04/12/2012 15:05 (GMT+7)
Số lượt xem: 245344
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

THOÁT NẠN TRÊN BIỂN CẢ

Gia đình tôi gồm có bảy người, hai vợ chồng và năm đứa con nhỏ cùng vượt biển trên một chiếc thuyền nhỏ đánh cá với năm mươi hai người cùng xóm. Chổ khởi hành là cửa biển Thuận An, Huế vào tối hai mươi tháng tư âm lịch năm1979.

Ðó là một đêm tối trời và đầy kinh hãi, vì chúng tôi vừa cho tàu khởi hành vừa được bốn mươi phút thì bị tàu biên phòng Bình Trị Thiên phát giác và đuổi bắt. Chúng tôi ai cũng hoảng sợ, không còn đủ bình tĩnh để tính toán và nghĩ rằng, phen này tất cả đều bị bỏ tù, vì đây là lần vượt biên thứ ba bị phát giác của chúng tôi.

Trong khi nhiều người đang bối rối thì bác Tư Hiền, chủ bán tiệm vải ngày trước ở chợ Ðông Ba, hô to như ra lệnh cho mọi người trong tàu yên lặng, và bác bảo mọi người chắp tay thành kính niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát. Không ai bảo ai, mọi người răm rắp niệm Nam Mô Cứu Khỏ Cứu Nạn Linh Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát râm lên cả một góc trời, theo sự hướng dẫn của bác Tư Hiền giữa sóng nước mênh mông. Lạ thay, thình lình một cơn mưa nặng hạt đổ xuống tầm tã trên biển cả. Trong màn đêm dày đặc, sấm chớp nổi lên giữ dội, thét gào như cơn thịnh nộ của những vị hung thần. Kỳ diệu thay, trong lúc đó con tàu nhỏ của chúng tôi chạy vi vút như tên bay, hướng ra khơi bởi một sức mạnh phi thường nào đó, ngoài sự kiểm soát tay lái của tài công. Tài công hôm đó là anh Thông và tôi là người phụ tá cùng chấm địa bàn tay lái của anh. Cùng trong lúc ấy anh cảm thấy như đang rơi vào trong giấc ngủ, nằm kê đầu trên một thác nước chảy róc rách trên một sườn núi. Ở đây có nhiều khóm trúc và trên các cây cổ thụ xinh đẹp, treo sà xuống nhiều giò phong lan đủ màu, tỏa hương thơm ngát.

Trong khi đó, tiếng mọi người trên tàu vẫn tiếp tục niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ước độ mười phút sau, thì tàu chúng tôi vượt ra khỏi hải phận của công an kiểm soát biên phòng mà chúng tôi không hề hay biết. Thoát nạn, con tàu nhỏ của chúng tôi chạy thẳng vào đảo Hải Nam chỉ hơn bốn ngày sau. Thức ăn nước uống trên tàu còn hơn một nữa, vì vật thực chúng tôi chuẩn bị cho mọi người có thể sống đến ba tuần lễ trên đường lánh nạn.

Khi tàu ra khỏi hải phận, chúng tôi những người cùng đi hôm đó tôn bác Tư Hiền là mẹ đỡ đầu tinh thần. Bác Tư Hiền khiêm tốn không chịu, nhưng vì chúng tôi năn nỉ và trình bày chi tiết về sự quan trọng của đời sống tâm linh, nên bác Tư Hiền vui vẻ nhận lời. Mà bác Tư Hiền làm mẹ đỡ đầu tinh thần cho chúng tôi là xứng lắm, vì bác đã trên sáu mươi tuổi, vóc dáng phương phi, nụ cười hoan hỷ, lời nói lúc nào cũng từ tốn, sắc sảo và đầy trìu mến. Hơn nữa, bác Tư Hiền đã quy y Tam Bảo năm giới, và thọ thập thiện, và thọ Bồ Tát Giới với hòa thượng Quy Thiện từ lúc bác mới ba mươi mốt tuổi. Hòa thượng đặt cho bác cái pháp danh là Thiện Yên. Vị bổn sư không phải đặt pháp danh cho bác theo dòng kệ mà đặt theo tâm địa hiền lành và bình yên của bác. Về sau chúng tôi thường gọi bác là cụ Thiện.

Cụ Thiện Yên đã ăn chay trường trên ba mươi năm kể từ ngày thọ Bồ Tát giới. Hằng ngày cụ thường trì tụng kinh Pháp Hoa, mà phẩm Phổ Môn cụ nằm lòng như kinh tụng mỗi ngày. Cụ không những tự mình tu hành tinh tấn, mà lúc nào cũng vui vẻ khuyên bảo con cháu, người xa kẻ gần, làm lành lánh dữ. Vì cụ Thiện Yên là người đỡ đầu tinh thần cho chúng tôi nên chúng tôi đều lắng nghe lời dạy của cụ là phải ăn chay mỗi tháng sáu ngày và cách tu tập hàng ngày là lấy yếu chỉ kinh Phổ Môn làm đề mục trì tụng, sống theo hạnh từ bi, lợi người, cứu khổ của đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

Cụ Thiện Yên sống với đứa cháu nội làm nha sĩ ở bên Thụy Sĩ. Chúng tôi cả nhà may mắn được tàu Cao Ủy đưa về Hồng Kông tạm trú sáu tháng, và sau đó được chú em bảo trợ qua Mỹ, đã có nhà ở tại một thành phố nhỏ cận Monterey, tiểu bang Calofonia.

Gia đình chúng tôi mua vé máy bay mời cụ Thiện Yên, bà mẹ đỡ đầu tinh thần của chúng tôi qua Mỹ thăm hai lần. Cụ Thiện Yên cũng có đi Pháp, Cannada, đi Úc… thăm bởi những đứa con tinh thần của cụ bảo trợ tài chánh.

Chúng tôi đến Mỹ và thỉnh tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát về thờ ngay trong nhà. Trong nhà mỗi tuần tụng kinh Phổ Môn một lần và hàng ngày mỗi người đều trì niệm danh hiệu đức Phật A Di Ðà và đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Chúng tôi hết lòng tri ân và kính trọng cụ Thiện Yên như hình ảnh của một vị Bồ Tát, vì không những nhờ ảnh hưởng tu hành của cụ mà chúng tôi được thoát nạn; xa hơn, chính nhờ sự hướng dẫn của cụ mà cả gia đình chúng tôi biết hòa hợp, biết thương yêu và đùm bọc lẫn nhau một cách tốt đẹp trong nếp sống mới.

Quảng Ðại

Nguyễn Thanh Hậu

(6)   MA HA CA LÔ NI CA DA – (Mahakarunikaya)

Quán Âm hiện thân tướng

Mã minh hưng đại thừa

Ma quân là chấn nhiếp

Hằng tự giác, độ tha.

Âm lịch

Ảnh đẹp