Chương XVIII: Đạo Phật trong đời Nho học độc tôn
SỰ SUY YẾU CỦA ÐẠO PHẬT VỀ PHƯƠNG DIỆN LÃNH ÐẠO TRÍ THỨC
Cuối
thế kỷ XIV, chúng ta đã đặt vấn đề tại sao Phật Giáo bắt đầu suy đồi
vào giữa thế khỷ thứ mười bốn. Suy đồi ở đây không có nghĩa là sự giảm
thiểu số lượng tự viện và tăng sĩ. Số lượng tự viện và tăng sĩ trong
thời đại mà ta gọi là suy đồi vẫn tiếp tục lớn lên. Suy đồi đây cũng
không có nghĩa là mất ảnh hưởng trong quần chúng. Cuối đời Trần và trong
suốt đời Lê nữa, những chiếc rễ đạo Phật vẫn càng ngày càng ăn sâu thêm
trong nếp sống tình cảm và tín ngưỡng của giới đại chúng bình dân. Suy
đồi ở đây có nghĩa là đánh mất vai trò lãnh đạo trí thức, văn hóa và
chính trị. Thực vậy, trong suốt một thời gian hơn hai trăm năm, từ khi
nhà Trần bắt đầu suy đồi, đạo Phật không còn chỉ đạo được đường hướng
văn hóa và chính trị nữa. Giới trí thức hướng về đạo Nho như phương châm
cứu nước và dựng nước. Những vị cao tăng ẩn dật không liên hệ gì tới
giới chính trị và văn hóa, nhưng một phần vì họ không có sáng tác để lại
và một phần vì lửa binh thiêu đốt sử liệu cho nên ta không được biết
nhiều tới họ. Về thế kỷ thứ mười lăm, ta chỉ nghe nói tới một tác giả
Phật Giáo: đó là Lương Thế Vinh, người viết cuốn Thiền Môn Khoa Giáo và
đề tựa cho sách Nam Tông Tự Pháp Ðồ. Về thế kỷ thứ mười sáu, ta chỉ nghe
nói đến thiền sư Chân Nghiêm, người san khắc Thánh Ðăng Lục. Sau đây ta
thử đi tìm những nguyên nhân đưa đến sự suy đồi của Phật Giáo về những
phương diện kể trên.
THỊNH QUÁ HÓA SUY
Trước
hết, có lẽ ta phải nói nguyên nhân thứ nhất của sự suy đồi là sự thịnh
đạt. Thực vậy, Phật Giáo trong đời Pháp Loa đã đi tới mức thịnh đạt có
thể nói là cao nhất trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Một phong trào khi
dã lên chỗ cao nhất thì bắt đầu đi xuống. Trong sự thịnh đạt đã ẩn chứa
sự tàn lụi. Khi đạo Phật được vua chúa quý trọng thì các nhà quyền quý
và trăm họ đều hướng vào. Chùa chiền càng nhiều thì nếp sống thanh quy
càng khó có thể bảo đảm được. Tăng chúng càn đông thì càng có nhiều phần
tử bất hảo làm hại thanh danh tăng đoàn, sự kính trọng càng nhiều thì
niềm kiêu hãnh càng thêm cao. Sự cúng dường càng hậu thì sự ỷ lại càng
tăng. Suy đồi là do ở chỗ đó. chúng ta thử xét về số lượng tăng chúng.
Trong thời thịnh đạt của Phật Giáo Trúc Lâm, được xuất gia làm một phần
tử trong tăng đoàn là một vinh hạnh không nhỏ. Tăng sĩ có độ điệp của
Giáo Hội, đi đâu cũng được; nơi cư trú cho đến việc học Phật và tu Phật
của người tăng sĩ đều được nhiều tổ chức lo lắng chu toàn. Cũng vì số
tăng sĩ đông quá nên đệ nhị tổ Pháp Loa phải thực hành việc kiểm tra tự
viện và là sổ tăng tịch. Tam Tổ Thực Lục cho biết là số người xin xuất
gia đông quá, khiến cho Pháp Loa phải giới hạn việc tổ chức giới đàn; ba
năm mới tổ chức một lần và phải loại ra hàng ngàn thí sinh. Tuy vậy,
hàng ngàn người mỗi năm vẫn được xuất gia ở các chùa miền quê, tại những
giới đàn nhỏ do Phật Giáo địa phương tổ chức. Họ không có độ điệp,
nhưng họ vẫn có thể cư trú và tu hành ở các chùa quê. Giáo hội Trúc Lâm
thấy người xuất gia quá đông mà thiếu học cho nên mới in sách Giáo Khoa
PhậtHọc, Giới Bản Tứ Phần Luật và tổ chức các lớp học kinh và luật tại
nhiều chùa lớn của Giáo Hội.
Ðến
cuối thế kỷ thứ mười bốn, Giáo Hội bắt đầu không còn kiểm soát được
tăng sĩ nữa. Năm 1396, vau Thuận Tông xuống chiếu thải bớt tăng sĩ dưới
năm mươi tuổi. Ta không biết rõ đây là một hành động của Thuận Tông nhằm
ngăn chặn sự lạm dụng đạo Phật hay là một quyết định của Hồ Quý Ly muốn
làm giảm tiềm lực của đạo Phật. Trước đó mấy năm, vào năm 1389, có một
cuộc bạo động do một vị tăng sĩ pháp hiệu là Thiên Nhiên, tên tục là
Phạm Sư Ôn cầm đầu chống lại chính quyền lúc bấy giờ đã nằm trọn trong
tay Hồ Quý Ly. (có thể đây là một phong trào muốn dành lại quyền bính
thực thụ cho vua Trần và chấm dứt sự hộng hành của Quý Ly. Phạm Sư Ôn đã
sử dụng được tiềm lực của Phật Giáo và quân đội, ông đã từng chiếm được
thủ đô Thăng Long. Hành động của Phạm Sư Ôn xảy ra một năm sau khi mưu
kế loại trừ Hồ Quý Ly trong triều đình bị tiết lộ và rất đông các quan
trong triều bị giết hại).
Ðại
Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng năm 1429, tất cả các tăng sĩ Phật Giáo và
đạo sĩ Lão giáo đều phải đến trình diện ngày 20 tháng 10 để kiểm xét
khảo thí. Ai thi đậu thì cho làm tăng sĩ và đạo sĩ, còn ai thi hỏng thì
bắt hoàn tục. Ðây là hành động đầu tiên của chính quyền Nho giáo để kiểm
soát Phật Giáo và Lão giáo. Hành động này đã có thể loại ra một số
người lợi dụng hai đạo Phật Lão. Nhưng sự thi cử này đã được tổ chức
theo lối khảo hạch từ chương của Nho giáo, nước người hay chữ thì được
công nhận là tu hành chân chính, còn những người khác, dù mộ đạo và tâm
thành đến mấy mà không diễn tả được đức tin và kiến thức của mình bằng
văn chương thì cho là không phải tu hành chân chính. Ðiều này, khi áp
dụng với đạo Phật, nhất là Phật Giáo thiền, là một sự ép uổng.
Chúng
ta hãy xét thêm về việc xây cất tự viện. Trong đời Trần, các vua làm
chùa, các quan làm chùa, dân chúng cũng thi nhau làm chùa. Còn việc đúc
tượng nữa: riêng Pháp Loa đã cho đúc tới 1.300 tượng Phật bằng đồng lớn
nhỏ. Vua Anh Tông, nhân ngày lên là Thái thượng hoàng, cho đúc tượng A
Di Ðà, Thích Ca và Di Lặc, mỗi tượng cao 17 thước ta. Chùa Báo Ân có rất
nhiều ruộng. Năm 1308, vua Anh Tông lấy 100 mẫu ruộng của gia đình Trần
cúng vào chùa Báo Ân. Năm 1312, vua lại lấy thêm 500 mẫu ruộng của Niệm
Như Trang để cúng cho chùa. Chùa Siêu Loại cũng có nhiều ruộng. Năm
1313, Bảo Từ hoàng thái hậu cúng vào chùa 300 mẫu ruộng nhà... Nhiều
ruộng nhất là chùa Quỳnh Lâm: chùa này có tới trên 1.000 mẫu ruộng và
nuôi đến một ngàn người để canh tác. Các chùa Báo Ân, Siêu Loại và Quỳnh
Lâm là những cơ sở lớn của Phật Giáo Trúc Lâm; cố nhiên bất động sản
của những chùa ấy là để nuôi tăng sĩ và làm Phật sự. Tuy vậy sự ủng hộ
quá mức đó đã rất có hại cho Giáo Hội. Các nho thần trong triều đình
thấy sự ủng hộ quá mức đó không khỏi không tức bực, nhất là khi thấy
nước têï đoan bắt đầu xuất hiện trong hàng tăng sĩ vì lý do tăng sĩ quá
đông không kiểm soát hết được. Ý của các nho thần như Lê Bá Quát là thay
vì làm thêm chùa, đúc thêm tượng thì nên để tiền xây văn miếu và nhà
học.
CHIẾN TRANH CHIÊM VIỆT
Trong
thời gian chiến tranh, bắt đầu từ hồi chiến tranh với Chiêm Thành, công
việc kiểm soát tự viện và tăng sĩ hoàn toàn không còn có hiệu lực nữa.
Chiến tranh, loạn lạc và sự đói kém đã khiến cho hàng ngàn người cạo đầu
vào chùa, hoặc để trốn lính, hoặc vì thất nghiệp. Thiếu người sản xuất,
thiếu người đánh giặc, năm 1381, vau Trần Phế Ðế cho đi bắt những tăng
sĩ ở miền quê, nhất là những vị không có độ điệp, sung vào quân đội để
đi đánh Chiêm Thành. Sử chép Ðại Than thiền sư được chỉ định trong việc
động viên này, và “đốc suất” việc động viên chư tăng đi đắnh giặc. Một
thiền sư, nhất là khi vị thiền sư này lại là quốc sư, chỉ huy quân lính
đánh giặc là một chuyện phi lý(9). Có lẽ Ðại Than thiền sư đã được chỉ
định để kiểm điểm những ai là tăng sĩ thật, và những ai vì trốn lính
hoặc vì nghèo đói mà đi xuất gia. Những người sau này có lẽ được trao
trả lại cho chính quyền để sung vào quân đội.
Trong
bất cứ thời đại chiến tranh nào, việc cạo đầu vào chùa vì trốn lính và
vì thất nghiệp cũng đã xảy ra. Nguyên nhân của cuộc chiến tranh với
Chiêm Thành là do Ðại Việt gây ra, với trách nhiệm lớn lao của Ðoàn Nhữ
Hài và Ðỗ Tứ Bình(10). Cuộc chiến tranh này đi ngược lại ý muốn của Ðiều
Ngự Trúc Lâm; Trúc Lâm vì muốn hòa bình được bền chặt đã du hành sang
chiêm và đã gã công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm. Cuộc chiến tranh đã
làm hao tổn tiềm lực của Ðại Việt, đưa nhà Trần tới chỗ suy vong. Sự ủng
hộ của các vua Trần đã là một trong những nguyên nhân cho sự thịnh đạt
của Phật Giáo. Một chiến tranh Chiêm Việt, nhà cầm quyền không đủ sức để
củng cố địa vị mình, lấy khả năng đâu mà tiếp tục ủng hộ Phật Giáo?
Chiến tranh Chiêm Việt và sự rối loạn trong triều đình nhà Trần cũng là
một nguyên nhân cho sự suy đồi của Phật Giáo Trúc Lâm vậy.
TINH THẦN ÐỘC TÔN THAY THẾ TINH THẦN DUNG HỢP
Sự
ghét bỏ và chỉ trích Phật Giáo của các nho thần như Lê Quát và Trương
Hán Siêu không phải là nguyên nhân làm cho Phật Giáo suy đồi. Chính sự
chạy theo một nền văn hóa mới mà không thấy được giá trị của nền văn hóa
truyền thống dân tộc mới là nguyên nhân chính của sự suy đồi của Phật
Giáo. Nền văn hóa mới này được xây dựng trên một thái độ giáo điều và
trên một quan điểm chật hẹp về chân lý: đó là cái học Tống Nho, tự cho
mình là độc tôn và cho là sai lầm tất cả những lối nhìn khác về nhân
sinh và về vũ trụ. Từ giữa thế kỷ thứ mười ba, Trung Hoa đã không mấy
bằng lòng khi thấy Ðại Việt phát triển một nền văn hóa độc lập. Năm
1261, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt đã sai lễ bộ lang trung là Mạnh Giáp và
viên ngoại làng là Lý Văn Tuấn mang thư sang dụ triều đình Ðại Việt nên
theo văn hóa Trung Quốc, đừng thay đổi phong tục, lẽ nhạc và phẩm
phục(11). Các nho sinh được tuyển chọn vào phụng sự quốc gia thường có
khuynh hướng Bắc hóa, muốn thay đổi pháp độ cho giống Trung Quốc. Phép
thi cử, phép đặt hàm quan lại, Tết nhất v.v... dưới ảnh hưởng của các
nho thần, dần dần bị ảnh hưởng Trung Quốc. Vua Minh Tông không chịu nghe
lời các nho thần Phạm Sư Mạnh và Lê Quát mà thay đổi pháp độ. Sau khi
thấy pháp độ đã bị Bắc hóa ít nhiều, vua Nghệ Tông rất muốn trở truyền
thống và pháp độ của các vị vua đầu. Vua nói: “Triều trước dựng nước, tự
có pháp độ, không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam Bắc đều làm chủ nước
mình, không cần bắt chước theo nhau. Vào khoảng năm Ðại Trị(12), kẻ học
trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của sự lập pháp, đem
phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục của phương Bắc cả, như về y phục,
nhạc chương không kể hết”. Và vua ra lệnh đổi pháp độ lại giống như đời
vua Minh Tông.
Trong
thời gian nhà Minh đô hộ, vào đầu thế kỷ thứ mười lăm, chính sách đồng
hóa Ðại Việt với Trung Quốc được thi hành triệt để. Nhà Minh không muốn
Ðại Việt có một nền văn hóa độc lập, bởi vì độc lập văn hóa sẽ dẫn tới
độc lập chính trị. Nhà Minh bắt Ðại Việt theo phong tục lễ nghi Trung
Quốc. Tướng nhà Minh là Trương Phụ cho thu lượm hết các trước tác cũ mới
của Ðại Việt chở về Kim Lăng. Sợ những sách này còn sót lại, năm 1418
lại cho hai nhà trí thức nhà Minh là Hạ Thanh và Hạ Thì sang Ðại Việt để
thu lượm cho kỳ hết những tác phẩm Ðại Việt. Ðại Tạng Kinh thực hiện và
ấn loát nhiều lần dưới triều Trần, mỗi lần in hàng ngàn cuốn, vậy mà
ngày nay sách Thiền Tông Chỉ Nam, Bình Ðẳng Sám Hối Khoa Văn của Trần
Thái Tông, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Ðại Hương
Hải Ấn Thi Tập, Trúc Lâm Hậu Lục và Tăng Già Toái Sự của Trúc Lâm Ðiều
Ngự và tám tác phẩm của Pháp Loa không tác phẩm nào còn lại. Thật đáng
tiếc chừng nào. Ðể thay thế cho sách Việt bị lấy mất, nhà Minh cho chở
sang nước ta những tác phẩm Trung Hoa về Nho giáo, Phật Giáo, Lão Giáo
cho người Việt học. Chính quyền đô hộ lập Tăng Cương Ty và Ðạo Kỳ Ty để
lo việc giáo dục Phật Giáo và Lão Giáo theo mẫu mực Trung Hoa.
Các
nho sĩ đời Lê, đáng lý phải ý thức được ý muốn thâm độc của nhà Minh,
nhưng trong gần hai thế kỷ, một phần vi thiếu ý thức về văn hóa dân tộc,
một phần vì kỳ thị Phật Giáo, không có nho gia nào chịu khó tìm tòi gầy
dựng lại vốn cũ. Phải cho đến gần cuối thế kỷ thứ mười tám mới có Lê
Quý Ðôn bắt đầu công việc ấy.
Sự
thu dụng những điều hay của các nền văn hóa khác vốn là một hành dộng
làm giàu cho nền văn hóa dân tộc. Tuy nhiên việc làm đó phải được thực
hiện trên căn bản vốn cũ của văn hóa dân tộc. Tinh thần cởi mở, hòa hợp
và từ bi của Phật Giáo đã duy trì hòa bình và thịnh vượng suốt trên ba
trăm năm. Những tệ đoan sinh ra trong Phật Giáo cố nhiên là phải từ bỏ,
nhưng tinh thần cởi mở, hòa hợp và từ bi ấy cần phải được bảo vệ. Các
nhà nho thời Trần mạt và thời Lê đã không thấy được điều đó.
Lương
Thế Vinh, nhà trí thức cự phách nhất của thời đại Lê Thánh Tông chỉ vì
sáng tác sách Phật mà sau khi chết không được thờ cúng trong văn miếu.
Ðiều này cho ta thấy tinh thần kỳ thị tôn giáo trong thời Lê nặng đến
dường nào. Các sử gia Ngô Sĩ Liên và Ngô Thì Sĩ bình luận về lịch sử
cũng mang nặng tinh thần kỳ thị đó trong khi phê bình các sự kiện lịch
sử đời Trần. Phẩm bình về vua Trần Thánh Tông, Ngô Sĩ Liên viết: “Vua là
người trung hiếu, nhân thứ, tôn người hiền, trọng kẻ sĩ; cha làm ra
trước, con nối về sau, cơ nghiệp của nhà Trần, cơ nghiệp của nhà Trần
được bền vững. Song ham mê đạo Tam Muội, nghiên cứu đạo Nhất Thừa, thì
không phải là đạo trị thế giỏi của đế vương”. Ngô Sĩ Liên lại viết về
Trần Nhân Tông: “Hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ
vang đời trước, thực là vua hiền của nhà Trần. Song vui lòng ở kinh
Phật, tuy bảo là đến siêu thoát nhưng không phải là đạo trung dung của
thánh nhân”(13). Ngô Thì Sĩ phê bình về kỳ thi tam giáo do vua Trần Thái
Tông tổ chức viết: “Ðạo chỉ có một thôi, ngoài đạo “Nhất Trung” ra,
không có còn đạo gì nữa. cũng như Trương Dung xem chim Hồng mà hiểu
rằng: Người Việt gọi là chim Phu, người Sở gọi là chim Ất; về người thì
có người Việt, người Sở, chứ về chim Hồng thì chỉ có một thứ chim Hồng
ấy thôi. Nhà Phật tự tôn đạo của mình lên, mới đặt ra ba thuyết ba người
bạn là Mao Ðẩu, Na Ẩn và Côn Sài; Mao Ðẩu là Ca Diếp Bồ Tát giáng sinh
làm Lão Tử, Na Ẩn là Tịnh Quang Bồ Tát giáng sinh làm Khổng Tử và Côn
Sài là Hộ Minh Bồ Tát giáng sinh làm Thích Ca. Do đó người đời tin tưởng
mê hoặc đặt ra phương pháp mặc và ăn mong được thành tiên, và ăn chay
tụng kinh mong được thành Phật, mà xét đến tông chỉ thì vẫn trống không,
thì chọn những người có thể ăn chay và tụng niệm như đạo sĩ và sa môn
để làm trò gì?”(14)
CÁI HỌC KHOA MỤC
Cái
học đời Lê không những bị giới hạn trong Nho giáo mà còn bị giới hạn
bởi khoa mục nữa. Lê Quý Ðôn viết về cái học dưới triều Lê Thánh Tông
như sau: “Học trò đua nhau nghiêng quá về mặt văn hay, chỉ cốt thêu chạm
lới phù câu thơ cho đẹp, hầu mong lấy bảng cao chức trọng cho sang, còn
phần khí tiết khẳng khái thì đã thấy tan tác suy nhược”(15). Thi văn
của đời Lê cũng chỉ chú trọng về ngâm vịnh. Nói rằng thơ văn để chuyên
chở đạo đức, kỳ thực đạo đức trong loại thi văn ấy chỉ là những hình
bóng khô cứng lặp lại mà không phải là sinh lực đạo đức phát tiết từ nếp
sống tâm linh. Phật học khi đã bị loại ra khỏi chương trình giáo khoa
và thi cử của triều đình thì lớp thanh niên chạy theo khoa bảng không
còn biết gì nữa về đạo Phật. Lời bàn của Ngô Thì Sĩ về những cuộc thi
Tam Giáo đời Trần cũng chứng tỏ ông không có kiến thức gì về đạo Phật và
đạo lão. Các nhà nho trình bày đạo Phật như là một tổng hợp mê tín và
dị đoan, cho Nho học là chính đạo, là đường lối duy nhất để dựng nước và
giữ nước, nói rằng các đạo Phật, Lão là tà đạo, rằng các đạo này không
tôn trọng nhân luân, trung hiếu, phế bỏ nguyên tắc quân, thần, phụ, tử.
Vì
lý do đó, và cũng là vì Phật học không còn giúp người leo lên thang
danh vọng nữa cho nên giới trẻ ít ai theo đòi Phật học. Ðây là một
nguyên nhân khá quan trọng cho sự suy đồi của đạo Phật trong hai thế kỷ
thứ mười lăm và mười sáu.
SỰ BIẾN DẠNG CỦA MẬT GIÁO
Ta
cũng biết rằng Mật Giáo nếu không khéo duy trì có thể biến thành phù
thủy, mê tín, dị đoan. Cuối đời Lý đạo Phật đã hầu bị những biến dạng
của Mật Giáo làm cho lu mờ sắc thái. May thay, các vị lãnh đạo Phật Giáo
đời Trần đã thanh lọc được Phật Giáo và lấy ra hết những hình thái mê
tín dị đoan.
Phật
học của Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Ðại Ðăng và Thánh Tông rất thuần túy
Thiền học, không bị mờ ám bởi những hình thức biến dạng của Mật Giáo.
Ðến đời Pháp Loa và Huyền Quang, dưới ảnh hưởng của Phật Giáo Trung Hoa
và Tây Tạng, Mật Giáo lại được khôi phục. Cùng với thời đại nhiễu
nhương. Mật Giáo mau chóng được biến chất và phủ lên trên sinh hoạt tín
ngưỡng bình dân một lớp màn mê tín và dị đoan. Sự phê phán Phật Giáo của
các nho gia một phần được căn cứ trên những hình thái sinh hoạt rườm ra
ấy của Phật tử.
THÓI QUEN Ỷ LẠI VÀO VUA CHÚA
Những
nguyên do quan trọng nhất đưa tới sự suy đồi của Phật Giáo cuối trần là
do thói quen ỷ lại của Phật tử vào sự ủng hộ của vua quan và những nhà
quyền quý. Thực vậy, trong các đời Lývà Trần, các vua đều học Phật, ủng
hộ Phật Giáo và tổ chức khoa thi Tam giáo, cho nên giới trí thức mọi nơi
đều học Phật. Ðến khi sự nương tựa trên vua quan không còn nữa thì Phật
Giáo mất thăng bằng. Dựa trên sự ủng hộ của các vị nhân vương, điều đó
Phật Giáo nước nào cũng làm, nhưng ỷ lại hoàn toàn vào họ, đó là một lầm
lẫn lớn. Bất động sản đã có, sự ủng hộ của dân chúng về việc cất chùa
đúc tượng lúc nào cũng sẵn sàng, đáng lý ra Giáo Hội Trúc Lâm đã phải
nhân cơ hội ấy để thành lập những thiền viện và những Phật học viện có
căn bản tự túc. Thể chế bất tác bất thực của thanh quy Bách Trượng đã có
sẵn, tại sao các vị lãnh đạo như An Tâm Quốc Sư và Phù Vân Quốc Sư
không lo tạo dựng căn bản tự túc cho tổ chức mình? Ðã đành trong nước
không được yên ổn thì không thể duy trì được sự thịnh trị của Phật Giáo
đời Pháp Loa và Huyền Quang nhưng nếu quý vị ấy chịu khó xây dựng nền
tảng học Phật tự túc thì cũng có thể duy trì Phật Giáo trong một mức độ
trung bình được. Các vị lãnh đạo Phật Giáo ấy đáng lý phải thanh kiểm
tăng đồ, kêu gọi tín đồ ngưng bớt việc làm chùa để đem tài sức ủng hộ
việc đào tạo tăng tài làm rường cột cho đạo pháp. Dân chúng vẫn cứ đủ
sức tiếp tục xây thêm chùa: mãi cho đến năm 1464 mà vua Lê Thánh Tông
còn phải ra lệnh cấm xây dựng thêm chùa mới(16). Như thế thì tiềm lực
Phật Giáo trong quần chúng nào phải là thiếu thốn?
Sau
khi nước nhà đã khôi phục được độc lập, các nhà lãnh đạo Phật Giáo Trúc
Lâm đã làm gì? Tại Yên Tử, nói theo An Tâm quốc sư và Phù Vân quốc sư,
còn có hai vị quốc sư khác: Vô Trước quốc sư và Quốc Nhất quốc sư.. Tước
hiệu quốc sư cố nhiên phải do chính quyền ban cho. Cũng như năm 1435,
vua Lê Thái Tông đã ban hiệu Tử Y Ðại Sa Môn cho Huệ Hồng thiền sư trụ
trì chùa Báo Thiên ở kinh đô. Các vị có địa vị lãnh đạo như những vị
trên đã làm gì để duy trì mệnh mạch của Phật Giáo? Hay là chỉ thỉnh
thoảng được mời tới để làm lễ cầu mưa, làm chay và làm lễ khai quang
điểm nhãn?
LƯƠNG THẾ VINH
Thế
kỷ thứ mười lăm chỉ ghi lại được một tác giả Phật Giáo: đó là trạng
nguyên Lương Thế Vinh. Lương Thế Vinh sinh năm 1441, mất vào năm nào
không rõ. Ông có tên tự là Cảnh Nghi, hiệu là Thụy Hiên, người làng Cao
Hương, huyện Thiên bản (sau đổi thành Vụ Bản) thuộc Sơn Nam (sau đổi là
Nam Ðịnh). Ông đậu trạng nguyên năm 1463, làm quan đến chức hàn lâm thị
thư, kiêm văn quán tứ lâm cục tư huấn. Và được dự làm sái phu của hội
Tao Ðàn(17) do Lê Thánh Tông thành lập. Tất cả văn thư giao tiếp với
Trung Quốc vua đều giao cho ông soạn thảo. Người Minh thường khen ngợi
tác giả các văn hàm ngoại giao do ông viết. Lê Quý Ðôn gọi ông là bực
“tài danh cao vót”(18). Tương truyền phép đo ruộng thành mẫu (tương
đương với 3.600 mét vuông), sào (360 mét vuông), thước (240 mét vuông)
và tấc (2,40 mét vuông) của ta là do ông đặt ra, do đó người dân gọi
phép đo là phép đo của Trạng Lường. Ông giỏi toán học, Phật học và cả về
sự khảo cứu sân khấu, âm nhạc nữa. Ông lại có tính hay khôi hài và ưa
đời sống giản dị. Ông là tác giả những sách sau đây:
1) Ðại Thành Toán Pháp, sách toán học.
2) Hý Phường Phổ Lục, viết về lịch sử hát chèo(*).
3) Thiền Môn Khoa Giáo, sách về Phật học.
Ông lại còn đề tựa sách Nam Tông Tự Pháp Ðồ.
Thiền Môn Khoa Giáo
Ðây
là một cuốn giáo khoa Phật học. Có người nói đây là một cuốn sách về
những nghi thức cúng tế trong Phật Giáo. Ðiều này không đúng. Chữ khoa
trong Phật học có nghĩa là phân tích văn mạch và làm cho rõ ý từng đoạn.
Văn đây là nguyên văn của kinh điển. Trong lúc Phật Giáo suy đồi, thầy
cúng nhiều hơn thầy tu, nghi thức cúng tế tràn đầy trong Phật Giáo thì
soạn thêm nghi thức cúng tế là việc thừa. Có thể vì nhận thấy sách giáo
khoa Phật Giáo soạn thảo dưới đời Trần đã mất hết cho nên Lương Thế Vinh
mới biên tập một cuốn sách giáo khoa Phật học để giúp người chưa biết
Phật học đi vào Phật Giáo một cách dễ dàng. Chắc hẳn nhà chùa lúc ấy đã
in sách Thiền Môn Khoa Giáo. Tiếc thay, tác phẩm này đã thất lạc chưa
tìm lại được.
Nam Tông Tự Pháp Ðồ
Sách
này, có bài tựa của Lương Thế Vinh có lẽ cũng đã được khắc bản lưu
truyền, và cũng đã bị thất lạc chưa tìm lại được. Ðây là một cuốn sách
nói về lịch sử truyền thừa của đạo Phật ở Việt Nam do thiền sư Thường
Chiếu (mất năm 1203) viết vào cuối đời Lý.
Sách
Ðăng Khoa Lục Sưu Giảng của Trần Tiến(19) nói rằng vì Lương Thế Vinh đã
sáng tác kinh Phật cho nên không được thờ cúng trong văn miếu thờ Khổng
Tử.
THẬP GIỚI CÔ HỒN QUỐC NGỮ VĂN
Có
người cho rằng tác phẩm Nôm Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn, nói là của
Lê Thánh Tông, được giữ lại trong bộ Thiên Nam Dư Hạ Tập, chính là do
Lương Thế Vinh sáng tác. Vũ Phương Ðề, một người đồng thời với Trần Tiến
và cùng đậu tiến sĩ như Trần Tiến đã nói rằng: Lương Thế Vinh “từng
sáng tác Phật Kinh Thập Giới”có thể là Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn.
Nhưng nhận xét nội dung Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn, thì thấy tác phẩm
không thể là của Lương Thế Vinh. Trần Văn Giáp(20) cho rằng bài Thập
Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn, không phải là của Lê Thánh Tông: “Theo lời của
Vũ Phương Ðề... Lương Thế Vinh là một vị trong tao đàn đời Lê Thánh
Tông, chỉ vì làm bài Phật Kinh Thập Giới mà đã bị các nhà nho là bạn
đồng nghiệp chê cười mãi, đến khi đã lên thiên cung, đang giảng dạy học
trò mà vẫn còn áy náy mãi. Huống chi là Lê Thánh Tông tự gọi là tao đàn
nguyên soái, khi nào lại có thể cho phép đưa một bài văn Nôm vào trong
bộ sách lớn của triều đình. Sách này lại là sách ghi chép lại toàn điển
lệ, cáo sắc v.v... Vậy đối với Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn chưa nghiên
cứu được sâu rộng, tôi chưa dám khẳng định là của ai, và làm vào thời
nào. Chỉ biết nó không ở đúng chỗ của nó. Nó là một bài văn ở đâu đó,
người ta đưa giả mạo vào sách Thiên Nam Dư Hạ Tập để lừa dối độc giả”.
Không
chắc quan điểm của Trần Văn Giáp là đúng. Trong Thiên Nam Dư Hạ Tập ta
thấy có chép thơ văn của hội Tao Ðàn, trong đó có Quỳnh Uyển Cửu Ca.
Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ là một tác phẩm Nôm quan trọng, sao lại không
thể đưa vào Thiên Nam Dư Hạ Tập, nhất là khi tác phẩm này do Tao Ðàn
Nguyên Soái sáng tác.
Chưa
có lý do gì để ta nói rằng bài này không phải là của Lê Thánh Tông. Bài
văn tuy lấy cảm hứng ở đoạn văn thỉnh thâp loại cô hồn trong Giu Dà
Khoa Nghi, nhưng không phải là một bài văn do một người có cảm tình
nhiều với đạo Phật như Lương Thế Vinh làm. Ðó cũng không phải là một bài
văn có thể thực sự dùng vằo việc cúng cô hồn hay răn dạy cô hồn. Nó có
ảnh hưởng cảnh cáo người sống hơn là “răn dạy” người chết. Ðó là tác
phẩm của một thi sĩ nho gia mượn đề tài Phật Giáo. Bài thơ nói về cô hồn
của các tăng sĩ có những câu sau đây:
Thân tâm rửa sạch quê hà hữu
Giới hạnh vâng đòi giáo Thích Già
Nói những thiên đường cùng địa ngục
Pháp sao chẳng độ được mình ta?
Ta
thấy hai câu thơ cuối cùng có tính cách đùa bởn và trên chọc, không
phải là văn nghi lễ, cũng không phải là văn”răn dạy” người chết. Trong
khi chưa có dữ kiện nào khác, ta hãy tạm cho tác phẩm này là của vua Lê
Thánh Tông, bởi khí vị văn chương phảng phất có hương vị một tác phẩm
của “Tao Ðàn Nguyên Soái”. Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn là một tác phẩm
Nôm cổ gồm có một đoạn mở đầu và mười đoạn nói về mười giới cô hồn: 1)
thiền tăng; 2) đạo sĩ; 3) quan liêu; 4) nho sĩ; 5) thiên văn địa lý; 6)
lương y; 7) tướng quân; 8) hoa nương; 9) thương cổ; 10) đãng tử.
Sau đây là đoạn mở đầu:
“Riêng
xét vậy: ngựa cửa sổ, kiến đầu cành, xem ngày tháng dễ qua thoan thoát;
bọt ghềnh sóng, vờ mặt nước, tựa thân thời kíp biến mờ mờ. Cổ thời nhẫn
kim; sinh thời có hóa. Ấy vậy, hồn là thần, phách là quỷ; no nên bụt,
đói nên ma. Khó miễn sang mặt há khác nhau; đói cũng rách lòng thời cũng
vậy. Kìa Khổng Tử ách nơi Trần, Thái, mặt đã rầu rầu; nọ Lương Vũ khốn
thủa Ðài Thành, dạ đà lép lép. Tín có thủa lượm tay Phiếu mẫu; bá nhiều
phen hổ mặt đồ lê. Tô Lang nằm lỗ gia ăn sương, ruột sầu rười rượi; Chu
Dị thấy hạt cơm bám mà lòng tiếc bùi ngùi. Ấy thánh hiền những đấng anh
hùng; phải cơ khát đoái chi liêm sỉ. Huống chi cô hồn bay: thác sinh
trần thế, chịu âm dương. Có quân tử, có tiểu nhân, chẳng cùng một đấng;
trong phong quang, trong nghệ nghiệp, tới ngót mười loài. Ai ai cải lấy
lòng phàm; khăn khăn cùng thời nghe giới”.
Và đây là đoạn nói về giới thiền tăng:
“Chịu
giáo Thích Già, thìn lòng trì giới. Nhuộm sa vàng màu tươi bông cải;
sơn thác đỏ thức chuốc lệch bầu. Mũ tỳ lư rập tăm tắp vỏ dừa, đội khi
hầu nắng, gậy tích trượng chỉn lô nhô đốt trúc, chống thủa còn sương.
Lần sổ châu chuốt hạt kim cương; quét đôi guốc dạo non linh thứu cương;
quét đôi guốc dạo non Linh Thứu. Kinh Pháp Hoa giảng đã mưa nhộc nhộc,
đượm áo nạp đầm đầm; Phiến bối diệp tung gió thổi hiu hiu, quét lòng
trần thây thẩy. Già lẫn chiền là nơi ăn ở ; khói cùng mây ấy chốn láng
giềng. Hái củi quế tiển trà, khủng khinh một bình một bát; nằm am mây
tắm suối, nửa bụt nửa tiên. Náu từ bi kín nước tưới hoa; ngồi thiền định
thiêu hương chúc thánh... Ngỡ là ba ngàn cung Ðâu Suất được thoát thân
phàm; chẳng cộc mười hai cửa Phong Ðô gây nên mông họa. Hỡi ôi! Sống bởi
chưng chưa sạch mọi lòng nhẫn nhục; thác hco phải chịu khó diệt tân
toan.
Kệ than rằng:
Một bình bát một cà sa
Náu chốn chiền già làm cửa nhà
Kinh giã ngọc lâu hương lọn triệu
Ðịnh lui thiền viện bóng xoay hoa
Thân tâm rửa sạch quê Hà hữu
Giới hạnh vâng đòi giáo Thích già
Nói những thiên đường cùng địa ngục
Pháp sao chẳng độ được mình ta?
Những
danh từ Linh Thứu, Pháp Hoa, Bối Diệp, Ðâu Suất... là những từ phổ
thông thường hay nói đến, được tác giả đem dùng cho có vẻ như một đoạn
văn thực sự nói về giới thiền tăng.
Chúng ta hãy đọc một đoạn văn nói về giới nho sĩ sau đây để so sánh, nhất là về phương diện điển tích:
“Ham
nói nho phong, toàn nghề cử tử. Cơm áo nhờ ơn cha mẹ; Ðêm ngày đọc sách
thánh hiền. Củi quế gạo châu, kham khổ nằm chung trường ốc; song huỳnh
án tuyết, dùi mài mến nghiệp thi thư. Giấy làm ruộng, bút làm cày; hôm
xem kinh, mai xem sử. Trướng Mã Dung, màn Ðổng Trọng, lạnh lùng nào quản
tuyết sương; đèn Hàn Tử, gối Ôn Công, thức nhắp chẳng lìa nhật dạ. Lặn
lội rừng Nho bể học; ngâm nga ý Khổng lòng Chu. Công đăng hỏa đã dày;
tài văn chương càng nhọn. Lẽ lưỡi nuốt chằm Vân Mộng, cách nương long dư
ngàn đội giáp binh; chép miệng luận sư Tôn Ngô, rủ tay áo n ăm bảy
thiên thao lược. Ðứng tao đàn gióng cờ nghe trống; đến tự tường ngang
tích cầm thương. Tuyết Bá Ngạn hoa Ðỗ Lăng, chẳng câu chẳng lạ; thiếp
Lan Ðinh tập Liên Xã mọi khúc mọi mầu. Thơ ngâm quỷ khốc thần sầu; khúc
ngợi non cao nước chảy. Buộc miệng nuốt châu là ngọc; day tay giở cức
bắn dương. Sách đối đan trì, văn chói chói gấm trên bà ngựa; tên bay kim
bảng, tiếng sầm sầm sấm dưới đất bằng. Ruổi dặm dài quyết chí côn bằng;
giúp đời trị mừng điềm lân phượng. Ngỡ là bể Doanh Châu, non Bồng Ðảo,
mình được hóa tiên; chẳng cốc quê Hoàng nhưỡng, núi Bắc mang, thân đà
nên quỷ. Hỡi ơi! Sống bởi chưng bàn bạc sự người; thác cho phải phiêu
lưu đôi chốn.
Kệ than rằng:
Kềnh kềnh áo bả lẽn khăn sa
Trường ốc hôm mai để lệ nhà
Lạnh lẽo đường thu như án tuyết
Nắng sương mấy phút lọn hài hoa.
Tài cao hơn nữa Công Tôn sách
Sự thịnh còn truyền Nịnh Thích ca
Bút mực chẳng quên bề chí lũ
Lộc cao sao khéo lỡ người ta”.
Các
bài thơ kệ đều lấy vần sa, chứng tỏ có sự họa vần ngâm vịnh; điều này
khiến sta nghĩ đến hội Tao Ðàn. Ta cũng lại nhận thấy rằng đoạn nói về
nho sĩ đầy dẫy điển cổ: Mã Dung, Ðổng Trọng, Hàn Tử, Ôn Công, Bá Ngạn,
Ðỗ Long, Lan Ðình, Liên Xã v.v... So sánh, ta thấy ngay một sự mất thăng
bằng lớn về điển tích. Về giới nho sĩ nói đến đèn Hàn Tử, gối Ôn Công,
thì về giới thiền sư đáng lý phải nói “trà Triệu Châu, bánh Vân Môn” hay
“củi Tuyết Phong, đá Thạch Ðầu”(21)chẳng hạn. Ðiều này càng cho ta thấy
như đã nói một lần, tác giả là một nhà nho lấy đề tài Phật học để ngâm
vịnh.
CHÂN NGHIÊM VÀ SÁCH THÁNH ÐĂNG LỤC
Thiền
sư Chân Nghiêm sống vào giữa thế kỷ thứ mười sáu, dưới thời Mạc, là một
người có liên hệ với truyền thống Trúc Lâm Yên Tử. Ông đã cho khắc in
sách Thánh Ðăng Lục và viết bài tựa cho sách ấy. Sách in năm 1550. Thiền
sư Chân Nghiêm trú trì chùa Sùng Quang xã Xuân Lan, huyện Cẩm Giàng,
Hải Dương. Bài tựa của ông không thấy có đề năm tháng. Ta biết được niên
đại khắc bản của sách là nhờ một bài tựa khác do thiền sư Tinh Quảng ở
Thềin Phong Viện núi Tử Sầm viết vào năm 1750 khi sách này được khắc bản
lần thứ ba. Cũng theo Tính Quảng thì vào năm 1705 sách được khắc bản
lần thứ hai, do thiền sư Chân Nguyên (1646-1726) chủ trương. Lần khắc
bản thứ ba năm 1750 là do một vị đệ tử của Chân Nguyên tên là Tính Lương
thực hiện. Chính Tính Lương đã nhờ thiện hữu của mình là Tính Quảng
viết bài tựa của kỳ in này. Tính Quảng viết bài tựa: “Cuối thu, chiều
ngày 25 tháng này, lúc tôi đang đọc tại Nghi Thạch Song thì thấy một
thiện hữu là Tính Lương lên núi. Tôi chào hỏi, mời ngồi. Hỏi thì Tính
Lương bảo từ Tứ Kỳ Hải Dương tới, lấy trong tay áo ra sách Trùng San
Thánh Ðăng Lục hai cuốn bằng giấy trắng vài tờ, nói rằng: “Xưa thầy tôi
là Tuệ Ðăng Hòa thượng lúc ở chùa Long Ðộng có san khắc bản lục này vào
năm Ất dậu, đến nay đã được bốn mươi sáu năm. Bản ấy thất lạc, làm cho
giới Thiền học muốn truy ra tông phái của thánh giáo khó mà ấn chứng
được...” Những ấn bản hiện có của Thánh Ðăng Lục chỉ là những ấn bản gần
đây. Bản thứ nhất có tên Thánh Ðăng Lục, do thợ khắc ở Liễu Tràng thực
hiện năm 1848. Sách này có mang hàng chữ Trùng San Thánh Ðăng Lục Tinh
Tuyển Phật Ðồ Tự, nhưng không có hình ảnh nào. Bản thứ hai không biết ấn
hành năm nào, có tên là Thánh Ðăng Ngữ Lục và Việt Quốc An Tử Sơn Trúc
Lâm Chư Thánh Ðăng Ngữ Lục. Bản này có bài bạt của Thích Huệ Tử, ở am
Trí Nhàn (Hải Dương?), lại có hình vẽ.
Sách
Thánh Ðăng Lụchay Thánh Ðăng Ngữ Lục chỉ chép về cuộc đời và sự tu tập
của năm vị vua đầu đời Trần, nội dung không giống sách Tam Tổ Thực Lục
chỉ nói về vua Trần Nhân Tông và hai vị tổ Pháp Loa, Huyền Quang. Sách
An Tử Sơn Trúc Lâm Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh bằng chữ Nôm do thiền
sư Chân Nguyên cũng có tài liệu trong các sách Khóa Hư và Tam Tổ Thực
Lục. Trên nguyên tắc, sách nói về Năm vua và Ba tổ nhưng sự thực phần
lớn nội dung là để dành cho Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông. Như vây,
Chân Nguyên, ngoài việc san khắc Thánh Ðăng Lục bản chữ Hán, còn căn cứ
vào đó để viết thành một tác phẩm Nôm. Hai câu gần cuối sách sau đây
nghe như là mục đích của tác phẩm:
Ðem Thánh Ðăng Lục giảng ra,
Khêu đèn Phật tổ sáng hòa tam thiên.
Ta
không biết gì nhiều về Chân Nghiêm thiền sư, người đã san khắc Thánh
Ðăng Lục lần đầu. Thánh Ðăn Lục có nhiều tài liệu trùng hợp với Khóa Hư
Lục và Tam Tổ Thực Lục. Tác phẩm này có thể nói được soạn lục căn cứ
trên hai tác phẩm kia. Chúng ta biết rằng Thánh Ðăng Lục được soạn thảo
sớm lắm là sau khi Minh Tông mất, bởi vì sách nói về sự tu hành của năm
vị vua Trần mà vua thứ năm là Minh Tông. Phần thứ hai của Sách Tam Tổ
Thực Lục viết về Pháp Loa, do Trung Minh biên tập và chính tay Huyền
Quang khảo đính, không thể nào được viết sau Thánh Ðăng Lục được. Mà nếu
trong thời Huyền Quang, phần hành trạng về Pháp Loa đã được hoàn tất
thì chắc chắn phần hành trạng về Trúc Lâm Ðiều Ngự cũng đã được hoàn
tất. Nếu không thì đó là một sự thiếu sót và bất kính đối với Nhân Tông,
tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm. Có người nêu lên sự kiện là trong
phần hành trạng của Trúc Lâm, sau tiêu đề “An Tử Sơn Ðệ Nhất Tổ Trúc Lâm
Ðại Sĩ Thực Lục” có câu “Án Thánh Ðăng Lục...”(căn cứ trên Thánh Ðăng
Lục) để cho sách Tam Tổ Thực Lục được viết sau Thánh Ðăng Lục. Ðiều này
không đúng, bởi vì câu “Án Thánh Ðăng Lục...” chắc chắn đã thêm vào
trong những kỳ khắc bản sau này. Duy phần thứ ba của Tam Tổ Thực Lục,
viết về cuộc đời Huyền Quang, ta không thể nói chắc rằng đã được viết
trước Thánh Ðăng Lục. Xét nội dung thì thấy rất có thể nặng phần này đã
được viết sau Thánh Ðăng Lục.
--------------------------------------------------------------------------------
(9) Theo Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ðại Than thiền sư là một vị quốc sư
(10)
Năm 1311, vua Chiêm Thành là Chế Chí sai trại chủ Câu Chiêm sang triều
cống Ðại Việt. Ðoàn Nhữ Hài dụ Câu Chiêm, nói rằng nếu Câu Chiêm giúp
làm nội ứng để Ðại Việt đánh Chiêm Thành thì sẽ được hậu đãi. Rồi phao
tin Chế Chí phản trắc, đem quân sang đánh Chiêm Thành. Lại năm 1376, khi
Chế Bồng Nga cho đem mười mâm vàng sang để tạ tội và ước hẹn sẽ tôn
trọng điều cam kết không quấy phá biên giới Ðại Việt nữa thì Ðỗ Tử Bình
lúc bấy giờ đang trấn giữ Châu Hóa, giấu vàng đi làm của riêng, và tâu
về triều là Chế Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, nên đem quân sang đánh. Vua Duệ
Tông giận lắm bèn thân chinh đi đánh Chiêm Thành.
(11) Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư
(12) Dười thời vua Dụ Tông
(13) Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư
(14) Việt Sử Tiêu Án
(15) Kiến Văn Tiểu Lục
(16) Khâm Ðịnh Việt Sử Khâm Giám Cương Mục
(17)
Hội Tao Ðàn do Lê Thánh Tông lập ra năm 1495 để sáng tác và phê bình
văn học. Lê Thánh Tông là Tao Ðàn nguyên soái. Các ông Thân Nhân Trung,
Ðỗ Nhuận, Thái Thuận là phó nguyên soái. Lương Thế Vinh làm Tao Ðàn sái
phu. Hội Tao Ðàn có chừng ba mươi người.
(18) Kiến Văn Tiểu Lục
(*) Thật ra, quyền này chỉ là tương truyền, chưa ai nhìn thấy tận mắt văn bản. (N.H.C)
(19) Người tỉnh Hải Dương, làm chức Thượng Thư triều vua Lê Hiển Tông.
(20) Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Hà Nội, 1970
(21)
Ðèn Hàn Tử: đèn của Hàn Dũ; thơ Hàn Dũ (đời Ðường) có câu: “Phần cao du
di kế quỹ, hằng ngột ngột dĩ dùng niên” nghĩa là đốt đèn dầu để tiếp
nối bóng mặt trời, thường cặm cụi suốt năm.
Gối Ôn Công: Ôn Công (đời Tống) chăm học, sắm một các gồi tròn để nằm đọc sách. Hể buồn ngũ thì gối lăn, đánh thức mình dậy.
Trà
Triệu Châu: Thiền sư Triệu Châu (778-897) hỏi một trong hai vị tăng mới
đến: “Thầy đã đến đây lần nào chưa?” Trả lời: “Chưa”. Triệu Châu nói:
“Uống trà đi”. Lại hỏi vị tăng kia: “Thầy đã đến đây lần nào chưa?” Trả
lời: “Rồi”. Triệu Châu nói: Uống trà đi”. Vị Viện Chủ thiền viện hỏi
Triệu Châu: “Người chưa từng đến thì dạy “uống trà đi” còn vị đã từng
đến cũng dạy “uống trà đi, thế là thế nào?” Triệu Châu gọi: “Viện Chủ!”
Viện Chủ đáp: “Dạ!” Triệu Châu nói: “Uống trà đi”. Câu chuyện đó trở
thành công án thiền học.
Bánh
Vân Môn: Một hôm có vị thiền giả đến thăm thiền sư Vân Môn (881-966).
Vân Môn cầm một chiếc bánh đưa lên, không nói gì; vị thiền giả lĩnh hội
ngay được thiền ý khỏi cần qua trung gian văn tự.
Củi
Tuyết Phong: Tuyết Phong Nghĩa Tồn thiền sư (822-908) một hôm đem đặt
một bó cũi trước mặt thiền sư Lương Giới (người sáng lập tông Tào Ðộng).
Lương Giới hỏi: “Nặng nhiều ít?” Tuyết Phong: “Cả loài người trên mặt
đất xúm lại cũng không đỡ lên nổi”. Lương Giới: “Sao đem tới đây được?”
Thiền sư Tuyết Phong không trả lời được.
Ðá
Thạch Ðầu: Mã Tổ tss (707-786) hỏi Ẩn Phong: “Ði Ðâu?” Ẩn Phong đáp:
“Ði lên núi Thạch Ðầu”. Mã Tổ: “Ðường lên núi Thạch Ðầu đá trơn nguy
hiễm lắm”. Ẩn Phong: “Ðã có cây gậy tùy thân, không lo”. Liền đi tới
Thạch Ðầu Sơn chống gậy nói: “Tông chỉ nào?” Thạch Ðầu la lên: “Trời
xanh, Trời xanh”. Ẩn Phong lặng yên, về kể chuyện ấy với Mã Tổ. Mã Tổ
nói: “Nếu tới lần nữa mà ông ta còn nói “trời xanh,trời xanh” thì đằng
hắng hai lần. Ẩn Phong y lời, tới hỏi cùng câu hỏi. Thạch Ðầu đằng hắng
hai lần, Ẩn Phong không biết nói ra sao, liền trở về báo cáo với Mã Tổ.
Tổ nói: “Ta đã nói: đường lên Thạch Ðầu đá trơn lắm mà người không tin.”