ Ratnapala được thầy Thích Huệ Pháp dịch là tác phẩm tương đối hoàn chỉnh và có hệ thống về chủ đề này.
Với 13 chương, tác phẩm đã khảo cứu các vấn đề liên hệ đến xã hội
Phật giáo, bao gồm học thuyết chính trị xã hội, hội nhập xã hội, Phật
giáo và kinh tế, phụ nữ, gia đình, giáo dục, kiểm soát hành vi xã hội,
bạo lực, khủng bố, rượu, ma túy và sức khỏe con người.
Một xã hội cường thịnh đâu phải do đầu tư về các loại vũ khí hay sự
lớn mạnh đơn thuần về kinh tế, mà phải là một xã hội vì dân, được dân
ủng hộ, khích lệ đạo đức, đầu tư giáo dục, đẩy mạnh phát triển bền vững,
đảm bảo hòa bình và vì hạnh phúc của dân.
Thể chế chính trị theo Phật giáo dựa trên công bằng pháp luật và đề
cao dân chủ, hòa giải dân tộc, duy trì công lý, xóa bỏ hận thù, thắt
chặt tình hữu nghị giữa các quốc gia (Mahavatsu). Trong 5 loại quyền
lực: quyền lực chính trị, quyền lực giàu sang, quyền lực cộng đồng,
quyền lực dòng dõi và quyền lực trí tuệ được kinh Phật đề cập đến thì
quyền lực trí tuệ được xem là quyền uy đích thực. Đầu tư và phát triển
về loại quyền lực này, dân trí được nâng cao, giáo dục được phát triển,
các tệ nạn xã hội được chấm dứt, luật pháp được tôn trọng, an ninh được
đảm bảo, người dân được hạnh phúc và đất nước được phồn vinh.
Quan niệm chính trị đó đã được đại đế Asoka áp dụng như nghệ thuật
quản trị quốc gia, nhờ đó đất nước Ấn Độ trong giai đoạn ông trị vì được
phồn vinh và phát triển.
Sự phân tầng xã hội qua các hình thái giai cấp, địa vị cao thấp sang hèn, quyền lực mạnh hay yếu theo quan điểm của ba bộ Kinh Vệ Đà thuộc
Ấn Độ giáo sẽ không thể làm xã hội phát triển. Theo đức Phật, chính vì
vô minh và tham ái, con người đã tạo ra phân tầng xã hội, các bất công
giai cấp, dẫn đến tình trạng bất ổn lâu dài.
Nếu theo luật Manu, giai cấp Sát Đế Lợi (vua chúa) độc quyền về chính
trị; giai cấp Bà La Môn (tu sĩ ấn giáo) độc quyền về giáo dục và tôn
giáo; giai cấp thương gia chăm sóc bao tử của xã hội; giai cấp cùng đinh
sẽ làm nô lệ và phục dịch cho các giai cấp trên được xem là phân công
lao động của Thượng đế, thì theo đức Phật tập cấp xã hội cha truyền con
nối là hình thái bất công lớn nhất trong lịch sử con người, do một thiểu
số tạo ra và áp chế đại đa số còn lại.
Nhiều nhà chính trị và tôn giáo đã sử dụng thánh kinh Vệ Đà để tôn
vinh chính mình như các thiên tử, làm giàu trên sự khổ đau của người
khác. Theo đức Phật, nếu các hành vi cá nhân không thể tạo ra một định
mệnh thì các hành vi tập thể, bao gồm văn hóa và phong tục tập quán,
không thể là sự an bài của Thượng đế.
Mỗi người từ khi sanh ra với sở đoản và sở trường, tự chọn lấy cho
mình khuynh hướng nghề nghiệp, theo đó cuộc sống cá nhân và xã hội được
tiến triển. Nghề, một tập hợp của các nghiệp được tái lập lại với một
mục đích, là sự lựa chọn của ý chí tự do. Nghề nghiệp không chọn lấy con
người. Con người với ý thức, sở thích hoặc điều kiện hoàn cảnh đã chọn
lấy nghề.
Tự đặt ra tập cấp rồi bắt mọi người phải theo chỉ làm xã hội ngày
càng tồi tệ hơn. Theo đức Phật giải phóng tập cấp, cởi ách nô lệ khỏi
Thượng đế và Thần linh bằng trí tuệ và hùng lực sẽ giúp cho con người
đạt được tự do đích thực. Đây cũng chính là nhân quyền cao nhất mà con
người có thể có.
Phật giáo xác định rằng gia đình là nơi mà các thành viên gắn bó với
nhau trong huyết thống, tình cảm thân thiết, tương kính và tương trợ để
xây dựng hạnh phúc cho nhau. Ngoài các tương quan gia đình giữa vợ và
chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em và thân quyến, mỗi thành viên còn
có các tương quan xã hội giữa con người với con người, con người với
luật pháp, con người với thiên nhiên.
Hạnh phúc gia đình chỉ được đảm bảo khi mọi thành viên tự nguyện cam
kết sống đời đạo đức và tuân thủ luật pháp. Văn hóa ứng xử với hòa kính
an vui được xem là nền tảng duy trì hạnh phúc. Mối quan tâm và giúp đỡ
giữa các thành viên trong gia đình sẽ góp phần giải phóng nỗi khổ đau mà
mọi gia đình đang đối diện.
Theo đức Phật, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong đời sống gia đình
và hạnh phúc xã hội, họ xứng đáng được hưởng các quyền bình đẳng. Đức
Phật khẳng định phụ nữ cũng có khả năng về tri thức, tham gia quản trị
quốc gia và làm thành công bất kì những nỗ lực chân chánh nào mà người
nam có thể đạt được. Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại
đề cao bình đẳng nam nữ và cho phép họ trở thành các tỳ kheo ni cao quý.
Luật Manu của Ấn Độ giáo quy định: “Ngày cũng như đêm, người nữ phải
nương tựa vào đàn ông thân quyến trong gia đình. Khi còn bé lệ thuộc vào
cha. Khi lên xe hoa lệ thuộc vào chồng. Khi về già lệ thuộc con trai.
Suốt đời người phụ nữ không có quyền tự chủ và độc lập” (chương 9 điều
2). Ngược lại đức Phật chấp nhận phái nữ, thông qua đời sống tu tập tâm
linh, họ đã trở thành thánh nhân và có nhiều đóng góp cao quý cho cuộc
đời. Giá trị bình đẳng nam nữ như một phần của học thuyết công bình xã
hội, và học thuyết này đã trở thành cuộc cách mạng soi sáng nhận thức
của con người.
Rượu và các chất gây say, bao gồm các loại ma túy và độc tố, theo đức
Phật có khi là nguyên nhân trực tiếp, có lúc là nguyên nhân gián tiếp
dẫn đến các hình thái tệ nạn xã hội mà hình phạt nhà tù chỉ là một sự
ngăn chặn chứ không phải là giải pháp. Ngăn cấm sản xuất, buôn bán, sử
dụng rượu và các chất gây say là biện pháp ngăn chặn các hậu quả đối với
cá nhân và xã hội.
Rượu và các độc tố gây nhiều chứng bệnh, kéo theo giảm sức khỏe và dễ
phẫn nộ bạo lực, đánh mất tự trọng, gia tăng mặc cảm, đánh mất uy tín,
và quan trọng hơn là tổn giảm trí tuệ. Thực tập các phương pháp tâm linh
trong đạo Phật nhằm giúp cho mọi người chuyển hóa các thói quen tiêu
cực về nghiện ngập, mặt khác đảm bảo được chất liệu và chất lượng hạnh
phúc cho cuộc sống.
Sức khỏe, theo Phật giáo, có thể đạt được từ lối sống lành mạnh, vượt
qua các thói quen nghiện ngập, mặt khác còn liên hệ đến chế độ sinh
hoạt thường nhật. Truyền thống hành khất vào buổi sáng của người xuất
gia, thiền hành vài ba lần trong một ngày, hoặc đi kinh hành trong chánh
niệm có khả năng giảm bệnh tật, tăng sức khỏe. Từ trạng thái kiện toàn
sức khỏe của thân, người học Phật sẽ hướng đến kiện toàn sức khỏe tâm
linh. Làm chủ các giác quan, tiết chế trong ăn uống, chuyển hóa tham,
sân, si, dấn thân và sẽ giúp cho người tu học khỏe mạnh và sống thọ.
Sức khỏe tốt không chỉ có khả năng đẩy lùi bệnh tật mà còn giúp cho
thân thể nhẹ nhàng, dẻo dai hướng đến hạnh phúc. Nếu các bệnh từ thân
phải được điều trị bằng các loại dược liệu, thì các bệnh về tâm phải
được điều trị bằng sự chuyển hóa.
Đạo Phật đề cao sự phòng ngừa bệnh và vệ sinh thân thể. Đức Phật
khích lệ các hình thức hỗ trợ bệnh nhân bằng cách thăm viếng, chăm sóc
và hộ niệm giúp họ vượt qua nỗi đau của thân để làm chủ nỗi khổ của tâm.
Sống và làm việc theo gương hạnh từ bi, thực tập ăn chay, bảo vệ môi
trường, thấy rõ quyền bình đẳng sự sống… là những yếu tố tích cực giúp
con người sống khỏe, sống thọ và sống hạnh phúc.
Bạo lực, khủng bố liên hệ ít nhiều đến hành vi tội phạm. Phân tích
nguyên nhân dẫn đến chúng sẽ góp phần ngăn chặn chúng. Trong kinh Pháp
cú, đức Phật dạy phương pháp quy chiếu, “lấy mình làm ví dụ” nhằm khích
lệ mọi người không tán đồng, không can dự, không đồng lõa các hình thái
bạo lực và khủng bố.
Nhận thức về nỗi khổ niềm đau mà các hình thái bạo lực và khủng bố có
thể ảnh hưởng đến mình sẽ giúp cho mọi người ngăn chặn mầm móng của
chúng, không gây thương hại cho ai. Bạo lực khủng bố và tội phạm dễ phát
sinh nhưng khó kết thúc. Sự tu tập từ bi và trí tuệ có khả năng giúp
cho con người chuyển hóa được chúng. Theo đức Phật, tội phạm có gốc rễ
từ tham, sân, si. Do đó, con người không phải là kẻ thù của con người.
Quán chiếu về “vô tác nhân” có khả năng làm giảm hận thù và trả đũa.
Quán chiếu “vô thọ giả” tức “không có nạn nhân”, có thể giúp cho kẻ bất
hạnh thoát khỏi khổ đau đang có. Trừng phạt tội phạm chỉ có khả năng
ngăn chặn chúng. Trong khi kiểm soát hành vi xã hội bằng các nghệ thuật
chuyển hóa mới có khả năng giúp xã hội phát triển bền vững.
Theo đức Phật, giảm thiểu sự nghèo đói, đảm bảo việc làm, nâng cao
dân trí, bình đẳng trước pháp luật, đề cao nhân quyền, tôn trọng kỷ
cương phép nước là những biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn tội
phạm.
Sự phê bình của xã hội và lương tâm của mỗi cá nhân có khả năng soi
sáng giúp kẻ tội phạm kiểm soát hành vi xã hội của mình. “Quay đầu là
bờ” được xem là nền tảng nhận thức quan trọng, theo đó người phạm tội có
khả năng làm mới đời sống đạo đức. Không có cái gọi là “công lý báo
thù” do các hành động bất thiện. Trừng phạt là để ngăn chặn, cải tạo và
chuyển hóa thói xấu của phạm nhân. Nhận thức trên nền tảng của sự tiến
bộ có khả năng giúp cho phạm nhân trở thành người hiền lương đích thực.
Trình bày xã hội Phật giáo từ các vấn đề căn bản nêu trên đã được tác
giả áp dụng phương pháp so sánh kinh luật vốn là nguồn dữ liệu chủ yếu
liên quan đến xã hội học. Theo tác giả, mục tiêu của quyển sách là nhằm
gây tạo ý thức về sự hội nhập hoàn toàn của Phật giáo vào xã hội đương
đại.
Theo thời gian, các vấn nạn xã hội xuất hiện tồn tại và phát triển.
Nghiên cứu ứng dụng xã hội học Phật giáo giúp cho người đọc rút ra được
các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và vượt qua chúng. Nếu đối tượng
nghiên cứu của xã hội học là con người thì phạm vi nghiên cứu của xã hội
Phật giáo còn đi xa một bước, bao gồm các loài động, thực vật.
Nội hàm và ngoại diên của xã hội Phật giáo rộng hơn xã hội học đời
thường. Do đó sự nghiên cứu về xã hội Phật giáo của tác phẩm này chỉ là
sự khởi đầu. Hành trình còn lại đang bỏ ngỏ. Kính mời quý độc giả hãy tự
mình dấn bước trên hành trình đó để góp phần mở ra một xã hội hòa bình,
phát triển và an vui.
Tháng 04 năm 2010
Trân trọng
Thích Nhật Từ
Phó viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM
LỜI NGƯỜI DỊCH
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp khoa Xã hội học trường đại học Khoa học -
Xã hội và Nhân văn tại thành phố Hồ Chí Minh, kể từ đó, tôi luôn trăn
trở để tìm hiểu xem liệu rằng trong giáo lý Phật giáo có tư tưởng về Xã
hội học hay không. Bẵng đi một thời gian, theo đuổi những công việc
không liên quan tới học thuật, tôi trở lại môi trường đại học mà lần này
sang tận Ấn Độ - cái nôi của Phật giáo - để học tập và nghiên cứu tại
trường đại học Delhi vào năm 2006. Tại đây, tôi đã tiếp cận được nhiều
học thuyết mới từ những giáo sư danh tiếng tại Ấn Độ cũng như tài liệu
về nhiều phương diện từ các học giả ở các nước. Từ đó, duyên đã tới, tôi
được giới thiệu để dịch quyển sách mà tôi rất tâm đắc là cuốn Xã hội
học Phật giáo. Tôi đã quyết định dịch quyển sách này trong thời gian chờ
khóa học tiến sĩ Phật học sắp tới. Tôi mạo muội và cố gắng hết sức để
góp một quyển sách nhỏ vào tủ sách Phật giáo nước nhà.
Không cần nhiều lời để giới thiệu về cuốn sách vì giáo sư Nandasena
Ratnapala - giáo sư trường đại học Sri Jayawarde- nepura, Sri Lanka -
trong lời dẫn của mình đã giới thiệu đầy đủ và chi tiết. Trong khi dịch,
có những câu Pháp cú, tôi xin trích nguyên văn lời dịch của Hòa thượng
Thích Minh Châu, mà theo tôi, bảng dịch của Hoà thượng là chuẩn xác và
dễ hiểu nhất. Ở đây, tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn tới những người trực
tiếp cũng như gián tiếp giúp tôi hoàn thành tác phẩm này.
Trước hết, xin gởi quyển sách nhỏ này đến sư phụ của con: Thượng toạ
Thích Trí Viên, chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa – Nha Trang, Người luôn khuyến
khích các đệ tử học, học và học mãi. Nếu không có lời sách tấn của
Người, con sẽ không có được Chân Huệ Mạng như ngày hôm nay. Gởi đến sư
huynh Thích Huệ Giáo, người đã trợ duyên rất lớn để sư đệ có mặt tại Ấn
Độ ngay từ những ngày đầu tiên. Gởi tới song thân Phụ mẫu và phật tử
chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa những lời thân thương nhất, quý vị đã đem từ
hạt gạo, hạt muối và góp công sức để nuôi Tăng chúng Kỳ Viên trong đó có
tôi, cho đến hôm nay và còn tiếp tục đến ngày mai. Lời cảm ơn chân
thành tới các vị ân nhân trong và ngoài nước trực tiếp cũng như gián
tiếp trợ duyên để Huệ Pháp tiếp tục con đường học vấn.
Và cuối cùng, chân thành tri ân tới đại đức tiến sĩ Thích Hạnh
Chánh, Người đã không những giới thiệu cuốn sách này để con dịch thuật
mà còn động viên trong suốt quá trình làm việc. Ngoài ra, thầy cũng là
người kiểm tra bảng dịch của con trước khi in ấn. Con tỏ lòng thành tri
ân đến thầy.
Bằng tất cả nỗ lực của mình, trong quá trình dịch thuật không tránh
khỏi sơ suất, tôi mong nhận được những lời chỉ dẫn và phê bình từ quý vị
thiện hữu tri thức.
Trân trọng, Thích Huệ Pháp
(Delhi, mùa đông- 2008)
(thư điện tử gởi về: huephap@gmail.com)