Hồi ấy, tôi không thể nói ra thành lời như vậy,
nhưng trong tâm tôi luôn niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và hằng khởi
lên những ý nghĩ tương tợ như thế.
Khuya hôm ấy, khoảng tháng 10 năm 1956, bên ngoài
trời mưa tầm tã, gió nổi tứ bề, cây cảnh ngã đổ, nước lũ tràn khắp đường
sá xóm làng. Lúc khoảng 12 giờ đêm, tôi rón rén mở cửa trốn nhà đi vào Huế
tìm chùa, tìm thầy học đạo. Từ làng ra tỉnh và từ tỉnh Quảng Trị đón xe đò
đi vào Huế đối với tôi lúc bấy giờ là một con đướng thăm thẳm, diệu vợi và
hết sức khó khăn trong việc đi lại, song tôi không hề có chút chần chờ, lo
ngại. Trong cái nãi xách tay của tôi chỉ có hai bộ áo quần màu xám và một
tấm hình Quán Thế Âm nhỏ bằng giấy dán liền trên tấm ván mỏng được một anh
huynh trưởng gia đình Phật tử trong làng cho tôi cách đó hai năm về trước.
Ngoài cái “gia bảo” ấy, trong túi tôi còn có hai chục bạc để đi đường. Số
tiền này đứa em gái đã cho tôi cách đó vài hôm khi em được phần quà thưởng
lệ về việc học giỏi từ ông cậu ruột làm công chức gởi cho.
Ra khỏi nhà, tôi phải đi qua chiếc cầu tre bắc ngang một con sông rộng
chảy qua làng. Rủi ro, cái cầu tre bị gãy và xoáy theo dòng nước chảy xiết
khi tôi đang dò dẫm từng bước một trên chiếc cầu tre lắc lẽo ấy. Thế là
tôi bị trôi sông, cuốn theo dòng thác lũ đưa về xóm Bàu. Nhờ sức niệm Bồ
Tát Quán Âm mà tôi thoát tai nạn nước chìm. Không ngờ trong tai nạn ấy hóa
ra tôi đã đi con “đường tắt”. Con đường từ xóm Bàu lên đường cái quan rất
gần, chỉ đi bộ khoảng hai mươi phút thôi. Trong khi đó nếu tôi không bị
giòng nước cuốn trôi, thì tôi phải đi con đường dài từ làng ra đường cái
quan, lên tỉnh để đón xe đi vào Huế cũng phải mất mấy tiếng đồng hồ. Nhưng
chưa chắc thành công, vì tôi có thể bị người nhà tìm bắt trở lại.
Nước lũ đưa đường chỉ lối cho tôi lên chùa
Nước lũ chỉ nẻo đường tắt đưa tôi về nguồn cội
Nước lũ giúp tôi đi mau tới đích
Và không bị cản, ngăn chướng ngại.
Lên xe đò vào Huế, ông tài xế thấy tôi còn nhỏ quá nên không lấy tiền. Khi
xuống tại bến đò, tôi đang lay hoay tìm kiếm đường lên chùa, thì một bà cụ
nói là bà ở trước chùa Báo Quốc, rồi bà tự động kêu xe xích lô bảo bác tài
xế đưa tôi về chùa ấy. Lên đến cửa chùa, tôi lấy hai chục đồng bạc trong
túi trả bác xích lô, bác nói là bà cụ khi nãy đã trả tiền xong rồi. Thế là
gia tài số tiền mặt ấy tôi vẫn còn giữ hoài trong túi không bao giờ tiêu
xài. Bà cụ thuê xe và chỉ đường lên chùa cho tôi là ai, tôi không biết rõ
lai lịch?
Sau này tôi nghiệm lại, tôi mới biết đây là sự chỉ điểm của thánh hiền và
sự mầu nhiệm đưa đường chỉ lối của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Chùa Báo Quốc tại Huế là một viện Phật học, đào tạo chư Tăng và nhân sự
Phật Giáo tài đức để hoằng pháp, lợi sanh dưới sự dám viện của hòa thượng
Thích Trí Thủ. Khi vừa bước chân lên cổng chùa thì tôi liền được sư chú
Tâm Hòa tiếp đón rất niềm nở như người nhà, khiến tôi hết sức ngạc nhiên.
Vì dường như việc tôi đến đây sư chú có linh tính biết trước rất rõ ràng.
Sư chú Tâm Hòa dẫn tôi vào phòng khách và nói cho tôi biết: “Có đại sư
Thích Viên Giác sáng lập và Trú trì tu viện Giác Hải ở tỉnh Khánh Hòa, Nha
Trang đã đến đây ba hôm để đợi em đó. Em có phải từ tỉnh Quảng Trị vào và
đang đi tìm thầy, tìm chùa để xuất gia học đạo không?”
Tôi chỉ cuối đầu dạ và chưa kịp nói thì sư chú Tâm Hòa nói tiếp: “Ðại sư
Viên Giác cho tôi hay là được Bồ Tát Quán Thế Âm chỉ điểm nên ngài đến
chùa Báo Quốc từ Nha Trang để nhận một chú bé đem về chùa nuôi. Ngài bảo
tôi ra đứng trước của Tam Quan suốt cả buổi chiều nay để đợi em. Em hãy
vào trong để ra mắt vị thầy của em”.
Nghe sư chú Tâm Hòa nói, lòng tôi sung sướng vô vàn, tràn ngập hạnh phúc
và nhẹ nhỏm như mình đang bay trên một không gian vô tận.
Bước chân vào phòng, tôi thấy một vị thầy mặc áo nâu rộng, thân thể gầy ốm
nhưng đôi mắt rất sáng. Thầy trạc tuổi 40 đang ngồi kiết già vững chải,
quay mặt về phía cửa chính như đang chờ đợi một người. Ngài chờ đợi tôi,
đó là đứa bé mới 14 tuổi đầu, bỏ nhà, bỏ cha mẹ đi tìm thầy khai mở tâm
linh.
-Con muốn tìm thầy để được tu tập phải không? – ngài nhìn tôi hỏi.
Tôi cúi đầu trả lời:
-Thưa thầy dạ phải.
-Con đi tu để làm gì?
-Thưa thầy, con đi tu để làm giảng sư để dạy cho cái tâm của con trở nên
hiền lành và dạy cho người khác bớt đau khổ nhờ cái tâm sáng suốt.
Nghe xong, ngài cười và không hỏi thêm gì nữa. Tôi được sư chú Tâm Hòa và
Ðiệu Trí giúp Ngài chuẩn bị việc làm lễ xuống tóc cho tôi. Sau khi
cạo tóc và măc y phục của chú tiểu vào mình, tôi thấy mình là một con
người mới. Sáng hôm sau mới khoảng ba giờ khuya, thầy trò tôi ra sân ga
trở về tu viện Giác Hải Nha Trang. Cuộc đời tôi thay đổi từ đó. Ðời tôi đã
có vị thầy đưa đường chỉ lối, đó là đại sư Viên Giác, vị bổn sư của tôi,
nuôi dưỡng tâm tôi khôn lớn.
Sau này tôi mới rõ, thầy tôi lập chùa Giác Hải được ba năm, dựng trên núi
Ông Sư, làng Xuân Tự ở quận Quảng Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thầy có nuôi vài
ba chú tiểu nhưng tất cả đều bỏ về nhà. Thầy tôi bèn tụng kinh Phổ Môn để
nhờ đức Quán Thế Âm Bồ Tát tìm giúp thầy tôi một chú tiểu có nhân duyên và
căn khí để nối chí thầy tôi hoằng pháp trong tương lai. Nhờ đức Quán Thế
Âm điểm hóa và thầy trò chúng tôi đã gặp nhau. Tôi được xem như đệ
tử lớn của thầy tôi. Tâm ý giữa hai thầy trò chúng tôi rất tương đắc.
Quán Âm Bồ Tát rất nhiệm mầu
Thanh tịnh trang nghiêm nhiều kiếp tu
Khắp xứ người cầu đều cảm ứng
Biển trần qua lại độ quần mê.
Năm 1975 tôi qua Mỹ học, thầy tôi không vui lắm vì người lúc nào cũng muốn
tôi ở bên cạnh để lo việc chùa viện và giao phó hoằng pháp, nuôi Tăng độ
Chúng của thầy tôi. Song thấy chí xuất dương của tôi đã quyết nên thầy tôi
không ngăn cản. Bao nhiêu tình thương và ánh sáng soi đường, thầy tôi gói
trọn cho tôi trong bài kệ:
Trái đất quê hương mẹ
Trong tim có quê hương
Mầu nhiệm trong tỉnh thức
Thực tại nẻo quay về.
Nguyên Nguyện.
(5) MA HA TÁT ÐỎA BÀ DA – (Mahasattvaya) –
Quán Âm trì mật chú
Biến nước tịnh cam lồ
Diệt trừ tham sân hận
Mở trói buộc ưu phiền.